Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/04/2020

Hiệp hội Lương thực là một hội đoàn độc quyền nhà nước

Võ Hàn Lam

Hiệp hội Lương thực Việt Nam : Kém hiệu quả, kém minh bạch, chỉ là sân riêng của doanh nghiệp nhà nước.

gao1

Đó là kết luận của một khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, và đã chỉ ra hàng loạt vấn đề trong cách thức tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Chành cơ chế’

Trong con mắt quản trị học hiện đại, chành vựa không chỉ là khâu trung gian phân phối – thu mua mà còn là hệ thống quản trị các mối quan hệ, nền tảng bảo đảm sự vận hành của các hệ thống này.

Trước năm 1975, chành là nơi dự trữ lúa, vay vốn ngân hàng, cung ứng xuất khẩu và mua gạo cho tổng cục thực phẩm của chính quyền Sài Gòn. Hệ thống chành gồm có kho, mua lúa, kể cả lúa non và tín dụng nhỏ, nhà máy xay gắn với hệ thống làm ăn ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Chành gắn với thương nhân ở chợ. Mọi việc đều lấy lòng tin làm trọng. Chành phải có điểm giao nhận ở miền Tây và Sài Gòn, có kho tạm tương ứng hoặc liên doanh làm kho tạm, có đội xe tải, có người nhận hoặc phát hàng.

“VFA đã ra đời dựa trên ý chí của một bộ phận các cơ quan quản lý nhà nước, với kỳ vọng sẽ trở thành cánh tay nối dài của Chính phủ để quản lý ngành gạo”, báo cáo của VEPR nhấn mạnh. Báo cáo cũng cho biết bộ máy quản lý, điều hành của VFA được xây dựng với đầy đủ các vị trí, ban bệ và bộ phận giúp việc nhưng thực tế hoạt động rất kém hiệu qua và kém minh bạch.

Theo điều lệ thì VFA được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, nhưng vị trí chủ tịch hiệp hội lại vẫn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê chuẩn. Vị trí này cũng thường do lãnh đạo của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thay nhau đảm nhận. Nhiều mâu thuẫn nội bộ bùng phát từ đây, khi liên tục có sự thiếu minh bạch và tự nguyện trong bầu cử lãnh đạo.

Hiểu nôm na, VFA là ‘chành cơ chế về lúa gạo xuất khẩu’ với quyền lực độc quyền nhà nước được bảo hộ bằng những chính sách được gọi là ‘thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Hoàn toàn không có một cạnh tranh nào khác ở đây với VFA.

Sở dĩ gọi là ‘chành cơ chế’ vì doanh nghiệp khi cần mua gạo thành phẩm, chỉ cần đặt hàng cho thương lái: Loại gạo nào, số lượng bao nhiêu, giá cả ra sao. Vậy là xong. Còn trong chương trình hoạt động hàng năm của VFA chủ yếu chỉ xoay quanh chuyện hạn ngạch xuất khẩu gạo là bao nhiêu, đấu thầu tập trung ở đâu, tóm lại là “phân chia mâm bát”.

Còn việc nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu, nâng cao giá mua lúa, đồng nghĩa với việc nâng cao lợi nhuận cho nông dân, bằng các biện pháp như phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức lại hệ thống thu mua, công nghệ sau thu hoạch thì VFA gần như không thèm ngó ngàng tới.

Không những thế, những khi giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh, để cứu nhiều doanh nghiệp thành viên vì đã lỡ ký hợp đồng xuất khẩu gạo giá thấp khi chưa có sẵn chân hàng trong kho, VFA lại thường tìm cách “dìm” giá lúa xuống. Vừa rồi nhân chuyện dịch bệnh đến từ con virus Vũ Hán, VFA đã lobby thành công qua ‘trung gian’ Bộ Công thương trong chuyện khiến Chính phủ ra quyết định dừng mọi chuyện xuất khẩu. VFA còn không ngần ngại luôn chiêu thức tung tin ảo về giá cả và nguồn dự trữ lúa gạo (*).

Số là năm 2019, Vinafood 1 xuất gạo cho Cuba và Malaysia với giá 355 USD/tấn, rồi ép giá thu mua của nông dân : 4.200 đ/kg lúa 504, nên lời to! Quen ăn trên mồ hôi nông dân, đầu năm 2020, Vinafood 1 ký hợp đồng bán gạo cho Cuba giá 365 USD/tấn, Malaysia giá 334 USD/tấn, tổng cộng 490.000 tấn.

Ai dè, năm 2020, nông dân giảm diện tích trồng lúa 504 để trồng lúa thơm. Nên đầu tháng 3/2020, giá lúa 504 lên 5.100 đ/kg – 5.300 đ/kg, quy gạo phải 380 USD/tấn. Vinafood 1 cầm chắc lỗ 400 tỷ đồng, nên xúi Bộ Công thương xin Thủ tướng dừng xuất khẩu gạo, để giá lúa trong nước giảm !..

Vì sao không có các hiệp hội lương thực của những nhà nông ?

Lão nông Nguyễn Ngọc Hưởng ở ấp B1, xã Thạnh Thắng, Vĩnh Thạnh – Cần Thơ, nói rằng, “Nông dân chúng tôi một nắng hai sương, chân lấm tay bùn để làm ra hột gạo nhưng lại là người chịu thiệt thòi nhất. Để có được hột lúa, nông dân phải làm việc quần quật trên đồng ruộng mấy tháng trời, nớp nớp lo thiên tai dịch bệnh nhưng mỗi ký lúa giỏi lắm cũng chỉ lời được chừng 1.000 – 2.000 đồng.

Trong khi doanh nghiệp, chỉ làm cò mua đi bán lại thôi đã lời hơn cả nông dân, còn nếu xuất được giá thì có khi lời gấp 4-5 lần cái lời của nông dân. Đó là lúc giá lên, làm ăn thuận buồm xuôi gió, còn lúc giá xuống thì nông dân còn lãnh đủ hơn nữa. Giá tuột thì doanh nghiệp phải bán giá thấp, trong khi họ vẫn giữ phần lời của mình do đó là chỉ còn cách quay lại ép giá nông dân.

Mặc dù vậy, nhiều năm qua chúng tôi cũng chẳng thấy vai trò của VFA ở đâu, họ giúp được gì cho nông dân? Tiếng là VFA, nhưng thực chất họ chỉ chăm chăm cho lợi ích của mình… còn hàng triệu nông dân chân lấm tay bùn làm ra hạt gạo lại bị đẩy ra rìa. Thử hỏi trong cả trăm đơn vị thành viên của VFA trên khắp cả nước, có được bóng dáng anh nông dân nào không? Không chỉ vậy mà họ còn xa rời nông dân vì hiện nay chỉ thấy thương lái đi thu mua lúa của nông dân, họ chỉ ngồi đó mua lại gạo nguyên liệu rồi chế biến xuất khẩu kiếm lời, thế là xong”.

Lão nông Châu Văn Điệp A, cựu chủ tịch Hội Nông dân xã An Tức, Tri Tôn, An Giang, nói rằng nếu chưa có sự cạnh tranh về vấn đề hội đoàn, thì cần hạn chế quyền lực của VFA.

“Theo điều lệ thì VFA là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, nông sản và các sản phẩm chế biến từ lương thực. Vai trò chính của VFA là kiến nghị, tham gia ý kiến với các cơ quan Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến chỉ đạo, điều hành xuất – nhập khẩu lương thực… Tuy nhiên, không hiểu sao VFA lại được giao quyền sinh, sát trong điều hành xuất khẩu gạo, quản lý đầu ra của hạt gạo Việt Nam. Nói đúng hơn là VFA đang hoạt động như một cơ quan quản lý nhà nước hơn là tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Đó là chưa kể trong những năm qua, VFA đã nhiều lần có những kiến nghị chết người, dẫn đến hạt gạo Việt Nam bị mất cơ hội bán giá cao, bí đầu ra, gây thiệt hại cho nông dân hàng triệu USD.

Người nông dân vẫn phải tự bơi dù mang tiếng là có VFA. Có lẽ đã đến lúc đã đến lúc phải tiến hành làm cuộc đại phẫu lại việc điều tiết xuất khẩu gạo để hạn chế bớt quyền lực của VFA; hay tốt hơn hết là hãy đoạn tuyệt những độc quyền nhà nước trong hội đoàn” – ông Châu Văn Điệp A, nhấn mạnh.

gao2

Tạm kết hồi một về chuyện VFA bằng thông tin mà nhiều người nhận định đây chỉ là ‘hạ màn – chuyển cảnh’: Tổng cục Hải quan đã cho mở cổng đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020 vào lúc 2 giờ của đêm về sáng Chủ nhật 12-4. Nhiều doanh nghiệp do không biết thông tin này nên đành kêu trời vì không bán được gạo.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 14/04/2020

________________

Chú thích :

(*) Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, cùng các thông tư liên quan cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và FTA cùng chịu trách nhiệm về việc điều hành xuất khẩu gạo.

************************

Làm tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm : Sân chơi không bình đẳng

RFA, 13/04/2020

Sau khi có quyết định của Thủ tướng chính phủ và của Bộ Công thương cho xuất khẩu gạo trở lại, chỉ trong khoảng 3 tiếng đồng hồ toàn bộ hạn ngạch đã hết, khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ vì không được thông báo trước ngày mở cửa, cũng như vào thời điểm nửa đêm, ngày cuối tuần.

gao3

Ảnh minh họa chụp tại một cửa hàng bán gạo ở Đà Nẵng trước đây. Reuters

Không công bằng ?

Hệ thống online của Tổng cục Hải quan bất ngờ mở cửa cho khai báo xuất khẩu gạo lại vào lúc 0giờ30 sáng 12/4/2020. Chỉ trong vòng từ 0g30 đến khoảng 3g30 số lượng đăng ký xuất khẩu gạo trên website của hải quan là 399.999,73 tấn gạo. Đến ngày 13/4, cổng thông tin của Tổng cục Hải quan báo lỗi, không còn hiển thị sản lượng gạo xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho truyền thông trong nước biết, họ rất thất vọng vì không mở được tờ khai hải quan. Sau khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu 400.000 tấn gạo, nhiều doanh nghiệp đã cử nhân viên túc trực mở tờ khai hải quan cả ngày 11/4, nhưng lúc đó, cổng đăng ký tờ khai hải quan vẫn chưa mở.

Sau đó Tổng cục Hải quan lại cho đăng ký lúc nửa đêm, ngày cuối tuần mà không hề có thông báo trước với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Ông Trần Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc chuyên ngành hàng lúa gạo Công ty xuất nhập khẩu Dung Nam, có trụ sở tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, xác nhận với Đài Á Châu Tự Do hôm 13/4/2020, liên quan thông tin này :

"Về tình hình xuất khẩu gạo, hôm rồi theo chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Công thương cho hạn ngạch tất cả doanh nghiệp tổng cộng 400 ngàn tấn. Nhưng khi thông quan và mở hải quan lúc giữa khuya, thì từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng đã đủ 400 ngàn tấn. Trong khi đó, những doanh nghiệp biết trước tin này thì vô mở tờ khai hải quan được, còn những doanh nghiệp không biết thì không thể đăng ký được hạn ngạnh xuất khẩu".

Theo ông Trần Tuấn Kiệt, ngay cả những doanh nghiệp biết trước, đăng ký được, thì cũng có nhiều doanh nghiệp bị tờ khai hải quan phải xem xét lại, chưa thông quan để xuất khẩu. Ông Kiệt giải thích thêm vể thủ tục đăng ký hải quan hiện nay :

"Mở thủ tục xuất khẩu gạo bây giờ đều khai báo trên hệ thống online hết, chứ không cần vô trụ sở Hải quan. Chỉ cần vô trang web của Hải quan nhập thông tin công ty, mã code của đơn vị, nhập các thông số sản phẩm, số container... được hết... chỉ sử dụng online. Nhưng trong đêm đó (rạng sáng ngày 12/4), một trăm mấy chục, gần 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo ít ai biết thông tin này, chỉ có những người có thông tin trong hải quan rò rỉ ra, họ mới biết rồi họ truyền tai nhau, thì mới thực hiện được thôi. Chứ các doanh nghiệp khác, ban đêm ban hôm, đâu có làm việc đâu mà người ta biết xuất khẩu gạo ban đêm".

Đài Á Châu Tự Do hôm 13/4/2020, nhiều lần liên lạc Tổng cục Hải quan, để hỏi về vấn đề này, tuy nhiên mọi cố gắng đều không thành công.

gao4

Chỉ trong vòng từ 0g30 đến khoảng 3g30 số lượng đăng ký xuất khẩu gạo trên website của hải quan là 399.999,73 tấn gạo. Hình do ông Kiệt cung cấp

Trả lời báo chí trong nước chiều ngày 13/4, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, quá trình doanh nghiệp thực hiện khai báo tờ khai xuất khẩu gạo là hoàn toàn tự động trên hệ thống, không có sự can thiệp của con người. Khi tờ khai được gửi lên, hệ thống sẽ tự động trừ lùi số lượng gạo mà doanh nghiệp đã đăng ký. Với số dư gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4, Tổng cục Hải quan sẽ thông tin công khai trên website của Tổng cục Hải quan mỗi giờ một lần để các doanh nghiệp biết và mở tờ khai xuất khẩu.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo Tổng cục Hải quan không hề giải thích, vì sao có một số doanh nghiệp biết trước về thời điểm cơ quan này mở cửa trang mạng cho phép đăng ký xuất khẩu gạo.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 13/4/2020, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói :

"Tôi nghĩ điều này nên rút kinh nghiệm cho tương lai, cần phải thông báo sớm và thực hiện công khai minh bạch, và có đấu thầu một cách bình đẳng, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp".

Trước đó, vào ngày 18/3/2020, trong Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự hệ trọng trong vấn đề an ninh lương thực đối với mọi quốc gia trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên thế giới và phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống.

Đến ngày 24/3/2020, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu từ 0g ngày 24/3.

Sau khi nông dân và doanh nghiệp kêu cứu trước lệnh dừng xuất khẩu gạo, được sự đồng ý của chính phủ, Bộ Công thương, sau khi đã tính toán kỹ để bảo đảm an ninh lương thực, đã cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng.

Tin cho hay lượng gạo mà Việt Nam được phép xuất khẩu trong tháng 4 và 5 sẽ vào khoảng 800 nghìn tấn, trong tổng số 1,5 triệu tấn gạo xuất khẩu còn lại. Lượng xuất khẩu này giảm 40% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2019, và thấp hơn nhiều so với các năm 2018, 2017.

Theo Bộ Công thương, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo, sẽ giữ lại khoảng 700 nghìn tấn gạo để dự phòng, đảm bảo cơ sở an ninh thương thực quốc gia và mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và 5.

Nhóm lợi ích ?

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 13/4/2020, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, nói :

"Vấn đề xuất khẩu gạo hiện nay nhà nước chúng ta rất dè dặt, mà tôi cũng không hiểu có ẩn ý gì bên trong. Cái lý do vì an ninh lương thực thì tôi cũng đã nói rồi, các chuyên gia khác cũng đã nói rồi, tức là an ninh lương thực mình không sợ thiếu gạo, mà chắc chắn mình còn dư nữa, ít nhất là bây giờ dư 3 triệu tấn gạo. Chỉ có thể lý giải việc không cho xuất khẩu gạo nếu số liệu của chính phủ không đúng thực tế, hoặc có những lợi ích nhóm nào đó, hoặc là có cơ quan, doanh nghiệp, nhất là những nhóm thương lái ghim hàng... nên người ta sợ không có gạo ăn".

Tuy nhiên, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nếu không thể chứng minh những hạn chế ông vừa nêu là có thật, thì việc giới hạn xuất khẩu gạo chỉ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt thòi rất nhiều.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, ông đồng ý với đề xuất của Giáo sư Võ Tòng Xuân, quyết định chỉ cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 vì sợ Việt Nam thiếu gạo trong thời Covid-19 là chưa hợp lý. Ông nói :

"Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, năm nay Việt Nam được mùa lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và sau khi tính toán thì có thể xuất khẩu đến 3 triệu tấn gạo mà vẫn không ảnh hưởng gì đến an toàn lương thực của đất nước, vì vậy theo tôi việc cho xuất khẩu 400 ngàn tấn gạo chỉ là biện pháp trước mắt. Sau đó, để bảo đảm an ninh lương thực, sẽ có sự tính toán, tôi hy vọng sẽ có sự cho phép để có thể tiếp tục xuất khẩu thêm. Bởi vì nếu không xuất khẩu, thì gạo sẽ ứ đọng, giá gạo sẽ xuống thấp và nếu giá gạo xuống thấp thì không đủ khuyến khích người nông dân sản xuất, và đấy là điều rất đáng tiếc đối với Việt Nam".

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong khi các doanh nghiệp trên thế giới, không hoạt động được vì không có khách hàng, vì không đi đâu xa được hết... mà Việt Nam có khách hàng, Việt Nam có gạo... nhưng không cho bán. Thì ông cho rằng đây là một điều rất là đáng tiếc cho kinh tế Việt Nam.

Nguồn : RFA, 13/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Hàn Lam, RFA tiếng Việt
Read 502 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)