Dịch Covid-19 : Đằng sau chuyện chính quyền cấm "xét nghiệm dịch vụ"
Trọng Thành, RFI, 12/04/2020
Hôm 11/04/2020, chính quyền Việt Nam ra "văn bản khẩn" yêu cầu đình chỉ "xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu", đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Quyết định đưa ra chỉ ít ngày, ngay sau khi một số bệnh viện công khai thông báo tiếp nhận "xét nghiệm dịch vụ", với sự cho phép của Bộ Y tế.
Lấy máu xét nghiệm nhanh trong chương trình chống dịch Covid-19 của chính quyền thủ đô. Ảnh chụp tại Hà Nội, ngày 31/03/2020. Dư luận đặt nhiều câu hỏi về tính minh bạch của đợt ''xét nghiệm kháng thể'' này. Reuters - KHAM
Thay đổi bất ngờ nói trên của chính quyền nói lên điều gì ? Tại sao khẩn cấp ra quyết định ? Phải chăng động thái này cho thấy chính quyền Việt Nam đang thiếu một chính sách xét nghiệm nhất quán, minh bạch, hiệu quả, làm cơ sở cho một chiến lược đối phó phù hợp với dịch Covid-19 ?
Bài viết "KHẨN : Nói không với xét nghiệm Covid-19 dịch vụ theo yêu cầu’’ (trang mạng của chính phủ Việt Nam) cho biết đây là quyết định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gửi đến sở Y Tế các tỉnh, thành phố. Lý do chính thức được đưa ra là việc sử dụng xét nghiệm cần được "cân nhắc kỹ để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí" trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh.
Trước đó, về mặt nguyên tắc, chính phủ tổ chức xét nghiệm miễn phí cho "người có yếu tố dịch tễ" (đến từ vùng dịch, có tiếp xúc với người bị nhiễm hoặc người nghi ngờ bị mắc bệnh do virus SARC-CoV-2) và "người có các triệu chứng nghi ngờ". Người không thuộc diện phải xét nghiệm bắt buộc, dù có nhu cầu xét nghiệm tự nguyện cũng không được đáp ứng.
Báo chí trong nước cho hay, vào đầu tháng 4, Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh thông báo triển khai xét nghiệm có thu phí với "những người bệnh có triệu chứng và lo lắng bị nhiễm Covid-19", từ ngày 06/04. Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, tổng giám đốc của Bệnh viện Việt - Pháp (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng xác nhận là : "Trên thực tế, nhu cầu tự nguyện được xét nghiệm kiểm tra của người dân là rất cao, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt cho Bệnh viện Việt - Pháp được thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng này".
Nhu cầu "xét nghiệm đại trà" tăng vọt
Nhu cầu được xét nghiệm Covid-19 của người dân "rất cao". Không khí lo ngại dịch bệnh ám ảnh toàn xã hội. Việt Nam đang trong những ngày chờ đợi căng thẳng trước quyết định có kéo dài chủ trương '‘cách ly xã hội" để đối phó với Covid-19 hay không, dự kiến sẽ được chính phủ đưa ra vào ngày thứ Tư 15/04 tới. Theo chính phủ, quyết định này chắc chắn còn tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch, có những đột biến bất thường hay không, từ nay đến đó. Mà, để đánh giá được diễn biến của dịch, xét nghiệm là phương tiện quan trọng hàng đầu.
Hiện tại, lo ngại trước nguy cơ dịch bệnh vượt tầm kiểm soát, khiến tình trạng '‘cách ly xã hội kéo dài", ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế của địa phương, nhiều địa phương đã gia tăng xét nghiệm xác định virus. Mới đây nhất, ngày hôm nay, 11/04, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với "tất cả hành khách đi tàu" về ga Sài Gòn.
Cho đến nay, theo thống kê của chính phủ Việt Nam, tính đến ngày 10/04, tổng số mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm virus SARC-CoV-2 là hơn 118 nghìn. Việc sử dụng xét nghiệm đại trà phát hiện virus theo xu thế hiện nay tại các địa phương ắt hẳn sẽ làm nhu cầu sử dụng xét nghiệm tăng vọt ("đại trà" tức không chỉ với "người có yếu tố dịch tễ" như quy định trước đây). Khủng hoảng thiếu phương tiện xét nghiệm có thể sẽ xảy ra. Nếu như vậy, đây có thể là một nguyên nhân trực tiếp chính khiến chính quyền phải tức tốc ngăn chặn việc "xét nghiệm dịch vụ", cho dù điều này cũng có thể đã từng diễn ra bán chính thức ở một số nơi, theo ghi nhận của nhiều nhà quan sát.
Chính sách xét nghiệm hiện nay có cung cấp một bức tranh trung thực ?
Về quyết định khẩn cấp yêu cầu đình chỉ "xét nghiệm dịch vụ", một số chuyên gia ngành y đã hoan nghênh, coi đây là một điều chỉnh theo hướng tích cực, để chính quyền có nguồn lực tập trung phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách bất ngờ với "xét nghiệm dịch vụ", và chủ trương xét nghiệm đại trà này cũng được ghi nhận như là biểu hiện cho một tình trạng lúng túng, thiếu hiệu quả trong chính sách xét nghiệm phòng chống dịch Covid -19 hiện nay.
Tình trạng lúng túng nói chung là dễ hiểu, không chỉ ở Việt Nam, mà rất nhiều nơi trên thế giới, do tính chất còn đầy bí hiểm của virus, mà y học hiện nay chưa có vác-xin hay thuốc đặc trị. Tuy nhiên, lúng túng trong chính sách xét nghiệm dường như được thể hiện rõ qua việc chính quyền không thống nhất được về việc hiện nay Việt Nam đang ở đâu trong dịch Covid-19 : Giai đoạn dịch đã lây nhiễm rộng rãi trong cộng đồng hay giai đoạn vẫn còn có khả năng cô lập một số đối tượng, một số ổ dịch.
Về mặt chính thức, cho đến ngày 11/04, chính quyền thông báo có 258 người dương tính với virus SARC-CoV-2 (bao gồm những người đã hồi phục và những người đang điều trị). Theo một nhận định trên trang mạng của chính phủ : "Việt Nam là quốc gia đứng đầu về số lượng người được xét nghiệm trên một ca dương tính". Nói một cách khác, ti lệ người dương tính với SARC-CoV-2 so với tổng số người được xét nghiệm ở Việt Nam là thấp nhất thế giới (258 ca dương tính trên tổng số hơn 118 nghìn xét nghiệm).
Nếu coi đây là bức tranh thu nhỏ về thực trạng dịch Covid-19 ở Việt Nam, thì tỉ lệ người nhiễm virus gây bệnh Covid-19 là vô cùng thấp, thấp một cách đáng ngạc nhiên trong số các nước tiến hành xét nghiệm một cách quy mô.
Nhiều người đặt câu hỏi : Liệu đây có phải là hình ảnh thực sự về dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam ?
Theo một nghiên cứu của Đại học Đức Gottingen, do hai nhà chuyên gia Christian Bommer and Sebastian Vollmer thực hiện (công bố hôm 09/04/2020), thì các dữ liệu cho thấy, số lượng người nhiễm virus gây bệnh Covid-19, trên thực tế, trên toàn thế giới có thể đã lên đến hàng chục triệu người, vượt gấp hơn chục lần số người dương tính với Covid-19 (cụ thể là xét nghiệm virus chỉ cho phép phát hiện khoảng 6% người bị nhiễm). Vậy thực trạng bệnh dịch Covid-19 ở Việt Nam ra sao ?
Xét nghiệm tìm người đang có virus hay người đã miễn dịch với virus ?
Tại Việt Nam, một số chuyên gia, lãnh đạo ngành y thừa nhận, dịch bệnh Covid-19 đã bước vào giai đoạn "lan tỏa trong cộng đồng". Vậy câu hỏi tất yếu nhiều người đặt ra là chiến lược xét nghiệm có cần thay đổi không, nếu dịch đã bước qua giai đoạn này ? Cần ưu tiên xét nghiệm chủ yếu người đang có virus, hay người đã từng nhiễm virus ? Hay cả hai ?
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, báo chí trong nước loan tin rộng rãi về đợt xét nghiệm nhanh quy mô lớn liên quan đến nguy cơ "ổ dịch" Bạch Mai có thể đã lan sang 30 quận huyện Hà Nội. Chủ tịch Hà Nội đã cho lập ra khoảng 10 trạm xét nghiệm dã chiến, với tổng cộng 10.000 xét nghiệm nhanh được tiến hành, nhằm sàng lọc người có nguy cơ nhiễm virus. Tuy nhiên, trên báo chí, truyền thông chính thức của cơ quan y tế, gần như không có mấy thông tin về kết quả xét nghiệm, quy trình xét nghiệm, các thông số về phương tiện được sử dụng để xét nghiệm.
Một số thông tin ít ỏi báo chí loan tải cho thấy đây là loại xét nhiệm nhanh, tìm kiếm kháng thể với virus trong máu. Theo nhiều chuyên gia, trong đó có tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư (California), "việc sử dụng xét nghiệm tìm kháng thể, về cơ bản, chỉ có thể giúp xác định những người đã miễn dịch với virus (sau khi đã nhiễm và khỏi)". Sau một thời gian dịch bệnh lan tràn hoặc sau một thời gian tiêm phòng vác-xin, việc kiểm tra kháng thể trong người dân có ý nghĩa để biết được bao nhiêu phần trăm đã trở nên miễn nhiễm với virus này, từ đó có thể đánh giá mức độ ‘'miễn dịch cộng đồng".
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh là theo hướng này, việc sử dụng xét nghiệm tìm kháng thể để tầm soát người đang có virus là "hoàn toàn không phù hợp". Cho đến nay, những phản biện nói trên dường như chưa hề nhận được hồi đáp từ phía chính quyền Hà Nội cũng như Bộ Y tế.
Thiếu điều tra dịch tễ cơ bản, không thể có chính sách đúng cho giai đoạn tới
Tuy nhiên, gần đây lãnh đạo ngành y tế Việt Nam dường như cũng đã nhận ra vấn đề. Trong một cuộc họp chuyên môn với các đối tác quốc tế cách đây ít hôm, thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định "cần thiết phải có sự phối hợp giữa các đơn vị và các chuyên gia để phân tích dịch tễ của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam để có thể đưa ra dự báo nhanh về tình hình tiến triển của dịch bệnh trong thời gian tới, là nguồn tham khảo cho Ban chỉ đạo có được những chỉ đạo trong thời gian tiếp theo của công tác phòng chống dịch". Thứ trưởng Y tế Việt Nam "đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cung cấp các số liệu dịch trên thế giới và phối hợp phân tích dịch tễ bệnh Covid-19 tại Việt Nam để có thể đưa ra được những khuyến cáo chính xác nhất" ("Bộ Y Tế họp trực tuyến phân tích dịch tễ bệnh Covid 19 tại Việt Nam", moh.gov.vn, ngày 07/04/2020).
Bác sĩ, tiến sĩ dịch tễ học Trần Tuấn, trong một bài viết hiếm hoi về chủ đề dịch tễ học và dịch Covi-19 tại Việt Nam đã đặt vấn đề : "Nếu tiến hành thực hiện các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng, nhất là nghiên cứu sử dụng test phát hiện kháng thể đặc hiệu với virus gây dịch, cho ra chính xác kết quả tỷ lệ dân chúng đã nhiễm virus, có kháng thể ở thời điểm hiện nay thì sẽ trả lời được câu hỏi quan trọng "đỉnh dịch đang ở phía trước hay phía sau ?". Theo bác sĩ Trần Tuấn, "nếu rơi vào tình huống đỉnh dịch đang ở phía trước càng đòi hỏi lãnh đạo nhà nước phải thiết lập ngay các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng chuẩn mực cho mục tiêu dự báo, tiên lượng. Đồng thời đi kèm với đó là các phương án chống khủng hoảng hệ thống dịch vụ y tế, hoặc lớn hơn, khủng hoảng kinh tế-xã hội toàn diện và sâu sắc". Ngược lại, "nếu tỷ lệ có kháng thể lên tới 50% mẫu được nghiên cứu, thì chắc chắn đỉnh dịch đã ở phía sau. Khi đó chiến lược giãn cách bắt buộc kiểu "phong tỏa" tỉnh, thành phố, hay cả nước, cần được dỡ bỏ để giảm thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần của toàn xã hội" (bài "Năng lực dự báo đúng đỉnh dịch : Ý nghĩa quyết định trong chống dịch Covid-19", báo mạng Nghiên cứu và Phát triển, ngày 06/04/2020).
Nghiên cứu về mức độ kháng thể trong cộng đồng với virus gây bệnh Covid-19 cũng là mối quan tâm hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện nay. Nhà dịch tễ học về các bệnh truyền nhiễm người Mỹ, bà Maria Van Kerkhove, phụ trách kỹ thuật của bộ phận Covid-19 của WHO, cho biết : Đầu tháng 4/2020 này, WHO chuẩn bị khởi sự điều phối cuộc điều tra quy mô toàn cầu về kháng thể với Covid-19, mang tên Solidarity II, với sự tham gia của gần 10 quốc gia. Hiểu biết đủ chính xác về mức độ tiếp xúc với virus, mức độ miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng là một chìa khoá thành công, cho dù ''đỉnh dịch'' vẫn còn ở phía trước, hay đã ở phía sau.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 12/04/2020
******************
Chống kiểm tra Covid-19, quan bị ‘kiểm điểm’, dân bị ‘khởi tố’, gây bức xúc
VOA, 13/04/2020
Dư luận Việt Nam bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội sau khi tin tức dịp cuối tuần cho biết một quan chức cấp huyện ở tỉnh Bình Phước bị "kiểm điểm" vì chống đối một chốt kiểm tra Covid-19, trong khi đó, ở tỉnh Bắc Ninh, hai người dân bị "khởi tố" do cũng đã chống đối.
Quan chức Lưu Văn Thanh, tỉnh Bình Phước, chống đối việc kiểm tra thân nhiệt, 3/4
Một video lan truyền trên mạng xã hội và được báo chí trong nước đăng tải lại cho thấy hôm 3/4, ông Lưu Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, chống đối việc đo thân nhiệt tại một chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở tỉnh.
Theo đoạn video, vị phó chủ tịch đập bàn và cự cãi với các nhân viên tại chốt, mặc dù họ giải thích với ông rằng họ tiến hành việc kiểm tra theo chỉ thị của chính phủ trung ương. Ông Lưu Văn Thanh lớn tiếng chất vấn các nhân viên :
"Chiếc xe tải kia sao không đo ? Sao tự nhiên kêu mình tôi ? Có xe tải xe gì kia sao không đo ? Sao nghi ngờ tôi trộm cướp gì ? Kêu hết vô, đo hết đi, phải không ? Nếu đo, đo hết luôn. Nhà nước gì. Người ta đang chạy xe không có vi phạm gì tự nhiên thổi, ơ. Tự nhiên rảnh là kêu vô".
Giữa lúc chính quyền các cấp ở Việt Nam ráo riết thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống Covid-19, việc làm của ông Thanh gây ra nhiều phản ứng tiêu cực trong nhân dân.
Trên các trang mạng xã hội và trong mục bình luận của nhiều trang tin tức, người dân bày tỏ ý kiến rằng hành động của quan chức cấp huyện nêu trên là "không thể chấp nhận được" và ông ta "không xứng đáng là đại biểu của nhân dân".
Một số người kêu gọi rằng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, cấp trên của ông Thanh, cần phải "xử lý vị này thật nghiêm khắc".
Trước làn sóng dư luận, Ban thường vụ Huyện ủy Hớn Quản hôm 10/4 đã họp "kiểm điểm" về vụ việc, và tại cuộc họp ông Thanh đã nhận "có sai sót", theo tường thuật của báo chí trong nước.
Tiếp đến, tin tức tối 12/4 cho hay, Tỉnh ủy đã quyết định "tạm đình chỉ công tác" đối với ông Thanh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản.
Ông Nguyễn Bá Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, được báo chí trích lời nói rằng những hành động của ông Thanh trong bối cảnh hiện nay là "quá sai trái, gây phản cảm". Ông Lợi cho biết thêm Tỉnh ủy sẽ "xử lý phù hợp, không bao che, dung túng", nhưng không nói cụ thể hơn.
Theo quan sát của VOA, những động thái tại tỉnh Bình Phước dường như chưa làm yên lòng dư luận.
Trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc về việc quan chức cấp huyện ở tỉnh Bình Phước chống đối chốt kiểm soát Covid-19 vào ngày 3/4, nhưng hơn một tuần trôi qua, ông ta chưa phải chịu hình thức xử lý nào về mặt pháp luật.
Trong khi đó, nhiều người dẫn ra các tin tức cho biết ngày 4/4 một người đàn ông ở tỉnh Quảng Ninh chống đối một tổ kiểm soát Covid-19, đến ngày 10/4, anh ta đã bị tòa án địa phương xét xử, kết án 9 tháng tù. Tương tự, trong hai vụ việc riêng rẽ hôm 6 và 7/4, hai người ở tỉnh Bắc Ninh cũng chống đối các chốt kiểm soát Covid-19, và chỉ khoảng 2 ngày sau, họ đã bị "khởi tố".
So sánh các vụ việc, một số người đặt ra câu hỏi phải chăng chính quyền Việt Nam không công bằng trong áp dụng luật pháp để xử lý quan chức và dân thường.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Chủ tịch tổ chức Người Bảo vệ Nhân Quyền, lý giải với VOA vì sao có tình trạng phân biệt đó :
"Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Còn trong thực tế ở Việt Nam nó không hẳn như thế. Vì một đảng mà cầm quyền nên họ không có tam quyền phân lập, cho nên là đảng cầm quyền họ luôn bao che cho nhau, bao che cho các đảng viên của mình, dẫn đến chuyện là cán bộ cao cấp mà vi phạm một lỗi thì trong khi với lỗi đó người dân bị trừng phạt, bị xử tù rất nặng nề, nhưng cán bộ cộng sản họ bao che cho nhau, chỉ khiển trách, cảnh cáo hoặc mức nhẹ hơn rất nhiều so với người dân".
Lâu nay, người dân vẫn đòi hỏi chính quyền của đảng cộng sản ở Việt Nam phải cứng rắn với các quan chức, cán bộ vi phạm pháp luật để khôi phục, củng cố sự tin tưởng, ủng hộ của người dân.
Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Ngữ nói với VOA rằng khó có thể mong đảng cộng sản cầm quyền làm như vậy vì họ có một lý do sâu xa :
"Họ muốn cán bộ trung thành với đảng, do đó họ nương tay với cán bộ. Thứ hai là họ cũng bảo vệ nội bộ, bảo vệ nhau. Có thể họ cũng lúc này lúc khác có mâu thuẫn nhưng nói chung họ bảo vệ nhau, bảo vệ đảng, bảo vệ cán bộ của đảng".
Dự kiến hôm 13/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Phước sẽ họp báo để cung cấp thông tin chính thức về việc xử lý ông Lưu Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Hớn Quản.
Trong những tuần gần đây, thủ tướng Việt Nam liên tục yêu cầu các cơ quan chính phủ, các địa phương và toàn thể nhân dân triệt để tuân theo tinh thần "chống dịch như chống giặc". Nhà lãnh đạo chính phủ cũng chỉ thị phải "xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự" các trường hợp "trốn tránh, chống đối" các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, đến nay, mới có một số người dân bị "xử lý nghiêm". Dư luận chờ đợi xem phía nhà nước có động thái như thế nào với cán bộ chính quyền có vi phạm.