Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2020

Thành lập Tây Sa và Nam Sa là vi phạm luật quốc tế

Nhiều tác giả

Tuyên bố thành lập "khu Tây Sa" và "khu Nam Sa" của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế như thế nào

Hoàng Sa, RFA, 19/04/2020

Trung Quốc tiếp tục hung hăng trên Biển Đông

Nhân dịp dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, cả thế giới đang tập trung vào chống dịch, đặc biệt là Hoa Kỳ đang căng thẳng với dịch bệnh, thậm chí trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mới ghé thăm Việt Nam hồi đầu tháng 3 cũng đang nhiều ca nhiễm. Đây là cơ hội để Trung Quốc tăng thêm các hành động hung hăng. Chắc chắn giờ đây Trung Quốc có thể phản ứng mà không lo sợ bất kỳ hậu quả gì, kể cả sự chỉ trích của truyền thông.

khu2

"Khu Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam (Ảnh Stock) - Hình minh họa.

Thêm nữa, tình hình chính trị Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề nội bộ, với sự khởi phát virus Sars Cov 2 từ Vũ Hán rồi lan sang các địa phương khác, rồi sau đó bùng phát trên toàn thế giới. Việc chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh trong 6 ngày quan trọng nhất để có thể khống chế dịch bệnh, cùng với các thông tin bất nhất về con số thực người chết vì virus này ở Trung Quốc, cũng như tác hại của Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc là những nguyên nhân khiến các phe phái chính trị tấn công vị trí của Tập Cận Bình.

Trước các vấn đề chính trị nội bộ như vậy, cách Trung Quốc thường làm để xoa dịu dư luận trong nước đó là thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người dân Trung Quốc, và chỗ mà các lãnh đạo Trung Quốc thường nhắm tới đó là Biển Đông.

Một loạt các hành động hung hăng của Trung Quốc tại khu vực này kéo dài liên tiếp từ nhiều năm trước. Năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vùng biển của Việt Nam hơn 100 ngày. Trong năm này, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Malaysia, Philippines. Chưa hết, cuối 2019 đầu 2020, Trung Quốc còn cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Indonesia. Đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam.

Trong thời gian này, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng một số tàu hải cảnh và tàu cá đang lượn lờ khảo sát tại khu vực biển của Malaysia, và nhiều nhà nghiên cứu đang dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục giở trò, trong khi "giương đông kích tây". Và điều ấy cũng đang bắt đầu.

Trong khi Nhóm tàu HD8 đang được các nước trong khu vực và quốc tế theo dõi sát khi tiến hành khảo sát khu vực gần vùng biển của Malaysia thì ngày 18/4/2020, Trung Quốc lại có hành động vi phạm chủ quyền của các nước khi Bộ Dân chính ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "Khu Tây Sa" và "Khu Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam. Cũng theo phía Trung Quốc đưa tin thì :

- Khu Tây Sa quản lý các đảo thuộc quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa) và Bãi Macclesfield (quần đảo Trung Sa) và vùng nước phụ cận, chính quyền khu Tây Sa đóng tại đảo Phú Lâm - cấu trúc lớn nhất thuộc Hoàng Sa,.

- Khu Nam Sa quản lý các đảo thuộc quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước phụ cận, chính quyền khu Nam Sa đóng tại Đá Chữ Thập - một cấu trúc thuộc Trường Sa mà Trung Quốc đã quân sự hóa gần đây.

Việc tuyên bố các chính quyền quận này hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì những lý do sau đây :

1. Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đã nhiều lần Việt Nam đã khẳng định về chủ quyền đối với hai quần đảo này. Mới đây nhất, trong Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020 Chính phủ Việt Nam đã nhắc lại : "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Việt Nam khẳng định "Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc". Theo đó, Việt Nam đã có chủ quyền lâu đời trên hai quần đảo này, và được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý.

2. Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa, nhưng vì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng nên đã vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc, theo đó "Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc".

Ngoài ra, Nghị Quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1970 cũng quy định rõ không chấp nhận việc dùng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác. Và vì vậy, cho dù Trung Quốc đang thực tế chiếm đóng các cấu trúc này, nhưng Trung Quốc vẫn không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này.

3. Tuyên bố này của Trung Quốc cũng vi phạm luật biển quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Trong Công hàm ngày 30/3/2020, Việt Nam cũng tuyên bố rõ ràng : "các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng ". Quan điểm này dựa trên nguyên tắc quan trọng của luật biển quốc tế "đất thống trị biển". Đây là một nguyên tắc chung của luật quốc tế, được phát triển từ luật tập quán quốc tế và qua các phán quyết của các toà án quốc tế.

Khởi đầu từ Vụ Thềm lục địa Biển Bắc năm 1969, được nhắc lại trong nhiều phán quyết sau này của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) sau đó, nguyên tắc này đã được pháp điển hóa trong quy định tại Điều 121 (2) của UNCLOS 1982. Theo nguyên tắc này, các cấu trúc lúc chìm lúc nổi cùng các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là lãnh thổ để yêu sách chủ quyền tại đó, bởi vì, chủ quyền chỉ có thể được yêu sách đối với đất liền và đảo (islands)- được coi là một vùng đất tự nhiên nhưng có nước bao bọc xung quanh và luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên.

Chính vì vậy, việc yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển của Chính phủ Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng đến luật biển quốc tế. Chúng ta nên nhớ, Bãi Macclefiled mà Trung Quốc gọi là Trung Sa là các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển. Chính vì vậy, việc tuyên bố thành lập chính quyền quản lý các khu vực này của Trung Quốc là một trò hề, đi ngược lại luật quốc tế.

Việt Nam cần làm gì ?

Việt Nam cần phải triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam để gửi công hàm phản đối vấn đề này. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối các hành động vô lý, vi phạm luật quốc tế như vậy.

Với cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, Việt Nam cần triệu tập một cuộc họp của ASEAN để ra tuyên bố về sự vi phạm này của Trung Quốc.

Việt Nam cũng cần kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng lên tiếng để phản đối các hành động hung hăng, bất chấp luật pháp và lẽ phải như vậy.

Hoàng Sa

Nguồn : RFA, 19/04/2020

********************

Biển Đông : Trung Quốc thách thức các nước khi lập quận đảo

Ngô Vĩnh Long - Đỗ Thiện, Pháp Luật Online, 19/04/2020

Mặc dù bị phản ứng mạnh vì những hành xử phạm pháp nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn cố tình thách thức các nước ở Biển Đông.

khu2

Hình ảnh các tháp radar, nhà chứa máy bay và tòa nhà năm tầng do Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh : NYT

Hôm 18/4, khi được hỏi về việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hiện diện ở vùng biển Malaysia, Bộ Ngoại giao Mỹ nói với truyền thông quốc tế : "Mỹ bày tỏ quan ngại trước các báo cáo về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác dầu và khí đốt của các bên khác (ở Biển Đông). Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và loạt hoạt động khiêu khích, gây bất ổn này". 

Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm, các hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Thông báo này xuất hiện chưa lâu sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều nghị sĩ Mỹ chỉ trích Trung Quốc về việc để tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Cùng ngày, truyền thông Trung Quốc đưa tin chính quyền nước này phê chuẩn thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam theo luật pháp quốc tế). Bình luận về vụ việc này, Giáo sư Ngô Vĩnh Long - chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Maine (Mỹ) cho rằng : "Trung Quốc đang cố tình thách thức các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông".

Vừa thách thức, vừa dò xét

Phóng viên : Ông đánh giá như thế nào về mưu đồ của Trung Quốc phía sau động thái thiết lập các chính quyền phi pháp quản lý các đảo ở Biển Đông ?

Ngô Vĩnh Long : Tôi thấy đây không phải là chuyện hoàn toàn mới. Tháng 6-2012, chính phủ Trung Quốc đã công bố việc thiết lập cái mà nước này gọi thành phố Tam Sa. Tại thời điểm đó, Tam Sa là một thành phố cấp phủ (chứ không phải cấp huyện) đặt ở đảo Phú Lâm để quản lý Tây Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa ), Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa) và Trung Sa (cách Trung Quốc gọi tên bãi cạn Scarbourough và bãi ngầm Macclesfield gần đảo Luzon của Philippines).

Vào ngày 24/7/2012, "thành phố Tam Sa" đã chính thức công bố rằng thành phố này đã thành lập một chính quyền cấp phủ. Cùng ngày, Quân đội nhân dân Trung Quốc cũng công bố sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở Tam Sa, mục đích là phục vụ như một cơ quan chỉ huy tất cả đơn vị vũ trang hoạt động trên toàn khu vực Biển Đông. Lúc đó Bộ chỉ huy hạm đội Nam Hải, cũng chính là hạm đội hùng hậu nhất của Trung Quốc, được thành lập năm 1949 với hơn 20.000 quân, còn đang đóng quân ở đảo Hải Nam.

Như vậy, sự kiện Trung Quốc lập ra hai huyện đảo trái phép ở Biển Đông lần này đã nằm trong một chuỗi sự kiện mà Bắc Kinh đã tính toán từ trước. Ý đồ của chính phủ Trung Quốc khi cho CGTN thông báo tin trên là muốn khẳng định sự kiểm soát và chủ quyền trên toàn khu vực mà họ đã khoanh vùng (còn được gọi là đường chín đoạn hay "đường lưỡi bò") ở Biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế đã bác bỏ tính pháp lý của yêu sách đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra. Như vậy có thể thấy, hành động lần này của Trung Quốc là cố tình thách thức các nước trong khu vực có quyền lợi và chủ quyền ở Biển Đông, cũng như dò xét phản ứng của các nước trên thế giới đã và đang lưu thông qua khu vực này như thế nào.

Phóng viên : Nhiều học giả, chính trị gia cho rằng Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh để đẩy nhanh quá trình bành trướng của họ trên biển ? Ông có nghĩ như vậy không ?

Ngô Vĩnh Long : Đúng là Trung Quốc đang lợi dụng việc các nước trên thế giới đang phải tập trung tâm trí và sức lực đương đầu với sự hoành hành của đại dịch Covid-19 để tiến hành các bước leo thang. Tuy nhiên, tôi nghĩ Trung Quốc làm vậy cũng là để xem phản ứng của các nước trong khu vực như thế nào, đồng thời kiểm tra xem liệu các nước ngoài khu vực có quyết tâm ủng hộ việc chống lại cách hành xử phi pháp của Trung Quốc trong khu vực hay không.

Trung Quốc không thể đẩy nhanh quá trình bành trướng của họ trên biển nếu có sự đối kháng cương quyết của các nước ven biển trong khu vực Đông Nam Á, cũng như của các nước khác có lợi ích ở Biển Đông. Các phản kháng vừa qua của Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, cùng với sự ủng hộ của các nước ngoài khu vực gần đây trong việc chống lại Trung Quốc là rất quan trọng để Bắc Kinh cân nhắc trong hành động.

Phải tăng sức mạnh chống lại ý đồ xấu

Phóng viên : Phản ứng của công luận rất quan trọng nhưng có vẻ thời gian qua Trung Quốc vẫn phớt lờ chỉ trích của các nước và liên tục gây hấn ?

Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ Trung Quốc rất lo ngại phản ứng của các nước trong khu vực và các chỉ trích của dư luận quốc tế. Trung Quốc gửi các đội tàu vào Biển Đông để thử xem phản ứng của các quốc gia khác như thế nào. Những phản ứng vừa qua của thế giới, dù chưa đủ mạnh nhưng đã làm cho Trung Quốc thấy mình đang "chơi với lửa" nên có phần nào chùn chân hơn. Bằng chứng là họ cho các nhóm tàu hải cảnh và tàu địa chất Hải Dương 8 chạy lòng vòng nhưng không dám cắm neo như họ đã làm vào tháng 7/2019. Các nước ven Biển Đông càng lên tiếng mạnh mẽ trong lúc này thì sức ép từ dư luận sẽ lớn hơn và từ đó phần nào ép Trung Quốc thoái lui.

Phóng viên : Hành xử phạm pháp bất chấp chính Trung Quốc là một thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, liệu Bắc Kinh sẽ trả giá ?

Ngô Vĩnh Long : Qua hành động lần này ở Biển Đông, Trung Quốc lại càng để lộ bộ mặt cơ hội cùng thái độ bất chấp an ninh và lợi ích chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Các quốc gia sẽ phải suy nghĩ lại về việc liệu họ có thể đặt niềm tin đối với Trung Quốc đến mức nào. Nói cách khác, suy giảm niềm tin của công luận quốc tế với chính quyền Bắc Kinh là không thể tránh khỏi. "Gian mà lại không ngoan" thì Trung Quốc khó mà được nước khác tin cậy, khó mà "bình thiên hạ" được.

Phóng viên : Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc. Liệu trong bối cảnh hiện nay, những bước đi nào là cần thiết để Việt Nam bảo vệ chủ quyền, nhất là khi Trung Quốc dường như có mưu đồ hoàn thành chiếm cứ Biển Đông trước 2021, thời hạn dự kiến để Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) hoàn thành ?

Ngô Vĩnh Long : Bộ giải pháp sẽ bao gồm cả (i) mặt trận chính trị-ngoại giao (như lên tiếng phản đối, gửi công hàm phản đối, bày tỏ thái độ trên các diễn đàn chính trị-ngoại giao, kêu gọi các quốc gia khác ủng hộ và tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông) ; (ii) mặt trận an ninh-quốc phòng (như tăng cường hơn nữa năng lực của ngư dân, của cảnh sát biển và lực lượng hải quân) ; (iii) mặt trận kinh tế (như giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, đa dạng hóa mối quan hệ thương mại với các nước. Nói nôm na là phải mạnh lên thì mới đối ứng được ; và (iv) mặt trận pháp lý (sẵn sàng đưa Trung Quốc ra các tòa quốc tế hay bên thứ ba phù hợp để giải quyết các bất đồng, xung đột).

Tất cả các bước nêu trên cần thực hiện liên hoàn nhưng tùy hoàn cảnh của mỗi nước mà Việt Nam cần nhấn mạnh bước nào trước, bước nào sau. Đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và phần lớn các nước Châu Âu thì quan hệ kinh tế và ngoại giao nên để ở hàng đầu. Đối với Mỹ hiện nay thì vấn đề an ninh-quốc phòng tương đối quan trọng hơn, và nên được ưu tiên. Đây là những vấn đề cần phải phân tích và áp dụng một cách linh hoạt để đối đầu với Trung Quốc. Tôi nghĩ nếu làm tốt thì mưu đồ của Trung Quốc - hoàn thành việc chiếm cứ Biển Đông trước hay sau 2021 - là sẽ không thể nào thành hiện thực.

khu3

Tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần thực hiện chiến lược bắt nạt ở Biển Đông. Ảnh minh họa : SCMP

Phóng viên : Nhiều cơ quan, bộ ngành và các nhà lập pháp Mỹ đã liên tục chỉ trích Trung Quốc "bắt nạt" các nước ở Biển Đông. Trên thực địa, Mỹ cũng có những động thái cụ thể, bao gồm tập trận, tuần tra tự do hàng hải (FONOPs), ngoại giao tàu sân bay... Mỹ cần gia tăng hành động ra sao để góp phần kiềm chế Trung Quốc ?

Ngô Vĩnh Long : Từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc cố tình chĩa mũi dùi vào Mỹ để tuyên truyền với quần chúng trong nước và để thị oai với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cảnh báo từ Mỹ từ đó đến nay lại làm cho giới tuyên truyền Trung Quốc thích thú và dùng các việc chỉ trích của Mỹ để đánh "võ miệng". Bắc Kinh rêu rao Mỹ mới chính là phía bắt nạt Trung Quốc, can dự vào Biển Đông - nơi mà Trung Quốc vẫn khẳng định là chuyện riêng của Trung Quốc với từng quốc gia trong khu vực. Trung Quốc biện hộ cho những hành động sai trái của mình, như quân sự hóa các thực thể nước này chiếm giữ, cải tạo trái phép ở Biển Đông, là để phòng thủ trước Mỹ.

Chính vì vậy, tôi cho rằng "có tiếng thì phải có miếng". Mỹ không thể cứ nói suông mãi hoặc hành động chưa đủ mạnh. Mỹ cần nâng cao quan hệ an ninh-quốc phòng với các nước trong khu vực Đông Nam Á để củng cố lòng tin của các nước này đối với Mỹ, cũng như để bảo vệ lợi ích của Mỹ về lầu dài.

Đỗ Thiện thực hiện

Nguồn : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, 19/04/2020

Đọc thêm :

Việt Nam kêu gọi dừng các hành vi trái luật quốc tế

Ngày 16/4, theo chinhphu.vn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng Ngoại giao với chủ đề hợp tác quốc tế phòng, chống dịch Covid-19 trong khuôn khổ Liên minh vì chủ nghĩa đa phương. 

Nhằm cùng với cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với đại dịch này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đưa ra bốn đề xuất cụ thể. Trong đó, Phó Thủ tướng kêu gọi dừng các hoạt động ảnh hưởng đến nỗ lực ứng phó với dịch bệnh, nhất là chấm dứt các hành vi cường quyền, đơn phương trái với luật pháp quốc tế ; ủng hộ lời kêu gọi của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về ngừng bắn trên toàn cầu và gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt làm suy yếu khả năng ứng phó với đại dịch của các quốc gia.

*******************

Biển Đông : Ngang ngược lập 2 quận đảo, Trung Quốc muốn gì ?

Nguyễn Thành Trung, Đỗ Thiện, Pháp Luật Online, 19/04/2020

Trung Quốc vô lý thành lập hai quận (huyện) mới để chính thức hóa quan điểm của họ là các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm giữ có khả năng duy trì sự sống cho người cư ngụ.

khu4

Trung Quốc xây dựng trái phép ở đảo Phú Lâm. Ảnh : Reuters

Hôm 18/4, Đài Truyền hình Trung Quốc (Trung Quốc) - CGTN đưa tin Bắc Kinh phê chuẩn thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam theo luật pháp quốc tế).

Được biết, Tây Sa và Nam Sa cũng chính là cách Trung Quốc gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hai quận mới này sẽ trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa", do Trung Quốc ngang ngược lập ra vào năm 2012.

Quận Tây Sa, có trụ sở chính quyền quận đặt ở đảo Phú Lâm, sẽ quản lý khu vực Tây Sa và Trung Sa (cách Trung Quốc gọi tên bãi cạn Scarbourough và bãi ngầm Macclesfield gần đảo Luzon của Philippines). Trong khi đó, quận Nam Sa có trụ sở tại đá Chữ Thập của Việt Nam, sẽ quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh.

Phía Việt Nam đã không ngừng khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với Trường Sa và Hoàng Sa dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 (mà Trung Quốc cũng là thành viên), đồng thời luôn phản đối các hành vi phạm pháp mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông, như việc Bắc Kinh đơn phương và vô lý thành lập hai quận đảo lần này.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và Biển Đông nhiều năm, nhận định : Từ khi Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, Trung Quốc đã theo đuổi chính sách đối ngoại mạnh bạo hơn ở khu vực Biển Đông và dần dần ít quan tâm tới chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Ý đồ của Trung Quốc

Phóng viên : Ông nhận định như thế nào về ý đồ của Trung Quốc với động thái mới nhất lần này, thành lập trái phép hai quận đảo quản lý Trường Sa và Hoàng Sa ?

Nguyễn Thành Trung : Khi thực hiện bước đi này, Trung Quốc muốn chính thức hóa sự kiểm soát thực tế của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặc dù việc thành lập này là phạm pháp và không thay đổi thực tế là Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ trái phép một số đảo ở đây, nhưng Trung Quốc muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ là họ sẽ không bao giờ từ bỏ các yêu sách về chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Rõ ràng, Bắc Kinh có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa ý đồ từ chiếm giữ bất hợp pháp thành một lãnh thổ dưới quyền kiểm soát hành chánh.

Có thể thấy, Trung Quốc đã và đang dần biến khu vực (mà Trung Quốc gọi là) thành phố Tam Sa thành những khu vực có người cư trú lâu dài với khoảng 1.800 người. Việc Trung Quốc vô lý thành lập hai quận (huyện) mới để chính thức hóa quan điểm của họ là các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm giữ có khả năng duy trì sự sống cho người cư ngụ.

Phóng viên : Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc thông qua hành động lần này là gì, thưa ông ?

Nguyễn Thành Trung : Tôi suy đoán rằng bằng cách này, Trung Quốc cũng muốn phục vụ cho mục tiêu lâu dài khi Điều 121 khoản 3 của UNCLOS quy định "những đảo đá nào không thích hợp cho việc cư trú của con người hoặc một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa". Trung Quốc đang cố gắng chứng minh rằng đây là các đảo có người dân cư trú và lâu dài, do đó chúng có vùng đặc quyền kinh tế với 200 hải lý và thềm lục địa bao xung quanh đảo.

Phớt lờ công luận quốc tế

Phóng viên : Thời gian gần đây, Trung Quốc bị thế giới chỉ trích "lợi dụng dịch bệnh" để tiến hành các bước leo thang phi pháp. Ông có nghĩ rằng Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh để đẩy nhanh quá trình bành trướng của họ trên biển ?

Nguyễn Thành Trung : Tôi cho rằng Trung Quốc có chiến lược lâu dài để độc chiếm Biển Đông với các bước đi tịnh tiến theo kiểu cắt lớp (salami slicing), tránh sự thu hút và can thiệp của thế giới quá nhiều. Dù tình hình quốc tế thế nào thì họ cũng sẽ thực hiện các bước đi này, nhưng Trung Quốc luôn biết lựa chọn thời điểm để bảo đảm các hành động ít gây phản ứng nhất. Do đó, các hành động trước đây của họ thường mang yếu tố bất ngờ và lợi dụng tình huống cụ thể để đẩy nhanh quá trình bành trướng Biển Đông.

Binh pháp Tôn Tử của Trung Quốc có câu "Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý", có nghĩa là nhân lúc kẻ địch không chuẩn bị, không nghĩ tới mà bất ngờ tấn công giành thắng lợi. Chính quyền Trung Quốc đang áp dụng rất tốt chiến thuật này. Tuy nhiên, nó chỉ làm cho thế giới chỉ trích mạnh hơn mà thôi, khi mà toàn cầu đang vật lộn chống dịch Covid-19. Tuy nhiên đối với Trung Quốc, điều này dường như vô nghĩa. 

Phóng viên : dư luận quốc tế mà vẫn tiếp tục leo thang. Phải chăng sức ép từ dư luận, trong đó có cả các nước lớn như Mỹ, không có ý nghĩa gì với Trung Quốc ?

Nguyễn Thành Trung : Từ khi Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, Trung Quốc đã theo đuổi chính sách đối ngoại mạnh bạo hơn ở khu vực Biển Đông và dần dần ít quan tâm tới chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Các phản ứng ngoại giao của các quốc gia khác, các thể chế khu vực và quốc tế không làm thay đổi chính sách của Trung Quốc.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Trung Quốc thậm chí mạnh mẽ phản pháo lại các chỉ trích từ các quốc gia khác. Các chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOPS) của hải quân Mỹ quanh các đảo Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép ở khu vực Biển Đông đã tăng rất nhiều vào năm 2019 so với các năm trước đó nhưng cũng không làm Trung Quốc ngừng đưa ra các bước đi độc chiếm Biển Đông.

Cần các sáng kiến mạng lưới kết nối quốc tế

Phóng viên : Liệu Trung Quốc có chịu thiệt hại gì với hành động sai phạm lần này ?

Nguyễn Thành Trung : Cho đến giờ này, tôi cho rằng hầu như Trung Quốc không bị thiệt hại ngoài bị ảnh hưởng tiêu cực về hình ảnh. Ngoài các chỉ trích từ giới hành pháp và lập pháp của Mỹ đối với việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam chìm vào đầu tháng 4 thì hiện nay, thế giới đang bị hút vào các mối quan tâm về sức khỏe người dân của họ trong cơn đại dịch này.

Phóng viên : Hành động của Trung Quốc không khác nào công khai phủ nhận các chỉ trích cũng như cảnh báo từ Mỹ, điển hình là Bộ Ngoại giao, Lầu Năm góc và cả các nghị sĩ Mỹ. Theo ông, liệu phía Mỹ có thể làm gì hơn ngoài việc lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong thời gian tới ?

Nguyễn Thành Trung : Tôi cho rằng một mình Mỹ rất khó để ngăn cản cách hành động bành trướng vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Sắp tới, Mỹ nên thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến mạng lưới (network) kết nối các quốc gia đồng minh và đối tác của họ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hiện tại vẫn cho là rời rạc và thiếu thực chất.

Một trong những lý do đó là vai trò lãnh đạo dẫn dắt của Mỹ chưa được phát huy nhiều. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh ở Châu Âu, Mỹ đã từng thành công với khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đối chọi với khối hiệp ước Warsaw. Hiện nay khối NATO vẫn không ngừng mở rộng, trong khi khối hiệp ước Warsaw đã giải tán.

Mỹ có các sáng kiến ở khu vực Thái Bình Dương như khối tứ giác kim cương (Quad) bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, hay thậm chí khối này hiện nay mở rộng thành Quad plus với sự tham gia thêm của ba quốc gia Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam. Tuy nhiên, sáng kiến này vẫn chưa có nhiều bước đi thực chất để tăng tính liên kết và cam kết giữa các quốc gia thành viên.

Đơn giản là các quốc gia thành viên vẫn có mối quan hệ kinh tế, thương mại rất tốt với Trung Quốc, và một số quốc gia không muốn làm phật lòng Trung Quốc. Điều này hoàn toàn khác với thời Chiến tranh lạnh trước đây.

Đỗ Thiện thực hiện

Nguồn : Pháp Luật Online, 19/04/2020

Đọc thêm :

Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng "hành vi bắt nạt" ở Biển Đông

Ngày 18/4, Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi bắt nạt ở Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại trước thông tin "các hành động khiêu khích" lặp đi lặp lại của Bắc Kinh đối với các hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, theo hãng tin Reuters.

"Mỹ bày tỏ quan ngại trước các báo cáo về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác dầu và khí đốt của các bên khác (ở Biển Đông). Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và loại hoạt động khiêu khích, gây bất ổn này" - Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/4 tuyên bố khi được hỏi về việc tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hiện diện ở vùng biển Malaysia.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm, các hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

*****************

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt "hành vi hăm dọa" ở Biển Đông

Thu Hằng, RFI, 19/04/2020

Ngày 18/04/2020, Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về những thông tin cho thấy "các hành động gây hấn" của Bắc Kinh phục vụ công việc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các "hành vi hăm dọa" trong khu vực.

hoaky1

Ảnh tư liệu : Một tầu tuần duyên Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 29/03/2014. Reuters/Erik De Castro

Sau khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã đến vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, theo dữ liệu hàng hải ngày 18/04. Khu vực này cũng nằm sát với những vùng biển mà cả Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Trong tuyên bố gửi qua thư điện tử, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết : "Hoa Kỳ quan ngại về những thông tin cho thấy những hành động gây hấn lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm tìm kiếm dầu lửa tại vùng biển mà các nước khác cũng tuyên bố có chủ quyền".

Ngoài ra, bộ Ngoại Giao Mỹ yêu cầu Bắc Kinh "chấm dứt kiểu hành động gây hấn và gây bất ổn" vì những hành động đó đe dọa an ninh năng lượng trong vùng và phá hoại thị trường năng lượng Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do.

Một nguồn tin an ninh của Malaysia cho Reuters biết vào ngày 17/04, có lúc, tầu Hải Dương Địa Chất 8 được 10 tầu của lực lượng dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc hộ tống.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 19/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Sa, Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Thành Trung, Đỗ Thiện
Read 702 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)