Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/04/2020

Nỗi buồn tháng Tư thời Cô Vi

Chu Thập

Thời đại dịch, đang bị cấm cố, nghe ông chỉ huy trưởng cảnh sát Tiểu bang New South Wales, Úc Đại Lợi tuyên bố : câu cá cũng là một thứ "thể dục thụ động" (passive exercise) được phép làm, dân ghiền câu cá như tôi cảm thấy như mở cờ trong bụng. Cứ như tin vui giữa giờ tuyệt vọng !

buon1

Cần câu và con cá dẫn đến đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất. Nhiều tình bạn đã nẩy nở từ bãi câu.

Với tôi, "cần câu là đầu câu chuyện". Đi câu cá không chỉ để quăng cần cho giãn gân giãn cốt, ngắm cảnh, giải trí và dĩ nhiên để kiếm cá ăn, mà còn để giao lưu với các bạn "đồng nghiệp".

Theo nhận xét của nhiều người, tôi là người hướng nội, rụt rè và vụng về trong giao tiếp xã hội. Nhưng như một phép lạ : cứ ra bãi câu là tôi thấy mình trở thành một người linh hoạt và hoạt bát ngay. "Chẳng còn sợ thằng Tây" nào nữa ! Gặp bất cứ ai, tôi cũng xáp tới hỏi chuyện. Mà cũng lạ. Tôi không phải là người có tài gợi chuyện. Vậy mà bất cứ người nào tôi lân la đến gần để chào hỏi và làm quen cũng đều cởi mở tấm lòng để góp chuyện. Cần câu và con cá dẫn đến đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất. Nhiều tình bạn đã nẩy nở từ bãi câu.

Nhưng cái bản mặt da vàng mũi tẹt và mắt hí của tôi dường như lúc nào cũng làm bật lên nơi người đối diện câu hỏi : "Ông là người nước nào ?" (Where are you from ?). Đây là cơ hội để tôi "nổ" về lý do tại sao tôi có mặt ở Úc, về quê hương và văn hóa của tôi, về cuộc chiến trong đó có sự tham gia của người Úc...

Bình thường tôi hãnh diện để nói về mình và đất nước của mình. Tuy nhiên, trong thời đại dịch này, dường như câu hỏi : "ông là người nước nào ?" thốt lên từ miệng một người Úc da trắng khiến tôi khựng lại.

Mới đây, ở bãi câu tôi gặp một ông Úc trắng tốt bụng. Đứng cách ông không phải chỉ một thước rưỡi như quy định mà đến cả 5,7 thước, tôi cũng tránh cả việc chào hỏi. Vậy mà ổng gọi tôi lại gần, tặng cho một con cá đối để làm mồi, rồi hỏi : "ông là người nước nào ?". Không biết có phải do có tật giật mình không, tôi nghe thấy trong câu hỏi ấy không những thái độ dò xét, điều tra mà còn cả sự nghi kỵ và kỳ thị nữa.

Sở dĩ tôi có một phản ứng như thế là bởi vì kể từ khi đại dịch từ Vũ Hán, Trung Quốc bùng phát và lây lan đi khắp thế giới, người Á Châu nói chung đã trở thành điểm nhắm của những hành vi kỳ thị của người da trắng, vốn xảy ra tại rất nhiều nước Tây Phương.

Cuối tháng Ba vừa qua, báo The Bulletin ở Úc đưa tin : một cô gái Á Châu tên là Sophie Do (Đỗ là một họ đặc thù của Việt Nam) cùng với cô em gái đang đi bộ trên một con đường tại Marrickville, một khu ngoại ô của Sydney, thì một thiếu nữ da trắng xáp tới rủa sả bằng những lời lẽ thô tục như "Đồ chó Á Châu" , "chúng mày đã mang Coronavirus đến đây". Ngoài những lời lẽ thô tục, người thiếu nữ da trắng còn tìm cách đá vào người em gái của cô Sophie (1).

Theo tường thuật của Đài CNN, khi cơn đại dịch vừa mới tấn công vào Vương quốc Anh, một sinh viên người Tân Gia Ba gốc Hoa đã bị đánh đến vỡ một xương trên mặt ngay giữa thành phố London. Theo báo The Atlantic, đầu tháng Giêng vừa qua, khi tin tức về đại dịch từ Vũ Hán bắt đầu được lan truyền đi khắp thế giới, một cô gái người Mỹ gốc Hoa ở New York liền đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Thế rồi, trong những tuần lễ sau đó, cái khẩu trang ấy đã thu hút sự chú ý của nhiều người cho nên cô đã liên tục bị tấn công bằng những lời lẽ và thái độ kỳ thị ...

Đó là một vài mẩu tin tôi đọc được trên báo. Còn tận tai nghe được thì tôi có chứng từ của một ông Úc rặc có vợ người Phi Luật Tân. Một hôm khi đến giúp tôi lấy mật từ những tổ ong trong vườn sau nhà, ổng than phiền : người vợ Phi của ổng bị kỳ thị ra mặt mỗi khi lên xe lửa để đi làm !

Trong các phương tiện di chuyển công cộng, trên đường phố, người Á Châu bị kỳ thị đã đành, mà với tôi điều đáng buồn hơn cả là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuẩn y và công khai hóa thái độ kỳ thị của nhiều người khi gọi đích danh siêu vi Corona là "Siêu vi Tàu" (Chinese virus). Trong một cuộc họp báo hồi tháng trước, lời tuyên bố được soạn sẵn cho ông đọc gọi tên siêu vi là "Coronavirus" , nhưng ông đã lấy bút xóa tên này và thay vào bằng chữ "siêu vi Tàu". Kể từ đó, con số người Mỹ gốc Á bị những người kỳ thị chủng tộc tấn công nhiều hơn (2).

Và cũng kể từ đó, dường như nhiều người đồng bào Việt Nam của tôi cũng không tiếc lời để rủa sả người Hoa bằng những tên gọi miệt thị như "Dịch Tàu" "Cúm Chệt". Chế độ độc tài cộng sản ở Trung Quốc đáng bị lên án vì sự bưng bít của họ đã khiến cho cơn đại dịch Covid-19 lan truyền đi khắp thế giới.

Người Việt Nam nào cũng có đủ lý do để thù ghét cái chế độ đã cướp biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông. Nhưng người Hoa nói chung, tự họ không phải là kẻ thù của tôi. Tôi không biết mình có máu Tàu không, nhưng hồi mới đến Pháp, tôi vẫn bị gọi một cách thân mật là "Tàu" (Le chinois).

Đầu thập niên 1980, tôi rất hãnh diện khi nghe nói đến một viên thanh tra cảnh sát rất nổi tiếng ở Marseille, miền Nam nước Pháp, tên là Georges Nguyễn Văn Lộc. Do thành tích trừ gian diệt tặc trong thành phố, ông được người Pháp tặng cho danh hiệu "Robin des Bois" (Robin Hood). Nhưng dù tôi có cải chính cách mấy, một người Việt Nam với tên họ rành rành là Việt Nam như ông Lộc vẫn được người Pháp gọi là "Le Chinois" (ông Tàu, ông Chệt hay ông Ba Tàu gì đó nếu dịch sang tiếng Việt). Có lẽ dưới mắt người Tây Phương, người Á Châu nào cũng đều là Tàu, là Hoa cả. Thành ra trong thời đại dịch này, kỳ thị không chỉ nhắm vào người Hoa mà là người Á Châu nói chung.

Thời đại dịch, vào giữa lúc cần có tình liên đới nhân loại để đối đầu với siêu vi Covid-19, thật đáng buồn vì có một ông tổng thống Mỹ kỳ thị ra mặt. Nhưng tôi buồn hơn vì có một số người Việt của tôi có khi còn có máu kỳ thị hơn cả những người thượng tôn da trắng. Trên "meo đàn" của những người đồng môn thời trung học của tôi, không thiếu những người bạn của tôi gọi cựu Tổng thống Barack Obama là "thằng mọi đen".

Mùa hè cách đây 2 năm, tôi có ghé thăm một người bạn thời tỵ nạn hiện đang ở Orange County. Hai vợ chồng là những người Kitô giáo thuần thành. Tôi ghé thăm họ vào một buổi chiều Chúa nhựt khi họ vừa đi lễ về. Trong câu chuyện, khi nhắc đến các cộng đồng thiểu số ở Mỹ, người vợ tuyên bố : dứt khoát không bao giờ để cho con cái chơi với "đám Mỹ đen". Còn về người Mễ vốn nhan nhản và đóng góp không ít cho nền kinh tế "tiểu thương" ở Little Sai Gon, một người bạn tỵ nạn khác của tôi lập lại y chang lời của Tổng thống Trump : đó là bọn hiếp dâm, buôn bán ma túy và lười biếng !

Tổng thống Trump quả có một sức thu hút phi thường đối với người đồng bào Việt Nam của tôi. Qua các cuộc thăm dò cũng như qua những phản ứng tôi nghe được, có đến hai phần ba người Việt ở Mỹ ủng hộ Tổng thống Trump. Không những ủng hộ mà còn sẵn sàng sống chết, đỡ đạn cho ông. Đụng đến ông là đụng đến "tổng thống của chúng tôi" !

buon0

Người ta có thể trốn chạy chế độ cộng sản, nhưng vẫn mang theo cái cốt lõi của chế độ đó là sự tôn thờ lãnh tụ, chụp mũ, đấu tố và ném đá người khác ! Buồn thật !

Người ta đã thấy được sự tôn sùng lãnh tụ ấy qua phản ứng của một số người Việt ở Mỹ đối với Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong một đất nước có tôn trọng tự do ngôn luận như Hoa Kỳ, Mẹ Nấm đã phê bình sự việc Tổng thống Trump khuyên nên sử dụng thuốc sốt rét Hydroxychloloquine để trị Covid-19. Trên Blog của mình, cô viết nguyên văn như sau : "P/s : Dịch bệnh nên đọc cảnh báo của các chuyên gia y tế, đừng nghe lời lãnh đạo nha quý vị". Chỉ có vậy mà sự cuồng nộ đã nổi lên như sóng cồn : một chiến dịch xin chữ ký để trục xuất Mẹ Nấm về Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn đã thu thập đến trên dưới mười ngàn chữ ký. Tựu trung, bản án dành cho Mẹ Nấm được tóm gọn trong câu : "Chống Cộng mà lại chống Trump thì chỉ có bọn nằm vùng…".

Tháng Tư, người Việt tỵ nạn nào mà chả buồn. Ngoài nỗi buồn chung ấy, thời đại dịch này, tôi còn có nỗi buồn riêng : người ta có thể trốn chạy chế độ cộng sản, nhưng vẫn mang theo cái cốt lõi của chế độ đó là sự tôn thờ lãnh tụ, chụp mũ, đấu tố và ném đá người khác ! Buồn thật ! Hành xử như thế thì có khác gì người cộng sản !

Trong những lời mời gọi quan trọng mà một người Công giáo như tôi thường nhận được mỗi khi đi chịu phép Giải tội là "ăn năn sám hối". Trong một lời kinh sám hối người ta "lo buồn đau đớn" vì đã "cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa". Chúa ở trên trời cao xa vời vợi quá, không biết tôi có phản nghịch và xúc phạm tới không. Nhưng chắc chắn xúc phạm tới tha nhân, hạ phẩm giá tha nhân, kỳ thị tha nhân chỉ vì màu da, chủng tộc, văn hóa, địa vị xã hội và ngay cả chính kiến... thì quả thật đây mới là điều đáng cho tôi "lo buồn đau đớn" hơn cả !

Buồn và đau hơn nữa khi tôi lẩn thẩn tự hỏi : Nếu Chúa Giêsu khi xuống thế làm người mà chẳng may mang cái màu da đen hay làm một ông Á Châu da vàng mũi tẹt như tôi thì sao ?

Chu Thập

Sydney, Australia (23/04/2020)

(1) https://www.themorningbulletin.com.au/news/asian-dog-young-women-spat-on-in-street/3985339/

(2) https://edition.cnn.com/2020/03/20/politics/donald-trump-china-virus-coronavirus/index.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chu Thập
Read 726 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)