Một nước được coi là xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng năm nào cũng phải cứu đói cho dân trước Tết - Ảnh : T.L
Sau bao nhiêu năm hòa bình, trên thực tế vẫn tồn tại điều khó chối bỏ : người dân vẫn đói, cơm chưa đủ no, đói ngay cả trong ngày tết. Tết vẫn thiếu cơm, có nghĩa gần như thiếu tất cả, đừng nói chi đến cành đào, món ngon, sơn hào hải vị, du xuân…
Đầu năm mới, nhất là lại sắp đến Tết cổ truyền, nói hoặc bàn chuyện vui thì mới phải đạo. Nhưng lẽ đời tuy vậy, mà thực tế lại hay vênh, ít khi hòa hợp. Vậy nên khi nhiều tờ báo của nhà nước chính thức đưa tin rằng cho đến thời điểm này đã có 12 tỉnh trên cả nước đề nghị Chính phủ cấp gạo cứu đói để dân đón Tết thì quả thật thông tin này rất buồn.
Cứ như các báo, theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội), đến ngày 3/1/2017 đã có 12 tỉnh gửi công văn về Bộ xin Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho dân dịp giáp Tết Đinh Dậu. Các địa phương gồm : Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Nông. Tổng số gạo cần cứu đói khẩn cấp hơn 14.700 tấn. Một vị lãnh đạo của Cục Bảo trợ cũng cho biết thêm con số tỉnh thành chưa chắc đã dừng lại ở số đó mà còn có thể tăng, chưa chốt lại bởi còn khá nhiều tỉnh đang rất khó khăn, dân rất đói, đang làm đề nghị nộp lên Chính phủ.
Được biết trước Tết Bính Thân 2016 cũng đã có 19 tỉnh xin Chính phủ cứu đói. Chính quyền các địa phương dù hiểu nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng họ không đành lòng nhìn dân chúng nơi mình đói cơm ngay trong những ngày đón Tết.
Đói, đương nhiên là buồn. Dân chúng bị đói, lại càng buồn hơn. Nhưng đói vào đúng những ngày cần phải được no, được vui để đón Tết đón xuân thì đúng là quá bi thảm. Vẫn biết trên nước mình không phải nơi nào, tỉnh thành nào cũng bị nạn đói hoành hành, tuy nhiên "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", không mấy ai nỡ nhìn đồng bào mình đói kém, thiếu cơm ngay lúc xuân về. Lúc ấy, những hình ảnh quen thuộc như sắc thắm hoa đào, mai vàng đang độ, cánh én chao liệng trời xuân, không khí dập dìu nơi phố xá… bất chợt trở thành vô tình, xa lạ. Có lẽ chả ai nỡ cười vui trong cảnh đói kém, rét mướt của đồng bào mình đang ở khắp nơi.
Năm nay, thiên tai bất thường, lũ lụt hoành hành, hạn mặn tấn công đồng ruộng, rồi ô nhiễm môi trường biển do Formosa… gây quá nhiều thiệt hại. Những nơi ấy, cảnh đói kém là khó tránh khỏi, như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Phú Yên (tỉnh Phú Yên đã xin Chính phủ cứu đói, trợ cấp từ hồi đầu tháng 12). Có những tỉnh đất chật người đông, cái nghèo cái đói cứ đeo đẳng mãi như một thứ định mệnh khó dứt, như Thanh Hóa, Nghệ An. Nhiều tỉnh chưa bao giờ thoát ra khỏi danh sách đói nghèo như Yên Bái, Lào Cai, Ninh Thuận, Đắk Nông… Và trong số 12 tỉnh xin cứu đói đợt này, có cả tỉnh vốn xưa nay nằm trong vựa lúa sông Hồng, tỉnh Hà Nam, giờ cũng thiếu gạo, cũng phải đi xin. Thật buồn.
Dường như ai cũng hiểu, khi chính quyền địa phương "chìa tay" xin gạo cứu đói cho dân vào lúc này có nghĩa tình trạng đã căng lắm rồi. Tết mà cũng đói thì coi sao được. Tuy nhiên, Hơn 14 nghìn tấn gạo mà bổ về cho 12 tỉnh có lẽ cũng như muối bỏ bể, chả làm thay đổi được bao nhiêu không khí mấy ngày tết. Tết mà đói thế, vậy trong năm chắc dân đói dài dài, triền miên. Thương người dân suốt bao nhiêu năm sau ngày hòa bình vẫn còn chịu cảnh "làm bạn với đói", sống chung với đói nghèo. Không thể tất cả tình trạng đói kém chỉ đổ cho thiên tai.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, đi học được dạy rằng "Nước ta ở xứ nóng, khí hậu tốt/Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu/Nhân dân dũng cảm và cần kiệm/Các nước anh em giúp đỡ nhiều". Nay thì chúng ta xác định phải tự lực tự cường, không dựa dẫm trông chờ vào ai, vào anh em nào, chỉ có điều trăn trở : với những yếu tố quan trọng, hết sức thuận lợi kia, sao dân chúng vẫn vật vã trong đói nghèo ?
Làm sao chẳng suy nghĩ, một đất nước có những khi được phong là cường quốc lúa gạo, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, một nước thỉnh thoảng trong danh sách bình chọn của tổ chức quốc tế này nọ xếp vào nhóm hạnh phúc, dân chúng thỏa mãn, hài lòng bậc cao ; một nước mà đôi khi trong đại hội, hội nghị tổng kết dịp này dịp khác luôn có báo cáo khen ngợi nêu bật thành tựu, bước phát triển vượt bậc, thắng lợi, thành công trên đủ lĩnh vực, mà trên thực tế vẫn tồn tại điều khó chối bỏ : người dân vẫn đói, cơm chưa đủ no, đói ngay cả trong ngày tết. Tết vẫn thiếu cơm, có nghĩa gần như thiếu tất cả, đừng nói chi đến cành đào, món ngon, sơn hào hải vị, du xuân…
Nhân việc ngày nay, lại ngẫm chuyện thời xưa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1437, vua Lê Thái Tông sai hành khiển Nguyễn Trãi và hoạn quan Lương Đăng soạn lễ nhạc cho cung đình. Đăng nịnh vua, bày ra những thứ chỉ cốt lấy lòng vua, xa rời thực tế. Nguyễn Trãi dâng biểu lên Thái Tông tỏ bày : "Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho nơi làng mạc thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy". Gần 600 năm đã trôi qua, những lời gan ruột của nhà yêu nước thương dân vĩ đại ấy vẫn còn văng vẳng đến bây giờ.
Bản danh sách 12 tỉnh đói kém nói trên là câu chuyện buồn trước thềm xuân. Chỉ mong sao mai này, thậm chí gần hơn, từ Tết sang năm, không còn chuyện các tỉnh lập "danh sách đói" đệ trình lên Chính phủ. Không trình không có nghĩa là vẫn đói nhưng sĩ diện đem giấu đi, mà là dân chúng được thực sự no ấm, đầy đủ, bình yên vui vẻ đón Tết, chờ bước xuân về.
Để làm được như thế, trách nhiệm của Chính phủ, của bộ máy nhà nước rất nặng nề, không đơn giản chút nào nhưng chả lẽ cơn đói của dân "nơi làng mạc thôn cùng xóm vắng" kéo dài đã mấy chục năm chưa đủ dài hay sao ?
Nguyễn Thông
Nguồn : Một Thế Giới, 05/01/2017
**************************
Đến hẹn lại... xin cứu đói (Người Lao Động, 05/01/2017)
Ngoài những tỉnh thật sự khó khăn do lũ lụt, do sự cố môi trường biển, việc xin gạo cứu đói của một số địa phương đã trở thành... "truyền thống" vào dịp cận Tết gần 10 năm qua
Đến ngày 5/1, đã có 15 tỉnh gửi công văn lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin hỗ trợ tổng cộng hơn 17.000 tấn gạo cứu đói cho người dân trong mùa giáp hạt.
Thu chục ngàn tỉ đồng vẫn xin gạo
Việc xin gạo cứu đói của một số tỉnh đã trở thành... định kỳ vào dịp cận Tết trong gần 10 năm nay.Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Nam... là những tỉnh thường xuyên có tên trong danh sách xin gạo cứu đói. Trong đó, Hà Nam - một tỉnh trồng lúa cũng xin hỗ trợ hơn 418 tấn gạo để hỗ trợ 27.929 người trong dịp Tết.
Giải thích cho việc xin gạo cứu đói năm nay, ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nghệ An, cho rằng dân số tỉnh quá đông, đời sống của người dân ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. "Do nguồn thu hằng năm tăng, đời sống của người dân khá dần lên nên lượng gạo xin cứu đói trong dịp Tết nguyên đán của Nghệ An cũng giảm dần. Năm trước tỉnh xin hỗ trợ trên 3.500 tấn, năm nay còn khoảng 1.700 tấn" - ông Toàn nói.
Người dân nhận gạo cứu trợ do ảnh hưởng sự cố môi trường biển tại Quảng BìnhẢnh : Minh Tuấn
Nếu quy ra tiền, số gạo trên chỉ hơn 20 tỉ đồng. Đối với Nghệ An, số tiền này là quá nhỏ so với nguồn thu hằng năm. Năm 2016, Nghệ An thu ngân sách hơn 10.300 tỉ đồng, là 1 trong 15 tỉnh, thành trên cả nước có nguồn thu hơn 10.000 tỉ đồng. Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên, cách đây không lâu, tỉnh này đã đề xuất xây dựng khu trung tâm hành chính gần 2.200 tỉ đồng. Rất may, cuối năm 2015, Chính phủ đã đề nghị các tỉnh, thành ngưng việc xây trụ sở, dự án này mới tạm dừng.
Còn tại tỉnh Thanh Hóa, năm 2015 thu ngân sách được gần 11.000 tỉ đồng, năm 2016 khoảng 11.300 tỉ đồng. Thế nhưng, mức chi thường xuyên trong 2 năm qua đều trên 20.000 tỉ đồng/năm nên Thanh Hóa vẫn phải cần trung ương cứu đói.
Theo công văn đề xuất trung ương hỗ trợ hơn 650 tấn gạo, tỉnh Thanh Hóa có đến 9 huyện và thị xã xin cứu đói cho 15.400 hộ dân. Ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, lý giải : "Thu ngân sách được bao nhiêu đều chuyển hết về trung ương, sau đó sẽ cân đối lại. Việc thu ngân sách là nằm ở mục thu, còn chi phải dựa trên cơ sở duyệt chi thì mới được phân bổ ngân sách, chứ có phải thu được bao nhiêu thì chi bấy nhiêu tùy thích đâu...".
Trong khi đó, Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng bởi thiên tai và sự cố môi trường biển. Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Quảng Bình, cho biết các địa phương đang rà soát hộ dân gặp khó khăn. Sau khi có con số cụ thể, UBND tỉnh mới gửi văn bản xin hỗ trợ gạo cứu đói.
Nhiều tỉnh tự lo
Từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, dường như dịp Tết nào tỉnh Quảng Nam cũng xin trung ương hỗ trợ gạo cho người dân. Tuy nhiên, dịp Tết 2017, tỉnh Quảng Nam quyết định không xin gạo.
Theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân được cải thiện. Năm qua, Quảng Nam thu ngân sách hơn 20.200 tỉ đồng, tăng gấp 128,8 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Quảng Nam vừa hứng chịu 2 đợt lũ muộn làm đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nhưng năm nay, tỉnh sẽ tự lo cho bà con. Năm 2017, tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên tự chủ về ngân sách và sẽ điều tiết về cho "ngân khố" quốc gia.
"Chúng tôi không xin gạo cứu đói không đồng nghĩa với việc không chăm lo cho các hộ chính sách, hộ nghèo. Bằng chứng là UBND tỉnh vừa thông qua kế hoạch chi 10-15 tỉ đồng cho 12 địa phương nhiều khả năng sẽ có các hộ gặp khó khăn trong dịp Tết này. Chúng tôi sẽ theo dõi, nắm bắt thông tin về các hộ nghèo, hộ chính sách để kịp thời hỗ trợ với phương châm không để hộ dân nào thiếu đói" - ông Thu khẳng định.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế thu ngân sách năm 2016 chưa đến 6.000 tỉ đồng nhưng đến nay cũng không xin hỗ trợ gạo cứu đói. Đây cũng là một trong 4 địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, mưa lũ liên tiếp khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
"Sau các đợt lũ dồn dập, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xin hỗ trợ 1.000 tấn gạo cho người dân. Riêng gạo cứu đói vào dịp Tết, chủ trương của tỉnh là các huyện phải thẩm tra nhu cầu, tự lo cho dân, nếu vượt quá khả năng thì tỉnh sẽ hỗ trợ trước khi xin trung ương" - ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết.
Trình Thủ tướng xem xét
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết bộ đã nhận được tờ trình xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết nguyên đán 2017 của 15 tỉnh với tổng cộng 17.000 tấn. "Nhận được tờ trình nào, chúng tôi lại trình lên Thủ tướng để Thủ tướng xem xét, quyết định" - ông Đàm nói.
Trả lời về việc ngoài các địa phương thực sự khó khăn do thiên tai, không ít tỉnh có "truyền thống" nhiều năm liên tục xin hỗ trợ gạo cứu đói, ông Nguyễn Trọng Đàm cho rằng một số địa phương dù kinh tế tăng trưởng nhưng trong cả cộng đồng vẫn có một bộ phận người dân nghèo mà đến ngày giáp hạt, ngày Tết thiếu lương thực nên mới xin.
"Chuyện của Nghệ An, Thanh Hóa hay một số địa phương khác, có thể kinh tế địa phương vẫn tăng trưởng nhưng sự tăng trưởng đó không phải mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Chuyện xin gạo cứu đói với tăng trưởng kinh tế địa phương có những cái khác nhau, chúng ta không nên hiểu một chiều" - ông Đàm nhận xét.
Nhóm phóng viên
**************************
Nhiều tỉnh khó khăn nhưng không xin gạo cứu đói (VnExpress, 05/01/2017)
Đến ngày 5/1, có 15 tỉnh xin cấp gạo cứu đói với hơn 17.000 tấn. Một số tỉnh khó khăn như Sơn La, hay gặp thiên tai như Quảng Nam nhưng không xin cứu trợ.
VnExpress đã trao đổi với Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm về việc cứu trợ gạo dịp Tết 2017.
- Thưa ông, đến nay có bao nhiêu tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Nguyên đán 2017 ?
- Có 15 tỉnh với lượng gạo xin cấp 17.000 tấn. Tỉnh gửi báo cáo về đến đâu Bộ trình Thủ tướng đến đó và một số địa phương đã nhận được quyết định cấp gạo từ Chính phủ. Thiên tai nặng nề kéo dài suốt năm nên địa phương phải chuẩn bị tích cực để lo Tết đầy đủ cho người nghèo.
Trước đó trong năm 2016, Chính phủ xuất 67.000 tấn gạo để vừa lo Tết Nguyên đán Bính Thân, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sự cố môi trường miền Trung. Lượng gạo cấp phát gấp 3 lần những năm trước.
- Một số tỉnh thường xuyên đi xin gạo cứu đói dù trong năm không gặp thiên tai, mất mùa, ông nhìn nhận việc này thế nào ?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trao đổi với báo chí chiều 5/1. Ảnh : Hoàng Phương.
- Thực ra, các địa phương rất mong muốn tự lực, không phải xin Trung ương. Dù tình hình kinh tế - xã hội tốt hơn, có tăng trưởng GDP, nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng trong cộng đồng rộng lớn thì vẫn có bộ phận người nghèo ngày giáp hạt, ngày Tết thiếu lương thực nên tỉnh mới xin. Những địa phương như vậy không xin nhiều lắm, chỉ vài ba trăm tấn để đảm bảo hỗ trợ cho người dân. Có thể GDP các tỉnh đều tăng nhưng không phải cứ tăng trưởng là có cuộc sống tốt đẹp cho tất cả, điều kiện sống được cải thiện như nhau hết.
Đảm bảo an sinh, nắm chắc đời sống người dân là nhiệm vụ của địa phương, Trung ương không thể làm thay được. Nhưng địa phương không được để người dân nào bị thiếu đói, đứt bữa trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn.
- Hà Nam là tỉnh trồng lúa nhưng vẫn có đơn xin 400 tấn gạo, Bộ đã thẩm tra việc này thế nào ?
- Năm nay Hà Nam cũng bị ảnh hưởng nhẹ bởi thiên tai nên có đơn xin hỗ trợ gạo. Bộ đã trao đổi và đi kiểm tra, thấy nhiều gia đình ruộng đất ít, lại bị ảnh hưởng của bão nên thiếu lương thực, vì thế Bộ vẫn đề xuất hỗ trợ.
Trách nhiệm xác định nhu cầu thiếu đói là của địa phương. Bộ không thể đi kiểm tra hết mà đánh giá trên cơ sở địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, tôn trọng việc rà soát của địa phương để trình Thủ tướng. Hầu như không có địa phương nào xin gạo mà Thủ tướng không cấp. Nếu địa phương không trình, để người dân đói mà báo chí phản ánh là không được.
Người dân Quảng Bình phơi số gạo bị ngâm nước 3 ngày do mưa lũ để cho gà và lợn ăn. Ảnh : Hoàng Táo.
- Những tỉnh nào khó khăn do thiên tai nhưng không xin gạo cứu đói ?
- Có tỉnh như Quảng Nam nằm trong vùng bị thiệt hại nặng do thiên tai nhưng vẫn chủ động bằng nguồn ngân sách, trích quỹ bảo đảm xã hội ra để lo cho người dân chứ không xin Trung ương. Năm nay Quảng Nam còn điều tiết cho ngân sách Trung ương.
Hay như Sơn La dù thiếu đói nhưng thấy không cần thiết xin thì không xin. Trung ương khuyến khích các địa phương tăng trưởng kinh tế, tự lực chăm lo được cho người dân.
12 tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán 2017 gồm Cao Bằng 625 tấn, Tuyên Quang 310 tấn, Yên Bái 397 tấn, Lào Cai 247 tấn, Thanh Hóa 650 tấn, Nghệ An 1.766 tấn, Quảng Trị 1.486 tấn, Quảng Ngãi 1.718 tấn, Bình Định 1.992 tấn, Ninh Thuận 1.134 tấn, Đăk Nông 400 tấn, Kon Tum 577 tấn. Ba tỉnh xin gạo cứu đói lúc giáp hạt là Lai Châu, Lạng Sơn và Hà Nam.
Hoàng Phương