Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/04/2020

Vì sao Putin và Nguyễn Phú Trọng vẫn "ướp xác " Lenin và Hồ Chí Minh ?

Hoàng Trung

Con người ta vẫn cho rằng chết là hết đôi khi còn là một sự giải thoát nhưng dường như điều này không đúng với Vladimir Lenin, một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga. Lenin sinh năm 1870 và mất năm 1924. Gần một thế kỷ ra đi mà nhân vật này vẫn là đề tài tranh cãi thậm chí còn gây chia rẽ trong dư luận tại Nga và một số nước Đông Âu. Tượng của ông thì bị phá bỏ ở nhiều nơi, thi hài ông thì cũng chung số phận như chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của Việt Nam đã được những người đồng chí cộng sản ướp lạnh và đưa vào lăng bất kể di nguyện của ông ra sao.

uop

Ảnh : Thi hài của Lenin được ướp lạnh và bảo quản trong lăng tại Moscow, Nga kể từ khi ông qua đời vào năm 1924

Nhân 150 năm ngày sinh Lenin, thành phố Moscow phải gỡ bỏ một khẩu hiệu dán vào bức tượng lớn của ông vẫn còn ở thủ đô Nga, đòi dỡ bỏ công trình.

Theo các báo Nga hôm 21/04/2020, một biểu ngữ ghi dòng chữ "Đối tượng của giải trừ chủ nghĩa cộng sản" được một số người dán vào bệ bức tượng Lenin cùng công nông binh ở Moscow tối hôm trước.

Chính quyền Moscow đã nhanh chóng gỡ tấm biểu ngữ, theo đài truyền hình Dozhd TV.

Tuy thế, bức hình đã được các nhóm vận động chống di sản chủ nghĩa cộng sản chia sẻ trên mạng xã hội Vkontakte ở Nga.

Cho đến nay, nhiều quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết đã tháo bỏ tượng Lenin khỏi các nơi công cộng.

Về bức tượng Lenin tại Moscow, năm ngoái các dân biểu địa phương đã tranh cãi về đề nghị của phái dân tộc chủ nghĩa chống cộng sản Nga đòi di dời tượng ra Kaluzhskaya Ploshchad.

Thi hài của Lenin cũng là một chủ đề gây chia rẽ từ nhiều năm qua trong chính giới và dư luận tại Nga.

Đầu tuần qua, một nghị sĩ Nga, bà Natalya Poklonskaya nhắc lại lời kêu gọi đã từng được một số nhân vật cao cấp ở Nga, rằng đã đến lúc cần đưa thi hài Lenin khỏi lăng.

Bà Poklonskaya nói thi hài trong Lăng Lenin ở Quảng trường Đỏ, là "di sản đang kéo chúng ta lùi lại quá khứ".

Hồi tháng 11/2018, một nghị sĩ của vùng St Petersburgh, ông Vladimir Petrov, đề nghị đến năm 2024, nhân 100 năm ngày mất của Lenin, thì nên đưa ông ra khỏi lăng và thay bằng một tượng sáp hoặc cao su.

Ngay lập tức, quan chức của đảng ‘Những người Cộng sản Nga’, ông Sergei Malinkovich phản bác lại và đòi dùng luật hình sự để xử "các hành vi xúc phạm tình cảm tôn giáo".

Theo ông, nếu coi việc theo chủ nghĩa Marx-Lenin như một tín ngưỡng thì lời của ông Peskov "chắc chắn đã xúc phạm các tín đồ" và vi phạm tới hai điều trong Luật Hình sự Liên bang Nga.

Nhưng sau đó, theo các báo Nga, không có vụ kiện cáo này xảy ra, có thể vì các cáo buộc lẫn nhau chỉ nằm ở bên lề của chính trị Nga.

Đảng của ông Malinkovich thực ra chỉ là một tổ chức nhỏ, không có uy tín bằng ‘Đảng Cộng sản Liên bang Nga’, tổ chức có nghị sĩ trong Viện Duma Quốc gia.

Các nhà bình luận cho rằng đánh giá về thân thế sự nghiệp Lenin như một nhân vật lịch sử hiện đã tách biệt khỏi Lenin như đối tượng của niềm tin ý thức hệ.

Nói ngắn gọn thì Lenin bị chính trị hóa ngay sau khi ông qua đời.

Bản thân Lenin trước khi chết đã bày tỏ ý nguyện được mai táng cạnh mẹ ông ở quê nhà nhưng Stalin ra lệnh ướp xác ông, đưa vào lăng để làm biểu tượng ‘sống mãi’ của chế độ Xô Viết.

Vậy Lenin là ai mà suốt cả thế kỷ qua người ta vẫn đem thi hài ông, tượng của ông ra để tranh luận, bàn cãi ?

Lenin là người phát triển học thuyết của Karl Marx và Friedrich Engels. Ông là người đứng đầu chính phủ của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga từ năm 1917 đến năm 1924 và của Liên Xô từ năm 1922 đến năm 1924.

Tại Việt Nam, ông được coi là một nhà lý luận chính trị lỗi lạc, một người theo chủ nghĩa cộng sản, ông đã phát triển thành công một biến thể của chủ nghĩa Marx (Marxism) được gọi là chủ nghĩa Lenin (Leninism).

Học sinh Việt Nam dưới mái trường xã hội chủ nghĩa được dạy là : Lenin là vị lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Lenin đã phát triển lý luận Marxism về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và trở thành tấm gương mẫu mực của tinh thần vận dụng sáng tạo học thuyết Mác vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trong điều kiện cụ thể của nước Nga. Và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định vận dụng, bổ sung, phát triển tư tưởng của Lenin trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Còn thế giới nhìn nhận Lenin là biểu tượng của mô hình cộng sản ưa bạo lực ở Nga sau 1917.

Trên cương vị người sáng lập nhà nước vô sản đầu tiên trên toàn cầu, suốt đời hoạt động của mình, Lenin trước sau như một ủng hộ sự áp dụng bạo lực cách mạng như một phương tiện cần thiết và tiên quyết để giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội và chính trị.

Sự độc đoán và phi dân chủ đó của ông đã khiến cả những gương mặt lớn, cùng lý tưởng – như Rosa Luxemburg, hay văn hào Maxim Gorky – phải ‘kêu trời’.

Cũng trong thời gian đó, những phần tử ưu tú, tinh hoa nhất của giới trí thức Nga truyền thống đã bị cưỡng bức rời quê hương – mở đầu cho một thông lệ tệ hại ở Liên Xô là chính quyền có thể trục xuất chính công dân mình nếu cảm thấy ai đó có thể không hợp hoặc không có lợi cho họ.

Đấy cũng là tội của Lenin – người rất thấu hiểu sức mạnh của tri thức nên đã rất mạnh tay với giới trí thức, với nền văn hóa truyền thống Nga.

Thế nên, rất có thể đối với Đảng Cộng sản Liên Xô, hoặc với cá nhân ai đó thì Lenin (từng) là thần tượng, nhưng chỉ cần đọc lại một chút những nghiên cứu lịch sử đúng đắn là biết được di sản của Lenin nguy hại như thế nào đối với một phần đáng kể nhân loại.

5/ Chủ nghĩa cộng sản do Lenin gây dựng được chính những người đồng chí thế hệ sau của ông tại Liên Xô và cả Đông Âu đã phải lên tiếng phê phán, lên án các chế độ thực hiện chủ nghĩa cộng sản về mặt cơ cấu tổ chức điều hành, chủ trương chính sách cai trị đã gây hậu quả nghiêm trọng, toàn diện, lâu dài cho nhân dân và đất nước.

Ông Mikhail Gorbachov là Tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô trong chế độ độ độc tài toàn trị Liên Xô (Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ Nghĩa Xô Viết), và là vị Tổng thống đầu tiên trong chế độ Cộng hòa Liên bang Nga hình thành sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ đồng thời cũng là người góp phần quyết định cho sự chuyển đổi từ chế độ độc tài toàn trị Liên Xô qua chế độ dân chủ pháp trị Cộng hòa Liên bang Nga ngày nay đã phát biểu : "Tôi đã bỏ quá nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng : Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá…"

Ông Boris Yeltsin, một đảng viên cộng sản "phản tỉnh", kế nhiệm Mikhail Gorbachev là vị Thổng thống thứ hai của nước Nga dân chủ thì nói : "Cộng sản không thể nào sửa chữa, chúng phải bị đào thải".

Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin, từng cầm đầu KGB cơ quan tình báo trung ương Liên Xô, cũng từng tuyên bố "Ai tin cộng sản, là không có cái đầu. Ai làm theo lời của cộng sản, là không có trái tim".

Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Nam Tư Milovan Djilas cũng đã từng tuyên bố : "20 tuổi mà không theo cộng sản, là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản, là không có cái đầu".

Nữ thủ tướng Đức, Angela Merkel vào ngày 07/5/2009 nhân dịp nước Đức kỉ niệm Phong trào nổi dậy đòi dân chủ tại Đông Đức cộng sản vào năm 1989 chống đối cuộc bầu cử gian lận ngày 07/5/1989 tại Đông Đức, đã phát biểu : "Chủ nghĩa cộng sản đã tạo thành con người dối trá". Bà Merkel kết án mạnh mẽ : "Đông Đức đã trở thành một hệ thống nhà tù kiểm soát chặt chẽ người dân nhất thế giới. Tuy nhiên điều phá hủy được hệ thống vô luân này chính là niềm khát khao công lý và sự thật của người dân Đức, đó chính là "nền tảng cho nền dân chủ", chúng ta đang hưởng được tự do và công lý trong 20 năm qua, hôm nay chúng ta không thể và không muốn quên đi tất cả những bất công đã xảy ra do cộng sản gây ra".

Bà Merkel là một người đã lớn lên và trưởng thành trong chiếc nôi của cộng sản Đông Đức và được rèn luyện, đào tạo từ trong lòng chế độ độc tài, chuyên chế này.

Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là một chủ đề mà Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump nhiều lần lên án trong suốt thời gian qua.

Tại Khóa họp thứ 72 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York ngày 19/9/2017, ông phát biểu : "Từ Liên Xô tới Cuba và Venezuela, bất kỳ nơi đâu chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản được áp dụng, nó đem lại khổ đau, phá hoại và thất bại. Những ai tuyên truyền giáo lý của những ý thức hệ đã mất hết uy tín này chỉ đóng góp vào đau khổ kéo dài của những người dân sống dưới các hệ thống tàn nhẫn này".

Tại Kỳ họp 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York ngày 25/9/2018, ông tiếp tục nói : "Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người".

Tại Kỳ họp 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/09/2019, ông tiếp tục bày tỏ quan điểm xuyên suốt của mình từ 2 kỳ họp trước : "Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không phải vì công lý, bình đẳng, không phải nâng đỡ người nghèo, và dĩ nhiên không phải vì những điều tốt đẹp cho đất nước. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chỉ vì một điều duy nhất : quyền lực của giai cấp thống trị".

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ còn nói thêm rằng : "Một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà các quốc gia phải đối mặt là bóng ma của chủ nghĩa xã hội. Nó là kẻ phá hoại quốc gia, kẻ tàn sát xã hội".

Kể từ khi đắc cử Tổng thống, ba lần phát biểu trong hội nghị thường niên ở Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc là cả ba lần ông Trump chỉ trích thẳng thừng và lên án gay gắt chủ nghĩa cộng sản, không hề né tránh hay khoan nhượng và kêu gọi các nước chống lại mô hình này.

Bởi những đau khổ mà chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mang lại cho người dân Liên Xô nói riêng và nhân loại nói chung mà Lenin, lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, đã phải nhận sự ‘ghẻ lạnh’, xa lánh của người dân các nước thuộc Liên Xô cũ và cả một bộ phận không nhỏ người dân tại chính nước Nga, quốc gia kế thừa Liên Xô.

Hơn thế nữa, chính cái ý thế hệ xã hội chủ nghĩa mà Lenin gây dựng đã khiến di nguyện cuối cùng của ông cũng không được thực hiện và thi hài ông thì bị đem ra trưng bày cho mục đích chính trị.

Đây cũng là một bài học với nhà cầm quyền tại Hà Nội, để sớm dẹp bỏ các tượng đài còn lại của Lenin trên cả nước và thực hiện hỏa táng thi hài ông Hồ Chí Minh – đúng theo di chúc mà vị lãnh đạo này đã để lại cho Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam.

Hoàng Trung (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 23/04/2020

Quay lại trang chủ
Read 704 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)