Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/04/2020

Cuộc đấu Donald Trump, Trung Quốc và WHO

Hoàng Trung

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ngừng cấp tiền cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong khi chính quyền của ông xem xét các hành động của tổ chức này.

fight1

Ảnh : Lời kêu gọi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức đến nay đã xấp xỉ 1 triệu người ký tên, mặc dù trang này bị chặn ở Việt nam và Trung quốc

Ông cáo buộc WHO quản lý yếu kém và che đậy sự lây lan của virus corona sau khi nó xuất hiện ở Trung Quốc và đã không ép Trung Quốc cần phải minh bạch hơn.

Điều này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ có nhiều ca mắc Cúm Vũ Hán nhất và số người chết cao nhất thế giới hiện nay, với chính Tổng thống Trump hứng chịu chỉ trích vì cách xử lý đại dịch.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi quyết định của ông Trump đã thu hút sự chỉ trích rộng rãi từ cả trong và ngoài nước, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Tổng Giám đốc WHO, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, các nhà tài trợ lớn, các chuyên gia y tế và các đồng minh Châu Âu đã cam kết tiếp tục ủng hộ cho WHO vào thời điểm đầy khó khăn này.

Trung Quốc, nước mà nhiều người coi là mục tiêu thực sự của cuộc tấn công của ông Trump, cũng đã phản ứng nhanh chóng và quyết liệt.

Tân Hoa Xã đã thể hiện sự phẫn nộ rõ nét nhất trong quyết định của ông Trump, đồng thời tránh đề cập đến những điều mà ông phàn nàn về Trung Quốc.

"Trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch này, WHO rất cần các quỹ để phát triển vắc-xin, cung cấp đồ bảo hộ cá nhân và hỗ trợ cho các nước kém phát triển hơn", Tân Hoa Xã nói.

"Vào thời điểm quan trọng này, Hoa Kỳ không chỉ không đóng góp cho nỗ lực này mà họ còn ngưng hỗ trợ WHO, hành vi xấu như vậy đi ngược lại các nguyên tắc nhân đạo".

Các nhà bình luận cũng tham gia, chẳng hạn như Tống Lỗ Trịnh, sống ở Pháp nhưng làm việc như một nhà nghiên cứu tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải :

"Khi Trung Quốc vẫn tự chống dịch, WHO đã ca ngợi Trung Quốc về các biện pháp tích cực của họ và khuyến nghị thế giới nên học hỏi. Điều này làm cho một số chính trị gia và truyền thông ở Châu Âu và Mỹ không hài lòng, bởi vì nó không phù hợp với các giá trị và cách diễn giải của họ",

"Đối với Hoa Kỳ, nếu họ có thể phá bỏ WHO thì điều đó là bác bỏ hiệu lực về kinh nghiệm chống dịch của Trung Quốc và họ đã thành công trong việc đẩy trách nhiệm của họ sang cho người khác". ông Tống Lỗ Trịnh viết.

Tôn Vận, nhà nghiên cứu cao cấp và cũng là Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington DC, đưa ra nhận xét :

"Một số quyết định của WHO về Cúm Vũ Hán mà mọi người đã nghi ngờ bao gồm kêu gọi các quốc gia khác đừng phản ứng quá mức với Cúm Vũ Hán vào tháng 2 và quyết định của họ về việc hoãn gọi đây là đại dịch toàn cầu. Chúng tôi không biết liệu các quyết định này có động cơ chính trị không, nhưng chúng đã trùng lặp với lập trường của Trung Quốc nhiều tới mức rằng sự nghi ngờ là hợp lý", Tôn Vận đã nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn.

Đúng là Trung Quốc đã có mối quan hệ làm việc rất tốt với Tedros Adhanom Ghebreyesus, đương kim Tổng Giám đốc WHO.

Ông đã đến Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 1 và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong một bài phát biểu tại Geneva vào ngày hôm sau, ông đã ca ngợi ông Tập vì sự lãnh đạo của ông, gọi đó là chuyện hiếm, và đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc :

"Trung Quốc đã xác định mầm bệnh trong thời gian kỷ lục và chia sẻ nó ngay lập tức, điều này dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các công cụ chẩn đoán. Họ hoàn toàn cam kết về tính minh bạch, cả bên trong lẫn bên ngoài", ông Tedros nói.

Nhiều người sẽ chỉ ra rằng Trung Quốc có thể đã chia sẻ thông tin với WHO, nhưng Bắc Kinh đã không thông báo cho người dân của mình đủ sớm về mức độ nghiêm trọng của virus vào tháng Một.

Thay vào đó, họ khiển trách những người cố gắng đưa ra cảnh báo, bịt miệng các bác sĩ muốn thông báo các ca từ bệnh viện và làm dịu đi cuộc khủng hoảng để rồi mọi người đã bị thiếu chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra.

Thiếu minh bạch là một trong những lời chỉ trích nhắm vào Trung Quốc, bao gồm cả số người chết. Một số cơ quan truyền thông của chính Trung Quốc đã thực hiện phóng sự dẫn nguồn là nhân viên y tế về báo cáo thiếu về số ca chết do Cúm Vũ Hán.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà vài ngày sau tuyên bố của ông Trump, Trung Quốc đã sửa đổi số người chết ở Vũ Hán thành 3.869, tăng 50%. Trung Quốc khẳng định điều này là do báo cáo thiếu thay vì che giấu.

Nhưng Tổng thống Trump không thấy ấn tượng. "Rất nhiều điều kỳ lạ đang xảy ra nhưng có rất nhiều cuộc điều tra đang diễn ra, và chúng tôi sẽ tìm ra", ông nói.

Chính phủ Pháp và Anh cũng đã đặt câu hỏi về cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc.

Tôn Vận từ Trung tâm Stimson không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ hợp tác dưới bất kỳ hình thức điều tra nào về hành vi của mình, nhưng "sẽ có việc rà soát lại lập trường, các tuyên bố, sự không nhất quán và chính sách của Trung Quốc để đưa ra kết luận về những gì Trung Quốc đã làm sai".

Điều này không phụ thuộc vào sự hợp tác của Trung Quốc, bà Tôn Vận đã nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn.

Vụ việc liên quan tới WHO chỉ là một trong chuỗi các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.

Vương Lập Tư, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, dự báo tương lai của mối quan hệ song phương đang đi đến một giai đoạn đầy bão tố.

"Sự ngờ vực của chúng tôi với Hoa Kỳ và không thích Hoa Kỳ đã đạt đến một mức độ chưa từng thấy kể từ khi chúng tôi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 41 năm", ông Wang nói trong một bài giảng gần đây.

So với các vụ việc gồ ghề khác, ông Vương nhận xét, thì lần này đã đi quá xa đụng chạm vào những lĩnh vực khác rộng hơn, mang nhiều cảm xúc hơn và ăn sâu hơn vào dư luận.

Tôn Vận từ Trung tâm Stimson ở Washington DC cũng nhìn thấy hướng tiêu cực đó.

"Tôi sẽ nói cả hai bên đều có trách nhiệm. Trung Quốc đã cố đổ lỗi cho virus do Hoa Kỳ (một số người Trung Quốc vẫn nói vậy) và cố gắng sử dụng cơ hội để bảo vệ tính chính danh và thậm chí là ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc. Và rằng sức mạnh mềm, kết hợp với chính sách ngoại giao đanh thép, đã không được nhìn nhận tích cực ở Hoa Kỳ", Tôn Vận nói.

Tuy nhiên, bà cảm thấy rằng một khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm soát Cúm Vũ Hán, một số yếu tố rạn nứt sẽ được loại bỏ và hai bên có thể nhìn về mối quan hệ ổn định hơn.

Nhưng ông Vương Lập Tư từ Đại học Bắc Kinh thì kém lạc quan hơn nhiều.

"Trong tương lai, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đầy căng thẳng và xung đột, không có nhiều cơ hội để thỏa hiệp và điều chỉnh. Khi một cuộc cạnh tranh toàn diện trở thành đối đầu hoàn toàn, kịch bản Bẫy Thucydides không thể bị loại trừ", ông Wang nói.

Về thuật ngữ "Bẫy Thucydides" có thể hiểu khái niệm qua một câu nổi tiếng của sử gia cổ đại Hy Lạp Thucydides rằng "Điều khiến cuộc chiến trở nên không thể tránh khỏi là sự phát triển sức mạnh của Athens và nỗi sợ hãi mà điều đó gây ra ở Sparta". Điều này có vẻ như đang xảy ra giữa các cường quyền thế giới hiện nay là Mỹ và Trung quốc.

"Đó sẽ là một viễn cảnh đen tối. Nếu đại dịch cho ta bài học gì thì có thể nói là virus sẽ giết chết bất kể người ta quốc tịch gì, ý thức hệ và niềm tin gì, và điều quan trọng hơn là các quốc gia chia sẻ thiện chí cũng như kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn, và bảo vệ toàn thể nhân loại".

"Trung Quốc và Hoa Kỳ nên đi đầu trong nỗ lực này thay vì phá hủy dần bất kỳ điểm chung nào", ông Vương Lập Tư nói .

Nhiều quốc gia và tổ chức tiếp tục củng cố cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế

fight2

Ảnh : Thủ tướng Úc Scott Morrison đã dành cả tối 21/4 để gọi cho các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp và Đức để thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc virus Cúm Vũ Hán

Viện nghiên cứu chiến lược Henry Jackson Society của Anh cho rằng Trung Quốc có thể bị kiện ra tòa án quốc tế dựa trên 10 điều mục của luật quốc tế với khoản tiền bồi thường lên đến 6,5 ngàn tỷ USD.

Trong đó bao gồm những vi phạm về Quy định y tế quốc tế (International Health Regulations) vốn được củng cố từ thời dịch SARS bùng phát năm 2005 mà Trung Quốc cũng đã che giấu quy mô thực.

Thiệt hại này chỉ được tính riêng trong các nước G7 khi các chính phủ phải tung ngân sách hỗ trợ người dân thực hiện những biện pháp cách ly cộng đồng, qua đó làm đình trệ kinh tế toàn cầu.

Báo cáo dài 40 trang chỉ ra rằng : Trong một kịch bản đại dịch toàn cầu, việc quan trọng là phải báo cáo tức thời. Để kiểm soát sự lây lan của virus, hành động nhanh chóng dựa trên thông tin chính xác là điều bắt buộc.

Cộng đồng thế giới đã thiết lập ra những Quy định y tế quốc tế với yêu cầu các quốc gia cung cấp thông tin một cách mau chóng, chính xác và đầy đủ về diễn biến của những dịch bệnh đang bùng phát.

Nghiên cứu này đã chứng minh một cách thuyết phục rằng trong những phản ứng đầu tiên đối với dịch bệnh, Vũ Hán và Hồ Bắc đã vi phạm các Quy định quốc tế. Trách nhiệm rõ ràng thuộc về chế độ cầm quyền ở cấp bậc cao nhất – tức Đảng cộng sản Trung Quốc.

Think Tank của Anh sẽ gia nhập một nhóm ngày càng lớn các tổ chức phương Tây thu thập bằng chứng và dữ kiện để kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Có thể thấy rằng thiệt hại của các nước G7 có một phần rất lớn vì 2 lí do :

- Trung Quốc đã chậm công bố dịch dẫn đến người bệnh trong nước tự do đi lại, lây nhiễm cho toàn cầu.

- Trung Quốc đã che giấu các số liệu thực sự về số người bệnh và tử vong, dẫn đến việc không thể nào đưa ra những mô hình dịch tễ chính xác nhằm áp dụng chính sách phản ứng phù hợp.

Có thể thấy rằng các nước phương Tây, dù không tin vào số liệu từ Trung Quốc, đã không thể ngờ quy mô che giấu lại lớn đến như vậy. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đầy giận dữ tuyên bố rằng con số thực ở Trung Quốc phải gấp 15 đến 40 lần những gì được họ thông báo.

Các nghị sĩ Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành "một cuộc điều tra sâu rộng" về cách thức WHO và Trung Quốc ứng phó Cúm Vũ Hán.

NBC News dẫn thông tin từ một quan chức Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Mỹ cho biết, ngày 14/4, Chủ tịch Ủy ban này, ông Ron Johnson cùng một số thượng nghị sỹ khác đã gửi thư cho Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus để thông báo về việc này.

Theo vị quan chức này, đây "là bước đi đầu tiên" trong quá trình điều tra của Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Mỹ. Cũng trong bức thư nói trên, ông Ron Johnson và các thượng nghị sỹ đã yêu cầu "những thông tin liên quan đến việc WHO đã thất bại và chậm trễ trong việc ứng phó với dịch Cúm Vũ Hán".

Cuộc điều tra trên cũng sẽ tập trung vào một số khía cạnh khác trong đợt dịch Cúm Vũ Hán. Cụ thể, tại sao Cơ quan Dự trữ Chiến lược Mỹ "không chuẩn bị tốt hơn" để phòng chống dịch. Tổng thống Trump đã chỉ trích người tiền nhiệm vì đã không dự trữ đủ các trang thiết bị y tế cần thiết cho việc này.

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Todd Young cũng đã viết thư cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đề nghị ông tham gia vào phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ "vào thời điểm thích hợp". Ông Young cũng ký tên vào bức thư yêu cầu điều tra của Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Mỹ.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Josh Hawley ngày 14/4 đệ trình một dự luật trong đó yêu cầu chỉ rõ "trách nhiệm của các bên khiến Cúm Vũ Hán trở thành đại dịch trên toàn cầu". Ông Hawley cũng tham gia cùng Thượng nghị sỹ Tom Cotton công bố một điều luật "cho phép Tổng thống áp lệnh trừng phạt các quan chức nước ngoài tìm cách ngăn chặn hoặc bóp méo thông tin về khủng hoảng y tế công trên toàn thế giới".

Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ cũng đã gửi thư tới Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus yêu cầu ông cung cấp thông tin về mối quan hệ giữa WHO và Trung Quốc và cáo buộc WHO đã hỗ trợ Trung Quốc "phát tán những thông tin tuyên truyền độc hại trong dịch bệnh Cúm Vũ Hán".

Cùng lúc đó, Bộ Ngoại giao Úc cũng kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập nhằm đánh giá phản ứng toàn cầu đối với đại dịch Cúm Vũ Hán, bao gồm các xử lý khủng hoảng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra độc lập về phản ứng đầu tiên của Trung Quốc khi dịch Cúm Vũ Hán mới bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cuối năm ngoái.

"Chúng ta cần biết nhiều thông tin chi tiết và một cuộc điều tra độc lập sẽ giúp chúng ta xác định nguồn gốc của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Cúm Vũ Hán, cách xử lý khủng hoảng và chia sẻ thông tin", bà Payne nói với đài ABC ngày 19.4.

Bà Payne cho biết thêm bà tin rằng những vấn đề phát sinh liên quan đến đại dịch Cúm Vũ Hán có thể làm thay đổi mối quan hệ Úc-Trung Quốc "theo một cách nào đó", nhất là khi bà lo ngại sâu sắc về sự minh bạch thông tin của chính quyền Trung Quốc.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập. Ông Hunt lưu ý Úc đã đạt được thành công trong việc hạn chế sự lây lan của đại dịch Cúm Vũ Hán, một phần là nhờ vào việc không tuân thủ khuyến nghị của WHO, theo AFP.

Hoàng Trung (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 24/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Trung
Read 698 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)