Những người theo dõi truyền hình cho biết liên tiếp những ngày qua, cơ quan truyền thông Nhà Nước Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc như một cách kêu gọi lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của người dân.
Ảnh chụp từ trên cao cái được gọi là ‘thành phố Tam sa’ trên một hòn đảo trong chuỗi Hoàng Sa đang tranh chấp, ngày 27 tháng 7 năm 2012. AFP
Ông Đức Minh, một cựu sĩ quan quân đội từ Sài Gòn nói với RFA :
"Tôi thấy đó là một hiện tượng lạ. Tôi đang phân vân không biết có phải giới cầm quyền Việt Nam thay đổi quan điểm về ngoại giao với Trung Quốc hay không, nhưng bản thân lại không tin lắm vào việc họ thay đổi...
Nhiều người dân trong nước vẫn bị an ninh sách nhiễu về việc đeo khẩu trang có dòng chữ No-U".
Ông Minh liên tục phản đối Trung Quốc trên facebook cá nhân của mình và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam đừng quá nhu nhược. Bản thân ông cho biết dù không còn trẻ nhưng ông sẵn sàng tái ngũ, cầm súng đánh giặc khi tổ quốc cần.
Còn cô Lê Thị Tuyết, một công nhân ở Tây Ninh thì nêu suy nghĩ đơn giản của mình khi trò chuyện cùng RFA :
"Mất nước là do lỗi của những ông lớn, những lãnh đạo đã để Trung Quốc xâm lấn. Em là một người dân mà em có biết gì đâu. Chuyện đó để Nhà nước lo thôi. Mình ở Việt Nam mà, họ làm như thế nào mình cũng phải chịu thôi".
Theo ghi nhận của RFA, chỉ một số ít người dân tin vào báo chí và truyền thông nhà nước. Đa số họ chỉ lấy thông tin từ chính quyền để tham khảo rồi tìm hiểu thêm trên mạng xã hội, từ nguồn đáng tin cậy.
Anh Trần Trọng Nhân từ Buôn Mê Thuột nói với RFA rằng, có hai góc nhìn từ người dân. Một góc nhìn từ những người dân bàng quan với thời cuộc và góc nhìn từ những người dân trăn trở với hiện tình đất nước. Là một người luôn quan tâm đến thời cuộc, anh Nhân cho biết bản thân anh biết tin tức về biển đảo qua nhiều nguồn, nhưng trên mạng xã hội là chính. Nguồn chính thống từ trong nước thì anh ít theo dõi, chỉ coi một vài chương trình coi họ nói gì, họ phản ứng như thế nào thôi. Anh nói :
"Với lòng yêu quê hương đất nước em rất thao thức với hiện tình biển đảo, nhưng nếu bây giờ kêu em xuống đường chống Trung Quốc như trước thì em sẽ không đi. Em đã nhiều lần xuống đường và lần nào cũng bị chính quyền đàn áp. Lúc nào họ cũng nói với em rằng, các anh không phải lo. Có đảng và nhà nước lo rồi.
Lâu nay dân lên tiếng, mọi người lên tiếng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì bị bắt bỏ tù. Bây giờ trước tình hình nguy cấp hơn bao giờ hết, đảng và nhà nước tự lo đi".
Anh Nhân nói thêm rằng, với những người dân khác, khi mà báo đài lên tiếng mấy hôm nay thì họ cũng có lòng căm ghét Trung Quốc nhưng họ chỉ dừng lại ở đó, không có hành động cụ thể gì cả.
Anh Nguyễn Văn Khánh từ Hà Nội, người theo dõi rất kỹ những diễn biến từ hôm 30 tháng 3 đến hôm nay, nói với RFA :
"Từ lâu rồi em không coi TV, không đọc báo trong nước mà chỉ nghe và đọc BBC, CNN, RFA…Tin tức trong nước cũng chỉ đọc online thôi.
Về Hoàng Sa thì thực sự Việt Nam đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát từ năm 1974 rồi. Còn Trường Sa thì hiện có hơn 20 thực thể có quân đồn trú của Việt Nam".
Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ từ tháng giêng năm 1974 và gọi quần đảo này là Tây Sa. Từ ngày 30 tháng 3 đến 10 tháng 4, Việt Nam đã liên tục gửi 3 công hàm đến Liên Hiệp Quốc để phản đối những đòi hỏi về chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Anh Lê Văn Tài từ Vĩnh Long chia sẻ với RFA :
"Tin tức biển đảo thì tôi coi trên internet từ những nguồn khả tín. Báo chí nhà nước thì họ cho nghe cái gì mình biết cái đó thôi. Chỉ coi để tham khảo và suy đoán. Không thể là thông tin chính thống mà tin tưởng được. Tôi coi những đài như VOA, RFA, BBC…Gần đây có những trang mạng dẫn link tiếng Anh.
Với tư cách là một người dân, tôi thấy chuyện biển đảo đã ‘xong’ từ lâu rồi. Mất rồi không còn hy vọng gì nữa. Không có lối thoát. Bao nhiêu năm nay chính phủ có làm được gì đâu ngoài phản đối lấy lệ !"
Công hàm 1958
Trung Quốc vừa qua đã dùng công hàm 1958 gửi lên LHQ về Trường Sa và Hoàng Sa như là một bằng chứng cho lập luận của mình.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc dùng công hàm này để ‘bắt chẹt’ Việt Nam. Năm 2014, khi Trung Quốc đưa ra Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 để biện luận cho những hành động của họ tại Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp báo phản đối cho rằng công hàm đó vô hiệu.
Lúc bấy giờ Thạc sĩ Hoàng Việt lên tiếng với RFA về vấn đề này :
"Không có ông nào ở miền Bắc lúc đó có quyền nói về công nhận Hoàng Sa Trường Sa được cả. Bởi vì lúc đó theo Hiệp định Geneve 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc, rõ ràng là một bên từ vĩ tuyến 17 trở ra là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ; một bên từ vĩ tuyến 17 trở vào là Việt Nam Cộng Hòa. Rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hòa còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì có tư cách gì mà nói đến".
Với những người dân bình thường thì họ nghĩ gì trong thời điểm hiện nay ?
Anh Lê Văn Tài từ Vĩnh Long khẳng định công hàm 1958 rõ ràng là đã ‘bán nước’ bởi nó đã công nhận quyết định chủ quyền biển đảo Trung Quốc đưa ra trước đó. Theo anh Tài thì ngoài công hàm này còn nhiều thứ ở bên trong mà có thể người dân chưa biết. Trung Quốc dùng công hàm này để đe dọa Việt Nam, nếu phản ứng nó sẽ 'xì' thêm nhiều chuyện kinh thiên động địa nữa.
Anh Nguyễn Văn Khánh nêu ý kiến :
"Công hàm của ông Phạm Văn Đồng gửi ông Chu Ân Lai năm 1958 em cho rằng đó thực sự là một công văn bán nước, không thể biện bạch. Với vai trò là một ông Thủ tướng, trên là ông Hồ thì không thể nói câu lúc đó không quản lý vùng lãnh hải ấy mà do Việt Nam Cộng Hòa quản lý, nên tuyên bố của ông Đồng là vô giá trị.
Em cho rằng truyền thống đánh giặc và truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam có từ hàng ngàn năm nay. Khi tinh thần của người Việt Nam đã trỗi dậy thì không một ai có thể cản trở".
Trong khi đó, anh Trần Trọng Nhân lại cho rằng Trung Quốc sử dụng công hàm này để khẳng định chủ quyền biển đảo là không hợp lý. Người cộng sản Việt Nam bị cài bẫy từ thời đó rồi. Anh giải thích :
"Năm 1958 Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc quyền quản lý của cộng sản Bắc việt mà thuộc quản lý của Việt Nam Cộng Hòa.
Đối với cộng sản Việt Nam bây giờ, nếu họ phủ nhận công hàm này, không công nhận công hàm này thì họ phải công nhận tính chính danh của thể chế Việt Nam Cộng Hòa".
Điều này từng được Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói đến từ năm 2017 với báo chí trong nước rằng, về pháp lý quốc tế cũng như về mặt lịch sử, Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị rất hiển nhiên không thể chối cãi.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 24/04/2020