Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Bảy phản ứng về những tin tức cho hay lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện trở lại trước công chúng bằng một dòng tweet, nói rằng, "Bản thân tôi mừng khi thấy ông ấy trở lại, và khỏe mạnh !"
Chủ tịch Kim Jong-un cắt băng khánh thành nhà máy phân bón hôm 1/5, phía sau là cô em gái Kim Yo-jong
Sau 3 tuần vắng bóng gây ra nhiều lời đồn đoán về tình trạng sức khỏe, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã xuất hiện trở lại.
Hãng tin chính thức KCNA ngày 2/5/2020 loan tin là ông Kim Jong-un hôm 1/5 vừa khánh thành một nhà máy phân bón ở phía bắc Bình Nhưỡng. Kèm theo bài báo là nhiều bức ảnh về sự kiện này, trong đó có bức ảnh chụp lãnh đạo Bắc Triều Tiên với người chị và cũng là cố vấn Kim Yo-jong.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :"Các bức ảnh cho thấy một Kim Jong-un cười rất tươi, có vẻ vẫn còn khỏe, đang cắt một băng khánh thành. Thậm chí người ta thấy ông bước đi, bao quanh là cả một đoàn quan chức cao cấp, cũng với nụ cười rạng rỡ không kém.
Theo hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA, trước một đám đông công nhân, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã khánh thành một nhà máy sản xuất phân bón phosphate Sunchon, ở phía bắc Bình Nhưỡng.
Đây rất có thể không phải là những hình ảnh lồng ghép, bởi vì các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy đúng là nhà máy này đã được xây dựng từ hai năm nay và rất khó mà ngụy tạo một sự kiện công chúng như vậy.
Kim Jong-un có vẻ mạnh khỏe đối với một người mà một số nguồn tin khẳng định đang trong "tình trạng nguy kịch" sau một cuộc phẫu thuật tim mạch. "Lãnh tụ tối cao" đã không dự nhiều buổi lễ quan trọng ngày 15/4, nhưng hiện chưa ai biết nguyên do của sự vắng mặt bất thường này.
Đây không phải là lần đầu tiên mà sự mất tích của Kim Jong-un khiến báo chí thi nhau đồn đoán. Các phương tiện truyền thông quốc tế đã đưa lại nhiều tin đồn đến từ những nguồn rất đáng ngờ. Sự tái xuất hiện của ông coi như đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn đã cho chúng ta biết nhiều điều về sự thu hút của chế độ Bình Nhưỡng đối với thế giới, hơn là về bản thân chế độ này".
Khi được hỏi về tin này hôm thứ Sáu, ông Trump nói : "Tôi không muốn bình luận về chuyện này".
"Chúng tôi sẽ phát biểu về chuyện này vào một thời điểm thích hợp", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Những đồn đoán về sức khỏe của ông Kim đã tràn ngập các mặt báo sau khi ông không xuất hiện trong dịp kỉ niệm sinh nhật của người lập quốc Kim Il-sung vào ngày 15 tháng 4. Ngày này là một ngày lễ lớn ở Triều Tiên và ông Kim trên cương vị lãnh tụ thường đến thăm lăng mộ nơi ông nội ông an nghỉ.
Lần gần đây nhất mà ông xuất hiện trước công chúng là vào ngày 11/4 khi ông tham dự một cuộc họp của bộ chính trị của Đảng Lao động cầm quyền.
Sau vụ vắng mặt tại lễ kỉ niệm, một hãng thông tấn ở Hàn Quốc chuyên đưa tin về Triều Tiên loan tin ông Kim đang hồi phục sau một cuộc phẫu thuật tim mạch. Sau đó xuất hiện một loạt các bản tin chưa được xác nhận khác về tình trạng của ông và nơi ông hiện diện.
Hàn Quốc ngày 3/5 tiếp tục đưa ra lập trường tích cực về tình hình sức khỏe của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, khẳng định ông Kim không hề phẫu thuật như lời đồn.
Theo Hãng tin Yonhap, một quan chức giấu tên của phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết tính tới nay, đánh giá của chính phủ Hàn Quốc là ông Kim Jong-un không hề phẫu thuật.
"Nhiều tin tức nói rằng Chủ tịch Kim đã trải qua một cuộc phẫu thuật, dựa theo một số khác biệt trong cách ông ấy bước đi. Chúng tôi có lý do tin rằng không hề có cuộc phẫu thuật nào cả, nhưng không thể tiết lộ những chi tiết như vậy", vị quan chức này nói.
Trong thời gian qua tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-un thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.
Kim Jong-un tại nhà máy phân đạm phốt phát Suchon ở tỉnh Pyongan Nam ngày 1/5/2020
Tất cả xuất phát từ một bản tin trên trang Daily NK của Hàn Quốc. Trang này nói ông Kim đã phẫu thuật và không xuất hiện từ ngày 11/4. Nhiều tờ báo và hãng tin khác đã bắt thông tin này và tạo ra nhiều đồn đoán xung quanh sức khỏe của vị lãnh đạo Triều Tiên.
Một nguồn thạo tin tình báo từ chính phủ Mỹ nói với Reuters rằng Washington tin chắc ông Kim còn sống. Dù vậy Mỹ vẫn chưa thể khẳng định những hình ảnh mới được tung ra là xác thực cũng như giải thích lý do ông Kim biến mất trong nhiều ngày.
Ngày 4/5, Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi lời cảm ơn tới các tuyên truyền viên nhà nước, 3 ngày sau khi ông xuất hiện công khai tại một buổi lễ sau những đồn đoán về sức khỏe.
Tờ báo này cho hay : "Đồng chí Kim Jong-un đã gửi lời cảm ơn tới những tuyên truyền viên gương mẫu vì đã thực hiện trách nhiệm và vai trò của họ với tư cách là những nhà tuyên truyền cơ bản, theo đó giúp người lao động thực hiện các chính sách của đảng".
Trong diễn biến liên quan, ngày 3/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tái khẳng định mục tiêu của Washington là phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và kiến tạo một "tương lai tươi sáng" cho người dân Triều Tiên. Tuyên bố trên được đưa ra sau một vụ đấu súng tại khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều xảy ra sáng cùng ngày.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình This Week của hãng tin ABC News, Ngoại trưởng Pompeo nhận định, vụ đấu súng vừa qua là "không có chủ ý".
Theo ông Pompeo : "Sứ mệnh của chúng ta vẫn không thay đổi, đó là thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, chứng thực điều này và sau đó là kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Triều Tiên. Đó là những gì Tổng thống Donald Trump vẫn luôn chú trọng kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, và là những gì Washington sẽ nỗ lực hướng tới".
Biên giới liên Triều đã có phần căng thẳng vào ngày 3/5, khi phía Triều Tiên bắn một số phát súng về phía một trạm quan sát của Hàn Quốc tại khu DMZ, khiến phía Hàn Quốc bắn trả. Không bên nào thiệt hại hay thương vong. Một quan chức Hàn Quốc cũng nhận định, vụ nổ súng từ phía Triều Tiên là không có chủ đích.
Tuy nhiên, giới chức quân sự Hàn Quốc xác nhận, vụ việc này vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều, ký năm 2018 nhằm xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng ở khu vực biên giới, làm dấy lên những lo ngại phát sinh căng thẳng mới có thể làm tổn hại tới các nỗ lực nối lại đàm phán hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Hai miền Triều Tiên cho tới nay coi như vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ khi ký hiệp định đình chiến năm 1953. Vào tháng 9/2018, nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng, chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký nhiều thỏa thuận, trong đó có việc làm giảm căng thẳng quân sự ở biên giới hai miền. Nhưng cho tới nay, phần lớn các thỏa thuận này không được thực hiện.
Seoul ghi nhận Bắc Triều Tiên có một số hoạt động không bình thường trên bộ, vùng duyên hải biển Nhật Bản, khu vực giáp ranh với Trung Quốc trên biển Hoàng hải, trong bối cảnh có nhiều tin đồn về tìng trạng sức khỏe của lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo hãng Yonhap, ngày 24/4/2020, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết trong những ngày qua, Bắc Triều Tiên có một số hoạt động quân sự khác thường như thanh tra lực lượng pháo binh, gia tăng các phi vụ tập huấn tác chiến. Bình Nhưỡng cũng tiếp tục phát triển, chế tạo vũ khí và từ chối nối lại đối thoại với Seoul, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc lưu ý.
Yonhap, dẫn lời một sĩ quan cao cấp, cho biết thêm : Ngoài các cuộc tập trận pháo binh, trong tuần qua, BắcTriều Tiên thử nghiệm một loạt tên lửa, có thể thuộc loại hành trình, phóng ra biển Nhật Bản. Cùng ngày, các chiến đấu cơ loại Sukhoi, Mig của không quân miền bắc tuần tra trên bầu trời thành phố cảng Wonsan, phía đông Bình Nhưỡng, phóng một loạt tên lửa không đối địa xuống biển Nhật Bản. Bắc Triều Tiên còn thực hiện các phi vụ quan sát, tuần tra trên biển Hoàng Hải, trong vùng giáp ranh với Trung Quốc.
Cũng theo Yonhap, không quân Mỹ-Hàn vừa kết thúc một cuộc tập trận chung kéo dài bốn ngày, đến ngày cuối cùng là hôm 24/4 mới loan báo. Cuộc tập trận này là "lời cảnh cáo" đối với Bình Nhưỡng.
Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, một trong số ít các quốc gia không có ca nhiễm Cúm Vũ Hán cho đến lúc này, đẩy mạnh xét nghiệm và đã cách ly hơn 500 người, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
WHO nhận được thông báo cập nhật hàng tuần từ Bộ Y tế Triều Tiên và cho biết quốc gia này có khả năng xét nghiệm Cúm Vũ Hán nhờ vào phòng thí nghiệm quốc gia ở thủ đô Bình Nhưỡng.
"Kể từ ngày 2/4, 709 người, bao gồm 11 người nước ngoài và 698 người Triều Tiên, đã được xét nghiệm Cúm Vũ Hán. Triều Tiên không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào. Tuy nhiên, có 509 người bị cách ly, bao gồm 2 người nước ngoài và 507 công dân nước này", tiến sĩ Edwin Salvador, đại diện của WHO tại Triều Tiên, nói với Reuters.
"Kể từ ngày 31/12, 24.842 người đã hoàn tất thời hạn cách ly và rời khỏi khu cách ly, trong đó có 380 người nước ngoài", ông Salvador nói.
Theo WHO, Trung Quốc đã gửi các dụng cụ xét nghiệm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Cúm Vũ Hán cho Triều Tiên vào tháng 1. WHO cũng đã gửi vật tư y tế hỗ trợ Triều Tiên.
Đến nay, đại dịch Cúm Vũ Hán lây nhiễm cho hơn 3,5 triệu người khắp thế giới, làm chết hơn 248.000 người tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, ngoài trừ Triều Tiên, Lesotho, Tajikistan, Turkmenistan và Yemen.
Các chuyên gia và tổ chức nhân đạo đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên để viện trợ nhân đạo, hỗ trợ nước này ứng phó đại dịch Cúm Vũ Hán.
Một số chuyên gia nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc tỏ ra nghi ngờ việc Triều Tiên, dù giáp với Trung Quốc và Hàn Quốc vốn đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Cúm Vũ Hán, nhưng lại không phát hiện bất kỳ ca nhiễm nào.
Kể từ khi đại dịch bùng phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm ngoái, Triều Tiên đã tăng cường kiểm soát biên giới và áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, theo hãng thông tấn KCNA.
Một chỉ huy của lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn bộ lực lượng vũ trang trong vòng 30 ngày và mới khôi phục huấn luyện, tập trận gần đây.
"Chúng tôi áp đặt lệnh phong tỏa … Chúng tôi phải rất thận trọng, đề phòng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Chúng tôi không có bất kỳ ca nhiễm nào", một nhà ngoại giao Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc nói với Reuters.
Một vụ bùng phát dịch bệnh có thể nhanh chóng trở thành một tai họa nhân đạo tại đất nước Triều Tiên nghèo khó. Nước này không có hạ tầng cơ sở hay các trang bị y tế cần thiết để chống lại virus một cách thích ứng, các chuyên gia cảnh báo.
Một phát ngôn viên của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới nói với Đài VOA là tổ chức này đã nhận được một yêu cầu chính thức của nhà cầm quyền Triều Tiên vào đầu tháng 2 "củng cố khả năng quốc gia để chuẩn bị cho một vụ bùng phát dịch Cúm Vũ Hán có thể xảy ra".
Phát ngôn viên này nói thêm "Chúng tôi hiện đang có kế hoạch và chuẩn bị hiến tặng các trang cụ y tế. Theo các giới chức, không có ca nào được báo cáo-dù xác nhận hay nghi ngờ.
Tuần trước, Liên đoàn Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc tế nói với VOA đã vận động được 500 người tình nguyện tại 4 tỉnh gần biên giới Trung Quốc. Những người tình nguyện này sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực kiểm tra và quảng bá việc thực hiện vệ sinh, tổ chức này nói.
Ngày 13/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "quan ngại sâu sắc" về việc Triều Tiên dễ lây nhiễm virus và đang chuẩn bị những nỗ lực "nhanh chóng" của các tổ chức cứu trợ quốc tế để giúp đỡ.
Hoàng Lan
Nguồn : Thoibao.de, 05/05/2020