Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/05/2020

Trung Quốc thiếu bạn, chứ không hề thiếu kẻ thù

Trung Kiên

Cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong mối quan hệ với Trung Quốc là tăng sức ép lên quốc gia cộng sản lớn nhất thế giới thông qua một cuộc chiến tranh thương mại chưa từng có. Thương chiến Mỹ – Trung đã tác động tiêu cực tới thiện cảm của người dân Mỹ đối với Trung Quốc. Nhưng đại dịch Covid-19 đã đổ thêm dầu vào lửa khiến Trung Quốc đã hoàn toàn mất điểm trong mắt người dân Mỹ bởi sự che giấu về nguồn gốc của virus cũng như quy mô dịch bệnh của Bắc Kinh khiến đại dịch lây lan ra toàn cầu.

ban1

Kết quả khảo sát về thiện cảm của người Mỹ đối với Trung Quốc thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew giai đoạn 2005-2020

Khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở ở Washington DC cho thấy 2/3 số người dân Mỹ, 66%, có cái nhìn không thiện cảm đối với Trung Quốc.

Con số này tăng hơn so với 47% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc trong khảo sát cách đây 2 năm, một thời gian sau khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017.

Đây được coi là một con số tồi tệ nhất được ghi nhận về quan điểm của người Mỹ đối với Trung Quốc kể từ khi Trung tâm Nghiên cứu Pew bắt đầu thực hiện khảo sát về vấn đề này vào năm 2005, bất chấp những nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới của Bắc Kinh với những kế hoạch chiến lược như "Một vành đai, Một con đường" hay chiêu bài "ngoại giao khẩu trang" trong dịp Covid-19 này.

Khảo sát được thực hiện qua điện thoại với 1.000 người trên toàn Hoa Kỳ từ ngày 3 đến 29/3 cũng cho kết quả chỉ 25% vẫn giữ cái nhìn tốt về Trung Quốc trong khi chỉ số này của khảo sát năm 2017 là 44%.

Mặc dù người dân Mỹ thuộc các đảng khác nhau có sự chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề, nhưng theo khảo sát của Pew, được công bố hôm 21/4 – là thời điểm các quan chức Mỹ và Trung Quốc tranh cãi về nguồn gốc của virus corona, xu hướng nhìn Trung Quốc một cách tiêu cực mang tính lưỡng đảng ở Mỹ. 72% số người theo Đảng Cộng hoà lo ngại về Trung Quốc và 62% số người theo Đảng Dân chủ có tâm lý tương tự.

Khảo sát cũng cho biết 90% số người được hỏi coi cường quốc Trung Hoa như là mối đe dọa.

Trong đó 62% người tham gia khảo sát nói họ coi Trung Quốc là một mối nguy lớn, tăng từ 48% cách đây hai năm.

Khảo sát mới nhất của Pew còn tiết lộ số lượng người dân Mỹ không tin tưởng vào ông Tập Cận Bình tăng mạnh, từ 50% lên 71%, sau một năm.

Theo các chuyên gia thì đây là một biến chuyển mới vì từ trước tới giờ chủ yếu giới chính trị mới có quan điểm chỉ trích Trung Quốc còn dư luận Mỹ không mấy có thái độ như vậy.

Không chỉ những người lớn tuổi, mà những người trẻ có độ tuổi từ 18-29 cũng dần có ấn tượng xấu về quốc gia Đông Á với 53% không ủng hộ Bắc Kinh, chỉ số này tăng lên 67% ở độ tuổi 30-49 và 71% ở độ tuổi trên 50.

Đứng đầu danh sách những vấn đề mà người Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc trong cuộc khảo sát mới nhất của Pew là ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với môi trường toàn cầu. Các vấn đề khác là vai trò của Bắc Kinh trong các vụ tấn công mạng, thâm hụt thương mại, mất việc làm, đối đầu quân sự, cạnh tranh công nghệ.

Cuộc khảo sát này được thực hiện vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành và gây thiệt hại vô cùng lớn trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và hành động bành trướng thế lực, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên các vùng biển, lãnh thổ của các nước khác cũng là những nguyên do để ấn tượng xấu của người dân Mỹ về Trung Quốc ngày một tăng.

Người dân Mỹ đã có xu hướng nhìn Trung Quốc không mấy thiện cảm kể từ năm 2013, theo các khảo sát trước đó của Pew.

Nhưng tâm lý này tăng mạnh trong hai năm qua khi chính quyền Trump tiến hành thương chiến với Trung Quốc và gần đây nhất là sự lây lan của đại dịch Covid-19. Trong hai năm đó, số lượng người Mỹ rất thiếu thiện cảm với Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, từ 15% lên 33%.

Tác giả của cuộc khảo sát cho rằng : "Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức năm 2017, cách tiếp cận của ông ấy với quan hệ Mỹ – Trung bao gồm gia tăng áp lực thông qua thuế quan và đấu khẩu chiến tranh thương mại. Còn bây giờ, trước sự tấn công của một đại dịch chưa từng thấy, cả hai bên vu khống lẫn nhau".

Chuyên gia Xiaoyu Pu, từ Đại học Nevada, nhận định : "Sự chỉ trích của ông Trump có thể làm gia tăng tâm lý phản đối Trung Quốc trong số một số cử tri Cộng hòa hoặc những người ủng hộ ông Trump. Nhưng tôi không nghĩ rằng ông Trump đã thay đổi toàn bộ thái độ của công chúng Mỹ đối với Trung Quốc".

Ông Pu nói thêm : "Trung Quốc giờ đây mạnh hơn nhiều và cũng có nhiều vấn đề lớn gây tranh cãi giữa hai nước".

Khi được yêu cầu bình luận về kết quả của cuộc khảo sát nhất là khi những thành viên trong cả hai đảng Cộng Hoà và đảng Dân Chủ đều không ưa Trung Quốc, ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm về quan hệ Mỹ – Trung tại Hội Châu Á, cho rằng : "Điều đó không gây bất giờ. Điều duy nhất mà Đảng Cộng hòa và Dân chủ có chung quan điểm tại Washington hiện nay là, chúng ta nên có quan điểm hoài nghi hơn nhiều đối các ý định của Trung Quốc".

Ước tính, có hơn 250 dự luật hiện đang được trình tại quốc hội liên quan tới Trung Quốc, phần lớn ủng hộ gia tăng các hạn chế và các chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Douglas Paal, một cựu thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, nói : "Điều đó cho thấy có bao nhiêu thành viên của quốc hội từ cả 2 đảng cảm thấy cần thiết phải chỉ trích Trung Quốc để tái đắc cử. Đó là một thước đo cho thấy vấn đề nghiêm trọng và rộng lớn thế nào".

Giới chuyên gia lưu ý rằng chỉ số niềm tin hiện tại của người Mỹ đối với Trung Quốc thấp hơn ngay cả sau khi xảy ra các sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh.

ban2

Truyền thông Trung Quốc chia sẻ video cháu ngoại của Tổng thống Trump hát và đọc thơ bằng tiếng Trung trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tập Cận Bình năm 2017

Xin được nhắc lại, vào mùa xuân năm 1989, giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng vũ lực, sử dụng xe tăng, đã giải tán cuộc biểu tình của sinh viên trên quảng trường chính của thủ đô Bắc Kinh. Phương Tây sau đó cáo buộc chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền và giảm hợp tác với Bắc Kinh. Hình ảnh Bắc Kinh trong mắt nhân dân thế giới nói chung và người dân Mỹ nói riêng đã giảm sút chưa từng có qua sự kiện này.

Ngày nay ở Hoa Kỳ có nhiều người cũng tin rằng Bắc Kinh vi phạm nhân quyền, ví dụ, ở Hồng Kông và Tân Cương. Trên các phương tiện truyền thông Mỹ có đầy đủ nhiều tin tức về các trại cải tạo, nơi người dân bản địa Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ, bị cầm tù.

Ngoài ra, các báo cáo về việc người Trung Quốc sử dụng bất hợp pháp sở hữu trí tuệ của Mỹ ảnh hưởng đến thái độ của công dân Mỹ đối với Trung Quốc. "Chiến tranh thương mại" lại đổ thêm dầu vào lửa.

Mặc dù thương chiến đã được Tổng thống Mỹ Trump "khai ngòi" nhưng thường dân có khuynh hướng đổ lỗi cho người Trung Quốc vì những khó khăn phát sinh mà một số nông dân Mỹ phải gánh chịu do phá vỡ quan hệ thương mại trước đây giữa hai nước.

Sự bùng phát của coronavirus ở Trung Quốc như một sự kiện Thiên An Môn thứ hai đã đánh thức làn sóng sinophobia (chủ nghĩa bài Trung Quốc) ở Hoa Kỳ, cũng như ở các nước khác trên thế giới.

Thật khó để buộc tội Tổng thống Donald Trump về chứng sinophobia, mặc dù chính ông là người đã mở ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và rất nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đã để đại dịch bùng phát ra toàn cầu. Bởi Trump luôn tỏ ra rất tôn trọng Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông thích cách Chủ tịch Tập điều hành hiệu quả một đất nước rộng lớn. Còn nhớ cháu ngoại của ông Trump là Arabella Kushner đang học tiếng Trung Quốc, và vào năm 2017, khi Tập Cận Bình đến thăm Hoa Kỳ, cô bé đọc thơ và hát các bài hát bằng tiếng Trung cho các vị khách từ Trung Quốc. Thực tế này có thể được coi là sự thiện cảm của gia đình Trump đối với Trung Quốc.

Ngay từ khi dịch bệnh khởi phát tại Vũ Hán khiến chính quyền Trung Quốc phải phong tỏa cả thành phố rộng lớn này cùng nhiều địa phương khác, hàng loạt câu hỏi về sự thiếu vắng tình đồng cảm của thế giới với Trung Quốc được đặt ra như : Vì sao thế giới chia sẻ xúc động với Paris khi Nhà Thờ Đức Bà bị cháy mà không một chút tình tương thân với người dân Vũ Hán ? Vì sao dân Hồng Kông, hào phóng giúp Trung Quốc tái thiết Tứ Xuyên sau trận động đất năm 2008, bây giờ đòi đóng cửa biên giới với đại lục ?

Theo bài xã luận của tờ báo Pháp Le Monde (Lơ Mông-đ), Bắc Kinh thất bại trên mọi mặt trận vì xem tình người nhẹ hơn quyền lực.

Từ khi dịch corona chủng mới khởi phát, tâm lý bài Trung Quốc hiện rõ qua những bình luận kiểu "trời trả báo kẻ ăn thịt dơi" hay qua tuyên bố của bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ "khuyến khích doanh nghiệp bỏ Trung Quốc về đầu tư tại Mỹ".

Theo Le Monde (Lơ Mông-đ), Trung Quốc bị rơi vào thế thủ vì thất bại trên mọi mặt trận. Trước hết về khắc phục nhân tâm trong lẫn ngoài nước. Năm 2008, dân Hồng Kông hào phóng giúp Tứ Xuyên tái thiết sau động đất. Năm 2020, giới y tế xứ Cảng Thơm đình công đòi đóng biên giới. Ngay những nước như Kazakhstan, Philippines, nằm trong chiến lược "Một vành đai Một con đường" của Tập Cận Bình cũng đóng cửa không nhận du khách Trung Quốc.

Nước Nga của Putin cũng đóng biên giới với Trung Quốc, một biện pháp mà Matxcơva không làm trong vụ khủng hoảng dịch SARS 2003.

Những nước bạn của Trung Quốc chỉ áp dụng phương pháp của Bắc Kinh đối với dân Trung Quốc mà thôi : Phong tỏa Hồ Bắc, cách ly hơn 50 triệu dân trong một tỉnh nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Trung Quốc không chỉ để mất thiện cảm với người Mỹ và cũng không phải chỉ vì đại dịch Covid-19 mà người dân thế giới mới không ưa Trung Quốc.

Vào lúc Bắc Kinh rầm rộ phô trương thanh thế nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, một cuộc khảo sát quan điểm về Trung Quốc của người dân thuộc 32 quốc gia, công bố hôm 30/9/2019 cho thấy tỷ lệ người thiếu thiện cảm với Trung Quốc gia tăng đáng kể, đặc biệt là tại các láng giềng ở Châu Á, từ Nhật Bản cho đến Indonesia.

Theo kết quả cuộc khảo sát dư luận thế giới mới nhất Global Attitudes Survey, cũng do Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Pew thực hiện từ ngày 13/5/2019 cho đến ngày 29/8/2019, nhìn chung có bình quân 37% cư dân thuộc 32 nước trên thế giới có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.

Đi vào chi tiết, có thể thấy là tâm lý ghét Trung Quốc đang càng lúc càng gia tăng tại các nước, khi so sánh với những kết quả thăm dò trong những năm trước đây. Theo cuộc thăm dò vừa công bố, hiện có đến 60% người được hỏi tại Mỹ, và 67% tại Canada coi Trung Quốc là đất nước "không được ưa thích", một kết quả xấu nhất đối với Trung Quốc từ năm 2007 đến nay.

Tâm lý chung của người dân Tây Âu cũng rất tiêu cực đối với Trung Quốc, với tỷ lệ không có thiện cảm lên đến 70% tại Thụy Điển, hay 53% tại Tây Ban Nha. So với năm ngoái 2018, thiện cảm đối với Trung Quốc đã giảm mạnh ở Thụy Điển với tỷ lệ giảm 17%, cũng như tại Anh Quốc, hay Hà Lan, giảm đi 11%.

Điều đáng ghi nhận nhất có lẽ là việc Trung Quốc không hề được các láng giềng ưu ái chút nào. Bản khảo sát của Pew Research Center đã tập trung tại năm nước vùng Châu Á Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, ở Đông Bắc Á, Philippines, Indonesia ở Đông Nam Á, và Úc ở Châu Đại Dương.

Tại hầu như toàn bộ 5 quốc gia này, đa số người được hỏi đều xác nhận là họ không thích Trung Quốc, cao nhất là Nhật Bản với 85%, kế đến là Hàn Quốc, 63%, Úc 57%, Philippines 54%.

Riêng Indonesia thì không rõ ràng, với tỷ lệ người yêu và người ghét ngang nhau là 36%, nhưng tỷ lệ người thích Trung Quốc từ năm ngoái đến năm nay đã giảm 17%.

Theo giới quan sát, nếu tại Châu Mỹ và Châu Âu, những hành vị bị tố cáo là không hay của Trung Quốc bị vạch trần trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra là một trong những lý do khiến người dân mất đi thiện cảm với Trung Quốc, thì tại Châu Á, các hành vi bức hiếp láng giềng đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc là nguyên do khiến người dân các nước không còn thích Trung Quốc.

Giáo sư Diêu Thụ Khiết, Viện trưởng Viện Trung Quốc học đương đại, Đại học Nottingham, Anh đã từng có bài viết vào đầu những năm 2010 với nhan đề "Vì sao Trung Quốc bị thế giới oán ghét ?"

Ông nói : "Trung Quốc đã là nước lớn nhưng luôn trong tình trạng bị bao vây kìm kẹp, thậm chí bị người khác "oán hận". Nguyên nhân chính : Chính sách ngoại giao thiếu mưu trí ; Giới quan chức ngạo mạn, không biết cách học hỏi, luôn tự cho bản thân họ là đúng, khí phách thiên triều".

Sau gần một thập kỷ những điều này vẫn đúng và thế giới còn phát hiện ra thêm nhiều ‘tật xấu’ khác của Trung Quốc đặc biệt là thói che giấu, bưng bít những điều không có lợi cho mình bất chấp cho hậu quả ảnh hưởng đến cả toàn cầu trên mọi lĩnh vực y tế, kinh tế, an ninh xã hội như dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Nếu Trung Quốc không sớm thức tỉnh thì tình trạng "Trung Quốc thiếu bạn, chứ không hề thiếu kẻ thù" như suốt thời gian qua sẽ ngày càng trầm trọng dẫn đến sụp đổ của chế độ độc tài toàn trị tại Bắc Kinh.

Trung Kiên

Nguồn : Thoibao.de, 05/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trung Kiên
Read 689 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)