Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/05/2020

Thuế thu nhập cá nhân người độc thân hoặc không có con

Hoàng Nguyễn

Đánh thuế cao người độc thân hoặc không có con : Cổ điển đến kinh ngạc !

Nhiều năm trước, tôi hay đi vào vùng dân tộc ít người sống trong núi ở miền Trung. Trong những thôn thưa vắng ở tít vùng núi sâu Ninh Thuận hay Quảng Nam, Quảng Ngãi, chiều chiều trước những ngôi nhà ván gỗ lem luốc đất nâu, thường có rất nhiều em bé ở truồng, không dép, mặc mỗi cái áo, bụng phưỡn ra, mắt tròn xoe đứng nhìn người lạ.

thue1

Một y tá đang chăm sóc các bé sơ sinh ở bệnh viện Phụ sản ở Hà Nội hôm 6/5/2020 - AFP

Có những bé gái 13, 14 tuổi, bé tẹo, mặt mũi còn ngây ngô, cơ thể chưa phát triển đầy đủ nhưng nách đã cặp đứa con vài tháng hay một hai tuổi, vẹo cả xương sườn.
Có những gia đình được xem là giàu có nhất trong thôn, nghĩa là trong năm không có hoặc ít có ngày đói, thì trong cái đám trẻ con lốc nhốc thậm chí không phân biệt nổi đâu là con, đâu là cháu. Con gái lấy chồng rồi, cả mẹ và con cùng đẻ tít mù. Đôi bầu sữa hai đứa bé rúc vào, một đứa là con đứa kia là cháu, hoặc đứa con đứa em. Con ai thì người ấy nhớ.

Trong xã, cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình cũng có đủ cả ban bệ lớp lang, nhưng cán bộ nào đủ sức, đủ động lực, đủ trách nhiệm lội suối trèo non đi vận động ?

Chất lượng lao động phải đặt trước

Dần dần rồi tình trạng này cũng giảm, nhưng theo Điều tra dân số Việt Nam 2019, trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10-17 tuổi) sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra vẫn còn chiếm tỷ trọng 3,3‰ ; cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰) và Tây Nguyên (6,8‰).

Năm ngoái, tôi có dịp đi nhiều với một đoàn múa lân thiếu nhi khá nổi tiếng ở quận 5, TP HCM và mới biết điều này : trẻ em trong các đoàn lân sư rồng hầu hết là trẻ thiếu gia đình. Rất nhiều em bị cha mẹ bỏ rơi khi chưa đến 10 tuổi, trở thành trẻ đường phố trước khi được một đoàn lân thu nhận.

thue2

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 3/4/2015 : các trẻ em người H'mong đang ăn trưa tại một nhà trẻ công ở Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang AFP

Theo Unicef Việt Nam, trong 26 triệu trẻ em Việt Nam hiện có 1/5-khoảng 5,5 triệu trẻ bị thiếu thốn ít nhất trong 2 lĩnh vực : giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước và vệ sinh môi trường, hoặc hòa nhập xã hội. Có 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn do thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng. Có hơn 2/3 trẻ em từ 1 đến 14 tuổi bị bạo hành và hơn 170.000 trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, nhiều em sống bần cùng hoặc bị bỏ rơi.

Khảo sát mới nhất vào cuối năm 2019 cũng cho thấy cả nước còn gần 1, 5 triệu người mù chữ.

Ngay ở Sài Gòn, cho đến nay vẫn có những lớp học tình thương mở ra để xóa mù chữ cho những thanh niên nam nữ trên 18 tuổi.

Cách đây vài hôm, tôi có xem một chương trình Vợ chồng son, trong đó anh chồng trẻ mới hai mươi mấy tuổi đang là cầu thủ chuyên nghiệp của một đội bóng, cũng mù chữ và không thể học hành được nữa.

Còn thể lực và chiều cao thì sao ? Theo Bộ Y tế, Việt Nam thuộc số các nước có chiều cao thấp nhất thế giới và chậm được cải thiện : hơn 30 năm qua, chiều cao của nam chỉ tăng 4,4 cm và nữ tăng 3,4 cm.

Có đến 33,3% nhân lực trong nền kinh tế là lao động giản đơn.

Diện tích nhà ở bình quân chỉ 23 m2/người.

Những con số trên nói lên rằng, với Việt Nam, việc bảo đảm số lượng người lao động sẽ phải xếp sau chất lượng của lực lượng lao động đó.

Mục đích kiến thiết xã hội phải là cuộc sống no đủ, phát triển mọi mặt của người dân, chứ không bao giờ là tạo nên con số áp đảo về lượng người.

Một quyết định thăm dò

Rất may, Quyết định 588 ngày 28/4/2020 của Thủ tướng không phải là một văn bản bắt buộc chi tiết đến cả việc kết hôn hay sinh con của công dân. Đó là quyết định phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Có nghĩa, nó chủ yếu mang tính thăm dò cho một kế hoạch tổng thể dài đến 10 năm. Trong 10 năm đó, tùy theo thực tế và phản ứng của đối tượng thụ hưởng, các quyết sách cụ thể sẽ được vạch ra và thay đổi tương ứng.

Cũng có nghĩa là chi tiết khiến cho bao nhiêu người phát run cầm cập mấy hôm nay : "từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn" chưa phải đã là quyết định có hiệu lực.

Bởi, như đã nói, Chương trình này mới chỉ là thể hiện ý chí của nhà nước nhằm mục đích duy trì lực lượng lao động bổ sung cho xã hội. Việc áp đặt trách nhiệm chia sẻ đối với các cá nhân không đáp ứng mong muốn sinh đẻ không thể là biện pháp chủ yếu hoặc có tính quyết định thành công của cả Chương trình. Chưa kể, với những điều kiện cụ thể hiện tại, ý chí đó rất khó có cơ sở thực hiện.

Lý do ?

Đầu tiên là các lý do như đã nói trong phần trên.

Thứ hai, nguyên tắc thụ hưởng pháp luật là công bằng và bình đẳng. Do vậy, với những quyết định vô cùng cá nhân như kết hôn hay sinh đẻ, nếu không vi phạm pháp luật hay đạo đức thì pháp luật không thể buộc được người ta phải kết hôn hay phải sinh đẻ. Điều này được ghi trong Hiến pháp.

Chưa kể, một văn bản pháp luật không bao giờ tồn tại độc lập tách biệt khỏi mối tương quan chằng chịt với các luật khác.

Khi Luật Hôn nhân và gia đình không bắt buộc phải kết hôn hoặc phải kết hôn trước độ tuổi quy định cụ thể nào đó thì không thể có chế tài cho việc ấy.

Tiếp theo, xu hướng của thế giới là công nhận hôn nhân của LGTB. Luật pháp Việt Nam vài năm gần đây cũng đang thay đổi theo chiều hướng này. Do vậy, càng rõ ràng hơn là nhà nước không thể ép buộc một cặp đồng giới - hay các hình thức hôn nhân và gia đình khác với mô hình nam-nữ hợp giới truyền thống - phải sinh con đẻ cái cho xã hội được.

Có bao nhiêu người thuộc cộng đồng LGBT ở Việt Nam ? Gần 2 triệu.

Một số vẫn có con, nhưng hầu hết những chàng gay sẽ không.

Đó là chưa kể các trường hợp bệnh lý khiến không thể sinh con.

Trên thế giới có một số nước hiện đánh thuế thu nhập cá nhân cao hơn với người độc thân và không có con, như Bỉ, Đức, Đan Mạch, Áo, Hungary… Nhưng, thu nhập, mức sống và phúc lợi xã hội của Việt Nam rõ ràng không thể so sánh với các nước này, do vậy sẽ không thể tham chiếu luật pháp của họ cho Việt Nam.

Các ưu đãi được đề xuất thí điểm trong Chương trình cũng đang được xây dựng trên một khái niệm hôn nhân đã lạc hậu, đó là chỉ công nhận hôn nhân và gia đình giữa nam và nữ dựa trên đặc điểm sinh lý. Có thể tóm tắt toàn bộ Chương trình như sau : trai gái lớn lên, đến tuổi lấy vợ lấy chồng, sinh đủ 2 con = được ưu đãi. Cổ điển đến kinh ngạc !

Do xuất phát từ quan niệm lạc hậu nên cuối cùng, các biện pháp đề xuất mải bám theo hướng này mà chệch khỏi mục đích ban đầu. Đó là duy trì được lực lượng lao động trẻ, chống dân số già.

Khi gạt bỏ hết các rối rắm trong suy luận làm luật kể trên thì mục đích hiện ra rất giản dị và minh bạch.

Đó là chỉ cần đáp ứng được các điều kiện về sức khỏe, thu nhập, mức sống, khả năng chăm sóc mọi mặt cho em bé… thì các cá nhân được chọn sinh đẻ bằng bất cứ cách nào họ muốn. Cộng với một số ưu đãi cho bà mẹ hoặc gia đình (hai điều kiện này cần được tách biệt để bảo đảm quyền sinh con của bất kỳ phụ nữ nào dù độc thân hay có chồng) và tập quán gia đình đông đàn dài lũ, duy trì nòi giống của người Việt, thì cái việc đảm bảo dân số trẻ, lực lượng lao động đông đúc của đất nước chẳng có gì là khó.

Hoàng Nguyễn

Nguồn : RFA, 09/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Nguyễn
Read 422 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)