Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 lại họp. Đây là kỳ họp thứ 12 và lần này, Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lại tiếp tục thảo luận về lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13, nhiệm kỳ từ 2021 đến 2026.
Ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ngày 16/05/2020.
Nếu Đảng cộng sản Việt Nam không nuôi tham vọng duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức đảng từ phường - xã - thị trấn, quận - huyện - thị xã, tỉnh - thành phố và Ban Chấp hành trung ương không chia nhau nắm giữ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tương ứng thì qui hoạch - sắp đặt nhân sự của Ban Chấp hành trung ương là chuyện riêng của đảng, chẳng có ai ngoài đảng bận tâm nhưng vì ngược lại nên không thể không bàn.
Khổ là vì công chúng không thể không bận tâm, không thể không bàn nên các viên chức lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, tiếp tục nói về nhân sự và… tiêu chuẩn lựa chọn những kẻ sẽ ngồi trên đầu thiên hạ.
Ở Hội nghị 12 của Ban Chấp hành trung ương đảng khóa 12, ông Trọng lại tiếp tục nói về tiêu chuẩn lựa chọn Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư và các Ủy viên của Ban Chấp hành trung ương đảng nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, lần này : gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm… không được đặt định như tiêu chuẩn có tính tất nhiên giống như trước nữa.
Ông Trọng chỉ nêu những yếu tố vừa kể như những… gợi ý để các ủy viên Ban Chấp hành trung ương đương nhiệm thảo luận. Ông liên tục dùng hai chữ "phải chăng" và khi tường thuật, hệ thống truyền thông chính thức đặt rất nhiều dấu hỏi sau các ý kiến của ông Trọng (1).
***
Giống như trước, những ý kiến của ông Trọng về qui hoạch - sắp đặt nhân sự cho Ban Chấp hành trung ương đảng khóa 13, khiến rất nhiều người cảm thấy ông Trọng không được… tỉnh táo. Không có thông tin nào về việc ông Trọng không được bình thường nhưng rõ ràng là ông thiếu tỉnh táo. Có người tỉnh táo nào lại đặt vấn đề như thế này : Phải chăng trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm ?
Đặt vấn đề kiểu đó có khác gì bảo rằng, trước đây, cả đảng lẫn ông cùng xem gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm là… chuyện vặt và thời điểm hiện nay, cũng không nhất thiết phải xem gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm là chuyện lớn.
Nếu thật sự xem gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm là quan trọng, chẳng người nào tỉnh táo lại dùng hai chữ… phải chăng ! Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là điểm đáng ngẫm nghĩ.
Suy giảm trí nhớ là một trong những yếu tố thường thấy ở những người thiếu tỉnh táo mãn tính. Khi tự vấn mình và các đồng đảng lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam : Phải chăng trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm (?) - ông Trọng quên béng, trước nay, ông và các đồng chí từng xác định những yếu tố ấy là tiêu chí qui hoạch - sắp đặt nhân sự… vô số lần. Thậm chí chúng đã được đưa vào nhiều văn kiện của đảng.
Suy giảm khả năng phán đoán, nhận định là một yếu tố khác của thiếu tỉnh táo. Khó có thể ông Trọng và các đồng đảng lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đủ sự tỉnh táo cần thiết khi thường xuyên loay hoay với việc, làm sao lựa chọn được những đảng viên gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm để đặt vào những vị trị lãnh đạo trong đảng, sau đó lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.
Tai sao ông Trọng và các đồng đảng lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam tới lui bàn bạc, xem đi, xét lại trong rất nhiều năm, bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, chưa kể phải liên tục mở công khố chi nhiều khoản khổng lồ cho vô số kỳ họp Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhiều khóa mà không ai tỉnh ra để thấy rằng, chẳng khó chút nào nếu muốn tìm - chọn những đảng viên gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm ?
Ví dụ công bố những bản kê khai tài sản của các đảng viên thuộc diện phải kê khai tài sản, ắt sẽ thấy ngay ai tham nhũng, ai không, khỏi phải âu lo vì chọn lầm những kẻtham nhũng lãnh đạo đảng, lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ! Đã gương mẫu thì chắc chắn không giàu có bất minh, không thể gây nghi ngại vì mâu thuẫn giữa thu nhập hợp pháp và giá trị tài sản và dư sức giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản.
Tương tự muốn loại trừ những phần tửcơ hội, tham vọng quyền lực thì chỉ cần xem lại tất cả các tổ chức đảng từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương đảng trở xuống… Tổ chức nào từng chọn những phần tử bất hảo như Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải,… để đặt vào vị trí lãnh đạo đảng, lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì không cho những cá nhân lãnh đạo các tổ chức đó, cũng như những cá nhân từng tham gia bỏ phiếu, tham dự vào việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo cơ sở đảng các cấp nhiệm kỳ tới nữa.
Chẳng có bằng chứng nào rõ ràng hơn về bản chất cơ hội và tham vọng quyền lực của những cá nhân lãnh đạo các tổ chức đảng cũng như những cá nhân từng tham gia bỏ phiếu chọn những phần tử bất hảo làm lãnh đạo, kể cảlãnh đạo cấp chiến lược. Có cơ hội và nuôi tham vọng quyền lực thì mới lờ đi các sai phạm nghiêm trọng mà những phần tử bất hảo từng có trước đó, thỏa hiệp với cái xấu để duy trì, mở rộng quyền lực bằng cách đẩy các phần tử bất hảo lên những vị trí cao hơn.
Xử lý hàng loạt phần tử bất hảo đã được lựa chọn nhưng lờ đi trách nhiệm qui hoạch - sắp đặt những phần tử này chính là biểu hiện đáng sợ nhất về mức độcơ hội và tham vọng quyền lực đã vượt xa ngưỡng có thể chấp nhận !
Dù văn minh đã tiến những bước rất dài nhưng đến bây giờ nhân loại vẫn chỉ có một cách để xác định cá nhân có được quần chúng tin cậy, tín nhiệm hay không : Bỏ phiếu ! Khi xác định điều này như một tiêu chí để lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo cơ sở đảng các cấp cho nhiệm kỳ mới và đặc biệt là lựa chọn các Ủy viên Ban Chấp hành trung ương đảng khóa 13, sao không dùng cách ấy ? Không dùng cách ấy thì lấy gì làm cơ sở để xác định các cá nhân mà đảng lựa chọn được quần chúng tin cậy, tín nhiệm ?
Dẫu Đại hội Đại biểu đảng toàn quốc lần thứ 13 là chuyện riêng của đảng nhưng gạt quần chúng sang một bên rõ ràng là chuyện không phải, vì giống như các đại hội những khóa trước, đảng sẽ sắp đặt nhân sự lãnh đạo nhà nước, quốc hội, chính phủ, lãnh đạo cơ quan dân cử và chính quyền các địa phương. Tuy bỏ bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp có thể gây ngộ nhận về… dân chủ ở "ta" nhưng thực tế ở ta chỉ ra, bỏ các cuộc bầu cử này để thay bằng bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo cơ sở đảng các cấp là… hợp lý nhất !
Khi quần chúng không có cơ hội bày tỏ sự tin cậy, tín nhiệm các cán bộ được đảng lựa chọn, sắp đặt làm lãnh đạo các tổ chức đảng và từ đó trở thành lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các cấp, sẽ không bao giờ có thể tìm ra cách biện giải về việc được quần chúng tin cậy, tín nhiệm để… đả thông quần chúng ! Chưa kể phải tính đến thực tế, chính đảng viên còn không có quyền bầu trực tiếp cả Bí thư phường, xã để thận trọng khi tuyên bốđược quần chúng tin cậy, tín nhiệm là tiêu chuẩn qui hoạch nhân sự !
Quần chúng tin cậy, tín nhiệm là một loại trang sức xa xỉ, ngoài tầm với của đảng, không nên ráng… sắm ! Mặt khác phải nhớ : Thiên hạ tỉnh cả chứ không phải ngược lại. Nghĩ ngược lại là thiếu tỉnh táo và hết sức khó hiểu !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/05/2020
Chú thích