Đen tối Hong Kong
Cánh Cò, RFA, 29/05/2020
Số phận của 7 triệu con người Hong Kong vậy là đã rõ sau cái nhấn nút của 3 ngàn Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc chấp nhận nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong : Cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Quan trọng hơn, các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc cũng có thể thiết lập cơ sở trong toàn đặc khu hành chánh này.
Hong Kong thấy được sự khác nhau giữa tư bản và cộng sản, giữa dân chủ và độc tài, giữa nô lệ và tự chủ, đã đồng tâm đứng lên
Hong Kong được thụ hưởng thể chế "một quốc gia, hai chế độ" nên tuy thuộc về Trung quốc nhưng được thế giới đối đãi như một nước tư bản tự trị. Đặc khu hành chánh này giàu có và cơ chế dân chủ từ thời được Anh Quốc bảo hộ đã giúp cho người dân Hong Kong thấy được sự khác nhau giữa tư bản và cộng sản, giữa dân chủ và độc tài, giữa nô lệ và tự chủ… từ đó hầu như cả đặc khu hành chánh này đã đồng tâm đứng lên chống lại ý đồ thu tóm mọi hoạt động dân chủ của Bắc Kinh nhằm trói chặt người dân ở đây vào cùng một rọ với người đại lục.
Cả thế giới đã chứng kiến hơn hai triệu người Hong Kong xuống đường. Cả thế giới cũng chứng kiến những cuộc khủng bố tàn bạo của hắc cảnh Hong Kong đối với những thanh thiếu niên cả nam lẫn nữ đã lẫm liệt đạp lên những hàng rào do cảnh sát dựng lên để ngăn cản họ. Những con người không sợ cầm tù ấy vẫn xuống đường biểu tình ngày hôm nay bất kể Bắc Kinh dùng biện pháp gì để áp đảo vì họ biết nếu ngừng lại thì suối nguồn tự do của họ kể như tắt mạch.
Người dân Hong Kong thấu hiểu thế nào là bất hạnh khi mạch sống dân chủ của họ bị siết lại và họ không cam tâm đứng nhìn chính bản thân gia đình và con cháu sau này của họ bị nhuộm đỏ bằng chủ nghĩa Cộng sản. Họ thà chết hôm nay để báo động với thế giới dã tâm của Bắc Kinh vẫn chưa bị phát hiện triệt để bởi đồng tiền nhơ bẩn và sự tráo trở lành nghề của tập đoàn Nam trung hải.
EU đã khép cửa trước tiếng kêu gào tự do của Hong Kong, trong đó có lập luận đầy mùi vị đồng tiền của người đàn bà được nhiều người kính trọng : Angela Merkel. Giống như Aung San Suu Kyi, đất nước và tiền bạc mới là mục tiêu chính của các chính trị gia, mọi thứ đều là phương tiện để kiếm phiếu. Nền dân chủ của Hong Kong không thể làm cho kinh tế nước Đức tăng trưởng và vì vậy Angela Merkel tiếp tục lo ngại trên cửa miệng nhưng không chấp nhận trừng phạt Trung Quốc như Mỹ, Anh, Úc, Canada.
Có lẽ người dân Hong Kong đã biết trước điều đó nên mọi biểu ngữ của họ trong các cuộc biểu tình đều thiếu vắng biểu tượng của nước Đức. Họ cũng thừa hiểu EU già cỗi và quá yếu kém trước con cọp Trung Quốc vì thế trông cậy vào EU không khác nào uống thuốc Tylenol để chữa trị ung thư. Sự tránh né của Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU khi nói rằng trừng phạt Trung Quốc không giải quyết vấn đề Hong Kong đã làm cho người Hong Kong tuyệt vọng. EU tiếp tục nối bước nước Mỹ của bốn thập niên trước khi cho rằng hợp tác kinh tế với Trung Quốc sẽ khiến cho con cọp biết nghe tiếng chiêu dụ của con người. Nước Mỹ đã bắt đầu và đã thấm đòn phản trắc của Trung Quốc còn EU thì vẫn thì thầm vào tai cọp những luận cứ mà ngay cả con người công chính cũng khó mà tin được.
Trung Quốc biết rõ điều đó và nó đang nhởn nhơ nhìn con nai yếu ớt dãy dụa trong tuyệt vọng trước móng vuốt của con cọp vừa mạnh bạo lại vừa ranh mãnh.
Mỹ đang xem xét vấn đề và người ta chờ đợi sự trừng phạt đủ để Trung Quốc thấm đòn. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết có thể cấp quốc tịch cho người Hong Kong sở hữu hộ chiếu hải ngoại (British National Overseas-BNO). BNO được cấp cho người Hong Kong sinh trước năm 1997, thời điểm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc đại lục. Khoảng 300.000 người Hong Kong đã sở hữu BNO nếu một làn sóng di tản khác từ Hong Kong con số có thể lên đến 1 triệu người.
Không chỉ Anh quốc, người Hong Kong rồi đây sẽ trở thành những khuôn mẫu tỵ nạn chính trị tới khắp nơi trên thế giới. Mặc dù con số người ra đi còn chưa ai có thể xác quyết nhưng chắc chắn không ai có tiền lại an tâm nhìn làn sóng đỏ tràn ngập nơi mình đang yên lành sinh sống.
Mà Hong Kong lại không hề hiếm người có tiền và tài sản lớn nhất của họ là tự do dân chủ.
Thế giới vẫn đang chợ đợi bi kịch xảy ra cho người Hong Kong trong khi người dân xứ này cũng đang chờ đợi sức mạnh đến từ Mỹ mặc dù trên lý thuyết không ai phản đối rằng bất cứ chính trị gia nào cũng yêu nước họ hơn người dân xứ khác. Nước Mỹ được kỳ vọng không phải vì họ tha thiết đến tự do dân chủ của Hong Kong nhưng nước Mỹ được nhìn vào và chờ đợi vì nước Mỹ không cam tâm chịu cho Trung Quốc dắt mũi một lần nữa.
Hong Kong có lẽ sẽ có những giờ phút đen tối nhất khi không còn một chút ánh sáng nào đến từ thế giới bên ngoài. Bóng tối của Bắc Kinh sẽ đè bẹp người dân Hong Kong mặc dù bản lĩnh của họ luôn thức tỉnh trước sức mạnh của một tập đoàn hung hãn nhất thế giới.
Rồi đây làn sóng trốn chạy của người Hong Kong lại một lần nữa chứng minh rằng chủ nghĩa cộng sản đi tới đâu là tai ương kéo theo đến đấy.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 29/05/2020 (canhco's blog)
*********************
Hồng Kông : Đấu khẩu Mỹ-Trung qua cầu truyền hình Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
Thanh Hà, RFI, 30/05/2020
Vài giờ trước khi tổng thống Trump đưa ra những quyết định cứng rắn về Hồng Kông, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 29/05/2020 họp không chính thức qua cầu truyền hình về luật an ninh tại vùng từng là thuộc địa của vương quốc Anh.
Bắc Kinh đang bị nhiều sức ép quốc tế quanh vấn đề quyền tự trị Hồng Kông. Ảnh : Văn phòng đại diện chính quyền Hồng Kông tại bắc Kinh, ngày 25/05/2020. Reuters - Tingshu Wang
Trong cuộc họp này đại diện của Bắc Kinh mạnh mẽ chỉ trích Luân Đôn và Washington can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Thông tín viên đài RFI Carrie Nooten từ trụ sở Liên Hiệp Quốc cho biết thêm :
Một số thành viên tại Hội Đồng Bảo An xem dự luật an ninh Hồng Kông mà Bắc Kinh áp đặt vi phạm tuyên bố chung giữa chính quyền Anh và Trung Quốc, nhằm bảo đảm quy chế riêng biệt cho Hồng Kông đối với Hoa Lục cho đến năm 2047.
Văn bản này đã được Liên Hiệp Quốc thông qua. Do vậy việc Bắc Kinh gia tăng kiểm soát Hồng Kông bị coi là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Cách nay ba hôm, Mỹ đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An khẩn cấp họp bàn về Hồng Kông nhưng Trung Quốc đã lập tức dứt khoán bác bỏ đề xuất của Mỹ. Cuối cùng, các bên đã mở một cuộc họp kín.
Đại diện ngoại giao của Anh, Mỹ kêu gọi phía Trung Quốc xem xét kỹ về những "quan ngại sâu sắc và chính đáng" của cộng đồng quốc tế liên quan đến quyền tự trị Hồng Kông. Đại sứ Anh bên cạnh Liên Hiệp Quốc cảnh báo trước nguy cơ các quyền tự do sẽ bị hạn chế và xã hội Hồng Kông sẽ bị chia rẽ sâu rộng.
Gay gắt hơn, đại sứ Mỹ bà Kelly Craft kêu gọi nhiều quốc gia khác yêu cầu Trung Quốc thay đổi chính sách và tôn trọng những cam kết (về Hồng Kông).
Không có gì ngạc nhiên, với giọng điệu cố hữu của Bắc Kinh, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) đáp trả rằng Hồng Kông là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia Trung Quốc.
Vài giờ sau, trong một thông cáo với giọng điệu phẫn nộ và mỉa mai, ông Trương Quân đề nghị Bắc Kinh giúp đỡ giải quyết hồ sơ Brexit và bạo động về sắc tộc tại Minneapolis, hai vấn đề thuần túy liên quan đến chính sách nội bộ của Anh và Mỹ.
Thanh Hà
********************
Tổng thống Trump thông báo chấm dứt chính sách ưu đãi Hồng Kông
Thanh Hà, RFI, 30/05/2020
Họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/05/202 tổng thống Hoa Kỳ giải thích Trung Quốc "thất hứa" với cộng đồng quốc tế, quy chế tự trị cho Hồng Kông không còn được bảo đảm. Do vậy Washington tiến hành thủ tục rút lại "quy chế đặc biệt" Washington dành cho Hồng Kông.
Theo lời lãnh đạo Nhà Trắng luật an ninh Hồng Kông vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua là một "tấn bi kịch đối với người dân Hồng Kông, Trung Quốc và toàn thế giới", đe dọa tất cả các quyền tự do tại đặc khu hành chính này.
Thông tín viên đài RFI Louba Anaki tại New York tường trình về buổi họp báo của tổng thống Trump :
"Trung Quốc viện lý do bảo đảm an ninh quốc gia. Nhưng sự thật, Hồng Kông là một xã hội được tự do, là nơi an toàn và thịnh vượng. Quyết định của Bắc Kinh là một bước thụt lùi, tăng cường sự kiểm soát của guồng máy an ninh Trung Quốc đối với khu vực mà đến nay luôn là một thành trì của tự do".
Donald Trump đã tuyên bố như trên về Hồng Kông và cho rằng, không thể tiếp tục xem Hồng Kông là một vùng tự trị đối với Hoa lục. Do vậy ông đã thông báo hủy quy chế đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông.
Điều đó có nghĩa là Hồng Kông không còn được hưởng một số điều khoản ưu đãi về thương mại của Mỹ và đôi bên đình chỉ hợp tác trong lĩnh vực tư pháp.
Ngoài ra nguyên thủ Mỹ lên án Trung Quốc về trách nhiệm trong đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng y tế toàn cầu.
Donald Trump thông báo nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bắc Kinh, chẳng hạn như việc cấm nhập cảnh vào Mỹ một số công dân Trung Quốc bị xem là đe dọa đến an ninh quốc gia.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng đã lên án Bắc Kinh kiểm soát Tổ chức Y tế Thế giới và do vậy, Mỹ quyết định đình chỉ quan hệ và ngừng đóng góp tài chính cho tổ chức này.
Phản ứng của chính quyền Hồng Kông
Sáng 30/05/2020 nhiều thành viên trong chính quyền Hồng Kông mạnh mẽ phản đối quyết định mạnh tay của chính truyền Trump về luật an ninh. Trả lời báo chí, lãnh đạo an ninh tại đặc khu hành hình này, ông Lý Gia Siêu (John Lee) cho rằng mọi hành động hù dọa Hồng Kông đều sẽ "thất bại" vì Hồng Kông đang làm theo "lẽ phải" và "đi đúng hướng" nhằm tái lập trật tự và ổn định cho vùng lãnh thổ này. Về phần bà Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) người đứng đầu cơ quan tư pháp Hồng Kông thì lấy làm tiếc là chính phủ Mỹ căn cứ trên những thông tin "hoàn toàn thất thiệt và sai lệch" để trừng phạt Hồng Kông.
Thanh Hà
******************
Quyền tự trị Hồng Kông : Liên Âu muốn duy trì đối thoại với Bắc Kinh
Trọng Thành, RFI, 30/05/2020
Các quyền tự do căn bản Hồng Kông, nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ" có nguy cơ bị hủy hoại, sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia, cho phép chính quyền trung ương can thiệp vào đặc khu. Hoa Kỳ và một số đồng minh phản ứng ngày càng cứng rắn. Liên Hiệp Châu Âu khẳng định cần duy trì "đối thoại" với Trung Quốc.
Hình minh họa : Một góc khu trung tâm Hồng Kông ngày 28/05/2020. Reuters - Tyrone Siu
Hôm qua, 29/05/2020, sau cuộc họp qua cầu truyền hình giữa các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Joseph Borrell bày tỏ nỗi "lo ngại sâu sắc" trước việc Bắc Kinh muốn áp đặt luật an ninh với Hồng Kông, có nguy cơ hủy hoại nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ và quyền tự trị của đặc khu hành chính Hồng Kông". Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu cũng tuyên bố : Trừng phạt "không phải là cách giải quyết các vấn đề của chúng ta với Trung Quốc".
Theo AFP, ông Joseph Borrell cho biết "sẽ nêu các vấn đề này trong khuôn khổ của chính sách theo đuổi đối thoại với Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh là "các quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc dựa trên cơ sở tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau", tuy nhiên, việc Bắc Kinh áp đặt luật này gây hoài nghi về "quyết tâm của Trung Quốc tôn trọng các cam kết quốc tế".
Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu cũng giải thích thêm, quan hệ giữa Liên Âu và Trung Quốc là "quá phức tạp để có thể đặt tất cả vào trong một chiếc hộp duy nhất", với Liên Âu, Bắc Kinh vừa là "thế lực cạnh tranh, vừa là đối thủ, cũng vừa là đồng minh".
Trả lời câu hỏi liệu các diễn biến tại Hồng Kông có ảnh hưởng gì đến thượng đỉnh Liên Âu - Trung Quốc, dự kiến sẽ diễn ra tại Leipzig, Đức, ngày 14/09, tới hay không, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu khẳng định trong hiện tại hội nghị này vẫn nằm trong lịch trình.
Đức : Trung Quốc và Liên Âu cần thảo luận thẳng thắn về "các chủ đề khó chịu"
Nửa sau của năm 2020, kể từ ngày 01/07, Đức sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu. Sau buổi họp các bộ trưởng ngoại giao Liên Âu hôm qua, ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết hiện tại Châu Âu chưa tính tới việc ban hành các biện pháp trừng phạt Trung Quốc trong hồ sơ Hồng Kông, mục tiêu trước mắt là hai bên cần ngồi vào bàn đối thoại, để có thể "thảo luận với nhau về các chủ đề khó chịu".
Theo ngoại trưởng Đức, lập trường của Liên Âu là rất rõ ràng : quyền tự trị của Hồng Kông và các quyền tự do căn bản của người Hồng Kông "không thể nào chỉ còn là chuyện hình thức", và quan điểm của Liên Âu là "bất di bất dịch", nguyên tắc Nhà nước pháp quyền tại Hồng Kông phải được bảo vệ.
Trong cuộc họp hôm qua, các ngoại trưởng 27 nước Châu Âu thảo luận để tìm ra một chiến lược về dài hạn của Liên Hiệp với Trung Quốc. Trong lá thư mời gửi đến các ngoại trưởng, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu lưu ý là sự vươn lên thành cường quốc hàng đầu thế giới của Trung Quốc, sẵn sàng áp đặt quan điểm của mình với phần còn lại của thế giới "là một trắc nghiệm đối với các tham vọng địa chính trị của Liên Hiệp Châu Âu".
Tại thượng đỉnh Liên Âu - Trung Quốc tại Leipzig dự kiến, Liên Hiệp Châu Âu có thể ký kết một thỏa thuận về Bắc Kinh và đầu tư. Liên Âu cũng muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong việc bảo vệ môi trường ở Châu Phi, cũng như trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, mà Trung Quốc là quốc gia phát thải số một thế giới (chiếm khoảng gần một phần ba lượng khí thải toàn cầu).
Trọng Thành
*******************
Quốc tế gia tăng áp lực với Trung Quốc trên vấn đề Hồng Kông
Thanh Phương, RFI, 29/05/2020
Bắc Kinh hiện đang đối đầu với áp lực ngày càng tăng của quốc tế sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, một đạo luật bị xem là đe dọa quyền tự trị của đặc khu hành chính này.
Tuổi trẻ Hồng Kông kiên cường xuống đường phản đối Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia, ngày 24/05/2020. © Reuters/Tyrone Siu
Hôm qua 28/05, 4 nước Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada và Úc đã ra một thông cáo chung lên án Bắc Kinh vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc sau khi nước này thông qua đạo luật về an ninh quốc gia cho Hồng Kông, nhằm đáp lại các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm ngoái tại đặc khu hành chính này. Bốn nước Tây phương bày tỏ mối "quan ngại sâu sắc" của họ về một đạo luật "sẽ hạn chế các quyền tự do của người dân Hồng Kông" và "làm xói mòn nghiêm trọng nền tự trị và hệ thống đã giúp cho vùng lãnh thổ này thịnh vượng như thế".
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, chủ yếu là do dịch Covid-19 và vấn đề Đài Loan, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm nay ông sẽ có một cuộc họp báo để thông báo "những gì mà chúng ta sẽ làm đối với Trung Quốc". Theo lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua, ông Trump sẽ đặc biệt "nhắm vào các sinh viên gián điệp Trung Quốc".
Theo hãng tin AFP, các nguồn tin ngoại giao vừa cho biết là Hoa Kỳ và Anh Quốc đã thuyết phục được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc thảo luận không chính thức, trong một phiên họp kín và qua video, về tình hình Hồng Kông. Vì là cuộc họp không chính thức, nên các thành viên của Hội Đồng Bảo An có thể đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau và trên nguyên tắc Trung Quốc không thể ngăn cản cuộc thảo luận này.
Hôm thứ Tư 27/05/2020, Bắc Kinh chống lại việc tổ chức một cuộc họp chính thức của Hội Đồng Bảo An mà Washington đã khẩn cấp yêu cầu để bàn về Hồng Kông. Lý do mà Bắc Kinh đưa ra : Hồng Kông là chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Theo các quy định được ban hành trong thời gian có dịch Covid-19, các cuộc họp chính thức của Hội Đồng Bảo An chỉ có thể được tổ chức khi có sự đồng thuận của toàn bộ 15 thành viên. Bình thường ra, một thành viên của Hội Đồng muốn ngăn cản một cuộc họp chính thức phải thu được 9 trên 15 phiếu trong một cuộc bỏ phiếu về thủ tục.
Báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay dĩ nhiên hoan nghênh việc Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, cho rằng luật này sẽ củng cố sự ổn định và quyền tự trị của đặc khu hành chính này. Nhưng phong trào dân chủ ở Hồng Kông thì cực lực phản đối. Trả lời AFP, nữ nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Claudio Mo tuyên bố : "Thế là chấm dứt đối với Hồng Kông".
Thanh Phương
******************
Việt Nam xem tình hình Hong Kong là 'việc nội bộ' của Trung Quốc
VOA, 29/05/2020
Việt Nam hôm 28/5 nói rằng luôn ủng hội chính sách 'một quốc gia, hai chế độ’ của Trung Quốc cũng như coi các vấn đề về Hong Kong là chuyện "nội bộ" của Bắc Kinh ngay sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định về việc trực tiếp ban hành luật an ninh quốc gia cho đặc khu này.
Đăng tải của Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam trên Twitter hôm 28/5, trong đó phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt bày tỏ ý kiến trước việc Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định về luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong.
"Việt Nam quan tâm và theo dõi tình hình Hong Kong", Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 28/5 tại Hà Nội, và cho biết "lập trường của Việt Nam về tình hình Hong Kong đã được nêu rõ".
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tân Hoa Xã (Xinhua) trong buổi họp báo về việc Việt Nam nhìn nhận thế nào về việc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc thông qua quyết định về thiết lập và hoàn thiện chế độ pháp luật và cơ chế thực thi của Đặc khu hành chính Hong Kong về bảo vệ an ninh quốc gia, ông Việt nói "Việt Nam tôn trọng và ủng hội chính sách 'một nước, hai chế độ’ của Trung Quốc".
Tân Hoa Xã cho biết các đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc - tức Quốc hội Trung Quốc - khóa 13 đã bỏ phiếu thông qua quyết định về việc trực tiếp ban hành luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, một trong hai đặc khu hành chính của nước này, với số phiếu "áp đảo" trong ngày cuối cùng của kỳ họp thường niên hôm 28/5.
Theo đó, luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh soạn thảo sẽ nhằm "ngăn chặn và trừng phạt bất kỳ hành động nào diễn ra tại Hong Kong để chia rẽ đất nước, lật đổ chính quyền, các hoạt động khủng bố và những hành vi khác đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, cũng như hoạt động của các lực lượng bên ngoài để can thiệp vào vấn đề Hong Kong".
"Các vấn đề liên quan tới Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với phóng viên Tân Hoa Xã và cho biết thêm rằng "Việt Nam luôn mong muốn tình hình Hong Kong được ổn định và phát triển thịnh vượng".
Một ngày trước khi Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định trên, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố đã báo cáo lên Quốc hội Mỹ rằng Hong Kong "không còn tự trị đối với Trung Quốc nữa", khiến Hong Kong không còn đủ điều kiện hưởng quy chế tài chính đặc biệt theo quy định của pháp luật Mỹ.
Hôm 26/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đang chuẩn bị đáp lại loan báo của Bắc Kinh về luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, nhưng ông không cho biết chi tiết là liệu ông có ngưng những ưu đãi kinh tế Hong Kong hiện được hưởng hay không.
Căng thẳng chính trị leo thang thêm tại Hong Kong trong những tuần lễ gần đây sau khi giới chức trách thực thi luật Hong Kong bắt giữ 15 nhà hoạt động đòi dân chủ vào tháng 4 trong đó có người sáng lập Đảng Dân chủ Hong Kong Martin Lee, một hành động bị Mỹ lên án.
Hong Kong được trả lại cho Bắc Kinh vào năm 1997 theo thể thức "một quốc gia, hai hệ thống" mà qua đó thành phố này có những quyền tự do rộng rãi chưa hề thấy tại Hoa lục.
********************
Hồng Kông : Chính quyền huy động lực lượng hùng hậu giải tán biểu tình
Thanh Phương, RFI, 27/05/2020
Hôm 27/05/2020, chính quyền Hồng Kông đã huy động một lực lượng cảnh sát hùng hậu để giải tán những người biểu tình phản đối dự luật xem hành vi xúc phạm quốc ca Trung Quốc là một tội hình sự.
Cảnh sát chống bạo động bắt giữ người biểu tình phản đối dự luật an ninh quốc gia của Trung Quốc, tại Hồng Kông ngày 27/05/2020. Reuters - TYRONE SIU
Theo hãng tin AFP, khoảng 100 người biểu tình tập trung tại một khu thương mại đã bị cảnh sát bắn hơi cay giải tán vào trưa nay. Cuộc biểu tình diễn ra vào lúc Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đang thảo luận về dự luật hình sự hóa hành vi xúc phạm quốc ca Trung Quốc. Những người bị kết tội xúc phạm quốc ca có thể lãnh án tù đến 3 năm.
Đối với phong trào dân chủ, dự luật này là một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông, nhất là văn bản này được đưa ra thảo luận ngay sau khi Bắc Kinh quyết định áp đặt một đạo luật an ninh quốc gia lên đặc khu hành chính này.
Phẫn nộ vì thấy Trung Quốc gia tăng kiểm soát Hồng Kông, một bộ phận trong giới trẻ tại đây nay trở nên cực đoan và chọn con đường đấu tranh cho nền độc lập của Hồng Kông, như tường trình của thông tín viên Florence de Changy :
Từ cách đây một năm, khi nổ ra các cuộc biểu tình đầu tiên, dân Hồng Kông trước hết đấu tranh đòi rút lại dự luật về dẫn độ sang Trung Quốc. Nhưng bạo hành cảnh sát đã nhanh chóng trở thành một vấn đề mới, và những người biểu tình cũng đòi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và đòi các cải tổ dân chủ.
Ngày nay phong trào biểu tình vẫn giữ nguyên 5 yêu sách của họ. Nhưng trong thời gian gần đây, tuyệt vọng vì thấy tình hình vẫn bế tắc và Bắc Kinh thi hành các biện pháp mới để gia tăng kiểm soát Hồng Kông, một bộ phận trong giới trẻ đã trở nên cực đoan.
Ba sinh viên mới tốt nghiệp, và cũng là các nhân viên cứu hộ tình nguyện, giải thích chuyển biến tư tưởng của họ :
"Không một ai, dù là chúng tôi hay bất cứ một công dân nào khác, có thể xuống đường biểu tình, dù là một cách ôn hòa hay với bạo lực. Điều đó có nghĩa không còn cái gọi là "một quốc gia, hai chế độ". Họ vẫn muốn áp đặt lên chúng tôi nguyên tắc "một quốc gia, một chế độ" và đưa Hồng Kông vào trong Trung Quốc".
Những thanh niên này khẳng định nền độc lập là con đường duy nhất để bảo tồn quyền tự trị của Hồng Kông. Như vậy họ tạo cớ cho Bắc Kinh, ngay từ đầu vẫn xem họ là những kẻ ly khai, mà không thấy rằng chính 12 tháng đàn áp dữ dội và chính thái độ khước từ đối thoại của chính quyền đã dẫn đến sự thay đổi của phong trào biểu tình.
Donald Trump hứa hành động
Hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hứa là từ đây đến cuối tuần sẽ có hành động đáp trả việc Bắc Kinh muốn áp đặt đạo luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông, cảnh báo rằng đạo luật này có thể khiến đặc khu hành chính mất đi quy chế thị trường tài chính hàng đầu thế giới.
Thanh Phương