Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/06/2020

Hà Nội buộc Dân phải làm gì và được làm gì ?

Diễm Thi - Cao Nguyên - RFA

Dân muốn hết ngập thì phải đóng tiền chống ngập ?

Diễm Thi, RFA, 03/06/2020

Thu sao cho hợp lý ?

Cuối tháng 5 năm 2020, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trình Sở Tài chính phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông được Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam, thuộc Bộ Xây dựng tính toán. Giá dịch vụ chống ngập được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng.

VIETNAM-WEATHER-TYPHOON-FLOODS

Ngập lụt sau mỗi cơn mưa không lạ gì với người dân các thành phố lớn. AFP

Theo Sở Xây dựng, nếu phương án được duyệt sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện chống ngập cho thành phố trong thời gian tới. Dự án này đang gây nhiều tranh cãi bởi xã hội hóa tức người dân sẽ phải đóng phí chống ngập.

Truyền thông trong nước dẫn lời KTS Ngô Viết Nam Sơn không đồng tình với việc yêu cầu người dân đóng khoản phí này vì tác nhân gây ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh không phải người dân.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), lại đồng tình với việc thu giá dịch vụ chống ngập. Trao đổi với RFA tối 3 tháng 6, ông phân tích :

"Phân tích chuyện chống ngập thì có hai vấn đề : Kỹ thuật và tài chính. Tranh cãi về vấn đề kỹ thuật thì hướng đi tương đối rõ. Còn vấn đề tài chính, tiền lấy từ đâu, thì lại không rõ ràng.

Bởi vì chuyện chống ngập hiện nay vẫn còn là bao cấp, mà bao cấp thì dẫn đến suy thoái sự phát triển và không lành mạnh về tài chính. Do vậy những nhà đầu tư tư nhân họ cũng không mặn mà tham gia, họ không thấy luồng tiền rõ ràng. Đó là điều trở ngại.

Rút kinh nghiệm từ những lãnh vực khác như y tế, giáo dục, giao thông, điện, nước…đều đã được xóa bao cấp, thu chi cân bằng. Chống ngập hiện nay là mất cân bằng thu chi nên tôi ủng hộ phương án thu phí chống ngập. Nhưng phải thu sao cho công bằng và phù hợp sức dân".

Tiến sĩ Hồ Long Phi đặt câu hỏi, tại sao các dịch vụ công khác đã xóa bao cấp từ 20 năm rồi mà việc chống ngâp nhà nước vẫn ‘ôm’ tới bây giờ ? !

Ngoài việc không đồng tình việc yêu cầu dân đóng phí chống ngập với lý do lỗi không từ người dân, KTS Ngô Viết Nam Sơn còn nêu một bất hợp lý khác, đó là việc tính giá dịch vụ theo mét vuông. Theo ông, điều này là không hợp lý do mỗi nơi ngập mỗi khác, không thể áp dụng chung cho cả thành phố.

Khi trao đổi với RFA về vấn đề này, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính, nêu quan điểm của mình :

"Theo tôi thì tính tiền phí chống ngập trên mét vuông là hợp lý. Đúng ra là phải tính từng vùng một. Nếu tính bình quân đổ đồng thì rất kẹt, vì có những vùng không ngập. Nhưng hầu như Thành phố Hồ Chí Minh thì chỗ nào cũng ngập cho nên cách tính hiện nay là chia sẻ, giảm bớt gánh nặng cho những người dân vùng thấp, nếu không thì những vùng trũng sẽ phải đóng tiền rất cao".

Với Tiến sĩ Hồ Long Phi, hiện những nơi ngập ít là do đã được đầu tư từ nguồn vốn vay. Những nơi chưa ngập cũng nên san sẻ trách nhiệm. Nhưng để công bằng thì những vùng cao chi phí thấp hơn, chỉ cần cống thoát nước thì sẽ thu phí ít, còn những vùng thấp phải ngăn triều, phải bơm nước phức tạp hơn thì phải thu phí nhiều hơn.

Ngân sách nhà nước không đủ

dan2

Ngập kỷ lục sau cơn mưa lớn chiều 26/9/2016. Photo : Zing.vn

Từ năm 2001 thành phố đã có Chương trình chống ngập mùa mưa giai đoạn 2001-2005 với trên 70 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 11.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch thoát nước của thành phố, từ năm 2002, nhiều dự án lớn bắt đầu thi công và dự kiến năm 2005 sẽ giải quyết khoảng 70% số điểm ngập. Còn để đạt 100% thì phải đến năm 2020.

Cho đến hôm nay, tức 20 năm đã qua kể từ khi thành phố lập quy hoạch thoát nước đầu tiên, tình trạng ngập lụt không bớt, nếu không muốn nói là ngày càng nặng.

Tiến sĩ Hồ Long Phi giải thích :

"Một là mưa và triều hồi xưa không dữ dội như bây giờ. Cách đây 20 năm, lúc lập quy hoạch thoát nước đầu tiên, mưa tầm 85mm thì khoảng 3 năm mới có một lần. Còn bây giờ mưa 100mm mỗi năm mỗi có. Có năm hai, ba lần.

Cái thứ hai là thủy triều. 20 năm trước thì triều 1,30 mét thì 5 năm mới xuất hiện một lần. Còn bây giờ, thủy triều đạt kỷ lục là 1,77 mét rồi. Thành ra cả mưa và triều đều tăng.

Cái thứ ba là đô thị hóa. Hồi xưa ngập người dân không kêu vì những chỗ ngập là những chỗ trữ nước, những chỗ không có dân ở. Bây giờ dân ở đó thì bị ngập ngay chỗ ở".

Theo TS Hồ Long Phi, với ba yếu tố như vậy thì đầu tư cho hạ tầng thoát nước hiện nay là yếu nhất trong các cơ sở hạ tầng.

Chiều 26 tháng 9 năm 2016, lần đầu tiên người dân TP. HCM chứng kiến cảnh ngập lụt toàn thành phố sau một trận mưa lớn. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ ghi nhận đây là trận mưa lập kỷ lục số liệu của Đài từ ngày thành lập là năm 1976, tức 40 năm.

Kể từ trận ngập được cho là kỷ lục đó, hình ảnh "phố cũng như sông" không xa lạ gì với người dân thành phố sau mỗi trận mưa lớn. Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, không có tiền thì sẽ không giải quyết được vấn đề nên phải nghĩ ra nguồn thu. Ông nói :

"Từ trước đến nay cũng chống ngập mãi. Chi biết bao nhiêu tiền rồi nhưng ngân sách nhà nước thì có hạn. Nếu không có nguồn thu từ dân thì khó có khả năng ngân sách chịu được cho nên người ta nghĩ ra cách đó. Đã thu là đưa vào ngân sách hết để xử lý cho quỹ chống ngập".

Dù rất khổ sở với tình trạng nước ngập triền miên sau mỗi cơn mưa lớn nhưng khi nghe đóng tiền chống ngập, người dân thành phố vẫn không đồng tình vì nhiều lý do. Cô Trần Kim Tuyết nêu ý kiến của mình :

"Bắt người dân đóng tiền chống ngập đó thì em sẽ không đóng vì nhà nước phải có trách nhiệm. Trách nhiệm của nhà nước thì mấy ổng phải tự giải quyết với nhau chứ. Nước ngập ngoài đường sao lại bắt dân đóng ? Dân đã đóng đủ thứ tiền rồi. Mấy ổng thu, mấy ổng ăn thì mấy ổng phải chi ra để chống ngập. Không thể bắt dân đóng vì nhà nước thu đủ thứ tiền, từ tiền cầu đường, tiền cầu cống… cái gì cũng thu".

Cô Tuyết cho biết đóng bao nhiêu loại phí mà không khí vẫn ô nhiễm, đường vẫn kẹt xe nên cô không tin chính quyền sẽ giải quyết được nạn nước ngập.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 03/06/2020

*********************

Dân có thể tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ?

RFA, 03/06/2020

Vừa qua, khi tham gia Đại hội đại biểu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ phường Tân Định, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, phát biểt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên.

dan3

Cán bộ công chức đang làm việc. Courtesy Dan Tri

Cụ thể, Bà Trần Kim Yến đề nghị các Đảng bộ địa phương chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, tham nhũng, phiền hà nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên... nhằm xây dựng Đảng bộ, chính quyền ngày càng vững mạnh...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn, nhận định :

"Tôi thấy đây là một thông điệp rất là hay cho một nhà nước vì nhân dân, của dân và chịu sự giám sát của người dân, thông điệp này rất được sự đồng tình của người dân. Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp này, kiên quyết loại bỏ những cán bộ trong bộ máy của Đảng và nhà nước có hành vi tiêu cực, tham nhũng và thậm chí xử lý hình sự những trường hợp vi phạm".

Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh nói về việc giám sát cán bộ, đảng viên để chống tiêu cực. Vào cuối năm 2019, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng "thúc" Chính phủ sớm ban hành quy định xử lý cán bộ. Ngoài ra, cơ quan này cũng yêu cầu các cơ quan công quyền phải nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát...

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn, Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng :

"Việc người dân giám sát đảng viên không dễ dàng tí nào cả, ngay cả đảng viên thường họ cũng không biết đảng viên cao cấp hay đảng viên có chức vụ làm gì. Bởi vì, chế độ giải trình ở Việt Nam không có, không bắt buộc người ta giải trình. Không có cạnh tranh báo chương trình hành động của mình khi mình nhận chức vụ, và khi trong quá trình công tác mà dân hỏi thì buộc phải giải trình... nó không có cái đấy. Ngay cả đảng viên thường giám sát được đảng viên có chức vụ đã khó khăn rồi, nói chi đến người dân".

Theo Nhà hoạt động Trần Bang, những vấn đề tiêu cực mà người dân biết được, chẳng qua chỉ là cái ngọn của vấn đề. Ông nói tiếp :

"Ví dụ thấy đường bị ngập, cầu bị hư, hay ô nhiễm môi trường, hay vật giá leo thang, giá xăng dầu thế giới thấp mà Việt Nam vẫn cao chẳng hạn... thì người ta chỉ thấy cái ngọn của vấn đề, còn tại sao như thế thì họ không biết là do ai gây ra, thì không giám sát được cụ thể".

Gần đây, hôm 4 tháng 5 năm 2020, khi trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, để phát hiện những cán bộ tiêu cực, tha hóa, giàu nhanh bất thường, nhiều nhà, nhiều đất thì chỉ dựa vào bộ máy của đảng, nhà nước là chưa đủ, mà phải dựa vào ý kiến của nhân dân, hỏi dân là ra ngay.

Trên thực tế, khi người dân tố cáo hay đưa ra phản ánh gì, lời nói của người dân có được chính quyền lắng nghe ?

Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi đó cho rằng, không nhất thiết phải dựa vào dân. Cho dù dân nói đúng, nhưng đó chỉ là dân nhìn bề ngoài, chứ dân không thể đi sâu vào, để biết ‘của chìm, của nổi’ của quan chức. Dân chỉ biết ông này chơi sang, giàu có, biệt thự, nhà cao cửa rộng mà thôi... còn muốn biết cho rõ ràng thì phải các cơ quan chuyên trách của chính phủ phải vào cuộc. Tuy nhiên theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, giới cầm quyền có lẽ không muốn điều đó.

dan4

Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam trong một lần biểu quyết. Courtesy CPV

Một người dân không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nhận định với Đài Á Châu Tự Do :

"Thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt. Ở Việt Nam ai nói gì trái ý đảng là bị chụp mũ là phản động, họ không nghe ý kiến người dân đâu".

Trên thực tế, luật pháp tại Việt Nam về vấn đề tố cáo tham nhũng hiện chưa được rõ ràng. Vì vậy, rất nhiều trường hợp tố cáo tham nhũng xong bị lãnh đạo trù dập, thậm chí bị buộc thôi việc. Như trường hợp Cô P. N. T., giáo viên trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, bị trù dập, kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc, vì cô đã công khai tố cáo Ban Giám hiệu ra lệnh nâng điểm thi học kỳ môn Địa lý Khối 7 để chạy đua thành tích và trục lợi.

Hay nhiều trường hợp khác trước đây như trường hợp Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ ở tỉnh Phú Yên, cũng phải thôi việc vì tố cáo tiêu cực. Hay anh Dương Tùng Nam, một người dân ở Hải Phòng, là nạn nhân bị trả thù sau khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực, bất minh bạch trong hệ thống Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.

Thậm chí có vị lãnh đạo khi phát biểu công khai trước buổi thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội còn cho rằng : "Bây giờ cứ nhăm nhăm đi chụp ảnh nhà của ông này, ông kia đưa lên mạng rồi đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà. Cứ đưa ảnh tràn lan mà không ai xử lý, vi phạm pháp luật mà không ai xử lý ! ?"

Nhà báo Nguyễn An Dân khi trả lời RFA, cho biết ý kiến của mình :

"Cần phải có cơ chế ‘cung cấp thông tin cho nhà báo’ và cần quy định rõ cần cung cấp cái gì, và bất kỳ thông tin nào mà xã hội quan tâm thì phải cung cấp. Tuy nhiên nhân dân cần chủ động hơn. Thí dụ như họ phải tìm, họ phải gặp những người Hội đồng Nhân dân, rồi Đại biểu Quốc hội của họ để mà kiến nghị. Cái kiến nghị đó nó đúng hay sai, hay nó có hiệu quả hay không là một vấn đề khác, nhưng mà phải làm những vấn đề này. Còn họ xử lý hay không, xử lý đến đâu thì đó là chuyện khác".

Theo Nhà hoạt động Trần Bang, phải tự do cạnh tranh các chức vụ chính trị, các chức vụ công, dùng đến tiền công, dùng đến ngân sách thì phải cạnh tranh. Phải để cho người dân bầu người thuyết phục được họ, chứ còn ở đây ‘đảng cử dân bầu’ thì chẳng qua là dân chủ giả tạo. Dân làm sao biết được mà giám sát, dân khi biết được thì ung nhọt đã lộ ra rồi. Kết quả khi rất tệ hại, người ta phải gánh chịu rồi mới lên tiếng, mà lên tiếng còn có thể bị cho là thế lực thù địch. Theo Nhà hoạt động Trần Bang, chỉ có đa đảng, tự do, dân chủ, nhân quyền, chứ còn độc đảng thì không có cách gì giám sát được.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 03/06/2020

******************

"Rút kinh nghiệm" - Hình thức né tránh kỷ luật của quan chức Việt Nam

Cao Nguyên, RFA, 03/06/2020

Hôm 1/6/2020, ông Bộ trưởng Giao thông vận tải (Giao thông và vận tải) Nguyễn Văn Thể ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC).

dan5

Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời trước Quốc hội ở Hà Nội hôm 4/6/2018 mt.gov.vn

Theo mạng báo Tuổi Trẻ, kể từ tháng 10/2017, Quốc hội ban hành nghị quyết "Triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước".

Cả nước có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, trong đó Bộ Giao thông và vận tải quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 19 trạm.

Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 46 trạm có vận hành làn thu phí không dừng (ETC), tức là mới thực hiện được một nửa số trạm.

Vì tiến độ triển khai quá chậm, với tư cách là lãnh đạo ngành Giao thông và vận tải, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nghị quyết, "Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm".

Ngoài ra, còn có 30 cá nhân làm bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm tiến độ. Trong đó, có 9 người nhận hình thức rút kinh nghiệm, 6 người nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.

Ông Huỳnh Kim Báu, thành viên nhóm Nhân sỹ trí thức yêu nước, nói với RFA rằng chúng ta cần nhìn nhận lại những hậu quả mà ngành Giao thông và vận tải đã để lại cho đất nước, gây ra bởi những người lãnh đạo có nặng lực yếu kém như ông Thể :

"Thử coi kết quả xem ổng làm được cái gì ! Đường xe lửa Cát Linh-Hà Đông, rồi cho Trung Quốc thầu đường Quốc lộ. Hàng loạt bê bối rồi vừa rồi như là kiểm soát BOT thu tiền tự động cũng không làm được. Tất cả những điều bê tha này đều gắn liền với quyền lợi của kẻ cầm quyền. Kiến thức thì họ nghèo nàn nhưng mà tính chất láu cá thì họ là bậc thầy".

Đã nhiều lần "xin lỗi, rút kinh nghiệm"

Đây không phải là đầu tiên ông Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tự "rút kinh nghiệm". Vào năm 2018, chỉ trong một phiên trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội khóa XIV, ông Thể đã 3 lần nói lời "xin lỗi, nhận trách nhiệm và mong được thông cảm".

Cụ thể, khi trả lời chất vấn liên quan đến các vị trí đặt BOT bị người dân phản đối, người đứng đầu Bộ Giao thông và vận tải nói rằng "ngành đã thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Bộ cố gắng giảm các chi phí cho người dân đi qua các trạm này một cách tốt nhất, giảm phí cho toàn bộ các xe của bà con sống trong khu vực quanh các trạm thu BOT". Để xảy ra tình trang người dân phản đối, ông Thể "mong đại biểu Quốc hội và người dân hết sức thông cảm".

dan6

Quầy vé trạm BOT Cai Lậy. Photo : RFA

Bên cạnh đó, các Đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi về chất lượng đường sắt và tình trạng tai nạn đường sắt liên tục xảy ra. Ông Bộ trưởng nói đã yêu cầu Tổng Công ty đường sắt nghiêm túc kiểm điểm và phải làm rõ nguyên nhân tai nạn. Ông lên tiếng "nhận trách nhiệm khi để ngành đường sắt xảy ra nhiều yếu kém, xin lỗi các gia đình có người thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường sắt vừa qua".

Ông Thể cũng thành thật "xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những yếu kém của ngành Giao thông và vận tải khi để cơ sở hạ tầng kém, tình hình tai nạn giao thông còn diễn ra rất nhiều.

Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần không hoàn thành nhiệm vụ, tự "nghiêm khắc kiểm điểm và rút kinh nghiệm", ông Bộ trưởng Giao thông và vận tải vẫn nghiễm nhiên tại vị, chưa thấy có bất kỳ hình thức kỷ luật nào dành cho ông Thể.

"Rút kinh nghiệm" là hình thức lấp liếm cho sai phạm

Ông Vũ Mạnh Hùng, từng giảng dạy tại trường Cao Đẳng Kinh Tế - Kỹ Thuật Thương Mại nói rằng cái văn hóa "rút kinh nghiệm" là một thói quen của các quan chức nhà nước, nhằm trốn tránh các hình phạt, mỗi khi làm điều sai hay không hoàn thành nhiệm vụ :

"Trong đảng Cộng sản này thì cứ làm cái gì mà không được, làm gì có hại cho dân cho nước thì cũng chỉ rút kinh nghiệm thôi chứ không chịu hình thức kỷ luật xử lý theo pháp luật gì cả.

Dân sai thì có rút kinh nghiệm được đâu, chỉ có quan sai là rút kinh nghiệm thôi !

Ông Bộ trưởng Giao thông Thể này nói vậy như là thói quen từ trước đến nay của các quan chức Cộng sản thôi".

Ông Huỳnh Kim Báu khẳng định việc quan chức "rút kinh nghiệm sâu sắc" chỉ là trò hề để biện minh cho sai lầm của họ thôi :

"Chẳng qua những điều đó là trò hề của họ thôi. Quản trị nhà nước là phải trên cơ sở luật pháp, minh bạch. Đó là một việc lấp liếm, vô trách nhiệm, bất tài nhưng lại tham mê quyền lực.

Nó là cái để họ bám víu, để họ biện minh cho những điều sai lầm của họ. Đó chỉ là cái cớ thôi.

Thực tế ra, theo tôi, họ đang lừa bịp chính họ thôi chứ không lừa bịp được với nhân dân Việt Nam đâu".

Không có cơ sở pháp lý

Theo quy định tại điều 79, Luật cán bộ, công chức, có 6 hình thức kỷ luật công chức bao gồm : khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. Trong đó, việc giáng chức, cách chức chỉ được áp dụng với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Không hề có quy định, chế tài nào dành cho các cán bộ tự "nghiêm khắc kiểm điểm hay rút kinh nghiệm sâu sắc" cả.

Một giảng viên Đại học Luật ở Việt Nam không muốn nêu tên nói rằng theo luật công chức thì không có quy định nào về hình phạt dành cho các cán bộ tự kiểm điểm, tự nhận trách nhiệm cả. Tuy nhiên, nếu sai phạm nhiều lần thì có thể cấp trên xem xét các hình thức kỷ luật nặng :

"Nếu vi phạm nhiều quá thì sẽ có hình thức kỷ luật đảng, cách chức hoặc xử lý hành chính theo luật xử lý vi phạm hành chính. Nếu có dấu hiệu tham nhũng thì sẽ bị xử theo luật hình sự hoặc luật phòng chống tham nhũng".

Năm 2019, Đại biểu Quốc hội, ông Lê Thanh Vân trả lời báo chí rằng do chưa có cơ sở pháp lý quy định thế nào là khiển trách, thế nào là cảnh cáo, buộc thôi việc… Các căn cứ phân biệt không rõ ràng, ranh giới giữa các mức kỷ luật trên còn mơ hồ nên đã nảy sinh những hình thức mới đó là "phê bình nghiêm khác và rút kinh nghiệm sâu sắc".

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 03/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, Cao Nguyên, RFA tiếng Việt
Read 481 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)