Hơn ba thập niên sau Thiên An Môn, Trung Quốc vẫn giữ nguyên chính sách đàn áp
Cách nay 31 năm, ngày 04/06/1989, phong trào đấu tranh đòi dân chủ của giới trẻ Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn đã bị chính quyền Bắc Kinh dìm trong biển máu. Hơn ba thập niên qua, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, nhưng để bảo đảm sự độc quyền lãnh đạo, Đảng cộng sản Trung Quốc không hề thay đổi chiến lược : diệt trừ mọi phản kháng để ngăn ngừa, răn đe mọi cuộc nổi dậy trong tương lai.
Công an nhân dân vũ trang diễn tập tại Thiên An Môn ngày 19/05/2020, trước thời điểm họp Quốc hội Trung Quốc. © Reuters/Thomas Peter
Nhân dịp này, RFI tiếng Việt xin giới thiệu bài : "Từ 1989 đến 2019 : Những biến chuyển của học thuyết duy trì trật tự của Trung Quốc từ sau Thiên An Môn" của nhà nghiên cứu Marc Julienne, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp - IFRI, đăng trên website Le grand continent, ngày 27/06/2019
*
Ngày 20/05/1989 vào lúc 10 giờ sáng, Bắc Kinh tuyên bố thiết quân luật. Những đoàn quân và xe bọc thép của Giải phóng quân Trung Quốc tiến vào trung tâm thành phố, hướng về Thiên An Môn, địa điểm biểu tượng lịch sử của Trung Quốc. Quảng trường này đã bị hàng mấy chục ngàn sinh viên chiếm đóng từ hơn một tháng.
Ban đầu tập hợp lại để vinh danh cố tổng bí thư cải cách Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang, 1980-1987), qua đời vào ngày 15/04, sau đó các sinh viên nhanh chóng biến quảng trường thành không gian tranh luận và yêu sách để xúc tiến dân chủ. Sinh viên đòi hỏi đối thoại với chính phủ, đặc biệt với thủ tướng Lý Bằng (Li Peng) để đưa ra các đề nghị. Tầng lớp cầm quyền coi đây là một cuộc nổi dậy nhằm lật đổ đảng và hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Đến cuối tháng Năm, mưu toan đàn áp đầu tiên bằng quân đội và công an vũ trang thất bại vì người dân Bắc Kinh ngăn chận, và nhiều người lính từ chối đối đầu với sinh viên. Dù vậy, khuya ngày 3 tháng Sáu, những đơn vị quân đội từ nhiều vùng xa trên khắp Trung Quốc được điều đến Thiên An Môn, biến Bắc Kinh thành sân khấu một cuộc nội chiến giữa giới trẻ và công dân thủ đô với quân đội của đảng. Hằng trăm người trẻ ngã gục dưới làn đạn, bánh xích xe tăng, hàng ngàn sinh viên khác bị bắt những ngày sau đó.
Hơn 30 năm sau, bộ máy đàn áp được hiện đại hóa
Hơn 30 năm sau, đã có những thay đổi gì ? Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế và ngoại giao, có lực lượng quân đội được hiện đại hóa siêu tốc, tóm lại, một cường quốc thế giới. Bắc Kinh ngày nay là một đại đô thị bão hòa và ô nhiễm, nhưng siêu hiện đại, và là một trong những trung tâm chính trị quốc tế. Quảng trường Thiên An Môn dày đặc hàng trăm camera an ninh, bao bọc bởi nhiều hàng rào kim loại và dưới tầng hầm là những vị trí quan sát để cho phép vào. Nếu tất cả chừng như yên tĩnh và trong tầm kiểm soát, bóng ma 1989 vẫn luôn đe dọa.
Hơn 30 năm sau, Trung Quốc là một cường quốc hiện đại, với một bộ máy an ninh phản ánh đúng hình ảnh : mạnh mẽ, đồ sộ và công nghệ. Bộ máy này trở thành hoàn hảo, phức tạp và phong phú hơn với những công cụ giám sát mới mà cuộc cách mạng kỹ thuật số thế kỷ 21 đã mang lại : nhận diện khuôn mặt và giọng nói, kho lưu trữ các thông số sinh trắc và ADN, kiểm soát internet và các mạng xã hội. Còn có những công nghệ khác mà Châu Âu cho là vi phạm tự do cá nhân, đã được thử nghiệm tại Hoa lục, như kiểm tra, cho điểm công dân thông qua các ứng dụng kỹ thuật số. Giấc mơ một Trung Quốc mở cửa và dân chủ hóa nhờ kỷ nguyên internet đã sụp đổ. Công nghệ mới giờ đây là ưu thế đáng gờm của các chế độ độc tài đang sở hữu.
Trước hết, ngân sách dành cho an ninh trong mười năm qua có tỉ lệ trung bình tăng hàng năm là 13%, cụ thể năm 2017 là 1.240 tỉ nhân dân tệ (159 tỉ euro). Kể từ 2010, ngân sách chính thức dành cho an ninh luôn cao hơn ngân sách của quân đội. Nhưng đến 2014, chính quyền Trung Quốc ngưng công bố chi tiết ngân sách an ninh, chỉ thông báo ngân sách trung ương, không cụ thể về ngân sách các tỉnh. Tuy vậy ngân sách địa phương chiếm phần đáng kể, nếu chúng ta biết rằng, chẳng hạn từ 2016 đến 2017 Tân Cương đã gia tăng ngân sách an ninh đến 92,8%, đạt 58 tỉ nhân dân tệ (7,4 tỉ euro) (1).
Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa và cải cách lực lượng an ninh, đứng hàng đầu là Công an nhân dân vũ trang. Là lực lượng bán quân sự chuyên giữ ổn định nội bộ, Công an nhân dân vũ trang đã phát triển rất nhanh kể từ khi được thành lập năm 1982. Ban đầu dưới sự kiểm soát dân sự của Bộ Công an, lẫn quân sự của Quân ủy trung ương, từ tháng Giêng 2018 lực lượng này chỉ còn do Quân ủy trung ương chỉ đạo. Công an nhân dân vũ trang được tái cơ cấu theo mô hình quân đội với bốn quân khu, và một ủy ban thanh tra kỷ luật, tăng cường tổ chức theo kiểu quân đội (2).
Hơn nữa, các đơn vị không tác chiến (như lực lượng phụ trách kiểm tra rừng, vàng, thủy điện, chống cháy rừng, biên phòng) là từ quân đội tách ra, đặt dưới quyền nhiều cơ quan dân sự khác nhau. Đến tháng 7/2018, lực lượng tuần duyên Trung Quốc vốn dưới quyền Hội đồng Nhà nước được nhập vào Công an nhân dân vũ trang. Công an nhân dân vũ trang nay là các đội quân giữ an ninh trong nước, gồm các đơn vị đặc biệt như đơn vị can thiệp SWAT (đặc cảnh), các đội đặc nhiệm tinh nhuệ (Báo tuyết) chuyên chống khủng bố, bắt con tin và chống nổi dậy.
Mục tiêu của cải cách là giải phóng Công an nhân dân vũ trang khỏi các nhiệm vụ không tác chiến, để tập trung cho cuộc chiến đấu chủ yếu : giữ ổn định nội bộ, an ninh hàng hải và hỗ trợ cho quân đội trong trường hợp chiến tranh. Cải cách này tuân thủ hướng chỉ đạo đơn giản : "Quân đội là quân đội, công an là công an, nhân dân là nhân dân" (Quân thị quân, cảnh thị cảnh, dân thị dân) (3).
Việc cải cách đã tăng cường sự kiểm soát của đảng lên các lực lượng vũ trang. Hơn nữa, còn tập trung quyền quyết định vào tay tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy trung ương là Tập Cận Bình – người chỉ đạo cả quân đội lẫn Công an nhân dân vũ trang. Các cấp hành chính tỉnh và địa phương không còn được tự ý huy động các đơn vị Công an nhân dân vũ trang, mà phải gởi yêu cầu đến cấp chỉ huy quân sự hữu quan. Ở cấp chỉ huy trung ương của đảng, việc giảm bớt các cấp chỉ huy giữa Quân ủy trung ương và các sĩ quan Công an nhân dân vũ trang nhằm làm giảm đi nguy cơ tham nhũng và lạm quyền của các quan chức cao cấp, như trường hợp Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) vốn ngự trị gần 10 năm (2003-2012) trên toàn thể bộ máy an ninh Trung Quốc.
Cũng như quân đội thuộc về đảng, Công an nhân dân vũ trang nay là công an của đảng. Câu khẩu hiệu mao-ít "đảng kiểm soát súng ống" ngày nay đúng hơn bao giờ hết. Cải cách Công an nhân dân vũ trang nằm trong một cuộc cải cách rộng lớn hơn về các định chế và bộ máy an ninh, nhằm "bảo đảm sự lãnh đạo của đảng kiên cường và mạnh mẽ hơn" (4).
Một lô-gic an ninh không hề thay đổi từ sau Thiên An Môn
Đảng ngày nay sở hữu toàn bộ các công cụ để bảo vệ mình. Một quân đội mà ưu tiên không nhằm can thiệp trong nước, một lực lượng công an vũ trang bảo đảm duy trì ổn định nội bộ với các phương tiện bán quân sự, cùng với công an nhân dân và lực lượng trật tự viên dưới sự chỉ huy của Bộ Công an, giúp kiểm soát toàn bộ không gian đô thị cũng như nông thôn. Đảng còn có thể trông cậy vào mạng lưới tình báo do Bộ An ninh phụ trách.
Cuối cùng, Ủy ban Chính trị và Pháp luật của đảng (Trung ương Chính Pháp) đóng vai trò then chốt trong việc phối hợp các lực lượng an ninh, gồm những lực lượng nêu trên và các tòa án, viện kiểm sát nhân dân. Ủy ban này do Quách Thanh Côn (Guo Shengkun), ủy viên Bộ Chính trị làm chủ tịch, hiện diện ở tất cả các cấp hành chính trên toàn quốc.
Với bộ máy trấn áp như vậy, trên lý thuyết Trung Quốc sẵn sàng vận dụng chủ thuyết duy trì trật tự không làm đổ máu và có thể thích ứng với mọi mức độ rủi ro. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng Bắc Kinh muốn áp dụng chủ thuyết này, từ sau 1989.
Hơn 30 năm sau Thiên An Môn, chủ trương không hề thay đổi trên chóp bu của đảng. Chiến lược vẫn là đập tan mọi kháng cự, để răn đe những vụ nổi dậy trong tương lai. Phương pháp cũng chẳng đổi thay, đó là đe dọa. Các tuyên bố chính thức chỉ ra kẻ thù, trước đây là những kẻ phản cách mạng, đế quốc hay xét lại, và nay là khủng bố, cực đoan, ly khai hay nói chung là những ai làm mất ổn định xã hội.
Tháng Tư năm 1999, sát cạnh Thiên An Môn, khoảng 20.000 học viên Pháp Luân Công (Falungong) tập hợp hòa bình và im lặng, không băng-rôn khẩu hiệu, xung quanh Trung Nam Hải (Zhongnanhai), đầu não của chính quyền Trung Quốc. Họ khẳng định là một phong trào phi chính trị và đòi hỏi được tự do tập khí công.
Tầng lớp lãnh đạo coi đây là nguy cơ cho đảng, và là mối đe dọa cho ổn định xã hội. Tháng Bảy cùng năm, sau ba tháng chuẩn bị kỹ lưỡng, đảng bỗng ra lệnh cấm Pháp Luân Công hoạt động, đồng thời tung ra đợt bắt bớ quy mô trên cả nước. Hàng ngàn học viên bị bắt giữ, trong đó nhiều người đã mất tích.
Ngày nay tại Tân Cương, miền cực tây Trung Quốc, có trên 1 triệu người Hồi giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, bị giam giữ trong các trại cải tạo. Mục tiêu của các "trại cải huấn" này, theo ngôn từ chính thức, là nhằm "khử cực đoan hóa". Hàng triệu người khác bên ngoài các trại cải tạo phải chịu đựng sự giám sát hàng ngày ở khắp nơi.
Làn sóng đàn áp với quy mô chưa từng thấy này diễn ra sau một loạt vụ tấn công trong khoảng 2013-2014, nhiều người Duy Ngô Nhĩ chạy trốn sang các nước Đông Nam Á, một số sang Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí sang tận Syria. Chỉ vì vài chục hoặc vài trăm người, hoặc có liên can trực tiếp hay gián tiếp vào các vụ tấn công, hoặc chỉ là cảm tình viên của các mưu tính đòi độc lập, mà 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và Kyrgyzstan bị đàn áp và bắt bớ trái phép.
Nỗi sợ hãi cấp nhà nước và chiến lược đàn áp
Từ các sinh viên Thiên An Môn cho đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, chủ trương đàn áp của Trung Quốc vẫn là đại quy mô, bất tương xứng với các hành động phản kháng không hề là mối đe dọa sống còn cho đảng. Có hai lý do để giải thích.
Trước hết, là mối lo ngại chủ quan nhưng thực sự trong nội bộ đảng, rằng một phong trào xã hội bộc phát có thể đe dọa cho sự tồn vong của Đảng cộng sản Trung Quốc. Cảm giác bất an gần như là nỗi ám ảnh, bắt nguồn từ sự sợ hãi đảng bị sụp đổ. Chế độ cộng sản Ba Lan rơi rụng vì Công đoàn Đoàn kết, một tháng trước cuộc khủng hoảng Thiên An Môn ; bức tường Berlin sụp đổ, rồi đến Liên Xô tan rã ; đã nuôi dưỡng nỗi sợ này. Cuộc cách mạng màu cam ở Ukraine và Mùa Xuân Ả Rập càng tăng cường thêm sự quan ngại của Đảng cộng sản Trung Quốc trước những phản kháng xã hội.
Lý do thứ hai mang tính khách quan và chiến lược. Việc đàn áp quy mô nhằm răn đe mọi ý định nổi dậy tương lai vừa nhen nhúm, hơn là hạn chế một mối đe dọa nào đó. Lời đáp thô bạo của đảng trước mọi sự phản kháng nhắc nhở rằng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là một chế độ toàn trị kiểu Lênin, trong đó mọi sáng kiến chính trị chỉ có thể xuất phát từ đảng, chứ hoàn toàn không thể từ xã hội công dân.
Những nhà đấu tranh cộng sản trẻ tuổi từ các trường đại học danh giá nhất của Trung Quốc đã nhận ra điều này, khi phải trả giá vào mùa hè năm 2018. Tự nhận là mác-xít và mao-ít, thậm chí ủng hộ chính sách của tổng bí thư Tập Cận Bình, có đến 50 sinh viên trong số này đã bị bắt khi họ cố gắng bênh vực quyền lợi của công nhân nhà máy Jasic Technology ở Huệ Châu (Huizhou) thuộc tỉnh Quảng Đông (5). Khoảng mấy chục sinh viên khác cũng đã bị bắt những tuần lễ sau đó (6).
Hơn 30 năm sau Thiên An Môn, bất chấp việc hiện đại hóa bộ máy an ninh, Trung Quốc vẫn giữ nguyên chiến lược đàn áp hàng loạt. Nhà nghiên cứu Marc Julienne tỏ ra bi quan : Sự tàn úa của các ý tưởng Thiên An Môn và các cuộc tranh luận dân chủ trong xã hội Trung Quốc đương đại khiến người ta nghĩ rằng việc răn đe đã có tác động.
Marc Julienne
Nguyên tác : "De 1989 à 2019 : les évolutions de la doctrine chinoise de maintien de l’ordre depuis Tiananmen", Le grand continent, 27/06/2019
Thụy My dịch
Nguồn : RFI, 04/06/2020
Tham khảo :
(1) ZENZ Adrian, "China’s Domestic Security Spending : An Analysis of Available Data", China Brief, Vol.18, Issue 4, 12/03/2018.
(2) WUTHNOW Joel, "China’s Other Army : The People’s Armed Police in an Era of Reform", China Strategic Perspectives, n°14, tháng Tư/2019.
(3) "Le Comité central du Parti communiste chinois publie le ‘Plan de réforme pour l’approfondissement des institutions du Parti et de l’État’" (中共中央印发《深化党和国家机构改革方案》), Xinhua, 21/03/2018.
(4) Như trên.
(6) https://www.nytimes.com/2018/09/28/world/asia/china-maoists-xi-protests.html