Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/06/2020

Đằng sau chiến lược chiếm Biển Đông của Trung Quốc

Denny Roy

Bắc Kinh đang từng bước tiến đến mục tiêu buộc cộng quốc tế chấp thuận các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với Biển Đông. Cứ mỗi thập kỷ trôi qua, Bắc Kinh lại đạt được một bước tiến mới trong nghị trình của mình.

national1

Các hành động của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh tin rằng nước này có quyền đưa ra các quy định ở Biển Đông, sở hữu các nguồn tài nguyên ở biển và ngăn chặn máy bay và tàu chiến nước ngoài.

Trong những năm 1970, Trung Quốc tập trung phần lớn nỗ lực vào việc đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nằm ở phía Bắc Biển Đông và gần với Trung Quốc. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng Đá Gạc Ma của Việt Nam vào năm 1988 là động thái gây bất ngờ. Trong khi đó, điểm nổi bật của những năm 1990 là chiến lược "xâm chiếm từ từ", mà kết quả đáng chú ý là các cấu trúc được xây dựng tạm thời trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở phía Nam Biển Đông. Năm 1999, Bắc Kinh bắt đầu tìm cách áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đối với các nước khác ở vùng biển này trong các tháng mùa Hè, thể hiện quyền kiểm soát hành chính của Trung Quốc đối với khu vực này.

Xu hướng này lên đến đỉnh điểm trong kỷ nguyên Tập Cận Bình, khi Trung Quốc có những hành vi ứng xử trơ trẽn theo kiểu nước lớn. Việc Trung Quốc quấy rối các tàu nước ngoài đang đánh bắt cá hay khai thác tài nguyên, và thậm chí còn lao thẳng vào những tàu này, đã trở nên phổ biến ở khu vực phía Nam "đường 9 đoạn" do chính Trung Quốc vạch ra. Tất nhiên, Tập Cận Bình đã giám sát việc xây dựng ba căn cứ khá lớn trên các bãi đá nhân tạo, tạo điều kiện cho sự hiện diện lâu dài của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở khu vực phía Nam Biển Đông. Các động thái phản đối của cộng đồng quốc tế - bao gồm khiếu nại của các nước Đông Nam Á, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đối với Trung Quốc và một loạt hoạt động tự do hàng hải của Mỹ - cũng không thể ngăn chặn các hành động nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Việc đạt được mục tiêu ở Biển Đông sẽ mang lại cho Bắc Kinh những lợi ích to lớn về kinh tế, chính trị và chiến lược. Họ sẽ có quyền ưu tiên đối với các nguồn tài nguyên trên biển như cá và các nguồn tài nguyên dưới đáy biển như dầu lửa, khí đốt và khoáng sản. Đảng cộng sản Trung Quốc có thể củng cố tính hợp pháp của mình bằng cách rêu rao với công chúng trong nước rằng Trung Quốc đã đánh bại các nỗ lực nước ngoài nhằm xâm chiếm lãnh thổ "của họ". Và Trung Quốc sẽ cải thiện đáng kể vị thế chiến lược của mình trong khu vực.

Yêu sách của Trung Quốc mơ hồ một cách có chủ ý. Bắc Kinh từ chối lập quan điểm của mình theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), trong đó Trung Quốc là một bên ký kết. Thay vào đó, họ vạch ra "đường 9 đoạn" và thường xuyên lặp lại tuyên bố về cái mà họ cho là chủ quyền không thể tranh cãi đối với tất cả các hòn đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Xét tới những hành vi ứng xử thực tế của các quan chức Chính phủ Trung Quốc và các đội tàu đánh cá được huy động tham gia lực lượng quân sự của nước này ở Biển Đông, có thể thấy Bắc Kinh dường như đang cân nhắc coi phần lớn vùng biển này là lãnh hải của họ. Theo UNCLOS, các tàu chiến nước ngoài được phép đi qua mà không gây hại tới các vùng lãnh hải của các nước, nhưng Trung Quốc thường xuyên lên án việc các tàu chiến Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh tin rằng nước này có quyền đưa ra các quy định ở Biển Đông, sở hữu các nguồn tài nguyên ở biển và ngăn chặn máy bay và tàu chiến nước ngoài.

Thành công của Trung Quốc bắt nguồn chủ yếu từ ba đặc điểm trong chính sách Biển Đông của nước này. Thứ nhất là ảnh hưởng đòn bẩy. Để đạt được các mục tiêu chính trị, Bắc Kinh đã lợi dụng ưu thế là một nước lớn mạnh hơn so với các đối thủ. Trung Quốc đã khai thác sức mạnh công nghiệp, đặc biệt là năng lực đóng tàu, để triển khai đến Biển Đông một lực lượng gồm các tàu chiến, tàu hải cảnh và máy bay quân sự đông đảo hơn bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền ở đây. Hơn nữa, Bắc Kinh thường xuyên kêu gọi các đội tàu đánh cá dân sự của mình, vốn hùng hậu nhất ở Biển Đông, thực hiện sứ mệnh hỗ trợ các mục tiêu chiến lược quốc gia. Quan điểm của Bắc Kinh về các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp trên Biển Đông dựa trên nguyên tắc song phương, giữa Trung Quốc với một nước khác có yêu sách, và sức mạnh vượt trội của Trung Quốc. Trung Quốc lớn mạnh hơn nhiều so với bất kỳ đối thủ nào có yêu sách và điều này tạo lợi thế cho họ trong các cuộc đàm phán. Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ bất kỳ gợi ý nào về các cuộc đàm phán đa phương, vốn cho phép ít nhất hai nước có yêu sách phối hợp với nhau để đối trọng với Trung Quốc. Sự phụ thuộc của các nước trong khu vực vào thương mại và đầu tư của Trung Quốc đã đặt Bắc Kinh vào vị thế có thể yêu cầu các bên làm theo ý mình. Ảnh hưởng của Trung Quốc thể hiện rõ trong việc Campuchia ngăn chặn những chỉ trích về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đã gây sức ép kinh tế đối với Philippines trước khi Tổng thống Duterte thể hiện ý định sẵn sàng đánh đổi cơ hội bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của nước mình để nhận thêm viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh. Mặc dù là nước mạnh nhất trong số các quốc gia bị coi là đối thủ của Trung Quốc vì cũng có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng Việt Nam lại phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và do đó rơi vào những xung đột về lợi ích.

Đặc điểm thứ hai đóng góp vào thành công của Trung Quốc là những cam kết giả tạo. Mặc dù tham gia các hoạt động mang tính côn đồ ở Biển Đông, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn luôn cam kết tuân thủ nguyên tắc hòa bình, hài hòa và đạo đức. Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và không xâm lược hay bắt nạt các nước khác, ngay cả khi là một siêu cường. Để chứng minh điều này, Bắc Kinh đã thể hiện sự ủng hộ đối với việc giảm bớt căng thẳng, ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và tham gia các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Những hành động này nhằm che đậy ý định thực sự của Trung Quốc và dẫn tới quan điểm lạc quan thiếu căn cứ rằng các ví dụ về hành vi ứng xử hung hăng của Trung Quốc là những hiện tượng bất thường, bị giới hạn trong một số trường hợp cụ thể hay do một bên nào đó thực hiện mà chưa được phép của Bắc Kinh. Sự nhìn nhận vấn đề theo hướng này sẽ làm gia tăng bất đồng giữa các nước trong khu vực về cách thức đối phó với Trung Quốc, tạo cơ hội cho Bắc Kinh gây chia rẽ và chinh phục các nước.

Tuy nhiên, cách giải thích thuyết phục hơn gồm hai ý. Một là, Bắc Kinh có lợi ích rõ ràng trong việc che giấu các hành động của mình dưới vỏ bọc nhân từ nhằm hạn chế sự hợp tác an ninh giữa các nước đang cảm thấy bị đe dọa và muốn chống lại Trung Quốc. Hai là, do tư tưởng văn hóa-chính trị truyền thống và quyết tâm cai trị, Trung Quốc cảm thấy sức ép buộc họ phải duy trì vai trò lãnh đạo hợp pháp của mình ở trong nước. Điều này dẫn tới việc Chính phủ Trung Quốc khăng khăng cho rằng thế giới không có gì phải lo ngại về chính sách đối ngoại của họ, ngay cả khi sự bất an của Đảng cộng sản Trung Quốc ở trong nước đã thúc đẩy Bắc Kinh thể hiện các quan điểm dân tộc chủ nghĩa khiến căng thẳng với các nước khác gia tăng.

Do vậy, những sự bảo đảm mà Bắc Kinh đưa ra xét cho cùng đều không có cơ sở. DOC bao gồm các cam kết không đưa người đến sinh sống trên các cấu trúc địa hình hiện không có người ở và không tham gia các hoạt động gây căng thẳng hay làm leo thang xung đột, những điều mà Trung Quốc rõ ràng đã phớt lờ khi đổ cát lên các rạn san hô để xây dựng các căn cứ quân sự ở một khu vực rộng tới hơn 1.200 ha. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về COC đã kéo dài 24 năm và Bắc Kinh vẫn phản đối những từ ngữ mà có thể vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy một điều khoản hạn chế các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Các tàu thuyền của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn được nhiều nước chấp nhận về các hành vi chuyên nghiệp và an toàn theo quy định của Công ước quốc tế năm 1972 về việc ngăn chặn các vụ va chạm trên biển và Bộ quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) năm 2014. Ví dụ điển hình là việc các quan chức Trung Quốc bác bỏ mọi hành vi sai trái của nước này ở Biển Đông, ngay cả khi đối mặt với những thực tế phản ánh điều ngược lại như việc tàu Trung Quốc cắt đứt dây cáp của các tàu nước khác năm 2011.

Đặc điểm thứ ba là điều chỉnhcác hành vi hung hăng. Trung Quốc kiên trì thúc đẩy các lợi ích của nước này ở Biển Đông, gây phương hại đến lợi ích của các nước khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã thận trọng lựa chọn địa điểm, thời điểm và phương thức gây áp lực để hạn chế tối đa các phản ứng trái ngược. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhận định chính xác rằng Mỹ sẽ không gây chiến với Trung Quốc để ngăn chặn việc nước này xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo đá chiếm đóng. Việt Nam là nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bị thiệt hại nhiều nhất do các cuộc tấn công bạo lực của Trung Quốc. Việt Nam không có thỏa thuận hợp tác an ninh với Mỹ. Bắc Kinh đã lựa chọn tháng 4/2020, thời điểm đỉnh dịch, để đưa ra tuyên bố về cái mà các phương tiện truyền thông của nước này gọi là "động thái hành chính quan trọng" - thành lập hai quận mới ở Biển Đông, trong đó có một quận quản lý cả khu vực đảo Trung Sa, vốn trên thực tế là một đảo san hô chìm cách mặt biển từ 9-18 m.

Chính phủ Trung Quốc tổ chức lực lượng thành ba cấp độ để thực thi chính sách trên biển : tàu Hải quân PLA, tàu hải cảnh và các tàu đánh cá dân sự. Nhìn chung, Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng lực lượng ở cấp độ thấp nhất để hoàn thành nhiệm vụ nhằm giảm dần ấn tượng của các nước về họ như một nước chuyên bắt nạt. Ví dụ, trong những tháng gần đây, một loạt tàu đánh cá của Trung Quốc, tắt hết các hệ thống tiếp sóng vô tuyến và không tham gia đánh bắt cá, đã bao vây đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng trong một nỗ lực rõ ràng nhằm đe dọa Manila và buộc họ phải rút lui.

Chiến thuật đâm đụng phổ biến hiện nay của Trung Quốc ít có tính khiêu khích hơn so với việc nổ súng và thường tỏ ra hiệu quả trong việc giành chiến thắng trên biển. Thậm chí, các tàu Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa đụng độ để xua đuổi các tàu chiến của Hải quân Mỹ. Việc Trung Quốc sử dụng tia laser để quấy nhiễu máy bay của các nước khác là một biểu hiện mới của hành vi ứng xử của Bắc Kinh. Các tia laser gây nguy hiểm cho các máy bay chứ không trực tiếp gây chết người. Chính sách hiện nay của Trung Quốc là tiến hành và bác bỏ. Sau khi Hải quân Mỹ cáo buộc một tàu khu trục của Trung Quốc đã chiếu tia laser vào máy bay P-8 của Mỹ hồi tháng 2/2020 khi máy bay này đang bay qua không phận quốc tế trên biển Philippines, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ và cho rằng đó là một cáo buộc vô căn cứ. Vài ngày sau đó, tờ "Thời báo Hoàn cầu" trực thuộc Đảng cộng sản Trung Quốc đã đăng tải một bài viết, trong đó các chuyên gia quân sự Trung Quốc ủng hộ việc sử dụng tia laser để xua đuổi tàu chiến Mỹ khỏi khu vực Biển Đông.

Những đặc điểm này cũng được thể hiện rõ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cụ thể là việc cam kết ủng hộ hòa bình và công lý, lên tiếng bác bỏ các hành vi ứng xử mang tính côn đồ hay các chính sách làm tổn hại các nước khác, ủng hộ chiến thuật bầy đàn và tấn công bằng tia laser ở biển Hoa Đông, gây sức ép kinh tế và đe dọa trừng phạt các nước khác vì đã thách thức lập trường của Trung Quốc về các vấn đề như Đài Loan, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản và đặc quyền của Trung Quốc như một nước lớn, hay bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi Mạnh Vãn Châu.

Việc thay đổi quỹ đạo trên Biển Đông đòi hỏi các nước trong khu vực sẽ phải nỗ lực hơn nữa để xác định liệu nguy cơ dài hạn của việc Trung Quốc sở hữu tuyến đường biển quan trọng này có vượt xa những rủi ro về kinh tế lẫn quân sự hay không và có lập trường mạnh mẽ hơn trong việc chống lại sự xâm chiếm của Trung Quốc. Nếu được lựa chọn, Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng mang tính xây dựng bằng cách : một là đi đầu trong việc phản đối các hành động của Trung Quốc, vốn đi ngược lại UNCLOS và phán quyết của PCA năm 2016 ; và hai là nỗ lực xây dựng một giải pháp toàn diện đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông mà ít nhất sẽ thách thức và cô lập Trung Quốc, thay vì cho phép nước này chiếm ưu thế bằng cách lợi dụng sự lơ đễnh của cộng đồng quốc tế. Nếu không lựa chọn Mỹ, khu vực này hẳn là đang đánh cược rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng quyền kiểm soát đối với Biển Đông để thúc đẩy các lợi ích của mình và trừng phạt các đối thủ.

Denny Roy

Nguyên tác : How China Is Slow Conquering the South China Sea, The National Interest, 07/05/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 05/06/2020

Denny Roy, nghiên cứu viên cao cấp, giám sát viên tại Chương trình học bổng Posco, Chương trình Nghiên cứu tại Trung tâm Đông-Tây. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Denny Roy
Read 704 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)