Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/06/2020

Khi báo chí là kẻ thù của nhân dân...

Ruth Ben-Ghiat

"Ông là người tối cần thiết cho ai ?". Ngày 2/6/2020 vừa qua, một viên cảnh sát ở New York đã hét lên như thế vào mặt ông Robert Bumsted, một chuyên viên thâu hình có mang thẻ hành nghề của hãng thông tấn AP và nhiếp ảnh viên Maye-E Wong cũng thuộc hãng AP. Cả hai đều đang tìm cách tường thuật về một cuộc biểu tình. Được yêu cầu phải rời bỏ hiện trường, hai nhà báo này đã nhấn mạnh rằng ký giả được xem là "những nhân viên tối cần thiết" cho nên không thể bị cưỡng bách phải rời bỏ hiện trường.

baochi01

Ngày 2/6/2020, Robert Bumsted, một chuyên viên thâu hình có mang thẻ hành nghề của hãng thông tấn AP và nhiếp ảnh viên Maye-E Wong cũng thuộc hãng AP, được cảnh sát New York yêu cầu rời bỏ hiện trường.

Một phần của cuộc đối đầu trên đây đã được ghi lại và Phân bộ Cảnh sát ở New York cho biết sẽ xem xét sự việc "càng sớm càng tốt". Bà Lauren Easton, phát ngôn viên của hãng thông tấn AP đã trả lời cho câu hỏi của viên cảnh sát trên đây như sau : "Vai trò của các ký giả là nhân danh công chúng để tường thuật tin tức".

Hiện nay tại Hoa Kỳ, vai trò đó có thể khiến bạn bị đe dọa. Hai tuần lễ vừa qua đã được đánh dấu không chỉ bằng làn sóng biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và kỳ thị chủng tộc trong xã hội Mỹ tiếp theo việc ông Geoge Floyd bị sát hại một cách khủng khiếp, mà còn bởi một sự thù nghịch chưa từng có đối với báo chí.

Tổ chức US Press Freedom Tracker (được điều hành bởi Sáng hội Tự do báo chí, với sự cố vấn của Ủy ban Bảo vcác ký giả, Viện Knight First Amendment Institute của trường Đại học Colombia, Tổ chức Ký giả không biên giới và nhiều tổ chức khác) đã ghi nhận trên 380 vụ kể từ ngày 26/5/2020 vừa qua ; ít nhất có 56 vụ bắt giữ, 78 vụ tấn công thể lý (trong số này 50 vụ do cảnh sát chủ động), 49 vụ xịt hơi cay và 89 ký giả bị thương vì đạn cao su. Những người biểu tình cũng tấn công các ký giả : một phóng viên của đài Fox News đã bị tấn công và đuổi khỏi một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc, nhưng cảnh sát vẫn là tác nhân chính của những vụ tấn công.

Đối với một số ký giả, phản ứng này là một lời cảnh cáo. Nhiếp ảnh viên Carolyn Cole của báo Los Angeles Times là người từng công tác tại những vùng có xung đột trên thế giới, nhưng giác mô của cô lại bị hư hại tại Minneapolis khi cảnh sát xịt hơi cay vào mắt trái của cô trong lúc cô đang làm phóng sự về một cuộc biểu tình tại đây. (Sau vụ này, cảnh sát trưởng Minneapolis, bà Medaria Arrandondo đã xin lỗi các ký giả). Lên tiếng thay cho nhiều người, nhiếp ảnh viên Cole nói : "Tôi đã không ngờ họ trực tiếp tấn công chúng tôi".

Chẳng có gì phải ngạc nhiên cả : xếp các ký giả vào một "nhóm" trong số những kẻ thù công cộng là một hiện tượng điển hình của các xã hội độc tài hơn là các nền dân chủ. Là một hệ thống chính trị, các chế độ độc tài nhắm tiêu diệt các chuẩn mục dân chủ là sự minh bạch và trách nhiệm cũng như dẹp bỏ hay lèo lái nguồn thông tin nào không ủng hộ cái nhìn về thực tế chỉ phục vụ riêng cho cá nhân nhà lãnh đạo. Tự báo chí luôn luôn là nạn nhân hàng đầu.

Báo chí độc lập không phải là một khái niệm mà các chế độ độc tài nhìn nhận. Như tại Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chẳng hạn, hoặc là bạn đứng về phía nhà lãnh đạo để ca ngợi ông, hoặc là bạn bị xem như một kẻ thù chính trị bị tố cáo tổ chức những "cuộc săn lùng phù thủy" nhắm vào ông. Hàng trăm ký giả Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt giữ trong cuộc đàn áp tiếp theo vụ đảo chính dạo tháng 7/2016 chống lại Tổng thống Erdogan. Theo Trung tâm Stockholm Center for Freedom, tính đến ngày 8/5/2020, hiện vẫn còn 88 ký giả đang bị giam tù, 77 người khác đang chờ đợi bị xét xử và 167 người khác đang phải trốn tránh hoặc lưu vong : họ bị buộc phải trốn khỏi quê hương như những tội phạm dưới mắt ông Erdogan.

Tổng thống Trump đã công khai ca ngợi ông Erdogan và các nhà chuyên chế khác. Và chúng ta biết rằng ông luôn có ý định giam tù những ký giả nào mà ông cho là chỉ trích ông. Năm 2017, tân tổng thống Mỹ đã từng hỏi giám đốc của Cơ quan Tình báo Liên bang FBI lúc bấy giờ là ông James Comey rằng liệu điều đó (tức bỏ tù ký giả) có thể làm được không. Cai trị trong một nền dân chủ còn đang hoạt động, Tổng thống Trump không kiểm soát được báo chí quốc gia như các đồng nhiệm độc tài của ông. Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua ông đã khích động dân chúng thù ghét các ký giả. Ông biến sự thù hận này thành nét nổi bật của nhiệm kỳ tổng thống của ông. Chúng ta thường nghe nói rằng Trump là một người bất tài và lười biếng, nhưng ông đã không hề như thế trong vấn đề này. Ông đã kiên trì và nhất quán trong việc biến các ký giả theo cái nhìn của ông.

baochi1

Trong nhiều năm qua Tổng thống Donald Trump đã khích động dân chúng thù ghét các ký giả. Ông biến sự thù hận này thành nét nổi bật của nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Dĩ nhiên, sự thù nghịch đối với truyền thông không phải là một điều mới mẻ. Truyền thông hữu khuynh đã từng tố cáo các cơ quan truyền thông dòng chính, ngoại trừ Fox News, là thiên vị và đáng bị nguyền rủa. Tuy nhiên, phần lớn người Mỹ đã không bày tỏ sự hung hãn mà nhiều người đang có đối với những nhóm khác bị ông Trump chĩa mũi dùi vào như người Hồi giáo, di dân và dân da màu. Tổng thống Trump đã gia tăng tấn công để biến các ký giả thành đối tượng của thù ghét. Triệt hạ báo chí là một phần chính trong các cuộc vận động của ông khi bắt đầu ra tranh cử. Miệt thị và chế nhạo các phóng viên có tên tuổi đã trở thành cung cách bình thường của ông đối với những người ủng hộ ông trước và sau cuộc bầu cử. Không khó mấy để nhận ra những người đã mang những chiếc áo thun kêu gọi đấu tố báo chí. Không mấy chốc xem truyền thông như đáng bị trừng phạt đã trở thành một phần trong cái nhìn về thế giới của những người ủng hộ ông Trump.

Khi các cuộc biểu tình bắt đầu và những cuộc tấn công nhắm vào báo chí cũng bắt đầu, Tổng thống Trump gia tăng cường độ cuộc chiến bôi nhọ báo chí. Trong một "tuýt" bắn ra hôm 31/5 vừa qua, ông đổ lỗi cho các ký giả vì sự bất ổn xã hội, đồng hóa họ với những người tranh đấu trong phong trào chống phát xít Antifa mà ông chụp lên cái mũ khủng bố. Tổng thống Trump viết : "Truyền thông què quặt đang làm bất cứ điều gì trong khả năng của họ để gieo rắc hận thù và tình trạng hỗn loạn". Ông gọi các ký giả "là những người thật sự xấu xa với một chương trình hành động bệnh hoạn". Những lời như thế thật khó mà khuyến khích hạ giảm bạo động đối với truyền thông.

baochi03

Một người ủng hộ Trump kỷ niệm kết thúc cuộc thăm dò Mueller vào tháng Ba. Ảnh: Michael Nigro / Pacific Press qua Zuma Wire / Rex / Shutterstock (The Guardian, thang 3/2019)

Liệu điều này có liên hệ đến việc các cảnh sát viên hành hung các ký giả trên đường phố không ? Một bản tường trình của Cơ quan Điều tra Liên bang hồi năm 2015 đã cho thấy cảnh sát trên toàn quốc đã có mặt trong bầu khí cực đoan ấy. Bản tường trình đã thu thập tài liệu về những "mối liên hệ tích cực" giữa các nhân viên thi hành công lực trước kia và hiện nay với những thành phần da trắng thượng đẳng và các lực lượng chống dân chủ khác vốn xem bạo động như một phương tiện để thay đổi chính trị và đối phó với những người bị xem là kẻ thù.

Chúng ta biết rằng Tổng thống Trump đã khích động chủ nghĩa cựu đoan và cực hữu đủ loại ngay từ năm 2015, khi ông "tuýt" lại phim ảnh của những người Tân Đức Quốc Xã, ủng hộ các nhóm dân quân có vũ trang tấn công vào các thủ phủ tiểu bang và thuê những thành phần cực đoan như cố vấn đặc trách di dân Stephen Miller để quảng bá việc ông ủng hộ những ai chạy theo các ý thức hệ kỳ thị chủng tộc và thượng tôn da trắng.

Chúng ta không thể nào xem thường sức mạnh mà Tổng thống Hoa Kỳ cảm nhận được từ việc cảm thấy mình là người chính danh. Trong trường hợp này, sức mạnh ấy châm ngòi cho việc sử dụng bạo lực nhắm vào các ký giả là những người bị chối bỏ quyền được làm công việc của mình mà không sợ bị hành hung.

Điều chúng ta đang chứng kiến trên các đường phố hiện nay, với quá nhiều ký giả bị tấn công và ngay cả bị bắt giữ để biến họ thành những tội phạm dưới mắt công chúng như Tổng thống Trump muốn, là hậu quả của 5 năm thiếu bảo vệ trước một chiến dịch tuyên truyền rất có hiệu quả. Đây là một cố gắng có hệ thống nhằm biến cả một nhóm người Mỹ thành "kẻ thù của nhân dân". Đây là một thuật ngữ cắm rễ sâu trong lịch sử của các chế độ độc tài mà chính phủ Trump đã sử dụng để thủ lợi.

Những người Mỹ nào ngày nay đang ủng hộ việc hành hung các ký giả và các chiến dịch chống báo chí của Tổng thống Trump nên suy nghĩ về điều này : các nhà độc tài có thể bắt đầu bằng việc bêu xấu một nhóm, như di dân hay người Mỹ gốc Phi Châu, nhưng trước sau gì hành động bêu xấu ấy cũng không tha những nhóm khác. Những ai hôm nay vui mừng khi thấy các ký giả bị còng tay kéo đi không hề biết rằng rồi đến ngày họ cũng sẽ bị như thế.

Ruth Ben-Ghiat

Nguyên tác : How Journalists Become Objects of Hate, CNN, 11/06/2020

Chu Văn chuyển ngữ (13/06/2020)

Bà Ruth Ben-Ghiat là một cộng tác viên thường xuyên của Đài CNN. Là giáo sư về lịch sử và nghiên cứu về Ý học tại Đại học New York. Bà chuyên viết về các chế độ độc tài và tuyên truyền.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ruth Ben-Ghiat, Chu Văn
Read 814 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)