Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/06/2020

Báo giấy giãy chết, Hà Nội bối rối trước báo chí điện tử

Diễm Thi - RFA tiếng Việt

Thu phí người đọc báo điện tử : báo đảng có còn đất sống ?

Diễm Thi, RFA, 12/06/2020

Khó khăn của báo chí

Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" diễn ra hôm 11 tháng 6 do báo Nhà báo và Công luận tổ chức.

bao1

Một cảnh sát Việt Nam sử dụng điện thoại di động tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 2 năm 2019. AFP

Tại diễn đàn, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí kiến nghị việc thu phí từ các nhà mạng và thu phí người đọc báo trên mạng để đa dạng hóa nguồn thu. Lý do được đưa ra là nhiều nơi không có tiền để trả nhuận bút cho phóng viên, từ đó nảy sinh các vấn đề tiêu cực làm suy giảm uy tín của báo chí với xã hội.

Hiện ở Việt Nam không có báo chí tư nhân. Tất cả các tòa báo đều chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí ; Bộ Thông tin và truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí ; các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về báo chí ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.

Bên cạnh đó còn có Hội Nhà báo Việt Nam. Hội này có một số nhiệm vụ, quyền hạn như ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí…

Liên quan tới kiến nghị thu tiền nhà mạng và thu tiền đối với người đọc báo online, ông Trần Hồng Quân, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị Hội Nhà báo Việt Nam nói với RFA tối 12 tháng 6 :

"Tôi không thể trả lời được thông tin đấy vì tôi là phòng hành chính, tôi chưa đọc cái đấy. Mà việc đó cũng không phải là chuyên môn của hội. Hội Nhà báo không có chính sách đó mà do Cục phát thanh truyền hình, Cục báo chí quản lý. Cơ quan chủ quản của nó là Bộ Thông tin Truyền thông. Bên đấy quyết định việc thu tiền hay không. Họ là cơ quan nhà nước.

Nói chung là bây giờ tôi đang bận nên để lúc khác trả lời. Văn phòng hội chỉ phụ trách về hành chính nên không quan tâm lắm về việc đó".

Ngoài một số cơ quan báo chí như Thông Tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam hay Đài truyền hình... thì được bao cấp toàn diện, còn lại đều phải tự cân đối tài chính để hoạt động. Điều nan giải là phải tự chủ về tài chánh nhưng các tòa báo này không được tự chủ về bài vở. Họ có thể bị phạt bất cứ lúc nào như trường hợp báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua.

Thu sao cho hợp lý ?

Nhà báo Minh Hải, báo Quảng Nam cho hay, nhiều tòa soạn đang gặp khó khăn trong việc trả nhuận bút cho phóng viên vì nguồn thu từ quảng cáo giảm sút trong mùa dịch vừa qua. Nhà báo này không đồng ý việc thu tiền người đọc báo mạng mà chỉ đồng ý với việc thu tiền từ nhà mạng. Ông phân tích :

"Lấy căn cứ đâu mà thu phí ? Chuyện đó là chuyện vô lý. Ví dụ anh thấy thông tin này hay anh share cho nhiều người đọc, không lẽ anh phải trả phí ? Cái thứ hai nữa là ai sẽ quản lý việc thu đó và tiền đó sẽ về đâu ? Cái thứ ba, làm như thế không khác chi là bóp chết báo chí Việt Nam. Bởi khi bạn đọc phải trả phí thì họ sẽ không muốn đọc nữa.

Không ai đọc thì mục đích tuyên truyền của nhà nước sẽ không đạt được. Tôi nghĩ chuyện thu phí bạn đọc sẽ không thành. Còn thông tin trên báo điện tử càng nhiều người đọc, càng nhiều share thì nhà mạng trả tiền cho tòa báo là điều hợp lý. Thực sự khi mình đọc báo online là đã trả phí rồi. Trả phí mạng".

bao2

Người dân truy cập internet qua điện thoại di động. AFP

Nhà báo này nói thêm rằng, khi độc giả đã trả tiền mạng mà còn phải trả phí đọc báo online nữa thì đương nhiên lượng bạn đọc sẽ mất đi và cuộc sống phóng viên sẽ giảm dần, thu nhập không có.

Cũng tại Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu", một số tổng biên tập cho rằng nên có chính sách bắt buộc các nhà mạng chia sẻ cho các báo một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet, bởi độc giả phải sử dụng dịch vụ của nhà mạng mới đọc báo online được.

Ông Đinh Kim Phúc, với tư cách một độc giả trong nước, nêu quan điểm của mình về việc các cơ quan báo chí có thể sẽ thu phí từ các nhà mạng và thu phí người đọc báo :

"Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất này với điều kiện tất cả các báo đều phải bình đẳng, phải được đối xử như nhau. Đã thu phí thì phải thu tất cả các tờ báo online. Tôi nghĩ tờ báo sẽ phá sản đầu tiên là tờ Nhân Dân và báo Quân đội Nhân dân vì không ai đọc.

Còn nếu mà thu phí đối với nhà mạng thì tôi không rành chuyện kinh doanh của các nhà mạng. Nhưng trong tình hình của Việt Nam hiện nay, khi đảng và Nhà nước muốn phổ biến kiến thức, muốn phổ biến đường lối, chính sách, chủ trương của đảng đến từng người dân. Muốn chống lại các ‘luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch’… mà người đọc báo online phải trả tiền thì tôi e rằng kế hoạch này sẽ bị phá sản".

Theo ông Phúc, độc giả không thể trả tiền cho những bản tin thuộc dạng "xe cắn chó chó cắn xe" linh tinh phục vụ cho thị hiếu của một nhóm người được đăng tràn lan trên hàng chục tờ báo mỗi ngày như hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Thông tin & truyền thông, năm 2019, mức thu của cả ba lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của Facebook, Google ở thị trường Việt Nam. Điều này khiến các cơ quan báo chí phải xoay sở bằng nhiều cách, dẫn đến không ít cơ quan báo chí câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế.

Chiều 12/6/2020, tại hội nghị "Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu", bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân đề nghị đội ngũ người làm báo nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, giàu tính chiến đấu. Hội nghị có mặt ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương và 187 đại biểu, đại diện cho hơn 42.000 người làm báo cả nước.

Trong thời đại hiện nay, hạ tầng truyền thông phát triển nhanh chóng và người đọc tin có thể cập nhật tin tức nhanh chóng. Trong cuộc đua thông tin bấy lâu nay, chính các lãnh đạo ngành Thông tin và truyền thông Nhà nước thừa nhận sự thua sút của báo chí Nhà Nước. Chỉ đạo các báo phải ‘giàu tính chiến đấu’ mà lại còn đòi thu phí thì hẳn khó duy trì nền báo chí cách mạng.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 12/06/2020

*********************

Địa phương xử lý báo chí : thêm một bước gia tăng kiểm soát truyền thông !

RFA, 12/06/2020

Bộ Thông tin và truyền thông vừa đề xuất quy định cơ quan quản lý nhà nước địa phương, có thể xử phạt vi phạm của tất cả các tờ báo, kể cả báo chí do trung ương quản lý, nếu các tờ báo này đăng tải thông tin, bị cho là sai sự thật về các vấn đề trên địa bàn.

bao3

Báo in bán dạo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Đề xuất vừa nói được Bộ Thông tin và truyền thông đưa ra trong phần sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159 của chính phủ năm 2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Cơ quan quản lý nhà nước địa phương trong đề xuất này là Sở Thông tin và truyền thông ở các tỉnh, thành phố.

Việc sửa đổi này theo Bộ Thông tin và truyền thông, thể hiện sự phân cấp, phân quyền rất mạnh, khác hẳn với các quy định trước đây.

Liệu đây có phải là bước gia tăng kiểm soát của đảng và chính phủ Việt Nam đối với truyền thông ?

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 12/6/2020, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nhận định :

"Trước đây, chưa phân quyền như vậy thì chỉ có một bộ phận ở trung ương lo việc này. Và nếu bây giờ đưa về các sở, các địa phương thì thêm năm mươi mấy tỉnh thành nữa, thì việc xử lý của họ sẽ nhanh nhẹn hơn, sát sao hơn. Chứ trước đây thì chỉ có Hà Nội với Sài Gòn thì sẽ hạn chế hơn, số lương người tham gia không bao quát hết được. Như vậy người ta nhận xét siết báo chí hơn là đúng".

Tình hình báo chí ở Việt Nam theo Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, là càng ngày chính quyền càng siết chặt kiểm soát, kể cả những báo thuộc nhà nước, đặc biệt khi bị cho có biểu hiện đi chệch quan điểm của đảng. Như trường hợp Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh online bị phạt, và rất nhiều báo khác từng bị phạt... bị đình bản...

Ngoài ra, quy định về việc cấp thẻ nhà báo cũng làm dư luận lo ngại, khi Bộ Thông tin và truyền thông quy định việc cấp, đổi thẻ nhà báo phải tham vấn Sở Thông tin và truyền thông địa phương. Trong khi các vị lãnh đạo nhà nước luôn nói đến việc đơn giản hóa thủ tục, một cửa một dấu... thì quy định của Bộ Thông tin và truyền thông lại tạo thêm cửa gây khó khăn cho nhà báo.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho biết ý kiến của mình :

"Chúng ta cũng biết là họ muốn định hướng được thông tin, không bao giờ họ buông rơi tiêu chí đó. Như thế việc cấm không cho báo chí tư nhân, tất cả các báo phục vụ định hướng dư luận, thì theo tôi nghĩ là để kiểm soát dễ dàng hơn…"

Theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, hiện dân trí đã cao hơn, trình độ nhận thức của người dân cũng cao hơn, chính quyền khó mà nhốt một xã hội rộng lớn trong một ngục tù tập thể. Ông nói tiếp :

"Chúng ta cũng thấy, nhiều bài báo bị Ban Tuyên giáo yêu cầu gỡ, nhưng nhiều quá cũng không kiểm soát được. Vì báo chí họ cũng cần phải sinh sống, cần có nhiều bạn đọc, phải có những tin khác... Vì thế họ muốn kiểm soát dễ hơn. Nhưng đó cũng là mâu thuẫn, anh đã kiểm soát toàn bộ thông tin trên xã hội mà anh còn không định hướng được, thì mục tiêu kia cũng khó đạt được".

bao4

Một sạp bán báo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Theo số liệu Bộ Thông tin và truyền thông công bố năm 2019, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng hơn 40.000 người. Trong quy hoạch báo chí giai đoạn 2020 -2025, số lượng các tờ báo từ trung ương cũng có giảm bớt. Tuy nhiên, tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin và truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này. Tuy nhiên việc xử phạt, gỡ bài trước đây đều phải trình cơ quan quản lý trung ương hoặc văn phòng đại diện trung ương tại địa phương.

Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 12/6/2020, liên lạc Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch - Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - HTV, và được ông cho biết :

"Mô hình tổ chức của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong lĩnh vực báo chí cũng như trong các lĩnh vực khác, là một mô hình quái dị, bởi vì nó vừa là mô hình búp bê Nga, tức cấp dưới phục tùng cấp trên, cấp trên đẻ ra cấp dưới... mà song song mô hình đó là mô hình vừa ngang vừa dọc, như một chiếc mành thưa... Đó là sự kết hợp không giống ai, tôi đơn cử ví dụ như Thủ tướng không có quyền bổ nhiệm Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, mà chỉ đề nghị, rồi quốc hội phê chuẩn, nhưng thực chất ai cũng hiểu là do Bộ chính trị quyết định hết. Còn sở Thông tin và truyền thôngT địa phương thì do UBND bổ nhiệm... Song song với Bộ và Sở Thông tin và truyền thông thì có Ban Tuyên giáo trung ương và địa phương. Như vậy bộ máy của đảng và nhà nước là một bộ máy song trùng, dẫn đến một hậu quả bát nháo, dẫm đạp lên nhau".

Bây giờ, Bộ Thông tin và truyền thông đưa ra quy định, địa phương được quyền xử phạt, gỡ bài các báo trung ương, thì theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nó phô bày việc vô hiệu hóa bộ luật dân sự và hình sự. Ông nói tiếp :

"Tôi tin rằng sở dĩ họ đẻ ra quy định này, là do vừa qua báo Phụ Nữ đụng tập đoàn Sun Group, bị xử phạt 55 triệu và đình bản một tháng. Đây không phải là lần đầu tiên, trước đó báo Tuổi Trẻ cũng bị như vậy, và hầu như các báo địa phương đều mang tâm trạng uất ức... và đã có động thái buộc trung ương phải công bằng với báo địa phương, nên mới nảy nòi ra cái quy định này. Tuy nhiên nó sẽ sinh ra cảnh hoang dã báo chi, vì nó chỉ phục vụ cho chuyện đánh phá, trả đũa lẫn nhau".

Vì vậy, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, quyết định vừa rồi có thể là do chính quyền dự định làm cho ra vẻ có sự cởi mở giữa địa phương và trung ương, nhưng lại vô tình lộ ra chuyện trả đũa hăm he lẫn nhau. Tóm lại theo ông, luật pháp và những văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, đều vô giá trị. Vì sao ? Ông giải thích :

"Vì sau khi họ ra nghị định này trong bối cảnh của Đại hội đảng, họ làm ra vẻ cởi mở phóng khoáng, nhưng để có căn cứ (lý do) đánh phá lẫn nhau. Tuy nhiên, nghị định này có một điểm rất quan trọng là các cơ quan có quyền không trả lời báo chí nếu không đúng mục đích, tôn chỉ của tờ báo. Vậy là gì khi vừa đưa ra nghị định như vậy, nhưng lại vừa kẹp lại như vậy ? Nó trong tầm tay của họ, đây là hình thức cho vui vậy thôi, chứ không có giá trị gì cả".

Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp báo chí, bắt giam nhiều nhà báo độc lập tại Việt Nam. Mới nhất là trường hợp anh Lê Hữu Minh Tuấn, một thành viên trẻ của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, vào ngày 12 tháng 6 bị cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh triệu tập làm việc và bắt đưa về Trại giam Chí Hòa.

Trước đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng cũng đã bị bắt vào ngày 21 tháng 11 năm 2019 và vào ngày 23 tháng 5 vừa qua, phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Nguyễn Tường Thụy cũng bị bắt đưa từ Hà Nội vào giam tại Chí Hòa.

Nguồn : RFA, 12/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 639 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)