Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/06/2020

Moshe Dayan nói gì về chiến tranh Việt Nam ?

BBC tiếng Việt

Chiến tranh Việt Nam nhìn từ Israel và câu hỏi 'Vì sao Mỹ không thắng ?'

BBC tiếng Việt, 17/06/2020

Cựu tổng tham mưu trưởng Israel Moshe Dayan thăm Nam Việt Nam vài tuần năm 1966 để tiên đoán chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa 'sẽ dẫn tới thất bại'.

dayan1

Tướng Do Thái Moshe Dayan lúc sinh thời - Ảnh minh họa

Sang Nam Việt Nam với tư cách nhà báo để hành quân cùng quân Mỹ, cựu tham mưu trưởng Quân lực Israel, Moshe Dayan phê phán chiến lược của Hoa Kỳ và ấp chiến lược của Việt Nam Cộng Hòa.

Đến thăm một khu trù mật xây dựng theo mô hình trước đó gọi là 'ấp chiến lược' (strategic hamlet), ông mô tả người dân có cái nhìn thù nghịch, trẻ em nhìn thật khốn khổ (children looked wretched) và kể rằng khi ông muốn phỏng vấn, những người phụ nữ đã "lùi lại, cố thủ".

Ông gọi các làng quê trong ấp chiến lược "trông thảm hại như trại tỵ nạn".

Nhận định về cuộc chiến giành nhân tâm tại Nam Việt Nam, Moshe Dayan viết rằng khi phía đối phương đề ra mục tiêu là ý thức hệ cộng sản, người Mỹ "cần đáp trả bằng một mô hình tạm gọi là chủ nghĩa xã hội cải tiến (advanced socialism) chứ không phải là trại tỵ nạn".

Ông kể lại chính Tướng Nguyễn Cao Kỳ "ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp" của miền Bắc, và tin rằng hỏa lực mạnh của Hoa Kỳ không 'nhổ rễ' được tính chính danh của phía cộng sản.

Bài học Israel ngày nay rút ra từ chuyến thăm của ông Dayan là "Israel cần tự lực để bảo vệ mình trước các thách thức", theo một trang web của Israel hồi 2017.

Moshe Dayan sang Việt Nam làm gì ?

Cuốn 'Vietnam Diary' (Nhật ký Việt Nam) xuất bản năm 1977 kể lại nhiều về thời gian tác giả sang Nam Việt Nam hơn 10 năm trước đó và nay vẫn là cuốn sách nổi tiếng.

Nhưng nhiều quan sát quan trọng của Moshe Dayan sau chuyến đi vào tháng 7-8/1966 đã được đăng trên các báo quốc tế ngay trong năm.

Vào thời điểm sang Việt Nam, Moshe Dayan, 51 tuổi, đã từng là chỉ huy cao cấp nhất của quân đội Israel và nắm các chức vụ bộ trưởng, nhưng tạm thời bị 'thất sủng'.

Sinh năm 1915, và bắt đầu cầm súng năm 14 tuổi, Moshe Dayan tham gia Thế Chiến 2 ở phe Đồng minh và là tư lệnh Jerusalem trong cuộc chiến giành độc lập cho Israel.

Năm 1953, khi mới 38 tuổi, ông lên làm tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, hàm trung tướng, và thiết kế ra chiến dịch Sinai (1956), thực hiện nó hoàn hảo, được lưu danh là 'người hùng trận Sinai'.

Tuy vậy, năm 1965, ông là chính trị gia của đảng đối lập và rất cần một chiến tích, một sự kiện gì đó để "tái xuất giang hồ" trên chính trường Israel.

Được tờ báo Maariv 'thuê' làm phóng viên chiến trường sang Nam Việt Nam, Moshe Dayan nhận lời ngay, bất chấp chỉ trích trong nước.

Đảng Cộng sản Maki ở Israel chất vấn chính phủ trong Quốc hội về chuyến đi vì cho rằng một nhân vật nổi tiếng như vậy bước chân vào cuộc chiến gây tranh cãi chỉ làm tổn hại tính trung lập của Israel.

Dù vậy, Moshe Dayan vẫn sang Việt Nam, và đáp xuống Sài Gòn ngày 25/07/1966.

Chuyến đi đã vượt quá yêu cầu của một 'phóng viên' dù về bài vở cho tờ báo, ông có phỏng vấn nhiều quan chức, tướng tá quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa.

Moshe Dayan coi "cuộc chiến Việt Nam là phòng thí nghiệm chiến tranh tuyệt vời nhất" vào thời điểm đó trên toàn cầu và đã ra trận thực sự.

Nhật ký của ông nghi lại chi tiết chuyện lên hàng không mẫu hạm Constellation, bay trực thăng vận đến Plây Mê, nằm rừng nghe tiếng pháo sát vùng giới tuyến với Bắc Việt.

Ngoài ra, ông đã cùng hai đơn vị lính Mỹ (Thủy quân lục chiến và Mũ nồi xanh) đi tuần tra "tìm và diệt" các cán binh Việt Cộng trong rừng rậm.

Moshe Dayan còn chứng kiến cảnh quân đội Mỹ hỏi cung một chiến binh cộng sản, và bị người này "nhổ vào mặt".

Ông ghi nhận với một kẻ thù không sợ chết và khinh bỉ người Mỹ như vậy, cuộc chiến không có tương lai.

dayan2

Moshe Dayan coi "cuộc chiến Việt Nam là phòng thí nghiệm chiến tranh tuyệt vời nhất" vào thời điểm đó trên toàn cầu và đã ra trận thực sự.

Trải nghiệm và dự báo của Moshe Dayan về chiến tranh ở Việt Nam

Nhưng trước khi sang Việt Nam, Moshe Dayan đã chuẩn bị rất kỹ về nguồn gốc của cuộc chiến ở Việt Nam.

Ông sang Paris nói chuyện với các tướng Pháp từng đánh Việt Minh ở Đông Dương, sang London gặp cả cựu tổng tư lệnh quân đội Anh trong Thế chiến II, thống chế Bernard Montgomery, người Dayan đã quen từ trước.

Người hùng của trận El Alamein nói với Dayan, người hùng của trận sa mạc Sinai rằng "Hoa Kỳ thực hiện một chiến lược sai lầm".

Vị nguyên soái 78 tuổi của Anh Quốc nói "hỏa lực quá mức, ném bom hung bạo" của Mỹ ở Nam Việt Nam là chính sách "điên rồ".

Tới Washington để tìm hiểu chiến lược này từ chính miệng những người Mỹ, Moshe Dayan được "ba đại tá rất hung hăng (gung-ho)nói cho biết rằng người Mỹ sẽ chiến thắng" ở Việt Nam.

Ông cũng được gặp ba nhân vật có ảnh hưởng nhất của chính phủ Mỹ thời Kennedy và Johnson : cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow ; cựu đại sứ tại Việt Nam Cộng Hòa tướng Maxwell Taylor và bộ trưởng quốc phòng Robert S. McNamara.

"Cả ba nhân vật diều hâu của cuộc chiến đều nói với Dayan rằng chiến thuật 'Tìm và Diệt' sẽ đem lại thắng lợi, và họ cũng khen nức nở đồng minh Nam Việt Nam", theo Marc Leepson viết về câu chuyện này trên trang HistoryNet.

Tại Sài Gòn, ông Moshe Dayan được các vị tướng cao cấp nhất của Việt Nam Cộng Hòa là Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đón tiếp nồng hậu.

Ông ngạc nhiên khi nghe tướng Kỳ, ở vị trí Thủ tướng (Chủ tịch Hội đồng Hành pháp̣) bày tỏ sự ngưỡng mộ với đại tướng của trận Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng quốc phòng của Bắc Việt Nam.

Dayan gặp Tư lệnh lực lượng Mỹ, tướng William Westmoreland ; ăn tối với tướng Harold K. Johnson, tổng tham mưu trưởng Quân lực Hoa Kỳ cũng đang có mặt tại Sài Gòn.

Dayan còn họp với trung tướng Stanley R. "Swede" Larsen, tư lệnh I Field Force.

Sau đó là gần năm tuần ra chiến trường và không ít lần ông "sống sót dưới làn đạn".

Trong một chuyến ra chiến trường cùng Đại đội Không kỵ 1st Cavalry, Moshe Dayan chứng kiến sự thiệt hại của quân đội Mỹ.

"Bị phục kích, đơn vị vừa đáp xuống ở một chỗ cách đó 300 thước, bị cắt thành từng mảnh, và hứng chịu 70% thương vong : 25 chết tại chỗ, 70 bị thương. Trong số tử sĩ có một trung đội trưởng chết vô tình vì đạn lạc trúng vào quả lựu đạn anh ta đeo bên hông", Dayan viết trong nhật ký.

Số trực thăng Hoa Kỳ dùng ở Nam Việt Nam là 1.700 chiếc, nhiều hơn toàn bộ con số ở Châu Âu, Dayan ghi nhận.

Hai ngày tại trại biệt kích ở Plây Me cho Moshe Dayan thấy sức mạnh của hỏa lực Mỹ. Ông chứng kiến một đơn vị 130 lính Đại Hàn chống trả cuộc tấn công của 1.000 Việt Cộng, và họ gọi phi pháo tới yểm trợ.

"Người Mỹ nã vào đón hơn 21 ngàn quả pháo, nhiều hơn toàn bộ số đạn pháo binh Israel dùng trong chiến dịch Sinai và chiến tranh giành độc lập cộng lại".

Nhưng chuyến đi thực tế của Moshe Dayan chỉ khiến ông thêm tin tưởng rằng người Mỹ "tiến hành một kiểu chiến tranh sai ở Việt Nam mà giỏi nhất thì họ hòa".

Còn phía cộng sản 'sẽ không thắng được người Mỹ nhưng cũng sẽ không để bị đẩy ra ngoài Nam Việt Nam", ông kết luận.

Hỏa lực áp đảo của Hoa Kỳ không đem lại hiệu quả vì "họ không đánh Việt Cộng, không đánh Hồ Chí Minh, không đánh Bắc Việt Nam, mà đang đánh cả thế giới".

Theo Moshe Dayan, người Mỹ kiêu ngạo tin rằng qua cuộc chiến ở Nam Việt Nam họ muốn tỏ ra cho cả thế giới, gồm cả Anh, Pháp, Liên Xô rằng nước Mỹ đầy sức mạnh ra sao.

"Họ muốn chứng tỏ rằng quyết định của người Mỹ là trên hết, và khi họ bước chân vào bất cứ cuộc chiến nào thì không gì có thể ngăn nổi".

Ông kết luận 'người Mỹ chiến thắng tất cả 'trừ chiến tranh' (The Americans are winning everything 'except the war".

Còn người Việt Nam không phải là yếu tố Hoa Kỳ tính đến trong chiến tranh.

Đến thăm một khu trù mật xây dựng theo mô hình trước đó gọi là 'ấp chiến lược' (strategic hamlet), ông mô tả người dân có cái nhìn thù nghịch, trẻ em nhìn thật khốn khổ (children looked wretched) và kể rằng khi ông muốn phỏng vấn, những người phụ nữ đã "lùi lại, cố thủ".

Chiến thắng và thăng tiến nhờ chuyến đi Việt Nam ?

Không lâu sau khi từ Việt Nam Cộng Hòa trở về, Moshe Dayan được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Quốc phòng (06/1967) trong chính phủ của thủ tướng David Ben Gurion.

Chưa đầy một tuần sau đó, (05-10 tháng 6), Dayan cùng tướng Yitzhak Rabin dẫn dắt quân Israel đánh thắng liên quân Ả Rập trong Cuộc chiến Sáu ngày (Six-Day War).

Một số báo Israel tin rằng bài học rút ra từ chuyến đi Việt Nam đã giúp ông có cái nhìn chiến lược và chiến thuật quan trọng cho quân đội Israel.

Chừng 260 nghìn quân Israel đã đập tan 340 nghìn quân Ai Cập – Syria- Jordan.

Phía Israel có số xe tăng ít hơn : 800 chiếc, nhưng đã thắng đối phương có số tăng gấp đôi, 1.800.

Điều quan trọng hơn cả cho chính trị khu vực là Israel hoàn toàn đập nát tham vọng xây dựng mô hình 'chủ nghĩa xã hội trên sa mạc' của nhà lãnh đạo Ai Cập Nasser.

Sau chiến thắng vang dội đó, Moshe Dayan tiếp tục giữ chức dưới thời thủ tướng Levi Eshkol và Golda Meir cho tới 1974.

Tuy vậy, ông bị cho là phải chịu một phần trách nhiệm cho thất bại của Israel trong cuộc chiến Yom Kipur (1973).

Từ 1977 đến 1979, ông làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ của thủ tướng Menachem Begin, người đồng ý đón những thuyền nhân Nam Việt Nam đầu tiên tới Israel năm 1977 và cấp ngay cho họ quốc tịch.

Ông qua đời năm 1981 ở Tel Aviv.

Nguồn : BBC, 17/06/2020

********************

Quanh chuyện Hồ Chí Minh "mời người Do Thái đến lập quốc ở Tây Nguyên"

BBC, 13/06/2020

Mạng xã hội Việt Nam gần đây lan truyền một số tài liệu đã công bố từ lâu về cuộc gặp của hai nhà hoạt động lập quốc, David Ben Gurion của Israel và Hồ Chí Minh của Việt Nam tại Pháp sau Thế Chiến 2.

hcm1

Ông Hồ Chí Minh sang Pháp điều đình năm 1946 nhưng không thành

Một số tư liệu đã được công bố nói ông Hồ Chí Minh khi gặp nhà hoạt động Ben Gurion ở Paris năm 1946 đã đề nghị cho người Do Thái "đặt trụ sở ở Việt Nam" nếu họ muốn.

Vào thời điểm đó, phong trào vận động để người Do Thái Châu Âu có tổ quốc vừa sống sót nạn Diệt chủng (Holocaust) do phát-xít Đức gây ra tại Châu Âu đang lên cao.

Việc tìm một mảnh đất để họ có thể tạo lập quê hương được đem ra bàn thảo nhưng phải đến 1949, nhà nước Israel mới ra đời tại Palestine, với Ben Gurion như "người cha lập quốc".

Vậy thực hư cuộc gặp và lời mời của Hồ Chí Minh ra sao, và quan hệ của các lãnh đạo Israel sau này với hai miền Nam - Bắc Việt Nam thế nào ?

Cùng theo đuổi độc lập

Tin tức về cuộc gặp David Ben Gurion với Hồ Chí Minh năm 1946 tại Paris không phải là mới.

Các trang lịch sử của Pháp, sử liệu và báo Israel đã đăng tải từ giữa năm 1966, nhưng vào lúc đó Hà Nội và Tel Aviv ở hai phe đối đầu nên báo tiếng Việt ở Bắc Việt Nam không đăng tải.

Gần đây, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Israel - Việt Nam (1993 -2013), chính báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhắc lại sự kiện này.

Tuy thế, không như một số báo Việt Nam nói ông Ben Gurion và Hồ Chí Minh "là bạn thân", họ chỉ có chung khách sạn Paris và có những trao đổi không chính thức.

Tài liệu của Jewish Telegraphic Agency được nhà báo Raffi Wineburn trích đăng trong một bài hồi 02/11/2014, thì hai nhà lãnh đạo Do Thái và Việt Nam ở cùng khách sạn tại Paris năm 1946.

Đó là khách sạn Royal Monceau -theo các nguồn của Pháp - và chuyện họ ở cùng một nơi xảy ra hoàn toàn tình cờ.

hcm2

Ông David Ben Gurion đọc Tuyên ngôn Độc lập cho nước Israel năm 1948

David Ben Gurion, tên thật là David Gruen, sinh năm 1886 ở Płońsk, Ba Lan và bắt đầu hoạt động vì quyền chính trị Do Thái khi là sinh viên ĐH Tổng hợp Warsaw và dần trở thành nhân vật chủ chốt của phong trào Zionist quốc tế.

Là lãnh đạo của Hội Do Thái (The Jewish Agency, thành lập 1929, đại diện cho người Do Thái ở Hội Quốc Liên), ông Ben Gurion đã sang Mỹ kêu gọi sự hỗ trợ cho nỗ lực tái định cư người Do Thái Châu Âu ở Palestine.

Nhưng Anh Quốc, nước quản trị Palestine, chống lại các hoạt động của người Do Thái định cư và truy bắt họ sau các vụ du kích Do Thái tấn công quân Anh.

Là chủ tịch Jewish Agency Executive, ông Ben Gurion may mắn thoát nạn vì đang ở Châu Âu.

Tại Paris, ông được biết là Hồ Chí Minh có mặt ở cùng khách sạn vào mùa hè 1946 để vận động cho Việt Nam Cộng Hòa vốn không được Liên Xô, Anh, Mỹ công nhận.

Chính phủ Pháp mới đồng ý là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa "thuộc Liên bang Đông Dương trong Liên hiệp Pháp", tổ chức do Paris chỉ đạo.

Ben Gurion đã tiếp xúc Hồ Chí Minh là "hai người nói chuyện rất thân thiện".

Khi được nghe về "Vấn đề Do Thái" của phong trào lập quốc mà ông Ben Gurion đang làm chủ tịch, Hồ Chí Minh ngỏ lời hai lần.

Đầu tiên, ông đề nghị "sau khi Ben Gurion tuyên bố thành lập chính phủ Do Thái lưu vong" thì họ có thể lập trụ sở tại Bắc Việt Nam.

Ngay sau đó, nghe tin người Do Thái bị bắt ở nhiều nơi, Hồ Chí Minh đã đề nghị tiếp rằng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa "sẵn sàng nhận mọi người tỵ nạn Do Thái, và cho họ quê hương tại vùng Cao Nguyên miền Trung của Việt Nam" (nguyên văn : a Jewish home in the Highlands of Central Vietnam).

Theo hồi ký xuất bản năm 1966, ông Ben Gurion lịch sự cảm ơn, nhưng chỉ nói : "Khi cần tôi sẽ trở lại nhờ ngài".

Martin Gilbert viết trong sách về lịch sử lập quốc của người Israel rằng Ben Gurion đã giải thích cho Hồ Chí Minh về các vụ người Do Thái tiếp tục bị bắt, bị giết sau Thế Chiến. Chỉ trong một ngày (04/07/1946), hơn 40 người Do Thái bị dân Ba Lan sát hại ở Kielce.

Ben Gurion cũng nhận xét rằng khi gặp ông, Hồ Chí Minh vẫn tưởng rằng sang Paris vận động thì "sẽ đòi được độc lập cho người Việt Nam".

Đúng như Ben Gurion đánh giá, các nỗ lực ngoại giao của chính phủ Hồ Chí Minh không được các đại cường thắng trận ủng hộ, đàm phán tại Fontainebleau đổ vỡ, và Việt Minh tuyên bố toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946 để chống Pháp tái chiếm.

Còn Ben Gurion thì nói với Hồ Chí Minh rằng ông luôn tin tưởng Nhà nước Do Thái sẽ ra đời ở Palestine.

Đó là lý do ông không nhận lời "lập cơ sở cho chính phủ Do Thái lưu vong ở Việt Nam".

Tuy vậy, phải mất thêm nhiều thời gian và một số xung đột thì mới đến ngày Ben Gurion đọc diễn văn độc lập cho Quốc gia Do Thái năm 1948.

Các chi tiết về cuộc gặp của hai người đã được tờ New York Times đăng tháng 10/1966 trong bài "BEN-GURION MET HO CHI MINH IN '46 ; Israeli Recalls Paris Talks in Interview in New Book".

hcm3

Bộ trưởng quốc phòng Israel Moshe Dayan (phải) bắt tay Thiếu tướng Robert Young của Hoa Kỳ

Israel đứng về phía Mỹ và ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa

Trong Chiến tranh Lạnh, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đứng về phe Liên Xô và không có quan hệ gì với Israel, nước đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ tại Trung Đông.

Bắc Việt Nam ủng hộ các quốc gia Ả Rập thân Liên Xô, thù địch với nhà nước Do Thái.

Về phía mình, Israel có quan hệ hữu hảo với Việt Nam Cộng Hòa.

Một nhân vật lãnh đạo nổi tiếng, bộ trưởng quốc phòng Moshe Dayan, trước khi lên nhậm chức lần nữa, đã sang Nam Việt Nam hành quân cùng người Mỹ để nghiên cứu cách đánh lực lượng Việt Cộng.

Chuyến đi thực tế ra tận vùng chiến sự của ông Dayan, đã gây sóng gió trong chính trường Israel năm 1966.

Viện Kneset (Quốc hội) đã chất vấn chính phủ vì cho rằng chuyến đi đã ảnh hưởng đến đường lối "trung lập" của Israel.

Dù từng nắm các chức vụ cao nhất như tổng tham mưu trưởng, thủ tướng từ thập niên 1950, và chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng, sau khi tới Sài Gòn cuối tháng 7/1966, ông Dayan "chán cảnh tiệc tùng và nhanh chóng ra trận".

̣Đã 51 tuổi, ông vẫn đi cùng một đơn vị hải quân xem tàu thuyền của Mỹ tác chiến. Những ngày sau đó, ông hai lần ra chiến trường, một lần đi cùng Sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Mỹ, và một lần cùng đơn vị Mũ Nồi Xanh hành quân truy tìm du kích cộng sản.

Là nhân vật thân Hoa Kỳ nhưng Moshe Dayan đã phê phán nặng nề chiến lược của đại tướng William Westmoreland ở Nam Việt Nam.

Ông viết lại trong hồi ký rằng người Mỹ rất kiêu ngạo và đánh nhau để thể hiện hỏa lực mạnh của họ cho cả thế giới phải sợ.

Mô tả rằng quân Mỹ "dùng đại bác bắn lều tranh, dùng hàng không mẫu hạm bắn thuyền nan", ông viết :

"Không phải là ý định trợ giúp người Việt Nam, hay một thứ gì khác, mà đây cuộc chiến là của Hoa Kỳ. Không quan trọng là họ đã đến bằng cách nào, và cứ cho là họ đã có ý muốn giúp người Việt Nam, hoặc để duy trì thỏa thuận tại Hòa đàm Geneva thì nay chỉ là chuyện Hoa Kỳ chống Việt Cộng. Họ sẽ không dừng cuộc chiến này kể cả khi dừng lại là điều đem lại lợi ích cho nước Việt Nam".

Còn thủ tướng Ben Gurion đã từng có ý định muốn liên lạc với Hồ Chí Minh và thăm Bắc Việt Nam

hcm4

Israel đã nỗ lực lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa - Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (giữa) thị sát mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ảnh minh họa 

Tuy thế, điều đó không xảy ra và Israel đã nỗ lực lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Năm 1972, Tel Aviv và Sài Gòn ký kết công nhận lẫn nhau về ngoại giao nhưng Israel chưa kịp mở tòa đại sứ ở Nam Việt Nam thì chiến sự gia tăng nên kế hoạch bị huỷ.

Sau năm 1975, chính giới Israel biết là lập quan hệ với nước Việt Nam thống nhất theo mô hình của Hà Nội là bất khả.

Tuy thế, họ cũng nhắc đến một câu nói rằng "hy vọng về quan hệ may ra chỉ có ở cõi bên kia" giữa Ben Gurion và Hồ Chí Minh.

hcm5

Tổng thống Israel Reuven Rivlin và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong dịp ông có chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2017

Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bắc Việt Nam đã qua đời năm 1969, và ông Ben Gurion tạ thế năm 1973.

Năm 1977, thủ tướng Menachem Begin vừa lên nhậm chức đã đồng ý nhận 66 thuyền nhân Việt Nam chạy trốn khỏi quê hương họ.

Ông Begin ra lệnh cấp quốc tịch Israel cho nhóm người Việt Nam này được tàu hàng Israel cứu lên ở Biển Đông.

Phải đến năm 1993, Hà Nội và Tel Aviv mới lập quan hệ ngoại giao gần đây giao thương hai bên đã tăng lên đều.

Năm 2014, báo Nhân Dân, bản tiếng Anh (06/05/2014) có bài giới thiệu cuốn tiểu sử của thủ tướng Ben Gurion, do Đại sứ quán Israel và Alpha Book ấn hành.

Trong sách có đoạn nhắc lại nội dung về cuộc gặp Ben Gurion và Hồ Chí Minh năm 1946.

Tháng 6/2019, Đại sứ Việt Nam Đỗ Minh Hùng đã nhắc lại câu chuyện này khi đến thăm khu di tích thủ tướng David Ben Gurion ở Sede Boqer, Israel.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 836 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)