Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/06/2020

Thế lực thù địch sao nhiều thế ! Làm sao để có nhân sự lãnh đạo tốt ?

Hoàng Minh - RFA tiếng Việt

‘Thế lực thù địch’ có ngày càng ‘thâm độc’ như Thứ trưởng Bộ Công an nói ?

Hoàng Minh, trithucvn, 24/06/2020

Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lương Tam Quang nói rằng âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn lật đổ do các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm… Điều này liệu có đúng ?

theluc1

Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Trung tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an hôm 23/6 có nói tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu lần thứ 17 đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, rằng: "Có ba thách thức đang đe dọa đến an ninh chính trị của Việt Nam".

Theo ông Quang, "trong ba thách thức trên thì nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất".

Vậy, một câu hỏi đặt ngược lại là: "Vì sao niềm tin của người dân vào chế độ lại suy giảm?". Để trả lời, chúng ta hãy nhìn lại những sự kiện chính trị-xã hội tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Mới hôm qua (23/6), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận rằng "cán bộ ăn quá dày" để nói về vụ Phó Giáo sư Tiến sĩ  Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội cùng đồng phạm đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để "tham nhũng" tới 5 tỷ đồng tiền máy xét nghiệm.

Vấn nạn "cán bộ tham nhũng" không còn xa lạ với người dân Việt khi trước đó, báo chí trong nước đã phản ánh hàng loạt các vụ án nghiêm trọng như :

- Ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng đồng phạm gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí cho Nhà nước số tiền lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, liên quan đến sai phạm đất đai.

- Ông Nguyễn Hữu Tín – cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 800 tỷ đồng, cũng liên quan tới sai phạm đất đai.

- Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng đồng phạm gây thất thoát tới 22.000 tỷ đồng cũng vì sai phạm đất đai.

- Hai cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân bị tuyên phạt lần lượt 36 tháng tù và 30 tháng tù vì gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỷ đồng.

- Phó Bí thư Trà Vinh Kim Ngọc Thái cùng các cán bộ khác bị đề nghị kỷ luật vì tham nhũng hơn 11 tỷ đồng.

- Hay Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến gây thất thoát gần 1.000 tỷ đồng.

- Các lãnh đạo, cán bộ tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã nhận hàng tỷ đồng để sửa điểm cho các thí sinh

- và… còn nhiều vụ án nghiêm trọng khác.

theluc2

Hai cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành (trái) và Trần Việt Tân bị tuyên phạt lần lượt 36 tháng tù và 30 tháng tù vì gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỷ đồng

Nhiều lãnh đạo, quan chức trong thời gian qua bị kỷ luật cũng được báo chí trong nước đưa tin, như: ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016; Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình – nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân; ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải ; ông Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Khánh Hòa, ông Nguyễn Bốn – Phó Bí thư Đắk Nông,…

Hôm 15/6, trong phiên thảo luận kinh tế-xã hội của Quốc hội, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết những ngày qua rất nhiều người nhắn tin, gọi điện thoại cho ông, trong đó có những lãnh đạo cao cấp đã nghỉ hưu, bày tỏ rằng "chưa từng bao giờ thấy niềm tin với nền tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ".

Có lẽ, người dân không còn tin vào nền Tư pháp cũng bởi vì họ đã phải "kinh qua" hàng loạt các vụ án, mà do chính cán bộ Tư pháp là những người "cầm cân, nảy mực" nhưng đã phán quyết oan sai cho họ, như : vụ "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén ngồi tù oan gần 18 năm; ông Hàn Đức Long ngồi tù oan 11 năm; ông Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù oan 10 năm ; hay mới đây nhất là vụ Hồ Duy Hải, tài xế container Lê Ngọc Hoàng còn nhiều điều khiến dư luận bức xúc,…

Cũng trong một bài nói tại Nghị trường Quốc hội hồi năm 2019, Đại biểu Nhưỡng đã bày tỏ bức xúc trước hàng loạt các thực trạng đang phủ đen nền kinh tế-xã hội như tình trạng xâm hại tình dục không từ già, không từ trẻ ; tình trạng ném lợn chết dịch xuống sông ở đầu nguồn, không cần biết đến người ở cuối nguồn ; tình trạng đổ dầu thải đầu độc nguồn nước ảnh hưởng đến hàng vạn dân Hà Nội ; tình trạng rút ruột công trình, lập quỹ đen, sử dụng xe công bừa bãi ; tình trạng hàng trăm cán bộ vướng vào gian lận điểm thi, chỉ muốn con em mình, gia đình mình ở đẳng cấp trên ; tình trạng làm điêu, báo cáo hay, tô rồng, vẽ phượng còn rất nhiều ; việc đẩy người khác vào tù vì dám nói lên sự thật, nhưng khi toà án xử những người tố cáo rồi thì không khôi phục quyền lợi cho người bị tố cáo.

"Hàng ngàn kẻ giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội ; thực hiện chính sách người có công, liệt sĩ giả, thương binh giả, anh hùng giả, bằng cấp giả, thương hiệu giả, sư giả, thuốc giả… Còn rất nhiều" – Đại biểu Nhưỡng nói và khẳng định đây đều là vấn đề về đạo đức,…

"Tôi không dám võ đoán nhưng tin rằng các ông tướng tá, cán bộ bị xử lý thời gian qua chắc đều có bản kiểm điểm rất sáng. Có lẽ còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa đang lẩn khuất trong cơ quan, đơn vị, tạo ra quốc nạn tham nhũng và tạo ra tình trạng mất lòng tin của người dân", Đại biểu Nhưỡng cho hay.

Thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn ?

Cũng trong bài nói của mình tại Hội nghị, Trung tướng Lương Tam Quang nói rằng "thế lực thù địch" không bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá Việt Nam, muốn lật đổ, bôi nhọ chế độ. Âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn lật đổ do các "thế lực thù địch, phản động" ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Ông Quang cho rằng chưa bao giờ "thế lực thù địch" lại phát động mạnh mẽ như hiện nay.

Vậy, "thế lực thù địch" có ngày càng "thâm độc" như Thứ trưởng Bộ Công an nói ?

Hôm 15/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) tại Nghị trường Quốc hội đã nói rằng: "Mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó".

Ông Nghĩa còn nói không được mượn "bóng ma của thế lực thù địch" để công kích những người góp ý, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử.

Sau phát ngôn này, nhiều độc giả đã bày tỏ quan điểm của mình.

Hai Duoc : "Thế lực thù địch nằm trong lòng các ông thôi. Nếu các ông làm đúng và tốt cho đất nước cho người dân, thì lý do gì phải lo sợ thế lực thù địch ? Đừng biện minh mà hãy nhìn vào sự thật".

Minh Quân : "Giờ không đổ thừa cho thế lực thù địch thì làm sao, trong khi "chúng ta " không biết giải quyết vấn đề như thế nào".

Nguyễn Tiến Nam : "Làm gì có thế lực thù địch nào hại dân Việt Nam đâu, chỉ có quan tham là thế lực thù địch hại dân hại nước. Dân Việt Nam không có thế lực thù địch nào hết".

Chu Lợi: "Nắm trong tay cả bộ máy chuyên chính, mà lúc nào khi dân có ý kiến khác đều đổ cho thế lực thù địch, phá hoại, thì làm sao xã hội tiến bộ được"… và còn nhiều ý kiến khác nữa.

Hoàng Minh

Nguồn : trithucvn, 24/06/2020

****************

‘Thế lực thù địch’ ngày càng thâm độc : tướng công an nói

RFA, 23/06/2020

Trung tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, vào sáng ngày 23 tháng 6 nói rằng ‘thế lực thù địch’ không bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá Việt Nam, muốn lật đổ, bôi nhọ chế độ Hà Nội. Ông này cho rằng đó là những âm mưu mà ‘thế lực thù địch’ chưa bao giờ phát động mạnh mẽ như hiện nay.

theluc3

Tướng Công an Lương Tam Quang - sggp.org

Phát biểu vừa nêu của ông thứ trưởng công an Lương Tam Quang được đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành, Mặt Trận Tổ Quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội trung ương vào dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu lần thứ 17 đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Lương Tam Quang cho rằng có ba thách thức đang đe dọa đến an ninh chính trị của Việt Nam. Thứ nhất là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn lật đổ do các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với những thách thức trong quan hệ với các nước lớn, từ những nguy cơ tác động đến an ninh nội địa trong nước. Và thách thức thứ ba theo ông tướng Lương Tam Quang là nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của người dân.

Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, ông Lương Tam Quang, nói rõ trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam ; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước với lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và lực lượng quân đội, công an thủ đô nói riêng.

Mới hôm 15 tháng 6, tại Hội trường Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ ‘Tất nhiên phải tìm cho ra, cho đúng thể lực thù địch để nghiêm trị ; nhưng không mượn bóng ma của các thế lực này để công kích những người góp ý cho mình dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử.’

Ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định nếu như ở Hội trường Diên Hồng mà các đại biểu quốc hội đang họp mà có thể lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người qui chụp chứ không tồn tại ở nơi nào cả.

Nguồn : RFA, 23/06/2020

***********************

Hô hào ‘đổi mới’ bầu cử nhưng vẫn theo cách cũ : sao có nhân sự tốt ?

RFA, 22/06/2020

Trong chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân (Hội đồng nhân dân) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, được Văn phòng Trung ương Đảng công bố chiều 21/6 nêu rõ : không giới thiệu ứng cử những người không xứng đáng, sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu... ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng, nhà nước.

theluc4

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Dân Đảng huyện Ninh Giang nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh : Hà Kiên

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nhận định :

"Những năm gần đây phải tăng cường chất lượng đột ngũ cán bộ, xuất phát từ tệ nạn chạy chức chạy quyền phát triển mạnh, làm cho một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất, dẫn tới nhiều cán bộ bị thi hành kỷ luật hoặc truy tố. Cho nên vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải tăng cường quản lý quyền lực đối với đội ngũ cán bộ, tránh lạm quyền, lợi ích nhóm, dẫn đến tham nhũng, ức hiếp nhân dân... Vì vậy cần thắt chặt tiêu chuẩn cán bộ, nhất là những người giữ chức cao trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, để cũng cố niềm tin trong nhân dân".

Theo ông Lê Văn Cuông, một trong những biện pháp là phải thanh lọc những đối tượng không đủ tiêu chuẩn, thoái hóa biến chất... trong đại hội đảng các cấp sắp tới, tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ 13. Liên quan việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, ông nói tiếp :

"Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì trước đây cũng có quan tâm, nhưng chưa chặt chẽ và quyết liệt. Gần đây cũng như sắp tới, đảng sẽ thắt chặt tiêu chuẩn, cũng như là cố gắng làm thế nào đó để thanh lọc những đối tượng chạy chức chạy quyền, thoái hóa biến chất, không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy... và lựa chọn những người có đức có tài, những tinh hoa vào để đảm bảo thực hiện được những ý nguyện của nhân dân. Đây là nhu cầu cấp thiết tại đại hội này, và tiếp đến là bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân".

Trong chỉ thị số 45, ngoài những chỉ thị nêu trên, còn yêu cầu tránh tình trạng ‘vận động’ không lành mạnh, tránh chạy chức chạy quyền, để có thể lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Bảo đảm đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhận định :

"Hiền tài là nguyên khí quốc gia, cho nên việc tiến cử người thực tài và có đạo đức, là nhiệm vụ rất quan trọng để quyết định sự phát triển cùa đất nước. Tôi thấy điều đảng viên và nhân dân quan tâm, và mong mỏi làm sao ngăn chặn việc chạy chức chạy quyền, để loại bỏ được những con sâu mọt hại nước, hại dân đó, thì phải chọn những người thật sự có đức, có tài vào bộ máy".

theluc5

Cử tri bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở thành phố Hà Nội vào ngày 22 tháng 5 năm 2011. AFP photo

Tuy nhiên theo Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng, cải cách như vậy cũng vẫn không thể tránh việc chạy chức chạy quyền :

"Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng thì cơ cấu đại biểu quốc hội 90-95% là đảng viên, đảng viên sao trái ý kiến của đảng được ? Nên người ta mong muốn đại biểu quốc hội cải cách đầu vào, cơ cấu thành phần khác để nghe tiếng nói khác thì may ra tốt hơn. Nhưng bây giờ chưa thật sự có dân chủ, chưa ứng cử, bầu cử mà cơ cấu do ở trên chỉ xuống thì làm sao không chạy chức chạy quyền được".

Cũng liên quan công tác nhân sự, vào sáng ngày 22 tháng 6 năm 2020, Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương 6 tháng đầu năm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo ngành công an phải làm thật tốt vai trò bảo vệ chính trị nội bộ. Ôngđặc biệt nhấn mạnh ‘không để những cán bộ, đảng viên vi phạm cơ cấu vào cấp ủy’.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan những kêu gọi gần đây của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, nói :

"Tôi thấy chẳng có gì là mới cả, chỉ là những điệu kèn cũ rích ò e í quay lại mà thôi. Mà những điệu kèn ấy không có tác dụng, tại vì phần lớn những cái mấy ổng nêu ra đều là những tiêu chuẩn chung chung, định tính, không thể nào đánh giá được cả. Thậm chí có những tiêu chuẩn phản tiến bộ, thành ra kiểu làm việc của ông Trọng nêu ra như thế là để hù dọa lẫn nhau thôi. Nhiều tiêu chuẩn tôi cho là không đúng, ví dụ một tiêu chuẩn rất đơn giản như ‘không bầu những người thích có chức có quyền’... vậy không thích có chức có quyền thì làm gì... tôi thì cho rằng những người được bầu trước hết họ phải thích làm chuyện ấy, người ta thích dùng được quyền, phải có quyền, thì mới thực thi được tư tưởng của người ta, không có quyền thì không thực thi được".

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, muốn tránh thì phải tránh những người, dùng chức quyền để mưu lợi cá nhân... Tuy nhiên ông cho rằng, làm sao đánh giá được, một người được đề cử sẽ dùng chức quyền để mưu lợi cá nhân. Ông nói tiếp :

"Những tiêu chuẩn ông Trọng đưa ra là để lòe người ta thôi, để bịp người ta thôi, chứ vận dụng vào thực tế thì không được. Còn nếu vận dụng được thì một số tiêu chuẩn là không đúng, ví dụ tiêu chuẩn quan trọng nhất mà mấy ổng nêu ra là ‘phải trung thành với đảng, trung thành với Mác Lênin’... lấy gì để đo được chuyện ấy. Chẳng qua chỉ có một người nói trung thành nhưng trong bụng họ mình đâu có biết".

Vì vậy, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng những việc sắp tới bầu cử trong đảng cũng như bầu quốc hội, thì ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo khác, vẫn chỉ theo điệu kèn cũ rích, rồi cuối cùng không thể nào tìm ra được những người tài giỏi để lãnh đạo đất nước. Theo ông, lãnh đạo Việt Nam giỏi lắm thì cũng sẽ chỉ tìm ra những kẻ cơ hội, lắm ‘mưa ma chước quỷ’. Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho biết, ông không tin vào đường lối của họ.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII dự kiến diễn ra vào tháng 1 năm 2021.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, dự kiến diễn ra ngày chủ nhật 23 tháng 5 năm 2021.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Minh, RFA tồng hợp
Read 644 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)