Từ điển tiếng Việt cho biết, "phản đối", động từ, trái nghĩa là "đồng tình, ủng hộ".
Theo ngữ nghĩa từ điển tiếng Việt, thì những hành động bằng lời nói, cử chỉ phản đối của những người dân vừa bị bắt giam như các ông, bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thị Tâm, phải chăng hiểu theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì có điều khoản bí ẩn nào đó cho rằng phản đối chính sách của nhà chức trách là đồng nghĩa chống đối của "phản động", cần bắt giữ hình sự để bỏ tù răn đe?.
Sở dĩ gọi là ‘bí ẩn’ vì hiện tại chưa tìm thấy văn bản ghi rằng cứ người dân nào kiên trì phản đối chính sách, thì người dân ấy có đích đến cuối cùng là lao tù.
Với người dân hay lý luận dựa trên các bài báo trích dẫn lời của lãnh tụ đảng cộng sản Việt Nam, thì ý tứ của phát biểu sau đây hay được nhắc tới: "Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi" (*).
Nếu răm rắp tin vào những lời dạy bảo ở trên, người dân rõ ràng cứ việc mạnh miệng phê bình chính quyền địa phương về một chính sách nào đó gây hại cho dân. Nhưng phê bình miết mà vẫn không có gì thay đổi, lẽ đương nhiên của tức nước, vỡ bờ sẽ dẫn tới việc buông lời chửi. "Chửi" còn vì là hôm nay dân không có quyền đuổi Chính phủ như lời của chủ tịch Hồ Chí Minh nữa.
Công tâm mà nói không có ‘dân đen’ nào dám phê bình nhà chức trách, chứ đừng nói tới vụ ‘chửi’. Thế nhưng cứ mãi từ chỗ người dân là ông chủ lại trở thành người phụ thuộc, và phải đi xin Chính phủ trong hầu hết các vụ việc, dẫn tới người dân trở thành người lệ thuộc, và mỗi lần đến cơ quan công quyền thường lo sợ vì cứ nghĩ là mình phải đi xin, và là người chịu ơn các cơ quan công quyền, cũng như những cá nhân thực thi công vụ ở đó.
Riết rồi những công bộc mà dân có quyền đuổi như lời của chủ tịch Hồ Chí Minh, quên mất bổn phận đầy tớ. Những người "làm thuê" cho dân lại đang đứng ở vị trí của "ông chủ". Nhiều người làm thuê này lại ý thức, tự hào về địa vị "ông chủ" của mình, tự thấy mình đứng ở phía trên người dân để ban phát, dạy bảo. Chính lẽ ấy nên khi có nhiều người dân cùng tụ lại thành nhóm để phê bình các "đầy tớ ông chủ" này, khiến nhà chức trách ‘nóng mặt’. Vậy là tù. Vậy là những lời huấn thị của lãnh tụ trở thành ma mị…
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 28/06/2020
_______________
Chú thích :
(*) Vũ Lân, Dân với Chính phủ, Chính phủ với dân, Xây Dựng Đảng, 15/10/2012