Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/06/2020

Những Biện Toại, Đoàn Văn Vươn, Cấn Thị Thêu… ở Việt Nam

Khánh Hòa

Biện Toại, Đoàn Văn Vươn, Cấn Thị Thêu… là những cái tên đại diện cho hình ảnh Người Nông dân Nổi dậy như bộ phim sử thi của điện ảnh Pháp sản xuất từ năm 2005, công chiếu năm 2007 (từ tháng Giêng), dài 150 phút, được đề cử hai Giải César, mà khán giả Việt Nam đã được xem qua truyền hình với tên "Jacquou Người nông dân nổi dậy".

nongdan1

Trịnh Bá Phương (giữa) cùng người dân Dương Nội trong một cuộc biểu tình đòi chính quyền trả lại đất

"Jacquou, người nông dân nổi dậy" (Jacquou Le Croquant) là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, tiêu biểu nhất trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn cánh tả Eugène Le Roy của Pháp.

Ông tổ của Jacquou là người nông dân nổi dậy thời Henri IV, thế kỷ XVI, ông nội của cậu là người đốt lâu đài quý tộc trước Cách mạng 1789 bị kết án, cha cậu cũng được gắn cái nhãn Le Croquant, và sau này Jacquou cũng được đặt biệt danh đó. Sử sách ghi nhận những sự kiện nổi dậy của nông dân cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII tại tây nam nước Pháp.

nongdan2

"Jacquou, người nông dân nổi dậy" là một bộ phim hoài niệm một thời dĩ vãng của rất nhiều người Việt Nam. Ít ai ngờ rằng sau đó, ngay trên quê hương Việt, lại xảy ra nhiều "Jacquou", qua chuyện đất đai của người nông dân đã bị ‘thu hồi’ bất chấp quyền lợi của người dân phút chốc lâm cảnh mất tài sản.

Nhiều người đã liên tưởng đến thảm kịch đồng Nọc Nạng ở miền sông nước đồng bằng Cửu Long thời Pháp thuộc, qua đó để thấy rằng ngay cả lúc mà lịch sử ghi rằng miền Nam Việt Nam chịu sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp, thì công lý cho người nông dân vẫn là điều có thật.

Thế nhưng với người dân Việt, tạm không đề cập đến các chính sách cải cách đất đai ở miền Bắc, chỉ xét riêng miền Nam sau tháng tư 1975, đã có không ít những Biện Toại của đồng Nọc Nạng, nhưng chẳng mấy phiên tòa được mở ra để mong công lý soi xét.

Con giun xéo mãi cũng oằn, và thân phận giun dế ấy đã dựa vào sức mạnh truyền thông thời kỹ thuật số, để cất lên tiếng nói phản kháng và cộng đồng đã nhanh chóng ủng hộ họ. Vậy là bắt đầu có những Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, những Cấn Thị Thêu ở Dương Nội, và còn rất nhiều tên tuổi người dân khác bị mất đất ở Thủ Thiêm, ở Cồn Dầu, ở Cờ Đỏ, thậm chí ở ngay cả nội thành Sài Gòn của hôm nay là ‘vườn rau Lộc Hưng’.

Từ một vụ án tranh chấp xảy ra tại Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu vào năm 1928, địa danh Nọc Nạng đi vào văn học nghệ thuật như một biểu tượng bất khuất về người nông dân Nam bộ trong công cuộc khẩn hoang, và gìn giữ đất đai.

Những nhân vật có thật như Tám Luông, Mười Chức, Năm Nhẫn, Sáu Nhịn… lần lượt xuất hiện trong tiểu thuyết, cải lương, phim ảnh… Tính chất xung đột của câu chuyện, và cá tính can trường của nông dân đã khiến tác phẩm phản ánh Nọc Nạng có sức lôi cuốn đặc biệt với công chúng nhiều thế hệ.

Liệu mai này sẽ có những nhân vật ngoài đời bước vào văn chương, cho dòng văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam những thập niên đầu của thế kỷ 21 ?

Vụ án đồng Nọc Nạng

Vụ án Nọc Nạng (tiếng Pháp : l’Affaire de Phong Thanh) - tranh chấp đất đai lớn, xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và bên kia là giới địa chủ cường hào ác bá và quan chức chính quyền thực dân Pháp cùng tham quan Nam triều.

Vụ án gây thiệt mạng 5 người, là một ví dụ điển hình của chính sách phân chia và quản lý ruộng đất bất công tại Nam Kỳ dưới thời thuộc Pháp, sau này, được chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn vinh như một biểu hiện của sự đấu tranh và phản kháng của nông dân với chính quyền thực dân Pháp.

Sáng 16 tháng hai năm 1928, khoảng 7g, hai viên chức người Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay viên chức làng tịch thu lúa của gia đình Biện Toại. Đến gần đống lúa, Tournier yêu cầu hương chức làng mời một người trong gia đình ra chứng kiến. Mười lăm phút sau, cô Nguyễn Thị Trọng, em gái Biện Toại đi ra, dắt theo một bé gái 14 tuổi, tên là Tư. Tournier đuổi Trọng, vì cho cô là phụ nữ và còn nhỏ tuổi, không thể chứng kiến việc đong lúa. Trọng không đi, còn yêu cầu đong lúa xong phải ghi biên nhận. Tournier từ chối, tát tai Trọng. Cô lập tức rút ra cây dao nhỏ. Tournier đập báng súng, làm cô ngất đi.

Bouzou tước dao khỏi tay Trọng. Trong lúc lấy dao, ông này bị một vết thương nhỏ không đáng kể ở tay. Đứa cháu tên Tư bèn chạy về cấp báo. Anh em Biện Toại từ nhà chạy ra, mang theo dao mác gậy gộc. Họ chia thành hai tốp, tốp đầu do Mười Chức, em ruột Biện Toại, dẫn đầu. Tốp thứ nhì do bà Nghĩa (vợ Mười Chức) dẫn đầu, tổng cộng năm đàn ông, năm phụ nữ. Tournier ra lệnh cho lính chuẩn bị ứng phó, bắn chỉ thiên, nhưng Mười Chức không dừng lại.

Tournier bèn bắn Mười Chức. Bị thương nặng, nhưng Mười Chức vẫn gắng nhào đến đâm lưỡi mác trúng bụng Tournier, rồi mới ngã xuống. Bạo lực trở nên không thể kiểm soát. Bouzou rút súng bắn bị thương nặng bốn người phía Biện Toại. Hết đạn, Bouzou lại lấy súng của Tournier bắn tiếp, làm nhiều người thương vong. Sáng hôm đó, Mười Chức và vợ đang mang thai (bà Nghĩa), một người anh tên Nhẫn, đều chết.

Nhịn, Liễu (hai em Mười Chức) bị thương nặng. Ba ngày sau, Nhịn chết tại bệnh viện. Về phía nhà cầm quyền, Tournier thiệt mạng ngày 17 tháng hai tại bệnh viện Bạc Liêu. Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco, theo lời nhờ của nhà báo Lê Trung Nghĩa.

Biện hộ của luật sư Luật sư Tricon nhận định nguồn gốc của vụ án là vấn đề điền địa. Ông cho rằng chính sách ruộng đất thời Nguyễn công bằng và hợp thực tế, còn luật lệ do người Pháp đặt ra chưa được áp dụng đúng, thiếu thực tế, những người trong Hội đồng phái viên chỉ ngồi một chỗ, chưa hề bước ra sở đất mà họ xem xét, chỉ quyết định dựa trên báo cáo. Luật sư Tricon ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại : họ phải đấu tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý, nói : Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim (Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur).

Luật sư Zévaco ca ngợi lời buộc tội của công tố viên, cho rằng chính sách của nhà nước thì tốt, nhưng người thừa hành xấu đã làm cho chính sách trở nên xấu đối với dân chúng. Zévaco nói nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo và vạch rõ hành động của cặp bài trùng Bang Tắc-tri phủ H. đã dẫn đến tấn thảm kịch Nọc Nạn. Luật sư Zévaco xin tòa tha thứ cho các bị can, nói : Lần này sẽ có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ lên đó.

Án tuyên Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trọng, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng). Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì có tiền án ăn trộm, quan tri phủ H bị sa thải. Báo chí Sài Gòn bấy giờ đua nhau phản ánh vụ Nọc Nạn. Nhà báo xuống tận nơi điều tra. Dư luận từ mọi giới, kể cả người Pháp, đều thuận lợi cho gia đình Biện Toại. Họ chịu bất công quá lộ liễu. Họ là những tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn cường hào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đẩy họ đến đường cùng.

Từ vụ án đồng Nọc Nạn có thể thấy người Pháp đã đưa vụ án ra xem xét ở góc độ đất đai chứ không lờ đi để dung túng cho những cái sai của cấp dưới. Vụ án Đồng Nọc Nạn đã mở ra một án lệ : Khi nông dân khai phá đất hoang, đóng thuế cho nhà nước, họ đương nhiên được sở hữu đất đai.

Khánh Hòa

Nguồn : VNTB, 30/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Khánh Hòa
Read 644 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)