Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/06/2020

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu hợp tác để đối đầu với Trung Quốc

Nhiều tác giả

Mỹ bắt tay EU trừng trị Trung Quốc

Hoàng Trung, Thoibao.de, 29/06/2020

Bắc Kinh luôn là chủ đề mà Mỹ và Liên minh Châu Âu EU chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều năm qua nhưng thời gian gần đây hai chủ thể khổng lồ này dường như đang cố gắng xích lại gần nhau để tìm cách vượt qua bất đồng trong bối cảnh mối đe dọa đến từ Châu Á đang ngày một lớn dần. Ngoại trưởng Mỹ ngày 25/6/2020, cho biết có thể sẽ đến Châu Âu trong những tuần tới để đối thoại về chủ đề này.

myeu1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Theo hãng tin AFP, trong một diễn đàn trên mạng về quan hệ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, do quỹ German Marshall Fund của Hoa Kỳ tổ chức, lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo thông báo chấp thuận đề nghị của đồng nhiệm Châu Âu Josep Borell, được nêu ra hồi tuần trước, về việc tổ chức "một đối thoại song phương về Trung Quốc".

Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ hy vọng sẽ sớm đến Châu Âu để khởi sự cuộc đối thoại này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cơ chế mới này sẽ cho phép hai bên "thảo luận về các lo ngại trước những đe dọa Trung Quốc đối với phương Tây và đối với các giá trị dân chủ" mà Hoa Kỳ và Liên Âu cùng chia sẻ. Ông Pompeo hy vọng là cuộc đối thoại này sẽ là một "chất xúc tác" cho phép thúc đẩy hợp tác, với kết quả là hai bên sẽ đưa ra các biện pháp chung.

Trong thời gian gần đây, Ngoại trưởng Mỹ liên tục kêu gọi các nước Châu Âu cứng rắn hơn với Bắc Kinh, đứng hẳn về phía "tự do", thay vì chấp nhận "nền độc tài tàn bạo" do một chính quyền "côn đồ" áp đặt.

Giới quan sát nhận định trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cách tiếp cận thù địch với EU, thì ông Pompeo được coi là sẵn sàng hợp tác với Châu Âu hơn trong việc tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Nhà Trắng Morgan Ortagus nói rằng ông Pompeo và các đối tác Châu Âu đã thảo luận về tầm quan trọng "của việc giữ vững cam kết chung đối với các giá trị dân chủ để chống lại Nga và những nỗ lực [của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] nhằm phá hoại các xã hội dân chủ".

Đề nghị tổ chức một cuộc đối thoại song phương với Hoa Kỳ để đối phó với sự lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc được Cao ủy Đối ngoại của EU Josep Borrell đưa ra ngay sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Hai 15/6.

Ông Josep Borrell nói với các phóng viên : "Tôi đề nghị khởi động một cuộc đối thoại song phương đặc biệt tập trung vào Trung Quốc và những thách thức mà hành động và tham vọng của nước này đặt ra với chúng ta – Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu".

Ông Borrell cho biết Mỹ và EU đã "trao đổi quan điểm về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên nhiều mặt trận".

Ông Borrell nói : "Có một số vấn đề mà chúng tôi cùng phải đối mặt trong mối quan hệ với Trung Quốc, và ở đó sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi là rất quan trọng để cùng nhau giải quyết. Điều này chắc chắn bao gồm tình hình ở Hồng Kông… Điều vô cùng quan trọng là hợp tác với Hoa Kỳ để chia sẻ mối quan tâm và tìm nền tảng chung để bảo vệ các giá trị và lợi ích của chúng ta".

Đề xuất của ông Borrell là một bất ngờ đối với một số nhà quan sát ngoại giao, vì bài đăng trên blog của ông vào Chủ Nhật dường như cho thấy rằng EU sẽ không hình thành một liên minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ về vấn đề Trung Quốc.

Ông viết trong blog : "Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là trục chính của chính trị toàn cầu, áp lực phải chọn phe nào đang gia tăng… Chúng ta là người Châu Âu phải làm điều đó ‘theo cách của chúng ta, với tất cả những thách thức mà việc này mang lại".

myeu2

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ, hôm 16/6

Bà Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp về Châu Á tại Trung tâm chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết, EU "chắc chắn đã gửi tín hiệu đầy mâu thuẫn về việc họ có muốn hợp tác với Mỹ hay không để đối phó hiệu quả hơn với các thách thức của Trung Quốc, hay đi theo con đường riêng của họ".

Ông Borrell đã không nói chi tiết về kết quả mong đợi của một cuộc đối thoại song phương với Mỹ, nhưng bà Glaser cho rằng "ít nhất, nó có thể cung cấp một kênh hữu ích để cập nhật tình hình lẫn nhau và thảo luận về sự khác biệt, và trong một số trường hợp, tạo ra một cách tiếp cận chung".

Bà Glaser cũng cho rằng một cuộc thảo luận về cách đối phó với các thông tin bóp méo ngày càng tăng từ Trung Quốc có thể mang lại kết quả, trong khi việc tìm ra tiếng nói chung trong các lĩnh vực khác như thương mại và các vấn đề quanh các tổ chức đa phương có thể khó khăn hơn.

Bà Glaser cũng nhận định : "Giúp Đài Loan tăng cường tham gia với quốc tế có thể là một chủ đề thú vị để thảo luận và hợp tác, mặc dù việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ làm ảnh hưởng đến các nỗ lực giúp Đài Loan khôi phục vai trò quan sát viên của mình".

Andrew Small, Thành viên cao cấp của Quỹ Marshall của Hoa Kỳ, gọi ý tưởng này của ông Borrell là "một bước hữu ích cho những ai muốn thấy một sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong việc điều hòa các chính sách của Trung Quốc giữa các nền dân chủ tự do".

Ông Small nói : "Phiên bản tối ưu của một cuộc đối thoại về Trung Quốc sẽ là một phiên bản có sự tham gia đầy đủ của Ủy ban Châu Âu, bao gồm văn phòng thương mại, chính sách đối ngoại, chính sách công nghiệp và các vấn đề kỹ thuật số".

Đề xuất của ông Borrell được đưa ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh thiếu cam kết trong mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thượng đỉnh đầu tiên giữa một lớp lãnh đạo Châu Âu mới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang lại rất ít kết quả, thậm chí không ra được một tuyên bố chung.

Tại cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Hai (22/6), Liên minh Châu Âu đã khẩn thiết đề nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn trong các cuộc đàm phán đang bế tắc để đạt được một thỏa thuận đầu tư và thương mại, một vấn đề ngày càng làm phiền lòng 27 thành viên EU. Nhưng lời đề nghị này dường như không được Trung Quốc đáp lại, khi nước này thắt chặt kiểm soát nền kinh tế trong nước và trở nên hiếu chiến hơn trong quan hệ với các cường quốc phương Tây.

Sự nhạy cảm của Trung Quốc về nguồn gốc của virus corona, các động thái của họ với Hồng Kông và chính sách ngoại giao hiếu chiến là các chủ đề chính của cuộc họp thượng đỉnh. Việc họp qua video cũng làm giảm khả năng đàm phán hoặc truyền tải các thông điệp thầm lặng.

Do đó, cuộc họp thượng định, vốn đã bị hoãn lại từ cuối tháng Ba, không có khả năng tạo ra một bước đột phá để đưa ra được một hiệp ước đầu tư. Lớp lãnh đạo mới của Châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Charles Michel, dù không kỳ vọng nhiều nhưng vẫn thực sự thất vọng về kết quả cuộc họp.

Mặc dù có nhiều bất đồng nhưng Mỹ và Châu Âu đang cùng nhau phải đối mặt với ‘hiểm họa’ Trung Quốc. Căng thẳng Mỹ – Trung Quốc vốn đã nghiêm trọng trong nhiều hồ sơ, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, lại càng trở nên trầm trọng hơn với đại dịch Covid-19.

Tổng thống Mỹ quy trách nhiệm cho Bắc Kinh đã để dịch bệnh bùng phát toàn cầu. Gần đây, việc Bắc Kinh ra luật về an ninh quốc gia cho Hồng Kông, bị Washington lên án như là một quyết định báo tử "quy chế tự trị" của cựu thuộc địa Anh Quốc, mà theo thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Luân Đôn, Hồng Kông sẽ được hưởng cho đến năm 2047.

Bắc Kinh thì liên tục tố cáo Washington gây căng thẳng trong mối quan hệ đôi bên.

Truyền thông Trung Quốc ngày 21/6 vừa qua trích dẫn báo cáo của Viện Nghiên Cứu Nam Hải của Trung Quốc năm 2020 về sự hiện diện quân sự Mỹ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào thời điểm căng thẳng và các hoạt động thù nghịch mà Trung Quốc cho là nhắm vào nước này có xu hướng gia tăng. Bản báo cáo đe dọa rằng gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến chiến tranh nếu Washington tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh.

Báo cáo của Trung Quốc cho rằng kể từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng năm 2017, Donald Trump đã khởi động một "cuộc tranh đua giữa các siêu cường", gần như là Chiến Tranh Lạnh.

Trang tin Pakistan Eurasiantimes lưu ý, đây cũng là lần đầu tiên trong một tài liệu chiến lược về an ninh quốc gia, Trung Quốc nói đến chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương nhắm thẳng đến sự thống trị của Mỹ trên toàn cầu.

Theo báo cáo này, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ có đến 375.000 nhân sự hiện diện trong các đơn vị hải quân, quân đội và thủy quân lục chiến. Hơn nữa, với hơn 85.000 quân được triển khai trước đó và một số lượng lớn vũ khí tiên tiến, quân đội Hoa Kỳ đã duy trì một thế thống trị tại Châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều năm qua.

Báo cáo được Hoàn Cầu Thời Báo nhắc đến còn tố cáo Mỹ tiến hành một loạt các hoạt động nhằm kiềm hãm Trung Quốc nhất là trong các hồ sơ dịch Covid-19, Hồng Kông, Đài Loan, công nghệ cao và quốc phòng. Báo cáo này cho rằng nhiều tàu chiến Mỹ thường xuyên xâm nhập vùng lãnh hải Trung Quốc, tiến hành các chiến dịch quân sự ở Biển Đông và đi xuyên eo biển Đài Loan. Và một trong những hành động được cho là khiêu khích nhất là việc Mỹ cho điều 3 chiếc hàng không mẫu hạm trong khu vực.

Cuối cùng, báo cáo kết luận, do những mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với nhiều nước trong khu vực và an ninh quốc gia, tranh chấp và mối quan hệ Trung – Mỹ trở nên trầm trọng có nguy cơ làm gia tăng xác suất xảy ra chiến tranh hay một cuộc xung đột.

Trong khi đó, Trung Quốc và Châu Âu cũng có rất nhiều bất đồng trong các vấn đề từ trợ cấp chính phủ và chuyển giao công nghệ tới biến đổi khí hậu và cơ hội bình đẳng cho các công ty Châu Âu đặc biệt là các hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc như việc đàn áp người Uighur (Duy Ngô Nhĩ).

Hồng Kông hiện cũng là điểm đối đầu gay gắt nhất giữa Liên Âu với Trung Quốc. Trong dịp Thượng đỉnh giữa Liên minh Châu Âu và Trung Quốc lần thứ 22, ngày 22/6/2020, Liên minh Châu Âu để ngỏ khả năng là các hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới, cho phép chính quyền trung ương can thiệp trực tiếp vào Hồng Kông.

Trước đó, ngày 20/6, Nghị viện Châu Âu ra một nghị quyết yêu cầu Liên Âu và các quốc gia thành viên kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế, có trụ sở tại La Haye, nếu Bắc Kinh áp đặt luật an ninh với Hồng Kông.

Ngoại trưởng các cường quốc khối G7 cũng ra một thông cáo chung với Liên Âu yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ việc áp dụng luật an ninh với Hồng Kông, bị tố cáo là xâm phạm nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", do chính Trung Quốc chủ trương. 

Hoàng Trung (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 29/06/2020

*************************

Huawei sắp bị chính phủ Anh miễn cưỡng ép ra đi ?

Trung Kiên, Thoibao.de, 29/06/2020

Chính phủ Anh đang sắp ra quyết định về vai trò của tập đoàn Trung Quốc Huawei trong hệ thống 5G và mạng internet băng thông rộng tại Anh.

myeu3

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair ngày 25/6 tuyên bố nước Anh cuối cùng sẽ phải đứng về phía Mỹ trong quyết định cho phép Hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia vào hệ thống 5G của Anh.

Trung tâm an ninh mạng quốc gia NCSC, thuộc ngành tình báo Anh, đã hoàn tất thu thập dữ kiện để báo cáo chính phủ.

Bộ Truyền thông, Kỹ thuật số thì đang xem xét hậu quả tài chính nếu áp đặt lệnh cấm hoặc hạn chế với Huawei.

Mới hồi tháng Giêng, chính phủ Anh tuyên bố Huawei vẫn được tiếp tục cung cấp thiết bị, chuyên môn cho các mạng Anh, tuy có hạn chế về thị phần của hãng.

Washington tiếp tục nói Huawei là rủi ro an ninh quốc gia, điều mà công ty phủ nhận.

Các trừng phạt mới nhất của Mỹ với Huawei, loan báo hồi tháng Năm, có vẻ đã tác động tới Anh quốc.

Trừng phạt mới nhất của Mỹ đe dọa khiến Huawei không thể cung cấp thiết bị truyền dữ liệu, và ảnh hưởng việc làm điện thoại và các mặt hàng dân dụng khác.

Năm ngoái, khi Huawei khoe chip di động mới Kirin 990 5G, họ nói chip này có hơn 10 tỷ bóng bán dẫn, hứa hẹn một hiệu suất vượt trội và ngốn ít điện năng hơn.

Nguyên do các sản phẩm phức tạp này có thể ra đời là vì ngành công nghiệp bán dẫn nay sử dụng các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA).

Vấn đề của Huawei là ba nhà thiết kế EDA hàng đầu đều có quan hệ với Hoa Kỳ.

Trừng phạt của Washington cấm Huawei và các bên thứ ba làm chip được dùng "công nghệ và phần mềm Mỹ".

Synopsys và Cadence đều đặt ở California.

Siemens của Đức đã mua Mentor Graphics nhưng công ty này có trụ sở ở Wilsonville, Oregon.

Trừng phạt cũng cấm các nhà sản xuất dùng thiết bị bán dẫn dựa vào công nghệ Mỹ.

Ngay cả nếu Huawei chuyển sang dùng công ty SMIC đặt ở Thượng Hải, công ty này cũng phải tuân thủ lệnh của Mỹ hoặc đối diện trừng phạt.

Anh quốc có thể sẽ cho rằng quá rủi ro nếu chỉ dựa vào Huawei khi mà công ty Trung Quốc có thể không thể làm ra các linh kiện.

Hoa Kỳ vẫn còn thời gian để đảo ngược lệnh cấm trước khi chúng có hiệu lực vào tháng Chín.

Nhưng dẫu vậy, nếu chính phủ Anh muốn tìm cớ để xem lại quyết định hồi tháng Giêng, rủi ro về các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử có thể là cơ hội.

Mỹ vừa đưa ra lời cảnh báo về những nguy cơ an ninh mà Huawei có thể gây, ra sau khi công ty này của Trung Quốc được Anh bật đèn xanh cho việc xây dựng một cơ sở nghiên cứu và sản xuất chip mới trị giá 1 tỷ bảng Anh.

Phía Mỹ nói quyết định của Anh làm lung lay niềm tin của Mỹ đối với Anh.

Các quan chức Hoa Kỳ đã trực tiếp vận động hành lang với các chính trị gia Anh để chống lại dự án nhà máy chip của Huawei. Nhưng một ủy ban gồm các ủy viên hội đồng cấp quận của South Cambridgeshire đã bỏ phiếu hôm thứ Năm 25/6 với tỷ lệ 9:1 ủng hộ dự án của Huawei.

Chưa đầy 24 giờ sau khi Anh bật đèn xanh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại tuyên bố của họ rằng Huawei đặt ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Họ tuyên bố công ty này có liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là các đồng minh và đối tác như Vương quốc Anh, hãy đánh giá cẩn thận tác động lâu dài của việc cho phép các công ty không đáng tin cậy như Huawei được tiếp cận thông tin nhạy cảm", Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố.

Bộ này từng khẳng định rằng Đảng cộng sản Trung Quốc lấy được công nghệ và tài sản trí tuệ thông qua "các cách thức hợp pháp và bất hợp pháp, thông qua hợp tác và thông qua lừa gạt, và bằng cách đầu tư, nghiên cứu chung, cũng như bằng cách ngang nhiên trộm cắp".

Với thực tế là Huawei phải nghe lời một chính phủ chuyên chế, điều đó có nghĩa là lòng tin "không thể tồn tại", Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Huawei cho biết họ sẽ chi 1 tỷ bảng Anh trong 5 năm tới để thành lập cơ sở mới gần Cambridge, ở miền đông nước Anh.

Cơ sở mới ở Cambridgeshire sẽ được sử dụng để phát triển và sản xuất công nghệ bán dẫn nhằm tăng tốc độ truyền dữ liệu qua các mạng cáp quang băng thông rộng.

Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, cho rằng Anh quốc rốt cuộc sẽ phải sát cánh cùng Hoa Kỳ trong vấn đề Huawei.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần ra quyết định và tôi nghĩ rằng cuối cùng thì quyết định đó phải ủng hộ cho Hoa Kỳ", ông Blair nói khi được hỏi về Huawei trong một chương trình của Reuters Newsmaker.

"Khó có chuyện chúng tôi không sát cánh với Hoa Kỳ về bất cứ chuyện gì đụng chạm đến an ninh của Hoa Kỳ", theo lời ông Blair.

Chính quyền Mỹ xác định các công ty hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có hãng viễn thông khổng lồ Huawei và công ty thiết bị an ninh Hikvision, đều do quân đội Trung Quốc làm chủ hoặc kiểm soát, theo tài liệu Reuters được xem qua ngày 24/6. Xác quyết này đặt nền tảng cho những chế tài tài chính mới của Mỹ.

Một viên chức quốc phòng Mỹ ẩn danh xác nhận tính xác thực của tài liệu vừa kể và cho biết hồ sơ đã được gởi sang Quốc hội.

myeu4

Tổng giám đốc Huawei Nhậm Chính Phi và chủ tịch Tập Cận Bình tại trụ sở của Huawei ở London năm 2015

Danh sách 20 công ty mà Washington cáo buộc được Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hỗ trợ bao gồm tập đoàn China Mobile Communications và China Telecommunications cũng như công ty chế tạo máy bay Aviation Industry Corp of China.

Việc chỉ định này do Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định, theo một đạo luật năm 1999 đưa ra một danh sách các công ty do Quân đội Giải phóng Nhân dân "làm chủ hay kiểm soát" chuyên cung cấp các dịch vụ thương mại, chế tạo, sản xuất hay xuất khẩu.

Chỉ định của Ngũ Giác Đài không kích hoạt chế tài, nhưng theo luật, Tổng thống có thể công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép ông chế tài bất cứ công ty nào trên danh sách này hoạt động tại Mỹ.

Các công ty liên quan như Huawei, Hikvision, China Mobile, China Telecom lẫn Tòa Bạch Ốc và tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Lầu Năm Góc đang chịu sức ép từ các nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ để công bố danh sách trên, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ – Trung tăng cao trên nhiều mặt trận từ công nghệ cho tới thương mại và chính sách đối ngoại.

Tháng 9 năm ngoái, lãnh đạo phe Dân chủ tại thượng viện Mỹ Chuck Schumer và thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton đã viết thư gửi lên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh sử dụng các tập đoàn Trung Quốc để khai thác các công nghệ dân sự cho mục đích quân sự.

Hãng tin Reuters đánh giá danh sách trên có thể sẽ làm làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. Tuần trước, Trung Quốc đã dọa trả đũa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì những vấn đề liên quan người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio nói rằng danh sách trên "là một bước khởi đầu, nhưng đáng tiếc vẫn chưa đầy đủ, để cảnh báo người Mỹ về các công ty do nhà nước sở hữu nhằm hỗ trợ các hoạt động của chính phủ Trung Quốc gây đe dọa cho an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ".

Thượng nghị sĩ Mỹ tố Trung Quốc chia rẽ phương Tây bằng Huawei

myeu5

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton

Thượng nghị sĩ Tom Cotton cảnh báo Mỹ có thể không triển khai chiến đấu cơ F-35 tại Anh vì nguy cơ an ninh từ việc nước này sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G.

Phát biểu trước Ủy ban quốc phòng hạ viện Anh ngày 2/6, thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton cảnh báo rằng việc để cho Huawei tham gia vào hạ tầng mạng của Anh có thể mở cửa cho tin tặc của quân đội Trung Quốc xâm nhập các hoạt động hậu cần quân sự của lực lượng đồng minh, theo BBC.

Ông Cotton cho rằng diễn biến này sẽ gây nguy cơ cho các hệ thống vũ khí Mỹ tại Anh, nhiều hơn cả ở những khu vực khác và giới chức cấp cao Mỹ đang thảo luận về vấn đề này.

Trước đó, ông Cotton từng cảnh báo Mỹ có thể gia tăng giám sát nguồn đầu tư của Anh vào Mỹ nếu London sử dụng thiết bị của Huawei, đồng thời đề xuất dự luật ngừng triển khai chiến đấu cơ F-35 của Mỹ tại Anh.

Tờ Daily Telegraph hồi tháng 5 đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chỉ thị lên kế hoạch tiến tới loại bỏ hoàn toàn sự liên quan của Trung Quốc trong hạ tầng mạng 5G tại Anh đến năm 2023. Chỉ thị được đưa ra giữa lúc chính quyền Anh không hài lòng về cách xử lý của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19.

Phát biểu ngày 2.6, nghị sĩ Cotton hy vọng chính quyền Anh sẽ thực hiện quyết định này sớm hơn nhằm giảm thiểu việc sử dụng công nghệ của Huawei. Ông nói rằng Trung Quốc đang tìm cách gây chia rẽ giữa các nước phương Tây bằng Huawei.

Ông Cotton khẳng định Mỹ, Anh và các đồng minh có thể hợp tác để phát triển mạng 5G ưu việt hơn của Trung Quốc. Đáp lại, phó chủ tịch Huawei Victor Zhang tố cáo Mỹ đang công kích Huawei vì mục đích giành vị thế trên thị trường chứ không phải vì lo ngại an ninh.

Merkel chưa cho Huawei tham gia mạng 5G Đức

Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu các nghị sĩ trì hoãn cho phép Huawei tham gia cung cấp hạ tầng mạng 5G ở Đức cho tới tháng 3.

Các nguồn tin thân cận với chính phủ Đức hôm 20/1 cho hay bà Merkel yêu cầu các nghị sĩ chờ đợi thêm và chỉ ra quyết định về Huawei sau khi các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) nhóm họp vào tháng 3.

"Merkel cho rằng sự phối hợp của EU về vấn đề này rất quan trọng và bà hiện chưa vượt qua được những bất đồng trong liên minh cầm quyền về Huawei", nguồn tin cho hay.

Các thành viên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Merkel hiện chia rẽ về việc có nên ủng hộ đề xuất của đối tác đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nhằm ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc Huawei tham gia cung cấp mạng 5G ở Đức hay không. Bà Merkel ủng hộ các yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt đối với mạng 5G.

Trong cuộc họp vào tháng 3 tại Brussels, Bỉ, các lãnh đạo EU sẽ thảo luận khả năng Huawei tham gia mạng viễn thông Châu Âu hay không. Các nhà mạng Đức đều là khách hàng của Huawei và cảnh báo rằng nếu chính phủ cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, Đức có thể mất thêm nhiều năm và hàng tỷ USD để xây dựng mạng 5G.

Trung Quốc cho rằng các hạn chế mới của Mỹ nhắm vào tập đoàn Huawei là "đàn áp vô lý", hủy hoại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cục An ninh và Công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ hôm qua thông báo kế hoạch ngăn tập đoàn Huawei của Trung Quốc sử dụng công nghệ và phần mềm Mỹ để thiết kế, sản xuất các sản phẩm bán dẫn ở nước ngoài. BIS cho biết kế hoạch này được thiết kế nhằm chặn đứng nỗ lực của Huawei lách lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Các hạn chế mới sẽ khiến Huawei không thể tiếp cận được nhà sản xuất chip Tiến sĩ MC của Đài Loan, một trong những nhà cung cấp hàng đầu của hãng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ra thông cáo cảnh báo kế hoạch này của Mỹ sẽ "phá hủy chuỗi sản xuất, cung ứng và giá trị toàn cầu", khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty nước này.

"Chúng tôi kêu gọi Mỹ chấm dứt ngay lập tức hành động đàn áp vô lý đối với Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Giới chức Mỹ nhiều lần cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật thương mại của nước này và hỗ trợ các hoạt động do thám của Trung Quốc, làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh quanh vấn đề thương mại, khiến Huawei phụ thuộc nhiều hơn nữa vào công nghệ nội địa.

Với lệnh hạn chế mới của Bộ Tài chính Mỹ, các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ bị cấm bán sản phẩm bán dẫn cho Huawei mà không được Washington cho phép.

Tờ Global Times dẫn lời một quan chức chính phủ Trung Quốc tuyên bố nước này sẵn sàng nhằm vào các tập đoàn Apple, Qualcomm, Cisco và Boeing để trả đũa hạn chế của Mỹ đối với Huawei. Các biện pháp đáp trả có thể bao gồm đưa 4 công ty trên của Mỹ vào danh sách "thực thể không đáng tin cậy", cho phép Trung Quốc mở các cuộc điều tra nhằm vào họ và thậm chí đình chỉ thương vụ mua máy bay với Boeing.

Victor Gao, phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết Bắc Kinh có nhiều cách để trả đũa các hạn chế mới nhằm vào Huawei, gồm bán hoặc dừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ và thắt chặt kiểm soát với các sản phẩm của Apple.

"Nếu Bắc Kinh tuyên bố mọi sản phẩm Apple sản xuất tại Trung Quốc phải được kiểm định, quá trình vận chuyển hàng sẽ bị trì hoãn trong ba tháng và Apple sẽ chết", Victor Gao nói.

Trung Kiên

Nguồn : Thoibao.de, 29/06/2020

*************************

Đã đến lúc cần loại Trung Quốc ra khỏi các định chế quốc tế

Hoàng Lan, Thoibao.de, 29/06/2020

Trung Quốc là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thậm chí còn nắm một ng năm chiếc ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng lại là quốc gia vi phạm nghiêm trọng những quy định của các tổ chức này. Sự hiện diện và quyền lực Trung Quốc trong các định chế ấy với bản chất là một chế độ độc tài có mục đích thống trị thế giới về kinh tế và quân sự rõ ràng là "phản tự nhiên và nguy hiểm". Đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần phải hành động, loại Trung Quốc ra khỏi các định chế quốc tế này.

myeu6

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh, ngày 28/01/2020

Ngay từ thời điểm xuất hiện một con virus chủng mới gây căn bệnh lạ, Trung Quốc đã lũng đoạn Tổ chức Y tế Thế giới WHO để trì hoãn việc công bố đại dịch.

Giới chuyên gia đánh giá WHO đã hành động quá chậm khi đối phó Covid-19. Các quan chức Đài Loan đã cảnh báo WHO ngày 31/12/2019 về khả năng Covid-19 lây nhiễm từ người sang người nhưng WHO dường như không lưu tâm.

Biên tập viên Therese Raphael của Bloomberg nhận xét WHO đã để lỡ "thời cơ vàng" để ngăn Covid-19, khi tới 30/1 cơ quan này mới ban bố tình trạng khẩn cấp. Cho tới tháng 2, Tổng giám đốc WHO vẫn từ chối khuyến nghị cấm toàn bộ chuyến bay hoặc đình chỉ đi lại với Trung Quốc, cho rằng động thái sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn lực trong cuộc chiến chống Covid-19.

Mặc dù nhiều nhà khoa học hàng đầu xem Covid-19 là đại dịch từ trước đó rất lâu, khi nó lây lan chóng mặt từ quốc gia này sang quốc gia khác, WHO chỉ công nhận điều này vào ngày 11/3.

Việc WHO liên tục dành cho Trung Quốc những lời ca ngợi, như giúp thế giới "câu giờ" trong cuộc chiến với Covid-19, cũng khiến dư luận không đồng tình. Bruce Aylward, Cố vấn cao cấp của WHO, từng gây bức xúc khi phớt lờ câu hỏi của phóng viên về sự thành công của Đài Loan khi đối phó với nCoV.

Thất vọng về phản ứng mang tính chính trị hóa như vậy, Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso châm biếm rằng WHO nên đổi tên từ "Tổ chức Y tế Thế giới" thành "Tổ chức Y tế Trung Quốc".

Điều phối viên đội phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng Deborah Birx đã nói rằng những thông tin mà Trung Quốc cung cấp khiến thế giới nhận định nhầm rằng nCoV có thể dễ dàng kiểm soát hơn thực tế. Điều đó cũng cho thấy sai lầm của WHO khi quá "cả tin" dữ liệu từ Trung Quốc.

WHO đã quá "thân thiện" với Bắc Kinh khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Những thực tế trên cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với WHO.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn thao túng trắng trợn cả tổ chức quốc tế lớn nhất là Liên Hiệp Quốc cùng cơ quan quyền lực nhất của nó là Hội đồng Bảo An mà Trung Quốc là một trong năm nước thường trực.

Ai cũng biết, ngay từ khá sớm, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay là nghiêm trọng nhất đối với nhân loại kể từ năm 1945. Trong vòng nhiều tuần trước đó, toàn bộ hành tinh đã rơi vào tình trạng náo loạn, virus corona mới khiến hàng chục nghìn người chết, hàng tỉ người phải sống trong tình trạng phong tỏa. Tuy nhiên, phải đến ngày 09/4, một cuộc họp qua cầu truyền hình đầu tiên về Covid-19 mới được tổ chức tại Hội đồng Bảo An.

Tại sao lại có sự chậm trễ đến như vậy ? Nguyên nhân không đến từ một yếu tố nào xa lạ mà chính là từ một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An và cũng là quốc gia khởi phát đại dịch – Trung Quốc.

Ngay từ đầu tháng 3/2020, Trung Quốc, với tư cách chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo An trong tháng, đã tuyên bố sẽ không tổ chức bất cứ thảo luận nào về đại dịch. Đại sứ Trung Quốc Zhang Jun giải thích : không cần thiết phải tổ chức thảo luận, vì thế giới đang sắp sửa vượt qua dịch, "khi mùa xuân đến". Kết cục là trong tháng 3, Hội đồng Bảo An đã thảo luận về nhiều xung đột trên thế giới, nhưng lại không hề đả động đến đại dịch đang khiến toàn cầu chao đảo. Bắc Kinh đã tìm mọi cách đến ngăn cản các cường quốc "nhúng mũi vào dịch Covid-19 tại Trung Quốc, và những bê bối của nước này trong việc xử lý dịch bệnh này".

Và cuộc họp vào tháng 4 cũng đã không mang lại điều tốt đẹp nào cho thế giới. Không hề có bức ảnh nào về cuộc họp đựợc công bố ngoài một bức chụp lại từ màn hình đăng trên Tweeter của Đại sứ Đức, người đã nỗ lực vận động để tổ chức cuộc họp này. Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo An tháng 4/2020 là Cộng hòa Dominica. Kết quả của cuộc họp đầu tiên về Covid-19 của Hội đồng Bảo An là một thông cáo báo chí, được đại diện của Cộng hòa Dominica đọc trong vòng 70 giây. "Hình ảnh mờ nhạt, đứt đoạn" của thông báo báo chí từ Hội đồng Bảo An hôm đó là "một biểu hiện sống động cho tình trạng chắp vá của cơ chế điều hành toàn cầu hiện nay".

Còn tại Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, suốt gần hai thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn không chứng minh được mình là một đối tác tin cậy.

Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới kể từ năm 2001. Tuy không còn là quốc gia đang phát triển, nhưng Trung Quốc lại luôn được hưởng những ưu đãi liên quan đến quy chế này, trong khi đây là một nền kinh tế chỉ đạo, một thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước, chứ không phải là kinh tế thị trường.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất lợi dụng đủ WTO để thành công trong công nghiệp hóa vì Trung Quốc hứa mà không làm, ký kết mà không thực thi bất kỳ một điều khoản nào.

Bằng việc vi phạm các cam kết này, Trung Quốc đã bảo hộ doanh nghiệp nhà nước của mình tại thị trường trong nước khiến hàng hóa của nước ngoài khó có thể cạnh tranh trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hưởng vô số ưu đãi, từ tiếp cận tài chính, tài nguyên, công nghệ cưỡng chế và ăn cắp từ các doanh nghiệp FDI… cho tới nguồn vốn dồi dào từ thị trường tài chính quốc tế chảy vào Trung Quốc trong gần hai thập kỷ qua.

Trung Quốc đã lạm dụng nhằm hưởng các ưu đãi bất công bằng về thuế, tiếp cận thị trường và cưỡng chế chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, bản thân Trung Quốc cũng vi phạm các cam kết với mọi tổ chức quốc tế khác mà nó tham gia về vấn đề bảo vệ môi trường, nền kinh tế thị trường đầy đủ, thể chế dân chủ và minh bạch. Các vi phạm này trở thành cơ hội để Trung Quốc tăng trưởng phi giới hạn, hàng hóa Trung Quốc ngập tràn thế giới bằng giá rẻ. Sau đó Trung Quốc lại mang chính năng lực sản xuất hàng hóa giá rẻ này lên bàn đàm phán với các tổ chức quốc tế, với các nền kinh tế khác để đổi lấy sự im lặng trong lợi ích kinh tế, chính trị của họ.

Vào cuối năm 2018, ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ đưa ra đề nghị có thể "trục xuất Trung Quốc" ra khỏi WTO. Ông khẳng định Trung Quốc đã cư xử không đúng với tư cách của một thành viên của WTO.

Ông Kevin Hassett nói : "Chúng tôi chưa bao giờ hình dung được rằng có một quốc gia gia nhập WTO mà hành xử như cái cách mà Trung Quốc đang làm. Một thành viên WTO cư xử sai phạm quá nhiều như thế này khá là mới".

RFI đã dẫn lại nhận định của Nhà tư vấn doanh nghiệp Francis Journot rằng Đảng cộng sản Trung Quốc là hiểm họa cho tự do dân chủ và hòa bình nhân loại.

myeu7

Binh lính Trung Quốc làm lễ tại Trạm Giang, Quảng Đông để chuẩn bị đến căn cứ quân sự Djibouti ngày 11/7/2017

Ông phân tích : Trung Quốc có quân đội đứng thứ nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Ban đầu chỉ giới hạn ở phòng vệ, quân đội Trung Quốc nay đã trở thành một lực lượng đi chinh phục thế giới, mà sức mạnh đang tăng lên khiến khó thể nghi ngờ về mục đích địa chính trị. Việc lập căn cứ hải quân ở Djibouti tại vùng Sừng Châu Phi và một pháo đài thống trị Ấn Độ Dương có thể tiếp nhận nhiều chiến hạm lớn, thậm chí hàng không mẫu hạm, đã khẳng định tham vọng ấy. Lực lượng có thể đạt đến 10.000 người vào năm 2026.

Đất nước này đang nỗ lực vũ trang chưa từng thấy trong thời bình. Với nhịp độ hoạt động của tổ hợp kỹ nghệ quốc phòng đứng đầu thế giới về số lượng công nhân, Bắc Kinh có thể tự hào trong một, hai thập niên với tư cách cường quốc hải quân hàng đầu. Hai tàu sân bay và những chiếc khác đang được đóng, một tàu ngầm được xuất xưởng mỗi quý, và một khu trục hạm mới hàng tháng, hợp thành một hạm đội hiện nay đã lên đến 700 chiến hạm, có thể hoạt động tại tất cả các vùng biển.

Trong một bài viết của tờ báo Hồng Kông South China Morning Post đăng ngày 12/5/2020 mang tựa đề "Trung Quốc tung ra tàu ngầm mang đầu đạn nguyên tử mới nhất và nhận được một giải thưởng khoa học", nhà báo Liu Zhen bình luận về các thử nghiệm hỏa tiễn nguyên tử JL3 tầm xa12.000 km, có thể từ vùng duyên hải Trung Quốc phóng sang tận đất Mỹ. Những hỏa tiễn này sẽ được trang bị cho các tàu ngầm thế hệ mới kể từ năm 2025.

Các vụ bắn thử hỏa tiễn được tuyên truyền rầm rộ khi các nhà nghiên cứu được trao các giải thưởng khoa học thuộc loại danh giá nhất của Trung Quốc, một lần nữa lại là sự biểu dương sức mạnh trước thế giới.

Ngân sách của quân đội Trung Quốc là 250 tỉ đô la trong năm 2018 và được tăng lên hàng năm (tăng 7,5% trong năm 2020), có thể gần bằng phân nửa so với Hoa Kỳ trong những năm tới. Nếu tính đến thực tế ngân sách quân sự Trung Quốc nhờ nhân công giá rẻ nhất, nên có thể sản xuất ra một lượng lớn thiết bị hơn so với Hoa Kỳ, rõ ràng là nỗ lực vũ trang này là hiếm thấy, hoặc chưa từng thấy trong thời bình.

Trong khi đó, cách biệt giàu nghèo rất lớn, và 22% dân số đang độ tuổi lao động Trung Quốc bị thất nghiệp trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Sự chuẩn bị ồ ạt như thế cho quân đội, khiến chúng ta không thể không nhớ lại thời kỳ tái vũ trang của Đức quốc xã kể từ năm 1933, trước và trong Đệ nhị Thế chiến.

Trong bối cảnh đó, nhà quan sát người Pháp kêu gọi hai thị trường tiêu thụ chính là Châu Âu và Mỹ, hai nhân tố vẫn luôn giữ được chiếc chìa khóa quyền lực kinh tế với Trung Quốc cần phải hành động.

Châu Âu và Mỹ cần phải có quyết định kìm hãm lại tham vọng điên cuồng của chế độ độc tài cộng sản thô bạo, được lãnh đạo bởi một chủ tịch đầy cuồng vọng, và nhờ độc đảng nên có thể ngự trị, dù có thể là người dân không mong muốn. Việc đặt lại vấn đề về tính chính danh và chính sách của Tập Cận Bình trên trường quốc tế có thể làm yếu đi quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Ông đề xuất việc loại Trung Quốc ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bởi cách làm này có thể làm Trung Quốc trở nên ôn hòa hơn, giúp thế giới trong thời gian dài tránh được nguy cơ một cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc. Cũng cần nhanh chóng có được một sự thỏa thuận lịch sử giữa chủ tịch Ủy ban Châu Âu và Tổng thống Hoa Kỳ để đòi hỏi hai tổ chức quốc tế trên thực hiện.

Đề xuất của nhà quan sát người Pháp là rất táo bạo nhưng chỉ mang tính tham khảo bởi để đi đến quyết định và hành động thì là cả câu chuyện dài nhưng không phải không khả thi bởi lời kêu gọi "Bãi bỏ tư cách thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Trung Quốc" của một người Việt sống tại Anh trên trang change.org đến ngày 14/6 đã thu hút hơn 37.000 chữ ký.

Trong số những người ký thỉnh nguyện thư, có nhiều người là người Anh, Mỹ, Nhật, Ấn Độ… Điều này cho thấy đây là vấn đề được sự quan tâm và ủng hộ mạnh của nhiều nước, nhiều người trên thế giới.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang ấp ủ thành lập liên minh mới nhằm cô lập Trung Quốc.

myeu8

Tổng thống Trump với Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi

Theo South China Morning Post, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch mời Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga cùng tham dự cuộc gặp sắp tới của hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), gồm Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật, Mỹ và Canada.

Chia sẻ với báo chí, ông Trump biết, ông không có cảm giác rằng G7 đang đại diện chính xác cho những gì diễn ra trên thế giới và ông cảm thấy G7 đã "rất lỗi thời". Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về các vấn đề như xử lý đại dịch Covid-19 cũng như Hồng Kông.

Đây là động thái khá bất thường và nó dẫn đến các suy đoán Washington đang cố thành lập một khối mới để cô lập Bắc Kinh.

Trước đó, ông Trump không nói cụ thể liệu có muốn nhóm G7 trở thành G11 từ nay về sau, mà chỉ cho biết ông muốn 4 quốc gia trên tham dự hội nghị thượng đỉnh của G7 và muốn hội nghị thượng đỉnh thảo luận về Trung Quốc.

Trên thực tế, cả Hàn Quốc và Australia đều là đồng minh lâu năm của Mỹ, trong khi đó Ấn Độ là một quốc gia quan trọng trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Washington. Ấn Độ đang bất đồng với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở khu vực biên giới, còn nước Úc gần đây kêu gọi cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona, cũng như bày tỏ quan ngại về luật an ninh mới sắp được Trung Quốc áp dụng cho Hông Kông.

Hồi tháng 3, ngay giữa lúc đại dịch Covid-19 lên cao điểm, nước Mỹ đã tái khởi động lại nhóm Bộ tứ Quad (bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật và Mỹ) sau 10 năm gián đoạn, nhưng điểm đặc biệt là có mời thêm New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để trở thành "Bộ tứ mở rộng" (Quad Plus).

Truyền thông thế giới dậy sóng với kế hoạch Mỹ xây dựng một "mạng lưới kinh tế thịnh vượng" (Economic Prosperity Network), mục đích được cho là sẽ chuyển dịch chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt khi đại dịch cho thấy vai trò then chốt của Bắc Kinh trong nền kinh tế thế giới. Sáng kiến mang tên Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế nhằm đưa các quốc gia và doanh nghiệp xích lại gần nhau để "vận hành theo một hệ giá trị chung".

Không chỉ Mỹ, hôm 29/5, Anh cho biết nước này đang hối thúc Mỹ hình thành một câu lạc bộ gồm 10 quốc gia có thể tự phát triển công nghệ 5G và giảm sự phụ thuộc vào tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Hoàng Lan

Nguồn : Thoibao.de, 29/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Trung, Trung Kiên, Hoàng Lan, VOA tiếng Việt,
Read 701 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)