Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/07/2020

Sáu chủng virus corona được tìm thấy trên động vật hoang dã ở Việt Nam

Mỹ Hằng

Các nhà khoa học vừa công bố nghiên cứu cho thấy có 6 chủng virus corona được phát hiện trên động vật hoang dã tại Việt Nam.

thuhoang1

Các trang trại gây nuôi động vật hoang dã chung với các thú nhà tạo điều kiện cho virus corona lây lan giữa các loài với nhau

Sáu loại virus này được phát hiện trên dơi và các loài gậm nhấm tại 70 địa bàn khác nhau tại Việt Nam, nơi nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập mẫu công phu trong vòng 5 năm, từ 2009-2014.

Hơn một nửa số động vật hoang dã nuôi trong các trang trại ở Việt Nam được phát hiện dương tính với các chủng virus corona (60,7%), đặc biệt ở nhím và chuột tre.

Đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đang làm việc cho tổ chức WCS tiến hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, tổ chức EcoHealth Alliance của Mỹ, cùng một số tổ chức khác, công bố trên BioRxiv.

Nghiên cứu ra đời trong bối cảnh các tiếp xúc giữa con người với động vật hoang dã, như dơi, nhiều khả năng đã khiến một chủng virus corona được cho là có nguồn gốc từ các chợ động vật hoang dã tại Trung Quốc, lây lan rộng, dẫn đến đại dịch SARS-CoV-2.

Trong khi dơi được cho là vật chủ của mọi chủng virus corona, chuỗi cung ứng động vật hoang dã tương sống nói chung bị nghi ngờ là đã đóng góp các điều kiện cần để các virus này xuất hiện, lây lan và khuyếch tán ở người.

thuhoang2

Các trang trại gây nuôi động vật hoang dã được cho là góp phần gây ra các đại dịch toàn cầu, trong đó có SARS và Covid-19

Để hiểu rõ hơn về sự tồn tại, mức độ đa dạng của virus corona ở động vật hoang dã và nguy cơ lây lan từ động vật sang người, các nhà khoa học đã lấy mẫu từ chuột đồng, từ các loại gặm nhấm được gây nuôi tại các trang trại, và từ dơi nuôi hoặc dơi tự nhiên sống gần người tại các khu vực có nguy cơ cao tại Việt Nam.

thuhoang3

Gấu nuôi lấy mật trong những chuồng nhốt bị giới vận động phê phán là chật hẹp, tệ hại ở Việt Nam (ảnh chụp tháng Tư 2018)

Việt Nam có khoảng hơn 6.000 trang trại gây nuôi động vật hoang dã ở 12 tỉnh thành niềm Nam, thời điểm năm 2014, với khoảng hơn 1 triệu loài từ động vật gặm nhấm, linh trưởng, cầy hương, lợn rừng, rắn chuột, hươu, cá sấu, chủ yếu bán cho các nhà hàng trong và ngoài nước để làm thức ăn cho người.

Các trang trại này tại Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng động vật hoang dã thương mại quốc tế, được cho là góp phần gây ra các đại dịch toàn cầu, trong đó có SARS và Covid-19.

'Đặc sản' chuột đồng, dơi dương tính với virus corona

Theo nghiên cứu, mỗi năm người Việt tiêu thụ khoảng 3.300-3.600 tấn chuột đồng, vào thời điểm đầu những năm 2000. Thị trường chuột đồng lúc đó trị giá khoảng 2 triệu đôla Mỹ mỗi năm.

Nhưng 'đặc sản' này có tỷ lệ nhiễm viurs corona khá cao, Hơn một nửa số chuột đồng bán tại các nhà hàng xét nghiệm dương tính với virus corona (56%), trong khi con số này là 32% ở chợ và 21% ở thương lái.

Người Việt Nam và Campuchia sống dọc khu vực sông Mekong cho hay họ ăn thịt chuột ít nhất tuần một lần, vì 'rất ngon', 'giá rẻ'.

Ở các vùng như Đồng Tháp, Sóc Trăng, nông dân cũng làm nhiều lưới nuôi dơi ngay sau vườn nhà, bên dưới nuôi gà, vịt, heo, bò, hoặc là sân chơi trẻ em, mà không có phương tiện bảo vệ nào.

Trong khi đó, dơi tại Việt Nam, Campuchia và Nepal đã được chứng minh là vật chủ mang PREDICT_CoV-17 và PREDICT_CoV-35. Cùng một loại virus corona được tìm thấy ở nhiều loài dơi làm dấy lên câu hỏi có phải chúng đã lây lan qua nhau trong quá trình chung sống.

Ngoài ra, trong phân các loài gặm nhấm được bán thương mại có virus corona tìm thấy trong dơi và gia cầm. Điều này cho thấy việc gây nuôi các loài hoang dã trong một môi trường tạo điều kiện để virus phối kết hợp, và rất có thể lây lan sang con người.

Bà Amanda Fine, Giám đốc Chương trình Sức khỏe động vật hoang dã Châu Á của tổ chức WCS, đồng tác giả của nghiên cứu, được trích lời trên báo Nhân Dân, cho hay : "Các chuỗi cung ứng động vật hoang dã và điều kiện sống mà động vật hoang dã trải qua trong chuỗi cung ứng này có vẻ làm gia tăng đáng kể mức độ xuất hiện của virus corona. Bên cạnh đó, chúng tôi đã ghi nhận được sự phơi nhiễm virus corona từ dơi và chim trong các loài gặm nhấm được nuôi tại các trang trại".

"Sự thịnh hành và mức độ đa dạng của virus corona cùng với việc nuôi nhốt chung nhiều loài động vật như chúng tôi thấy trong hoạt động buôn bán động vật hoang dã đang tạo ra cơ hội cho các chủng virus corona kết hợp và lan rộng", bà Amanda Fine nói.

Khả năng lây lan virus từ động vật sang người

thuhoang4

Một vụ bắt giữ các sản phẩm từ gấu, voi bị buôn bán trái phép

Các tác giả của nghiên cứu cũng cảnh báo nguy cơ bùng phát lây lan virus từ động vật sang người trong quá trình buôn bán động vật hoang dã.

Theo kết quả nghiên cứu, khi bị nuôi nhốt trong điều kiện chật chội cùng các loài động vật khác du nhập từ nhiều nguồn, động vật hoang dã thường bị căng thẳng.

Bên cạnh đó, tình trạng dinh dưỡng kém góp phần làm suy giảm chức năng miễn dịch của các loài vật, dẫn tới việc gia tăng nguy cơ lây lan và phát tán virus corona trong chuỗi cung ứng.

Chẳng hạn, nghiên cứu trên các loài gặm nhấm chỉ ra nguy cơ lây lan virus corona từ loài này tới các loài khác như giữa cầy và tê tê ở những nơi có số lượng lớn động vật bị thu gom, vận chuyển và nuôi nhốt.

Đặc biệt, các tác giả nhấn mạnh nguy cơ của việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona từ động vật sang người.

Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo rằng hoạt động buôn bán động vật hoang dã góp phần khiến con người tiếp xúc gần hơn với nhiều loài vật mang virus corona, do đó làm tăng khả năng nhiễm và phán tán virus corona.

Điều này dẫn tới nguy cơ lây truyền virus trong cùng loài và giữa các loài với nhau, và làm tăng khả năng kết hợp của các chủng virus corona với nhau.

Chuỗi cung ứng động vật hoang dã từ trang trại tới nhà hàng tạo ra vô số cơ hội dẫn tới bùng phát dịch bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 hiện nay, cùng với ít nhất 61% các bệnh ở người, có nguồn gốc từ động vật. Những dịch bệnh tương tự gần đây như SARS, MERS và Ebola cũng bắt nguồn từ các loại virus có ở động vật và lây truyền sang người.

Các tác giả nghiên cứu khuyến nghị một số biện pháp phòng ngừa cụ thể như hạn chế hoạt động giết mổ, gây nuôi thương mại, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, chế biến và tiêu thụ động vật hoang dã.

Việt Nam đang làm tới đâu ?

BBC News Tiếng Việt mới đây gọi điện tới số điện thoại của một Youtuber sống tại một tỉnh miền múi phía bắc Việt Nam-người chuyên quay và đăng các video về các món ăn vùng cao, đặc biệt là các chuyến săn động vật hoang dã như dơi, dúi... làm thức ăn-lên YouTube.

Bùi Đình Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) nói với BBC rằng kể từ hai tháng trước anh đã ngừng hoàn toàn việc săn bắn và cũng ngừng đăng các video liên quan đến hoạt động này.

"Chính phủ hiện giờ cấm rồi. Đã có hai Youtuber bị phạt vì đưa hình ảnh săn bắn và ăn động vật hoang dã lên mạng. Tuy dơi không có trong sách đỏ, không phải loài quý hiếm nhưng hiện giờ vẫn bị cấm vì dịch Covid-19", Nam cho hay.

Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Chương trình WCS Việt Nam, đồng tác giả nghiên cứu nói trên, thì cho tờ Nhân Dân hay rằng kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo "rất quyết liệt để thực thi các quy định việc buôn bán động vật hoang dã". Trong đó có công văn của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/3/2020 "chỉ đạo xem xét việc cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã".

Đại diện các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thời điểm đó từng đánh giá cao 'bước tiến lớn' của chính phủ Việt Nam, và rằng đây phải là "hành động khẩn cấp" và họ sẵn sàng làm việc với chính phủ Việt Nam để thực thi Chỉ thị như vậy.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt vào tháng 4/2020, bà Hoàng Minh Hồng, học giả Quỹ Obama và hiện đang điều hành tổ chức phi chính phủ CHANGE, cho hay Việt Nam "đang soạn thảo Chỉ thị nghiêm cấm việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã theo yêu cầu của Thủ tướng chính phủ".

Thế nhưng từ đó tới nay vẫn chưa thấy tăm hơi một chỉ thị như vậy đâu.

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 02/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mỹ Hằng
Read 735 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)