Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2017

Nhà sử học Dương Trung Quốc : Lịch sử cần được nhìn lại

Tường An

Sau hơn 40 năm chấm dứt chiến tranh, lịch sử Việt Nam không còn cần thiết để chỉ đáp ứng nhu cầu chính trị phục vụ cho "cuộc cách mạng thần thánh" nữa. Đã đến lúc có một độ lùi nhất định để nhìn lại lịch sử một cách khách quan hơn. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho đài Á Châu Tự Do biết về công trình nghiên cứu để viết một bộ Quốc sử mà nhóm ông - do Giáo sư Phan Huy Lê chủ trương - đang thực hiện.

su1

Ông Dương Trung Quốc nói chuyện với Người Việt tại Paris nhân một chuyến sang Pháp tìm tài liệu viết Quốc Sử. Photo by Tuong An

Lịch sử mà không khách quan...

Lịch sử Việt Nam đã trải qua 4000 năm văn hiến. Đó là câu người Việt thường nói một cách tự hào. Tuy nhiên, qua từng thời kỳ của lich sử, những nhân chứng đã không còn, những tài liệu đã bị hủy hoại theo năm tháng, lịch sử Việt Nam đã bị mất mát rất nhiều, đã bị bóp méo không ít để phục vụ cho mục tiêu chính trị. Ngay cả sau khi đã thống nhất, lịch sử vẫn không được viết một cách trung thực do môn lịch sử học được sử dụng như một công cụ tuyên truyền, một vũ khí văn hóa để huy động quần chúng. Vì những lý do đó, một nhóm nghiên cứu thông sử được thành lập để nhìn lại sử Việt Nam dưới cái nhìn tương đối khách quan hơn. Trong đó, có nhà nghiên cứu sử Dương Trung Quôc, ông cũng là một đại biểu quốc hội 4 nhiệm kỳ liên tiếp, nổi tiếng với những phát biểu được coi là thẳng thắng, tham gia vào nhóm nghiên cứu cho biết lý do cần phải có một bộ sử mới :

"Chúng tôi nghĩ rằng là ai nói đến lịch sử cũng thường nói đến yếu tố là tính khách quan, thậm chí là phi chính trị. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một yếu tố mang tính tương đối thôi, bởi vì làm sao có thể khách quan được khi do một nhóm người rất cụ thể viết ra và nhất là trong những chế độ do nhà nước chủ đạo.

Có lẽ vì thế cho nên là ở Việt Nam thời kỳ hiện đại thì sớm nhất là những bộ sử do một số những nhà nho lớn tiếp cận với phương Tây thí dụ như cụ Trương Vĩnh Ký chẳng hạn, chúng tôi cũng rất trân trọng đóng góp của một số sử gia người Pháp thí dụ như của trường Viễn Đông Bác Cổ. Cụ Trần Trọng Kim là một nhà giáo, tuy chỉ ghi nó xuống như một giáo trình sư phạm thôi, nhưng với tầm nhìn và cách nhìn nhận thì phải nói đấy là những dấu ấn rất sâu sắc nhưng nó chưa thật sự là một bộ quốc sử hiểu theo nghĩa cổ điển của nó".

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, dù sao, lịch sử luôn luôn được viết bởi những con người đang phục vụ cho một thế chế chính trị, do đó, tính khách quan khi viết sử cũng còn khá hạn chế. Theo ông, muốn viết sử một cách khách quan cần có một độ lùi nhất định :

"Còn với bộ sử hiện nay, bộ sử được coi như mang tính chất nhà nước là do Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đứng ra tổ chức và năm 1970, vào thời điểm chiến tranh, cho nên rõ ràng cái định hướng là huy động sức mạnh tinh thần, trong đó khai thác giá trị lịch sử để đạt được mục tiêu chính trị, mục tiêu lịch sử của cuộc cách mạng. Rõ ràng những bộ sử ấy cũng chưa hoàn thiện, nó chỉ tương đối suông sẻ từ thời thượng cổ cho đến khi thành lập nhà nước Việt Nam. Còn giai đoạn sau thì nó mang tính chất đương đại vì dẫu sao phải có độ lùi thời gian và có cách nhìn nhận, tránh chủ quan và đặc biệt là không bị tác động quá mạnh của yếu tố chính trị".

Mặc dù các bộ sử Việt Nam hiện nay do nhà nước chính thống xuất bản khá nhiều và phổ quát, thế nhưng do yếu tố tuyên truyền chính trị, bộ sử hiện tại vẫn chưa đáp ứng được tính khách quan và khoa học cần có trong giai đoạn mà Việt Nam muốn hội nhập vào thời đại toàn cầu hóa, vì thế nhóm nghiên cứu hy vọng với những phương pháp khoa học hiện đại và tính khách quan cần thiết có thể viết lại bộ sách tạm gọi là Quốc sử này.

Bộ sử này được huy động những chuyên gia đầu ngành. Người chủ trì nhóm là Giáo sư Phan Huy Lê. Dự định thực hiện trong vòng 3-4 năm, bắt đầu từ năm 2015.

Bộ Quốc sử được biên soạn sẽ gồm 25 tập, trong đó có 21 tập gọi là thông sử, tức được viết theo các giai đoạn lịch sử thông thường từ thời tiền sử đến hiện đại. Bản thân ông Dương Trung Quốc sẽ tham gia vào 1 trong 4 tập còn lại viết về giai đoạn từ 1858-1945 dưới hình thức chronology, tức biên niên sử.

"Trong đó có một tập mà tôi tham gia dưới hình thức là biên niên sử (chronology) một phương thức nhận thức đươn giản hơn để cho mọi người đọc, nó không chỉ là phàn hỗ trợ (suplément) phụ lục mà nó là một bộ sử viết theo cách biên niên để làm phong phú hơn cách thể hiện.

Bên cạnh những giáo trình sử học, lịch sử , đặc biệt là của Đại học Tổng hợp, nay là Đại học quốc gia ở Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu, các lịch sử chuyên đề, kể cả lịch sử điạ phương phát triển một cách hết sức rầm rộ, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng cũng hạn chế không ít về phương pháp luận khoa học, đặc biệt cách nhìn nhận nó vẫn chưa được thống nhất và phù hợp với cái nhu cầu hiện nay của chúng ta, tức là nó tăng sức thuyết phục từ cái tính khoa học của nó cho đến nhản quang nhìn nhận một cách minh bạch những vấn đề của quá khứ, vì thế dẫn đến một chủ trương của nhà nước là chỉ đạo cho giới sử học làm một đề tài lớn được gọi là bộ quốc sử.

Chữ "quốc sử" là cách nói mang tính cách quan phương, tính chất chính thống, tính chất nhà nước của nó. Trong quá trình thực hiện bộ Quốc sử, người ta cung khuyến khích những anh em Việt Nam học ở nước ngoài cũng tham gia. Người ta kỳ vọng rằng nó có thể tạo ra một bước chuyển nó tương xứng với các thành tựu nghiên cứu sử học trong thời gian vừa qua và đồng thời nó phù hợp với nhận thức đổi mới, nó làm tăng sức thuyết phục và nó thu hút được sự chia sẻ của người đọc, trước hết là của những người Việt Nam đối với lịch sử dân tộc của mình và sau đó là với các bạn đồng nghiệp của giới sử học quốc tế".

Những thay đổi cần có

VIETNAM-EDUCATION-HISTORY

Một cậu bé đọc sách lịch sử tại một công viên ở Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2007. AFP photo

Trong bộ sử mới này, những huyền thoại được đặt ra để phục vụ cho một mục tiêu chính trị cũng sẽ phải được nhìn lại. Những ngôn từ gây chia rẽ, hận thù cũng sẽ phải được đánh giá lại. Theo ông Dương Trung Quốc, bộ sử này sẽ có những thay đổi nhất định so với bộ sử đương đại :

"Tôi lấy thí dụ một câu chuyện mà cũng trở thành băn khoăn của mọi người : nhân vật Lê văn Tám chẳng hạn ! Rõ ràng nó là một truyền thuyết của thời hiện đại. Có những người muốn tin nó là thật, nhưng có những người cảm thấy khó tin. Nhưng lúc đó nó phản ảnh một nhu cầu là tinh thần chống giặc ngoại xâm.

Đưa ra một khái niệm đơn giản là "ngụy" hiểu theo nghĩa là không có giá trị gì, mà thật ra bây giờ chúng ta phải hiểu nó như một thực thể đóng góp vào lịch sử Việt Nam, có những chiều thuận, có những chiều nghịch, nhưng cuối cùng phải lấy lợi ích quốc gia để làm gốc, thì giờ đây, cái độ lùi chúng ta cũng có thể đánh giá lại. Có nhận thức lịch sử cho đúng đắn, cho công bằng, cho khách quan, thì tôi nghĩ bộ sử này nó góp phần vào cái đó".

Nước Pháp là một phần của lịch sử việt Nam, nó đánh dấu một giai đoạn lịch sự từ giai doạn tuyền thống sang giai đoạn hiện đại , giữa pháp và việt Nam cũng có những mối quan hệ khá gần gủi, nhiều sử gia pháp cũng nghiên cứu lịch sử việt Nam, cũng như Nhật, Hà lan. Nhưng cái khó khăn để tiếp cận với các tư liệu nghiên cứu không đến từ những quốc gia xa xôi đó mà lại đến từ một nước anh em : Trung quốc. Những đồng nghiệp Trung quốc đã không mặn mà với công trình nghiên cứu của việt Nam khác với sự tận tình giúp đỡ của các nhà nghiên cứu Pháp. Ông hy vọng bộ sử sẽ giúp cho thể hệ trẻ tiếp cận đúng hơn về lịch sử Việt Nam.

"Có một thời kỳ chúng ta coi lịch sử Việt Nam như lịch sử của người Việt nên chúng ta chỉ nhấn mạnh ở cái nôi văn hóa từ thuở vua Hùng dựng nước rồi mới mở ra từ sông Hồng, sông Mã rồi đi xuống sông Cửu Long, nhưng bây giờ chúng ta không nhìn nhận theo cách đó nữa. Nhưng với nhà nước Việt Nam hiện nay xác lập chủ quyền trên không gian nào, thì tất cả lịch sử ở đó chính là lịch sử của Việt Nam hiện đại. Thì điều đó nó phải góp phần làm cho – nhất là thế hệ trẻ - nhìn nhận lại lịch sử của mình. Đó là cái mà tôi tạm gọi là "cao vọng" của những người tiến hành làm bộ (tạm gọi là) Quốc sử này.

Chắc chắn là những bộ sử dày nó chỉ phục vụ cho một số đối tượng hạn hẹp nào đó thôi, nhưng làm sao để nó đi vào đời sống, để nó trở thành một công cụ để các bạn trẻ có thể cảm thấy được là nó có sự hấp dẫn và có lợi ích khi họ tiếp cận với nó".

Tiếp cận một cách phong phú nhất để phản ảnh vào bộ sử, tìm một ngôn ngữ thống nhất để thể hiện và tạo ra một công cụ phù hợp với nhu cầu của đời sống hiện đại. Bộ sử có hy vọng xóa đi những mặc cảm tồn lại do lịch sử để lại. Nói đến chiến tranh để rút ra bài học hòa bình. Trung thực, khách quan nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu chính trị là mục tiêu của bộ sử :

"Tôi nói thí dụ quan hệ Việt Mỹ thời chiến tranh ở Việt Nam, chiến tranh người Pháp ở Việt Nam, kể cả chiến tranh trung quốc ở Việt Nam, với hàn quốc cũng vậy thôi. Chúng ta cũng phải viết như thế nào cho nó vừa trung thực, nhưng mục đích cuối cùng không phải chỉ là thúc đẩy tinh thần dân tộc một cách cực đoan. Thí dụ chúng ta không né tránh những cuộc chiến tranh với nước Mỹ, kể cả nhắc lại những cuộc thảm sát và rồi chất độc da cam nhưng mà nó vẫn thúc đẩy quan hệ 2 nước, thậm chí tìm được sự chia sẻ. Chúng tôi nghĩ rằng nếu mà sử học thông qua bộ sử mà đạt được cái đó thì sẽ đạt được một tác động tích cực, thì đấy chính là cái mục tiêu - tôi nói thẳng là - mục tiêu chính trị của bộ sử này".

Lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng nhận thức nó là cả một quá trình, việc thực hiện dự án này là khởi đầu cho cả một quá trình và kế thừa quá trình đã qua của lịch sử. Theo ông Dương Trung Quốc, chính những người tham gia vào công trình này cũng phải tự thay đổi mình tư duy, nhìn lịch sử 1 cách khách quan hơn. Quá trình viết lại sử cũng là một quá trình nhận thức lại lịch sử với một độ lùi, từ đó ông hy vọng bộ sử sẽ đưa đến những thay đổi trong quá trình nhân thức của người đọc cũng như của chính những người viết sử :

"Ví dụ nói chụ Phan Chu Trinh là tư tưởng cải lương. Tôi cũng phê phán chứ chẳng phải không ! Nhưng rõ ràng bây giờ với độ lùi, nó đã khác rồi. Từ cách nhìn nhận của cụ về quá trình để thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ, cái tinh thần dân chủ, tư tưởng khai trí. Rõ ràng là có những thay đổi. Bây giờ mình viết phải trên một nèn tảng hiện thực mới. Đây không phải là cơ hội chủ nghĩa, mà là quá trình nhận thức của mình. Hay tôi nói, bây giờ chắc không ai còn dùng khái niệm "Chính quyền ngụy, ngụy quân, ngụy quyền".

Cái đó trong thuật ngữ chính trị của một thời đã qua, nhưng chắc trong sử không được chép như thế. Rõ ràng mình không thể nhìn nhận quá khứ theo cách nhìn phiến diện mà nó thực dụng chính trị như thế. Thí dụ các vấn đề như Nhân văn Giai phẩm, Cải cách Ruộng đất, Thuyền nhân chẳng hạn, thì đó là sự thật lịch sử, chắc chắn phải có cái nhìn khách quan hơn, biện chứng hơn. Tôi hy vọng lần này có cố gắng thay đổi nhiều trong cái nhận thức".

Bộ Quốc sử được thực hiện dưới chủ trương của nhà nước Việt Nam này có đủ khách quan để đem đến cách nhìn khác cho người đọc hay các nhà nghiên cứu sử hay không ? Chúng ta sẽ chờ đợi nó trên kệ sách tương lai hoặc trong giáo trình của nhà trường. Độ thuyết phục của bộ sử sẽ là thước đo mức độ thành công của người viết sử như lời kết sau đây của ông Dương Trung Quốc :

"Bên cạnh những mối quan hệ của những nhà chuyên môn, chắc chắn là có vai trò của những nhà chính trị, bởi vì đây là bộ sử của nhà nước, và bên cạnh nhà nước sẽ có những dòng sử khác – thời đại nào cũng thế thôi- Nếu như bộ sử ấy đạt được tính thuyết phục cao, càng nhiều người chia sẻ, nhất là người Việt Nam, thì đó là thước đo của thành công".

Tường An, thông tín viên RFA

Nguồn : RFA, 19/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tường An
Read 2462 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)