Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/07/2020

Khủng hoảng dân chủ dưới thời Tổng thống Donald Trump

Nguyễn Quốc Khải

"Chúng ta có thể ở trong tình trạng hoặc chúng ta có một số ít người rất giầu có hoặc chúng ta có thể chế dân chủ. Nhưng chúng ta không thể có cả hai".

Bill Gates, Sr. 

crisis1

Từ lâu chúng ta được chỉ bảo rằng chế độ tư bản và thể chế dân chủ là hai cột trụ lý tưởng để mang lại tự do và thịnh vượng. Hoa Kỳ có cả hai yếu tố này, nhưng tại sao chúng ta đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng dân chủ trong khoảng gần bốn năm qua ? 

Trên thực tế, hai yếu tố tư bản (kinh tế) và dân chủ (chính trị) có nhiều khác biệt căn bản và đôi khi xung khắc nhau. Dân chủ chú trọng về quyền lực của những con người bình thường (demos = common peopleb ; cracy = power) và chủ trương phân phối sự phong phú một cách công bình cho mọi giới. Tư bản chạy theo tư lợi, không thể làm được điều này mà còn có thể làm ngược lại. Kết quả lời lỗ sau cùng có thể lấn át lý tưởng tự do dân chủ. Đó là khuynh hướng của Tổng thống Trump và là nguyên nhân sâu sa gây ra cuộc khủng hoảng dân chủ hiện nay tại Hoa Kỳ. 

Pháp quyền và pháp trị

Trump là một đe dọa cho chế độ dân chủ của nước Mỹ từ ngày ông làm tổng thống. Nhiều nhà phân tách chính trị nói như thế và tôi cũng đồng ý như vậy. Ông là một lãnh tụ mị dân có khuynh hướng độc tài, chủ trương dùng luật để cai trị (rule by law) và không tôn trọng nền tảng pháp quyền (rule of law). Điều này thể hiện qua những việc làm như bao che thuộc hạ và những đồng minh chính trị. 

Trong gần bốn năm vừa qua Tổng thống Trump đã giảm án hay ân xá cho 18 viên chức chính quyền tham nhũng, tội phạm chiến tranh, thành phần cực hữu và một số bộ mặt nhiều người ưa nhưng lắm kẻ ghét. Trong đó phải kể Rod Blagojevich, cựu Thống đốc Illinois. Ông này muốn bán chiếc ghế nghị sĩ bỏ trống khi ông Obama thắng cử tổng thống vào 2008. Ông bị kết án tù 14 năm. Blagojevich và Trump có cùng kẻ thù là cựu Công tố viên đặc biệt Robert Muller và cựu Giám đốc FBI James Comey. Trump đã giảm án cho Blagojevich. Paul Pogue, chủ một công ty xây cất, bị tù vì khai gian thuế, nhưng con trai và con dâu tặng 200.000 USD vào quỹ tranh cử của Trump. Scooter Libby, cựu tham mưu trưởng của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, tiết lộ danh tánh của một nhân viên CIA. Trump xem Libby cũng là một nạn nhân của Robert Muller. Eddie Debartolo Jr, cựu sở hữu chủ đoàn bóng đá San Francisco 49ers bị tù vì không khai báo hối lộ 400.000 USD cho thống đốc Louisiana. Debartolo từng ủng hộ chiến dịch tranh cử và tiệc nhậm chức của Trump. 

Ngược lại, Trump cách chức những đối thủ hay những người thi hành nhiệm vụ nhưng có hại cho ông như Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, Giám đốc FBI James Comey. Ngoài ra Trump còn cách chức hai nhân chứng quan trọng trong vụ luận tội Trump liên quan đến vụ Ukraine tai tiếng : cựu Đại sứ Gordon Sondland và Trung tá Alexander Vindman, cựu nhân viên trong Hội đồng An ninh quốc gia. Bộ trưởng An ninh nội địa Kirstjen Nielsen bị sa thải vì bà chống lại việc tách riêng trẻ con di dân vì có thể bị kiện và việc đóng cửa biên giới ở El Paso, Texas vì điều này vi phạm luật pháp. 

Gần đây là vụ cách chức ông Steve Linick, cựu Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao , vì ông này điều tra vụ bán võ khí cho Saudi Arabia và tình trạng nhân viên trong Bộ Ngoại Giao. Đây là tổng thanh tra thứ năm bị Tổng thống Trump cách chức kể từ sau khi Thượng viện Hoa Kỳ tha bổng cho ông về vụ Ukraine. Mới đây nhất là vụ cách chức Luật sư liên bang Geoffrey Berman vì ông này đang điều tra ông Rudi Giuliani, luật sư riêng của ông Trump. Ông Berman đã từng kết án hai cộng tác viên của Giuliani là Lev Parnasd và Igor Fruman.

Tham nhũng

crisis2

Gordon Sondland từng đóng góp 1 triệu USD cho Ủy ban tổ chức lễ nhậm chức của Tổng thống Trump và sau đó ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Châu Âu cho đến ông bị cách chức vì làm nhân chứng trong việc luận tội gây bất lợi cho Tổng thống. Ông Trump cũng định trả ơn cho ông Stephen Moore, một cố vấn của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, bằng cách đề cử ông Moore làm chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System - FED). Ông này có bằng cấp về kinh tế nhưng không có kinh nghiệm nên tự rút lui. Một người nữa được Tổng thống Trump đề cử vào chức vụ thứ hai tại FED là ông Herman Cain, chuyên môn về toán học và điện toán, từng kinh doanh về pizza thành công và buôn bán cổ phần trị giá thấp thường khoảng dưới 5 USD (penny stock). Ông Cain cũng xin rút lui.

Ngoài việc sử dụng bạn bè thân thuộc (cronyism) đi ngược với nguyên tắc dân chủ, Trump còn là người chủ trương chính sách gia đình trị (nepotism), bổ nhiệm con rể Jared Kushner và con gái Ivanka Trump làm cố vấn cao cấp, và cho hai người này security clearance bất kể lời khuyên của cơ quan an ninh. Trump từng cho Ivanka, một người không đủ khả năng, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 và trao trách nhiệm chọn người làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra Tổng thống Trump còn giao cho con trai Eric Trump, một người chuyên tổ chức đám cưới, trách nhiệm điều hành nhà ở của liên bang tại New York và New Jersey. 

Jared Kushner, theo nghiệp của cha ruột, làm nghề đầu tư và phát triển bất động sản, được bố vợ cử hướng dẫn nhiều phái đoàn ngoại giao qua Trung Đông bao gồm nhiều nhân viên của Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, Tổng thống Trump còn trao cho con rể trọng trách phối hợp công việc chống đại dịch Covid-19 bao gồm việc cung cấp những thiết bị y tế. 

Báo chí là kẻ thù của nhân dân

crisis3

Ông Trump thường xuyên tấn công báo chí, nói những nhà báo thật sự là "kẻ thù của nhân dân", gián tiếp khuyến khích những hành động tấn công nhà báo. Từ ngày Trump làm tổng thống "fake news" xuất hiện mọi nơi mọi lúc. Chính Tổng thống ăn gian nói dối hơn 18.000 lần, trong khi đó chế độ dân chủ đòi hỏi sự minh mạch. Mới đây Trump thay đổi những người đứng đầu những cơ quan thông tin của chính quyền như VOA và RFA để kiểm soát thông tin. Nếu pháp quyền là cột trụ thứ nhất của chế độ dân chủ, tự do báo chí là một cột trụ thứ hai. 

Cũng như "fake news", bạo loạn làm lũng đoạn chế độ dân chủ. Tổng thống Trump từng công khai cổ võ bạo lực chống lại những ký giả. Ông bào chữa chính quyền Saudi Arabia khi họ giết ký giả Jamal Khashoggi tại Tòa đại sứ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ít ngày sau, trong khoảng 22/10/2018 – 1/11/2018, Cesar A. Sayoc, Jr một người ủng hộ Tổng thống Trump cuồng nhiệt, đã lấy địa chỉ của Dân biểu Debbie W. Schultz (Dân chủ, Florida) để gửi bom qua bưu điện đến trụ sở hay nhà của một chính khách thuộc Đảng Dân chủ và cơ sở truyền thông hay chống Trump. Mục tiêu bao gồm cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cựu Nghị sĩ và Ngoại trưởng Hilary Clinton, cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, tài tử điện ảnh Robert De Niro, ba dân biểu và nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ, hai cựu giám đốc tình báo và hai nhà tỉ phú từng đóng góp cho Đảng Dân chủ. Một gói bom gửi đến trụ sở của CNN. 

Theo luật sư của thủ phạm, Sayoc lấy cảm hứng từ những tuyên bố của Tổng thống Trump về di dân và đối thủ chính trị và coi Fox News hàng ngày một cách trung thành. Dân biểu Schultz tuyên bố rằng "Những lời nói hùng hồn mang tính chất hận thù của Trump đã gây hậu quả tai hại". 

Bạo lực và bạo loạn

crisis4

Vào giữa tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump công khai kêu gọi dân Mỹ giải phóng ba tiểu bang có thống đốc Dân chủ là Minesota, Michigan và Virginia. Những tiểu bang này ra lệnh đóng cửa hay áp dụng một số biện pháp giới hạn để chống đại dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều nhóm cực đoan mang vũ khí đến các trụ sở hành chánh của những tiểu bang này để biểu tình chống lại lệnh ở trong nhà và đòi mở cửa lại. Ông gọi những người biểu tình là người tốt (fine people). Rõ ràng Tổng thống Trump khích động nội loạn phản lại nguyên tắc dân chủ. 

Thống đốc Jim Justice (Cộng hòa, West Virginia), một đồng minh của Trump nói ông sẽ nghe theo những chuyên viên y tế để quyết định mở cửa như thế nào. Thống đốc Jay Inslee (Dân chủ, Washington) nói tweet giải phóng của Trump làm cho hàng triệu người chịu rủi ro nhiễm Covid-19. Thống đốc Ralph Northam (Dân chủ, Virginia) nói ông và nhân viên của ông tập trung chiến đấu chống "cuộc chiến sinh học" chứ không muốn liên lụy vào "cuộc chiến tweet".

Trump chủ trương dùng bạo lực để trị bạo loạn. Khi cần đi bộ qua công viên Lafayette Square để chụp hình quảng cáo tranh cử trước St. John’s Church tại thủ đô Washington-DC, ông đã ra lệnh cho nhân viên an ninh dùng một thứ lựu đạn cay và đạn cao su để giải tán một số người biểu tình ôn hòa trước Tòa Nhà Trắng, mặc dù chỉ còn khoảng 30 phút đến giờ giới nghiêm. Ông đe dọa sẽ dùng "chó dữ và võ khí đáng ngại" để ngăn cản người biểu tình xâm phạm Nhà Trắng. 

Ông cũng tuyên bố sẽ dùng võ lực để dẹp bạo loạn sau khi ông George Floyd bị cảnh sát giết chết tại Minneapolis. Ông nhắc lại một câu của một cảnh sát trưởng ở Florida "Khi hôi của bắt đầu, bắn súng cũng bất đầu" (When looting starts, the shooting starts). Câu nói của ông chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Ngoài ra ông Trump còn kêu gọi những thị trưởng và thống đốc hãy mạnh tay hơn với các người biểu tình, dùng quân đội để dẹp biểu tình và những người theo ông nên tổ chức phản biểu tình. 

Hệ thống kiểm soát và cân bằng

Trump xem hệ thống "kiểm soát và cân bằng" (checks and balances) trong tổ chức chính quyền là một trở ngại thay vì là một nguyên tắc phân quyền quan trọng của một chế độ dân chủ. Ông chủ trương kiểm soát cả ngành tư pháp. Trump và Đảng Cộng hòa đã ngăn chặn bổ nhiệm Thẩm phán tối cao Merrick Garland do Đảng Dân chủ đề cử và đã đưa hai người của Đảng Cộng hòa vào là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh. Nhờ vậy, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hiện nay có 5 thẩm phán bảo thủ bổ nhiệm bởi tổng thống Cộng hòa, bao gồm Chánh án John Roberts và hai thẩm phán bổ nhiệm bởi Tổng thống Trump là các ông Neil Gorsuch (2017) và Brett Kavanaugh (2018). Bốn thẩm phán còn lại bổ nhiệm bởi tổng thống Dân chủ. 

Ngoài ra, trong gần bốn năm qua, Trump còn vội vã bổ sung 197 thẩm pháp liên bang ở các tòa án thấp hơn. Trump muốn biến những thẩm phán được tổng thống bổ nhiệm giống như bổ nhiệm các chức vụ chính trị, có thể bị cách chức, thay thế. Một khi ngành Tư pháp của Hoa Kỳ trở thành một công cụ của Hành pháp, tư thế độc lập của Tư pháp sẽ sụp đổ vào kéo theo chế độ dân chủ. 

Cấu kết với những lãnh tụ độc tài

crisis5

Về đối ngoại, Tổng thống Trump tỏ ra thoải mãi khi cấu kết với những lãnh tụ độc tài. Ông từng ca ngợi Kim Jong-un của Bắc Hàn, Vladimir Putin của Nga, Xi Jinping của Trung Quốc, Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, Adel Fattah el-Sisi của Ai Cập và Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân. Ông thán phục các lãnh tụ cộng sản Việt Nam và xem Việt Nam là một mô hình lý tưởng cho Bắc Hàn. Ông từng đón tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại Nhà Trắng, ca ngợi cách giải quyết vấn đề ma túy tại Phi Luật Tân và mối quan hệ vĩ đại của ông với Duterte. Ông chúc mừng Xi Jinping xóa bỏ giới hạn về nhiệm kỳ. Có lúc ông nói Hoa Kỳ nên theo hệ thống "tổng thống suốt đời" của Trung Quốc. Ông cũng đồng ý hủy bỏ 700.000 USD viện trợ cho Hung dự trù để hỗ trợ báo chí độc lập. Ông chào mừng Vladimir Putin, Recep Tayyip Erdogan và một số lãnh tụ ngoại quốc thắng cử dù cuộc bầu cử thiếu tự do. 

Ngược lại, không bao giờ người ta nghe Tổng thống Trump quan ngại về suy sụp của chế độ dân chủ và vi phạm nhân quyền trên thế giới, ngoại trừ một vài chú thích về nguyên tắc dân chủ trong Sách lược An ninh Quốc gia của chính quyền.

Chính sách ngoại giao truyền thống của Hoa Kỳ gồm ba lãnh vực :

1) Nỗ lực thăng tiến nền dân chủ ;

2) Hệ thống kinh tế quốc tế ; và

3) Hệ thống liên minh an ninh toàn cầu.

Trump bác bỏ cả ba điều này vì cho là không cần thiết hay bất lợi cho Hoa Kỳ. Đường lối của Trump, "mỗi nước tự lo lấy" (each-country-for-itself approach), thể hiện qua khẩu hiệu "American First", là một đường lối cục bộ và thiển cận. 

Quan điểm của Tổng thống Trump hoàn toàn trái ngược với quan điểm của cựu Tổng thống George W. Bush. Trong bài diễn văn nhậm chức vào 2005, cựu Tổng thống Bush nhận định rất đúng rằng sự sống còn của chế độ tự do tại Hoa-Kỳ ngày càng phụ thuộc vào sự thành công của chế độ tự do tại những nơi khác trên thế giới. Ông nói : "Hi vọng tốt nhất để có thể duy trì hòa bình tại Hoa-Kỳ là bành trướng chế độ tự do với mục tiêu tối thượng là chấm dứt chế độ độc đoán trên toàn thế giới". 

Kết luận

crisis6

Các giá trị và tiêu chuẩn dân chủ ở Hoa Kỳ bị tấn công bởi chính người cầm đầu chính quyền. Không khí bạo loạn bao trùm khắp nơi. Thêm vào đó, bốn biến cố liên tiếp xẩy ra chồng chéo lên nhau cùng một thời điểm làm cho nước Mỹ thật sự rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề : chiến tranh thương mại, kinh tế trì trệ, điều tra luận tội và Covid-19. Công chúng Mỹ mất niềm tin vào chính quyền. 

Đô đốc William McRaven, người giám sát cuộc đột kích giết chết Osama Bin Laden, từng tuyên bố rằng hiện nay Donald Trump là một mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ dân chủ Hoa Kỳ. 

Theo một phân tách tinh vi của Cambridge University "The Trump Presidency and American Democracy : A Historical and Comparative Analysis - Otober 29, 2018", trong quá khứ hệ thống chính trị của Hoa Kỳ đã sống còn trước những đe dọa từ những biến cố như nội chiến 1861-1865, First Red Scare 1919-1920 (Palmer Raids), Second Red Scare 1940-1950 (McCarthyism) và Watergate 1972. 

Tuy nhiên, mối đe dọa của Donald Trump có phần nghiêm trọng nếu ba yếu tố truyền thống trong chính trị Hoa Kỳ kết hợp lại và hỗ trợ nhau :

1) Sự phân hóa giữa hai đảng ;

2) Hệ thống chính quyền bị chia rẽ vì đảng phái ;

3) Quy tắc tiêu chuẩn dân chủ bị suy giảm ở cấp lãnh đạo cũng như đám đông quần chúng.

Xem ra cả ba hiện tượng đang xẩy ra. 

crisis7

Sau chiến tranh lạnh, nền dân chủ tự do một lần nữa toàn thắng trước chủ thuyết cộng sản. Số các quốc gia dân chủ tăng từ 46 vào năm 1974 lên đến 76 vào 1990 và 120 vào 2000. Nhưng trong 12 năm qua kể từ 2006 đến 2018, nền dân chủ đã suy giảm tại 113 nước theo một cuộc điều nghiên của Freedom House. Những nước như Hung Gia Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela đã rơi vào chế độ độc tài. Quy tắc dân chủ tại Phi Luật Tân, Ba Lan và Miến Điện trở nên lỏng lẻo. 

Số phận của Hoa Kỳ, từng là quốc gia lãnh đạo chế độ tự do dân chủ trên thế giới, đang ở trong tình trạng khủng hoảng dân chủ từ trong nội bộ. Theo Reporters Without Borders thứ hạng về tự do báo chí của Hoa Kỳ trong số 180 nước tiếp tục đi xuống, từ vị trí 41/180 vào 2016, tụt dần xuống 43/180, 45/180 và 48/180 trong ba năm tiếp theo. Không những vậy, nền dân chủ của Hoa Kỳ bị đe dọa cả từ bên ngoài. Nhờ kỹ thuật Internet, Nga và Trung Quốc đã gây ảnh hưởng vào nội tình của nước Mỹ cộng thêm sự mời gọi công khai của Tổng thống Mỹ.

Từ 2017 đến 2019, Hoa Kỳ không được xếp vào loại nền dân chủ đầy đủ (full democracy) mà bị xếp vào nước có nền dân chủ không hoàn thiện (flawed democracy) theo Democracy Index của Economist Intelligence Unit (EIU). Trong nền dân chủ không hoàn thiện vẫn có bầu cử tự do, nhưng yếu kém về quản trị, văn hóa chính trị chưa phát triển và sự tham gia của công chúng thấp. 

Trong hơn 120 năm qua nước Mỹ đã vượt qua được những thử thách vô cùng cam go bao gồm ba khủng hoảng kinh tế đầu thế kỷ XX : 1901, 1907 và 1920-1921, Đại khủng hoảng kinh tế 1929-1939, khủng hoảng năng lượng vào thập niên 1970s, khủng hoảng tài chánh 2007-2008, hai thế chiến. Hoa Kỳ và thế giới tự do đánh bại chế độ phát xít và cộng sản Xô Viết.

Donald Trump là một cuộc khủng hoảng chính trị đầu tiên của Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI cùng lúc với cuộc khủng hoảng đại dịch Coronavirus. Khả năng lãnh đạo yếu kém của Trump khiến đại dịch trở nên nghiêm trọng đặc biệt. Số người mới nhiễm bệnh hàng ngày tăng vọt trong vài tuần qua. Gần 2,7 triệu người đã nhiễm virus tính đến 1/7/2020 và số người chết đã vượt quá 125.000. Tính đến 11/6/2020 hơn 44 triệu người khai thất nghiệp. 

Nước Mỹ cần có một nhà lãnh đạo có trách nhiệm và có khả năng để mau chóng thay thế tổng thống đương nhiệm nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhị trùng hiện nay và phục hồi trật tự và nền dân chủ lâu đời nhất trên trái đất.

Nguyễn Quốc Khải

(05/07/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Quốc Khải
Read 1183 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)