Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/07/2020

Những con số thống kê…

Mỹ Thuận

Những con số thống kê đang rất cần sự tỉnh táo của đại hội đảng các cấp

Thông thường, ở đại hội đảng bộ các cấp hiện đang tiến hành rải đều trên toàn quốc để phục vụ ‘cơ cấu’ nhân sự đảng dự kiến cho bầu cử nhiệm kỳ mới, người ta hay có những báo cáo thành tích với lời văn ‘có cánh’, những dự báo tương lai đầy viễn cảnh tươi đẹp, và vẫn kèm mẫu câu quen thuộc của tuyên giáo, là dưới ngọn cờ lãnh đạo của đảng, không gì không vượt qua.

thongke1

Lao động tự do ở Hà Đông, Hà Nội, nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng - Ảnh : Đ.Bình

Bài viết này xin được trích dẫn những con số mang tính thống kê (chưa đầy đủ) trên báo chí, qua đó hy vọng các nhà kỷ trị của đảng cầm quyền có cái nhìn tỉnh táo hơn, cầu thị hơn trong mọi quyết sách ; tránh duy ý chí với cái nhìn yếm thế đối với các ý kiến phản biện (1).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có 12 tỉnh, thành phố tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm, gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Trong đó, chỉ số tăng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng âm (-) 3,61%, Quảng Nam -11,51%, Khánh Hòa -12,02%, Bà Rịa - Vũng Tàu -6,87%, Hòa Bình -6,51%… (2).

"Khi khu vực FDI không xuất khẩu được do dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế các địa phương này đã bị ảnh hưởng đáng kể" - bà Nguyễn Thị Hương, phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, nói và cho rằng nguyên nhân là do một số địa phương có cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỉ trọng lớn, một số địa phương khác tăng trưởng lại quá phụ thuộc vào khu vực FDI.

Một nhà báo chuyên mảng kinh tế ở Sài Gòn nói rằng, năng suất là yếu tố quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia, nền kinh tế. Dù cơ cấu kinh tế của các địa phương có đi theo hướng nào, quan trọng nhất phải đảm bảo được năng suất. Nếu không cung cấp được chất lượng cao, khả năng phục hồi các ngành nghề cũng chậm khi gặp khó khăn. Đây chính là điều mà theo vị nhà báo đó, trong dự thảo văn kiện chuẩn bị đại hội đảng lần thứ 13 vào quý 1/2021, cần có được hướng giải quyết phù hợp thực tiễn.

Ông Trần Hoàng Ngân, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong một tham luận mới đây, đặt vấn đề : "Vừa qua, Quốc hội có thông qua nghị quyết giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ đồng. Nhưng thẳng thắn rằng, năm 2020 phía trước còn đầy khó khăn, doanh nghiệp có lãi là ‘anh hùng’. Có lẽ sẽ không có nhiều ‘anh hùng’ như thế. Vì thế, không hẳn doanh nghiệp nào cũng được giảm thuế (3).

Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp cần trợ giúp. Vì vậy mới cần đến hồi tố. Năm 2019 là năm có nhiều thuận lợi, số doanh nghiệp có lãi cũng nhiều, hoàn lại tiền thuế đã nộp năm 2019 là đặt trợ giúp đúng người đúng nơi, nhất là với các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch, vận tải…".

Liên quan vấn đề ảnh hưởng dịch Covid với gói hỗ trợ của chính phủ như ý kiến nêu trên của viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, theo bài báo phỏng vấn ông Lê Quân, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trên tờ Tuổi Trẻ số phát hành ngày 22/6/2020, có đoạn :

"Với hỗ trợ hộ kinh doanh, do hầu hết hộ kinh doanh không kê khai thuế nên không đủ điều kiện làm hồ sơ. Nhiều hộ kinh doanh không kê khai vì lo ngại sau này sẽ bị kê khai nộp thuế nhiều lên…

Còn nhóm doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đúng là rất ít doanh nghiệp làm thủ tục. Nhiều doanh nghiệp cho rằng gói vay này bị bó buộc chặt về mục đích sử dụng nên không hấp dẫn (chỉ để trả lương cho người ngừng việc và tiền giải ngân trực tiếp đến người ngừng việc).

Khảo sát cho thấy doanh nghiệp nếu quá khó khăn về tài chính sẽ cho lao động nghỉ việc chứ không vay để trả lương ngừng việc. Riêng tháng 5/2020 có 131.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Nhóm đối tượng thứ ba chưa có nhiều lao động tiếp cận được hỗ trợ là số người lao động có hợp đồng phải ngừng việc (sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng). Gói này điều kiện là doanh nghiệp phải chứng minh không có tiền để trả lương ngừng việc" (4).

Thứ trưởng Lê Quân cho biết gói hỗ trợ an sinh 62 ngàn tỉ đồng theo nghị quyết 42 của Chính phủ, đến nay đã phê duyệt hỗ trợ cho khoảng 16 triệu người, với tổng kinh phí chi hỗ trợ trên 17.500 tỉ đồng. Kho bạc Nhà nước Việt Nam đã giải ngân 10.500 tỉ đồng để hỗ trợ cho trên 10 triệu người và trên 2.600 hộ kinh doanh. Gói hỗ trợ có thời hạn từ tháng 4/2020 đến hết tháng 6/2020. Như vậy hiện tại đã kết thúc phần quy định về thời gian, nên xem ra các thủ tục liên quan giải ngân cũng sẽ dừng lại, nếu như chính phủ không ban hành tiếp việc gia hạn.

Những con số thống kê ban đầu ở trên cho thấy dường như trong bộ máy công quyền, với các nhà quản lý là đảng viên đã không làm tốt bổn phận công vụ. Điều này cần được đưa vào đầy đủ trong những văn kiện đại hội đảng, để qua đó đảng chính trị nhận đúng thực chất về đội ngũ cán bộ, trong bối cảnh lâu nay họ không chịu bất kỳ áp lực cạnh tranh nào ở chính thể độc đảng cầm quyền.

Mỹ Thuận

Nguồn : VNTB, 04/027/2020

Chú thích :

(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-lap-lo-hinh-su-va-dan-su/

(2) https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=19651

(3)  https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-co-lai-trong-nam-nay-la-anh-hung-lam-20200616094230675.htm

(4) https://tuoitre.vn/se-sua-dieu-kien-nhan-ho-tro-goi-62-000-ti-20200622081857322.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mỹ Thuận
Read 558 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)