Biển Đông : Việt Nam có thêm hậu thuẫn trong ASEAN
Lê Hồng Hiệp, Thanh Phương, RFI, 06/07/2020
Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 26/06/2020, do Việt Nam tổ chức với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN, các nước Đông Nam Á đã tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Một tầu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tầu tuần tra Việt Nam ở Biển Đông, ngày 02/05/2019 Reuters/Vietnam Marine Guard/Handout via Reuters
Trong cuộc họp đó, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, với vai trò chủ trì hội nghị, đã tuyên bố : "Trong khi toàn thế giới đang phải chống dịch, những hành động vô trách nhiệm và vi phạm luật quốc tế vẫn tiếp tục diễn ra, tác động đến môi trường an ninh và ổn định của khu vực". Tuy không nêu đích danh, nhưng tuyên bố này rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc.
Trong bản tuyên bố chung khi kết thúc Thượng đỉnh ASEAN 36, lãnh đạo các quốc gia trong khu vực đã nêu mối quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Đối với họ, UNCLOS 1982 "là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển"… Các lãnh đạo ASEAN một lần nữa khẳng định các bên phải "giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982".
Tuyyên bố lần này của ASEAN vẫn không nêu đích danh Trung Quốc là nước gây ra những sự cố nghiêm trọng gần đây ở Biển Đông : đưa tàu khảo sát đến cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa. Nhưng có thể nói là qua tuyên bố nói trên, lãnh đạo các quốc gia trong ASEAN đã thẳng thừng bác bỏ các yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.
Như vậy, qua cuộc họp ngày 26/06, Việt Nam đã có thêm hậu thuẫn trong ASEAN, nhất là từ Philippines, Malaysia và Indonesia, để đối đầu với Trung Quốc về vấn Biển Đông. Nhưng liệu khối đoàn kết này có lâu bền không, khi biết rằng cho tới nay ASEAN vẫn nhiều lần bị chia rẽ trên vấn đề này ? Trong phần tạp chí hôm nay, mời quý vị nghe bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.
RFI : Năm nay là năm mà theo lẽ Việt Nam có thể tranh thủ chiếc ghế chủ tịch ASEAN để tìm thêm hậu thuẫn của các nước Đông Nam Á trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến vai trò chủ tịch của Việt Nam.
Lê Hồng Hiệp : Năm nay, rất đáng tiếc là do đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động của Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN không được tiến hành suôn sẻ. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa rồi là hội nghị trực tuyến đầu tiên trong suốt lịch sử 50 năm hình thành của tổ chức này. Việc tổ chức hội nghị trực tuyến như vậy có rất nhiều hạn chế, ví dụ như không thể tổ chức các cuộc gặp song phương bên lề, sự tham gia của các phóng viên để đưa tin cũng hạn chế rất nhiều, cho nên tác động hạn chế hơn rất nhiều so với khi tổ chức hội nghị bình thường.
Tuy nhiên, cũng một điều may mắn là do áp dụng công nghệ, cho nên Việt Nam đã tổ chức thành công thượng đỉnh vừa rồi và đáng kể là hội nghị đã đưa ra được bản tuyên bố chung, tuyên bố Chủ tịch, với nhiều nội dung được cho là phù hợp với lợi ích của Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.
RFI : Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo ASEAN đã khẳng định Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS phải là cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Phải chăng là các nước ASEAN nay có lập trường dứt khoát hơn với Trung Quốc ?
Lê Hồng Hiệp : So sánh các bản tuyên bố chung hay tuyên bố của Chủ tịch qua các hội nghị thượng đỉnh ở các nước khác nhau trong những năm vừa qua, chúng ta thấy luôn luôn có một số đoạn nói về tình hình Biển Đông. Nội dung các tuyên bố này gần giống nhau, chỉ sửa một số câu chữ. So với năm ngoái, bản tuyên bố chung và bản tuyên bố của Chủ tịch có một điểm khác, đó là nhấn mạnh hơn đến vai trò của luật pháp quốc tế, cụ thể là đề cập tới Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 UNCLOS. Trước đây, ASEAN có nói là phải "phù hợp với luật pháp quốc tế", nhưng cụm từ "luật pháp quốc tế" còn tương đối mơ hồ, chung chung. Năm nay, cụ thể hơn, họ có nhấn mạnh đến vai trò của Công ước 1982 và bất cứ chỗ nào có nhắc đến luật pháp quốc tế thì đều đi kèm với công ước này.
Điều này có một ý nghĩa quan trọng : Lâu nay, các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS và bằng việc gắn luật pháp quốc tế với Công ước về Luật Biển năm 1982, ASEAN cũng như Việt Nam đã gián tiếp bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như thể hiện thái độ ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Đây là một bước tiến, tại vì lâu nay các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có thái độ không thật sự rõ ràng đối với các phán quyết này. Ở đây chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc dẫn dắt các nước ASEAN đàm phán để mà có thể có một tuyên bố chung như vậy.
RFI : Hiện nay, ngoài Philippines cũng có tiếng nói mạnh mẽ đối với Trung Quốc, Việt Nam có thể trông chờ vào Malaysia và Indonesia ?
Lê Hồng Hiệp : Từ đầu năm đến tháng 6 vừa rồi, trong khu vực cũng như Biển Đông đã diễn ra một số sự kiện có thể làm thay đổi quan điểm của các nước trong khu vực đối với Trung Quốc, ví dụ như Philippines có sự thay đổi thái độ đối với Trung Quốc, đặc biệt là thông qua hành động ngừng việc chấm dứt hiệp định lực lượng viếng thăm với Hoa Kỳ. Điều này cho thấy chính quyền của tổng thống Duterte có sự điều chỉnh trong mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo hướng duy trì quan hệ liên minh với Mỹ, và ngừng hoặc làm chậm lại quá trình điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc theo hướng thân thiện hơn.
Trong khi đó, ở Malaysia cũng có sự cố tàu Trung Quốc quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trên vùng thềm lục địa của họ. Trong trường hợp của Indonesia thì các yêu sách của Trung Quốc với vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia cũng đã dẫn đến những phản đối của phía Indonesia. Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian vừa qua đã tạo ra sự nghi ngờ ngày càng lớn của các nước trong khu vực, đặc biệt là Philippines, Malaysia và Indonesia đối với ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tất cả những điều này giúp cho Việt Nam dễ dàng hơn trong việc vận động các quốc gia này ủng hộ một lập trường thống nhất hơn, cứng rắn hơn trong ASEAN về vấn đề Biển Đông nói chung, cũng như về Trung Quốc nói riêng. Có lẻ đây là yếu tố quan trọng góp phần giúp cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa rồi thông qua được một tuyên bố chung có vẻ như cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông cũng như đối với Trung Quốc.
RFI : Trong ASEAN vẫn có những bất đồng về Biển Đông, đặc biệt là từ những nước được xem là thân thiện, hoặc gần như là đồng minh của Trung Quốc, như Cam Bốt và Lào. Điều đó có thể cản trở ASEAN có một lập trường dứt khoát hơn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông trong tương lai ?
Lê Hồng Hiệp : Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải cân nhắc 3 yếu tố. Thứ nhất là các hành động tiếp theo của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay hay trong một, hai năm tới. Nếu như Trung Quốc tiếp tục có những hành động hung hăn, lấn lướt, gây những bức xúc, phản đối của các nước trong khu vực Biển Đông, như Philippines, Indonesia, Malaysia, thì xu thế cùng phối hợp để có lập trường thống nhất cứng rắn với Trung Quốc sẽ ngày càng được củng cố. Như vậy, tiếng nói của những nước như Cam Bốt và Lào sẽ bị yếu đi, bị kềm chế rất nhiều.
Thứ hai, bản thân Trung Quốc sẽ có những hành động như thế nào đối với những nước mà họ muốn tăng cường quan hệ hay gây sức ép để giúp Trung Quốc gây chia rẽ ASEAN. Trong thời gian vừa qua, Cam Bốt và Lào đã được hưởng lợi rất nhiều từ những hỗ trợ của Trung Quốc, chẳng hạn như trong việc vay vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng trong thời gian qua, Trung Quốc cũng đã gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, về chính sách đối ngoại…Liệu Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì những sự hỗ trợ như vậy cho những nước như Cam Bốt và Lào hay không, để qua đó duy trì ảnh hưởng đối với ASEAN thông qua hai nước này ? Chúng ta còn phải chờ xem.
Thứ ba là đó là ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với khu vực, trong bối cảnh mà Trung Quốc và Hoa Kỳ đang gia tăng cạnh tranh chiến lược và đều coi Đông Nam Á là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng rất quan trọng. Chính vì vậy mà trong thời gian, Hoa Kỳ đã có những hành động để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Nếu trong thời gian tới, cạnh tranh Mỹ-Trung tiếp tục như vậy, thì có nhiều khả năng là Hoa Kỳ gây tác động hoặc gây sức ép lên các nước trong khu vực, đặc biệt là Cam Bốt và Lào, để những nước này có một chính sách cân bằng hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nếu như sức ép của Hoa Kỳ thành công thì có lẻ là ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với ASEAN thông qua Cam Bốt và Lào cũng sẽ bị giảm xuống.
Tuy nhiên, đó là những yếu tố mà chúng ta cần theo dõi trong tương lai. Trước mắt, tôi tin là Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì "chia để trị", tức là sẽ cố gắng gây tác động lên các mắt xích yếu Cam Bốt và Lào trong ASEAN để thông qua hai mắt xích này can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN, đặc biệt là trong việc định hình quan điểm, lập trường của khối này đối với vấn đề Biển Đông.
Thanh Phương thực hiện
Nguồn : RFI, 06/07/2020
*******************
Tàu Trung Quốc đe dọa mỏ Lan Tây và hành động khó hiểu của Việt Nam
Ngô Kiến Huy, RFA, 05/07/2020
Tàu Hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần Lô 06.1
Theo nguồn tin của một số nhà báo và người đưa tin độc lập cho biết, sáng ngày 4/7 - Ngày Quốc Khánh của Hoa Kỳ, tàu hải cảnh 5402 của Trung Quốc đã tiến sát một cách khiêu khích đến giàn khai thác tại mỏ khí Lan Tây thuộc lô 06.1 mà Việt Nam đang khai thác.
Bản đồ dầu khí Việt Nam
Thông tin này cũng đã được Dự án Đại Sự Ký Biển Đông kiểm chứng và xác nhận thông qua việc phân tích dữ liệu AIS.
Theo Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông, dữ liệu AIS cho thấy tàu Hải cảnh 5402 của Trung Quốc đã rời Tam Á vào sáng 1/7/2020 và di chuyển xuống phía nam. Chiều 2/7, tàu đã xuống đến khu vực đá Subi và hoạt động tại khu vực này cho đến sáng 3/7. Sáng 4/7, tàu hướng về phía mỏ khí Lan Tây tại lô 06.1 với tốc độ lớn, 15 hải lý/giờ. Vị trí tàu tiếp cận gần giàn Lan Tây nhất mà có thể xác định được qua AIS là vào lúc 9h57' sáng 4/7, với khoảng cách khoảng 1,3 hải lý về phía đông bắc. Đến 10h24' cùng ngày, vẫn cùng một tốc độ cao, tàu hải cảnh 5402 di chuyển cách giàn khai thác khoảng 2.85 hải lý về phía đông nam. Sau đó tàu di chuyển theo hướng đông nam về phía Bãi Tư Chính, đến vị trí cách giàn khoảng 30 hải lý thì giảm tốc độ và di chuyển chậm, thậm chí dừng lại trong khu vực này. Lúc 8h45' ngày 5/7/2020, tàu ở vị trí cách giàn khai thác Lan Tây khoảng 36 hải lý về phía đông đông nam. Sau đó tàu Hải cảnh 5402 vẫn đang quanh quẩn ở khu vực Bãi Tư Chính. Một tàu kiểm ngư của Việt Nam theo sát tàu Hải cảnh này.
Hành động của Trung Quốc chuyển tải thông điệp gì ?
Tại sao Trung Quốc lại có hành động khiêu khích như vậy tại khu vực này và thời điểm này ? Có thể có 3 lý do như sau :
Thứ nhất, xuất phát từ những vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn hại khổng lồ với nền kinh tế Trung Quốc do phải đóng cửa các hoạt động kinh tế lúc đầu và sau đó là sự sụt giảm nhu cầu trên toàn cầu. Xuất khẩu hiện vẫn chiếm 30% GDP của Trung Quốc, nên nước này không thể tránh khỏi những cú sốc từ bên ngoài. Tuy nhiên, tiêu thụ trong nước đã gia tăng và hiện là đầu máy tăng trưởng quan trọng nhất.
Sự chuyển đổi đưa tiêu thụ trong nước trở thành đầu máy tăng trưởng hàng đầu này vốn đã được xúc tiến từ gần một thập kỷ nay. Covid-19 chỉ là tác nhân đẩy nhanh thêm xu thế này. Những cú sốc kinh tế mà đại dịch gây ra đang phá hoại nền thương mại toàn cầu tới một mức độ mà nhu cầu bên ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khó có thể phục hồi trong vòng hai đến ba năm. Cuộc chiến thương mại và công nghệ với Mỹ, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, cũng đang tạo ra những nguy cơ dài hạn. Những nhân tố này đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc suy đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ vỡ vụn và phi toàn cầu hóa.
Đại dịch Covid-19 và sự gia tăng thù địch với Mỹ đang đẩy nhanh những biến đổi trong nền kinh tế chính trị Trung Quốc.
Chính vì vậy, đây là hành động tiếp nối của Trung Quốc trong một chuỗi hành động hung hăng thể hiện đối với nhiều quốc gia khác nhau, có thể là để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân Trung Quốc khỏi các vấn đề trong nước và sự bất mãn ngày càng tăng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Có những đòi hỏi chưa từng có yêu cầu Tập Cận Bình từ chức do nhiều chính sách của ông ta, trong đó có cách xử lý sai dịch Covid-19 ở Vũ Hán. Mọi người đang mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Tập Cận Bình và bắt đầu đặt câu hỏi về lời hứa của ông về "Giấc mộng Trung Hoa" khi Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia khá giả toàn diện vào năm 2021, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc".
"Phục hồi chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ Trung Quốc bị mất do các hiệp ước bất bình đẳng với các cường quốc nước ngoài" là một cam kết của Tập Cận Bình trong "Giấc mộng Trung Hoa". Tăng cường các hoạt động quân sự trong tranh chấp lãnh thổ với láng giềng dường như là ngọn cờ duy nhất khả dĩ mà ông Tập có thể giương lên để quy tụ niềm tin trong xã hội Trung Quốc.
Thứ hai, đây cũng là tín hiệu mà Trung Quốc muốn đưa ra với Hoa Kỳ và các quốc gia khác tại khu vực Biển Đông. Mặc dù gần đây, Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN đã thúc đẩy các quốc gia ASEAN đưa ra một Tuyên bố, trong đó đề cao vai trò của UNCLOS, như một lời nhắn gửi đến Bắc Kinh. Trước đó, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia đã gửi các Công hàm/Công thư lên Liên Hiệp Quốc để phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như viện dẫn Phán quyết của Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016. Hành động này của Trung Quốc như muốn thể hiện rằng, bất chấp sự cổ vũ của Hoa Kỳ, cũng như dựa vào Phán quyết 2016, Trung Quốc vẫn là bên có sức mạnh lớn nhất ở khu vực Biển Đông. Và ASEAN cùng với Hoa Kỳ chớ có coi thường sức mạnh và quyết tâm của Trung Quốc đối với việc độc chiếm Biển Đông.
Thứ ba, hành động này nhắm tới Việt Nam với nhiều hàm ý. Việt Nam vẫn đang là quốc gia tích cực nhất trong ASEAN để tìm cách lên án Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, Việt Nam đang là kẻ "cứng đầu nhất". Vì vậy, Trung Quốc muốn "trị" Việt Nam trước hết. Sau đó mới tới các quốc gia ASEAN khác. Thêm nữa, Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13. Thực chất đây chính là giai đoạn chuẩn bị cho nhân sự cho khoá mới, vì vậy, đây cũng là lời "cảnh cáo" của Bắc Kinh cho các lãnh đạo Việt Nam, chớ có rời xa "thiên triều". Ngoài ra, đây cũng là lời "nhắc nhở" khi Việt Nam giai đoạn này đang "mặn nồng" với Hoa Kỳ rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các quan hệ quốc phòng. Vì thế, với việc đe dọa tại khu vực Lô 06.1, Trung Quốc vừa đạt được ý đồ ngăn chặn các hoạt động khai thác của Việt Nam, ép Việt Nam xuống nước để có thể thực hiện "Gác tranh chấp cùng khai thác" tại đây, vừa gửi tín hiệu đe dọa đến việc khai thác của các quốc gia ASEAN khác như Malaysia, Philippines và Indonesia. Mặc dù khu vực Lô 06.1 nằm trên bể Nam Côn Sơn, cách rất xa khu vực Bãi Tư Chính mà Trung Quốc gọi đó là Vạn An Bắc, nhưng Trung Quốc vẫn muốn biến khu vực này thành "vùng tranh chấp" theo ý đồ của Bắc Kinh.
Hành động khó hiểu của Việt Nam ?
Một vấn đề đáng lưu ý là hành động khó hiểu từ phía Việt Nam. Ngay từ cuối tháng 5, đã rộ lên các thông tin về việc Chính phủ Việt Nam đang xem xét tiếp tục thăm dò và khai thác mới tại Lô 06.1. Mặc dù phía Việt Nam thì ít khi đưa ra các thông báo chính thức về vấn đề này. Nhưng dư luận đã đồn đoán với căn cứ hợp lý khi Việt Nam thuê Giàn Noble Clyde Boudreaux và neo Giàn khoan này từ ngày 30/4 tới nay tại Vũng Tàu.
Hồi đầu tháng 6, Bộ Chính trị Việt Nam đã không thể quyết định được việc tiếp tục cho thăm dò và khai thác mới tại Lô 06.1 hay không ? Và đương nhiên là vì lo ngại trước áp lực đe dọa từ Bắc Kinh.
Việc Việt Nam chưa thể quyết định tiến hành thăm dò và khai thác mới trước áp lực của Bắc Kinh cũng là điều dễ hiểu. Trước đó, năm 2017 và 2018, dưới áp lực của Trung Quốc, Việt Nam đã yêu cầu Công ty Repsol tạm dừng khai thác tại Lô 136.3 và 07.3. Điều này đã dẫn tới những lo ngại cho các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực dầu khí đầu tư vào các dự án khai thác tại Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần thận trọng trước các quyết định của mình, vì nếu tiếp tục thăm dò và khai thác mới nhưng lại ngưng khi Trung Quốc gây áp lực, sẽ dẫn tới các thiệt hại vật chất và chiến lược của Việt Nam. Và điều đó đã dẫn tới việc Bộ Chính trị Việt Nam vẫn chưa thể ra quyết định tiếp tục hay không cho việc thăm dò để khai thác mới tại Lô 06.1.
Vì thế, việc thận trọng chưa thể quyết định việc thăm dò để khai thác mới là có thể hiểu được. Nhưng vì sao phía Việt Nam thuê Giàn Noble Clyde Boudreaux với giá thuê là 135.000 USD/ngày trong khi chưa quyết định được là sẽ làm hay không thì không hiểu phía Việt Nam có mục đích gì ?
Việc chưa thể ra quyết định mà đã tiến hành thuê giàn đã khiến công luận thấy Việt Nam có vẻ hấp tấp. Điều này đã tạo ra những sức ép không nhỏ cho chính phía Việt Nam khi nhân sự kiện đó mà các tàu của Trung Quốc đã tiến tới đe dọa các vùng biển của Việt Nam và giàn khoan tại mỏ Lan Tây mới đây. Chưa kể với giá tiền thuê như vậy, thì suốt cả tháng qua, số tiền mà phía Việt Nam phải trả tiền thuê giàn Noble Clyde Boudreaux lên tới cả trăm triệu USD, trong khi không thực hiện được mục tiêu thăm dò để khai thác mới và nền kinh tế Việt Nam lại đang gặp rất nhiều khó khăn với Đại dịch Covid-19 thì số tiền trên rõ ràng là không khỏ để giúp vực dậy nền kinh tế của mình.
Ngô Kiến Huy
Nguồn : RFA, 06/07/2020