Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/07/2020

Không khởi tố Thượng úy công an say xỉn tông chết người là trái luật

Cao Nguyên

Sáng 8/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông thông báo quyết định không khởi tố hình sự vụ án tai nạn giao thông do một thượng úy công an say xỉn, tông chết người do "không kết luận được nguyên nhân cái chết của nạn nhân".

khoito1

Thượng úy Trịnh Đình Nam là cán bộ Công an phường Nghĩa Phú, Thành phố Gia Nghĩa, Dak Nông), lái xe ô tô trong tình trạng say xỉn, không đi đúng làn đường, đã tông trúng ông H., làm ông này tử vong sau 2 ngày cấp cứu.

Sự việc xảy ra từ tháng 20/9/2019, Thượng úy Trịnh Đình Nam là cán bộ Công an phường Nghĩa Phú, Thành phố Gia Nghĩa, Dak Nông), lái xe ô tô trong tình trạng say xỉn, không đi đúng làn đường, đã tông trúng ông H., làm ông này tử vong sau 2 ngày cấp cứu.

Gia đình nạn nhân đã nhận đền bù 400 triệu đồng từ ông Nam, từ chối cho cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi, làm đơn bãi nại và cam đoan không có thắc mắc, khiếu nại hay khiếu kiện về sau.

Báo Giao Thông dẫn lời Công an tỉnh Đắk Nông cho biết : "Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do Thượng úy Trịnh Đình Nam điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu bia, đi không đúng phần đường dẫn đến tai nạn khiến ông H. tử vong".

"Tuy nhiên, do không kết luận được nguyên nhân chết của nạn nhân nên không có cơ sở để xử lý hình sự đối với Thượng úy Trịnh Đình Nam. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Gia Nghĩa ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ và các tài liệu liên quan để xử lý vi phạm hành chính đối với Thượng úy Trịnh Đình Nam theo quy định".

Không đúng quy định pháp luật

Luật sư Phạm Công Út, trả lời RFA cho biết quyết định này của cơ quan Cảnh sát điều tra là không đúng luật, bởi 2 vấn đề :

"Thứ nhất là về vấn đề không xác định được nguyên nhân. Nếu đã không xác định được nguyên nhân tại sao người lái xe phải bỏ ra 400 triệu.

Thứ hai là đối với tai nạn giao thông, nó không phải là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của của người bị hại, hoặc là người đại diện hợp pháp của người bị hại. Do đó, tai nạn giao thông thuộc loại nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải khởi tố vụ án.

Bốn trăm triệu đó chỉ được xem là một tình tiết giảm nhẹ đã khắc phục hậu quả chứ không thể nào không khởi tố vụ án được".

khoito2

Cảnh sát giao thông điều khiển giao thông trên đường phố Hà Nội hôm 6/3/2013 Reuters

Luật sư Út cho biết theo quy định, đối với những vụ tai nạn giao thông mà lỗi hoàn toàn do bị can, bị cáo thì sẽ không được hưởng án treo, mà phải chịu án giam, có thể từ 6 tháng đến 5 năm :

"Do đó, những người đang có chức vụ quyền hạn, có thể họ đã tốn rất nhiều tiền, hoặc nhiều công sức đóng góp, để họ có được vị trí địa vị xã hội, nên bỏ ra vài trăm triệu để giữ lại vị trí đó thì đó cũng là một bài học kinh nghiệm quá rẻ".

Luật sư Trần Đình Dũng phân tích, nếu lấy lý do là "không xác định được nguyên nhân cái chết của nạn nhân" và "gia đình đã nhận bồi thường" để dẫn đến quyết định không khởi tố vụ án là không đúng theo các quy định pháp luật :

"Ở đây có hai vấn đề khác nhau. Thứ nhất là gia đình nhận các quyền lợi, đó không phải là lý do không bị khởi tố. Vì trong trường hợp này, người bị hại không có quyền truy tố, mà cơ quan công tố phải thực hiện, để đảm bảo trật tự xã hội. Nên phải khởi tố vụ án.

Còn đối với vấn đề xác định nguyên nhân chết, thì cơ quan giám định phải xác định. Nếu như cấp dưới họ không xác định được thì phải chuyển lên cấp trên để giám định nguyên nhân chết.

Do đó, nếu trả lời vì hai nguyên do đó mà không khởi tố thì nó không đúng theo quy định của pháp luật".

Các vụ quan chức gây tai nạn giao thông nhưng được hưởng án treo

Trước đây, báo chí trong nước đã phản ánh rất nhiều vụ tương tự :

Tối ngày 23/3/2018, chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên điều khiển xe ô tô 5 chỗ đi lấn vào làn đường dành cho xe thô sơ rồi va chạm với rào chắn bên phải đường. Ông Thụy đánh lái về phía tay trái trở ra thì đâm liên tiếp vào 4 em học sinh đang đi bộ sát lề đường. Hậu quả khiến một nam sinh tử vong, 3 em còn lại bị thương.

Sau khi gây tai nạn, ông Thụy bỏ trốn khỏi hiện trường rồi nhờ người khác ra đầu thú nhận tội thay. Sau khi báo chí vào cuộc điều tra thì ông Thụy mới đến cơ quan công an khai nhận hành vi của mình.

Mặc dù gây tai nạn chết người và cố tình "chối tội", nhưng Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ chỉ xử ông Thụy 3 năm tù treo về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông".

Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ, người trực tiếp xét xử, lý giải về bản án 3 năm tù treo là vì "Bị cáo Thụy có nhân thân tốt. Trước khi gây tai nạn bị cáo là chủ UBND xã Trung Nghĩa, quá trình công tác có nhiều thành tích xuất sắc. Bị cáo thành khẩn khai báo với thái độ ăn năn, hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại. Bố mẹ đẻ bị cáo là người có công với cách mạng nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào…"

Một vụ tai nạn giao thông khác cũng do cán bộ gây ra khiến 3 mạng người tử vong nhưng vẫn được hưởng án treo là vào năm 2015.

Ông Lãnh Đức Dũng, khi đó là Bí thư huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngày 30/1/2015, ông Dũng đang lái xe ô tô trên đường đến một khúc cua, bên phải đường có đống đá nên ông đánh lái sang trái để tránh.

Chiếc ô tô của ông Dũng ngay lúc đó đã đâm trúng xe máy do ông Tiến (35 tuổi) cầm lái, chở theo mẹ (60 tuổi) và cháu nhỏ mới 1 tuổi khiến cả ba người này từ vong.

Ông Lãnh Đức Dũng sau đó cũng được Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên 3 năm tù, cho hưởng án treo với lý do là "bản thân ông Dũng từng nhận được nhiều khen thưởng của Đảng và Nhà nước trong quá trình công tác, gia đình bị hại làm đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự".

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều các vụ án về tai nạn giao thông do quan chức điều khiển xe gây chết người rồi được hưởng án treo mà báo chí nhà nước đã đưa tin.

Có hay không sự phân biệt giữa "xử quan" và "xử dân"

Còn đối với người dân bình thường thì tòa lại xử khác. Điển hình là vụ việc ông Lương Hữu Phước ở Bình Phước đã nhảy lầu tự tử ngay trong sân tòa án gây chấn động dư luận thời gian vừa qua.

Ngày 15/1/2017, ông Lương Hữu Phước ở Đồng Xoài (Bình Phước) đang chở ông Qúy thì bị xe máy do ông Lâm Tươi lưu thông cùng chiều đụng vào, khiến ông Phước bị thương, còn ông Qúy chết sau đó 3 ngày.

Ông Phước ra viện và bị truy tố vì tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông".

Ngày 29/5/2020, phiên tòa phúc thẩm xử ông Phước 3 năm tù giam. Cho rằng mình bị oan, ông Phước đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử.

Đến ngày 12/6, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao đã hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bình Phước.

Theo Tuổi Trẻ, Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng hai cấp tòa phúc thẩm và cấp sơ thẩm nhận định ông Lương Hữu Phước không tuân thủ quy tắc giao thông, chuyển hướng xe không quan sát, không nhường đường cho xe đi ngược chiều là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông là chưa đủ căn cứ.

Trước những sự việc trên, câu hỏi đặt ra là liệu có sự phân biệt trong xét xử giữa cán bộ quan chức và dân thường hay không ?

Luật sư Phạm Công Út nhận định ít khi nào người cán bộ, quan chức đảng viên lại đứng trước vành móng ngựa vì gây "tai nạn giao thông". Nhưng nếu người dân mà gây tai nạn thì tỉ lệ chịu án tù giam là rất cao :

"Báo chí "chính thống" đã đưa nhiều vụ cán bộ gây tai nạn chết người, nhưng họ lại thoát tội. Ít khi nào quan chức đứng trước tòa về vấn đề gây tai nạn giao thông. Bằng cách này hay cách khác, họ không bị khởi tố. Còn đối với người dân, những người lái xe lao động kiếm cơm, có thể sẽ bị xử giam rất nặng, thông thường ít nhất họ phải chịu 18 tháng tù giam.

Cán bộ công chức thường là "một cổ hai tròng". Cái "tròng" thứ nhất là tổ chức sinh hoạt đảng, cái "tròng" thứ hai là pháp luật hình sự. Nhưng mà tổ chức Đảng, hoặc chính quyền, họ thường chỉ xử lý hành chính, sau đó vấn đề hình sự là chìm nghỉm.

Khi đó, người ta sẽ áp dụng nguyên tắc có lợi cho người cán bộ đảng viên, là một hành vi chỉ được xử lý một lần. Có nghĩa là đã xử lý hành chính rồi thì sẽ không xử lý hình sự nữa. Thành ra, họ sẽ xử lý hành chính trước, để không phải xử lý hình sự".

Luật sư Trần Đình Dũng khẳng định trước pháp luật, quan chức đảng viên hay dân thường đều bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc quan chức và người dân hành xử không đúng với nhau. Điều quan trọng là mọi người đều phải được xét xử đúng theo quy định pháp luật.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 11/074/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên
Read 493 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)