Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2020

ASEAN cần thận trọng trước đề xuất tái đàm phán COC của Trung Quốc

Lý Thế Dân

Trung Quốc liên tiếp biểu dương sức mạnh

Trong thời gian qua, lợi dụng lúc quốc tế, nhất là Mỹ, tập trung đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện tại hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là trên các đảo nhân tạo được xây dựng rõ ràng với mục đích quân sự. Giờ đây, khi gần như đã khống chế được dịch Covid-19, Bắc Kinh lại càng gia tăng các hoạt động tại Biển Đông.

Nhìn một cách bao quát, cuộc tấn công trên tất cả các mặt trận của Trung Quốc tạo ra một ấn tượng về một cường quốc đang trỗi dậy. Trung Quốc đồng thời phát động một cuộc giao tranh trên biên giới với Ấn Độ, quân sự hóa Biển Đông, trấn áp Hong Kong, gây sức ép với Đài Loan, đối đầu với Nhật Bản về các quần đảo tranh chấp.

coc1

Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc chụp hình chung trong Thượng đỉnh ASEAN Trung Quốc ở Bangkok, Thái Lan hôm 3/11/2019 Reuters

Tại biển Đông thời gian qua, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã hoàn tất 5 ngày tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Trung Quốc không cho biết chi tiết về cuộc tập trận này, mà chỉ mô tả đó là các cuộc tập trận "cao độ" trong bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu.

Ngày 9/7, Thời báo Hoàn Cầu - ấn bản của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - lại cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tổ chức các cuộc tập trận phòng không giả định ở khu vực duyên hải của tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Khu vực tập trận này là nơi thường xuyên chứng kiến nhiều hoạt động do thám trên không của các máy bay quân sự Mỹ trong những ngày qua.

Tiếp đó, một chuyên gia quân sự giấu tên Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng các cuộc tập trận của PLA được lên lịch trình tiến hành thường xuyên và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng các hoạt động do thám cự ly gần trên không của Mỹ gây ra nhiều mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc, vì vậy các cuộc tập trận lần này cũng cho thấy PLA luôn sẵn sàng phòng thủ trước mọi hành động gây hấn thù địch. Chuyên gia quân sự trên nhận định các cuộc tập trận phòng không lần này có thể được coi là một lời cảnh báo của PLA đối với Mỹ rằng những hành động khiêu khích của họ không nên đi xa hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng PLA có thể điều máy bay chiến đấu để ngăn chặn máy bay Mỹ và tạm thời đình chỉ các hoạt động quân sự mà máy bay Mỹ đang tiến hành do thám khi họ tiếp cận.

coc2

Hình chụp hôm 2/1/2017 : đội tàu của Hải quân Trung Quốc bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh đang tâp trận ở Biển Đông AFP

Trong khi đó, kể từ năm 2017, đây là lần đầu Mỹ triển khai 3 nhóm tác chiến tàu sân bay vào vùng Biển Đông có tranh chấp và các vùng biển lân cận. Trước đó, 10 năm mới có một màn trình diễn sức mạnh khác của hải quân Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương. Dường như Washington muốn chuyển tải một thông điệp, trong khi chưa rõ liệu Trung Quốc có chú ý đến thông điệp như vậy trong một bầu không khí tranh cãi đang leo thang hay không.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Kritenbrink phát biểu ngày 7/7 rằng : "Chúng tôi phản đối những nỗ lực của một số nước trong khu vực nhằm tìm cách can thiệp vào hoạt động thăm dò năng lượng vốn đã có lâu đời ở Biển Đông, bao gồm cả Việt Nam, tại những lô đã được thiết lập lâu nay.

Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các quốc gia không sử dụng vũ lực hoặc hành động cưỡng ép, hoặc bắt nạt để tìm cách thúc đẩy lợi ích của họ".

Trung Quốc đề xuất đàm phán về COC với âm mưu gì ?

Cùng với việc thể hiện sức mạnh và sự đe dọa trước các đối thủ thông qua nhiều hình thức, đặc biệt với các cuộc tập trận gần đây, tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc lại tuyên bố đồng ý nối lại đàm phán với các đối tác Đông Nam Á về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Tuyên bố trên được Trung Quốc đưa ra trong cuộc tham vấn với giới lãnh đạo Đông Nam Á hôm 1/7. Từ đầu năm nay, Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chưa thể dành thời gian cho chủ đề này do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Vậy Trung Quốc muốn gì khi đưa ra đề nghị tiếp tục đàm phán về COC với ASEAN ? Một mặt, Trung Quốc đưa ra đề nghị tiếp tục đối thoại về COC. Thế nhưng, trong suốt 6 tháng qua, Trung Quốc đã ít nhất 8 lần điều máy bay xâm phạm không phận Đài Loan và đưa tàu thăm dò tới quấy phá các vùng biển mà Malaysia và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

COC được xem là một công cụ pháp lý mang tính ràng buộc nhằm "giảm căng thẳng, duy trì hòa bình, ổn định và an ninh" tại vùng biển này. Tiến trình đàm phán COC được dự trù vào đầu năm nay đã bị gián đoạn do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra(Covid-19). Lần gần đây nhất các bên thảo luận với nhau về COC là tháng 10/2019. Bắc Kinh từng bày tỏ mong muốn COC nhanh chóng được hoàn tất để có hiệu lực vào năm 2021, thậm chí còn nêu lên viễn cảnh kết thúc đàm phán trong năm nay.

Có hai lý do để giải thích cho đề nghị nối lại đàm phán COC từ Trung Quốc.

Lý do thứ nhất, trước sự phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia ASEAN, đặc biệt từ các quốc gia như Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị nối lại đàm phán về COC như một biện pháp "tạo ra hình ảnh thân thiện" của Trung Quốc. Việc Trung Quốc tạo ra các căng thẳng đối với nhiều quốc gia cùng lúc đã góp phần tạo ra bộ mặt thật "xấu xí" của Trung Quốc, nên Trung Quốc cũng cần "mặc tấm da cừu cho bộ mặt sói" của mình.

Mới đây, trong hội nghị cấp cao trực tuyến ngày 26/6 dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nước Đông Nam Á đã tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết với nước láng giềng khổng lồ này. Trong bản quyên bố chung, ASEAN đã nêu bật mối quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), xem đây là "cơ sơ để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp" phù hợp với luật pháp quốc tế.

Không đi sâu vào chi tiết và không trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung của ASEAN lên án các vụ tàu khảo sát Trung Quốc cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia, hay các vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm hồi tháng 4 và tháng 6/2020, việc Bắc Kinh lập hai quận mới ở Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định thêm quyền quản lý các khu vực này.

Lý do thứ hai, đó là với đề nghị của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm này cho thấy Bắc Kinh tin rằng họ sẽ quay trở lại bàn đàm phán trong thế mạnh, trong khi nhiều nước ASEAN đã bị Covid-19 làm suy yếu, nhất là về mặt kinh tế, nên rất cần sự trợ giúp kinh tế từ Trung Quốc và theo đó, Trung Quốc có thể tác động các quốc gia này, nắm chắc phần có lợi thế. Ngoài ra, các cuộc tập trận dồn dập của hải quân Trung Quốc và những hành động nhằm phô trương sức mạnh của guồng máy quân đội Trung Quốc tại Biển Đông gần đây cũng là một sự đe dọa các nước ASEAN là phải nghe lời "thiên triều" trong việc hoàn tất COC theo ý Trung Quốc.

Tuy nhiên, dường như các quốc gia ASEAN đang "thức tỉnh". Với sự xuất hiện của Hoa Kỳ như một lực lượng đối trọng với Trung Quốc tại khu vực biển Đông, các quốc gia ASEAN đang tìm thấy những "liều thuốc trợ lực" để cùng cất lên tiếng nói, bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Chắc chắn, với các diễn biến như hiện nay, Trung Quốc khó lòng có thể "ép" ASEAN đi đến một bản COC phục vụ theo mục đích của Trung Quốc được. Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Lý Thế Dân

Nguồn : RFA, 10/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lý Thế Dân
Read 508 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)