Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/04/2017

42 năm sau ngày 30/4/1975 qua cái nhìn của người trẻ

Cát Linh

Những người trẻ sinh ra sau khi chiến tranh chấm dứt có sự hiểu biết về ngày 30 tháng 4 năm 1975 như thế nào và họ nhìn thấy gì trong sự thay đổi của đất nước mấy mươi năm qua ?

3041

Người Sài Gòn di tản hôm 29/4/1975. AFP photo

Cách gọi

Cứ đến tháng Tư của mỗi năm, tấm ảnh đen trắng về những đứa trẻ đứng nhìn ra ngoài ô cửa nhỏ xíu trong một chiếc phi cơ đã được tháo hết những băng ghế ngồi, trên mặt sàn máy bay thì chật kín những đứa trẻ khác đang nằm, ngồi lẫn lộn, lại xuất hiện trên các diễn đàn như một lời nhắc nhở…

42 năm, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, sẽ là quá nửa đời người với những cậu bé cô bé trong tấm ảnh ấy. 42 năm sau, họ sẽ nhớ lại ngày đó với một ký ức mang màu sắc của "số phận", là cách nói của một người trên mạng xã hội khi xem tấm ảnh ấy.

Nhưng, với những người sinh năm 80, 90, sẽ là một thời đại hoàn toàn độc lập, về tư tưởng, thể chế, chung hơn hết là ý thức hệ.

Họ là những người được tiếp nhận từ ngữ mới, văn hoá mới, phong cách xã hội mới. Họ không trải qua giai đoạn gọi là "chuyển giao chế độ". Chính vì vậy, không ít người ở lứa tuổi này nhìn về ngày 30 tháng 4 với một tâm thế hoàn toàn trung dung.

Sao Mai, thế hệ 9X, là một trong số những người ấy. Rất đơn giản, cô gọi đó là ngày giải phóng, theo văn hoá giáo dục mà cô được truyền dạy.

"Tức là thường thì từ khi đi học đến khi lớn lên, em được biết 30 tháng 4 là ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 1 tháng 5 là ngày Lễ Lao động. Nếu đi học hay đi làm thì sẽ được nghỉ hai ngày đó".

Cụ thể hơn, nhưng cũng không kém phần đơn giản khi Sao Mai hiểu về ngày giải phóng.

"Ngày trước thì có thể là miền Bắc được giải phóng trước, không bị ách đô hộ cũng như không bị giặc ngoại xâm lấn chiếm, được hoà bình trước. Miền Nam thì vẫn phải chống chọi với giặc ngoại xâm, với kẻ thù. Ngày 30 tháng 4 là ngày đánh dấu mốc miền Nam cũng được hoà bình như miền Bắc và thống nhất đất nước".

Không phải chỉ riêng Sao Mai, mà tất cả những ai trải qua nền giáo dục dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa đều biết đến cách gọi của cụm từ "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Nguyễn Khang, một thế hệ 9X khác, từ Sài Gòn cho biết anh không xa lạ với cách nói ấy :

"Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đó là theo quan niệm của em thời còn đi học".

Còn cho đến bây giờ, Khang cho biết anh chỉ chấp nhận một nửa của cách gọi ấy, vì không thể phủ nhận sự thật là Nam, Bắc một nhà từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

"Còn cho tới thời điểm bây giờ, em gọi nó là ngày thống nhất đất nước. Gọi là giải phóng miền Nam thì không hợp lý vì không thể nào một thằng nghèo đi giải phóng một thằng giàu. Nhưng không thể phủ nhận được ngày đó là ngày thống nhất đất nước".

Cũng chia ra hai thời điểm để có hai sự hiểu biết và chấp nhận, là ý kiến của Sỹ Bình, thế hệ 8X.

"Ở thời điểm ngày xưa, ngồi trên mái nhà trường đó, gọi ngày 30 tháng 4 là ngày giải phóng. Nhưng mãi sau này, hiểu ra được vấn đề, thì ngày 30 tháng 4 là ngày buồn của dân tộc Việt Nam. Là một ngày gọi là thấm máu, nhuộm máu quê hương. Người ta thường gọi là Tháng Tư đen".

Tính chất

3042

Bên trong một chiếc phi cơ của chương trình Babylift tháng 4/1975. Bên trong một chiếc phi cơ của chương trình Babylift tháng 4/1975.

‘Cái sự hiểu ra vấn đề’ đó được Sỹ Bình cho biết là từ lúc internet phát triển, truyền thông nhà nước và báo chí không còn là "nhà trường thứ hai" của người dân. Thay vào đó, các bạn trẻ như Sỹ Bình nói rằng họ đã tìm thấy "sự thật khác ẩn chứa trong đó".

"Một cái ngày gọi là người Cộng sản Bắc Việt đã vào đánh cướp giết đất quê hương của người miền Nam. Những trận đánh mà cộng sản cho là giải phóng đó thì chính là những trận đánh giúp cho Tàu Cộng và Liên Xô".

Cho dù các bạn trẻ ấy đều nhìn nhận có hai sự hiểu đến từ hai thời điểm khác nhau, dẫn đến hai cách gọi khác nhau, thế nhưng, theo Nguyễn Khang thì có một điều mà anh cho rằng không thể phủ nhận.

"Không phủ nhận là Cộng sản đã thắng. Việt Nam Cộng hoà đã thua. Nhưng những hệ luỵ của nó thì thật sự ngày đó là một ngày đen tối, một ngày đáng buồn".

Còn với quan điểm của Sỹ Bình, anh nói rằng khi sự thật được phơi bày, nhìn quay lại những gì đã học, tất cả hoàn toàn được tô vẽ, cùng với sự trợ giúp của những ngòi bút mà anh gọi là "dối trá"

"Để cố tình xây dựng những sự học và truyền thông dối trá để mị dân. Khi hiểu ra thì rất đau khổ, gọi là vỡ oà cảm xúc".

Nếu với Sỹ Bình là một cảm xúc vỡ oà đau khổ thì Nguyễn Khang gọi đó là "một ngày đau thương" :

"Bởi vì em biết được hệ lụy, hậu quả của ngày đó, những người chết trong trại cải tạo. Em biết cuộc sống sau 1975 như thế nào, nên em biết được ngày đó là một ngày đau thương. Cái ngày không tồn tại luật pháp, thậm chí họ có thể giết người công khai mà không cần chờ đợi đến pháp luật….

Nếu mà không có ngày đó thì sẽ tốt hơn".

Tích cực và tiêu cực

Những câu chuyện về cuộc chiến được vẽ lại trong sách vở hào hùng, oanh liệt thật sự đã lấy đi khá trọn vẹn niềm tin của thế hệ trẻ khi còn ngồi trên mái trường. Hình ảnh "cô du kích nhỏ giương cao súng" và "Thằng Mỹ lom khom bước cúi đầu" hay "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám" từng là những hình ảnh tự hào đi trong tâm trí của những đứa trẻ hát quốc ca vào mỗi buổi sớm.

Niềm tự hào ấy trong trí nhớ của của các bạn trẻ, nó đã được xây dựng và lớn lên từng ngày với niềm tin đất nước mình "rừng vàng, biển bạc".

VIETNAM-WAR-TANKS-VIETCONG

Lính bắc việt trên những chiếc xe tăng tràn vào thành phố Sài Gòn sáng 30/4/1975. AFP photo

Không ít người thuộc thế hệ 8X, 9X, qua mạng internet, họ biết đến câu nói nổi tiếng của cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Duẩn từng tuyên bố nhân dịp Têt 1976, một năm sau ngày Giải phóng :

"Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một Tivi và một tủ lạnh".

Những thanh niên tham gia buổi nói chuyện trong bài viết này đều chưa ra đời vào thời điểm ông Lê Duẩn vạch ra tiêu chuẩn đời sống của một gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, như Nguyễn Khang đã nói, anh không chấp nhận gọi là giải phóng miền Nam vì không thể nào một thằng nghèo đi giải phóng một thằng giàu.

Có lẽ qua kho tàng internet, Khang đã tìm hiểu cuộc sống của người miền Nam trước 1975 có được tủ lạnh và radio hay chưa.

Thế nhưng, chính Khang vẫn nhận thấy những điểm tích cực của cột mốc 30 tháng 4 năm 1975. Anh đưa ra cái nhìn có tính chất khá nhân sinh quan, đó là những mất mát trong chiến tranh sẽ không còn nữa.

"Ít nhất người dân không còn hoang mang khi mỗi sáng thức dậy thấy cái chết. Những chết chóc của chiến tranh sẽ không còn nữa. Không còn chiến tranh là mặt tích cực rồi".

Thế nhưng, cũng theo Khang, bên mặt tích cực vẫn tồn tại những tiêu cực. Khang muốn nói đến cuộc bỏ phiếu bằng chân lớn nhất lịch sử Việt Nam.

"Hệ luỵ của vấn đề không còn chiến tranh lại khác đi. Không còn tự do. Không còn quyền được sống. Có người phải bỏ quê hương, bỏ cha mẹ, con cái để ra đi".

Tuy nhiên, nói rằng cần phải nhìn nhận khách quan, Nguyễn Khang cho biết anh vẫn thấy có điểm tích cực trong 42 năm kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.

"Sự thay đổi đến thời điểm bây giờ, giống như thời bao cấp thì không thể sống được. Hay nếu không thống nhất thì cũng giống như với Triều Tiên hay Hàn Quốc thôi.

Sự chuyển biến tốt nhất bây giờ là đã có những công ty nước ngoài vào. Việc mở cửa cho những công ty nước ngoài vào trong 42 năm vẫn là chuyển biến em cho là tốt nhất, để cho công ty nước ngoài vào đầu tư rồi dần dần cuộc sống người dân từ đó có những nhận thức khác đi".

Không đồng ý với ý kiến này, Sỹ Bình phản biện bằng cách đưa ra nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác trong xã hội hiện tại. Theo anh, không thể nhìn vào một góc phát triển của một sự vật mà có thể đưa ra đánh giá toàn diện. Sỹ Bình cho rằng cần phải nhìn thêm ở các vấn đề khác bên cạnh kinh tế.

"Không phải mình nhìn thấy xây dựng, giao thông, các quy trình kiến trúc hạ tầng đồ sộ mà nói phát triển được.

Ví dụ an ninh quốc phòng, tại sao người dân ngoài biển bị quân giặc Tàu cưới giết nhiều như vậy ? Giáo dục thì học trò đánh nhau hội đồng gây tử vong hàng năm, hằng tháng. Y tế thì xuống cấp, trẻ em chết rất nhiều.

Tại sao lại có những ngôi nhà đồ sộ như vậy ? thứ nhất, có thể của nhà đầu tư nào đó ở nước ngoài hoặc những nhà tham nhũng, tư bản đỏ dùng đồng tiền bất chính, lấy ngân khố của đất nước trái pháp luật để xây dựng lên những công trình cá nhân làm lợi ích riêng".

Cuộc sống của người dân Việt Nam có thật như trong bài giảng là ‘dân giàu, nước mạnh’ hay không ? Sự phát triển của xã hội Việt Nam như thế nào trong hơn 40 năm qua ? Thế hệ trẻ có tự hào về một Việt Nam hùng cường từng ‘đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào" hay không ? Câu trả lời"Không có gì phát triển ngoài hiểu biết của người dân về sự thật lịch sử sau 42 năm", và "phải chi đừng có ngày ấy", là nhận định chung của những bạn trẻ thế hệ 8X, 9X, những người được sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã chấm dứt.

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 20/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cát Linh
Read 3218 times

3 comments

  • Comment Link nvh dimanche, 30 avril 2017 15:07 posted by nvh

    Qua hai phát biểu của hai đọc giả này, chúng ta thấy nhu cầu hòa giải giữa những người Việt Nam với nhau rất là cấp thiết. Chiến tranh đã chấm dứt cách đây 42 năm. Độc giả dangnghiem lúc đó mới 3 tuổi. Độc giả Giũng Peter chắc cũng trong lứa tuổi đó. Nghĩa là cả hai đều còn trẻ và chỉ nghe kể lại rồi phản ứng theo nhận xét cá nhân. Trong khi đó, hai tác nhân gây ra chiến tranh và đỗ vỡ là Đảng Cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ đã xóa bài làm lại, thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế từ trước nửa đầu thập nien 1990. Hà Nội đã giao lại hài cốt những binh sĩ Mỹ đã bỏ mình tại Việt Nam và được buôn bán với Hoa Kỳ. Suy cho cùng, tất cả những người dân Việt Nam đều là nạn nhân của một cuộc chiến anh em tương tàn, thù hận đến ngày hôm nay, sau 42 năm vẫn gần như còn nguyên vẹn. Chúng ta phải dứt khoát từ bỏ tâm lý "ta-địch" để cùng là người Việt Nam. Rất mong những thế hệ trẻ Việt Nam sớm vứt bỏ cái quá khứ đau buồn này để cùng nhau xây dựng lại một nước Việt Nam dân chủ và phồn vinh.
    Thân mến,
    Nguyễn Văn Huy

  • Comment Link dangnghiem samedi, 29 avril 2017 16:13 posted by dangnghiem

    Tôi là người may mắn sống trong cuộc chiến tranh này, nên có mấy góp ý chân thành như thế này:
    cuộc chiến là do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển dựa trên Chủ nghĩa cộng sản làm làm nền tảng để giải phóng dân tộc thoát khỏi sự áp bức của thực dân, đế quốc xâm lược (thời đó). Nhưng không may rằng đế quốc Mĩ khi đó nhầm hiểu là sộng sản là mầm mống nguy hiểm cho cả thế giới nên dốc hết sức để tiêu diệt. Cho nên mới có cuộc chiến tranh ác liệt này. Thời đó, Sài gòn sung túc là nhờ viện trợ của Mĩ, còn các vùng nông thôn thì thiếu thốn cùng cực. Lính mĩ, lính cộng hoà tàn phá không chừa thứ gì: đốt nhà, giết chết gia súc, tiêu huỷ hoa màu, cây trái của người dân...Tôi còn nhớ hồi đó tôi học lớp 3. Cuối năm loại giỏi được lãnh thưởng hộp phấn viết bảng, vài quyển sách bọn lính cũng lôi ra đập bỏ (năm 1972).

  • Comment Link Dũng samedi, 29 avril 2017 03:36 posted by Dũng

    SAO LẠI LÀ MỪNG LỄ 30/4???? SAO LẠI GIẢI PHÓNG MIỀN NAM??? MÀ KHÔNG LÀ KỶ NIỆM?
    đây chỉ là dòng suy tư, tản mạn và đặt một vài câu hỏi hy vọng 500 anh em fb biết được câu trả lời
    1. Sao lại mừng lễ 30/4???
    - Ngày 30/4 mặc nhiên người ta hiểu là ngày lễ và được nghỉ và thường nó là nghỉ kéo dài (vì kế cận ngày 01/5) và rồi gia đình, bạn bè rủ nhau đi chơi, tụ tập ăn nhậu để mừng lễ???
    - 30/4 vui lắm sao? khi mà ngày đó cả trăm ngàn người bỏ mạng nơi chiến trường, nơi làng quê, nơi biển cả.
    + Dù là CS hay VNCH thì cũng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, cùng chung dòng máu của cha Lạc Long & mẹ Âu Cơ, như vậy đồng nghĩa với việc Bắc, Trung, Nam đều là anh em một nhà....mà sao GIẾT ĐƯỢC NHAU LẠI HẢ HÊ ĐẾN THẾ?
    + Bao người dân vô tội chẳng liên quan gì đến cuộc chiến của chế độ cũng chết vì bom đạn, và trăm ngàn người bỏ mạng nơi biển khơi vì sợ nơi chôn nhau cắt rốn này? sao vậy?
    - Bạn không cảm thấy đau sao mà ăn mừng? Anh em trong một nhà mà giết nhau mà vẫn thấy hả hê, đau là vì bao người dân vô tội cũng bỏ phải bỏ mạng, phải bỏ xứ ra đi....giống như trong gia đình có 1 người con bỏ nhà ra đi phàm làm cha làm mẹ không thấy đau xót sao?
    2. Sao lại là GIẢI PHÓNG MIỀN NAM?
    Giải phóng là giải phóng cái gì? điều gì?
    Vì nếu hiểu Giải phóng theo từ điển tiếng Việt thì GP: làm cho được tự do, cho thoát khỏi địa vị nô lệ hoặc tình trạng bị áp bức, kiểm soát, ràng buộc...mà chiếu vào hoàn cảnh MN lúc đó thấy có cái gì đó sai sai cho từ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM thì phải.
    Hồi đó MN được mệnh danh là "Hòn Ngọc Viễn Đông", và Lý Quang Diệu đã từng ước “hy vọng một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn”. và bây giờ sau khi Sài Gòn được GIẢI PHÓNG, Sài Gòn lại ước "Hy vọng một lúc nào đó Sài Gòn sẽ phát triển giống như Singapore"
    3. Sao không dùng từ khác cho ngày 30/4: NÊN CHĂNG DÙNG TỪ KỶ NIỆM 30/4?
    - Kỷ niệm để chúng ta cùng nhau nhắc nhớ đến những niềm vui, nỗi buồn của những ngày tháng của lịch sử, những thành quả và những sai lầm của lịch sử để lại.
    - Kỷ niệm không phải tìm ra câu trả lời cho câu chuyện của quá khứ rằng ai đúng ai sai? nhưng là để biết rằng RUỘT THỊT CỦA MÌNH ĐÃ TỪNG BỊ TỔN THƯƠNG trong lịch sử.
    - Và nếu được thì ngày này nhà chùa tổ chức cúng cầu siêu, nhà thờ thì làm lễ cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát/ được lên thiên đường.
    không biết có ai đó cùng quan điểm với tôi, nhưng hy vọng bài viết này CHẠM đến bạn và mong rằng thế hệ già (thế hệ đã từng sống trong thời chiến) không còn uất hận với thời khắc lịch sử nữa, và hy vọng những người trẻ có được cái nhìn, cái hiểu cho đúng nghĩa của nó.
    -Giũng Peter-

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)