Nhìn lại 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam
Thiện Ý, VOA, 14/07/2020
Ngày 12/7/2020 là đúng 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam (1995-2020). Bài viết này lần lượt trình bày :
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink nhận khẩu trang từ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, ngày 16/04/2020. Hình minh họa. Photo US Embassy Vietnam.
1) Bối cảnh lịch sử tiền thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam
2) Thành quả 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam
3) Nhận định về ý nghĩa của thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
****************
I. Bối cảnh lịch sử tiền thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
1. Thời chiến tranh Quốc-Cộng trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ cộng sản và tư bản toàn cầu (1954-1975)
Như mọi người đã biết, sau Thế chiến II (1939-1945) cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng trước đó, giữa người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia (gọi tắt là Việt Quốc) và ngời Việt Nam mang ý thức hệ cộng sản (gọi tắt là Việt Cộng) đã rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.
Sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam, Miền Bắc cộng sản trở thành tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô cũ. Miền Nam quốc gia là tiền đồn phe tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Hoa Kỳ. Miền Bắc cộng sản làm nhiệm vụ xung kích, nhận chi viện vũ khí, hậu cần của Liên Xô, Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa, phát động chiến tranh "ngụy dân tộc" dưới ngọn cờ "chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam" để cộng sản hóa cả nước, thực hiện tham vọng cộng sản hóa toàn cầu của cộng sản quốc tế Nga-Tàu. Trong khi Miền Nam quốc gia nhận viện trợ vũ khí, hậu cần của Hoa Kỳ và đồng minh "thế giới tự do", làm nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi cuộc chiến tranh do phe cộng sản Bắc Việt phát động tiến hành.
Cuộc chiến tranh hai khối (xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa) bốn bên (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và công cụ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ; Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa) này kéo dài trên 20 năm đã đi đến kết thúc về mặt pháp lý bằng Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam. Nhưng hai năm sau, phe cộng sản Bắc Việt đã vi phạm trắng trợn Hiệp định này khi dùng bạo lực quân sự xâm chiếm Miền Nam vào ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam (*).
Đúng ra sự vi phạm trắng trợn này của phe cộng sản Bắc Việt, Hoa Kỳ và đồng minh cũng như những cam kết quốc tế có trách nhiệm ngăn chặn, chế tài, bảo đảm cho việc thực thi các điều khoản của Hiệp định Paris 1973. Thế nhưng thực tế tất cả đã làm ngơ. Riêng Hoa Kỳ có trách nhiệm chính thì chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt duy nhất là tăng cường cấm vận toàn diện, triệt để đối với kẻ vi phạm là phe cộng sản Bắc Việt. Cuộc cấm vận này cũng chỉ kéo dài 20 năm sau chiến tranh, Hoa Kỳ đã bãi bỏ cấm vận, quay lại Việt Nam, thiết lập quan hệ ngoại giao với cựu thù năm xưa là phe cộng sản Bắc Việt, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đối phương trên chiến trường trở thành đối tác làm ăn trên thị trường.
2. Thời kỳ xây dựng triệt để mô hình xã hội chủ nghĩa thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn (1975-1995)
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, một cuộc mít tinh tập trung đông đảo quần chúng nhân dân Miền Nam ở Saigon, trước Dinh Độc lập cũ (nay đổi thành Dinh Thống nhất). Trên khán đài lộ thiên có mặt hầu hết các lãnh tụ hàng đầu đảng và nhà nước phe cộng sản Bắc Việt "Việt Nam dân chủ cộng hòa" (như Lê Duẩn,Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp Tôn Đức Thắng…) và các lãnh đạo hàng đầu "Mặt Trận Dân tộc giải phóng Miền Nam" và "chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam", vốn là công cụ quân sự và chính trị trá hình của phe cộng sản Bắc Việt (như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Định, kỹ sư Huỳnh Tấn Phát…). Tổng bí thư Đảng cộng sản lúc đó là Lê Duẩn, trong lời phát biểu đã mạnh miệng khẳng định đại ý rằng "Đảng ta, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đã đánh thắng phát-xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tên đế quốc sừng sỏ và hung hãn nhất của thời đại ; thì đảng ta nhất định sẽ lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong vòng từ 15 đến 20 năm nữa…". Cố Tổng bí thư Lê Duẩn tiên liệu đúng về thời gian 15 đến 20 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa (1975-1995) nhưng đoán sai về kết quả là đã không xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa, mà đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn vào đúng thời khoảng Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ phải chuyển đổi qua chế độ dân chủ tư bản chủ nghĩa (1989-1991).
Trước thực tế trên, năm 1990 lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam phải vội làm hòa với lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, qua mật nghị Thành Đô, nối lại quan hệ sau hơn 10 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao (1979-1990). Từ đó Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn Trung Quốc về đối nội cũng như đối ngoại. Do đó, Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách "Mở cửa" theo gương Trung Quốc, mở rộng quan hệ ngoại giao đa phương, đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị theo phương châm lãnh tụ Đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, rằng "mèo trắng (tư bản) hay mèo đen (cộng sản) không quan trọng, miễn là mèo đó bặt được chuột. Và thực tế Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam đã làm đúng như vậy.
Việt Nam đã tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ sau khi đáp ứng 3 điều kiện của Hoa Kỳ :
1) Trao trả hài cốt và tin tức về người Mỹ mất tích gọi tắt là POW/MIA ;
2) rút quân khỏi Kampuchia ;
3) Cải thiện nhân quyền.
Đáp lại, Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó và nhờ đó tạo cơ hội thuận lợi cho chính sách "Mở cửa" của Việt Nam thành công bằng con đường "kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" theo gương Trung Quốc. Có điều thực tế tại Việt Nam cũng như Trung Quốc là con đường làm ăn "kinh tế thị trường" đã và đang từng bước theo "định hướng tư bản chủ nghĩa" chứ không chiều theo ý muốn chủ quan, duy ý chí của đảng và nhà đương quyền Việt Nam.
Như vậy là công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn. Thực tế chẳng cần nói ra nguyên nhân thất bại, những ai từng sống trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa (1975-1995) nay còn sống đã là nhân chứng. Các thế hệ Việt Nam sinh sau có thể biết sự thật, qua xem, đọc các tài liệu khách quan, khác với tài liệu tuyên truyền, chủ quan, một chiều, tô hồng, che dấu sự thật của đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. (**)
II. Thành quả 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam
1. Thành quả tổng quát trong quan hệ chính trị, ngoại giao
Theo đáng giá từ phía Việt Nam, từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1995, đến nay, quan hệ giữa hai nước đã chuyển đổi từ đối đầu sang đối thoại, trở thành đối tác toàn diện của nhau trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng… với động lực hợp tác ngày càng được củng cố mạnh mẽ hơn. Các lãnh vực hợp tác ngày càng đa dạng, sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Trong 25 năm qua, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc, với các cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Cả hai đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ đều ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Đặc biệt, tháng 7/2013, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.
Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định xu thế phát triển tất yếu của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai.
Tiếp đó, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015) đánh dấu một mốc quan trọng mới trong quan hệ giữa hai nước với Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Một năm sau đó, tháng 5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, xóa bỏ rào cản cuối cùng trong quan hệ song phương, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước. Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam được đánh giá là đã "thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với Việt Nam".
Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Trump nhậm chức. Ông Donald Trump cũng là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ.
Ngược dòng thời gian, tại một buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt năm 2010 (1995-2010), bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nhắc lại sự kiện phu quân của bà là cựu Tổng thống Bill Clinton 15 năm trước đã bình thường hóa quan hệ ngọai giao với Việt Nam ; và đánh giá rằng, những họat động đầu tư của Hoa Kỳ đã góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Bà cũng tán dương sự mong muốn của đôi bên để vượt qua những xung đột trong quá khứ. Bà Clinton nói :
"35 năm trước, chúng ta đã chấm dứt một cuộc chiến tranh từng gây ra những nỗi thống khổ kinh hoàng cho cả hai nước và nó vẫn còn tồn tại trong ký ức của nhiều người của hai dân tộc. Bất kể nỗi đau đó chúng ta đã dốc toàn lực để xây dựng hòa bình…" và rằng "Hoa Kỳ và Việt Nam giờ đây không ngừng tiến tới, thông qua việc chủ động giao tiếp, hợp tác và đối thoại, ngay cả đối với những vấn đề mà đôi bên còn có những quan điểm khác biệt…".
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry từng đánh giá không có hai nước nào như Hoa Kỳ và Việt Nam "nỗ lực hơn, làm được nhiều điều hơn, tốt hơn để đưa họ xích lại gần nhau và thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai" (theo TTXVN).
2. Thành quả quan hệ trên lãnh vực kinh tế
Theo Việt Nam đánh giá, xuyên suốt 25 năm qua, hai nước đã cùng nhau nỗ lực tăng cường hợp tác trong hầu khắp các lĩnh vực trọng yếu, mà kinh tế đóng vai trò là một trong những trụ cột then chốt. Thành công của hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư trong 25 năm qua được xem là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm mức như hiện nay. Nỗ lực của hai bên nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại cân bằng và bền vững được kỳ vọng sẽ tiếp thêm xung lực và tạo nền tảng vững chắc để quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển thực chất và hiệu quả, tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước trong tương lai
Năm 2019, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2019.
3. Thành quả về quan hệ quân sự, an ninh quốc phòng
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đánh giá : "Các bạn biết đấy, trong quá khứ, chúng ta từng là đối thủ trên chiến trường. Nhưng ngày nay, hợp tác là nền tảng trong mối quan hệ an ninh giữa hai nước… Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác của chúng ta vào năm 2020, chúng tôi tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam vững mạnh và độc lập cũng như một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng".
Phía Việt Nam ghi nhận, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian qua đã duy trì và tiến triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh và quốc phòng.
Việc hợp tác dựa trên cơ sở những thỏa thuận mà hai bên đã đạt được, trong đó có bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố và Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng năm 2015 và kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018 - 2020. Hai bên đã và đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và quốc tế.
Hai nước cũng đạt những bước tiến ấn tượng trong hợp tác quốc phòng-an ninh 25 năm qua, đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực chấp pháp trên biển…
Việt Nam tiếp tục phối hợp tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Hiện hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại song phương và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực.
Hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động 3 năm về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2021.
Trên bình diện đa phương, hai nước chia sẻ lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực Châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong đó có các vấn đề Biển Đông, Mekong, bán đảo Triều Tiên, hay phối hợp tại các diễn đàn ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hai nước còn phối hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tăng cường hợp tác đối phó hữu hiệu với các nguy cơ về an ninh khu vực và quốc tế.
Đánh giá về quan hệ hai nước trong hơn hai thập niên qua, ông Michael, Giám đốc Nghiên cứu Thông tin Ấn phẩm của Đại học Quốc phòng quốc gia và là thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Hoa Kỳ, nhận định mối quan hệ ngày càng phát triển và nồng ấm.
Theo ông Miclausis, trong các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, có thể nói quan trọng nhất là khía cạnh chiến lược. Mặc dù hai nước khác nhau về hệ thống chính trị, nhưng cùng chia sẻ nhận thức chung về cân bằng chiến lược trong khu vực cũng như ý thức được rằng hợp tác cùng nhau, hai bên sẽ mạnh mẽ hơn khi phải đối mặt với những thách thức chiến lược chung.
Trong khi đó, ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ, đã nhận định, rằng trong hơn hai thập niên qua, hai nước đã cố gắng xây dựng một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ từ điểm khởi đầu hầu như không có gì, đồng thời đạt được những bước tiến lớn trong việc giải quyết các di sản chiến tranh và gỡ bỏ lệnh cấm vận buôn bán vũ khí của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Đặc biệt, trong mối quan hệ tổng thể đó, hợp tác quốc phòng và an ninh, một trong những lãnh vực nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa hai nước, gần đây đã được thúc đẩy mạnh mẽ và là động lực chính của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vào thời điểm hiện tại.
Bất chấp vẫn còn bất đồng về một số lĩnh vực khác, Hoa Kỳ và Việt Nam có nhận thức và chia sẻ tầm nhìn chiến lược tương đồng ở khu vực.
Đây là lực đẩy hai nước xích lại gần nhau và hy vọng điều này sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai gần (theo TTXVN).
III. Nhận định về ý nghĩa thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
Theo một đảng viên cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam đã về hưu nói với tôi ít năm trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam đã sớm hơn nếu Đảng cộng sản Việt Nam có cái nhìn khác hơn về sự kết thúc chiến tranh không bình thường, bị động cho cả hai bên Quốc-Cộng, không phải là thắng lợi của phe này (xã hội chủ nghĩa và Việt cộng) với phe kia (tư bản chủ nghĩa và Việt quốc), mà chỉ là vì yêu cầu thay đổi thế chiến lược toàn cầu hậu Chiến tranh lạnh của các cường quốc cực mà thôi.
Vì rằng, chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, Hoa Kỳ đã có ba lần bí mật tiếp xúc với Việt Nam tại Pháp vào năm 1977. (Dường như để sớm đi vào quá trình đưa Việt Nam đi vào thế chiến lược toàn cầu mới). Do đó, Việt Nam đã nhất định đòi Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh như điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ ngọai giao. Cuộc tiếp xúc thứ tư vào năm 1978, trước nguy cơ đe dọa của Trung Quốc, Việt Nam xuống thang bỏ yêu sách đòi bồi thường chiến tranh thì đã trễ. Vì khi đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã ra luật không cho phép hành pháp làm gì thêm nữa với Việt Nam, mà thực hiện chính sách cấm vận Việt Nam, để rồi cho đến 20 năm sau mới bãi bỏ và thiết lập quan hệ ngọai giao (1975-1995).
Vì thế, theo nhận định của chúng tôi việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau 20 năm kết thúc chiến tranh đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và vì lợi ích riêng cũng như chung của cả hai nước, phù hợp với yêu cầu của thế chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực.
1. Đối với Việt Nam do thực tế là sự thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn công cuộc xây dựng thử nghiệm mô hình xã hội chủ nghĩa cùng lúc với sự sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa quốc tế. Vì thế để thoát hiểm tồn tại, nên có nhu cầu "Mở cửa" làm ăn với thế giới bên ngoài theo con đường "kinh tế thị trường, định hướng tư bản chủ nghĩa" (dù thực tế vẫn phải che đậy thất bại bằng định thức tuyên truyền lừa mị "Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa").
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ cường quốc tư bản hàng đầu sẽ giúp cho chính sách mở cửa có cơ hội thuận lợi dẫn đến thành công. Thực tế quả là đúng như vậy. Vì sau khi nối lại bang giao, Hoa Kỳ đã đóng vai trò chủ đạo mở đường và là nhân tố có tính quyết định cho sự thành công của "Mở cửa" để Việt Nam phát triển toàn diện có bộ mặt phồn vinh như hôm nay.
2. Đối với Hoa Kỳ, bên ngoài là vì lợi ích hỗ tương của hai nước, bên trong là những ý đồ chiến lược riêng của Hoa Kỳ trong đối sách hậu chiến với các nước nghèo có chế độ độc tài nói chung, độc tài cộng sản Việt Nam nói riêng.
Theo đó, Hoa Kỳ dường như muốn "cải tạo chế độ cộng sản Việt Nam" thành công cụ chiến lược mới trong vùng, nhằm bao vây, gián chỉ tham vọng bành trướng bá quyền của Trung Quốc. Cải tạo chế độ độc tài cộng sản Việt Nam bằng diễn biến hòa bình tịnh tiến, thay vì đối sách "lật đổ, thay thế" mà Hoa Kỳ từng sử dụng trong chiến lược toàn cầu cũ, nơi các nước Hoa Kỳ có ảnh hưởng và lợi ích chiến lược.
Đối sách hậu chiến của Hoa Kỳ với Việt Nam phù hợp với yêu cầu của thế chiến lược toàn cầu mới hậu Chiến tranh Lạnh, nhằm đưa các nước nghèo độc tài đi vào "hòa bình,ổn định" để phát triển và dân chủ hóa. Trên thực tế, đây đã và đang là nỗ lực chung của các nước giầu cũng như nghèo nhằm thiết lập điều đươc gọi là "một nền trật tự kinh tế quốc tế mới" hay là "Một hệ thống kinh tế thế giới mới".
Trên thực tế, sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đối sách hậu Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ với Việt Nam đã có hiệu quả trông thấy, ai cũng có thể kiểm chứng được. Việt Nam đã và đang phát triển mọi mặt theo một tốc độ thích hợp. Chế độ độc tài cộng sản cũng đã từng bước bị tiêu vong, được dân chủ hóa một cách hòa bình tịnh tiến "tự diễn biến, tự chuyển hóa để tự chuyển thể" ở cuối quá trình chuyển đổi, theo quy luật duy vật biện chứng "Lượng đổi, chất đổi" như chúng tôi đã lý luận, chứng minh nhiều lần bằng thực tiễn khách quan, qua các bài trình bày trước đây trên diễn đàn này.
Houston, ngày 12/7/2020
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 27/07/2020
(*) Vì Hiệp định Paris nơi khoản (b) điều 9 Chương IV quy định "Việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam" như sau : " b) Nhân dân Miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của Miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế".
Khoản (a) điều 11 thì ghi "Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính lẫn nhau để thành lập Hội Ðồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc gồm ba thành phần ngang nhau."...
Điều 15 của chương V Hiệp định Paris quy định rất rõ ràng : "Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào... Thời gian thống nhất sẽ do Miền Bắc và Miền Nam thoả thuận."...
(**) Xin đọc thêm trên diễn đàn này của VOA hay nghe trên You Tube, Facebook "diễn đàn Thiện Ý" - 45 năm Việt cộng xây dựng xã hội chủ nghĩa thành hay bại ?- Và Triển vọng tương lai "Định hướng xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam có hay không ?
***********************
Quan hệ Việt-Mỹ sau 25 năm : ‘Đồng sàng dị mộng’ về đối tác chiến lược
Carl Thayer, VOA, 13/07/2020
Sau một phần tư thế kỷ bình thường hóa quan hệ, hai quốc gia cựu thù Mỹ và Việt Nam đang có một mối quan hệ được đánh giá là "mạnh mẽ". Tuy nhiên, họ đã không thể nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược trong 25 năm qua vì những quan niệm khác biệt, mà theo Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, là do "đồng sàng dị mộng" về lợi ích chiến lược.
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) đưa tay bắt với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng tới Hà Nội ngày 27/2/2019. Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ hôm 11/7/2020.
Mỹ chính thức công bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với quốc gia cựu thù Cộng sản Việt Nam vào ngày 11/7/1995. Một ngày sau đó tại Hà Nội, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra tuyên bố thành lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, mà theo truyền thông trong nước, đã mở ra một chương mới trong lịch sử hàn gắn và phát triển giữa hai nước.
Giờ đây, theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam mạnh hơn bao giờ hết, khi hai quốc gia đi từ không có bất kỳ quan hệ thương mại nào tới chỗ có dòng chảy thương mại hai chiều trị giá hơn 77 tỷ USD.
Những xung đột hàng hải trên Biển Đông là một trong số bốn yếu tố chính - gồm cả giải quyết các vấn đề di sản Chiến tranh Việt Nam, thương mại và đầu tư, và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khối ASEAN, đã tác động đến quỹ đạo phát triển mạnh của mối quan hệ song phương giữa hai nước, theo nhận định của Giáo sư Thayer, người thường xuyên theo dõi quan hệ Việt-Mỹ trong nhiều năm qua.
Đã có một sự hội tụ về lợi ích chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ trong 25 năm qua về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, như Biển Đông và việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, theo đánh giá của Giáo sư Thayer. Sự hội tụ này càng trở nên rõ rệt trong những năm gần đây khi Trung Quốc tăng cường quân sự hóa trên vùng biển mà Việt Nam và quốc gia trong khu vực đều có tuyên bố chủ quyền.
Chính phủ Mỹ nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc khi đưa tàu vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông để cản trở hoạt động thăm dò dầu khí hay đâm chìm tàu cá như Việt Nam cáo buộc. Hai hàng không mẫu hạm của Mỹ lần đầu tiên cập cảng Đà Nẵng sau chiến tranh được coi là một dấu hiệu tăng cường sự hiện diện và hỗ trợ của Mỹ đối với Việt Nam và khu vực trước sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển mà các chuyên gia đánh giá là Mỹ cũng có nhiều lợi ích.
Với một thỏa thuận đạt được vào năm 2013, Việt Nam và Mỹ đã trở thành những đối tác toàn diện và 3 năm sau đó, lần đầu tiên sau hơn 40 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh, Mỹ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, dù có sự phát triển mạnh mẽ trong mối quan hệ và sự hội tụ lớn về lợi ích trong khu vực, nhưng Việt Nam và Mỹ đã không thể nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược trong nhiệm kỳ cuối cùng của Tổng thống Obama, theo Giáo sư Thayer. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm tới Nhà Trắng ở Washington DC vào tháng 5/2017, chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Donald Trump nhận chức, nhưng hai nhà lãnh đạo chỉ có thể đồng ý về việc "tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện".
Thế nào là ‘đối tác chiến lược’ ?
"Có nhiều thách thức cần phải vượt qua trước khi mối quan hệ song phương (giữa Mỹ và Việt Nam) có thể được đưa lên tầm cao mới", Giáo sư Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc của Đại học New South Wales, nói. Ông cho rằng "cả hai phía có những nhìn nhận khác biệt về thế nào là một (mối quan hệ) đối tác chiến lược" và gọi sự hội tụ về lợi ích chiến lược với cách nhìn nhận khác nhau của Việt Nam và Mỹ là " đồng sàng nhưng dị mộng".
Mỹ đặt nặng về quốc phòng và những khía cạnh an ninh trong các mối quan hệ chiến lược với Singapore, Philippines, Thái Lan và Indonesia. Trong khi đó Việt Nam kiên trì với chính sách "ba không" trong các mối quan hệ quốc phòng kể từ khi công bố Sách trắng Quốc phòng năm 1998 với các phiên bản tiếp theo vào năm 2004 và 2009. Trong Sách trắng Quốc phòng mới nhất được đưa ra cuối năm ngoái. Việt Nam mở rộng chính sách "ba không" thành "bốn không" - không liên minh quân sự, không căn cứ quân sự, không đứng về phía nào để chống lại phía kia, và không dùng vũ lực.
Dù Hà Nội ngày càng bị Bắc Kinh "bắt nạt" trên Biển Đông, nhưng theo Giáo sư Thayer, Việt Nam sẽ không chọn đứng về phía Mỹ để trực tiếp chống lại Trung Quốc vì nó sẽ đi ngược lại chính sách "ba không" mà hiện nay là "bốn không" của Việt Nam. Chính sách quốc phòng này của Việt Nam tiếp tục làm Mỹ "vô cùng ngờ vực" và theo Giáo sư Thayer cho biết, một số nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có quan điểm tương tự.
Tuy nhiên, Giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam sẵn sàng tận dụng mọi sự giúp đỡ mà Mỹ cung cấp, như việc chuyển giao các tàu tuần duyên và tiếp đón các chuyến cập cảng của hàng không mẫu hạm Mỹ, cũng như ủng hộ sự hiện diện ngày càng nhiều của Hải quân Mỹ trên Biển Đông vì mục đích "đóng góp vào hoà bình và an ninh của khu vực".
Một thách thức khác cần được giải quyết để nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là các vấn đề thương mại.
"Đứng đầu trong danh sách này là yêu cầu của Việt Nam đối với Mỹ trong việc không chỉ định Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường", Giáo sư Thayer nói.
Mỹ tiếp tục áp dụng thuế quan đối với cá da trơn và tôm nhập khẩu từ Việt Nam và gần đây chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế xuất khẩu lên thép và nhôm từ Việt Nam cũng như loại Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển. Dưới chính quyền Trump, vấn đề thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam được chú ý nhiều khi đạt 47 tỷ USD vào năm ngoái. Tổng thống Trump tháng 7/2019 đã gọi Việt Nam là "kẻ lạm dụng thương mại" mà ông cho là "tồi tệ" hơn cả Trung Quốc.
"Những thách thức và khác biệt trong các mối quan hệ song phương (giữa Việt Nam và Mỹ) chỉ có thể giải quyết được thông qua các cuộc đàm phán giữa hai phía nhờ vào sự tăng cường gặp mặt thường xuyên của các quan chức cấp cao trong chính phủ bao gồm người đứng đầu ở cấp nhà nước", Giáo sư Thayer nói.
Trong năm 2019, việc Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bất ngờ đổ bệnh đã ngăn cản ông không thể nhận lời mời của Tổng thống Trump tới thăm Mỹ. Hiện tại cả Việt Nam và Mỹ đều đang tập trung vào các nỗ lực chống đại dịch virus corona.
"Cả hai phía đều phải chờ cho đến khi Mỹ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 và Việt Nam họp đại hội Đảng 13 vào đầu năm 2021", Giáo sư Thayer nói.
‘Chiến lược’ trong 25 năm tới
Đã có 4 kỳ tổng thống Mỹ trong 25 năm qua kể từ khi mối quan hệ giữa hai nước cựu thù được bình thường hoá, gồm hai tổng thống của đảng Dân chủ - Bill Clinton (1993-2000) và Barack Obama (2009-2016) - và hai tổng thống của đảng Cộng hoà - George W. Bush (2001-2008) và Donald Trump (2017-nay).
Theo nhận định của Giáo sư Thayer, kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, các chính quyền Mỹ, dù là đảng Dân chủ hay Cộng hoà, đều phát triển mối quan hệ với Việt Nam được thiết lập từ những chính quyền tiền nhiệm. Theo ông Thayer, những phát triển chính trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam diễn ra trong các chính quyền của Đảng Dân chủ, như việc bình thường hóa năm 1995 dưới thời Tổng thống Clinton, và việc thành lập đối tác toàn diện năm 2013 và dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam năm 2016 đều dưới thời Tổng thống Obama.
"Nhưng dù ai tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021, ông Trump hay ông Biden, cũng đều sẽ tiếp tục trân trọng những thỏa thuận và những tuyên bố chung trong đó xác định mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam", Giáo sư Thayer nói, và cho rằng các vấn đề thương mại sẽ tiếp tục là một vấn đề nếu ông Trump tái đắc cử.
"Dù ai trở thành tổng thống cũng sẽ theo đuổi một (mối quan hệ) đối tác chiến lược với Việt Nam", Giáo sư Thayer nói.
Tổng thống Trump, trong bức thư gửi Chủ tịch Trọng nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ hôm 11/7, cho biết Mỹ sẽ "tiếp tục những cam kết của mình trong việc tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ song phương trên cơ sở tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng cũng như sự tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền và luật lệ quốc tế".
Trước đó hôm 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Mỹ cam kết "làm cho 25 năm tiếp theo của mối quan hệ song phương (giữa Hoa Kỳ và Việt Nam) trở thành một mô hình của hợp tác và đối tác quốc tế".
Dù đó là những lời nói mang nhiều tính ngoại giao nhưng theo Giáo sư Thayer có một sự thật trong đó là sự hội tụ những lợi ích chiến lược giữa Washington và Hà Nội sẽ tăng cao trong 1/4 thế kỷ tới.
"Trong 25 năm tới, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ cuối cùng sẽ dẫn đến một sự cân bằng quyền lực mới", Giáo sư Thayer nhận định. "Trung Quốc sẽ đóng một vai trò chi phối nhiều hơn ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung. Việt Nam cũng sẽ hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc".
Theo nhận định của một nhà ngoại giao cao cấp của Việt Nam với Giáo sư Thayer, "Việt Nam có lợi nhất khi quan hệ Trung-Mỹ không quá nóng nhưng cũng không quá lạnh".
Nguồn : VOA, 13/08/2020
**********************
Cơ hội không thể bỏ lỡ một lần nữa
Cánh Cò, RFA, 12/07/2020
"Việt Nam và Mỹ là bạn bè chân thành" là cái title của báo Thanh Niên trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hóa bang giao Việt Mỹ.
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh : Ngọc Thắng
Người Việt chưa bao giờ nghe khái niệm "chân thành" từ phía Mỹ đối với Việt Nam ngay cả sau khi bang giao được bình thường hóa trở lại vào ngày 11/7/1995, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Từ ngày ấy trên báo Đảng vẫn nhiều lúc lên án Mỹ hay chí ít là chỉ trích hay hạ bệ Mỹ bằng những "tính từ" mà trong bất cứ quan hệ ngoại giao nào không ai sử dụng đến. Chỉ có Hà Nội là vô tư xem Mỹ là mặt trái của chế độ tự bản và luôn luôn cảnh giác rằng máy bay B52 vẫn vần vũ trên bầu trời Hà Nội.
Cho tới khi buôn bán được với Mỹ cũng như những thứ lợi lộc do Mỹ mang đến thì báo Đảng mới bớt hóng hớt chuyện bên Mỹ trong khi vẫn luôn tôn trọng và tự hào đối với Trung Quốc, nước được xem là môi hở răng lạnh, là tình hữu nghị đậm đà mang bản sắc xã hội chủ nghĩa, là 16 chữ vàng cùng 4 tốt không gì phản bác được.
Và cũng cho tới khi toàn thế giới quay mặt lại với Trung Quốc thì Việt Nam mới len lén xem tình bạn giữa hai nước Việt Mỹ là "chân thành".
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang lâm vào tư thế "trời không dung, người không tha" sau khi dịch Vũ Hán xảy ra tàn phá toàn thế giới và Bắc Kinh bị kết án là giấu dịch khiến cho hàng trăm ngàn người chết, hàng ngàn tỉ thiệt hại và con virus Vũ Hán vẫn đang hoành hành. Cùng với dịch cúm, thiên tai lại nổi lên khắp chốn khiến người dân Trung Quốc ngửa mặt than trời đã ra tay quá khắc nghiệt với vùng đất được tự xưng là cái tâm điểm của thế giới này.
Trời không dung là thế nhưng người cũng không tha Đảng cộng sản Trung Quốc vì những gì mà chúng đã tác động lên khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới.
Từ Tây Tạng tới Tân Cương, đảng cộng sản đã thẳng tay tàn sát những người không nghe lời chúng. Và rồi nhận thấy sức mạnh của mình không đáng để nước nào phải lo sợ, Trung Quốc mạnh tay bóp nghẹt Hong Kong một quốc gia quen sống trong không khí dân chủ tự do nay bị buộc phải sống chung với quỷ, những con quỷ sẵn sàng trói gô người có biểu hiện phản kháng và nhốt vào trại giam không có ngày ra vì chống lại tập đoàn Bắc Kinh ngày một kiêu căng và ác độc hơn.
Nhưng Trung Nam Hải đã lầm ý chí tự do dân chủ của thế giới khi gần như toàn bộ các nước phương Tây cùng lên án Trung Quốc trước những động thái không thể chấp nhận của nước này như đàn áp Hong Kong, chủ động chiến tranh với Ấn Dộ, gian dối trong các hành vi thương mại và sở hữu trí tuệ, mua chuộc một phần lớn các định chế thế giới như Liên Hiệp Quốc, WHO, WTO, thậm chí lường gạt cả Word Bank để được vay những khoản tiền lãi suất nâng đỡ rồi cho các nước nghèo vay lại với lãi suất cao.
Đối với các nước vùng Đông Nam Á, niềm cay đắng nhất mà Trung Quốc mang tới cho họ là con đường lưỡi bò trên Biển Đông, vốn được tập đoàn Bắc Kinh xem là ao nhà bất kể những chứng tích lịch sử hay phán quyết của tòa quốc tế về vùng biển này không phải thuộc về Trung Quốc như Bắc Kinh vơ vào một cách trơ trẽn.
Cấm đánh cá, cướp tài sản thu được từ ngư dân các nước, xây dựng bất hợp pháp nhiều căn cứ quân sự trên các đảo ngầm, đe dọa tấn công các giàn khoan của Việt Nam và Indonesia, mang tàu Hải dương đi khắp các vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế của nhiều nước đã gây nên cuộc chiến "công hàm" mới đây khiến thế giới bừng tỉnh về dã tâm không cần giấu giếm của Trung Quốc.
Mạnh tay hơn, Trung Quốc công khai tập trận tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam nhưng lần này gặp sự phản ứng mạnh của Mỹ khi nước này đã tập hợp hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông Nam Á vào ngày 4/7/2020, như cách thức cảnh cáo Trung Quốc trước ý đồ ngông cuồng của họ.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Tổ chức nghiên cứu và Truyền thông Trung - Mỹ hôm 9/7 ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Trung Quốc chưa bao giờ định thay thế Mỹ. Đới Húc và Kiều Lương, hai tướng lĩnh Trung Quốc trước đây bị coi là "diều hâu", gần đây đã viết bài về cuộc xung đột Trung-Mỹ, đều có cùng một quan điểm : thực lực Trung Quốc hiện nay không thể đối đầu với Mỹ.
Những cơn gió chính trị ấy đã làm Việt Nam phải đổi chiều và không thể ngây người ra chịu trận trước các động thái quá quắt của phương Bắc. Mỹ đã cho Hà Nội thấy quyết tâm giữ vị trí bá chủ của họ và sẵn sàng cho một cuộc chiến với Trung Quốc bên cạnh cuộc chiến thương mại nếu nước này vẫn tiếp tục thử thách sự quyết tâm của Mỹ.
Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội một lần nữa.
Theo Wikipedia cho biết : "Ngày 3 tháng 5 năm 1977 Việt Nam từng chần chừ khi ra giá thiết lập bang giao với Mỹ yêu cầu Mỹ phải chi 3,25 tỷ đô-la bồi thường chiến tranh. Phía Hoa Kỳ đề nghị bình thường hóa trước, viện trợ sau. Trưởng đoàn đàm phán Phan Hiền báo cáo với ông Nguyễn Cơ Thạch, ông Thạch thuyết phục Bộ Chính trị nhưng không được. Đàm phán lâm vào bế tắc.
Đầu năm 1978, tại Tokyo, ông Phan Hiền, thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam tuyên bố : "Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa vô điều kiện với Hoa Kỳ" (tức là Việt Nam sẽ không yêu cầu Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh nữa). Tuy nhiên, lúc này Mỹ quan tâm tới việc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc hơn, mà Trung Quốc và Việt Nam khi đó lại đang là đối thủ, nên Hoa Kỳ đã bỏ qua vấn đề bình thường hóa quan hệ với Việt Nam".
Nhạy bén chính trị là yêu cầu đầu tiên đối với lãnh đạo của bất cứ quốc gia nào. Thiếu sự nhạy bén hay cố tình xem thường cơ hội là triệu chứng của một chính phủ chỉ biết quyền lợi của bè phái mình cao hơn quyền lợi quốc gia dân tộc.
Đã đến lúc phải nói không với Trung Quốc và can đảm từ bỏ mối lợi cá nhân, bè phái để đất nước kịp thời tránh được tai họa từ phương Bắc.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 12/07/2020 (canhco's blog)
********************
Học được gì qua 25 năm quan hệ Việt - Mỹ ?
Viết từ Sài Gòn, RFA, 11/07/2020
Cái được khi Việt Nam quan hệ bang giao với Mỹ, có lẽ không cần nói gì thêm, bởi đời sống, kinh tế phát triển, giảm bớt lượng hàng Trung Quốc trên thị trường Việt và những hợp đồng đầu tư, những tấm thẻ du học, một lượng lớn tri thức mang về từ Mỹ, một lượng lớn đô la từ Mỹ… Tất cả đã góp phần làm nên diện mạo Việt Nam hôm nay. Không thể chối bỏ điều này.
Cả lực lượng đấu tranh cho dân chủ và lực lượng chống dân chủ đều đang đứng trước nguy cơ cò đa cấp nặng nề.
Thế nhưng, sau 25 năm, ngồi nhìn lại, dường như cơ hội cũng nhiều mà người Việt ngay từ đầu đã đánh mất rất nhiều cơ hội lớn, tính ăn xổi ở thì đã giết chết một vận hội lớn mà lẽ ra Việt Nam phải nắm bắt được và phát triển theo chiều kích tốt đẹp hơn.
Và để dẫn giải vấn đề cơ hội đánh mất, thì nó quá rộng, bởi nó bao hàm yếu tố chính trị, giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội học… và cả mỹ học nên nếu thống kê một cách chi tiết thì dung lượng của mười bài viết như thế này vẫn chưa đủ hàm chứa. Nhưng, vẫn có một vấn đề, tuy không đóng vai trò hạt nhân nhưng nó lại có thể phản ánh bao quát câu chuyện. Đó là văn hóa kinh tài. Bởi, mọi ứng xử của văn hóa kinh tài quyết định câu chuyện đằng sau và cả đằng trước nó. Ở đây tôi muốn nói đến lựa chọn văn hóa kinh tài của nhà nước cộng sản Việt Nam khi họ nối bang giao với Mỹ.
Dù nhắm mắt vẫn có thể dễ dàng nhận thấy, sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ bang giao với Mỹ thì việc đầu tiên là hàng loạt công ty bảo hiểm, tập đoàn bảo hiểm nhảy vào Việt Nam, trong đó, các tập đoàn AIG với công ty con là AIA của Mỹ, Chinfon Manulife của Canada, Prudentail của Anh là ba con sói bảo hiểm tại Việt Nam (ở đây nên hiểu là Mỹ như một cái chìa khóa mở cái ổ cuối cùng của chính quyền cộng sản với phương Tây, Mỹ như một ông lớn dẫn đầu và đại diện cho luồng tư bản), tiếp theo các tập đoàn bảo hiểm là các tập đoàn đa cấp.
Và có một tâm lý chung, một khuynh hướng chung là nhà nhà làm bảo hiểm, nhà nhà làm đa cấp. Trong khi đó, nói cho cùng thì ai làm bảo hiểm ? Ai làm đa cấp ? Ở tại phương Tây, Mỹ, cơ chế hoạt động của bảo hiểm và đa cấp không rõ có phụ thuộc vào mối quan hệ quyền lực một cách khủng khiếp hay không, nhưng tại Việt Nam, không ai khác ngoài người nhà, thậm chí quan chức cộng sản tham gia các tập đoàn này. Có người đứng chống lưng cho người nhà làm việc, có người trực tiếp làm việc và đến khi bị chi bộ đảng phát giác thì hoặc hối lỗi, sang tên đổi chủ, hoặc bỏ hẳn chức vụ để đi làm bảo hiểm, làm đa cấp.
Nhưng nếu câu chuyện chỉ dừng ở đó thì có gì đáng bàn ? Vấn đề tôi muốn nói tới ở đây chính là văn hóa kinh tài và thái độ lựa chọn. Cũng là việc buôn một bó rau từ vườn ra chợ, nhưng thái độ của người buôn tử tế khác xa với thái độ của con buôn bịp bợp. Và đương nhiên giá thành và chất lượng của bó rau ở chợ lại phụ thuộc vào thái độ của người buôn tử tế hay con buôn bịp bợm. Rất tiếc, người Việt đã chọn cho mình một thái độ văn hóa kinh tài của con buôn bịp bợm !
Bởi hơn mọi loại hình, loại hình bảo hiểm và đa cấp vào Việt Nam thì phát triển như diều gặp gió. Một phần nhờ vào bản chất thị trường Việt vốn là thị trường của các mối quan hệ, người có chức có quyền có thể làm nhân viên đa cấp và nhân viên bảo hiểm rất hiệu quả nhờ vào các mối quan hệ và uy lực với thuộc cấp, một thứ khách hàng thụ động của họ. Điều này giúp họ nhanh chóng giàu phất lên và sự giàu này có thể làm bình phong cho sự giàu khác về sau. Nhưng, người lao động vào các công ty này mong đổi đời thì chỉ thêm đổ nợ. Bởi bản chất của việc tuyển nhân viên của ngành đa cấp và ngành bảo hiểm lại nằm ở chỗ mỗi nhân viên là một khách hàng trực tiếp và bắt buộc của công ty, sau khi mua xong bảo hiểm hay sản phẩm đa cấp cho bản thân hoặc người nhà rồi thì mới đi bán, đi mở rộng thị trường… Và không thiếu nông dân bán bò trâu, heo gà để theo đuổi sự nghiệp đa cấp, sự nghiệp bảo hiểm để rồi không theo đuổi nổi, hợp đồng đứt gánh nửa đường, tiền mất, nợ mang. Bởi đóng bảo hiểm mà không đủ sức theo thì xem như mất trắng, làm đa cấp mà không đủ chỉ tiêu thì xem như mình đã mua một sản phẩm cực đắc để về xài một cách miễn cưỡng.
Và ở cả hai lĩnh vữa này, muốn thành công, người tham gia nó phải sắm một bộ vó lịch sự, lịch lãm và luôn đóng vai đại gia, luôn đóng vai nhà tư vấn tài chính để nói chuyện (thực chất là móc hầu bao) với khách hàng. Nói về tính diễn cũng như yêu cầu diễn xuất khi bán hàng ở hai nhóm này phải nói là quá cao, mọi thứ đều không thật, từ việc chăm sóc, chia sẻ với khách hàng, tỏ ra mẫu mực đạo đức hoặc tỏ ra coi trọng tính nhân văn, đặt lòng yêu thương lên hàng đầu… đều xuất phát từ mục đích chốt hợp đồng và lấy tiền của khách hàng.
Câu chuyện không chỉ dừng ở đó, thứ văn hóa kinh tài đầy tính phô diễn này được người Việt tiếp thụ và lan tỏa rất nhanh. Và nó cũng nhanh chóng phát triển cộng hưởng với loại hình cò cuốc đầu đường góc chợ hay bến xe của người Việt. Hai thứ này bổ sung cho nhau tạo thành một thứ văn hóa cò đa cấp ở mọi ngóc ngách xã hội. Đến khi nó đủ phì đại, nó trở thành động lực xã hội. Và cái thứ động lực ấy nhanh chóng đi vào nhà trường, đi vào từng ngóc ngách cuộc sống. Từ việc bác sĩ làm cò cho hãng thuốc cho đến giáo viên cò chạy điểm, cò tình dục cho quan chức, quan chức lại còn ghế cho quan chức khác… Rồi gần đây thì giáo viên cò đất, cò bảo hiểm, chấp nhận để cho các công ty bảo hiểm nhúng tay vào trường học, đứng ra phát thưởng cho trường học, nhúng chân vào hệ thống giáo dục địa phương… Tất cả chỉ vì tiền cùng với lời hứa về các mối quan hệ để kiếm tiền trong tương lai. Và mọi thứ trong xã hội này như một vở tuồng của cò đa cấp.
Đáng sợ hơn là tâm lý cò đa cấp nhảy hẳn vào chính trị, nhảy vào cả những nhà dân chủ và các dư luận viên chống dân chủ. Nghĩa là cấp trên nhận gói lớn, chia ra thành những gói nhỏ và các gói nhỏ tiếp tục chia ra thành các gói nhỏ hơn, khi đến tay người trực tiếp tham gia, dường như tài chính chỉ đủ loay hoay trong bánh mì, phở và trà đá không hơn không kém. Điều này nhanh chóng làm cho mọi chuyện từ chỗ thiêng liêng trở nên tục lụy và nhặng xị, từ chỗ lý tưởng trở thành thực dụng và bôi bác… Nếu không kịp chấn chỉnh, nếu không kịp khắc phục thì câu chuyện sẽ chẳng đi đến đâu được. Cả lực lượng đấu tranh cho dân chủ và lực lượng chống dân chủ đều đang đứng trước nguy cơ cò đa cấp nặng nề. Và giả sử như cả hai lực lượng này làm việc trên nguyên tắc lý tưởng và khoa học thì không chừng, mọi chuyện lại khác rất xa, và lại có tiếng nói chung trên khía cạnh dân tộc. Nhưng rất tiếc, mọi thứ đã bị xé vụn ngay từ trứng nước !
Nói như vậy để thấy rằng, cơ hội khi Việt Nam bang giao với Mỹ không phải là thứ văn hóa kinh tài kiểu cò đa cấp đang phổ dụng tại Việt Nam hay những kiểu dân chủ nửa mùa trong một số nhân tố tại Việt Nam và cả ngay trên đất Mỹ. Mà nói chính xác là Việt Nam, người Việt đã không có cơ hội để học được những thứ tiến bộ của Mỹ. Bởi cánh cửa đón gió văn hóa kinh tài của Mỹ thổi vào Việt Nam đã bị chặn đầu, đã bị chọn lựa và kiểm duyệt ngay từ đầu, người Cộng sản chưa bao giờ muốn loại hình văn hóa kinh tài đích thực của tư bản lọt vào Việt Nam. Và hình như căn cơ của số đông người Việt cũng chưa đủ để đón nhận lấy nó !
Chính vì vậy, sau 25 năm, Việt Nam chỉ có thể giàu thêm về kinh tế (gồm cả tham nhũng, bán tháo tài nguyên và chèn ép hối lộ…) nhưng lại nghèo đi về văn hóa. Đó là sự thật sau 25 năm chơi với Mỹ ! Nhưng đừng nên đổ thừa tại người mà tại chính ta đã lựa chọn như thế nào thì đời sẽ ra như thế đó !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 11/04/2020 (VietTuSaiGon's blog)
*******************
Nói với người cộng sản Việt Nam nhân 25 năm bang giao Việt - Mỹ
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 11/07/2020
Hoa Kỳ và Việt Nam vừa trao thư chúc mừng lẫn nhau, nhân 25 năm thiết lập bang giao 11/7/1995 - 11/7/2020. Nhắc đến sự kiện này, không thể không đề cập nhân vật lịch sử : Võ Văn Kiệt.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) và Tổng thống Bill Clinton tuyên bố quyết định bình thường hóa quan hệ năm 1995 - Ảnh ghép minh họa
Không biết lắng nghe thật tâm
Võ Văn Kiệt (1922 - 2008) được biết như là người cộng sản chịu lắng nghe thật tâm những ý kiến trái chiều, thậm chí [1] " ông Sáu luôn tôn trọng, lắng nghe, dù ý kiến của giới trí thức không phải lúc nào cũng đồng thuận, thuận chiều. Ông nói "nghe xuôi, nghe ngược, có khi nghe xốn cả lỗ tai" nhưng vẫn khuyến khích, cổ vũ những ý kiến tâm huyết..." , như lời thuật của ông Phan Xuân Biên - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy [2] kể với báo Tuổi Trẻ vào ngày 18/11/2012 nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của ông Kiệt.
Võ Văn Kiệt không phải là "người Nam nói tiếng Bắc", càng không phải "người Bắc có lý luận" nhưng ông ta vẫn được đánh giá cao trong việc góp phần đắc lực cho mối bang giao Việt - Mỹ được gầy dựng lại, sau khi bị gãy đổ hoàn toàn từ 1975.
"Thời đại" Võ Văn Kiệt, người cộng sản Việt Nam cũng không tỏ ra sính hư danh "giáo sư - tiến sĩ" như sau này.
Chính từ mối bang giao Việt - Mỹ tái lập cùng với biết lắng nghe thật tâm như Võ Văn Kiệt, đã giúp Việt Nam tiến bộ hơn thấy rõ. Đó là điều không cần bàn cãi, bởi nhiều nguồn vốn đầu tư, vốn vay ưu đãi cùng với khoa học - kỹ thuật tân kỳ và công nghệ mới lạ ào ạt chảy vào từ đó.
Võ Văn Kiệt chiếm một số trang không ít trong "Bên Thắng Cuộc", được nhà báo Huy Đức mô tả như là người vừa dám nghĩ - dám làm, vừa chịu lắng nghe - chịu trách nhiệm.
Dù được xuất bản từ tháng 11/2012, cuốn sách đình đám một thời không được hậu bối của ông Kiệt... lắng nghe (!)
Chính vì biết lắng nghe thật tâm mà ông Kiệt có được niềm tin trong xã hội và đặc biệt là tầng lớp trí thức lúc bấy giờ.
Vì thế, thời Võ Văn Kiệt không cần phải [3] "...muốn trí thức lên tiếng… thì nền tư pháp phải hoạt động độc lập với chính quyền, với doanh nghiệp, với bất kỳ chủ thể nào của nhà nước. Tư pháp chỉ vận hành theo tôn chỉ đảm bảo quyền con người và lẽ công bằng. Và mọi công dân đều công bằng trước pháp luật…" như tiến sĩ - bác sĩ Trần Tuấn (người Mỹ gốc Việt) khuyên nhủ như thể là điều... mới lạ !
Tính từ Võ Văn Kiệt cho đến sau này, nói cho công bằng, không tìm thấy bất kỳ hậu bối cộng sản nào "dám" nghe ý kiến trái chiều một cách thật tâm như vậy. Đó cũng là cách giải thích thuyết phục đối với ngay những người cộng sản bảo thủ và giáo điều mà cho đến nay, họ vẫn dành cho ông Võ Văn Kiệt một sự trân trọng hiếm có so với những "tiền bối" cộng sản khác như : Lê Duẩn, Đỗ Mười, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh v.v...
Vì ông Võ Văn Kiệt biết lắng nghe thật tâm nên đã tạo được niềm tin trong dân chúng, đặc biệt trong tầng lớp trí thức - Trí thức thật sự luôn luôn xem phản biện, tranh luận là bổn phận và trách nhiệm của họ để xã hội lành mạnh, đất nước tiến bộ.
Không còn niềm tin
Hai mươi lăm năm trôi qua, bang giao Việt - Mỹ vẫn gập ghềnh, khúc khuỷu.
Tầm kinh tế vĩ mô, tầm quản lý đất nước cứ thế mà trồi sụt theo từng sự kiện trong suốt những năm sau cấm vận.
Hàng hóa có nhiều hơn, có rẻ hơn, cuộc sống có dễ thở hơn, và người dân thì mừng vui khấp khởi...
Nhiều bạn bè tôi đã nói về những dự định làm ăn to lớn, những hoài bão khát khao cho cá nhân và góp chút gì đó cho đất nước.
Để bây giờ nhìn lại những hướng đi mới, những dự án táo bạo hầu hết là tiêu điều trong một đất nước vẫn... bế tắc !
Bất chấp những bộ luật ra đời hàng hà sa số, bất chấp lời kêu gọi "đoàn kết", "cả hệ thống chính trị vào cuộc", "cải cách tư pháp", "xử lý nghiêm", "đốt lò", "chống tham nhũng không có vùng cấm", v.v... quen tai đến nhàm chán, Việt Nam cứ ì ạch lê bước ! Dân oan không hề giảm đi ! Xã hội suy đồi mọi mặt ! Tham nhũng ngập tràn mọi ngóc ngách !...
Người cộng sản Việt Nam không biến được hai sự kiện : Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và được làm thành viên chính thức WTO trở thành cơ hội lớn để phát triển.
Mới đó đã hai mươi lăm năm ! Thời gian quả là nhanh như thoi đưa ! Dù ai cũng biết câu thành ngữ "Thời giờ là vàng bạc" nhưng giới cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn đang phung phí thời gian !
Tuy nhiên, điều đó không làm người ta ngạc nhiên, bởi với tư tưởng viển vông của Marx-Lenin, với cấu trúc chính trị độc đảng toàn trị, chính nó đã chống lại tất cả những gì tiến bộ và phù hợp với quy luật phát triển xã hội loài người.
Thật khó tin khi ông Trần Quốc Vượng khẳng định [4] "phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu" ! Một thời quá vãng kinh hoàng và mọi người đều phải "đổ mồ hôi hột" khi nhắc lại thảm cảnh nghèo đói lầm than - cái trạng ngữ một thời người cộng sản Việt Nam ưa dùng để chụp mũ cho "đế quốc Mỹ" gieo rắc xuống miền Nam Việt Nam trước 1975.
Càng không thể tin được khi ông Phùng Hữu Phú cam đoan : "đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa" và sự cam đoan này mang tính "phấn đấu" - tức là cố gắng lắm đến 2050... mới có. Tuy nhiên, điều nghịch lý lại ở chỗ, ông Phú không vẽ ra nổi "mặt mũi, hình hài" của cái gọi là "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" (!).
Tạm kết
Báo Thanh Niên giật tựa "25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ : Việt Nam và Mỹ là bạn bè chân thành" trong cuộc phỏng vấn Đại sứ Daniel Kritenbrink vào ngày 11/7/2020.
Không biết lắng nghe thật tâm và không có lòng tin, làm sao trở thành "bạn bè chân thành" được nhỉ (?).
Một người "bạn chân thành" cũng không nên phát biểu hớ hênh và hàm hồ như ông Nguyễn Xuân Phúc với "cột điện có chân" cũng từ Mỹ chạy về Việt Nam, trong lúc dịch virus Vũ Hán hoành hành dữ dội tại Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung.
Chắc hẳn, người cộng sản Việt Nam cũng nên định nghĩa cho rõ "bạn bè chân thành" nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 11/07/2020 (nguyenngocgia's blog)
[1] https://tuoitre.vn/tha-mat-chuc-ma-dan-no-520902.htm
[2] Phan Xuân Biên là người mà nhà báo Phạm Chí Dũng (đang ở tù) đã viết : "... ông Phan Xuân Biên, nguyên trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, một đảng viên cao cấp cùng sinh hoạt trong đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển, đã mở đầu cuộc "đấu tố" tôi bằng đánh giá cho rằng bức tâm tư từ bỏ đảng mà tôi đã "phát tán" lên mạng Internet và báo đài phương Tây là "lăng nhăng lít nhít"..." http://thuymyrfi.blogspot.com/2013/12/ts-pham-chi-dung-ang-lam-sao-co-ha....
[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53365316
[4] https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-chinh-tri-phat-trien-kinh-te-tap-the-hop...
[5] https://thanhnien.vn/thoi-su/qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bao-lau-co-may-...
[6] https://thanhnien.vn/thoi-su/25-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-viet-na...