Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/07/2020

Những trở ngại cho tham vọng chiến lược của Trung Quốc

Henry Storey

Trong khi chúng ta đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, có vô vàn lý do để cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là điều không thể tránh khỏi như người ta thường nghĩ.

1215807633

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu về luật an ninh cho Hồng Kông trong Đại hội Nhân dân Quốc gia tại Bắc Kinh hồi tháng Năm (Nicolas Asfouri / AFP / Getty Images)

Khi thảo luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc, quan niệm phổ biến cho rằng đây là điều tất yếu. Người ta lập luận rằng quy mô dân số khổng lồ cũng như nền tảng kinh tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa nước này trở thành một cường quốc thống trị khu vực hay một dạng bá quyền nào đó. Việc Trung Quốc nhanh chóng mở cửa trở lại sau khi đã khống chế được dịch Covid-19 trong nước càng củng cố thêm lập luận này.

Viễn cảnh Trung Quốc sẽ tiếp tục trỗi dậy và thách thức nguyên trạng khu vực được ngầm định trong bản Cập nhật Chiến lược Quốc phòng trị giá 270 tỷ AUD vừa được công bố của Úc. Thủ tướng Scott Morrison còn thẳng thắn hơn khi so sánh viễn cảnh chiến lược của ngày hôm nay với hoàn cảnh mà Úc phải đối mặt trong những thập niên 1930 và 1940.

Nhưng Trung Quốc sẽ trỗi dậy đến mức độ nào ? Trong thời điểm đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục làm tiêu hao ngân sách và nếu xét chi phí khổng lồ dành cho chiến lược quốc phòng mới của Úc, thì câu hỏi này đáng được đặt ra hơn bao giờ hết.

Khế ước xã hội tại Trung Quốc được xây dựng một phần dựa trên khả năng của giới lãnh đạo trong việc mang lại sự thịnh vượng, hàng hóa công và đảm bảo sự thống nhất của quốc gia. Đảng cộng sản Trung Quốc, vốn coi việc duy trì quyền lực là trên hết, không thể phớt lờ các giới hạn của bản khế ước xã hội này. Chủ nghĩa dân tộc cùng với việc đạt được nhiều hơn nữa các mục tiêu trong chính sách đối ngoại được cho là một phần ngày càng quan trọng trong khế ước xã hội, nhưng hiện nó vẫn chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Điều quan trọng ở đây đối với Trung Quốc là nước này gặp phải nhiều vấn đề và áp lực đối với khế ước xã hội. Mặc dù Trung Quốc không phải nước duy nhất phải đối mặt với những thách thức lớn trong tương lai, nhưng khả năng của nước này khi xử lý những thách thức đó sẽ bị hạn chế bởi thực tế Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển.

"Chính sách một con" làm cho quy mô dân số vốn đã rơi vào thời kỳ già hóa của Trung Quốc sẽ bắt đầu thu hẹp vào năm 2027. Đây là tin xấu cho một chính phủ đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế sang tiêu dùng trong nước. Tỉ lệ dân số phụ thuộc - tức tỉ lệ giữa những người không làm việc so với người tham gia lao động - sẽ gia tăng đáng kể. Trung Quốc có rất ít mạng lưới an sinh xã hội để bảo vệ những người lớn tuổi và có thể nhiều người sẽ già đi trước khi giàu.

Một thách thức Trung Quốc đang phải đối mặt nhưng thường bị bỏ qua là an ninh nguồn nước, đặc biệt là với tác động của biến đổi khí hậu. 80% lượng nước của Trung Quốc tập trung tại khu vực miền nam nước này khiến cho nhiều trung tâm dân cư lớn bị thiếu nước nghiêm trọng. Các giải pháp được đề xuất như Dự án dẫn nước Nam-Bắc trị giá 100 tỷ USD vô cùng tốn kém. Các tầng nước ngầm bị ô nhiễm cũng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân khi có tới 2/3 thành phố của Trung Quốc phụ thuộc một phần hoặc toàn bộ vào nguồn nước này. Việc khắc phục cũng sẽ tốn nhiều chi phí.

Bất ổn tiềm tàng ở những vùng viễn duyên sẽ chuyển hướng các nguồn lực ra khỏi việc chi tiêu dành cho quân sự. Nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm mọi cách để đảm bảo sự thống nhất của quốc gia thông qua việc bình định vùng Tân Cương, Tây Tạng và bây giờ là Hồng Kông. Chiến thuật đàn áp mạnh tay của chính quyền Trung Quốc không thể dập tắt hoàn toàn tình trạng bất ổn. Chi tiêu cho giữ gìn an ninh trong nước vượt xa ngân sách quân sự trong năm 2018 và sẽ tiếp tục là một gánh nặng lớn.

Kết hợp với các vấn đề cấp bách khác như bất bình đẳng tại Trung Quốc, sự phát triển không đồng đều và mạng lưới an sinh xã hội yếu kém, những vấn đề này sẽ chuyển hướng các nguồn lực quý giá và sự chú ý của Trung Quốc khỏi tham vọng chính sách đối ngoại. Núi nợ của Trung Quốc, thứ phản ánh mô hình tăng trưởng dựa vào tín dụng rẻ tập trung vào tài sản cố định, cũng sẽ hạn chế đáng kể các lựa chọn của những nhà hoạch định chính sách nước này.

Điều này khiến cho những tham vọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở vị thế yếu hơn so với những gì thường được thừa nhận. Trung Quốc cũng phải nhận ra rằng các hành động gây bất ổn sẽ tạo nên hàng loạt tổn thất về mặt chiến lược lẫn kinh tế. Điều này quan trọng vì khó có thể hình dung một sự chuyển đổi hòa bình sang một trật tự nơi Trung Quốc đóng vai bá quyền. Trung Quốc phải trả cái giá lớn hơn để đạt được vị trí này.

Hãy xét trường hợp của Đài Loan, vấn đề đang là mối bận tâm chính của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và gây tiêu hao lớn cho nguồn lực của nước này. Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng về quyết tâm thống nhất Đài Loan. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thu hồi Đài Loan bằng vũ lực, ngay cả khi thành công (một điều khó xảy ra) cũng sẽ vô cùng tốn kém, phải gánh chịu rủi ro của việc bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, đồng thời càng làm củng cố các dàn xếp chống Trung Quốc trong khu vực. Cái giá phải trả khi thực hiện phương án này có thể chạm đến giới hạn khả năng của chính quyền Trung Quốc trong việc duy trì khế ước xã hội trong nước.

Về cơ bản, ngay cả khi không có Mỹ, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn có thể trở thành một khu vực đông đúc, như Rory Medcalf đã mô tả một cách khéo léo trong cuốn sách gần đây của mình. Ý tưởng cho rằng Hoa Kỳ sẽ đơn giản rút lui khỏi khu vực tất nhiên là một ý tưởng gây tranh cãi nếu xét lợi ích rộng lớn, tư thế hiện tại và tầm quan trọng của vị thế siêu cường đối với bản sắc quốc gia nước này.

Những quốc gia có những nỗi bất bình khác nhau với Trung Quốc như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia và Úc (chưa kể Việt Nam và Hàn Quốc) dự kiến đến năm 2050 sẽ có tổng dân số là 2,108 tỷ người và GDP (tính theo sức mua ngang giá ) gần 64 nghìn tỷ USD. Trong khi đó Trung Quốc sẽ có 1,402 tỷ người và GDP khoảng 58 nghìn tỷ USD. Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng những quốc gia này sẽ hình thành các thỏa thuận liên minh với nhau. Trung Quốc sẽ cố gắng ngăn chặn điều này, nỗ lực theo đuổi các vụ tranh chấp lãnh thổ với từng quốc gia theo những cách thức riêng có lợi cho mình. Chỉ riêng việc nhận ra điều này là đã đủ để các cường quốc tầm trung và mới nổi của khu vực hợp tác nhằm kiềm chế hoặc chống lại Trung Quốc. Cuối cùng, bản cập nhật Chiến lược Quốc phòng là một bước tiến đáng hoan nghênh khi đã chú trọng đến việc hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn nữa với khu vực.

Tất nhiên, có khả năng Trung Quốc bằng cách nào đó chứng minh được năng lực vừa sẽ có thể vừa duy trì được bản khế ước xã hội với người dân trong nước vừa trong khi vẫn đạt được mục tiêu thống trị trong khu vực bất chấp sự chống đối kháng cự tập thể từ các quốc gia bên ngoài. Chính sách quốc phòng cần tập trung vào vấn đề bảo vệ quốc gia trước các tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, với nếu xét việc đồng USD đang gặp nhiều rủi ro chi phí khổng lồ, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải xem xét sâu sắc cả những ảnh hưởng của những trở ngại này đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Henry Storey

Nguyên tác : "The brakes on Beijing’s ambition", The Interpreter, 13/07/2020.

Nguyễn Thanh Hải biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Henry Storey, Nguyễn Thanh Hải
Read 851 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)