Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/07/2020

Thành lập công đoàn tự do và độc lập ở Việt Nam dễ hay khó ?

Hoài Nguyễn- Trần Dzạ Dzũng

Quyền tự do công đoàn tách biệt với quyền chính trị ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 18/07/2020

Trang Việt Nam Thời Báo có đặt vấn đề "Luật công đoàn ở Việt Nam dự tính sửa đổi ra sao ?", theo đó, dường như có sự tách biệt về quyền tự do công đoàn với quyền công dân về chính trị ?

congdoan1

Bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13, thấy ghi nội dung có nguyên văn thế này :

"Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau :

"Điều 1. Công đoàn

Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện ; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội ; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động ; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Phần chữ in nghiêng trong nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 1 là được phía soạn thảo dự luật phân biệt như một giới hạn về quyền của tổ chức công đoàn. Điều này cho thấy phù hợp với địa vị pháp lý tương lai khi dự luật sửa đổi này được Quốc hội phê chuẩn.

Điều 1, Luật Công đoàn hiện hành :

"Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

So sánh những dòng in nghiêng của nhóm soạn thảo dự luật, và những dòng in đậm mà người viết muốn lưu ý, cho thấy có giới hạn về quyền công đoàn với quyền công dân về chính trị.

Thứ nhất, tổ chức công đoàn sắp tới đây sẽ không còn là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, do vậy sẽ không còn phải chịu sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Quy định này được nhìn nhận là phù hợp tại Điều 10, Hiến pháp 2013 :

"Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội ; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động ; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Tuy nhiên điều luật dự thảo và cả điều thứ 10 của Hiến pháp, lại mâu thuẫn với Điều 4.1, Hiến pháp, khi điều 4.1 nói rằng giai cấp công nhân phải tuân thủ nền tảng ý thức hệ của Đảng cộng sản :

"Đảng cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Thứ hai, tổ chức công đoàn sắp tới đây sẽ chịu giới hạn về quyền chính trị, khi chỉ được phép "tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động".

Thế nhưng nếu căn cứ vào Hiến định tại Điều 28.1 "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước", cho thấy cùng với Hiến định ở Điều 25 "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình", thì giới hạn ở đây là khi công dân nhân danh một tổ chức công đoàn nào đó để "tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước", thì lại là điều không được phép.

Nôm na, thời gian sắp tới, không có một tổ chức công đoàn nào được quyền lên tiếng yêu cầu Đảng và Nhà nước phải tự tin để thực hiện việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tổ chức công đoàn cũng không được quyền yêu cầu việc phải thực hiện việc phổ thông đầu phiếu khi bầu cử cho nhân sự ở nhiệm kỳ mới của Đảng và Quốc hội…

Ở đây có một khó hiểu khi nhóm soạn thảo tiếp tục khẳng định vị thế, "Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện". Vậy thì phải chăng một khi công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội, nhưng lại không là thành viên của hệ thống chính trị ở Việt Nam, thì phải chăng đó sẽ là một đảng chính trị khác dành riêng cho người lao động ?

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 18/07/2020

*****************

Vì sao cần phải sửa đổi Luật Công đoàn ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 18/07/2020

Lý do dễ thấy nhất, nếu tiếp tục không có quyền tự do công đoàn thì các thỏa thuận thương mại của Việt Nam với thế giới, sẽ dừng lại là những bản văn với các "ngôn từ có cánh", không mang tới lợi ích cụ thể nào đối với người dân Việt.

congdoan2

Dĩ nhiên trong tâm thế chẳng đặng đừng ấy, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam buộc phải chấp nhận sự thay đổi để phù hợp cuộc chơi chung. Điều đó có nghĩa cho dù Đảng và nhà nước Việt Nam vẫn kiên định sử dụng cụm từ "thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", song vẫn không thể nằm ngoài quỹ đạo của thị trường chung toàn cầu ; trong đó có những thỏa thuận thường được báo chí hay nhắc tới như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU).

Trong một trao đổi mới đây với giới báo chí, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nói rằng ông đã trình lên Bộ Chính trị về các lý do cho cần kíp sửa đổi Luật Công đoàn hiện hành.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Khang nói :

Một. Xuất phát từ yêu cầu khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới.

Luật Công đoàn hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước, phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn của tổ chức công đoàn trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu tình hình mới : Đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của quan hệ lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.

Hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa cấp ủy, địa phương với tổ chức công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp và chưa hợp lý. Cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và cụ thể, tính khả thi không cao.

Trong khi đó việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn còn dàn trải, chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nên vai trò của tổ chức công đoàn ở nhiều nơi còn mờ nhạt.

Hai. Yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Do Hiến pháp năm 2013 được ban hành sau khi Luật Công đoàn được thông qua, nên có những nội dung của Luật Công đoàn chưa hoàn toàn tương thích với Hiến pháp.

Sau Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, hội nhập quốc tế trong xu thế nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức công đoàn như : Luật Việc làm (năm 2013), Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật Doanh nghiệp (năm 2014), Luật An toàn, vệ sinh lao động (năm 2015), Bộ luật Tố tụng dân sự (năm 2015)…

Đặc biệt, Bộ luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2019, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động như ghi nhận địa vị pháp lý của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh tổ chức công đoàn Việt Nam.

Do đó, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi nhằm đảm bảo sự thống nhất, sự phù hợp với nội dung của các luật mới ban hành gần đây.

Ba. Yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một xu hướng tất yếu, đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Cụ thể là 4 nhóm quyền theo 8 Công ước cơ bản của ILO :

1) tự do hiệp hội và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể theo Công ước số 87 và Công ước số 98 ;

2) xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc theo Công ước số 29 và Công ước số 105 ;

3) xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em theo Công ước số 138 và Công ước số 182 ;

4) xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp theo Công ước số 100 và Công ước số 111.

Những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nêu trên, đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt về quan hệ lao động và nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động – công đoàn.

Do vậy, Luật Công đoàn cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, cam kết của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới mà chúng ta tham gia và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, thể chế chính trị của Việt Nam". (hết dẫn trao đổi).

Với cách diễn giải dông dài nói trên cho thấy thực ra chỉ đúng mỗi cái được gọi là thứ ba, với yêu cầu luật pháp Việt Nam phải tương thích luật chơi chung toàn cầu.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 18/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, Trần Dzạ Dzũng
Read 548 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)