Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/04/2017

Để người Việt đẹp lên

Hiền Minh

Với lòng tự tôn dân tộc, mong sao người Việt cùng nhau tạo ý thức ứng xử tốt trong các sinh hoạt xã hội cộng đồng, để người ngoài nhìn vào thấy người Việt ngày càng văn minh, thân thiện, hiền hòa.

200187871-002

Cách cúi chào của người Nhật - Ảnh minh họa

Đó là mong muốn của rất nhiều người bày tỏ trên các diễn đàn sau khi bộ quy tắc ứng xử được ban hành tại các Thành phố lớn, các địa chỉ du lịch thu hút nhiều du khách trên cả nước. Tại Thành phố Hội Antỉnh Quảng Nam, sau khi ban hành bộ quy tắc ứng xử cho hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố với 7 điều nên làm, 6 điều không nên làm, 5 điều cấm vào giữa năm 2016, mới đây đề án "Hội An - nhân tình thuần hậu" thực hiện từ ngày 24/4, với bộ tiêu chí ứng xử gồm 10 điều, thuộc 3 nhóm (đạo đức, chấp hành luật giao thông, môi trường - buôn bán - xã hội). Trong đó, có một số tiêu chí đáng chú ý, như : Dừng xe ngả mũ - nón cúi chào khi gặp đám tang ; không cởi trần, mặc quần đùi, áo lót khi đi lại trong phố, khi tham gia buôn bán ; không nói thách, buôn gian bán lận...

Thực ra, những quy tắc ứng xử này là điều nằm lòng với nhiều người thuộc các thế hệ trước và những người sống trong những gia đình có nền nếp gia phong, được giáo dục từ tấm bé những hành vi ứng xử chuẩn mực. Song qua thời gian, các quy ước mai một, số người trong xã hội ứng xử lệch chuẩn ngày càng nhiều, tạo nên những chuyện không vui, những hình ảnh không đẹp về người Việt trong các điểm tham quan, trên những nẻo đường du lịch, trong nhiều sinh hoạt xã hội thường ngày. Việc đưa ra những quy chuẩn và tiêu chí để công dân và du khách trên địa bàn thực hiện là cần thiết để tạo ra môi trường và ý thức tốt đẹp hơn.

Từ nhiều năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, hình ảnh thanh niên xung phong tận tình hỗ trợ du khách lúc qua đường, góp phần bảo vệ trật tự trị an trên đường phố đã trở thành thân quen, du khách yên tâm rảo bước. Tại Hà Nội, nhân viên trông coi di tích đền Ngọc Sơn phổ biến cho du khách các quy tắc ứng xử cơ bản tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Thấy du khách nào mặc trang phục chưa phù hợp, họ hướng dẫn khách đến quầy cho mượn trang phục. Việc này được du khách trong và ngoài nước tán thành, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội cho biết sẽ triển khai cách làm này ở các di tích khác. Tại Thành phố Huế, chương trình xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng thực hiện khá tốt, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, hộ dân có nhà mặt tiền tham gia chương trình đều tự nguyện cho phép du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh…

Những điểm sáng ngày càng nhiều lên là điều đáng mừng, song cần nỗ lực hơn nữa và không đánh trống bỏ dùi. Câu chuyện Hà Nội làm nhà vệ sinh công cộng chưa được thành công cũng là bài học cho nhiều địa phương. Việc người dân bất chấp nguy hiểm, băng rừng leo núi lên đền Thượng trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua là phản cảm và không nên tái diễn. Để tạo thành nền nếp trong các sinh hoạt xã hội, phải mạnh dạn chấn chỉnh, việc giáo dục nhận thức phải đi đôi với nghiêm khắc xử lý vi phạm. Từ ý thức sẽ tạo thành thói quen và từ thói quen sẽ hình thành tính cách tốt. Đó không chỉ là mong mỏi mà còn là niềm tự hào của người Việt chúng ta.

Hiền Minh

Nguồn : Người Lao Động, 21/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hiền Minh
Read 908 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)