Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2020

Hãy coi chừng súng ống tháng Tám ở Châu Á

Kevin Rudd

Làm thế nào để giữ cho các căng thẳng Mỹ-Trung không bùng lên thành chiến tranh

beware1

Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự ở Thanh Đảo, Trung Quốc, tháng 4 năm 2019 Li Gang Xinhua / eyevine / Redux

Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, mối quan hệ Mỹ-Trung dường như đã trở lại thời kỳ ban sơ hơn hồi trước đây. Tại Trung Quốc, Mao Trạch Đông một lần nữa lại được ca ngợi vì đã táo bạo tham chiến chống Mỹ ở Triều Tiên, chiến đấu với họ tới một cuộc đình chiến. Tại Mỹ, Richard Nixon bị cáo buộc vì đã tạo ra một Frankenstein toàn cầu bằng cách đưa Trung Quốc cộng sản ra thế giới rộng lớn hơn. Cứ như thể nửa thế kỷ quan hệ Mỹ-Trung trước đây chưa từng diễn ra vậy.

Sự đe dọa tấn công hay trừng phạt từ cả Bắc Kinh lẫn Washington đã trở nên ầm ĩ, không khoan nhượng và dường như không có hồi kết. Mối quan hệ ấy chao đảo từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác – từ việc đóng cửa các lãnh sự quán tới những ngón ngoại giao 'chiến lang' gần đây nhất của Trung Quốc cho đến những lời kêu gọi các quan chức Mỹ lật đổ Đảng cộng sản Trung Quốc. Tốc độ và cường độ của cái đó thảy đã làm tê bì ngay cả những nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm đối với quy mô và tầm quan trọng của thay đổi trong nền chính trị cao cấp của mối quan hệ Mỹ-Trung. Được kéo neo ra khỏi các giả định chiến lược của 50 năm trước mà chẳng có chỗ dựa vào bất kỳ khuôn khổ được đồng thuận chung nào để thay thế chúng, thế giới giờ đây thấy mình đang ở thời điểm nguy hiểm nhất trong mối quan hệ ấy kể từ các cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan những năm 1950s.

Câu hỏi đang được đặt ra giờ đây, lặng lẽ nhưng đầy âu lo tại các thủ đô trên khắp thế giới là điều này rồi sẽ kết thúc ở đâu ? Kết cục một thời không thể tưởng tượng được – xung đột vũ trang thực tế giữa Mỹ và Trung Quốc – giờ đây xuất hiện, có thể là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Nói cách khác, chúng ta đang đối mặt với viễn cảnh không chỉ là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà còn cả là một cuộc chiến nóng nữa.

Các rủi ro sẽ đặc biệt cao trong vài tháng quan trọng từ giờ cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng Mười Một, khi cả tổng thống Mỹ, Donald Trump, và chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đối đầu, và khai thác sự giao thoa lộn xộn của chính trị trong nước, các đòi hỏi an ninh quốc gia và quản lý khủng hoảng. Quan điểm chính trị trong nước ở cả hai nước đều đã hóa ra độc hại. Danh sách các điểm xích mích thì dài, từ gián điệp mạng và vũ khí hóa đồng dollar cho đến Hongkong và Biển Đông. Các kênh đối thoại chính trị và quân sự cấp cao đã teo tóp lại khi chúng cần thiết nhất. Và cả hai tổng thống/chủ tịch đều phải đối mặt với các áp lực chính trị nội bộ có thể khiến họ kéo giật cái đòn bẩy dân tộc chủ nghĩa.

Trong môi trường này, cả Bắc Kinh và Washington nên suy ngẫm về lời khuyên răn 'hãy thận trọng với những gì bạn muốn'. Nếu họ thất bại trong việc làm thế, ba tháng tới cả thảy có thể dễ dàng làm tổn hại đến triển vọng hòa bình và sự ổn định quốc tế trong 30 năm tới. Các cuộc chiến giữa các cường quốc, bao gồm cả những bên vô tình, hiếm khi kết thúc tốt đẹp – cho bất kỳ ai.

Những chuyển dịch quyền lực

Nhiều yếu tố đã đưa mối quan hệ ấy đến trạng thái bấp bênh hiện tại của nó. Một số thì có tính cấu trúc, những cái khác thì trực tiếp hơn. Cơ bản nhất là sự cân bằng đang đổi thay về sức mạnh quân sự và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Do mẫu hình tăng trưởng kinh tế và quân sự thất thường của Mỹ, sự phân tâm chiến lược quá dài của Mỹ ở Trung Đông và các tác động tích lũy của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Bắc Kinh đã kết luận rằng họ có nhiều quyền tự do hơn trong luồn lách theo đuổi các lợi ích của mình. Xu hướng này đã tăng lên dưới thời Tập, người mà kể từ khi lên nắm quyền năm 2013 đã chuyển chính trị và kinh tế của đất nước sang tả, đẩy chủ nghĩa dân tộc sang hữu và áp dụng chiến lược quyết đoán hơn ở nước ngoài, cả ở tầm khu vực lẫn toàn cầu.

Mỹ đã phản ứng với vị thế đang thay đổi này của Trung Quốc với mức độ gây hấn ngày càng tăng. Chính sách đã tuyên bố của nó đã làm rõ rằng 35 năm tham dự chiến lược [với Trung Quốc] đã kết thúc và một kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới, vẫn còn chưa được xác định đầy đủ đã bắt đầu. Về mặt ngoại giao, nó [Mỹ] đã mở ra một cuộc tấn công nhân quyền đối với Hongkong, Đài Loan và Tân Cương. Nó đã phát động một cuộc chiến thương mại, công nghệ và nhân tài, và cả sự khởi đầu của một cuộc chiến tài chính nữa. Và các lực lượng vũ trang của cả hai nước đã tham gia vào một trò chơi xô đi đẩy lại ngày càng gây hấn trên mặt biển khơi, trên không và trên không gian mạng.

Trong khi chiến lược của Tập đã rõ ràng, chiến lược của Trump vẫn cứ hỗn loạn như phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống của ông ta. Nhưng tác động chung cuộc là một mối quan hệ bị chia tách của sự cô lập chính trị, kinh tế và ngoại giao đã được nuôi dưỡng một cách cẩn thận trong nửa thế kỷ qua và suy biến xuống hình thức thô thiển nhất của nó : một cuộc đấu tranh không giới hạn cho sự thống trị song phương, khu vực và toàn cầu.

Trong mùa hoạt động chính trị hiện nay, các áp lực trong nước đang có ở cả Bắc Kinh và Washington khiến cho việc xử lý khủng hoảng trở nên khó khăn hơn. Ở Trung Quốc, một nền kinh tế đã chậm lại, tác động vẫn tiếp tục của cuộc chiến thương mại, và bây giờ là cuộc khủng hoảng Covid-19 đã đặt sự lãnh đạo của Tập dưới áp lực nội bộ lớn nhất từ trước tới nay. Nhiều người trong Đảng cộng sản Trung Quốc bực tức với chiến dịch chống tham nhũng tàn bạo của ông ta, mà một phần được sử dụng để loại bỏ kẻ thù chính trị. Việc cải tổ quân đội rộng lớn của ông ta đã gặp phải sự kháng cự từ hàng trăm ngàn cựu chiến binh thua thiệt. Mức độ đối lập mà Tập phải đối mặt được thể hiện qua số lượng lớn các thay đổi nhân sự chính mà ông ta đã tạo ra trong hệ thống phân cấp của đảng về tình báo, an ninh và quân đội. Và đó là từ trước 'chiến dịch chỉnh đốn đảng' mà ông ta đã phát động vào tháng Bảy để cho ra rìa những kẻ chống đối và củng cố quyền lực của mình.

Ban lãnh đạo chính trị của Trung Quốc đã một lần nữa nhổ trại đi tới thị trấn nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà[i]  nơi 'ẩn dật' vào tháng Tám hàng năm của Đảng cộng sản Trung Quốc. Ở đó, các lão làng của đảng cũng có thể thách thức việc xử lý của Tập đối với nền kinh tế, chính sách đối ngoại và sức khỏe cộng đồng. Tập, tuy vậy, là một chính trị gia bậc thầy, chìm đắm trong nghệ thuật đen tối của mánh khóe Machiavelli[ii] của mình. Bất kỳ thách thức đáng kể nào đối với quyền bính của ông ta đều có khả năng gặp phải vũ lực đánh phủ đầu – rồi sau đó là chiến dịch chỉnh đốn đảng. Nhưng với những hoàn cảnh này, Tập cũng sẽ bị cám dỗ để vạch ra đường lối cứng rắn hơn bao giờ hết ở nước ngoài, đặc biệt là chống lại Mỹ.

Chính trị trong nước cũng đang lèo lái chính sách của Mỹ. Với các cử tri Mỹ tham gia các cuộc thăm dò trong ba tháng, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của cuộc đua hơn bao giờ hết. Nó giờ đây 'đóng khung' chính trị của tổng thống trong gần như tất cả các vấn đề tranh cử chính, bao gồm nguồn gốc của Covid-19 và cách ứng phó thảm hại của Mỹ, mà đến giữa năm 2020 thôi đã khiến hơn 150 ngàn người Mỹ thiệt mạng ; một cuộc khủng hoảng kinh tế được đánh dấu bởi tỷ lệ thất nghiệp 14.7%, tỷ lệ phá sản tăng 43% và nợ công cực kỳ kinh hãi ; là còn chưa nói tới tương lai của sự lãnh đạo toàn cầu Mỹ.

Trong ba năm đầu tiên, chính quyền Trump đã chia rẽ về vấn đề Trung Quốc, với chính Trump thường xuyên can thiệp để làm thất vọng việc thực thi đầy đủ chính sách cứng rắn do cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông ta là H. R. McMaster đưa ra và được làm rõ trong Chiến lược an ninh quốc gia phát hành vào tháng Mười Hai 2017. Nhưng kể từ tháng Ba [năm nay], được thúc đẩy bởi sự sụt giảm ủng hộ trong các cuộc thăm dò quốc gia, Trump đã đổ lỗi cho Trung Quốc về toàn bộ các thảm họa chính trị, kinh tế và sức khỏe cộng đồng trong nước. Luận điệu nóng bỏng của ông ta đã được làm một cách phù hợp bằng các hành động trên thực địa : chẳng hạn, các lực lượng quân đội Mỹ đã bắt đầu phản ứng mạnh mẽ hơn đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Trong khi đó, đối thủ của Trump, cựu phó tổng thống Joe Biden, quyết tâm không để bị Trump đánh tạt sườn về vấn đề Trung Quốc, lại tạo nên một môi trường chính trị cực kỳ dễ bùng cháy. Điều đó chẳng để lại mấy dư địa cho sắc thái chính sách đối ngoại, nói gì đến thỏa hiệp quân sự, nếu có phát sinh bất kỳ khủng hoảng nào.

Khi được cộng thêm vào những thay đổi sâu sắc hơn đang diễn ra trong mối quan hệ, tất cả những điều này tạo nên một thứ cocktail chiến lược và chính trị nguy hiểm : một Trump yếu đuối, một Biden không khoan nhượng và một Tập Cận Bình đang chịu áp lực sẵn sàng kéo giật đòn bẩy dân tộc chủ nghĩa. Do đó, cả hai bên nên xem xét cẩn thận các cuộc khủng hoảng có thể phát sinh trong vài tháng tới (đặc biệt trên các vấn đề Hongkong, Đài Loan và Biển Đông) và cân nhắc xem bất kỳ vấn đề nào trong số đó có thể từ từ biến thành một điều gì đó tồi tệ hơn như thế nào. Bắc Kinh và Washington có được chuẩn bị nghiêm túc hay không để leo thang trong một cuộc khủng hoảng nhằm bảo vệ các vị thế trong nước của họ, ý thức được về cái giá chính trị trong mỗi hệ thống nếu bị coi là yếu ? Hay họ có được trang bị về mặt thể chế và sự sẵn sàng chính trị để xuống thang nhằm tránh thảm họa ?

Một quốc gia Một chế độ

Hôm mùng 1 tháng Bảy, Trung Quốc đã thực thi luật an ninh quốc gia Hongkong hà khắc, hình sự hóa hoạt động 'ly khai', 'nổi loạn' và 'khủng bố', cũng như bất kỳ sự hợp tác nào trong các hoạt động như vậy với 'các thế lực nước ngoài'. Sử dụng Đạo luật nhân quyền và dân chủ Hồng Kông năm 2019, ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, đã đánh giá rằng Hongkong không còn được hưởng 'mức độ tự trị cao' như được quy định theo nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ'. Sự xác quyết được tiếp tục vào ngày 14 tháng Bảy khi Trump ký Đạo luật tự trị Hongkong. Trong 12 tháng tới, luật mới sẽ dẫn đến 'việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người nước ngoài [tức ngoài Mỹ] góp phần cốt yếu vào việc phá hoại quyền tự trị Hongkong, tạo ra bởi chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cũng như đối với các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào các giao dịch quan trọng với những người nước ngoài như vậy'. Đối với các cá nhân, những lệnh trừng phạt sẽ liên quan đến việc cấm đi lại và giao dịch ; đối với các tổ chức tài chính làm ăn với các cá nhân được liệt kê, một loạt các biện pháp trừng phạt gây tổn hại sẽ theo sau, có khả năng gây rủi ro cho khả năng hoạt động của họ trong phạm vi quyền tài phán của Mỹ.

Vẫn chưa rõ các quan chức Trung Quốc nào bị đưa vào danh sách theo luật này, song với việc quyết định về luật an ninh quốc gia liên quan đến Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết định hàng đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc, cả bảy thành viên (bao gồm cả Tập) đều có khả năng bị thương tổn. Tương tự, các tổ chức tài chính Trung Quốc phục vụ các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể bị cấm hoạt động tại Mỹ hoặc các khu vực tài phán có hợp tác [với Mỹ] khác. Cũng có nguy cơ các tổ chức sẽ bị cấm khỏi hệ thống thương mại quốc tế bằng đồng USD (mặc dù điều này vẫn còn tiếp tục được tranh luận giữa các quan chức cao cấp của Bộ Tài chính và Nhà Trắng). Các quan chức Trung Quốc hiện đang công khai xem xét làm thế nào để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của đất nước họ đối với một hệ thống tài chính toàn cầu vẫn phụ thuộc quá nhiều vào đồng bạc xanh. Họ đã bắt đầu nhấn mạnh đến 'các lằn ranh đỏ tài chính' của người đối thoại nước ngoài, mà nếu vượt qua, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn.

Nếu Hongkong trở nên hoàn toàn xấu đi trong những tháng tới – đưa đến việc giam cầm các nhà lãnh đạo dân chủ như Joshua Wong[iii] , việc đàn áp các phương tiện truyền thông tự do còn lại, hoặc thậm chí là bạo lực quy mô lớn – Mỹ có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ và thúc đẩy các đồng minh của mình cũng làm như vậy. Nhưng bản thân Hongkong khó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện ; Vương quốc Anh, chứ không phải Mỹ, mới là cường quốc có hiệp ước về câu hỏi đối với tình trạng chính trị của Hongkong, và vì vậy, dù tình hình có trở nên tồi tệ đến đâu, sẽ không có cơ sở pháp lý quốc tế cho bất kỳ hình thức can thiệp nào của Mỹ. Tuy nhiên, sự xấu đi [của tình hình Hongkong] và phản ứng của Mỹ sẽ khiến mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên dễ tan vỡ hơn hiện nay, khiến các cuộc khủng hoảng khác trong mối quan hệ song phương trở nên khó quản lý hơn, kể cả trong lĩnh vực an ninh.

Một Trung Quốc hay là hai ?

Đài Loan từ lâu đã là thách thức đơn lẻ lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Từ quan điểm của Đảng cộng sản Trung Quốc, được đặt nền tảng trên cả ý thức hệ lẫn chủ nghĩa dân tộc, 'sự trở về của Đài Loan trong vòng tay dịu dàng của quê hương', như các lão thần của đảng đã đặt ra, sẽ hoàn thành cuộc cách mạng năm 1949. Nhưng đối với Đài Loan, sự tiến hóa của một bản sắc riêng qua vài trăm năm, quá trình dân chủ hóa tiến bộ của hòn đảo trong 30 năm qua và thành công bầu cử liên tục của Đảng Dân tiến (DPP : Democratic Progressive Party, 民主進步黨 : Dân ch tiến b đảng) ng h độc lp đã khiến cho trin vng tái thng nht hòa bình ngày càng xa vi.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tiếp tục bác bỏ phiên bản Trung Quốc của cái gọi là 'đồng thuận 1992'[iv]  – một thỏa thuận chỉ có 'một Trung Quốc', ngay cả khi cả hai bên không đồng ý về thuật ngữ 'Trung Quốc' thực sự có nghĩa gì. Đến lượt mình, Bắc Kinh tin rằng sự từ chối của DPP trong việc chấp nhận Đồng thuận này đang bác bỏ bất kỳ cuộc đàm phán nào về hình thức cụ thể của một quốc gia, hai chế độ có thể áp dụng cho Đài Loan trong tương lai. Trung Quốc thì đã nhận thấy sự đổ vỡ của nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ ở Hồng Kông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái đắc cử của Thái Anh Văn tháng Mười Một năm ngoái. Nó cũng đã góp phần vào sự cương quyết hơn nói chung trong tình cảm của dân Đài Loan đối với bất kỳ hình thức thống nhất nào với đại lục ; các cuộc thăm dò ý kiến ​​gn đây cho thấy một kỷ lục 90% người dân Đài Loan hiện tự nhận mình là người Đài Loan chứ không phải là người Trung Quốc.

Trong mối quan hệ Mỹ-Trung, vấn đề Đài Loan đã được quản lý theo các điều khoản của ba thông cáo được đàm phán trong thời gian giữa năm 1972 và năm 1982 trong quá trình cởi mở và bình thường hóa, cùng với Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (TRA : Taiwan Relations Act) hồi năm 1979. TRA tuyên bố rằng 'Mỹ sẽ làm cho Đài Loan có thể có được các sản phẩm và dịch vụ quốc phòng với số lượng lớn đến mức cần thiết đủ để Đài Loan duy trì khả năng tự vệ'. Nó cũng tuyên bố rằng Mỹ sẽ 'xem bất kỳ nỗ lực nào ngoài các biện pháp hòa bình để xác định tương lai của Đài Loan, bao gồm tẩy chay hoặc cấm vận, như một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và là mối quan ngại nghiêm trọng đối với Mỹ'. Và nó yêu cầu Quốc hội 'duy trì khả năng của Mỹ chống lại bất kỳ biện pháp dùng vũ lực hoặc các hình thức cưỡng chế nào khác gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống kinh tế hay xã hội của nhân dân Đài Loan'. Mặc dù TRA không phải là một hiệp ước phòng thủ lẫn nhau, các chính quyền kế tiếp nhau của Mỹ đã dựa vào 'sự mơ hồ chiến lược' ẩn chứa trong đó để ngăn chặn bất kỳ sự cân nhắc nào của Trung Quốc về việc tái thống nhất [Đài Loan vào Hoa lục] bằng các biện pháp quân sự.

Chính quyền Trump đã tăng quy mô và tần suất bán vũ khí cho Đài Loan, bao gồm mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của hòn đảo này và cung cấp các khả năng tấn công mới như máy bay F-16V. Nó cũng đã bắt đầu thay đổi danh pháp chính thức của mối quan hệ [giữa Mỹ với Đài Loan] – lần đầu tiên đề cập chính thức đến bà Thái Anh Văn với danh xưng 'tổng thống' cao quý – và gia tăng tiếp xúc công khai giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan. Washington cũng đã phát hành các đoạn video mang tính khiêu khích về các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Đài Loan trước đây không được công bố.

Bắc Kinh lập luận rằng Washington đang tiến gần một cách nguy hiểm tới việc vượt qua lằn ranh đỏ của Trung Quốc về vị thế quốc tế của Đài Loan, do đó gây nguy hiểm cho cơ sở của toàn bộ mối quan hệ Mỹ-Trung. Hệ quả là, và được củng cố bởi sự bất mãn chung của Trung Quốc với lãnh đạo Đài Loan hiện nay, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự đối với Đài Bắc. Các cuộc tập trận, chuyển quân và triển khai của PLA quanh hòn đảo này và cả trên không phận của nó đã trở nên dữ dội và mang tính xâm phạm bừa bãi hơn. Trung Quốc cũng đã bắt đầu giảm du lịch của dân đại lục sang Đài Loan để tăng áp lực lên nền kinh tế, trả đũa trực tiếp các chính sách của Thái Anh Văn.

Càng ngày càng rõ ràng từ sự thiếu kiên nhẫn trong ngôn từ của Tập rằng ông ta muốn thấy Đài Loan trở về với chủ quyền của Trung Quốc trong nhiệm kỳ chính trị của mình. Liệu ông ta có thể làm như vậy hay không là một câu hỏi riêng biệt. Giá mà Tập thành công, ông ta sẽ sánh ngang, và thậm chí có thể vượt qua, vị trí của Mao trong lịch sử của đảng và dân tộc. (Tất nhiên, điều này đặt ra câu hỏi về nhiệm kỳ của Tập sẽ kéo dài bao lâu : ông ta đạt đến giới hạn hai nhiệm kỳ, được tuân thủ bởi những người tiền nhiệm, vào năm 2022, nhưng một quyết định tại Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 2017 đã bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ, và Tập hiện đang tỏ ra sẵn sàng tại vị cho đến giữa những năm 2030, khi ông ta sẽ ở vào đầu những năm 80 tuổi của mình).

Mặc dù các cuộc tập trận trò chơi chiến tranh (tức tập trận giả định trên máy tính) của Trung Quốc và Mỹ đều cho thấy Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong bất kỳ cuộc xung đột lớn nào ở eo biển Đài Loan, Bắc Kinh vẫn thận trọng, tìm cách tránh rủi ro chính trị hoặc chiến lược không cần thiết. Rốt cuộc, thất bại trong một nỗ lực như vậy, hoặc thành công với chi phí lớn, sẽ có khả năng chấm dứt sự lãnh đạo của Tập và làm suy yếu tính hợp pháp của đảng. Theo đó, bất kỳ sự đẩy mạnh quân sự nào của Trung Quốc chống lại Đài Loan có nhiều khả năng sẽ đến muộn hơn trong những năm 2020s, khi mà Bắc Kinh nghĩ rằng cán cân quân sự sẽ còn thay đổi hơn nữa theo hướng có lợi cho nó – đủ để răn đe hiệu quả Mỹ và có thể khiến Đài Loan phải đầu hàng mà không cần đến một cuộc chiến.

Cho đến nay, cả ba bên – Bắc Kinh, Đài Bắc và Washington – đã chọn giữ nguyên trong các giới hạn rộng rãi về hành vi cho phép. Và trong khi chính quyền DPP ở Đài Bắc gan lỳ, đó không phải là liều lĩnh. Tuy nhiên, trong môi trường chính trị hiện tại, chính quyền Trump có thể chọn leo thang – bằng cách, thí dụ như, cho phép chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ đến một cảng Đài Loan. Tác động gây bất hòa của một hành động như vậy sẽ khiến giới lãnh đạo Trung Quốc không thể bỏ qua về mặt chính trị. Có thể hình dung rằng Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách bắt đầu một cuộc xung đột ở 'cường độ thấp', tập trung vào các đảo ngoài khơi của Đài Loan, như Quần đảo Dongsha [quần đảo Đông Sa, hay quần đảo Pratas, nằm ở phía Bắc Biển Đông] hoặc Đảo Taiping [Ba Bình] (cả hai đều ở Biển Đông) hoặc Đảo Wuqiu [đảo Ô Khâu của Đài Loan] (ngay ngoài khơi bờ biển).

Không còn Đường 9 đoạn nữa

Biển Đông có nguy cơ rủi ro quân sự lớn hơn nhiều trong những tháng ngay tới đây. Bảy quốc gia yêu sách nhiều mảnh lãnh thổ và biển khác nhau của Biển Đông : Brunei, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Vào năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA : Permanent Court of Arbitration) đã ra phán quyết về một vụ kiện do Philippines đệ đơn, mà nó đã bác bỏ toàn diện cơ sở pháp lý và lịch sử của yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ('đường chín đoạn') trên phần lớn Biển Đông. Mặc dù giận dữ từ chối phán quyết, Bắc Kinh đồng thời bắt tay vào một cuộc tấn công quyến rũ chính trị và kinh tế (đặc biệt là với chính phủ mới của Rodrigo Duterte) trong khi duy trì các hoạt động hải quân, hải cảnh và đánh bắt cá ở các khu vực tranh chấp. Biển đã trở thành một trường hợp điển hình về chiến lược 'vùng xám' của Trung Quốc : sử dụng các hoạt động hải cảnh và nghề cá để thiết lập các yêu sách lãnh thổ và hàng hải trên thực tế trong khi tránh việc triển khai trực tiếp các phương tiện hải quân trừ khi tuyệt đối cần thiết. Trung Quốc đã nhờ đó mà cố thủ các yêu sách của mình theo thời gian, mà không có nguy cơ xung đột quân sự mở với các nước láng giềng.

Cho đến tận năm 2016, Mỹ đã tiến hành hành động quân sự không đáng kể để đáp trả các dự án cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. (Bắc Kinh đã xây dựng bảy hòn đảo nhân tạo từ năm 2013 đến 2015 và sau đó quân sự hóa một số tiền đồn này, trái với những đảm bảo của Tập đối với tổng thống Mỹ Barack Obama). Kể từ đó, hải quân Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực đó của mình, tăng từ 2 chuyến trong năm 2015 đến 9 chuyến vào năm 2019. Mỹ cũng đã tiếp tục các chuyến bay do thám trên không dọc theo bờ biển Trung Quốc và ngang trên Biển Đông.

Khi cuộc khủng hoảng coronavirus tăng cao vào năm 2020, thái độ của cả Trung Quốc lẫn Mỹ ở Biển Đông đều bắt đầu cứng rắn hơn nữa. Vào tháng Tư, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính bổ sung - phù hợp với chiến lược chung là kết hợp các hoạt động bán quân sự vùng xám để khẳng định các yêu sách chủ quyền trên thực tế với các khẳng định mang tính luật định về pháp lý và kiểm soát hành chính. Đáng kể hơn, nhịp độ và cường độ của các phi vụ trinh sát hải quân và không quân Mỹ đã tăng lên rõ rệt ; Washington đã triển khai hai tàu sân bay đến Biển Đông và chúng được các đơn vị hải quân đồng minh từ cả Australia và Nhật Bản tham gia. Đến lượt mình, Trung Quốc đã triển khai một phi đội máy bay tiêm-cường kích bổ sung tới quần đảo Hoàng Sa trong tầm với tới phía bắc Biển Đông.

Sau đó, vào ngày 13 tháng Bảy, Washington đã tuyên bố một sự thay đổi lớn về lập trường của mình đối với tình trạng pháp lý của yêu sách đường dài chín đoạn của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông. Trong quá khứ, Washington – bản thân họ đã không phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS : UN Convention for the Law of the Sea) – vẫn trung lập về tính hợp pháp của các yêu sách của các bên. Bây giờ, lần đầu tiên, Washington đã chính thức bác bỏ giá trị pháp lý quốc tế của tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc. (Nước Úc, mười ngày sau đó, đã theo gương bằng một tuyên bố chính thức với Liên Hợp Quốc). Thay đổi này chính thức gắn kết Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á vẫn đang thách thức các yêu sách hàng hải rộng lớn của Trung Quốc ; trước đây, Mỹ chỉ hành động để bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, chứ không dựa trên tính hợp pháp của các yêu sách của các bên.

Tập hợp các động thái này của Mỹ đã làm tăng nhiệt giữa quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc. Trung Quốc đã trả đũa vào cuối tháng Bảy : Một sửa đổi hành chính đối với các quy định vận tải biển có từ lâu đã thay đổi việc định danh một khu vực rộng lớn của Biển Đông, từ 'ngoài khơi' trở thành 'ven biển', và không quân Trung Quốc bắt đầu triển khai máy bay ném bom tầm xa cho các chuyến bay giám sát trên không trên các khu vực biển tranh chấp này.

Bản ghi nhớ hiện có về các giao thức đã được thống nhất để tránh và quản lý các vụ va chạm trên không và trên biển đã được đàm phán trong thời gian của chính quyền Obama, từ trước sự sụp đổ gần như hoàn toàn về niềm tin giữa Bắc Kinh và Washington. Không có gì bảo đảm rằng các giao thức này sẽ có hiệu quả với sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện không quân, hải quân và các trang bị quân sự khác trong khu vực, nơi đã có lịch sử gần như đã va chạm giữa các tàu và máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc.

Do đó, Biển Đông đã trở thành một chiến địa căng thẳng, không ổn định và có khả năng bùng nổ vào thời điểm khi những bất bình tích lũy đã đẩy mối quan hệ chính trị song phương cơ bản xuống tới mức thấp nhất trong nửa thế kỷ. Số lượng tăng vọt các phương tiện hải quân và không quân được cả hai bên triển khai khiến cho một vụ va chạm ngoài ý muốn (hoặc thậm chí cố ý) ngày càng trở nên có thể. Các thủ tục hành động tiêu chuẩn và các quy tắc giao chiến đối với cả Mỹ và Trung Quốc đều là các tài liệu có độ mật cao một cách tiêu biểu. Mẫu hình chung của các vụ suýt đâm va trong quá khứ đã cho thấy máy bay hoặc tàu hải quân của Mỹ chuyển hướng và thay đổi hướng đi vào phút cuối để tránh va chạm. Tuy nhiên, không rõ liệu các thủ tục này, hoặc các thủ tục của hải quân và không quân Trung Quốc, hiện nay có đã được điều chỉnh chuyển sang một tư thế tấn công hơn hay không.

Câu hỏi cho cả các nhà lãnh đạo Mỹ lẫn Trung Quốc là, điều gì sẽ xảy ra giờ đây trong trường hợp xảy ra va chạm đáng kể ? Nếu một chiếc máy bay bị rơi, hoặc một tàu hải quân bị chìm hoặc bị vô hiệu hóa, những bước tiếp theo nào đã được thỏa thuận để tránh sự leo thang quân sự ngay lập tức ? Một người đối thoại Trung Quốc nhớ lại một cuộc tập trận trên máy tính gần đây được tổ chức bởi một viện chính sách (think-tank) độc lập đã tập hợp các nhà hoạch định chính sách và quân đội Trung Quốc và Mỹ đã nghỉ hưu để xem xét một kịch bản như vậy. Kết quả thật đáng lo ngại. Mặc dù các sĩ quan quân đội từ cả hai phía có thể đồng ý về một giao thức để moi ra một tàu hải quân bị hư hại một cách an toàn, nhưng những người tham gia phi quân sự, chú ý hơn đến lợi ích chính trị của chính phủ của họ, đã thất bại thảm hại trong nhiệm vụ này. Một tập những người thực tiễn thì có ý định xuống thang ; một tập những người khác đã có ý định ngược lại hoàn toàn.

Trong một kịch bản trong thế giới thực, vượt quá môi trường đơn giản của một cuộc diễn tập trên máy tính, hoàn cảnh chính trị trong nước đang rất phổ biến ở Bắc Kinh và Washington có thể quá dễ dàng đẩy cả hai bên đến leo thang. Các cố vấn chính trị có thể lập luận rằng một sự leo thang quân sự cục bộ có thể 'kiềm chế' được trong các giới hạn xác định. Tuy nhiên, trong điều kiện tình cảm cộng đồng quy trách niệm ở cả hai quốc gia và các phần cược chính trị cao trong cuộc chơi cho nhà lãnh đạo của mỗi nước, có rất ít lý do để lạc quan về các khả năng kiềm chế.

Những kẻ mộng du của thế kỷ 21

Chúng ta thường buộc phải nhớ những bài học lịch sử. Thật ra lịch sử hiếm khi lặp lại ở dạng chính xác như đã từng. Nhưng đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc ở cả Bắc Kinh và Washington, những người có thể không nhận ra việc tăng đặt cược lên đã trở nên nghiêm trọng như thế nào, thì một bài đọc cuối tuần tốt có lẽ là cuốn sách của Christopher Clark, một người đồng hương của tôi, về những thất bại về quản lý khủng hoảng và ngoại giao năm 1914, có tựa đề là The Sleepwalkers (Những kẻ mộng du).

Bài học cốt lõi trong các sự kiện dẫn đến Thế chiến I là một sự cố tương đối nhỏ (vụ ám sát một đại công tước Áo tại Sarajevo vào cuối tháng Sáu năm 1914) có thể leo thang thành một cuộc chiến giữa các cường quốc trong vài tuần. Bản miêu tả bằng đồ họa của Clark là một bản báo cáo về sự leo thang không ngừng, ngoại giao không đầy đủ và chủ nghĩa dân tộc thô thiển, cùng với sự hoài nghi của dân chúng và các nhà lãnh đạo, tựa như xung đột thực sự đó thật khó tin được - cho đến khi 'Súng ống tháng Tám'[v]  chứng minh điều ngược lại.

Đối với Mỹ, thách thức Trung Quốc là có thật và đòi hỏi một chiến lược dài hạn, mạch lạc trên tất cả các lĩnh vực chính sách và phối hợp với các đồng minh. Nó cũng đòi hỏi một khuôn khổ mới cho mối quan hệ Mỹ-Trung, quan hệ dựa trên các nguyên tắc cạnh tranh chiến lược 'quản lý được' : cạnh tranh chính trị, kinh tế, công nghệ và ý thức hệ với các lằn ranh đỏ được cả hai bên cùng hiểu, các đường dây liên lạc mở ở cấp cao để tránh một sự leo thang vô tình và các lĩnh vực hợp tác toàn cầu được xác định, nơi cùng có lợi (như thể về các dịch bệnh và biến đổi khí hậu). Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ là tìm ra con đường đi một cách an toàn trong vài tháng tới, để tránh vấp phải xung đột vào giữa chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mỹ và thời kỳ tranh chấp chính trị nội bộ ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của cả hai bên nên nhớ rằng chủ nghĩa sô-vanh dân tộc chủ nghĩa có xu hướng trở nên im lặng hơn sau khi súng bắt đầu nổ.

Kevin Rudd

Nguyên tác : Beware the Guns of August—in Asia : How to Keep U.S.-Chinese Tensions From Sparking a War, Foreign Affairs, 03/08/2020

Dịch và chú giải [cả trong móc vuông] : Một thân hữu của viet-studies

Nguồn : Viet-studies, 07/08/2020


[i] Bắc Đới Hà (北戴河, Běidàihé) : Mt khu bãi bin rt đẹp nm tnh Hà Bc, Trung Quc. Ti đây, gn như đã thành thông l, cui tháng By hay vào tháng Tám hàng năm thì các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thường tới nghỉ mát, tránh cái nóng ở Bắc Kinh (nằm chỉ cách Bắc Đới Hà chừng 3 giờ chạy xe, ~285km), đồng thời có các cuộc họp mặt không chính thức giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ chốt nhất để 'mật nghị' những vấn đề trọng yếu trong đối nội và đối ngoại. Các cuộc họp mặt trong 'gian phòng đầy khói thuốc' (từ thời Mao Trạch Đông) đằng sau những cánh cửa khép kín tại Bắc Đới Hà này vẫn được gọi là các 'Hội nghị Bắc Đới Hà'.

[ii] Machiavelli (Niccolò di Bernardo dei Machiavelli, 1469-1527) : Nhà ngoại giao, nhà triết học và nhà văn người Ý, từng giữ chức vụ cao về ngoại giao và quân sự của Cộng hòa Florentine (một thành bang trung cổ tại Florence, thuộc nước Ý ngày nay) được coi là cha đẻ của triết học chính trị hay ngành khoa học chính trị. Machiavelli đã xem xét và viết về các trận chiến chính trị không qua lăng kính đạo đức mà trần trụi như những ván cờ với những quy tắc (thường là lừa dối và tội ác). Tên của Machiavelli thường được sử dụng để gắn với những chính trị gia vô đạo đức, lừa dối, phản bội và không từ tội ác.

[iii] Joshua Wong (Hoàng Chi Phong, 黃之鋒), thanh niên sinh năm 1996, là người lãnh đạo Phong trào dù vàng năm 2014 tại Hongkong.

[iv] Đồng thuận 1992 (1992 Consensus, 九二共識 : cu nh cng thc) : Thut ng liên quan ti kết qu cuc gp năm 1992 gia các đại din bán chính thc ca Cng hòa nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa dân quc. Quc dân đảng ca Trung Hoa dân quốc nói rng có s đồng thuận, trong khi Đảng Dân Tiến của Trung Hoa dân quốc và tổng thống Trung Hoa dân quốc năm 1992, Lý Đăng Huy, phủ nhận sự tồn tại của 'Đồng thuận 1992'. Thuật ngữ này, như thường được mô tả, có nghĩa là về ‘Nguyên tắc một Trung Quốc’, cả hai bên thừa nhận chỉ có một ‘Trung Quốc’, cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan đều thuộc Trung Quốc, nhưng đồng ý giải thích ý nghĩa của ‘một Trung Quốc’ theo định nghĩa của mỗi bên.

[v] 'Súng ống tháng Tám' (The Guns of August) : Cuốn lịch sử quân sự xuất bản năm 1962 và đoạt giải Pulitzer năm 1963, được viết bởi Barbara W. Tuchman, một sử gia Mỹ, tác giả hai lần đoạt giải Pulitzer. 'Guns of August' tường thuật về các giai đoạn đầu tiên của Thế chiến I (bắt đầu từ 287/71914, bùng lên dữ dội từ tháng Tám năm đó với việc nước Đức bắt đầu tham chiến), từ các quyết định tham chiến, cho đến khi bắt đầu cuộc tấn công Pháp-Anh ngăn chặn bước tiến của Đức vào Pháp. Kevin Rudd đã mượn tên cuốn sách này để nói 'cuộc chiến thực sự' hoàn toàn có thể xảy ra ở Châu Á, nếu 'những kẻ mộng du của thế kỷ 21' - các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc - không chịu cân nhắc cẩn thận để kiềm chế leo thang xung đột.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kevin Rudd
Read 953 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)