Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/08/2020

Chính quyền Thừa Thiên-Huế muốn chiếm đất hay đàn áp Công giáo ?

Nhiều tác giả

Vì sao chính quyền Thừa Thiên Huế không ‘cấp đất’ cho Đan viện Thiên An ?

Văn Thái, VNTB, 15/08/2020

Tâm thế đối đầu dường như vẫn lấn chiếm nếp nghĩ ‘cùng ngồi lại với nhau’…

danvien1

Theo tin Đan Viện Thiên An cho biết, sáng 13/08/2020, "một nhóm khoảng 50 người đã xông vào khuôn viên nội vi của đan viện ngang nhiên đóng cọc rào dây thép gai chiếm đất. Có nhiều thanh niên xăm trổ hung hăng đứng bảo vệ vòng trong vòng ngoài để những kẻ kia đóng cọc giăng dây. Những kẻ này luôn đội mũ bảo hiểm để sẵn sàng tư thế va chạm".

Hãy ngồi lại với nhau

Trong lúc này, thì các đan sĩ của Đan viện Thiên An vẫn là hợp lòng sống Kinh Hòa Bình : "Lạy Chúa từ nhân ! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa : Để con đem yêu thương vào nơi óa n thù ; Đem thứ tha vào nơi lăng nhục ; Đem an hòa vào nơi tranh chấp ; Đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan ; Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng ; Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm ; Đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con : Tìm an ủi người hơn được người ủi an ; Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết ; Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời !".

Tranh chấp đất đai ở Việt Nam là một câu chuyện thuộc ‘bi kịch thời hậu chiến’, với việc đất đai đều được "quốc hữu hóa" kể từ sau tháng tư, 1975 – bao gồm cả đất đai tôn giáo.

Với Đan viện Thiên An ở thành phố Huế, có lẽ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đang thiếu một tham mưu cho việc cùng ngồi lại với nhau, thay vì ‘đối đầu’ bằng những viện dẫn khô cứng của "đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".

Thành phố Huế, từ đường Minh Mạng đi lên, đâm thẳng tiếp đường Khải Định đến khi nào ở bên phải đường xuất hiện một ngã rẽ với tấm biển "Đan viện Thiên An". Từ giây đầu tiên rẽ vào, du khách phương xa sẽ bắt gặp hình ảnh rừng thông quen thuộc ở Đà Lạt, vốn dĩ rất khó tin có thể xuất hiện ở cố đô. Sau cung đường hơn một cây số phủ hai bên bởi rừng thông được trồng ngay lối và đều mắt chính là khu đan viện.

Tên đầy đủ là Đan viện Biển Đức Thiên An. Linh mục người Pháp Dom Romain Guilauma cùng các đan sĩ người Pháp khác của Dòng Biển Đức (Bénedictine) đã quyết định cho xây dựng một Đan viện tại đồi Thiên An, Huế vào tháng 3 năm 1940.

Tôn chỉ của Hội Dòng Biển Đức, đó là : "Cầu nguyện và Lao động". Các đan sĩ có đời sống chiêm niệm, khổ hạnh trong cô tịch, trong cầu nguyện và một cuộc sống đơn giản, lao động chân tay ; Ân cần và chia sẻ những nỗi bất hạnh, khổ đau với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ. Các đan sĩ sống hoàn toàn trong nội vi của đan viện, không có những hoạt động với bên ngoài.

Giáo trình quen thuộc của các hướng dẫn viên du lịch khi nói về điểm đến này : "Ở vị trí khá cao, bao quanh là rất nhiều cây xanh nên không khí tại đây thóa ng đãng, pha lẫn chút se lạnh càng khiến cho Đan viện Thiên An trở nên huyền ảo và thơ mộng hơn. Vẻ đẹp e ấp đó được ví như sự dịu dàng của người con gái xứ Huế.

Không chỉ được biết đến như một điểm văn hoátín ngưỡng, tâm linh của người dân trong vùng, với vẻ đẹp đầy lãng mạn như thế, du khách tới Đan viện Thiên An Huế đôi khi là để trải nghiệm cảm giác hòa mình vào khung cảnh hữu tình nơi đây.

Những khi tiếng chuông nhà thờ cất lên tạo thành những âm thanh vang vọng, hình ảnh đoàn người đứng lặng yên hướng về nhà thờ sẽ tạo cho du khách một cảm giác bình yên, sâu lắng như góp phần trút bỏ đi những âu lo, phiền muộn trong cuộc sống thường nhật…".

Thử bàn một giải pháp với căn cứ pháp lý hiện hữu

Trong quản lý hành chính của Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định – phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, được phân công phụ trách (trích) : Tài nguyên và môi trường ; giá đất ; đền bù, giải tỏa mặt bằng, tái định cư ; Xây dựng và quản lý đô thị ; quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước, trụ sở cơ quan nhà nước ; tài sản công ; Bưu chính, viễn thông ; công nghệ thông tin ; báo chí và xuất bản ; Văn hóa, thể thao, du lịch ; Tôn giáo ; Quy chế thực hiện dân chủ, dân vận chính quyền ; Theo dõi và chỉ đạo các hội, đoàn thuộc lĩnh vực phụ trách ; Theo dõi và chỉ đạo các tổ chức tư vấn phối hợp liên ngành thuộc lĩnh vực phụ trách (Theo Quyết định 612/QĐ-UBND ngày 05/3/2020 của UBND tỉnh).

Với quyền quản lý hành chính khá rộng như phần trích ở trên cho thấy ông Phan Thiên Định đã quên mất chuyện trong Luật Đất đai – đối với trường hợp như Đan viện Thiên An, ông có thể ‘vận dụng’ các điều luật số 158 "Đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh", điều 159 "Đất cơ sở tôn giáo". Đây là hai điều luật mà nếu ông vận dụng khéo léo, thì khu đồi Thiên An có thể là một khu du lịch tâm linh ‘tân tạo’ tương tự như khu Bái Đính (Bái Đính tân tự – Chủ trì thiết kế kiến trúc là giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính) ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Cụ thể, Luật Đất đai, Điều 3.9 : "Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định", được hướng dẫn thực hiện như sau tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP :

"Điều 21. Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định

1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).

2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây : a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất ; b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất ; c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất ;

d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành ; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất ; đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất ;

e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở ; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký ; g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất ; h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan ;

i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ ; k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.

4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất".

Bái Đính ở cố đô Hoa Lư và Thiên An ở cố đô Huế

Giả dụ như đề xuất với ông Phan Thiên Định như nêu trên được chấp thuận, thì xem ra diện tích đất đai mà Đan viện Thiên An lâu nay vẫn phải ‘khiếu nại’, không bằng một phần mười so tỉnh Ninh Bình đã ‘cấp’ cho quần thể tâm linh chùa Bái Đính : 107 héc ta so với 1.700 héc ta.

"Nhỏ nhưng có võ", người Việt hay nói vậy.

Quần sơn này ở Huế gồm 140 ngọn đồi gối đầu lên nhau, điểm cao nhất chính là ngọn đồi có đan viện tọa lạc. Vừa vào khuôn viên đan viện Thiên An, bên phải có đồi Đức Mẹ, ẩn sâu một cách kín đáo trong rừng thông bên là đồi Thánh Giá.

Nếu xét về mặt ‘địa chính trị’ trong mối quan hệ với Tòa thánh Vatican, cho thấy khi lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chọn bảo vệ gia sản cảnh quan cho Huế tại khu vực Đan viện Thiên An, thì đây sẽ là khu du lịch tâm linh của tu viện Công giáo tại Huế – nơi nổi tiếng là vùng đất có trên 300 ngôi chùa Phật giáo, trong đó trên 100 cổ tự.

Lá phiếu tín nhiệm cho ‘đại đoàn kết các tôn giáo’ ở Huế dành cho những chính khách trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp tới, chắc chắn sẽ được ghi nhận.

Văn Thái

Nguồn : VNTB, 15/08/2020

************************

Vì sao Đan Viện Thiên An (Huế) lại bị khủng bố ?

Tuấn Khanh, RFA, 11/08/2020

Đan Viện Thiên An, Huế, đang đối diện với lực lượng "quần chúng" bao vây và khủng bố suốt nhiều ngày. Mục đích của đám đông bịt mặt hung hăng và khiêu khích này, nói rằng các tu sĩ của Đan Viện Thiên An đã xúc phạm người dân trong khu vực này khi dựng bia ghi lại lịch sử của Đan Viện bị sách nhiễu, cả tượng Chúa và Thánh Giá bị tấn công xúc phạm, mà sự việc vốn diễn ra suốt từ 2017 đến nay.

danvien2

Theo dõi video, người ta tìm thấy hành động và phong cách của từng người trong nhóm bao vây, lực lượng Đan viện Thiên An Huế hiện nay, không khác biệt lượng cờ đỏ đã từng tấn công linh mục Đặng Hữu Nam tại Nghệ An, và linh mục Nguyễn Duy Tân tại Đồng Nai.

Hình ảnh bên dưới là những gì diễn ra trong ngày 11 tháng 8 năm 2020.

danvien3

Trước đó, vào ngày 7 tháng 8, các tu sĩ tại Đan Viện bất ngờ phát hiện có một nhóm viên chức của nhà nước không xưng tên, bịt mặt và xông thẳng vào khuôn viên của Đan viện, để đọc, chụp hình lại những gì ghi trên tấm bia đá đen này, rồi ra về với thái độ không vui. Mặc dù được chào hỏi và mời vào nhà khách, nhưng những người này đã không đáp lại và quay lưng ra về.

Vài ngày sau, một lực lượng bịt mặt rất hung hăng kéo đến Đan Viện, bao vây cả sáng lẫn chiều, đòi phải hạ tấm bia đá đen này xuống, đồng thời đòi trừng phạt những người lãnh đạo của Đan Viện. Nhưng nhiều tu sĩ của Đan Viện quen mặt với những người dân địa phương, đã sớm nhận không ít người trong số đó, là nhân viên của chính quyền giả dạng, trà trộn trong đám đông đó với nhóm quay phim, chờ phản ứng của các tu sĩ để lấy cớ gây chuyện.

Nội dung bia đá đen viết gì khiến cho chính quyền địa phương tại Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế tức giận như vậy ?

Dẫn :

"Thánh giá (tượng Chúa chịu nạn) là biểu tượng cao cả nhất của người Ki tô giáo trên khắp hoàn cầu, nhưng nhà cầm quyền Huế đã ngang nhiên xúc phạm biểu tượng này ngay trên phần đất Đan Viện Thiên An.
Đêm 16-5-2015, tượng Thánh giá Chúa bị kẻ gian lấy cắp. Hơn 3 tháng sau, tượng Chúa được tìm thấy trong tình trạng bị đập vỡ thành 3 khúc (lần 1).

Tượng được ghép lại gắn vào Thánh giá kim loại và dựng lên cách nơi tìm thấy khoảng 300m, nhưng chỉ sau ít ngày, lực lượng an ninh và cán bộ công quyền xâm nhập khu đất Đan viện, ngang nhiên tháo dỡ tượng Thánh (lần 2).

Chiều ngày 26-6-2017, tượng Thánh được các Đan sĩ dựng lên. Đến ngày 28-6-2017, hàng trăm nhân viên an ninh mặc thường phục và sắc phục, cán bộ địa phương, côn đồ lại xông vào nội vi Đan viện, hành hung đánh đập các Đan sĩ đang bảo vệ Thánh giá, bẻ gãy và hạ tượng Thánh xuống đất (lần 3).

Hôm sau, ngày 29-6-2017, nhà cầm quyền Huế tiếp tục điều động người của mình, đến hành hung các Đan sĩ đang bảo vệ đất đai, nhà của của Đan viện. Làm nhiều Đan sĩ bị trọng thương".

Nhà cầm quyền âm mưu xóa bỏ những chứng tích hiển nhiên này. Tập thể Quí Đan sĩ Đan viện Thiên An sẽ lại phải cùng nhau bảo vệ tài sản, bảo vệ công lý và quyền tự do Tôn giáo".

danvien4

Bia đá đen này không hề nói bất kỳ điều gì liên quan đến người dân, nhưng đám đông xuất hiện và gào thét xung quanh Đan Viện suốt nhiều ngày, nói cần phải hạ xuống vì đây là những nội dung xúc phạm người dân ở khu vực này.

Năm 2018, nhà cầm quyền tổ chức quay hình những người đứng ra tố cáo, nói rằng các tu sĩ của Đan Viện là những kẻ đã đào trộm mộ của người dân, đồng thời còn hủy diệt tất cả gia phả của những người trong khu vực này. Tuy là nội dung tố cáo và đòi sẽ đưa ra tòa, nhưng cho đến tận hôm nay thì phía Đan viện vẫn chưa bao giờ nhận được một trát toànào, để đối chứng về lời tố cáo này.

Sau đó, năm 2019, người ta còn tìm thấy một số lời tố cáo khác, nói rằng, những tu sĩ Đan viện Thiên An đã hủy hoại môi trường xung quanh nơi đây. Nhưng rồi chính các tu sĩ lại khám phá rằng những lực lượng bịt mặt, tương tự như đã biểu tình trong suốt những ngày nay, đã lén lút tìm cách đốt đồi thông hoặc dùng dao rựa chặt phá cây xanh quanh Đan Viện.

Sự mâu thuẫn giữa Đan viện Thiên An và nhà cầm quyền, liên quan đến những nguồn tin nói rằng chính quyền địa phương muốn chiếm dụng vùng đất vàng chung quanh Đan Viện để kinh doanh du lịch sinh thái, nhưng còn vướng chủ quyền sử dụng hợp pháp từ Đan Viện. Dĩ nhiên, các tu sĩ ở đây sẽ không bao giờ chấp nhận bán đi bất kỳ tấc đất nào cho việc kinh doanh, cũng như không bao giờ chấp nhận để cho bạo quyền cướp đi, dù phải hy sinh mạng sống của mình.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 11/08/2020 (tuankhanh's blog)

*********************

Chính quyền Huế : nói một đằng làm một nẻo ? !

Út Sài Gòn, VNTB, 13/08/2020

Có lẽ các lãnh đạo của thành phố Huế đang bận ‘dập dịch’, nên họ…

danvien5

Ngay từ khi Đà Nẵng xuất hiện những ca về bệnh Covid-19, rất nhanh chóng, chính quyền thành phố Huế đã có những hành động thiết thực để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, như lập chốt kiểm soát người từ Đà Nẵng vào Huế, tích cực rà soát những người từ Đà Nẵng vào Huế, đội phản ứng nhanh vào giúp đỡ Đà Nẵng, bắt những trường hợp đi đường làng vào Huế…

Song, có lẽ do quá nhiều việc, nên phải chăng, chính quyền thành phố Huế đã ‘quên mất’ trường hợp của những con người tụ tập ở gần Thiên An, vừa gây rối cho các tu sĩ đồng thời gây nguy hiểm cho công tác phòng, chống dịch Covid.

– Anh Út ơi, bữa tui có coi một cái clip trên trang nào đó ở facebook, họ đăng ở Thiên An, có một đám người đến giăng biểu ngữ rồi quay phim này nọ nữa.

– À, tui có biết vụ đó, nhưng mà không rành lắm nên cũng không dám bình luận gì nhiều.

– Thật ra sâu xa vụ việc thì tui cũng không rõ. Có điều tui thấy lạ thế này, Việt Nam mình đang chung tay chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành ban hành quy định như đeo khẩu trang nơi công cộng ; tạm thời đóng cửa quán karaoke, vũ trường ; khai báo y tế ; không tụ tập đông người… có một số nơi còn thực hiện như thời điểm giãn cách xã hội. Vậy mà sao cái đám người tới biểu tình ở Thiên An có thể tụ tập được nhỉ ?

– Ừ hen, chị Bảy nói tui mới để ý. Sao mấy người có vẻ giống biểu tình đó có thể tụ tập được ? Như tui thấy, mấy đợt biểu tình ở thành phố mình, tí xíu thôi là dẹp rồi. Còn mấy người này, mùa dịch nữa, lại được tụ tập.

– Đó là chưa kể họ còn quay phim, thế chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này", tui nhớ bữa đọc một bài trên báo điện tử, họ viết công an thành phố Huế cùng các đơn vị chức năng trên địa bàn đã phạt nhiều trường hợp vi phạm rồi mà sao họ còn dám quay phim ? Hay là họ có gì đó mà ngay cả chính quyền cũng không phạt được ?

– Cái đó ai mà biết được. Nhưng tui nghĩ thế này, đang trong thời gian xảy ra dịch Covid, dù có gì đi chăng nữa, mọi người cũng phải tuân thủ quy định chứ. Chính phủ còn không cho phép tụ tập đông người nữa cơ mà.

– Theo tui thấy thì mấy người kéo cả đám tới cần phải bị cơ quan chức năng truy tố mới được. Họ bất chấp quy định của chính phủ, bất chấp quy định của địa phương đưa ra. Đó là chưa kể, mình đâu có biết trong tất cả họ có thật sự an toàn hay không ? Có ai đo nhiệt độ hay kiểm tra sức khỏe họ đâu ? Nguy cơ cho cộng đồng. Tui ủng hộ cho việc chính quyền vào cuộc kiểm tra mấy người "lạ mặt" này.

– Nói gì nói chứ đúng là chính quyền Huế phải làm mạnh để làm gương cho nhiều người. Chứ không người ta tụ tập, làm sao phạt được ? Thí dụ như họ thắc mắc ủa sao tui thấy trên mạng, ở Thiên An, có tụ tập đông người sao không phạt đi thì nói làm sao ? Nhìn chung phải công bằng chứ hen.

– Chứ sao nữa, muốn phạt cũng dễ mà. Có quay phim lại mà, cứ căng theo đó mà tìm thôi. Đó là chưa kể hành động đó tui còn cho rằng, mấy người đấy đang gây rối, làm phiền Quý Đan Sỹ tu nữa. Gây rối trật tự nơi công cộng.

– Chị nói có lý. Mà tui nghĩ với một chính quyền có hàng loạt những động thái tích cực trong việc phòng, chống dịch Covid-19, họ sẽ không bỏ qua trường hợp này đâu. Biết đâu vài ngày nữa, báo điện tử đăng tin Huế phạt mấy người tụ tập, gây rối ở Thiên An không chừng. Mình cứ việc ngồi "hóng" và nhiều chuyện thôi….

Cả nước đang đồng lòng, chung tay chống dịch. Nhiều địa phương cũng ban hành quy định không tụ tập đông người. Và ngay trong thời điểm dịch, Huế cũng đã từng xử phạt những hành vi tụ tập đông người. Vậy sao trường hợp những người – có vẻ hơi giống biểu tình đang gây rối ở Thiên An, chừ mần ri mà Huế lại làm ngơ ?

Câu hỏi đặt ra, trong công tác phòng dịch, chính quyền Huế không lẽ nói một đằng, lại… làm một nẻo ?

Út Sài Gòn

Nguồn : VNTB, 13/08/2020

***********************

Đan viện Thiên An : chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế không hành xử theo pháp luật ?

Loan Thảo, VNTB, 13/08/2020

Lợi dụng sự kiện Phiến đá "Lịch sử Đồi Chịu Nạn" để đàn áp, xóa bỏ Đan viện Thiên An ?

Đó là nghi vấn của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế – Giáo xứ Thái Hà.

danvien6

Khi tấc đất là đến mấy tấc vàng

Linh mục Võ Văn Giáo, người phụ trách đào tạo ở Đan viện Thiên An, vào tối ngày 11 tháng 8 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau (1) :

"Nhìn chung thì không phải mục đích của họ đòi đất nữa, mà tại vì trong thời điểm này này anh em có khắc một phiến đá ghi lại tóm tắt lịch sử của cây thánh giá bị người ta hạ bệ, gọi là cây thánh giá Khổ Nạn.

Ghi tóm tắt mấy dòng đã được hơn một tuần nay rồi thì cái đó có lẽ làm cho nhà cầm quyền thấy sao sao đó, rồi họ kích động dân hay làm áp lực để mình có một cái động thái gì đó, chứ còn vấn đề đất đai chúng con có đụng đến ai đâu.

Thực tế thì người dân được Đan viện chúng con chia sẻ đất đai trước đây rất là nhiều từ năm 68, 75 được Đan viện cho đất, rồi mượn đất cách này cách khác.

Ngay cả gia đình ở bên cạnh thì Đan Viện cũng hỗ trợ đất đai làm sao có thể lấy đất của người khác được, làm sao mà Đan viện Thiên An có thể lấy đất của xã Thủy bằng được ?

Nếu bà con có mất đất thật sự thì thì cứ viết đơn lên kiện chính quyền đi, có gì thì đối chất với nhau chứ làm sao có những động thái như thế".

Báo Thừa Thiên Huế lâu nay khi đưa tin về các sự kiện liên quan tranh chấp đất đai ở khu vực Đan viện Thiên An, đều nghiêng về phía các đan sĩ nơi này đã cố tình vi phạm pháp luật về đất đai (2).

Trong bài báo "Không thừa nhận việc Đan viện Thiên An đòi hơn 107 ha đất và rừng thông" đăng trên Thừa Thiên Huế Online, số phát hành ngày 06/07/2017, viết rằng : "Dù đã có quyết định của Tổng Thanh tra Nhà nước về xác định nguồn gốc hơn 107 ha đất và rừng thông đồi Thiên An ở xã Thủy Bằng (Hương Thủy) nhưng Đan viện Thiên An cho rằng đó là đất của mình. Từ đó, đan viện nhiều lần tự ý xây dựng, lấn chiếm trái phép, sử dụng sai mục đích nhiều diện tích đất ở đồi Thiên An do Nhà nước quản lý".

Bài báo có những đoạn trích lời dẫn trực tiếp : "Chúng tôi đã mua từng lô đất nhỏ bắt đầu từ năm 1940 đến năm 1959 với tổng thể hơn 107 ha và chúng tôi đã làm tờ trích lục đất. Đến năm 1995, Nhà nước đo vẽ lại rồi cho rằng đất của Nhà nước", Đan sĩ Cao Đức Lợi (người của Đan viện Thiên An) đưa ra lý do.

Đan sĩ Cao Đức Lợi và Đan sĩ Võ Văn Giáo cho rằng, Đan viện Thiên An căn cứ vào tờ sao bản đồ do Ty Điền địa Thừa Thiên cấp ngày 17/5/1969, với tổng diện tích hơn 107 ha. Các giấy tờ liên quan đến diện tích hơn 107 ha đất mà phía Đan viện Thiên An đưa ra để chứng minh là phần đất của mình hầu hết đều là bản photo.

Bài báo có đoạn xác định thực tế là sau năm 1975, chính quyền từ miền Bắc vào đây đã quốc hữu hóa nhiều tài sản bất động sản, và giờ thì không có chuyện ‘trả lại’ :

"Ngày 5/3/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có Nghị định số 01/NĐ-75 nêu rõ về chính sách ruộng đất ; Quyết định số 31/QĐ-76 về việc quản lý sử dụng ruộng đất, tiếp đến là Quyết định số 188/CP ngày 25/9/1976 quy định về chính sách xóa bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân phong kiến ở miền Nam Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước có Hiến pháp năm 1980, 1992, 2013, Luật Đất đai năm 1988, 1993, 2003, 2013 và các văn bản pháp luật khác về đất đai của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất cả các văn bản trên đều quy định : Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý" (3).

Chính quyền đã không ứng xử theo luật ?

Giả dụ như tất cả các bài báo liên quan đến sự kiện tranh chấp đất đai ở Đan viện Thiên An là ‘đúng’, thì cái sai lớn nhất ở đây lại không phải từ các vị đan sĩ, mà là chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ nhất, Luật tổ chức chính quyền địa phương, ở Điều 5 "Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương", ghi :

"1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. 2. Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân. 3. Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. 4. Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân".

Như vậy, chủ tịch Ủy ban nhân dân là đại diện quyền lực chung của nhà nước tại địa phương.

Thứ hai, một khi chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế được trao quyền lực đại diện nhà nước tại địa phương, thì phải có bổn phận thực thi Luật tín ngưỡng, tôn giáo – cụ thể trong trường hợp Đan viện Thiên An, là :

"1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người ; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. 3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo" – Trích Điều 3. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ ba, nếu tuân thủ theo Điều 3, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thì chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phải thực thi phận sự cho đại diện quyền lực nhà nước tại địa phương trong vụ việc đất đai Đan viện Thiên An, theo các nội dung luật định nêu ở Luật tín ngưỡng, tôn giáo :

"Điều 56. Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo

1. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức ; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.

4. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài ; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Điều 57. Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo

Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 58. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo

1. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa, cách mạng.

3. Việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng ; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng".

Các nội dung tại Điều 56, 57, 58 kể trên phải được chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế làm căn cứ pháp luật để xét giải quyết các yêu cầu mà những đan sĩ ở Đan viện Thiên An đề đạt. Nếu việc giải quyết này vẫn còn lấn cấn về các văn bản pháp lý liên quan, thì mọi chuyện cần đến các bước tố tụng dân sự ở cấp tòa án.

Thứ tư, theo tin tức đăng trên RFA và nhiều tài khoản cá nhân mạng xã hội facebook, thì chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang chọn giải pháp dùng áp lực số đông mang tên ‘quần chúng’ để nhằm ‘lấy thịt đè người’, đưa đến ngờ vực về quyền lực nhóm của chính quyền địa phương đã cố tình bất chấp pháp luật, hòng chiếm bằng được các tài sản bất động sản, vốn là tài sản hợp pháp trước tháng 4-1975 của Đan viện Thiên An.

Pháp luật hình sự có điều khoản liên quan đến hành vi nói trên của chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là "Tội phá hoại chính sách đoàn kết" được quy định tại Điều 116 Bộ Luật hình sự 2015, có hiệu lực ngày 01/01/2018.

Loan Thảo

Nguồn : VNTB, 13/08/2020

Chú thích :

(1)https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/so-called-spontaneous-groups-have-come-to-thien-an-monastery-in-hue-for-land-claims-08112020073201.html

(2)https://baothuathienhue.vn/phai-tren-tinh-than-thuong-ton-phap-luat-a43984.html ;https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-can-thien-chi-hop-tac-a44070.html ;https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-xay-dung-cac-cong-trinh-khong-phep-mot-cach-he-thong-a44121.html ;https://baothuathienhue.vn/khong-thua-nhan-viec-dan-vien-thien-an-doi-hon-107-ha-dat-va-rung-thong-a44163.html ;https://baothuathienhue.vn/nguoi-dan-kim-son-buc-xuc-voi-viec-lam-cua-dan-vien-thien-an-a52858.html ;https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-thieu-ton-trong-phap-luat-a63896.html ;https://baothuathienhue.vn/tu-si-dan-vien-thien-an-cua-ha-rung-thong-trai-phep-a77314.html

(3)https://baothuathienhue.vn/khong-thua-nhan-viec-dan-vien-thien-an-doi-hon-107-ha-dat-va-rung-thong-a44163.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Văn Thái, Nguyễn Anh Tuấn, Loan Thảo
Read 770 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)