Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/08/2020

Công an sẽ thay mặt Đảng điều khiển các chính quyền địa phương ?

Diễm Thi - RFA tiếng Việt

Có thể xây dựng lực lượng công an "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân" ?

RFA, 18/08/2020

Đề nghị của Thủ tướng

Tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, diễn ra vào sáng ngày 16/8, người đứng đầu chính phủ Hà Nội trao tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho các cán bộ, lãnh đạo của bộ công an.

congan1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (áo vest màu đen) tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, ngày 16/8/2020. Courtesy : VGP News

Phát biểu trong buổi lễ, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục "lấy dân làm gốc", "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", và "xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an gần gũi, thân thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong những lúc gian nguy".

Trao đổi với RFA, một số người dân chia sẻ đối với họ, lời phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chỉ là những khẩu hiệu suông, được lập đi lập lại mỗi dịp lễ kỷ niệm của ngành công an hàng năm. Một vài người cho rằng lời nhắc nhở của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với các chiến sĩ công an là "lấy dân làm gốc’ thì cũng có tác dụng hữu ích, với ý nghĩa rằng 90 triệu người dân là "đồng bào", không phải lúc nào cũng là "tội phạm" hay "người chống đối" mỗi khi họ thực hiện các quyền được hiến định của mình.

Một người dân ở Khánh Hòa, ông Trần Văn Vũ, lên tiếng với RFA :

"Nói chung hữu ich thì có đó, nhưng có xác thực với đời sống người dân hay không ? Hay là ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ ? Nói một đàng rồi lại không làm thôi. Trước giờ lời nói không có đi đôi với việc làm. Dân chúng nhiều khi không tin tưởng lắm đâu. Tại vì trong cuộc sống đời thường, người dân tiếp xúc (với công an) nhiều nên hiểu quá rồi. Chẳng qua người ta không muốn nói vì dù có muốn cũng không nói được. Nói ra thì bị chụp cho ‘cái vòng kim cô’ như kiểu là ‘phản động’…người dân yếu thế, thấp cổ bé miệng nên im luôn".

Công an là lực lượng bảo vệ Đảng

Bộ trưởng Bộ Công an-đại tướng Tô Lâm, tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, tuyên bố lực lượng dưới quyền của ông "tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhà nước và nhân dân ; chiến đấu anh dũng, hi sinh vì nền độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc".

Trước đó, vào hôm 30/7, trong một hội thảo của ngành công an, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng tuyên bố lực lượng công an xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy, "thanh bảo kiếm" sắc bén của Đảng, của chế độ.

Ngay sau khi ông Tô Lâm tuyên bố như vừa nêu, cựu đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, xác nhận với RFA rằng lực lượng Công an nhân dân được đầu tư rất nhiều và về mặt nghiệp vụ, chuyên môn, chuyên nghiệp hóa của ngành cảnh sát, công an cũng thay đổi vượt bậc kể từ khi đất nước thực hiện chính sách "Đổi mới" hồi thập niên 80 của thế kỷ trước.

Cựu đại úy Võ Minh Đức khẳng định qua lời tuyên bố của người đứng đầu ngành Công an Việt Nam cho thấy "mang ý nghĩa để làm ‘thanh kiếm lá chắn’ cho tổ chức Đảng, không cho ai xâm phạm vào quyền lãnh đạo độc quyền ở xã hội Việt Nam của họ".

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, vào tối ngày 18/8 cũng khẳng định lời đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng mang một hàm ý tương tự :

"Tức là định hướng, động viên… Mục tiêu, mục đích của họ là bảo vệ Đảng và bảo vệ chính quyền, nhà cầm quyền bao giờ cũng cao hơn chứ không phải là để lo cho dân".

Cựu tù nhân lương tâm-nhà báo Nguyễn Vũ Bình lý giải cho điều khẳng định của ông :

"Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội hiện thực tồn tại quá lâu rồi và nó tích lũy những mâu thuẫn cùng bất mãn của người dân. Có thể thấy hàng triệu dân oan tụ tập về Hà Nội rất đông. Đấy là một trong những biểu hiện bất mãn đối với công an, đối với nhà cầm quyền. Những mâu thuẫn đó tích tụ lâu dài và không được giải quyết triệt để. Thế thì càng đến giai đoạn cuối thì càng tăng lên và khả năng vùng lên của người dân càng tăng theo. Cho nên họ lo ngại những chuyện đó".

Cựu nhân viên của Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nguyễn Vũ Bình đề cập đến sự kiện hàng chục ngàn người dân ở nhiều tỉnh, thành khắp Việt Nam đồng loạt biểu tình hôm 10/6/2018 là một bằng chứng rõ ràng cho sự lo ngại của Chính quyền Hà Nội. Và, theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, lực lượng công an càng trở thành một lực lượng được Nhà nước Việt Nam sử dụng để đối phó với người dân, nhằm bảo vệ cho sự tồn vong của chế độ và Đảng lãnh đạo.

congan2

Cảnh sát 113 và dân phòng bao vây những người biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn, ngày 18/05/2014. Reuters

Công an đối với người dân thế nào ?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở Công an Việt Nam "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân" vào khi báo chí loan tin càng có thêm nhiều trường hợp người dân bị chết trong đồn công an ; nhiều người dân bị công an và an ninh sách nhiễu, bắt bớ và bị tuyên án tù vì lên tiếng liên quan vấn đề Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông và trong bối cảnh thành lập Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ; Bộ Công an ban hành thông tư quy định trang bị cho công an từ cấp xã, phường, thị trấn thêm nhiều súng và vũ khí quân dụng…

Nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến nói với RFA rằng qua các quy định mới của ngành công an và qua tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công an, cho thấy :

"Theo tôi nghĩ ông Tô Lâm có một lực lượng lớn quyền lực của ông trải khắp đất nước. Đúng là ‘công an trị’, với mục tiêu rải đều khắp nơi đều có công an hết. Rõ ràng sự chuyên nghiệp đó sẽ trao thêm quyền và chắc chắn sẽ lạm quyền hơn".

Trong khi đó, lực lượng công an trong mắt của người dân không những không bảo vệ cho đời sống an toàn của họ mà đó là một thành phần gây nhũng nhiễu và tham nhũng rất nhiều. Cựu đại úy Võ Minh Đức nói về ghi nhận của ông liên quan điều này :

"Thực tiễn cuộc sống ở Việt Nam, ai muốn thi vào trường cảnh sát, an ninh thì thậm chí đủ điểm đậu nhưng vẫn phải mât tiền mới được vào trường học. Mất bao nhiêu tiền học xong thì lại phải chung chi cho việc điều động, sắp xếp ở địa phương nào gọi là có cơ hội thăng tiến hoặc có cơ hội kiếm tiền. Hoặc một cảnh sát giao thông ngồi văn phòng khác với một cảnh sát giao thông tuần tra ngoài đường phố. Tôi không dám chắc, nhưng tôi nghĩ có lửa mới có khói. Tôi nghe nói muốn ra đứng đường kiểm soát thì phải mất hàng trăm triệu, thậm chí đến tiền tỷ chi ra thì mới được kiểm soát giao thông".

Một số người dân Đài RFA trao đổi còn cho biết trong thời gian sắp tới dân chúng ở Việt Nam có thêm nỗi lo ngại khi các đề xuất của công an về gắn chip trong thẻ căn cước công dân và tăng quyền điều tra hình sự cho công an xã được thi hành.

Nguồn : RFA, 19/08/2020

*********************

Bộ Công an "lấn sân" Bộ Giao thông và vận tải về qui định biển báo đường bộ ?

Diễm Thi, RFA, 18/08/2020

Cuối tháng 7/2020, Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam trình Chính phủ dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi do bộ này soạn thảo với nhiều điểm mới. Sau đó, Bộ Công an cũng trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do bộ này soạn thảo.

congan3

Một cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông tại Hà Nội. Reuters

Hai dự thảo luật này có sự chồng chéo khi hai bộ đều muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ.

Bộ Công an lý giải rằng, hệ thống thông tin tín hiệu an toàn là sự cụ thể hóa các quy tắc giao thông, liên quan chặt chẽ đến trật tự, an toàn giao thông. Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể lại cho rằng, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đinh phản quang, tiêu phản quang, dải phân cách... đều thuộc công trình đường bộ và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo ông Thể, các chỉ tiêu kỹ thuật của bảng báo hiệu đường bộ phải đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ, đồng thời được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành công trình giao thông đường bộ.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh giải thích về quy trình soạn thảo luật :

"Khi ra luật giao thông đường bộ thì bộ quản lý ngành đó là Bộ Giao thông- Vận tải. Bộ Công an thì quản lý về an ninh trật tự. Bộ Giao thông và vận tải là người chấp bút để soạn luật rồi trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội. Nhưng khi soạn thảo thì có những vấn đề bị lỗi từ lúc soạn thảo. Khi soạn thảo thì luật đó phải đưa ra cho công chúng hoặc các cơ quan chức năng góp ý.

Có nghĩa họ chỉ soạn thảo nhưng khi có những phản biện của các tổ chức chính trị xã hội hoặc các bộ, ngành để bổ sung cho luật. Trong quá trình soạn thảo có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Dần dần những văn bản quy phạm pháp luật nó hoàn chỉnh hơn vì có giám sát và phản biện của công chúng, của những tổ chức xã hội hoặc những tổ chức chính trị xã hội".

Do có nhiều ý kiến trái chiều, văn phòng Chính phủ đã phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Đến ngày 11 tháng 8, có 19/26 thành viên cho ý kiến về vấn đề này. Trong đó, 14 thành viên đồng ý Luật Giao thông đường bộ sẽ quy định hệ thống báo hiệu giao thông và do Bộ Giao thông và vận tải quản lý. Chỉ có 5 thành viên đồng ý phương án quy định tại Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu nhận định về việc Bộ Công an, vốn chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lại muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ :

"Theo tôi, Việt Nam là một nước công an trị và cái đảng này cũng là đảng công an trị. Vì thế cho nên công an muốn bành trướng quyền lực ra mọi nơi. Việc họ muốn làm thay Bộ Giao thông và vận tải cũng là tham vọng bành trướng của họ. Họ nắm được càng nhiều lĩnh vực, quản lý thêm cái gì thì quyền của nó lớn hơn. Đấy là cái động lực rất là tự nhiên của bất kể một cái tổ chức ham muốn quyền lực nào. Và chỉ có cái lòng tham quyền lực mới đụng đến những cái mà luật và hiến pháp đã quy định không được đụng đến. Thế thôi !"

congan4

Một trường hợp bị cảnh sát giao thông xử phạt tại Hà Nội. Reuters

Ngành công an được cho là thanh bảo kiếm sắc bén của đảng. Điều này được Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm tuyên bố tại buổi hội thảo kỷ niệm 75 năm lực lượng Công an nhân dân Việt Nam hôm 30 tháng 7 năm nay rằng : "Lực lượng công an luôn nêu phương châm ‘Chỉ biết còn đảng thì còn mình’, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy, "thanh bảo kiếm" sắc bén của đảng, của chế độ. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân luôn ghi nhớ, khắc sâu trong trái tim về hoài bão ý tưởng cao đẹp "thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi", lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui của mình".

Cũng thuộc ngành công an, lực lượng Cảnh sát giao thông lâu nay bị cáo buộc luôn nhũng nhiễu, lạm quyền, vòi tiền người tham gia giao thông ngay cả khi họ không vi phạm lỗi gì. Điều này được phơi bày rõ ràng qua rất nhiều video clip người dân quay lại và tung lên mạng xã hội.

Từ năm 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng. Báo cáo cho biết "Tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất".

Dư luận cho rằng, khi công an nắm nhiều quyền hành trong tay thì dễ dẫn đến lạm quyền nếu quyền lực không được kiểm soát. Với việc Bộ Công an muốn thay Bộ Giao thông- Vận tải quy định về báo hiệu đường bộ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu nhận xét :

"Khi mà họ làm được việc có quyền đặt biển báo, thì giới lái xe ở Việt Nam mới thấy có rất nhiều cái động lực, cảnh sát giao thông có nguồn thu rất quan trọng, đấy là phạt. Phạt không vào kho bạc nhà nước mà vào túi của họ. Đó là chuyện nhan nhản ở Việt Nam".

Thông tư số 89/2007/TT-BTC do Bộ Tài chánh Việt Nam ban hành ngày 25 tháng 7 năm 2007 có quy định trích 70% tiền thu phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tức cảnh sát giao thông.

Hôm 12 tháng 8, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, tổ chức thực thi, việc quản lý hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo là hợp lý, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Với cái nhìn về khía cạnh luật pháp, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm của ông :

"Thông thường khi một bộ ban hành luật thì họ chỉ mang cái lợi ích cho bộ của họ, nhưng khi đưa ra phản biện thì họ tiếp thu và sửa lại những quy định mang tính chất chủ quan. Khi một bộ ban hành quy định do bộ đó quản lý thì phải được tất cả các bộ ngành khác phản biện, góp ý dưới góc độ quản lý chuyên ngành.

Ví dụ Bộ Giao thông và vận tải ban hành quy định về biển báo nhưng ngành công an có Cảnh sát giao thông là những người thường xuyên đứng trên đường, họ thấy những bảng hiệu đó nó vô lý thì họ cho ý kiến. Đó là sự phản biện lại để bộ Giao thông và vận tải điều chỉnh lại cho đúng hơn".

Theo kết luận của vị luật sư thì việc Bộ Công an ra dự thảo luật có sự chồng chéo không phải là đối nghịch mà là phản biện, góp ý để điều chỉnh lại cho hợp lý, để luật đi vào cuộc sống.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 18/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 700 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)