Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/08/2020

Rủi ro khi vay và thay thế chuỗi cung ứng Trung Quốc

Nhiều tác giả

Rủi ro tiềm ẩn sau những khoản vay từ Trung Quốc

Minh Nhật, The Leader, 23/08/2020

Nhiều nền kinh tế đang phát triển lựa chọn vay của Trung Quốc vì điều kiện giải ngân thoáng hơn dù lãi suất các khoản vay cao và nguy cơ bị trói buộc vào các vấn đề ngoại giao.

vay1

Các khoản vay nợ từ Trung Quốc đặt các nước đang phát triển trước rủi ro rơi vào "bẫy nợ" khiến họ bị ràng buộc vào những điều kiện không dễ thoát ra.

Các khoản vay từ Trung Quốc cho 68 quốc gia đang phát triển nằm trong Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (Debt Service Suspension Initiative) của Ngân hàng thế giới (WB) và nhóm G20 đã gia tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2014 – 2018, theo dữ liệu phân tích nợ quốc tế 2020 của WB.

Mức tăng trưởng cao trên đã đẩy tổng giá trị cho vay từ Trung Quốc lên gần bằng mức của WB.

Cụ thể, tổng giá trị dư nợ mà Trung Quốc cho vay 68 quốc gia trong danh sách trên đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2018, bao gồm các khoản chính thức và không chính thức. Trong khi đó, mức cho vay từ WB đối với cùng nhóm đối tượng và tính đến cùng thời điểm đạt khoảng 103 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị cho vay từ Trung Quốc đạt tới 90% trong vòng 4 năm tính đến hết năm 2018, vượt xa con số 40% của WB và 10% của Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Sự gia tăng khoản vay trên đồng nghĩa với sức ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh trên toàn cầu. Trong khi đó, với các "con nợ", khoản vay mang đến rủi ro cao rơi vào bẫy nợ, bị ràng buộc với những mục tiêu chính sách đối ngoại cũng như các sáng kiến được khởi xướng bởi Trung Quốc.

Sức ảnh hưởng vốn đã lan tỏa nhiều năm qua của Trung Quốc ngày càng trở nên lớn hơn đối với nhóm quốc gia đang phát triển khi không ít nền kinh tế phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Bắc Kinh để có thể chống lại dịch bệnh Covid-19.

Trong số 68 quốc gia trên, có tới 26 cái tên đang có khoản nợ Trung Quốc vượt quá 5% GDP và tác động tiềm ẩn của các khoản vay này vừa qua đã được thể hiện khi 14 nước nằm trong nhóm này ủng hộ Luật an ninh quốc gia Hồng Kông từng gây ra nhiều động thái trái chiều vào tháng 6 vừa qua, Nikkei cho hay.

Đáng chú ý, 14 quốc gia ủng hộ trên đều nằm trong nhóm có khoản nợ với Trung Quốc lên đến hơn 10% GDP, thậm chí Djibouti thuộc khu vực Đông Châu Phi còn nợ Bắc Kinh với tổng giá trị lên tới 39% GDP.

Không chỉ vậy, các khoản vay của Trung Quốc còn có mức lãi suất cao, trung bình khoảng 3,5% với thời hạn tín dụng tương đối ngắn. Mức lãi suất này cao hơn gấp nhiều lần mức 0,6% của Quỹ tiền tệ quốc tế và 1% của WB.

Dù vậy, các quốc gia đang phát triển vẫn lựa chọn vay của Trung Quốc bởi việc giải ngân không yêu cầu nhiều điều kiện khắt khe như các tổ chức tài chính khác.

Rủi ro tiềm ẩn 

Không ít quan ngại đã được đưa ra về khả năng Trung Quốc lợi dụng việc cho vay, đưa các nền kinh tế đang phát triển vào nợ nần và phụ thuộc.

Năm 2017, Sri Lanka buộc phải bằng lòng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota với thời hạn 99 năm sau khi quốc gia này khó khăn trong việc trả các khoản nợ phát sinh từ quá trình xây dựng chính cảng này.

Một số nước khác đang cho thấy nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn vay nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế hàng đầu thế giới. Angola ở khu vực Tây Nam Châu Phi đã nhận khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả tổ chức này, cùng với WB, lo ngại khoản tiền được chuyển đến các quốc gia đang phát triển chỉ đơn giản là dùng để trả khoản nợ với Trung Quốc.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 càng khiến vấn đề nợ nần trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ khi các con nợ có thể sẽ cắt giảm chi phí cho y tế công cộng do nền kinh tế đình trệ hoặc sử dụng tiền vào các mục tiêu kích cầu, từ đó làm tăng nguy cơ số ca nhiễm diễn biến đột biến.

Trong báo cáo có tên "China’s Overseas Lending : A Response to Our Critics" hồi đầu tháng 5 vừa qua công bố bởi Center for Global Development (Trung tâm vì phát triển toàn cầu) – một think tank (tổ chức nghiên cứu, phân tích, tư vấn chính sách) tại Washington, các tác giả chỉ ra rằng Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển.

Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ nỗ lực nào nhằm cung cấp các khoản giãn nợ, giảm nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất sau Covid-19 đều phải có sự góp mặt từ Trung Quốc.

"Việc giảm nợ, xóa nợ có hiệu quả nhất thiết cần phải phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra. Hơn nữa, nhu cầu minh bạch cũng được đẩy lên mức cao, đảm bảo rằng việc giảm nợ được tiến hành để đối phó với đại dịch Covid-19 thay vì trả các khoản vay có từ trước với Trung Quốc", báo cáo nhấn mạnh.

Công ty nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định áp lực gia hạn các khoản vay, thậm chí là xóa sổ khoản vay sẽ ngày càng gia tăng với Trung Quốc trong bối cảnh có các điều kiện bất khả kháng như thiên tai, đại dịch ngăn cản một bên thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, cụ thể là trả nợ.

Việc xóa nợ trên diện rộng có thể tạo ra những phản hồi tiêu cực, từ đó giảm khuyến khích hoạt động cho vay của Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm nay và sang năm 2021, CNBC dẫn đánh giá của EIU.

Simon Leung, đối tác tài chính và ngân hàng của Công ty luật Baker McKenzie, cho biết phần lớn khoản vay từ Trung Quốc được thực hiện thông qua hai ngân hàng có liên kết chặt chẽ với chính phủ nước này là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Các ngân hàng này đều có sự hậu thuẫn và hỗ trợ từ chính phủ, do đó các cuộc đàm phán lại khoản nợ giữa Bắc Kinh với các con nợ có thể liên quan đến đối thoại chính trị, vị này nhận định.

Minh Nhật

Nguồn : The Leader, 23/08/2020

*********************

Khó hay không chuyện tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc ?

Hoài An, The Leader, 19/07/2020

Mặc dù Trung Quốc là điểm liên kết quan trọng của nhiều chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới, xu hướng dịch chuyển một phần hoặc hoàn toàn khỏi quốc gia này đã không còn xa lạ, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chiến tranh thương mại và mới nhất là đại dịch Covid-19.

vay2

Việc rời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc hoàn toàn khả thi, đòi hỏi thời gian và chi phí của các doanh nghiệp. Ảnh : CNN.

Với các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc từng được xem là vùng đất hứa, một thị trường sinh lời không thể thiếu của tương lai. Thế nhưng, sự leo thang của căng thẳng Mỹ - Trung đẩy những người đứng đầu doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ vào một thực tế mà chỉ vài năm trước đây dường như chẳng thể nào tưởng tượng đến : Trung Quốc có thể sẽ không còn là nguồn lợi nhuận và sản xuất đáng tin cậy nữa.

Rõ ràng, việc thay thế một thị trường sở hữu 1,4 tỷ người tiêu dùng đang ngày càng giàu có cũng như một chuỗi cung ứng vững chắc tồn tại hàng chục năm là điều không hề dễ dàng. Các công ty rời đi sẽ phải vất vả tìm kiếm công nhân lành nghề cũng như mạng lưới cung cấp rộng khắp như đã từng thiết lập tại Trung Quốc.

Tác giả Michael Schuman trên Bloomberg nhận định, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhiều CEO lựa chọn ở lại Trung Quốc để sản xuất cho thị trường nội địa, bất chấp căng thẳng thương mại.

Không phải đơn giản mà suốt 30 năm qua, Trung Quốc có thể giữ và duy trì tốt vị trí công xưởng sản xuất, vua sản xuất của thế giới. Lực lượng lao động gần 900 triệu người, ít các điều khoản ràng buộc với các nhà máy, miễn thuế cũng như sự phá giá đồng Nhân dân tệ so với USD trong quá khứ đã giúp Trung Quốc trở thành thiên đường với các nhà sản xuất.

Ngay từ đầu những năm 1900, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp này thay đổi cơ sở sản xuất vào Trung Quốc, tạo ra một hệ thống sản xuất xuất khẩu rộng lớn như ngày nay.

Kể từ năm 2009, sự tăng trưởng liên tục đã cho phép Trung Quốc giữ vững vị thế nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và tới năm 2013, Bắc Kinh đã vượt Washington để trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới.

Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc trở thành trung tâm xuất nhập khẩu công nghệ thông tin và truyền thông của toàn cầu trong 10 năm đầu của thế kỷ này, Michael Greenwald, Giám đốc Tiedemann Advisors, thành viên Trung tâm tin học và các vấn đề quốc tế thuộc trường Harvard Kennedy, chia sẻ trên Atlantic Council.

Thế nhưng, Michael Schuman cho rằng việc rời khỏi Trung Quốc là hoàn toàn khả thi và thậm chí, là điều không thể tránh khỏi dù sẽ mất thời gian và công sức.

Điều này càng được thúc đẩy hơn nữa khi cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có hồi kết. Trong khi nước Mỹ hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm công nghệ sang Trung Quốc cũng như hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc vào thị trường vốn thì Bắc Kinh cũng cho thấy không hề kém cạnh khi nỗ lực giảm ảnh hưởng của phương Tây vào nền kinh tế này thông qua các sáng kiến kinh tế, các chương trình công nghiệp do nhà nước lãnh đạo.

Bloomberg dẫn nhận định của Homi Khara, chuyên viên cao cấp tại Brookings Institution (Viện Brookings), cho rằng, không một thị trường đơn lẻ nào có thể thay thế được Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm 22% lượng tiêu thụ trung bình của thế giới trên cơ sở ngang giá sức mua, theo dự báo của viện này trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể bù đắp phần thiếu hụt nhu cầu của thị trường Trung Quốc bằng các thị trường khác, ví dụ như Ấn Độ và Indonesia được dự báo sẽ tạo ra 21% lượng tiêu thụ của tầng lớp trung lưu trong 10 năm tới, chưa tính tới các thị trường mới nổi khác.

Mặc dù các thị trường thay thế có thể nhỏ hơn Trung Quốc tại thời điểm hiện nay nhưng tiềm năng là điều không thể phủ nhận. Sản lượng điện thoại thông minh xuất xưởng tại Trung Quốc cao gấp đôi Ấn Độ vào năm 2019 nhưng thị trường tiêu dùng lại giảm 7% trong khi Ấn Độ tăng 8%.

Một nghiên cứu của công ty tư vấn Bain & Company và Diễn đàn kinh tế thế giới từng dự báo thị trường tiêu dùng của 10 nước ASEAN sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới, đạt 4.000 tỷ USD. Khu vực Đông Nam Á với sự trẻ trung trong tương lai có thể sẽ thay thế những người tiêu dùng già nua tại Trung Quốc khi đến năm 2030, ASEAN dự báo có thêm 40 triệu người trong độ tuổi lao động, trong khi Trung Quốc sẽ mất 30 triệu.

Câu chuyện thị trường tiêu dùng cũng diễn ra tương tự với chuỗi cung ứng khi không ít doanh nghiệp đa quốc gia đã tìm thấy các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Mặc dù Apple vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy Trung Quốc để sản xuất iPhone, Samsung Electronics hiện đã sản xuất hơn một nửa số điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Công ty đồ thể thao Adidas AG đã giảm đáng kể tỷ lệ giày dép được sản xuất tại Trung Quốc xuống 16% vào năm 2019 so với con số 39% hồi năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam và Indonesia đã tăng vọt lên 71% vào năm ngoái.

Các nhà sản xuất công nghệ lớn như Microsoft hay Google đã lên kế hoạch chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Thái Lan vào cuối năm nay. Một số doanh nghiệp lớn khác tham gia vào quá trình chuyển sản xuất sang Việt Nam là Samsung, Intel, Nike.

Hàng loạt doanh nghiệp đã chú ý hơn tới Việt Nam trong nhiều năm qua khi thị trường này có mức chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc và môi trường chính trị thuận lợi. Một trong những nhà sản xuất linh kiện của Apple, Luxshare Precision Industry, đã chuyển sang Việt Nam và đang tiên phong trong việc cải tiến chuỗi cung ứng ở Đông Á.

Mới nhất, 50% doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc sang Đông Nam Á đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến thay thế.

Mặc dù những thách thức dịch chuyển không thể tránh khỏi như lao động thiếu kinh nghiệm, cần được đào tạo thêm hay mạng lưới hậu cần cần được cải thiện, nâng cấp, bối cảnh địa chính trị, thương mại mới đang đẩy các chủ doanh nghiệp vào xu hướng không thể thay thế và đảo ngược.

Những thách thức hiện nay cũng là những khó khăn mà các doanh nghiệp từng gặp khi bước vào Trung Quốc, để từ đó dần dần "nhào nặn" Trung Quốc thành công xưởng lớn nhất như hiện nay.

"Giống như ở Trung Quốc, phần thưởng cho việc mạo hiểm vào Bangladesh, Việt Nam hay Ethiopia có thể đi cùng những rủi ro, nhưng các CEO hãy cho bản thân một thử thách", Michael Schuman chia sẻ.

Hoài An

Nguồn : The Leader, 19/07/2020

***********************

Tương lai chuỗi cung ứng ‘ít Trung Quốc’ hậu Covid-19

Hoài An, The Leader, 19/05/2020

Sự bùng nổ của dịch Covid-19 càng làm rõ hơn ảnh hưởng từ thương mại toàn cầu vốn đang quá phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt phụ thuộc Trung Quốc, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi quốc gia này.

vay3

Nhiều doanh nghiệp cân nhắc dịch chuyển một phần hoặc hoàn toàn chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc ngay cả khi dịch Covid-19 chưa diễn ra. Ảnh : Reuters/Jason Lee/File Photo.

Theo một ấn phẩm tháng 4 của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center), có tới 90% người Mỹ xem Trung Quốc là một mối đe dọa, gia tăng đáng kể so với con số 48% của năm 2018.

"Trong thời đại thiếu lòng tin và sai lệch thông tin, đã đến lúc nước Mỹ cần phải nghĩ về cách tách kinh tế khỏi Trung Quốc", Michael Greenwald, Giám đốc Tiedemann Advisors, thành viên Trung tâm tin học và các vấn đề quốc tế thuộc trường Harvard Kennedy, từng đảm nhiệm nhiều vị trí cố vấn cấp cao, bày tỏ ý kiến trong bài "Achieving supply chain independence in a post-Covid economy" trên Atlantic Council. Atlantic Council là một tổ chức nghiên cứu, phân tích về các vấn đề quốc tế của khu vực Mỹ - Đại Tây Dương.

Trong khi Trung Quốc xem Mỹ là một nguồn cung cấp nguyên liệu thô, nông sản và năng lượng cho sản xuất các sản phẩm công nghệ và tiêu dùng, phía Mỹ lại phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc về thiết bị y tế, dược phẩm, ô tô và cả các sản phẩm công nghệ.

Nước Mỹ giờ đây có thể không còn hài lòng về sự phụ thuộc đó nữa. Đại dịch Covid-19 đã khiến sự không hài lòng này rõ ràng hơn tất thảy thời điểm khác như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính là thời điểm để Mỹ, Liên minh Châu Âu và các quốc gia cùng ý định khác đa dạng chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Sự thay đổi này rõ ràng không thể diễn ra chỉ trong một đêm trong khi áp lực lại ngày gia tăng với những thị trường phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng từ Bắc Kinh.

Mỹ cùng các đồng minh như Đức, Pháp, hay Anh – vốn chán gét sự phụ thuộc vào Trung Quốc – có thể sử dụng thời điểm như hiện nay để bắt đầu chiến dịch rời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và tìm đến một trung tâm sản phẩm khác phù hợp hơn.

Thông qua sáng kiến ​​mạng lưới thịnh vượng kinh tế (Economic Prosperity Network) do Mỹ khởi xướng, các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới có thể sớm bắt đầu quá trình chuyển đổi này, ông Michael Greenwald nhận định.

Vì sao Trung Quốc giữ được vị trí "vua sản xuất" ?

Trong hơn 30 năm qua, người tiêu dùng trên thế giới đã dần trở nên quá quen thuộc với cụm từ "Made in China" khi hàng loạt công ty nhận ra cơ hội phát triển và sản xuất tại quốc gia rộng lớn này.

Lực lượng lao động gần 900 triệu người, ít các điều khoản ràng buộc với các nhà máy, miễn thuế cũng như sự phá giá đồng Nhân dân tệ so với USD trong quá khứ đã giúp Trung Quốc trở thành thiên đường với các nhà sản xuất. Ngay từ đầu những năm 1900, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp này thay đổi cơ sở sản xuất vào Trung Quốc, tạo ra một hệ thống sản xuất xuất khẩu rộng lớn như ngày nay.

Kể từ năm 2009, sự tăng trưởng liên tục đã cho phép Trung Quốc giữ vững vị thế nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và tới năm 2013, Bắc Kinh đã vượt Washington để trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới.

Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc trở thành trung tâm xuất nhập khẩu công nghệ thông tin và truyền thông của toàn cầu trong 10 năm đầu của thế kỷ này.

Một thế giới hiện đại phụ thuộc nhiều vào các liên kết công nghệ đã biến Trung Quốc thành một đối tác thương mại ngày càng quan trọng và khó có thể rời bỏ quốc gia này trong tương lai gần. Giống như một số quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề hiệu suất kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào đồng USD, không ít quốc gia và doanh nghiệp tỏ ra quan tâm tới khái niệm chuỗi cung ứng mới không tập trung xung quanh Trung Quốc.

Các lựa chọn thay thế

Khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và lợi nhuận của các doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở tại Trung Quốc, không ít chủ doanh nghiệp đã quyết định đưa sản xuất sang nơi khác để tránh thuế quan gia tăng.

Dù chuyện chuyển toàn bộ ra khỏi Trung Quốc chẳng dễ dàng, nhiều gã khổng lồ như Apple, Microsoft và Google cũng cho biết mong muốn bắt đầu quá trình chuyển dịch.

Các nhà sản xuất công nghệ lớn này đã lên kế hoạch chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Thái Lan vào cuối năm nay. Một số doanh nghiệp lớn khác tham gia vào quá trình chuyển sản xuất sang Việt Nam là Samsung, Intel, Nike và Adidas.

Hàng loạt doanh nghiệp đã chú ý hơn tới Việt Nam trong nhiều năm qua khi thị trường này có mức chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc và môi trường chính trị thuận lợi. Một trong những nhà sản xuất linh kiện của Apple, Luxshare Precision Industry, đã chuyển sang Việt Nam và đang tiên phong trong việc cải tiến chuỗi cung ứng ở Đông Á.

Với Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh vốn dựa nhiều vào thương mại dọc con đường tơ lụa Á – Âu trong nhiều thế kỷ, các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Dù đã có những nỗ lực thúc đẩy sản xuất về gần hơn như ở khu vực Bắc Phi và Đông Âu, các thị trường này dường như vẫn chẳng thể có lợi thế cạnh tranh về cơ sở hạ tầng và khả năng lao động so với Trung Quốc.

Dịch Covid-19 vạch rõ điểm yếu của Trung Quốc

Sự bùng nổ của dịch Covid-19 khiến cả thế giới đặc biệt nhận thức được ảnh hưởng do thương mại toàn cầu quá phụ thuộc lẫn nhau. Các nhà sản xuất tìm cách bảo vệ hàng hóa và phản ứng để đối phó với các cú sốc có thể diễn ra trong tương lai.

Về cơ bản, các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ vấp phải khó khăn trong chuyển đổi hoàn toàn quá trình sản xuất từ ​​các cơ sở tại Trung Quốc hiện nay do phụ thuộc vào sản phẩm linh kiện cuối cùng.

John Harmon, nhà phân tích cấp cao tại Coresight Research, đánh giá một số phần trong quy trình sản xuất có thể chuyển đi nhưng cần có thời gian để thiết lập. Hơn nữa, chẳng có quốc gia nào khác sở hữu nguồn lao động như Trung Quốc. Ngay cả khi có thể chuyển quy trình sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng không thể tránh khỏi việc phải sử dụng linh kiện từ Trung Quốc.

Tái sắp xếp các quy trình sản xuất và thay đổi chuỗi cung ứng rõ ràng phụ thuộc vào quyết tâm của các doanh nghiệp và các quốc gia, phụ thuộc vào cam kết cho một bước chuyển biến lớn. Cuộc khủng hoảng từ Covid-19 dường như càng làm nhấn mạnh hơn sự cấp bách của quá trình này.

Sự thay đổi chuỗi cung ứng trên không chỉ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của các công ty mà còn tác động lâu dài tới nến kinh tế Trung Quốc vốn đang phụ thuộc lớn vào nguồn đầu tư nước ngoài và các công ty quốc tế.

Bối cảnh địa kinh tế mới

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang diễn ra không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Mỹ mà còn tác động tới các đơn vị trên toàn thế giới.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe dành khoảng 240 tỷ JPY (3,2 tỷ USD) cho việc hỗ trợ các công ty trong nước tách chuỗi cung ứng của khỏi Trung Quốc, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp chế tạo có giá trị gia tăng cao. 

Tại Pháp, Bộ trưởng tài chính Bruno Le Maire từng tuyên bố : "Chúng ta phải giảm sự phụ thuộc cung ứng các sản phẩm nhất định vào một số cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường chủ quyền trong các chuỗi giá trị chiến lược như ô tô, hàng không vũ trụ và thuốc".

Trong bối cảnh nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế, các đối thủ cạnh tranh 5G như Ericsson và Nokia đã bắt đầu mở rộng hoạt động sang các địa điểm mới tại Mỹ và Ba Lan. Tuy nhiên, giữa giai đoạn phát triển và hội nhập toàn cầu, một quốc gia sẽ rất khó khăn để đáp ứng được nhu cầu từ người dân nếu có hệ tư tưởng cô lập về kinh tế. Phần lớn quá trình cung ứng, cụ thể là linh kiện, đã cố thủ trong sự vận động của nền kinh tế Trung Quốc là điều không thể phủ nhận.

Dù vậy, Covid-19 kéo theo những thay đổi chưa từng có buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại hoàn toàn những gì có thể duy trì được trong dài hạn. Khủng hoảng toàn cầu như Covid-19 cô lập việc tiếp cận chuỗi cung ứng, cô lập đầu vào hay sản xuất thì mức chi phí thấp chẳng mang nhiều ý nghĩa.

Sự dịch chuyển rõ ràng không thể diễn ra theo quy mô lớn hay ngay lập tức rút ra khỏi Trung Quốc nhưng nhiều doanh nghiệp đã hành động để đa dạng hóa nguồn cung và giảm thiểu nguy cơ đe dọa từ những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai bằng cách tìm nguồn cung ứng linh kiện từ các quốc gia khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp có khả năng chuyển sản xuất sang các khu vực khác để giảm sự không chắc chắn từ nguồn cung xuyên biên giới.

Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc xoay xở phục hồi sau đại dịch nhanh hơn phần còn lại của thế giới, các doanh nghiệp có thể sẽ lại quay trở về quốc gia này.

Việc đa dạng hóa nguồn cung ứng và sản phẩm lắp ráp đòi hỏi nỗ lực phối hợp từ các nhà sản xuất mới có thể đạt được một bước tiến đáng kể. Mỹ đã thể hiện rõ quyết tâm này trong kế hoạch thành lập mạng lưới kinh tế thịnh vượng (Economic Prosperity Group) với sự góp mặt của "bộ tứ kim cương" (nhóm QUAD) bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và mới đây mời thêm ba quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand.

Hoài An

Nguồn : The Leader, 19/05/2020

**********************

Việt Nam có muốn trở thành công xưởng của thế giới ?

Lý Quí Trung, The Leader, 18/05/2020

Một khi các nhà máy, công xưởng làm gia công cho Mỹ và các nước đồng minh dời ra khỏi Trung Quốc sau đại dịch, cái mác "công xưởng của thế giới" cũng có thể chia sẻ thêm cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam - một ứng cử viên nặng ký nhất vì nằm sát với Trung Quốc nên việc di dời rất thuận tiện.

vay4

Doanh nhân Lý Quí Trung, nhà sáng lập Phở 24

Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có muốn gắn cái mác này hay không ?

Biệt danh "công xưởng của thế giới" gắn liền với hình ảnh công nhân giá rẻ, lấy công làm lời, không tranh giành vinh quang với các thương hiệu đình đám toàn cầu. Trung Quốc đúng ra đã làm rất tốt vai trò này để âm thầm chyển mình thành người khổng lồ trên bàn cờ kinh tế toàn cầu. 

Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó ở một khía cạnh nào đó cũng đi lên từ bước đệm làm gia công, sản xuất cho người khác, đến nay thì ai cũng biết, các thương hiệu xe hơi và vô số hàng điện tử, kim khí điện máy của họ tung hoành khắp nơi trên thế giới.

Nhưng tình hình bây giờ có khác, khi mọi thứ đều có thể thay đổi qua một đêm. Mới đó mà hàng trăm, hàng ngàn nhà máy đang làm gia công ngon lành cho Mỹ và các nước đồng minh có thể sẽ rút khỏi Trung Quốc, để lại ít nhiều khó khăn cho nền kinh tế nước này. Thế trận "công xưởng của thế giới" chưa bao giờ bị lung lay như hiện nay, hay nói một cách khác, sẽ không có một công xưởng nào trên thế giới còn an toàn cả.

Mùa đại dịch kỳ này còn cho thấy cả người mua lẫn người bán trong chuỗi cung ứng toàn cầu đều không hài lòng vì phải dựa quá nhiều vào nhau, bị mất quyền tự chủ, độc lập. Nói khác đi, chuỗi cung ứng toàn cầu tuy vẫn phải còn đó chứ không biến mất ngay được, nhưng nó đã trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Mỹ và các nước đồng minh di dời cơ ngơi mình ra khỏi Trung Quốc được thì không có lý do gì họ không di dời ra khỏi nước khác nếu "cơm không lành, canh không ngọt".

Cho nên Việt Nam nếu có đón bắt làn sóng dịch chuyển nhà máy hay đầu tư đợt này của thế giới thì phải đón bắt một cách chọn lọc, sáng suốt.

Chúng ta một mặt không muốn gắn mác "công xưởng của thế giới" nhưng một mặt lại quá cần những công xưởng gia công mới mọc lên khắp nơi để giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết, trong đó có nguồn doanh số khổng lồ và lực lượng nhân công trẻ dồi dào. Vấn đề ở chỗ là liều lượng và chất lượng sao cho hài hoà, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn sao cho phân biệt rõ ràng.

Lấy ngành dược phẩm của Mỹ làm ví dụ về chất lượng và tầm nhìn ngắn hạn hay dài hạn trong hai từ gia công.

Theo đó, gia công sản xuất thuốc thành phẩm tại các nhà máy ở nước ngoài là gia công rẻ - không có chất xám, còn gia công khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm R&D cũng là rẻ nhưng lại có nhiều chất xám (dĩ nhiên phải rẻ hơn ở Mỹ người ta mới gia công ngoài !).

Chính cái khâu nghiên cứu phát triển (R&D) này mới là thứ mà Việt Nam rất cần tuy nó có thể không làm ra nhiều tiền bằng các khâu sản xuất hàng loạt, số lượng lớn, nhưng khâu này mà nằm ở nước nào thì đội ngũ các nhà khoa học địa phương ở nước đó được đào tạo, phát triển. Đây mới là lực lượng giúp các doanh nghiệp nước sở tại một ngày nào đó vươn mình bước ra khỏi cái bóng nhân công giá rẻ thuần túy của công xưởng để làm thương hiệu, làm chủ chuỗi cung ứng.

Nói một cách khác, kinh tế Việt Nam trong cơ hội đón vốn đầu tư nước ngoài đợt này cần cả hai mặt trận gia công, gia công lao động tay chân và gia công lao động có trình độ khoa học, tay nghề cao sẵn sàng đón nhận những chuyển giao trí tuệ, chất xám để làm nền tảng cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn sau này.

Đừng để phần gia công nhà máy thuần tuý tập trung vào Việt Nam quá nhiều trong khi các phần gia công chất xám kia lại đổ vào các nước khác, chẳng khác nào mình đi gặm "cục xương" để người ta xơi "cục thịt" vậy ! Do đó, các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề này khi ngồi vào bàn thương thảo, đàm phán với các đối tác quốc tế.

Dĩ nhiên để trở thành một đối tác có thể nhận gia công khâu R&D hay các khâu liên quan nhiều đến chất xám thì đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học của Việt Nam cần có sự chuẩn bị mang tính chiến lược hơn. Vai trò và tầm hoạt động của các trường đại học, các viện nghiên cứu do đó cũng phải được đặt lên đúng vị trí của nó mới có đủ sự đầu tư cả về cơ sở hạ tầng đến con người và các quy chế liên quan.

Đây là một công việc đòi hỏi nhiều công sức và dài hơi nhưng vô cùng xứng đáng nếu kinh tế nước nhà muốn thay da đổi thịt một cách bền vững. Không có chất xám thì không có tự chủ, không có thương hiệu, không có tiếng nói và mãi mãi là người bị lệ thuộc nhiều hơn trong bàn cờ kinh tế toàn cầu.

Lý Quý Trung

Nguồn : The Leader, 18/05/2020

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Lý Quí Trung, nhà sáng lập Phở 24

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Nhật, Hoài An, Lý Quý Trung
Read 525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)