Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/09/2020

Hai điều ngộ nhận từ hệ tư tưởng đang cản trở cải cách thể chế

Phạm Quý Thọ

Việc Đảng "kiên định" với chủ nghĩa Mác-Leninlà nguyên nhân cơ bản của hai điều ngộ nhận dưới đây. Ngộ nhận thứ nhất : "…không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng… quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân". Ngộ nhận thứ hai : Đảng cộng sản có thể lãnh đạo "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

ngonhan1

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trên, giữa) và các ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng tại lễ bế mạc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016, Reuters-Hình minh hoạ.

Được biết, Đảng bổ sung phần "quan điểm chỉ đạo", khẳng định việc giữ vững nền tảng tư tưởng này mang ý nghĩa sống còn với chế độ, trong báo cáo chính trị trình Đại hội 13, coi đây là "một trong những điểm mới quan trọng".

Bài viết làm rõ hai điều ngộ nhận nêu trên nhằm gợi mở thay đổi tư duy để thúc đẩy cải cách thể chế chính trị.

"Thời kỳ Thập nhị sứ quân" ?

Tại Hội nghị báo cáo viên trung ương khu vực phía Bắc do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức mới đây, vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận trung ương giải thích về "quan điểm chỉ đạo" nêu trên, được truyền thông nhà nước trích lại : "Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác-Lenin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ Thập nhị sứ quân, rối loạn". Đây là điều ngộ nhận mang tính tuyên truyền để duy trì chế độ thay vì lý giải thuyết phục.

Chủ nghĩa Mác-Lenin là nền tảng tư tưởng cho mô hình Xô Viết với đặc trưng đảng cộng sản toàn trị. Sau thế chiến 2, từ năm 1945 mô hình này được áp dụng cho các nước Đông Âu để hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, cho đến khi sụp đổ năm 1991. Việt Nam, Trung Quốc, Cuba… với xuất phát điểm nghèo nàn, lạc hậu sau khi giành được độc lập cũng dựa vào mô hình này để phát triển.

Trong bối cảnh chính quyền Xô Viết I. Stalin từng định nghĩa đó là "Học thuyết do K. Marx và F. Engels sáng lập và được V. Lenin phát triển trong mối quan hệ đấu tranh giai cấp giữa thời đại chủ nghĩa đế quốc và các cuộc cách mạng của giai cấp vô sản". Tuy nhiên, trong quá trình vận hành nó đã thay đổi về hình thức tuỳ thuộc thực tế và quyền lực của giới lãnh đạo từng quốc gia, có xu hướng từ "phong trào cộng sản" mang tính quốc tế đến chủ nghĩa toàn trị, độc đoán mang tính quốc gia.

Năm 1991 hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ hoàn toàn, và nguyên nhân cơ bản là thua kém trong cạnh tranh kinh tế với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Như V. Lenin từng nhấn mạnh, để chế độ mới xã hội chủ nghĩa chiến thắng chế độ tư bản chủ nghĩa suy cho cùng là năng suất. Các quốc gia ở Đông Âu đã chuyển đổi nhanh sang chế độ dân chủ, không hề phải trải qua thời kỳ loạn "mười hai sứ quân" mà trái lại, đang phát triển văn minh, bền vững trong suốt ba thập kỷ qua. Một điều chắc chắn rằng không quốc gia nào muốn quay lại chế độ đảng toàn trị thêm lần nữa.

Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại như Trung Quốc, Việt Nam thực hiện chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường mà vẫn duy trì chế độ đảng cộng sản toàn trị. Chế độ này vẫn dựa vào nền tảng chủ nghĩa Mác-Lenin và bổ sung thêm "tư tưởng Mao Trạch Đông", "tư tưởng Hồ Chí Minh"… để phù hợp với đặc thù từng nước.

Đó là một lựa chọn, tuy nhiên, cả Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù tuyên bố xây dựng xã hội chủ nghĩa, đang ‘vất vả’ tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp. Thực tế đang chỉ ra rằng sự kết hợp cơ học giữa chế độ đảng cộng sản toàn trị với thị trường đang sản sinh ra "nhà nước tư bản thân hữu" với những bất ổn xã hội sâu sắc. Đảng đang làm mọi cách ngăn chặn nguy cơ sụp đổ chế độ. Việc dẫn sử "thời kỳ thập nhị sứ quân" là sự tuyên truyền ngộ nhận thay vì một lý giải thuyết phục.

"Chính sách can dự" thất bại

Đảng cộng sản toàn trị có thể lãnh đạo nền kinh tế thị trường đó là ngộ nhận thứ hai. Điều này là không thể bởi vì chế độ này với bản chất chuyên chế mâu thuẫn với các giá trị dân chủ và tự do của thị trường.

Các hiện tượng nhìn bề ngoài dễ dẫn đến sự ngộ nhận: sự sụp đổ của mô hình Xô Viết khiến cho hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã, các quốc gia ở Đông Âu chuyển đổi sang chế độ dân chủ, trong khi các nước như Trung Quốc, Việt Nam hay Cuba vẫn duy trì có chế độ đảng cộng sản toàn trị đồng thời thực hiện chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, được dán nhãn như "xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Trung Quốc" hay "định hướng xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam. Chính sách chuyển đổi như "Cải cách và mở cửa" ở Trung Quốc và "Đổi mới" ở Việt Nam, dường như, không chỉ đã "cứu" chế độ trước nguy cơ sụp đổ, mà còn tạo ra tăng trưởng đảm bảo cho tính chính danh của Đảng…

Đảng cho đó là sự lãnh đạo "sáng suốt", là "công lao", nhưng thực ra đó là nhờ thị trường. Điều ngộ nhận, trước hết, được giải mã bởi "Chính sách can dự" của Mỹ và các nước Phương Tây, trong đó nhấn mạnh quan niệm rằng tăng trưởng kinh tế có thể làm thay đổi bản chất chuyên chế của chế độ cộng sản toàn trị Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hoá sau chiến tranh lạnh. Với chính sách này, một mặt, các nước tư bản tiên tiến đầu tư và giao thương mạnh mẽ vào thị trường tỷ dân, "dễ dãi" với các giá trị dân chủ, nhân quyền. Mặt khác, chính sách thực dụng "khôn khéo", như "mèo trắng mèo đen…" và "giấu mình chờ thời" đã giúp nước này hội nhập nhanh với thị trường quốc tế để có động lực tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Qua gần ba thập kỷ, năm 2011 Trung Quốc đã trở thành "công xưởng" và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với GDP hơn 14 nghìn tỷ đô la Mỹ. Mô hình này đã từng được coi là "điển hình" cho các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt đối với Việt Nam có chế độ chính trị tương đồng.

ngonhan2

Hình minh hoạ. Biểu tình đốt cờ Trung Quốc và ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình ở Ahmedabad, Ấn Độ hôm 18/6/2020 Reuters

"Chính sách can dự" được cho là thất bại khi bản chất chuyên chế của chế độ đảng toàn trị bộc lộ. Trước hết, Trung Quốc đã trỗi dậy hung hăng, đặc biệt sau khi Tập Cận Bình trở thành "hạt nhân" lãnh đạo đảng và nhà nước, năm 2012. Về đối nội, tăng cường chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" thanh trừng phe phái để tập trung quyền lực, siết chặt kiểm soát người dân, thay đổi hiến pháp có thể cai trị lâu dài. Về đối ngoại, hiện thực hoá "giấc mộng Trung Hoa" với các kế hoạch đầy tham vọng như "sáng kiến vành đai, con đường", chiếm đoạt và quân sự hoá biển đảo, ngoại giao "chiến lang", đe doạ các quốc gia khác…

Thế giới, đứng đầu là Mỹ, đang phải đối phó với một Trung Quốc hung hăng. D. Trump, sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đã "đoạn tuyệt" với "Chính sách can dự", tiến hành và mở rộng cuộc thương chiến sang các lĩnh vực khác như sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ... Hơn thế, chính quyền D. Trump lên án sự chuyên chế của Đảng cộng sản Trung Quốc và tăng cường "trừng phạt" các vi phạm về nhân quyền, tôn giáo, dân chủ… trong các hồ sơ đối nội về Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Hồng Kông… và đối ngoại như Biển Đông, Sông Mê Kông…, đặc biệt khi lãnh đạo Trung quốc bị cáo buộc "che giấu thông tin về đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán và lan rộng ra thế giới, gây thảm hoạ y tế cho loài người.

Trật tự thế giới đang thay đổi, trong đó các hoạt động kinh tế không chỉ vì lợi nhuận cao, mà còn hướng đến các giá trị tự do, dân chủ của người dân. Liệu đây có là bài học cho Việt Nam ? Nước ta, về nguyên tắc, cũng được hưởng lợi từ "chính sách can dự", tuy nhiên năng lực nội sinh, sai lầm chính sách, trì hoãn cải cách là những nguyên nhân không hấp thụ đầy đủ ưu thế của thị trường. Kinh tế có tăng trưởng, nhưng đất nước vẫn tụt hậu. Một trong những hậu quả của hai điều ngộ nhận này là một "nhà nước tư bản thân hữu" đang lớn dần với những bất ổn xã hội sâu sắc. Thấu hiểu những điều này để thay đổi tư duy thúc đẩy cải cách thể chế chính trị.

Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội

Nguồn : RFA, 07/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)