Việc của Đồng Tâm kể đến hôm nay đã có thể gọi là tạm yên lòng những ai quan tâm.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự cuộc họp với chính quyền và người dân xã Đồng Tâm hôm 22/4
Người viết cố gắng theo dõi mọi diễn biến và phải thừa nhận - nói gì thì nói - cách xử lý của ông Chủ tịch thành phố là đáng khen.
Dù bức xúc trước vụ việc nghiêm trọng xảy ra ngay ở thủ đô nơi mình lãnh đạo và lại chịu áp lực bởi Hội nghị Trung ương đang tới gần, ông Chủ tịch vẫn giữ được bình tĩnh, quyết đoán lựa chọn giải pháp và bước đi phù hợp, và thành công. Đáng khen nữa là ông có tư duy khá độc lập như việc đặt câu hỏi : tại sao cần dùng cảnh sát cơ động và quân đội vào vụ việc này ? Sự thành công của ông có lẽ đến từ tư duy ấy.
Nhưng phải nói ngay rằng vấn đề chưa hề đóng lại. Nó vẫn còn nguyên và chặng đường tiếp theo hẳn mới cam go. Bởi những lình xình chưa thấy câu trả lời.
Lình xình chưa có câu trả lời
Lình xình thứ nhất : Đây là đất nông nghiệp hay "đất quốc phòng" (theo cách gọi hiện hành), và đâu là mốc giới phân chia ? Có hay không việc một đơn vị quân đội đã bàn giao đất ấy cho địa phương sau khi công trình quốc phòng được dự kiến không khả thi ? Văn bản bàn giao, nếu có, đang nằm đâu ?
Lình xình thứ hai : Ai có quyền giao "đất quốc phòng" cho một đơn vị làm kinh tế, dù đơn vị ấy nằm trong quân đội ? Và sự ức chế của người dân địa phương tăng lên tột cùng khi mọi việc khiếu kiện đang còn đặt trên bàn thì một phần đất đã được cắt xén cho một số quan chức địa phương làm của riêng - Ai quyết định việc này ?
Lình xình thứ ba : các Luật Đất đai và Luật Đất đai sửa đổi (1993, 2003) có nêu vấn đề thu hồi đất cho mục đích quốc phòng như là những trường hợp đặc biệt nhưng đã không làm rõ trong trường hợp mục đích ấy không được thực hiện (như trường hợp này) thì phải hoàn trả địa phương như thế nào ?
Người dân Đồng Tâm đón chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm 22/4
Quyết định thanh tra toàn bộ vụ việc là đáng hài lòng. Và nếu thanh tra được thực hiện nghiêm túc, đáng tin cậy (ông Chủ tịch kêu gọi nhân dân địa phương giám sát việc thanh tra) thì cũng không thể trả lời tất cả các câu hỏi nêu trên vì có những vấn đề thuộc quyền của cơ quan làm luật. Nhưng cho dù có trả lời được tất cả thì theo tôi - vốn là một người lính - thì đó cũng chỉ là giải quyết một trận đánh có tính chất chiến thuật, chưa giải quyết được vấn đề cơ bản có tính chiến lược : đó là vấn đề quân đội làm kinh tế. Đây là vấn đề trên cả lình xình hoặc có thể gọi là đại lình xình.
Quân đội làm kinh tế
Có những quốc gia nào trên thế giới mà ở đó hiện nay, quân đội được phép tham gia vào các hoạt động kinh tế ? Có thể kể : Pakistan (nơi mà quân đội đã tuyên bố quyền của mình), một số quốc gia Trung, Nam Mỹ (đang ít dần) và vài ba quốc gia ở Đông Nam Á. Một điểm chung ở các quốc gia này là quân đội dính líu sâu vào chính trị và là những quốc gia kém dân chủ theo những tiêu chuẩn phổ quát.
Thế còn Việt Nam ? Việt Nam khác các quốc gia trên, việc quân đội làm kinh tế là do những điều kiện lịch sử cụ thể. Sau năm 1975, do nhiều nguyên nhân, Việt Nam đã trải qua một thời kỳ rất khó khăn. Cả một thập niên đói thiếu, khan hiếm hàng hóa và do đó, quân đội được mời gọi tham gia xây dựng kinh tế để giảm bớt khó khăn cho nhân dân, cho đất nước. Quân đội đã thành lập một cục , rồi tổng cục - Tổng cục Xây dựng Kinh tế - để trông coi việc này và sự thực là việc tham gia của quân đội đã đem lại kết quả tích cực, được hoan nghênh.
Nhưng đến một ngưỡng, bắt đầu xuất hiện những tiêu cực. Khi đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì việc này (các lực lượng vũ trang tham gia làm kinh tế) càng nảy sinh nhiều vấn đề và hoàn toàn trái quy luật.
Trung Quốc, nước mà Việt Nam thường noi theo, cũng có việc quân đội tham gia làm kinh tế trong một thời kỳ trước đây. Và cũng rất nhiều vấn đề đã nảy sinh từ đấy, đặc biệt là việc chiếm dụng đất nhân danh quốc phòng. Cuối cùng thì, hai mươi năm trước, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã ra chỉ thị "tuyệt đối cấm" mọi hoạt động kinh tế nhân danh quân đội, chuyển các hoạt động kinh tế của quân đội sang dân sự. Việc được thực hiện nghiêm tắp cho đến nay.
Và Việt Nam ? Việt Nam còn hơn thế khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã hai lần ra nghị quyết - lần cuối cùng mới vài năm trước đây - về việc các lực lượng vũ trang (an ninh, quốc phòng) không tiếp tục làm nhiệm vụ kinh tế. Các nghị quyết này đã không được thi hành hoặc không thi hành được.
Tại sao và ai chịu trách nhiệm ?
Vũ Cao Phan
Nguồn : BBC, 25/04/2017
Tiến sĩ Vũ Cao Phan từ Đại học Bình Dương gửi cho BBC tiếng Việt.