Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/09/2020

Nhận xét thêm về vụ án Đồng Tâm

Nhiều tác giả

Vụ án Đồng Tâm 2020 là phiên bản của "Sự kiện Thái Bình 1997" ?

Dường như vụ việc Đồng Tâm là phiên bản thu nhỏ của "Sự kiện Thái Bình 1997".

vuan1

Biểu tình Thái Bình năm 1997 với mục tiêu cáo buộc công chức địa phương tham nhũng, vi phạm dân chủ và công bằng xã hội, chủ nghĩa thân hữu.

Tỉnh ủy Thái Bình khi đó cáo buộc "địch phá hoại, cán bộ hưu trí bất mãn chống đối", đồng thời đề nghị Công an nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện trấn áp biểu tình tại Thái Bình. Đề nghị của chính quyền địa phương bị bác bỏ khi những sai phạm nghiêm trọng bị phát hiện, hơn 2.000 công chức bị xử lý và hơn 70% tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam tại Thái Bình bị thay thế, Quy chế dân chủ cơ sở chính thức được thực thi trong phạm vi toàn quốc gia.

Kể từ sau sự kiện, mỗi năm ít nhất một lần đều có một nhóm thị sát nghiên cứu về biến đổi xã hội tại Thái Bình trong khoảng 10 năm. Giai đoạn bất ổn 1997-1999 khiến kinh tế Thái Bình bị kéo tụt 10 năm phát triển.

Giai đoạn 1987-1997, Thái Bình có trên 300 vụ khiếu nại về đất đai, tố cáo công chức xã lạm quyền và tham nhũng. Giai đoạn này xuất hiện nhiều khiếu kiện về đất đai tại Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Hà Tây, Đồng Nai, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bến Tre, Vĩnh Long, Hải Phòng, Hà Nội ; nhưng quy mô và mức độ khiếu kiện tại Thái Bình diễn ra phức tạp hơn.

Một số cuộc biểu tình được cho là đã nổ ra tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1997. Người dân xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình đã bắt giữ 20 cảnh sát trong năm ngày, người dân một số địa phương tự tổ chức xét xử các công chức tham nhũng…

Các phe trong cuộc xung đột dân sự trong "Sự kiện Thái Bình 1997", gồm một bên là nông dân Thái Bình và cựu chiến binh - công chức - đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hưu trí tại Thái Bình. Bên phía còn lại là những đại diện của Đảng cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Tỉnh ủy Thái Bình, Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục chính trị, Công an nhân dân Việt Nam và Cục Cảnh sát bảo vệ.

Nhân vật thủ lĩnh trong "Sự kiện Thái Bình 1997", với một bên là cựu chiến binh - công chức - đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hưu trí tại Thái Bình.

Bên còn lại được lịch sử sau này ‘điểm tên’, là : Cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Phạm Văn Đồng ; Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp ; Tổng bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười ; Thường trực Ban bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu ; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh ; Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt ; Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Công Tạn, Phan Văn Khải ; Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân ; Trưởng ban Dân vận trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Phạm Thế Duyệt ; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Quách Lê Thanh ; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Đỗ Hùng ; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Bùi Sỹ Tiếu ; Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình Phạm Quý Ngọ.

Số lượng ở một bên là 43.000 nông dân Thái Bình, gồm có Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thụy, Vũ Thư. Phía bên kia là Quân đội nhân dân Việt Nam, với quân số vài trăm ; Công an nhân dân Việt Nam với quân số 1.200. Không xảy ra thương vong.

Đánh giá "Sự kiện Thái Bình 1997" sau đó, được gọi là "bê bối chính trị" với nguyên nhân là tham nhũng, vi phạm dân chủ và công bằng xã hội, lạm quyền, chủ nghĩa thân hữu.

Kết quả, hơn 2.000 công chức sai phạm, hơn 70% tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam tại Thái Bình bị thay thế ; Thái Bình được thí điểm thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ; Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt ban hành Chỉ thị 89/CP về giải quyết khiếu nại của công dân vào tháng 8/1997 ; Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị số 30 về Quy chế dân chủ cơ sở vào ngày 18/02/1998 ; Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 29 về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở vào ngày 11/05/1998 ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn Ủy ban Mặt trận các cấp thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ngày 26/05/1998.

Khiếu nại của người dân Thái Bình được giải quyết triệt để vào năm 2000.

Về sau, nhiều ý kiến cho rằng "Sự kiện Thái Bình 1997" và một số sự kiện bức xúc trong xã hội Việt Nam hiện tại, bắt nguồn từ nguyên nhân "người dân bày tỏ thái độ bất bình trước tình trạng tham nhũng ở cơ sở", đồng thời nhận định Đảng cầm quyền cần tránh "tình trạng lạm quyền, tham nhũng".

Dường như vụ việc ở Đồng Tâm là chỉ dấu rất rõ của nhắc nhở Đảng cầm quyền đang hành xử lạm quyền…

***

Trong cuộc "Cách mạng Thái Bình 1997", vai trò dẫn dắt và lãnh đạo như thế đã thuộc về giới cựu chiến binh : cũng là việc dân bắt giữ nhân viên công lực, rào làng, tạm thiết lập "chính quyền nhân dân", sau đó phong trào còn lan ra một số tỉnh…

Cho tới nay, số cựu binh như thế vẫn còn rải rác ở các tỉnh miền Bắc và Trung Bộ. Khủng hoảng Đồng Tâm đã chứng minh một thực tế là ở những địa phương có số đảng viên cao, thậm chí ở những nơi đảng viên chỉ sinh hoạt chiếu lệ hoặc đa phần đã thoái đảng, vẫn chưa có thành phần nào khác có thể thay thế vai trò dẫn dắt, định hướng của giới cựu binh nhiều kinh nghiệm và đã quá hiểu những mưu tính và hành vi của đảng.

Đó chính là nguồn cơn để những cựu binh Đồng Tâm đưa ra chủ trương "chỉ chống tham nhũng, không chống đảng". Đây cũng là một lá chắn mà những người lãnh đạo của "khởi nghĩa Đồng Tâm" hy vọng vẫn giữ được một "ranh an toàn", hy vọng đảng vẫn ghi nhận truyền thống thượng tôn kỷ luật của mình mà không đến nỗi đối xử cạn tàu ráo máng với "toàn thể nhân dân Đồng Tâm". Tâm lý này khác hẳn với đặc thù xã hội học ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An - những nơi chỉ có ít đảng viên nhưng tập trung số đông người Công giáo ngoài đảng, trong phong trào phản kháng Formosa. Rất nhiều cuộc biểu tình của giáo dân và ngư dân đã thẳng tay giương biểu ngữ "Phản đối đảng Cộng sản…", thậm chí "Đả đảo đảng Cộng sản…".

(Trích bài báo "Có đảng là có tất cả ?" của Phạm Chí Dũng, đăng trên VOA ngày 20/06/2017)

**********************

Phiên tòa chứng minh được sự uy nghiêm của thể chế !

"Đi nắm tình hình dư luận phiên tòa xử dân Đồng Tâm"…

vuan2

Hội đồng xét xử vụ án Đồng Tâm - Ảnh minh họa

Tài khoản facebook của ông Đỗ Như Ly, kể rằng ông được công an quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh mời đến trụ sở công an phường để hỏi ý kiến của ông về phiên tòa hình sự sơ thẩm Đồng Tâm xử ở tòa Hà Nội.

Ông Đỗ Như Ly, thuật lại như sau :

"Vừa ở công an phường về ! Lại được diễm phúc gặp viên an ninh của quận 10 lần trước ! Thì cũng cười nói, xã giao sau màn dạo đầu !

Sau đó vào cuộc, mình hỏi luôn : "Thế nào, bây giờ đi nắm tình hình gì đây ?".

- Nói chuyện Đồng Tâm ! Ý chú thế nào ?

- Cậu cho là "thi hành công vụ", tôi không đồng ý ! Tôi phản đối tuyên án của tòa Hà Nội !

Tất nhiên tay an ninh này cũng cố thanh minh thanh nga, nhưng tôi nói tiếp :

- Các cậu biết rõ quy trình của cuộc "Thi hành công vụ chứ ? Nghề của các cậu mà !". Anh ta đánh trống lảng ! Tại sao giữa đêm khuya mang đội quân "binh hùng tướng mạnh" đi giết một ông già 84 tuổi, gần 6 chục tuổi đảng, chân bị thương tật ?".

- Hai người (Công, Chức) gây ra cái chết cho 3 công an, đâu có oan !

- Nhớ rằng 3 cái chết đó còn uẩn khúc, chưa được làm rõ như cái chết của cụ Lê Đình Kình !.

Anh ta chuyển sang phóng viên Bolsa TV Âu Hoàng Lân phỏng vấn một người dân (ngụ cư, tên là Việt thì phải, tôi không nhớ) và lấy đó làm căn cứ bảo vệ quan điểm của anh ta :

- Thế, cậu có biết tại sao chỉ duy nhất một Bolsa TV được đến, vào Đồng Tâm tác nghiệp không ?

Cậu ta lại né : "Phải hỏi trên, trên !".

Đã 1 tiếng đồng hồ, ngồi thoải mái nói với nhau, thấy kéo dài càng bất lợi như tòa Hà nội xử Đồng Tâm, anh ta đề nghị kết thúc ! OK !.

Trước khi ra về, tôi yêu cầu, nếu là chuyện "tào lao", tôi không tới trụ sở công an lần nữa, vì cứ như tôi có tội tình gì đó nên phải tới ! Anh ta đồng ý, xin số điện thoại và hứa, nếu có sẽ đến tận nhà.

Tôi : "Đến nhà tôi, chỉ có nước trắng không cà phê hay nước cam ở đây mời (tôi uống nước của tôi mang đi) đâu đấy !". Anh ta lại giả lả !

Anh ta đã hoàn thành công việc : "Đi nắm tình hình dư luận phiên tòa xử dân Đồng Tâm". Cuộc "chia tay màu hồng" diễn ra ! Bye ! Bye !" (*).

Người viết thử sắm vai một nhà chuyên chính cách mạng để phát biểu ý kiến - bởi biết đâu giả dụ như hôm đẹp trời nào đó, cũng lại được mời cà phê và nước cam như ông Đỗ Duy Ly kể trên - về phiên tòa vụ án Đồng Tâm ngay ở thủ đô Hà Nội :

"Tôi xin nhấn rõ với các đồng chí an ninh, là phiên tòa vụ Đồng Tâm đã tái khẳng định lập trường chuyên chính cách mạng của Đảng chúng ta. Tôi hiểu với một lão đồng chí có gần 60 tuổi Đảng, khi nhận sự trừng trị bằng những phát đạn từ đồng chí của mình bằng khẩu súng do bọn đế quốc sản xuất, nỗi đau ấy xé tâm can đó chứ. Thế nhưng chúng ta buộc phải làm như thế để bảo vệ Đảng. Chúng ta không chấp nhận bất kỳ một sự coi thường nào về tính chuyên chính cách mạng của Đảng.

Nên nhớ, sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng bộ máy Nhà nước của chính quyền mới. Trong đó, các tòa án quân sự được thành lập có thẩm quyền xét xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… Sau khi thành lập, các tòa án quân sự đã tổ chức xét xử nghiêm minh, trừng trị kịp thời bọn phản cách mạng, Việt gian bán nước, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng non trẻ.

Cá nhân tôi nghĩ rằng chúng ta đã nhân nhượng lắm rồi khi để một phiên tòa dân sự xét xử vụ án Đồng Tâm. Lẽ ra chúng ta phải bắt chước cụ Hồ, cần mang những tên tội phạm này ra tòa án binh, khi đã dám nhiều lần xâm phạm đất đai mà Đảng đã giao cho một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng ; đặc biệt là người đứng đầu công ty của Bộ Quốc phòng đó hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hãy thử nhớ lại đi, trong thời gian từ năm 1946 đến năm 1954, hệ thống tòa án gồm các tòa án binh và các tòa án nhân dân đặc biệt đã trở thành công cụ chuyên chính của Nhà nước trong việc trấn áp bọn gián điệp, phản cách mạng, làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự xã hội ; xử lý các tội phạm xâm phạm tài sản của Nhà nước, công dân, biển thủ của công, buôn lậu… làm ảnh hưởng đến uy tín và sức mạnh của quân đội, cũng như chính quyền cách mạng, góp phần giữ vững chính quyền nhân dân, phục vụ có hiệu quả cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữ vững đời sống yên lành ở hậu phương và tạo lập niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Nay, vụ án xảy ra ở thôn Hoành cũng có khác gì khi việc chống đối của những đảng viên ở Đồng Tâm nếu không bị tiêu diệt, thì đó sẽ là mầm mống phản nghịch, làm ảnh hưởng đến tôn nghiêm của Đảng chúng ta ; nhất là Đảng của chúng ta sắp bước vào nhiệm kỳ mới với nhiều thách thức ở nền kinh tế, mà tôi nghe đâu bảng đồng hồ nợ công của Việt Nam trên mạng internet đã ở con số bình quân mỗi người Việt bất kỳ già, trẻ, đảng viên hay quần chúng, đều chung gánh nợ mỗi người là 104 triệu 273 ngàn đồng" (**)…

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 18/09/2020

Chú thích :

(*)https://www.facebook.com/LYNHUDO/posts/1733236530175816

(**)https://countrymeters.info/en/Vietnam/economy

************************

Màn kịch Đồng Tâm đã hạ

David Brown, VNTB, 17/09/2020

Chừng nào còn có nông dân, thì sẽ có những cuộc nổi dậy và hầu như lúc nào họ cũng bị đàn áp dã man.

Tòa đã tuyên án trong Vụ Đồng Tâm, một cuộc đụng độ ngắn ngủi nhưng đẫm máu giữa công an và một nhóm nông dân Việt Nam kiên quyết chống đối. Sau một tuần lấy lời khai, đối chất, xin lỗi và xin khoan hồng, ngày 14/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với tất cả 29 bị cáo có hành vi chống đối nhà nước. Hai người bị kết án tử hình, một người nhận án tù chung thân, và những người còn lại có mức án nhẹ hơn.

vuan3

Bản án không có gì đáng ngạc nhiên. Đây là một phiên tòa diễn tuồng do các cơ quan của nhà nước Việt Nam chuẩn bị và dàn dựng. Hết phạm nhân này đến phạm nhân khác đã thốt lên những lời thú nhận gần như giống hệt nhau : "Tôi xin lỗi gia đình của các sĩ quan cảnh sát đã hi sinh ; tôi cảm ơn các quản giáo trong trại giam đã dạy chúng tôi thấy sai lầm như thế nào ; tôi cảm ơn luật sư của tôi nhưng giờ không còn cần đến các luật sư nữa ; và cuối cùng là, Tôi xin toà cho một mức án nhẹ hơn ".

Hà Nội không ủng hộ các cuộc biểu tình của nông dân. Trong khi điều lệ đảng và luật pháp Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu của toàn dân và nhà nước nhân danh người dân quản lý. Nếu nông dân kiên quyết khẳng định quyền của họ đối với các mảnh đất mà đảng / nhà nước đã ra lệnh cho sử dụng với mục đích khác, ngay cả khi họ chỉ khăng khăng đòi được trả giá trị xứng đáng, họ có nguy cơ bị gắn mác "bạo loạn và khủng bố", buộc phải loại bỏ, và trong những trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy tố.

Theo Đề Án 88 (The 88 Project), chuyên về các vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam, Bộ Thông tin đã chỉ đạo các phương tiện truyền thông được nhà nước gọi các bị cáo là "kẻ tấn công đầu tiên", gọi người lãnh đạo của họ là "một đảng viên thoái hóa", nhấn mạnh rằng "hầu hết mọi người đồng ý rằng công an phải hành động để bảo vệ hòa bình, "và không đưa tin " các lập luận biện hộ gây bất lợi cho chính phủ ".

Một bộ phim "tài liệu" do Bộ Công an sản xuất đã được chiếu ngay đầu phiên tòa minh họa phiên bản của chính phủ về vụ việc và có cả cảnh các bị cáo nhận tội. Khi các luật sư bào chữa phản đối và khẳng định rằng thân chủ của họ nhận tội trong tình trạng bị ép cung, toà yêu cầu họ "Chỉ cần xem phim". Các luật sư bào chữa cũng không được có cơ hội nói chuyện với các bị cáo trong khi tòa giải lao.

Các sự kiện tại Đồng Tâm, một ngôi làng cổ ở phía tây của vùng Châu thổ sông Hồng, được phơi bày như thảm kịch của Shakespear.

Màn I : 40 năm trước, nhà nước ra quyết định rằng 208 ha đất sẽ bị tịch thu để sử dụng cho lực lượng không quân, nhưng hóa ra và vì những lý do vẫn chưa giải thích được, khoảng 47 ha trong số đó thực tế không được đưa vào vào Sân bay Miếu Môn mới. Đó là đất nông nghiệp màu mỡ, dân Làng Đồng Tâm gần đó vẫn tiếp tục canh tác như họ đã làm hàng trăm năm. 

Mà II : Khoảng 35 năm sau, Bộ Quốc phòng giao quyền sở hữu toàn bộ 47 ha đó cho Viettel, một tập đoàn truyền thông công nghệ cao của Bộ Quốc Phòng. Những người nông dân dựng lên những tấm biển tuyên bố quyền từ chối trục xuất, và cắm lều trên các cánh đồng. Từ chuyện này dẫn sang chuyện kia. Ngày 15 tháng 4 năm 2017, ông Lê Đình Kình, nguyên trưởng thôn và một số người khác đã bị bắt. Nông dân Đồng Tâm đã phản ứng bằng cách xâm nhập vào văn phòng uỷ ban xã để bắt 38 quan chức và cảnh sát làm con tin, một hành động táo bạo khiến mạng xã hội cả nước quan tâm.

Màn III : Một sự kiện bất ngờ đã giải tỏa tình hình căng thẳng tột độ này vài ngày sau đó. Với lời hứa rằng yêu sách của dân làng đối với khu đất tranh chấp sẽ được xem xét toàn diện và không ai bị trừng phạt, Chủ tich TP. Hà Nội, một cựu tướng công an, đã bảo đảm trả tự do hết cho các tù nhân.

Màn IV : Tuy nhiên, kết thúc lại không có hậu : vào tháng 4 năm 2019, thanh tra chính phủ trung ương đã công bố : dân làng Đồng Tâm không có quyềnvề đất đai hoặc bồi thường hợp lệ. Không lâu sau đó, các nhà thầu của Bộ Quốc phòng bắt đầu xây một bức tường xung quanh khu vực tranh chấp và có vẻ như gia đình và hàng xóm của ông Kình bắt đầu thu thập một kho vũ khí nhỏ bao gồm giáo mác, lựu đạn cầm tay và bom xăng.

Màn V : Vào rạng sáng ngày 9 tháng 1, tin tức về một vụ đụng độ chết người đã làm dậy sóng mạng xã hội Việt Nam. Bốn người chết : ba cảnh sát được cho là đã bị thiêu cháy sau khi rơi (hoặc thay vào đó, bị đẩy) vào một giếng trời, và ông Kình 87 tuổi bị giết chết, được cho là cầm lựu đạn trong tay trong khi chống trả. 26 người khác - thành viên đại gia đình của ông Kinh và những người khác - đã bị bắt. Trên truyền hình quốc gia, con trai và cháu tnội của ông Kinh thú nhận đã giết các cảnh sát.

Những ngày sau đó, ba sĩ quan được tuyên dương anh hùng liệt sĩ và tổ chức tang lễ cầu kỳ. Mặc dù phiên bản chính thức về nguyên nhân tử vong đã được sửa đổi nhiều lần khi các nhà phân tích chuyên nghiệp vạch ra chi tiết không hợp lý, nhưng vẫn đủ để tạo ra câu chuyện của nhà nước về việc người nông dân tấn công người thi hành công vụ.

Có ý kiến ​​cho rng v vic Đồng Tâm có th khiến cp trên xem xét các quan chc địa phương và các chiến thuật của cảnh sát chặt chẽ hơn. Điều đó không có xảy ra. Ít nhất là từ thời điểm diễn ra vụ bắt giữ con tin, việc quyết định những gì xảy ra tiếp theo ở Đồng Tâm không thể phó mặc cho các cấp thấp hơn. Các đề xuất của Bộ Công an nhằm xử lý vụ việc bất khả kháng với lực lượng áp đảo và chết người gần như chắc chắn đã được cấp cao nhất của Đảng cầm quyền tán thành. Và sau đó, khi vụ việc xảy ra khiến 3 sĩ quan thiệt mạng, lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã đồng tình trong việc che đậy sai lầm của công an và xâu chuỗi câu chuyện của họ để tiến hành một phiên tòa xét xử.

Hầu như chừng nào còn có nông dân, thì sẽ có những cuộc nổi dậy (Wikipedia có một danh sách dài những vụ này) và hầu như lúc nào họ cũng bị đàn áp dã man.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1769-88) đã thành công một thời gian. Cùng với nhiều cuộc nổi dậy ngắn ngủi của nông dân chống lại các doanh nghiệp thuộc địa Pháp trong nửa đầu thế kỷ 20 được lưu danh trong sách lịch sử trung học.

Ở Việt Nam ngày nay, những cuộc biểu tình phản đối bất công của nông dân là chuyện thường. Ông Lê Đình Kình dường như đã tự thuyết phục mình cũng như các con trai, bạn bè và những người hàng xóm rằng công lý - mà không phải luật - đứng về phía họ đã nhận hậu quả bi thảm.

Một ngày nào đó, ông Kình và những người như ông cũng có thể được tưởng nhớ.

David Brown

Nguyên tác : Vietnam's Dong Tam Incident : the Curtain Falls, Asia Sentinel, 14/09/2020

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 16/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, Lâm Viên, David Brown,
Read 581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)