Tư hữu hóa đất đai sẽ rất phức tạp ?
Hà Nguyên, VNTB, 18/09/2020
Với người nông dân thời nào cũng vậy, đất đai luôn gắn bó như máu thịt. Bỗng vào một ngày xấu trời, tự dưng đất đai đó được dán bảng "quy hoạch", vậy là người nông dân bị mất đất - dù họ có nhận khoản tiền gọi là "đền bù giải tỏa".
Thích thì nhân danh quyền lực Nhà nước, người ta sẽ ‘vẽ’ ra dự án để chiếm đất của người dân với mỹ từ là "đền bù giải tỏa". Chuyện tùy tiện ấy dường như chỉ xảy ra đối với những quốc gia theo chế độ công hữu về đất đai.
Người viết bài này thử làm một khảo sát nho nhỏ, với câu hỏi chung : Có nên tư hữu hóa đất đai kể từ nhiệm kỳ mới sắp tới của Đảng ?
Dưới đây là một số ý kiến ghi nhận :
- "Muốn tư hữu hóa thì phải có một quy hoạch tổng thể thống nhất và xây dựng các chế định hoàn thiện bảo vệ cho quy hoạch đó. Ở Việt Nam mình, quy hoạch thay đổi xềnh xệch, quy hoạch treo lơ lửng, quy hoạch manh mún,… sao dám tư hữu.
Tôi nghĩ không cần quan tâm đến ai sở hữu ; vì dù ai sở hữu thì đó cũng trong lãnh thổ Việt Nam chứ không mang ra ngoài lãnh thổ được. Quan trọng là cơ chế đảm bảo cho việc sử dụng, sở hữu nó mà thôi".
- "Theo tôi, hình thức sở hữu đất đai không quyết định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cũng như trước đây chúng ta thay đổi từ nền kinh tế tự cung tự cấp (bao cấp) sang nền kinh tế thị trường vậy.
Hiện tại, việc sở hữu toàn dân đang là tiền đề cho quá nhiều phức tạp trong quản lý sử dụng đất, dễ thấy nhất là tình trạng quy hoạch treo mà người dân ẵm đủ ; đây cũng là một trong những nguyên nhân kiềm chế hiệu quả sử dụng đất, qua đó tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế".
- "Sở hữu tư là nền tảng cơ sở của chủ nghĩa tư bản - khuyến khích làm giàu cho cá nhân dựa trên các tài sản mà cá nhân sở hữu thông qua việc sử dụng, phát triển, trao đổi tài sản. Sở hữu toàn dân là chẳng ông dân nào thực sự sở hữu cả nên việc quản lý, sử dụng nó để đem lại lợi ích cho toàn dân là cả một vấn đề mà mấy chục năm qua nhà nước giải mãi mà chẳng ra nên cứ như con kiến lại leo cành đa…".
- "Tư hữu và công hữu khác nhau trước hết ở chủ thể có quyền sở hữu. Việc thay đổi chủ thể có quyền sở hữu sẽ đưa tới thay đổi chủ thể có quyền định đoạt.
Ở đây hiện đang là Nhà nước có quyền định đoạt việc sử dụng đất đai, thích thu hồi là thu hồi, khi gặp ngăn cản việc thu hồi thì Nhà nước sẽ gọi đó là chống đối nhà nước, vậy là Nhà nước sẽ thực hiện quyền cưỡng chế.
Nếu thay đổi chủ thể có quyền định đoạt, với việc dân có quyền định đoạt việc sử dụng đất đai, thì tất yếu Nhà nước muốn thu hồi phải được sự đồng ý của dân, tất nhiên trừ những trường hợp vì lợi ích chung. Dân không muốn cho Nhà nước sử dụng, thì Nhà nước muốn cưỡng chế cũng không được. Khi ấy không còn cơ hội cho những nhóm lợi ích thâu tóm đất đai để chiếm lợi về mình.
Còn các lý do như :
1. Thay đổi chế độ sở hữu =>> Thay đổi pháp luật phức tạp =>> Lý do này vớ vẩn, hệ thống pháp luật của nước ta luôn luôn thay đổi, 20 năm trước cũng thay đổi lại toàn bộ và đất nước tiến lên =>> Vậy cớ gì thay đổi pháp luật thì dân nghèo nước yếu !?
2. Thay đổi chế độ sở hữu =>> hỏng chế độ xã hội chủ nghĩa =>> Lý do này càng vớ vẩn, chế độ xã hội chủ nghĩa đơn giản là có đặc điểm là kỹ thuật tiên tiến, khoa học phát triển, dân trí cao, con người công bằng bình đẳng với nhau… còn cái công hữu tư liệu sản xuất nó là sang tận chủ nghĩa cộng sản rồi.
3. Thay đổi chế độ sở hữu =>> thay đổi hệ thống hành chính =>> Nhà nước là của dân thì thành lập, thay đổi hay tiêu diệt nó đều là quyền của dân, không phải quyền của nhà nước".
Người viết xin tạm kết vấn đề ở đây bằng một giải pháp trung dung :
"Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực chất quan hệ đất đai ở Việt Nam. Tốt nhất là gọi tên chế độ sở hữu đất đai, một chế độ sở hữu đặc biệt, như thông lệ trên thế giới, phù hợp hơn với nhu cầu thực tế phát triển, tạo cơ hội làm giảm nguy cơ tham nhũng trong bộ máy quản lý đất đai.
Chúng ta cần chấp nhận sở hữu tư nhân về đất đai, thiết lập chế độ đa sở hữu về đất đai gồm cả sở hữu nhà nước, sở hữu chung, sở hữu tập thể và sở hữu của tất cả các thành phần kinh tế gồm cả sở hữu tư nhân. Ngoài những ý nghĩa đối với kinh tế, xã hội, nhân văn trong nước, đa sở hữu về đất đai còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế của nước ta".
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 18/09/2020
********************
Sai phạm của lãnh đạo trong các vụ án liên quan đất đai : hệ lụy của ông chủ nhà nước ?
Đức Minh, VNTB, 17/09/2020
"Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
Ông Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và 4 đồng phạm trong vụ án giao, cho thuê đất ‘vàng’ ở địa chỉ 8-12 Lê Duẩn, quận 1, được gọi là trái quy định của pháp luật.
Điều 53, Hiến pháp 2013 có quy định như trên. Chính điều này đưa đến hệ lụy lúc "sa cơ thất thế", có khá nhiều "ông chủ nhà nước" phải ra tòa hình sự vì đã thể hiện quyền "chủ sở hữu" để làm lợi cho phe nhóm quyền lực nào đó.
Từ sau tháng 4/1975, Việt Nam không còn cảnh cứ lâu lâu báo chí lại đưa tin về đâu đó xảy ra "đảo chánh". Thế nhưng nội dung tương tự với "đảo chánh" thì vẫn tiếp diễn suốt trong 45 năm qua, bằng cách này hay cách khác mang tên "quyền lực nhóm".
Hôm 16/9/2020, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử ông Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và 4 đồng phạm trong vụ án giao, cho thuê đất ‘vàng’ ở địa chỉ 8-12 Lê Duẩn, quận 1, được gọi là trái quy định của pháp luật.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Tài, bà Lê Thị Thanh Thúy (chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoa Tháng Năm), ông Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường), ông Nguyễn Hoài Nam (cựu bí thư Quận ủy quận 2), ông Trương Văn Út (cựu trưởng phòng quản lý đất Sở Tài nguyên và môi trường) bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng, khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 là công sản. Trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp, xử lý khu đất này, bà Thúy đã dùng quan hệ tình cảm tác động đến ông Tài – lúc đó đang là phó chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh – để ông Tài ký nhiều văn bản, và chỉ đạo cấp dưới cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn, giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp dụng 2 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng dự án.
Từ đó dẫn đến thay đổi quyền sở hữu khu đất 8-12 Lê Duẩn từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, lãng phí 1.927 tỉ đồng. Trong vụ án này, ông Tài chỉ đạo, ký nhiều văn bản trái quy định gây thiệt hại nên chịu trách nhiệm chính.
Với tóm lược kể trên từ cáo trạng, có thể thấy ngay vai trò gọi là "chịu trách nhiệm chính" ở đây của ông Nguyễn Thành Tài là khó thuyết phục.
Ông Nguyễn Thành Tài là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa 8, nhiệm kỳ 2005-2010, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2010 – 2012, ông là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, giả dụ sự thật nếu đúng như các cáo buộc việc ‘biến’ khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, quận 1 từ sở hữu Nhà nước sang tư nhân là do quan hệ tình cảm riêng tư cá nhân của ông phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài, là đã xem thường vai trò các cơ quan chuyên trách của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong mọi công việc, câu quen thuộc "Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" về đất đai có nghĩa đúng là, cơ quan Đảng tại địa phương thông qua tổ chức quản lý hành chánh UBND tỉnh, thành để làm công tác quản lý, còn vai trò "chủ sở hữu" cụ thể luôn thuộc về Ban Chấp hành Đảng bộ, và quyền lực cao nhất là Bí thư Thành ủy/ Tỉnh ủy.
Cá nhân ông phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài dù có tình cảm đến đâu đi nữa với bà Lê Thị Thanh Thúy, thì ông ấy cũng không thể "vượt mặt" những "bề trên" của Đảng ở Thành ủy để ký những hợp đồng bạc ngàn tỉ về đất đai.
Tại tòa, ông Nguyễn Thành Tài xác nhận mình không có tài sản nào để kê biên.
Liệu ông Nguyễn Thành Tài có phải là "con ma chết thay", khi mà những phe nhóm quyền lực đang tranh giành nhau trong thể hiện vai trò "đại diện chủ sở hữu về đất đai"?
Đức Minh
Nguồn : VNTB, 17/09/2020
*********************
Đất đai ở Việt Nam cứ mỗi 5 năm lại đổi chủ một lần ?
Hoài Nguyễn, VNTB, 17/09/2020
Nếu không gì thay đổi, vào quý 1-2021, đất đai ở Việt Nam sẽ có những chủ nhân ông mới.
Ông chủ mới đó tương ứng với nhiệm kỳ mới của đảng chính trị. Sở dĩ gọi là "ông chủ mới" vì ở Việt Nam đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Hiến pháp 2013, Điều 4.1 nói rằng đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Xâu chuỗi các ràng buộc đó, cho thấy vị địa chủ lớn nhất nước, không ai khác chính là những cá nhân quyền lực tối cao ở Bộ Chính trị.
"Sở hữu toàn dân về đất đai đâu phải có nghĩa là bất kỳ một m2 đất nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng là của chung, của hơn 95 triệu người dân Việt Nam ?" - không ít ý kiến thắc mắc về ý nghĩa câu chữ. Thực tế cho thấy hàng triệu thửa đất trên cả nước về danh nghĩa thuộc sở hữu toàn dân, song hơn 95 triệu dân trong nước không thể thực hiện được một cách tập thể các quyền của chủ sở hữu, họ không thể cùng định đoạt và cùng hưởng lợi.
Hệ lụy tất yếu của thắc mắc vừa kể ở trên, là chuyện quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu là không chuẩn về mặt khái niệm. Vì không rõ toàn dân là ai, những ai có quyền nhân danh Nhà nước để nắm quyền sở hữu đó. Do vậy, trong thực tế, quyền sở hữu này trở nên mù mờ và rất dễ bị lạm dụng.
Nói một cách bóng bẩy văn chương, thì đúng chăng, quyền sở hữu toàn dân là một thứ hư quyền, là chẳng phải của ai cả. Trong khi đó, về lý thuyết, người dân chỉ có quyền sử dụng đất. Đó là một thứ quyền rất mỏng manh.
Thế nhưng nếu "nói chẳng phải của ai cả" thì cũng trật, bởi khi còn danh nghĩa sở hữu toàn dân, thì trên mỗi mảnh đất luôn có hai ông chủ : Một ông chủ Nhà nước có quyền sở hữu về nguyên tắc, nhưng rất chung chung. Một ông chủ thực sự là người dân hay tổ chức nhưng chỉ có quyền sử dụng đất, tuy nhiên quyền này trên thực tế lại rộng gần bằng quyền sở hữu. Song một khi ông chủ Nhà nước phô bày sức mạnh kiểu "bá đạo" như ở Thủ Thiêm trước đây, ở Đồng Tâm vừa mới xét xử phiên hình sự sơ thẩm, thì trên thực tế ông chủ Nhà nước vẫn là ông chủ quyền lực duy nhất.
Sử dụng cụm từ "sức mạnh bá đạo" như nhận xét ở đoạn trên, là xuất phát thực tế cho thấy ở nhiều vùng, người dân định cư lâu đời, họ coi đất đai của gia đình là do tổ tiên, ông cha khai phá và sở hữu hàng trăm năm trước để lại cho họ. Do vậy, dù có quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, thì trong lòng người nông dân họ cũng không nghĩ như vậy. Mặt khác trên thực tế, ngay cả với danh nghĩa Nhà nước thay mặt toàn dân sở hữu đất đai thì sau khi Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất, Nhà nước cũng không còn giữ quyền định đoạt hoàn toàn đối với phần đất đó nữa.
"Về mặt pháp lý, hiện người dân chỉ có quyền sử dụng đất thôi. Chúng ta không nói mua bán đất đai, mà nói rằng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng bản chất là việc mua bán đất đai. Đó là một cách nói tránh, làm cho vấn đề hóa ra phức tạp" - một giảng viên của Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét, và ông cho rằng tất cả điều đó đã tạo nên những khái niệm "giả vờ" như quyền sử dụng đất là tài sản của người sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất…
Cụng theo vị giảng viên đại học, rất có thể trong nhiệm kỳ mới của Đảng, khi bàn về chuyện sửa đổi luật về quyền sở hữu đất đai, rồi sẽ lại có những văn bản nghị quyết có nội dung còn "xưa hơn Diễm" :
"Việt Nam đã trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, phải kiên trì giành từng tấc đất mới có được ngày hôm nay. Chế độ đất đai của chúng ta qua nhiều thời kỳ khác nhau nên có thể nói tư hữu hóa đất đai hoặc nhiều hình thức sở hữu đất đai sẽ nảy sinh những phức tạp về chính trị, xã hội.
Ở đây không chỉ nằm ở vấn đề sở hữu, mà cốt lõi là quy định quyền của người chủ sở hữu đất thay mặt cho toàn dân trong sở hữu đất, cũng như quyền của người dân được giao quyền sở hữu đất như quyền sở hữu tài sản.
Nếu đất đai tư nhân hóa chế độ sẽ thay đổi, vì đất đai là tư liệu sản xuất là tài sản lớn nhất của giai cấp, của toàn dân. Nhà nước là người đại diện nắm dữ, đây cũng là một trong những điều cơ bản thể hiện bản chất của chế độ nhà nước. Nếu đa sở hữu, tư nhân hóa về sở hữu đất đai thì liệu con đường xã hội chủ nghĩa sẽ tồn tại tiếp tục phát triển hay không ?"…
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 17/09/2020
***********************
Hộ hôn điền thổ, vạn cổ chi thù
Lynn Huỳnh, VNTB, 17/09/2020
Hộ hôn điền thổ, vạn cổ chi thù. Các cụ nói không sai bao giờ. Chuyện nhà cửa, hôn nhân, ruộng đất dễ gây ra oán thù muôn đời.
Tam đại họ Lê Đình thôn Hoành đã bị triệt hạ nặng nề với 1 cái chết, 2 án tử hình và 1 án chung thân. Chính quyền nghĩ rằng đây sẽ là lời cảnh cáo răn đe nặng ký cho bất kỳ sự phản kháng, hoặc khiếu kiện đất đai nào kể từ sau vụ Đồng Tâm.
Cưỡng chế đất đai từ lâu đã được hợp pháp hóa bằng quy định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý", nay sẽ tiếp tục và sẽ không có gì thay đổi, một khi đất đai vẫn là con gà đẻ trứng vàng. Và cuộc đấu tranh giữ đất sẽ gay go quyết liệt hơn với nhiều máu và nước mắt hơn, khi quyền sở hữu tư nhân về đất đai chưa được công nhận.
Mà đâu chỉ là chuyện của ông chủ lớn nhà nước.
Phóng viên pháp đình quen thuộc với dạng án sau đây thời tấc đất đến mấy tấc vàng bốn số 9 SJC.
Chuyện kể, khi ra đi, nhà cửa đã cho anh con trai trưởng, vả lại, không muốn làm phiền con cháu, nên ông bà mua một rẻo đất ở rìa làng, dựng nhà sống nốt những ngày cuối đời. Ngày đó, "tấc đất" chỉ đáng như hạt cát, chứ chưa to như "tấc vàng" bây giờ, anh em, con cháu, xóm làng sống với nhau hòa thuận…
Rồi một ngày, lão Hạ về với tiên tổ, vợ lão chuyển về sống với con trai. "Túp lều lý tưởng" được nhượng lại cho hàng xóm. Bẵng đi một thời gian, rẻo đất, túp lều kia dường như chẳng nằm trong "bộ nhớ" của dân làng Hạ.
Nhưng bữa nọ, cơn sốt đất như lũ quét tràn qua làng, nơi nơi, người người đổ xô đi hỏi mua đất. Rẻo đất và "túp lều lý tưởng" ngày xưa trở nên đáng giá ngàn vàng. Vì thế, anh em, xóm giềng "bán" luôn cả tình nghĩa "gà cùng một mẹ", "tối lửa tắt đèn có nhau"… Bọn cò quặm thấy lợi cũng nhảy vào hôi của : nào là vấn đề thừa kế, nào là mua bán phải có chính quyền xác nhận, nào là, nào là…
Thế là, từ đấu tranh bằng "võ mồm" chuyển sang "võ trang", kết hợp cả "quân sự" lẫn "công lý"… Thề quyết "trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què", tan vỡ tình làng nghĩa xóm, huynh đệ trở mặt.
Đó là chuyện của thân phận "ông chủ nhân dân", còn với "đày tớ Nhà nước" - thì đại diện cho cái gọi là quyền lực của ông chủ lớn dưới màu áo Đảng, trong một dịp hàn huyên thân tình giữa anh em họ hàng quê nhà, ông Lê Minh Hoan - Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ câu chuyện "hộ hôn điền thổ, vạn cổ chi thù" tầm vĩ mô, đại khái như sau :
Đối với người nông dân thì điền thổ cực kỳ quan trọng vì đất đai vừa là tư liệu sản xuất, vừa là một phần gia sản để lại cho con, cho cháu. Cũng vì vậy mà chuyện hạn điền, chuyện tích tụ ruộng đất đã được "nâng lên, đặt xuống" bao nhiêu năm trời.
Khi bàn chuyện sửa đổi Hiến pháp cũng được thảo luận sôi nổi. Khi bàn sửa đổi Luật Đất đai lại được "đưa ra" rồi "rút lại" cũng bởi nó quan trọng, nó liên quan đến sinh kế, sinh hoạt hàng ngày của hàng chục triệu nông dân trên mảnh đất hình chữ S này.
Lâu lâu, vấn đề này lại được xới lên trên các diễn đàn bàn về cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong nghị trường Quốc hội, nhiều bận ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem chuyện mở rộng hạn điền để hướng tới tích tụ ruộng đất như là một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Có vị chuyên gia còn xem đó như một "khoán 10", "khoán 100" mới, là cứu cánh duy nhất để vực dậy và mở ra cơ hội đổi mới ngành nông nghiệp.
"Vậy đó, giờ là lúc nông nghiệp xứ mình đứng trước ngã ba đường. Hoặc là, chúng ta tiếp tục giữ tư duy cố hữu "người cày thì phải có ruộng" - mặc dù hệ lụy của nó là đất đai ngày càng manh mún, nông dân ngày càng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, để rồi cái bẫy "sản xuất nhỏ" làm cho nông sản chẳng sớm thì muộn cũng sẽ thua ngay trên "sân nhà". Hoặc là, phải nhanh chóng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản xuất hàng hoá để nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong một thị trường hội nhập sâu rộng" - Bí thư Lê Minh Hoan nói.
Thế nhưng câu chuyện tưởng chừng đơn giản, con đường phải đi tưởng chừng dễ dàng đạt được sự đồng thuận cao nhưng đến nay vẫn còn lửng lờ. Điều đó đủ biết những rào cản, những sự giằng xé trong thay đổi tư duy phức tạp biết đến mức nào.
Mà cũng phải thôi, ở đất nước rộng lớn, lịch sử hình thành đất đai khác nhau, hàng chục triệu nông dân chắc chắn cũng có những đặc điểm riêng, hoàn cảnh riêng, nhu cầu riêng, mong muốn riêng. Và chắc là, do những cái riêng như vậy nên luôn có những cuộc tranh luận triền miên, hết cuộc hội thảo này đến cuộc hội nghị kia, từ diễn đàn nhỏ đến diễn đàn lớn…
Có lẽ những bị kịch của "điền thổ - vạn cổ chi thù" giữa người dân và chính quyền của các phiên bản Đồng Tâm sẽ chưa thể dừng lại khi mà quyền sở hữu tư nhân về đất đai chưa được công nhận - bao gồm cả chính sách hạn điền trong sản xuất nông nghiệp.
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 17/09/2020