Đông Á : Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Đài Loan
Tú Anh, RFI, 17/09/2020
Lần đầu tiên từ 40 năm nay, một nhà ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ thăm Đài Loan, thể hiện chiến lược của Washington thách đố Bắc Kinh và chính sách bao vây hải đảo. Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp chống "Trung Quốc xâm lược".
Keith Krach, thứ trưởng (đứng hàng thứ ba trong Bộ Ngoại giao Mỹ) đặc trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, công du Đài Loan ba ngày kể từ thứ Năm 17/09/2020 để tham dự buổi lễ tưởng niệm cố tổng thống Lý Đăng Huy, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Phát ngôn viên Morgan Ortagus cho biết thêm "Hoa Kỳ tôn vinh di sản của tổng thống Lý Đăng Huy bằng cách tiếp tục mối quan hệ chặt chẽ với Đài Loan và nền dân chủ năng động qua các giá trị chung về chính trị và kinh tế".
Lý Đăng Huy là tổng thống đầu tiên Trung Hoa Dân Quốc, quốc hiệu chính thức của Đài Loan, được bầu một cách dân chủ vào năm 1988.
Cùng đi với ông Keith Krach còn có trợ lý ngoại trưởng phụ trách Dân chủ, Nhân Quyền và Lao Động, Robert Destro.Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, hai bên sẽ thảo luận về các biện pháp củng cố hợp tác kinh tế song phương.
Chuyến thăm viếng này này, lần thứ hai trong vòng hai tháng của một quan chức cao cấp Mỹ, sau bộ trưởng Y tế Axel Azar, có nguy cơ làm Bắc Kinh nổi giận. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "cực lực chống lại mọi hành động khuyến khích thái độ ngạo mạn của thế lực đòi độc lập", theo Reuters.
Hôm thứ Tư, đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Kelly Craft, cho biết có một buổi ăn tối với đại diện cao cấp nhất của Đài Loan tại New York, James K.J Lee, giám đốc Văn phòng Kinh Tế, Văn Hóa Đài Loan.
Theo nhận định của AP, các động thái siết chặt quan hệ với Đài Loan được cả lập pháp Mỹ ủng hộ và cũng là một cách để hành pháp Mỹ thách thức những đe dọa của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đài Bắc kêu gọi thành lập Liên minh quốc tế chống Trung Quốc
Vài giờ trước khi phái đoàn ngoại giao Mỹ đến Đài Bắc, ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng "liên minh với Đài Loan chống Trung Quốc bá quyền". Trong một bài phỏng vấn dài được các hãng truyền thông quốc tế loan tải (FR24 News, Asean Post và AFP) ngoại trưởng Đài Loan cho biết Đài Loan là "tuyến đầu chống Trung Quốc". Trong những ngày gần đây, vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan bị máy bay Hoa lục xâm phạm hơn 30 lần.
Hôm nay, bộ Quốc Phòng Đài Loan tố cáo hai máy bay săn tàu ngầm của Trung Quốc áp sát vùng nhận dạng phòng không của hải đảo trước khi bị chiến đấu cơ Đài Loan cảnh báo phải bay đi.
Tú Anh
**********************
Tân Cương : Trung Quốc sẵn sàng đón tiếp các quan sát viên Châu Âu
Thanh Phương, RFI, 16/09/2020
Hôm 15/09/2020, Trung Quốc tuyên bố "sẵn sàng" đón tiếp các quan sát viên độc lập đến vùng Tân Cương, một ngày sau khi Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu được đến vùng mà Bắc Kinh bị tố cáo đang giam giữ hàng loạt những người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo.
Theo các tổ chức nhân quyền và Hoa Kỳ, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam trong các "trại tập trung" ở Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc, nơi mà Bắc Kinh đang gia tăng đàn áp, viện cớ chống khủng bố.
Trung Quốc vẫn khẳng định các trại đó chỉ là các "trung tâm dạy nghề", để giúp người dân Tân Cương tìm được việc làm và không bị lôi kéo vào các tổ chức tôn giáo cực đoan. Nhưng quốc tế, đứng đầu là Hoa Kỳ, không ngừng gia tăng áp lực với Bắc Kinh trong hồ sơ này. Hôm thứ Hai vừa qua, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã đề nghị với Trung Quốc chấp nhận để "các quan sát viên độc lập" đến Tân Cương quan sát tình hình tại chỗ.
Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) tuyên bố : "Trung Quốc chấp nhận đề nghị này và sẵn sàng tiến hành những chuẩn bị cần thiết. Trái bóng từ nay nằm bên phía Liên Hiệp Châu Âu".
Bắc Kinh đã từng bác bỏ những đề nghị trước đó của quốc tế về việc cho phép tự do đi vào vùng Tân Cương. Tuy nhiên, trong phát biểu hôm qua, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nói rõ là các quan sát viên của Liên Hiệp Châu Âu sẽ đến thăm vùng Tân Cương trong điều kiện như thế nào. Ông Vương Văn Bân nhấn mạnh "Trung Quốc chống lại mọi cuộc điều tra dựa trên một sự suy đoán có tội", tức là không chấp nhận cho các quan sát viên đến để điều tra dựa trên những cáo buộc mà Bắc Kinh cho là "dối trá".
Thanh Phương
*************************
Mỹ truy tố nhóm tin tặc người Trung Quốc
VOA, 17/09/2020
Ngày 16/9, Bộ Tư pháp Mỹ loan báo đã truy tố 5 cư dân gốc Trung Quốc và 2 doanh nhân Malaysia trong một nỗ lực tin tặc rộng lớn nhắm mục tiêu từ các trò chơi điện tử đến các nhà hoạt động vì dân chủ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Jeffrey Rosen cho biết Bộ đã truy tố 5 cư dân gốc Trung Quốc và 2 doanh nhân Malaysia về tội tin tặc.
Các công tố viên liên bang cho hay 5 công dân Trung Quốc này bị truy tố vì xâm nhập hơn 100 công ty tại Mỹ và nước ngoài, kể cả các công ty phát triển phần mềm, sản xuất máy vi tính, cung cấp viễn thông, công ty trò chơi điện tử, các tổ chức bất vụ lợi, trường đại học, cơ quan nghiên cứu cũng như chính phủ nước ngoài, chính trị gia và những nhân vật xã hội dân sự tại Hong Kong.
Các giới chức không nói những tin tặc bị cáo buộc làm việc nhân danh Bắc Kinh nhưng trong một tuyên bố, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Jeffrey Rosen bày tỏ bất bình với nhà cầm quyền Trung Quốc, nói rằng ít nhất họ cũng đã làm ngơ đối với gián điệp trên mạng.
"Chúng tôi biết nhà chức trách Trung Quốc ít nhất có khả năng cũng như nhà cầm quyền thi hành luật pháp ở đây cũng như các nước có ý thức thi hành luật pháp chống lại việc xâm nhập máy vi tính", ông Rosen nói. "Nhưng họ không làm".
Ông tố cáo thêm là một trong những bị cáo Trung Quốc đã khoe với đồng nghiệp là ông ta "rất gần gũi" với Bộ Công an Trung Quốc và sẽ được bảo vệ "trừ phi có chuyện gì rất lớn xảy ra".
"Không một chính phủ có trách nhiệm nào che chở cho những tội phạm trên mạng nhắm vào các nạn nhân trên toàn thế giới trong các hành động đánh cắp", ông Rosen nói.
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không trả lời email yêu cầu bình luận.
Bắc Kinh liên tục bác bỏ trách nhiệm tin tặc khi đối mặt với những truy tố ngày càng tăng của nhà chức trách Mỹ.
Cùng với cáo buộc tin tặc, các công tố viên Mỹ cũng truy tố hai doanh nhân Malaysia là Wong Ong Hua, 46 tuổi, và Ling Yang Ching, 32 tuổi, bị cáo buộc đồng lõa với hai trong số những gián điệp kỹ thuật số người Trung Quốc vừa kể, hưởng lợi từ việc xâm nhập máy vi tính nhắm vào các công ty trò chơi video tại Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Hàn Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ nói hai người này hoạt động thông qua một công ty Malaysia có tên SEA Gamer Mall.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách An ninh Quốc gia John Demers ngày 16/9 nói các bị cáo Malaysia bị bắt giữ nhưng có phần chắc họ sẽ chống lại việc trục xuất.
Bộ Tư pháp nói đã có được trát lục soát trong tháng này đưa đến kết quả là tịch thu được hàng trăm tài khoản, máy chủ, tên miền và những trang mạng "làm nơi trao tin" của những nghi can tin tặc để giúp rút dữ liệu từ các nạn nhân.
Bộ nói Công ty Microsoft đã phát triển các biện pháp để ngăn chặn tin tặc và những hành động của công ty là "một phần đáng kể" trong tổng thể nỗ lực của Mỹ để vô hiệu hóa tin tặc. Microsoft chưa trả lời yêu cầu bình luận về tin này.
Theo Reuters
********************
Hong Kong phản đối Mỹ yêu cầu dán nhãn mác ‘Made in China’
VOA, 16/09/2020
Chính quyền Hong Kong đã chính thức phản đối yêu cầu của Hoa Kỳ về việc phải dán nhãn mác "Made in China" [Sản xuất tại Trung Quốc] lên các hàng hóa xuất khẩu từ đặc khu này, Reuters đưa tin hôm 16/9, dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Edward Yau.
Sản phẩm với nhãn mác "Made in Hong Kong".
Bước đi công bố tháng trước của Washington tiếp sau việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới lên Hong Kong, dẫn tới quyết định của Washington, chấm dứt việc đối xử đặc biệt dành cho Hong Kong.
Theo Reuters, ông Yau nói rằng động thái của Hoa Kỳ "trái với các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và vi phạm quyền của chúng tôi trong vai trò một khu vực hải quan riêng biệt".
"Chúng tôi là một thành viên độc lập của WTO", ông Yau nói tiếp.
Theo Reuters, hôm 15/9, Tổ chức Thương mại Thế giới nói rằng Hoa Kỳ đã vi phạm các luật lệ thương mại toàn cầu khi áp thuế nhiều tỷ đôla với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.