Tranh luận tổng thống : Ai thắng, ai thua ?
Nhã Duy, 30/09/2020
Nếu nước Mỹ còn sót lại chút danh dự, thanh danh và quyền lực rệu rã nào đó của một quốc gia từng được xem là siêu cường số một trong mắt thế giới thì cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa tổng thống Donald Trump và cựu phó tổng thống Joe Biden đêm thứ Ba vừa qua đã giật sập tất cả. Có thể là nụ cười hả hê, thương hại hay bỡn cợt về nước Mỹ. Còn với người dân Mỹ, nó là một sự xấu hổ cho những ai còn chút lương tri và lý trí để đánh giá và nhìn nhận.
Cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa tổng thống Donald Trump và cựu phó tổng thống Joe Biden đêm thứ Ba vừa qua đã giật sập tất cả chút danh dự, thanh danh và quyền lực rệu rã nào đó của một quốc gia từng được xem là siêu cường số một trong mắt thế giới
Gần bốn năm qua, tổng thống Donald Trump đã cho thế giới và người dân Mỹ thấy được một người đứng đầu quốc gia là như thế nào. Nhưng chân dung của một tổng thống trong vai người tranh luận đêm qua đã phô bày tất cả hiện trạng nước Mỹ : hỗn loạn, thô bạo, bất chấp luật lệ và đầy những dối trá.
Ba phần tư người theo dõi cuộc tranh luận cho biết họ xem để biết ứng viên mà mình ủng hộ sẽ tranh luận thế nào và chỉ 6% cho biết họ theo dõi cuộc tranh luận để quyết định lá phiếu còn phân vân do dự của mình, theo như một thăm dò của CBS. Dù với lý do gì, có lẽ cũng ít ai ngờ được họ sẽ phải chứng kiến một cuộc tranh luận tổng thống chưa bao giờ tệ hại và tạo ra nhiều trạng thái cảm xúc cho người xem đến vậy.
Người dân mong đợi ít ra trước mặt công chúng và tất nhiên cả thế giới, cuộc tranh luận giữa một tổng thống và người có khả năng trở thành tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sắp tới, sẽ biện luận các vấn đề quốc gia trong tư cách và phong cách những người đứng đầu quốc gia. Nhưng họ đã thất vọng. Bởi cuộc tranh luận đã trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa, tấn công, cắt lời, mạt sát không nhân nhượng ngay từ những phút đầu tiên.
Và những ai theo dõi cuộc tranh luận ắt cũng thấy được : Donald Trump là người đã cố tình đưa cuộc tranh luận vào sự hỗn loạn này. Như chính ông đã đưa nước Mỹ đến tình trạng báo động hiện nay.
Chris Wallace, ký giả kỳ cựu của Fox News cho biết trước cuộc tranh luận rằng, ông sẽ cố là một điều hợp viên "vô hình" trong vai trò dẫn dắt cuộc tranh luận để người xem chỉ nghe và thấy rõ chân dung của hai ứng viên. Nhưng Wallace không thể làm người vô hình, ông đã phải vất vả cắt lời Trump, nhắc nhở luật lệ cuộc tranh luận đã được cả hai ban tranh cử đồng ý. Rồi lại tái nhắc nhở… suốt gần 100 phút đồng hồ.
Bởi Trump liên tục phá luật, cắt lời Biden, cắt lời người điều hợp, chưa đợi đối phương kết thúc hai phút trình bày của mình. Hơn 70 lần, theo các đài truyền hình thống kê. Ngay từ đầu và tái diễn nhiều lần đến độ Wallace phải lặp lại đôi lần, "Thưa tổng thống, tôi là người điều hợp, xin ngài để tôi hỏi rồi hẳn trả lời". Và cũng chính Trump cũng tự nhận ra khi nói rằng, "Tôi đến đây để tranh luận với anh ta (Biden) chứ không phải với ông" để tự ngừng việc muốn tranh luận cả với điều hợp viên.
Có thể là sự hung dữ, lỗ mãng thường lệ hay bởi vì là một "chiến binh", như lời con trai ông là Eric Trump giải thích về thái độ cha mình ngay sau cuộc tranh luận, điều ắt đang được người ủng hộ Trump tung hê, thích thú ngoài kia. Nhưng cũng có thể đó là chiến thuật đầy tính toán nhằm cắt ngang mạch suy nghĩ của Biden, đặc biệt với những điều quan trọng mà Biden đang hay muốn trình bày nhằm lái sang chuyện khác khi bị hỏi về những điều Trump muốn né tránh.
Chính vì vậy người xem dường như chẳng nghe được gì nhiều những thông tin, chính sách, đường hướng, giải pháp cho cuộc khủng hoảng quốc gia. Từ đề tài Tối Cao Pháp Viện, đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, sự bất ổn xã hội. Bởi những điều Trump nói là lặp lại những gì đầy dối trá mà người dân đã biết, đã từng nghe ông bao biện. Và Biden thì không có cơ hội để trình bày trọn vẹn những điều cần nói do thái độ này của Trump.
Câu chuyện thời sự về hồ sơ thuế thu nhập mà tờ New York Times công bố cuối tuần qua được nhiều người mong đợi câu trả lời từ Trump, cũng đã được Chris Wallace đặt ra. Không trả lời thẳng câu hỏi của Wallace và cũng không lên án New York Times là "fake news" như thường lệ, Trump lập lờ rằng có đóng "hàng triệu đô la". Rồi nói thêm, "Đó là (theo) luật lệ thuế vụ. Tôi không muốn trả thuế. Trước khi ở vị trí này, tôi là chủ tư nhân, là người kinh doanh tư nhân. Như mọi người tư nhân khác, trừ khi là đồ ngu, còn thì họ cứ làm theo luật mà thôi. Và nó là vậy". Vâng ! Chính Trump đã một lần nữa tự thú nhận trước người dân, chỉ có "kẻ ngu" mới không lách luật, né thuế trong vai trò người đứng đầu quốc gia đang hô hào "luật pháp và trật tự". Nó cho lý do để những kẻ ngoài kia hãnh diện về sự gian manh, tham lam của mình.
Nhưng hơn hết, Trump né tránh khi được hỏi về việc có sẳn sàng lên án những nhóm da trắng tối thượng cực hữu hay không, cũng như không cam kết sẽ chuyển giao quyền lực trong ôn hòa nếu thua cuộc. Bị Joe Biden thách thức lên án "Proud Boys", một nhóm bị xem là nhóm thù hận, đã gây ra các cuộc đụng độ với người biểu tình tại Porland thì Trump chỉ nói "Proud Boys, lui lại và phòng bị" (stand back and stand by). Nếu hiểu theo ngôn ngữ "chiến binh" của Trump thì đó là lời hiệu triệu "lui binh và trực chiến". Trực chiến sẳn sàng bảo vệ tổng thống và những người da trắng mang tinh thần thượng đẳng, kỳ thị và bài ngoại ? Nó là cơ hội cho những kẻ da màu đang còn ủng hộ Trump thấy được họ không thuộc con thuyền của những kẻ thượng đẳng muốn tấn công bất cứ màu da nào khác mình. Nếu như họ còn đôi chút lý trí hay cảm nhận thông thường để hiểu và nhận biết điều này.
Dù điềm tĩnh và mạch lạc, đôi lúc sự tấn công của Trump cũng có làm Biden mất tự chủ, cuốn vào cảm xúc, như khi ông đang giận dữ nói về việc Trump sỉ nhục quân đội, rồi xúc động nhắc về người con trai đã qua đời cũng từng tham gia quân đội của mình. Và ông bị Trump lái sang tấn công cá nhân Hunter Biden, con trai ông để né câu chuyện.
Nhưng điều này cũng là cơ hội để Biden vô tình chứng tỏ tư chất một người lãnh đạo. Một cách chân thật và rất người. Như lòng thương cảm, sẻ chia đến những gia đình đã mất mát người thân vì Covid-19, không còn cơ hội hiện diện trong bữa cơm gia đình mà ông bày tỏ trước đó. Như cảnh vợ chồng ông ôm nhau đầy xúc động sau cuộc tranh luận.
Nhìn thẳng như bộc bạch cùng người dân đang theo dõi, ông nói, "Con trai tôi như nhiều người ngoài kia đã có vấn đề nghiện ngập và đã vượt qua, đã sửa chữa, đã giải quyết. Tôi hãnh diện về con trai tôi". Nhìn nhận vấn đề một cách thắng thắn và thành thật, không bao biện né tránh trước vấn đề. Nó là một phẩm cách đáng quý của bất cứ ai, không chỉ với người lãnh đạo. Điều mà Trump không có được qua việc đối phó và né tránh trách nhiệm trước dịch bịnh Covid-19 vừa qua.
Nếu Joe Biden nhìn thẳng vào ống kính truyền hình như đang nói chuyện với quốc dân đồng bào thì Donald Trump hầu như chỉ nhìn về Biden và người điều hợp để tranh cãi. Nó cho thấy phẩm cách của một trong hai người sẽ dẫn dắt quốc gia : Biden nhắm đến quốc gia và người dân còn Trump chỉ muốn làm người chiến thắng cho riêng mình… vì đó là Donald Trump.
Vậy rốt cuộc ai đã thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên này ?
Cả hai phe binh chống đều cho rằng ứng viên mà mình ủng hộ đã giành chiến thắng. Nó nằm sẳn trong đầu mỗi người từ trước khi cuộc tranh luận diễn ra đêm qua. Kiểu như hồi 2008, ban tranh cử đảng Cộng hòa đã vô tình tung ra clip ứng viên của mình đã thắng cuộc ngay trước khi cuộc tranh luận diễn ra trong một tai nạn bất cẩn đầy xấu hổ.
Nhận xét từ các hãng truyền thông cùng thăm dò người theo dõi cho biết Joe Biden đã thắng. Nhưng điều này không quan trọng. Bởi cuộc tranh luận này đã cho thấy rõ ràng rằng, nước Mỹ đã thua. Thua nặng nề và sâu đậm khi có một tổng thống như Donald Trump trong bốn năm qua. Và chắn chắn nó sẽ kết liễu thời đại vàng son của một đế chế nếu Donald Trump tái đắc cử thêm bốn năm.
Nhã Duy
(30/09/2020)
*************************
Trump, Biden đốp chát nảy lửa trong cuộc tranh luận đầu tiên
VOA, 30/09/2020
Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ Đảng Dân chủ, cựu phó Tổng thống Joe Biden, sắp sửa tranh luận vào tối ngày thứ Ba 29/9, năm tuần trước cuộc bầu cử 3/11. Đây là cuộc tranh luận đầu tiên trong 3 cuộc đối mặt tay đôi dự trù trong tháng tới.
Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cùng với người điều khiển Chris Wallace của Fox News trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên vào Thứ Ba, ngày 29 tháng 9 năm 2020, tại Đại học Case Western
Sự kiện tại thành phố Cleveland, Ohio, diễn ra trong lúc ông Biden vẫn giữ lợi thế 7 điểm (phần tram) so với ông Trump trong nhiều tuần thăm dò trên toàn quốc, đe dọa biến ông Trump thành tổng thống thứ ba trong bốn thập niên qua thất cử trong nhiệm kỳ thứ nhì tại Tòa Bạch Ốc.
Tuy nhiên cuộc chạy đua đang khít khao tại một số tiểu bang chiến trường quan trọng, nêu lên khả năng là ông Trump có thể lại thua phiếu phổ thông như hồi 2016 trước ứng viên Dân chủ Hillary Clinton, nhưng vẫn thắng phiếu cử tri đoàn của những tiểu bang rất quan trọng để tuyên bố thắng lợi.
Dự trù có khoảng 100 triệu người Mỹ xem hai đối thủ tranh cử Tổng thống đối đầu trong 90 phút trong một sự kiện được truyền hình và đưa lên mạng rộng rãi. Hai ứng viên Tổng thống sẽ trả lời những câu hỏi của nhà báo kênh Fox News Chris Wallace với khoảng 100 người chứng kiến trực tiếp. Cho đến nay hai ứng cử viên chưa bao giờ xuất hiện cùng nhau.
Ông Wallace nói ông sẽ đưa ra những câu hỏi về 6 đề tài, mỗi đề tài 15 phút : thành tích của ứng cử viên ; đại dịch virus corona đã giết chết hơn 204.000 người Mỹ nhiều nhất thế giới ; việc ông Trump đề cử thẩm phán bảo thủ Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện ; kinh tế Mỹ suy sụp vì đại dịch ; tính trung thực của cuộc bầu cử ; và vấn đề "chủng tộc và bạo động" tại các thành phố Mỹ.
Một đề tài cuối cùng quan trọng chắc chắn cũng là trọng tâm : tờ New York Times ngày 17/9 loan tin tỉ phú Trump chỉ trả 750 đôla tiền thuế liên bang trong năm 2016, năm ông tranh cử tổng thống và năm 2017 năm đầu tiên ông đảm nhận chức vụ.
---------------------
Ông Biden nói : "Tôi không ủng hộ Green New Deal. Tôi ủng hộ kế hoạch Biden".
Bị hỏi dồn về quan điểm của mình về biến đổi khí hậu, Tổng thống Trump thừa nhận hoạt động của con người có thể đóng góp "ở một mức độ nào đó" vào sự tăng nhiệt toàn cầu, trong khi liên tục nói về chuyện quản lý rừng và bênh vực các quyết định đảo ngược các biện pháp bảo vệ môi trường thời Obama.
Người điều khiển chương trình Chris Wallace nói với ông Trump khi ông liên tục ngắt lời ông Biden : "Ban vận động của ông đã đồng ý rằng cả hai bên sẽ được trả lời trong 2 phút mà không bị gián đoạn... tại sao ông không tuân thủ những gì ban vận động của ông đã đồng ý ?"
Ông Biden : "Ông ta không bao giờ giữ lời".
Ông Biden về lý do tại sao ông sẽ là tổng thống tốt hơn ông Trump : "Dưới thời tổng thống này, chúng ta trở nên yếu hơn, bệnh hoạn nhiều hơn, nghèo hơn, chia rẽ hơn và bạo lực hơn".
Khi được hỏi tại sao người Mỹ nên bỏ phiếu cho ông thay vì ông Biden, Tổng thống Trump nói : "Trước khi Covid xuất hiện, nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất. Mọi thứ đều tốt".
"Đúng, có sự bất công mang tính hệ thống", ông Biden nói khi được hỏi liệu có một hệ thống công lý riêng biệt nhưng bất bình đẳng đối với người Mỹ da đen hay không.
"Đại đa số cảnh sát là người tốt, tử tế và đáng tôn trọng", ông nói thêm, "nhưng có một số con sâu làm rầu nồi canh".
Ông Biden nói về Tổng thống Trump : "Ông nói về chuyện giúp đỡ người Mỹ gốc Phi ? 1 trong 1.000 người Mỹ gốc Phi thiệt mạng vì virus corona... Người này là vị cứu tinh của người Mỹ gốc Phi à ? Người này có quan tâm gì đâu ?".
Tổng thống Trump đả kích ông Biden về những hoạt động kinh doanh nước ngoài của con trai ông, Hunter Biden.
"Ông là tổng thống tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng có", ông Biden nói với Tổng thống Trump, trong khi hai người tranh cãi nảy lửa về thuế thu nhập liên bang của ông Trump.
"Ngài Tổng thống, hãy để ông ấy trả lời".
"Ngài Tổng thống, xin dừng lại".
Người điều khiển chương trình Chris Wallace liên tục ngăn Tổng thống Trump không cắt lời ông Biden.
"Thật khó để nói được lời nào với tên hề này", ông Biden nói, "xin lỗi, con người này".
Bị hỏi dồn về bài báo của New York Times rằng ông chỉ trả 750 đôla tiền thuế liên bang vào năm 2016 và 2017, Tổng thống Trump tuyên bố ông "đã trả hàng triệu đôla tiền thuế", nhưng ông vẫn nhất quyết không công khai hồ sơ khai thuế.
"Cho chúng tôi xem hồ sơ khai thuế của ông", ông Biden phản pháo.
Ông Trump chế giễu ông Biden về chuyện đeo khẩu trang : "Tôi không đeo khẩu trang giống như ông ta. Mỗi lần thấy ông ta là thấy đeo khẩu trang. Ông ta đứng xa cả 200 feet mà còn đeo cái khẩu trang lớn nhất mà tôi từng thấy"
Ông Biden nói về việc ông Trump tổ chức các cuộc tập hợp vận động tranh cử lớn giữa đại dịch : "Ông ta không lo lắng về những người ngoài kia… ông ta hoàn toàn vô trách nhiệm với cách ông ta tuân thủ việc giãn cách xã hội và những người đeo khẩu trang, về cơ bản khuyến khích họ không nên làm vậy".
Ông Trump : "Đừng bao giờ sử dụng từ ‘thông minh’ với tôi nha... Ông chả có gì thông minh cả, Joe".
Khi mỗi người được hỏi tại sao họ là người đáng tin tưởng để xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19, ông Biden chỉ trích ông Trump hạ giảm tầm quan trọng của dịch : "Tổng thống không có kế hoạch".
Ông Trump chỉ ra những hạn chế du hành, nỗ lực cung cấp máy thở, đồ bảo hộ và phát triển một loại vắc-xin.
Ông Biden : "Chúng tôi tin tưởng vắc-xin. Nhưng tôi không tin tưởng [Tổng thống Trump] chút nào, và các bạn cũng không - Tôi biết các bạn không tin tưởng. Chúng ta tin tưởng các nhà khoa học".
Khi Tổng thống Trump liên tục ngắt lời ông Biden, ông Biden nói : "Ông có im đi không ?".
"Đảng của tôi chính là tôi", ông Biden phản bác cáo buộc của ông Trump nói rằng Đảng Dân chủ không đồng ý với ông về các đề xuất chăm sóc y tế. "Hiện tại, tôi là Đảng Dân chủ... chính tôi chấp thuận cương lĩnh của Đảng Dân chủ".
Trả lời câu hỏi về việc ông bổ nhiệm thẩm phán Amy Coney Barrett có quan điểm bảo thủ vào Tòa án Tối cao thay thế cố thẩm phán có tư tưởng tự do Ruth Ginsburg chỉ hơn một tháng trước Ngày Bầu cử, ông Trump nói : "Tôi không được bầu làm tổng thống chỉ có ba năm".
Ông Trump bênh vực nỗ lực của Đảng Cộng hòa thúc đẩy chuẩn thuận ứng viên của Tòa án Tối cao trước cuộc bầu cử : "Chúng tôi đã thắng cuộc bầu cử và chúng tôi có quyền làm điều đó".
"Người dân Mỹ có quyền lên tiếng ai là người được đề cử vào Tòa án Tối cao", ông Biden nói.
Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, bước ra sân khấu. Họ đồng ý không bắt tay nhau như truyền thống vì những lo ngại về virus corona.
"Ông khỏe không", ông Biden hỏi ông Trump.
Nguồn : VOA, 30/09/2020
***********************
Trước tranh luận Trump-Biden : cử tri Mỹ có lập trường ra sao ?
VOA, 30/09/2020
Trước thềm cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden, hầu hết cử tri Mỹ, trong đó có cử tri gốc Việt, đã xác định rõ lập trường của mình trên các vấn đề chủ chốt như ghế thẩm phán tối cao, đại dịch Covid, kinh tế và tính trung thực của cuộc bầu cử.
Hầu hết các cử tri Mỹ có lẽ đã chắc chắn lập trường của mình trong cuộc tranh luận giữa Tổng thống Donald Trump và cựu phó Tổng thống Joe Biden
Hiện hầu hết các cử tri Mỹ có lẽ đã chắc chắn lập trường của mình trong cuộc cạnh tranh cử giữa Tổng thống Donald Trump và cựu phó Tổng thống Joe Biden – chủ yếu là vì họ biết chắc liệu họ có muốn bầu lại đương kim Tổng thống hay không.
Trong một cuộc khảo sát của New York Times/Siena College được công bố hôm 27/9, hơn 3/4 số cử tri có thể đi bầu trên toàn quốc gọi đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong đời họ, phản ánh tình cảm mạnh mẽ của cả hai bên.
Tuy nhiên, vẫn còn một số đông trong số hàng triệu người đón theo dõi cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên diễn ra vào tối 29/9 vẫn chưa có quyết định. Có đến 10% cử tri trong cuộc vấn ý Times/Siena không bày tỏ ý kiến ủng hộ ai hoặc nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên thứ ba.
Liệu ông Trump hay ông Biden có thể tranh thủ đủ số phiếu bầu còn do dự đó để tạo ra khác biệt lớn trong cuộc đua ?
Chris Wallace, người dẫn chương trình của kênh Fox News sẽ là người điều phối cuộc tranh luận đầu tiên tối ngày 29/9. Ông đã công bố sáu chủ đề chính của cuộc tranh luận : Tòa án Tối cao, dịch virus corona, tính trung thực của cuộc bầu cử, nền kinh tế, vấn đề sắc tộc và bạo lực ở các thành phố và hồ sơ chính trị tương ứng của ông Trump và ông Biden.
Dưới đây là những gì cuộc thăm dò cho biết về lập trường của người dân Mỹ đối với những vấn đề này và sự nhìn nhận của họ đối với mỗi ứng viên trên từng vấn đề, theo tổng hợp của tờ New York Times.
Ghế trống ở Tòa án Tối cao
Sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời, ông Trump ngay lập tức tìm người kế nhiệm. Ông đã chọn Thẩm phán Amy Coney Barrett với có lập trường bảo thủ kiên quyết - bao gồm việc bà từng chống đối Đạo luật Chăm sóc Y tế giá phải chăng.
Các cuộc thăm dò được tiến hành ngay trước khi cái tên Barrett được công bố cho thấy cử tri muốn người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới sẽ đề cử thẩm phán mới để thay thế cho bà Ginsburg, tức là làm theo tiền lệ được đặt ra cách đây 4 năm, khi Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo khối đa số Cộng hòa tại Thượng viện, khi đó đã từ chối tổ chức các phiên điều trần về đề cử của Tổng thống Barack Obama dành cho Merrick B. Garland trong năm bầu cử.
Năm mươi sáu phần trăm cử tri muốn vậy trong cuộc thăm dò của Times/Siena, so với 41% nói rằng ông Trump nên xúc tiến tìm người vào Tòa án Tối cao ngay bây giờ. Hai cuộc khảo sát của NBC News/Marist College ở Michigan và Wisconsin được công bố hôm 27/9 cũng cho thấy rằng đa số mong manh các cử tri ở các bang lừng chừng này cũng cho rằng ai làm Tổng thống vào tháng 11 tới sẽ có quyền đề cử cho ghế thẩm phán này.
Nhưng giờ đây do Thẩm phán Barrett đã được đề cử, cả hai ứng cử viên Tổng thống đã nói rõ rằng cuộc tranh luận này còn mở rộng ra hơn tiền lệ trước đây ở Thượng viện. Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 27/9, ông Trump tuyên bố rằng nếu Thẩm phán Barrett được đưa vào Tối cao Pháp viện, ‘chắc chắn có thể’ phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1973 vốn đã hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc sẽ được đảo ngược.
Một kết quả như vậy sẽ đi ngược lại ý nguyện của số người dân Mỹ ủng hộ cho phép phá thai. Trong cuộc thăm dò của Times/Siena, có nhiều hơn hai trong số ba cử tri cho biết rằng sẽ ít có khả năng họ ủng hộ ông Trump nếu ông chỉ định thẩm phán để đảo ngược phán quyết về quyền phá thai. Với cách biệt 20 điểm phần trăm, các cử tri cho biết trong cuộc thăm dò của Kaiser Family Foundation trong tháng này rằng họ tin tưởng ông Biden trên các vấn đề phá thai và kế hoạch hóa gia đình hơn là tin ông Trump.
Trong khi đó, ông Biden, người có thái độ không nhất quán trong quá khứ về quyền phá thai, đã đặt trọng tâm cấp bách hơn vào Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ giá phải chăng, còn được gọi là Obamacare, và đã trở nên ngày càng được sự ủng hộ của người dân ngay trong nhiệm kỳ của ông Trump. Theo nhiều cuộc thăm dò khác nhau, người Mỹ hiện có xu hướng ủng hộ Obamacare. Trong cuộc khảo sát của Times/Siena, chỉ riêng nhóm cử tri độc lập đã ủng hộ đạo luật này với tỷ lệ hơn gấp đôi người không ủng hộ. Và trong cuộc thăm dò của Kaiser, số cử tri nói ủng hộ ông Biden hơn ông Trump trong việc quyết định tương lai của Obamacare đã áp đảo hơn bên kia 13%.
Chính quyền Trump hiện đang ủng hộ một vụ kiện lên Tòa án Tối cao để tìm cách hủy bỏ Obamacare, và ông Biden đã lập luận rằng việc đưa bà Barrett vào Tối cao Pháp viện có thể đồng nghĩa với khai tử đạo luật này.
Đại dịch virus corona
Ông Biden cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại các hiểm họa sức khỏe của đại dịch Covid-19. "Chúng ta vẫn đang ở giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua, cuộc khủng hoảng đã cướp đi trên 200.000 sinh mạng người dân Mỹ - mỗi ngày mất đi từ 750 đến 1.000 sinh mạng", ông Biden nói hôm 27/9. "Ấy vậy mà chính quyền Trump đang yêu cầu Tòa án Tối cao ngay bây giờ, khi tôi đang phát biểu, loại bỏ toàn bộ đạo luật Chăm sóc Y tế giá phải chăng".
Kể từ tháng 5, đại dịch Covid là một thách thức về mặt chính trị đối với ông Trump.
Với cách biệt 15 điểm phần trăm, những người được vấn ý trong cuộc khảo sát của Times/Siena cho biết họ không tán thành cách ông Trump phản ứng với virus corona – trong số này có 50% cử tri da trắng, vốn thường nghiêng về ủng hộ ông Trump. Theo một cuộc thăm dò của NPR/PBS NewsHour/Marist College trong tháng này, 65% người Mỹ cho biết họ có xu hướng không tin vào những gì ông Trump nói về virus. Từ cuộc thăm dò này đến cuộc thăm dò khác, các cử tri luôn nhất quán nói với cách biệt hai con số rằng họ nghĩ ông Biden sẽ làm tốt hơn trong việc xử lý đại dịch.
Kinh tế
Nếu có lĩnh vực nào đó mà ông Trump có được lợi thế so với ông Biden, thì đó là kinh tế. Ngay cả khi đại dịch đã khiến các doanh nghiệp trên khắp đất nước đóng cửa hàng loạt, làm cho hàng triệu người Mỹ mất việc làm, đa số cử tri vẫn bày tỏ sự tán thành đối với cách ông Trump xử lý các vấn đề kinh tế.
Với cách biệt 12 điểm, những người được Times/Siena khảo sát đã cho ông Trump điểm cộng về thành tích kinh tế. Trong cuộc khảo sát của NPR/PBS/Marist, người ủng hộ ông Trump về cách xử lý nền kinh tế nhiều hơn người ủng hộ Biden 7 điểm phần trăm.
Ông Trump dường như có sức mạnh cho tới lúc ông có thể nhắc nhở cử tri về tình hình kinh tế trước tháng 3, trước khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, khi kinh tế đụng với virus corona, mọi thứ trở nên khó khăn hơn.
Theo cuộc thăm dò của Times/Siena, 55% cử tri cho biết ông Trump ít nhất phải chịu một phần trách nhiệm cho suy thoái kinh tế - điều này cho thấy nhiều người Mỹ đã thất vọng như thế nào khi ông Trump không muốn điều phối một phản ứng quốc gia trước đại dịch. Bốn mươi chín phần trăm nói rằng chính phủ liên bang đã không làm đủ để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, trong khi chỉ 9% cho rằng chính phủ đã làm quá nhiều.
Và trong một dấu hiệu cho thấy người dân muốn được cứu trợ hơn nữa, 72% cử tri nói rằng họ nghĩ Quốc hội nên thông qua gói kích thích mới trị giá 2 nghìn tỷ USD sau khi thương thảo giữa hai Đảng ở Quốc hội về gói cứu trợ này đã đổ vỡ.
An ninh bầu cử
Ông Trump ngày càng đưa ra nhiều câu chuyện để gây nghi ngờ về tiến trình bầu cử - cho dù đó là nghi vấn về tính an toàn của việc bỏ phiếu qua thư hay gợi ý khuyến khích những người ủng hộ ông ở North Carolina bỏ phiếu hai lần, vốnlà một trọng tội. Ông cũng đã hạ thấp mối đe dọa mà các chính phủ nước ngoài đặt ra, nhất là Nga, vốn đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Năm mươi mốt phần trăm người Mỹ cho biết trong cuộc thăm dò của NPR/PBS/Marist rằng họ nghĩ rằng ông Trump đang khuyến khích can thiệp bầu cử, so với chỉ 38 phần trăm nói rằng ông đang làm việc để làm cho cuộc bầu cử an toàn hơn. Trong một cuộc thăm dò của CNN vào tháng trước, 51% người Mỹ không tán thành cách Tổng thống xử lý các vấn đề an ninh bầu cử, trong khi chỉ có 40% tán thành.
Tuy nhiên, việc ông Trump gieo rắc nghi ngờ có thể đã mang lại hiệu quả như ông mong muốn : người Mỹ nói chung đã mất niềm tin vào tiến trình bầu cử. Trong cuộc thăm dò của CNN, chỉ có 22% nói rằng họ rất tự tin tất cả các phiếu bầu sẽ kiểm đếm đầy đủ, giảm 13 điểm so với hồi năm 2016.
Ít nhất về mặt lý thuyết, các cử tri tiếp tục ủng hộ việc mở rộng phương cách bỏ phiếu. Khi được hỏi liệu có ủng hộ tiểubang của họ cho phép phổ cập quyền bỏ phiếu qua thư vào mùa thu này hay không, 73% người Mỹ cho biết họ ủng hộ, theo cuộc thăm dò của Washington Post/Đại học Maryland vào tháng trước.
Hồ sơ của Trump và Biden
Một phần của cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên sẽ tập trung vào hồ sơ của mỗi ứng cử viên và cả hai sẽ có cơ hội để tấn công đối thủ về quá khứ.
Đối với ông Trump, đây có thể là khoảnh khắc mà công chúng sẽ săm soi hồ sơ thuế của ông và ông Biden có thể nhắc đến trong đòn công kích.
56% số người được vấn ý nói với Pew Research Center hồi tháng Sáu rằng ông Trump có nghĩa vụ công bố hồ sơ khai thuế của ông.
Còn đối với ông Biden, sự nghiệp trải dài 36 năm tại Thượng viện là đề tài dồi dào cho Tổng thống Trump tấn công - từ sự ủng hộ của ông Biden đối với dự luật tội phạm hồi năm 1994 đến việc ông bỏ phiếu phê chuẩn cuộc chiến Iraq. Nhưng ông Trump dường như có chủ ý khắc họa ông Biden là công cụ của phe cực tả, vốn phần lớn đi ngược lại những gì mà ông Biden đã thể hiện ở Thượng viện.
Ví dụ, khi người Mỹ được Pew vấn ý trong tháng này liệu họ có cho rằng ông Biden đã lên tiếng ủng hộ việc cắt bớt ngân quỹ cho cảnh sát hay không (thực ra là không), chỉ hơn một phần tư trả lời có.
Sắc tộc và bạo lực
Ông Trump đã chụp lấy các cuộc biểu tình đòi công lý cho người da màu trên khắp đất nước - và các cuộc xung đột thỉnh thoảng bùng phát – để thuyết phục cử tri rằng nếu họ bỏ phiếu cho ông Biden sẽ rất nguy hiểm.
Nhưng trong khi sự ủng hộ của công chúng đối với phong trào Black Lives Matter trong mùa hè này không còn ‘nóng bỏng’ như hồi mùa xuân, ông Trump dường như không thu được gì từ cuộc tấn công này. Khi được hỏi tin tưởng ai hơntrong việc xử lý tội phạm, các cử tri gần như đã chia đôi trong hầu hết các cuộc thăm dò. Trong cuộc thăm dò của NPR/PBS/Marist, 47% nói rằng ông Biden sẽ xử lý tội phạm tốt hơn, trong khi 44% chọn ông Trump.
Và trong cuộc thăm dò ý kiến của Đại học Monmouth vào tháng này, 61% nói rằng họ nghĩ cách ông Trump xử lý các cuộc biểu tình đã làm cho tình hình tồi tệ hơn, trong khi chỉ 24% nói rằng ông ấy đã làm mọi thứ tốt hơn. Trong khi đó, 45% cho rằng ông Biden sẽ xử lý tình huống tốt hơn và chỉ 28% có ý kiến ngược lại.
‘Nghe và kiểm chứng’
"Tôi chỉ mong muốn nghe các ứng viên trình bày cách xây dựng nền tảng cho quốc gia Hoa Kỳ được thịnh vượng và đời sống người dân được ấm no cũng như đảm bảo tất cả các quyền sống và nhân quyền của người dân", một cử tri Mỹ gốc Việt từ New York chia sẻ với VOA trong lúc nôn nóng chờ đợi cuộc tranh luận Trump-Biden diễn ra vào tối 29/9.
Ông Nguyễn Văn Tánh, cũng là Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ, cho biết hiện giờ trong đầu ông ‘đã có một chút đường hướng sẽ bầu cho ai’ nhưng ông sẽ đợi nghe hết phiên tranh luận mới có quyết định dứt khoát.
"Mấy ông trình bày như thế nào thì chúng tôi lắng nghe và tìm hiểu những dữ kiện, lời nói có chính xác hay không và có đúng với việc làm của các ông hay không", ông Tánh nói.
Hiện giờ tổ chức cộng đồng do ông làm chủ tịch đang ‘vận động thành viên ở các tiểu bang kêu gọi người gốc Việt đi bầu đông đảo để nói lên chính kiến của mình’, ông cho biết và cũng lưu ý rằng ông ‘không vận động bầu cho bất cứ ứng viên nào cả’.
Ông Tánh cho biết ‘rất đau lòng’ về sự chia rẽ và công kích giữa hai phe người Việt ủng hộ ông Trump và ông Biden trong thời gian gần đây.
"Dù gì đi chăng nữa, mỗi người chúng ta đều có quyền có ý kiến của riêng mình, có quyền bất đồng chính kiến, có quyền đi biểu tình nói lên tiếng nói của mình", ông giãi bày. "Không nên có những lời nói hay hành động thô bỉ chỉ gây tác hại cho đất nước mà thôi".
Ông Tánh tin tưởng rằng dù ai thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 ‘cũng phải lo cho người dân và tuân thủ Hiến pháp Mỹ’.
Nguồn : VOA, 30/09/2020
*************************
Những cuộc tranh luận cần có
Phạm Phú Khải, VOA, 30/09/2020
Chủ Nhật 27 tháng 9 vừa qua, người Việt trên mạng xã hội trên Internet đã xem buổi tranh luận trực tuyến với đề tài "Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc", do luật sư Trần Kiều Ngọc, Úc Châu, điều hợp.
Một thành viên tham gia thi tranh luận. (Hình : Trích xuất từ Facebook Teresa Trần Kiều Ngọc)
Đây là một trong một series gồm 3 cuộc tranh luận kéo dài trong ba tuần với ba đề tài khác nhau.
Sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu, gần 4 năm qua, là đề tài gây tranh cãi, tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Người đứng ra tổ chức các cuộc tranh luận này là luật sư Trần Kiều Ngọc. Nhận thấy sự phân hóa trầm trọng giữa người Việt về vấn đề này, cô Kiều Ngọccho biết cô mong muốn tạo ra một sân chơi mà người Việt trong và ngoài nước có thể tranh luận với nhau dựa trên các dữ kiện chính đáng khả tín và những lập luận vững vàng chặt chẽ.
"Kiều Ngọc nhận thấy rằng đây là lúc chúng ta cần trao đổi với nhau trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở nhưng vẫn luôn tôn trọng các luận điểm của nhau dù quan điểm trái chiều đến mấy. Và khi chúng ta làm được điều này thì nó cũng cho những người cầm quyền tại Việt Nam thấy rằng tinh thần đối thoại, thảo luận, tranh luận để thuyết phục nhau và tìm giải pháp tốt nhất cho các vấn đề chính trị là điều họ cần tiếp thu, học hỏi, thay vì trù dập và bịt miệng những người khác chính kiến".
Trên trang Facebook của luật sư Kiều Ngọc cũng có một thư ngỏ tiếng Anh dành cho các bạn trẻ Việt Nam tại hải ngoại. Trong bài này, cô Kiều Ngọc cho biết cô tin tưởng vào giá trị của lý lẽ và chứng cớ. Qua hoạt động này, cô muốn gửi thông điệp đến chế độ cầm quyền tại Việt Nam hiện nay rằng các quan điểm khác biệt là điều rất tự nhiên và tất nhiên, và họ không nên sợ quan điểm khác biệt ; rằng, không những thế, khi tôn trọng và khai dụng nó sẽ mang đến những lợi ích thiết thực cho toàn thể dân tộc ; rằng việc bắt bớ bỏ tù hàng trăm người bắt đồng chính kiến hiện nay vì tự do ngôn luận là điều vô lý và sai lầm.
Cuộc tranh luận này, cho đến khi viết bài này, được hơn một ngàn rưỡi còm và hơn 11 ngàn người theo dõi.
Theo dõi cuộc phỏng vấn của cô Kiều Ngọc với các thành viên của hai đội Cộng hòa và Dân chủ vào thứ Bảy 26 tháng 9, và cuộc tranh luận diễn ra giữa hai đội vào Chủ Nhật 27 tháng 9, tôi có một số nhận xét sau đây.
Thứ nhất, song ngữ có thể là cơ hội cho tương lai. Chương trình tranh luận được cô Kiều Ngọc điều hợp bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt. Vì thế nên chương trình kéo dài gần 4 tiếng, bao gồm một tiếng giới thiệu thể lệ, các đội và Ban Giám Khảo, và gần 3 tiếng còn lại là cho tranh luận. Nên đã kéo dài gấp đôi thời gian. Nếu có thể rút gọn lại còn hai tiếng cho toàn chương trình thì dễ theo dõi hơn. Nhưng ngoài vấn đề thời gian thì quả thật đây là cơ hội tốt để cho nhiều người Việt, nhất là các bạn trẻ Việt Nam lớn lên tại hải ngoại cũng như các bạn tại Việt Nam hiện nay, tích cực tham gia thảo luận vào nhiều đề tài khác nhau đối với những gì họ quan tâm hay với các đề tài liên quan đến Việt Nam. Khi không có trao đổi thảo luận thì khó thể nào có sự chia sẻ, cảm thông và nối kết. Ngôn ngữ là trở ngại, nhưng khi có một thông dịch viên giỏi thì "sự thất thoát trong phiên dịch" (lost in translation) được giảm thiểu, sự thấu hiểu vấn đề và qua đó muốn trao đổ i gia tăng. Ngôn ngữ, bằng tiếng Việt hay Anh, không nên là cản trở để thế hệ trẻ trong và ngoài Việt Nam cùng thảo luận với nhau. Đây quả là một cơ hội để bao nhiêu chương trình ý nghĩa tương tự trong tương lai có thể diễn ra, để các tiếng nói chân chính, tri thức và chuyên môn được phổ biến rộng rãi giữa nhiều thế hệ Việt Nam khác nhau cùng thao thức và chia sẻ chung..
Thứ hai, Ban Giám Khảo giữ vai trò trung lập. Ban Giám Khảo kỳ này đều là những người có khả năng và chuyên môn cao. Người thứ nhất là ông Ashok Sajjanha, từng là đại sứ của Ấn Độ tại Kazakhstan, Thụy Điển và Latvia, và đã làm việc tại các vị trí ngoại giao ở Washington DC, và nhiều nơi trên thế giới. Người thứ nhì là trạng sư Edward Stratton-Smith, gần đây ông được bổ nhiệm làm Thành viên Thường trực của Tòa án Hành chính và Dân sự Nam Úc. Người thứ ba là Nữ diễn viên, kiêm ca sĩ Mỹ, cô Emily Marie Palmer, từng theo học chuyên ngành Lãnh đạo Quốc gia tại Đại học George Wythe nhưng sau đó chọn đi theo con đường trình diễn. Và sau cùng là luật sư Nguyễn Văn Thân, từng là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang New South Wales, Úc Châu, hiện là thành viên trụ cột của Ủy Ban Yểm Trợ Nhân Quyền. Trong phần góp ý với cả hai đội sau cuộc tranh luận, cả bốn vị đều chứng minh tính khách quan, chuyên môn và khả năng phân tích khéo léo của mình để giúp cho cả hai đội chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ sau.
Thứ ba, tinh thần tranh luận tích cực giữa hai bên. Tôi cho rằng đây là sự thành công lớn và cần thiết nhất hiện nay. Rất nhiều người lo lắng rằng không khéo, cuộc tranh luận trở thành tranh cãi hay, tệ hơn, sỉ vả bôi nhọ vu khống nhau. Nhiều người lo rằng sự thiếu vắng văn hóa tranh luận giữa người Việt, trong lẫn ngoài nước, sẽ khó thể nào có được tinh thần tranh luận đúng nghĩa trong bất cứ sinh hoạt nào. Những quan ngại này, tuy chính đáng, nhưng đã được giải tỏa sau khi cô Kiều Ngọc phỏng vấn hai bạn Khoa Lê và Phước Nguyễn của đội Dân chủ, và Hùng Phạm và Ái Liên của đội Cộng hòa. Qua hỏi đáp, người theo dõi cũng biết được rằng cả hai đội hiểu rõ tinh thần tranh luận giữa hai bên là thể hiện khả năng lý luận dựa trên chứng cớ mà qua đó thuyết phục Ban Giám Khảo và người quan sát các luận điểm của mình. Hai đội cho thấy sự thấu hiểu vấn đề này và mục tiêu không phải là để thắng thua mà để làm sao thuyết phục bằng biện luận của mình. Không những thế, trong suốt cuộc tranh luận vào Chủ Nhật, tuy có những lúc cũng nhiều cảm xú c và hăng say trong thái độ hoặc ngôn từ, các thành viên hai đội đều biết kiềm chế và có sự tương kính khi tranh luận.
Tôi đã liên lạc riêng với cô Kiều Ngọc để tìm hiểu thêm các suy nghĩ của cô xoay quanh các cuộc tranh luận này. Tôi hỏi làm cách nào cô tổ chức được một buổi sinh hoạt ý nghĩa để tạo tiền lệ cho các sinh hoạt lành mạnh như thế trong tương lai ? Cô cho biết phương án thực hiện của cô dựa trên ba điều căn bản. Một, luật lệ tranh luận rõ ràng, từ hình thức đến quy trình tranh luận đến thời gian mỗi bên có được, từ phần mở đầu, kiểm tra (cross examine), phản biện (rebuttal) và kết luận, đều được trình bày rõ ràng cho các đội. Hai, cô cho biết hai bên cần nộp cho Ban Tổ Chức mọi chứng cớ hai bên sử dụng trong tranh luận để kiểm tra, để bảo đảm nó không phải là tin giả hay dữ liệu không khả tín ; ngoài ra, Ban Tổ Chức cho biết nếu mạ lỵ, vu khống diễn ra, dù hình thức nhẹ nhất, cũng bị cảnh báo, và nếu vi phạm ba lần thì người đó sẽ bị loại khỏi vòng thi. Ba, luật lệ và quy trình rõ ràng cũng chưa đủ. Cô cho rằng đề cao lẽ phải, lương thiện, thành thật nhưng thuyết phục trong tranh luận là yếu tố mà cô nhắ m đến. Và cô tin rằng thế hệ trẻ hôm nay, hay nói chung bất cứ ai muốn, đều có thể học hỏi và trau dồi tinh thần này để cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề, và nhìn thấy nhiều khía cạnh của vấn đề, chứ không độc quyền cho mình là chân lý sự thật, rồi đi bóp nghẹt tiếng nói của người khác.
Có lẽ trong tương lai tôi sẽ mời cô Kiều Ngọc dành một cuộc trò chuyện riêng về các vấn đề này và các dự án cô đang có trong thời gian tới.
Quý bạn đọc muốn tìm hiểu về cuộc tranh luận vừa qua, hoặc theo dõi hai cuộc tranh luận còn lại, có thể vàoFacebook của cô Kiều Ngọc để biết thêm.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 30/09/2020