Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/09/2020

Cái khó trong dự báo nhân sự Đại hội đảng 13 là gì ?

Quốc Phương

Phương thức tiến hành công tác nhân sự của đảng Cộng sản Việt Nam đang là một thách thức, khó khăn lớn nhất cho giới phân tích, dự báo trong nước cũng như quốc tế về kỳ Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, cũng như về việc bầu chọn dàn nhân sự tại Đại hội này, theo một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Hà Nội.

nhansu0

Toàn cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị

Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 28/9/2020 từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas-Singapore) nói :

"Cách làm nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam cho đến nay là cách làm trong nội bộ, không có minh bạch, người dân không được biết, họ nói ra cái gì thì người dân biết cái đó.

"Nên đấy có thể coi là cái khó, cái khó nhất, nên các dự báo được phân tích ở mức độ rất hạn bởi vì người ta không minh bạch hóa.

"Cho nên sắp tới đây sẽ có một Hội nghị trung ương 13, nghe nói là sẽ tổ chức vào khoảng ngày 05/10, khi đó nếu Đảng cộng sản Việt Nam công bố thêm thông tin, thì khi đó các giới và thế giới sẽ biết cụ thể hơn trong chừng mực nào đó.

"Đó là cái khó khăn nhất vì nhân sự của đảng làm theo lối nội bộ, mặc dù các nguyên tắc thì đảng cũng đã nói ra. Nhưng việc nói ra như thế các nguyên tắc, thì thấy là công việc chuẩn bị chưa được cụ thể lắm

"Ví dụ người ta nói Ban chấp hành Trung ương khóa tới khoảng 200 người, Bộ Chính trị gồm từ 17 đến 19 người, số ủy viên dự khuyết khoảng độ 20-25 người, độ tuổi thì họ cũng đã công bố.

"Song qua những gì họ đã công bố như quyết định 35, chỉ thị 90 trước đây, sau đó đến tiêu chuẩn trong chỉ thị 214, cũng cho thấy dần dần có sự hé mở ra, cụ thể hơn nữa có thể là phải chờ đợi thêm, thành ra nếu không thận trọng, không nắm rõ các nguyên tắc, dự đoán đưa ra có thể sai".

nhansu2

Kinh doanh khó khăn đang khiến nhiều người tập trung vào đầu tư chứng khoán.

‘Đã rất cố gắng’

Khi được đề nghị nhận xét về nhận định mà trong thời gian vừa qua và tới nay đã được các giới nghiên cứu, quan sát trong và ngoài Việt Nam đưa ra, ông Hà Hoàng Hợp nói :

"Tôi thấy là người ta cũng đã có cố gắng, thế nhưng người ta lại không dựa vào những gì là chính thống, gần như người ta không dựa vào những gì mà mọi người cùng nghe thấy.

"Cho nên nếu làm và tiếp tục làm như thế thì nó sẽ không làm rõ, không cụ thể hóa được những kết quả nghiên cứu hay dự đoán.

"Nếu không dựa vào một cái gì đó thật cụ thể, ví dụ như những tuyên bố chính thức của đảng Cộng sản Việt Nam trong Hội nghị Trung ương 12 vừa rồi, hoặc trước đó nữa, thì những dự đoán đó chắc chắn sẽ chệch hay lệch so với thực tế.

"Tất nhiên dự đoán, phân tích hay là nghiên cứu là quyền của tất cả mọi người, nhất là dự báo về đại hội đảng của người Việt Nam hiện nay, bởi vì Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, do đó người dân Việt Nam dù muốn hay không, dù nhiều hay ít, đều sẽ và sẽ phải quan tâm.

"Quan sát tất cả những dự báo từ phía bên ngoài hay từ bên trong thời gian qua, có thể thấy có một số dự báo nhìn vào có vẻ rất khoa học, nhưng để khẳng định các dự đoán, dự báo ấy có khớp với thực tế, với những điều mà người ta không muốn nói ra hay không, thì dễ thấy là chúng không khớp.

"Trong khi đó, người dân, trong đó có đảng viên mà không được bầu trực tiếp những vị lãnh đạo, thấy rõ rằng ở đây đảng sử dụng dân chủ tập trung và người ta cũng sử dụng những nguyên tắc khác như là lãnh đạo tập thể, dựa trên những thực hành chuẩn bị đại hội, khá là phức tạp.

"Đại hội 13 đã được khởi động chuẩn bị từ tháng 8/2018, tức là công việc đã bắt đầu hơn hai năm trước khi đại hội tổ chức, có thể thấy ở trong Đảng cộng sản Việt Nam người ta đã rất tập trung và người ta đã bỏ ra nhiều công sức của họ, tuy thế kinh nghiệm của các đại hội từ trước tới gần đây cho thấy phải đợi đến sát nút mới có thể thấy rõ là thế nào là các ứng cử viên của những chức vụ quan trọng ở trong đảng, ví dụ như là ‘tứ trụ’ hay là ‘tam trụ’, hoặc ai là Tổng Bí thư, ai giữ ghế nào trong đó.

"Nhưng cứ nhìn một cách đơn giản, có thể thấy rằng số Ủy viên Ban chấp hành Trung ương của Đại hội mà đại hội tới người ta sẽ bầu là ai, thì có thể dễ dàng đoán ra, tôi lấy ví dụ như những người nào mà đại hội cấp tỉnh, cấp thành phố (trực thuộc trung ương chẳng hạn) mà được bầu làm bí thư, thì thường họ được đi dự đại hội đại biểu toàn quốc 13 của ĐCS và những người ấy sẽ là ứng cử để đưa vào Ban chấp hành Trung ương, cái đó là một cái đơn giản, có căn cứ và có thể thấy được.

"Có thể nói một chi tiết nữa là dường như là Đại hội 13 sẽ không tổ chức vào tháng 01/2021 mà có thể nhóm chậm hơn khoảng một tháng".

nhansu3

Ông Phạm Bình Minh được một số nhà quan sát đánh giá là ứng viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước

‘Dự báo là cần thiết’

Tuy có những khó khăn và thách thức, song theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp công việc dự báo trong các giới nghiên cứu, phân tích chính trị vẫn được chờ đợi và ông đưa ra lý do.

"Dự báo, dự đoán là rất cần thiết bởi vì người ta, người dân quan tâm, bởi vì những người lãnh đạo ấy được bầu lên sẽ có tác động đến quốc gia. Song chúng ta nhìn thấy một số điều, ví dụ, là người ta đã tuyên bố rất rõ rằng Đại hội 13 không phải là đại hội đảng mà sẽ sửa Điều lệ đảng.

"Mà không phải sửa điều lệ đảng thì sẽ có một chuyện được dẫn tới là không ai được làm một vị trí quá hai khóa liền cả, từ đấy suy ra thêm vấn đề độ tuổi và độ tuổi liên quan cả sức khỏe nữa.

"Rồi nếu người ta không sửa điều lệ thì lấy đâu ra ở đại hội tới có chuyện từ ‘tứ trụ’ thành ‘tam trụ’. Cho nên cứ đoán rằng đại hội tới đây sẽ là ‘tam trụ’ thì nó sẽ trở thành một dự đoán, dự báo buồn cười.

"Qua đó, cứ đoán tiếp thêm rằng ông này, ông kia sẽ ở thêm nhiệm kỳ thứ ba, thì nó càng hài hước. Tôi chỉ lấy một ví dụ là gần đây tôi thấy người ta nói trường hợp như ông Phạm Bình Minh chẳng hạn, là sẽ vẫn là Bộ trưởng Ngoại giao, thì điều đó không đúng, vì ông đã làm hai khóa rồi, do đó tới đây chắc chắn ông sẽ không làm khóa thứ ba Ngoại trưởng nữa, thế còn ông sẽ làm gì thì đến nay người ta cũng đã có dự kiến, nhưng những dự kiến không công bố chính thức, thì phải chờ đợi thêm sẽ rõ hơn.

"Còn về sức khỏe mà nói, nếu không đủ sức khỏe, thì đơn giản là không thể làm được, mà quy định về sức khỏe rất là nghiêm ngặt và trong nội bộ người ta cũng không thể giấu chuyện sức khỏe đó được.

"Một điểm nữa về mặt độ tuổi mà ‘phá trần tuổi’, thì cho tới nay vẫn không có ý kiến nào là bỏ trần tuổi tức giới hạn trên về tuổi, do đó người tuổi quá 65 mà ở lại Tứ trụ (như ngồi ghế Tổng Bí thư v.v.) mà nhiều hơn một trường hợp là không thấy bàn đến.

"Tuy nhiên, cũng có thông tin mới gợi ý rằng Đại hội trung ương 13 có thể sẽ bàn việc định ra số người ở lại quá 65 sẽ nhiều hơn 1, ví dụ là 3. Và có thể sửa nhanh Điều lệ để có người được làm đến khóa thứ ba".

nhansu4

Ông Nguyễn Xuân Phúc được cho là ứng cử viên sáng giá nếu vẫn duy trì mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.

Có gì khác so với Đại hội trước ?

Khi được hỏi liệu ở Đại hội 13 tới đây, so với đại hội kỳ ngay trước, trong quan tâm của giới phân tích, dự báo chính trị Việt Nam có điểm gì khác hay không, ông Hà Hoàng Hợp nói :

"Tôi thấy họ vẫn thế thôi, họ vẫn cứ xem là ai ở trong ‘Tứ trụ’, rồi ai trong Bộ Chính trị, chủ yếu là như thế, còn Ban chấp hành Trung ương đảng thì trong đó vẫn có thể có thay đổi.

"Về số lượng mà nói, thấy có người nói quy định cứng là 15 người, thì tôi thấy làm gì có quy định nào như thế đâu.

"Ngay từ Đại hội 7 hay Đại hội 6, số Ủy viên Bộ Chính trị có lần lên đến 18, 19 hoặc 17 người, không có quy định nào là 15 hay 13 người cả.

"Cho nên cứ dựa vào điều được cho là ‘quy định cứng’ này mà phân tích, dự báo, mà nói, thì sẽ thành bị chệch, thành bị nói bâng quơ thiếu cơ sở.

nhansu5

Các lãnh đạo Việt Nam họp Quốc hội ngày 20/5

"Còn việc quan tâm đến các cá nhân thì hoàn toàn đúng thôi, bởi vì quan tâm cá nhân nào làm chức vụ gì liên quan đến việc người ta sẽ suy ra, dự đoán là cá nhân đó có làm được việc không, hoặc sẽ làm được đến đâu, thì đó là quan tâm hoàn toàn hợp lý thôi.

"Nhưng cơ sở để mà nói rằng người ta có thể làm được gì hay không, thực ra là khó biết, bởi vì người dân bình thường làm sao biết được là người ta thực sự có năng lực gì.

"Hay là người ta cũng quan tâm và thấy là không có cái gì là tình cờ cả nếu thấy có hiện tượng chính trị gia cùng quê quán, hay tới từ một vùng miền, vì người ta còn có một nguyên tắc nữa là đảm bảo cơ cấu về vùng miền mà qua đó nhiều người cùng những chỗ đó có thể nắm giữ những vị trí trong Ban Chấp hành Trung ương hay ở cấp cao hơn như là cương vị trong các Ban lớn của đảng hoặc trong Bộ Chính trị hay Ban bí thư v.v…

"Rồi người ta cũng quan tâm và thấy một điều quan trọng là về quan hệ nhân sự và đối ngoại của quốc gia, bây giờ mà đưa một người chưa có kinh nghiệm gì như là trong lĩnh vực đối ngoại mà ra làm công việc đối ngoại là không được, không ai làm thế, trừ phi là người ta có lý do chắc chắn là người đó không phải làm về đối ngoại, nhưng mà làm trong hai lĩnh vực mà liên quan đối ngoại trực tiếp.

"Bởi vì đối ngoại liên quan hai chuyện khác là đến quốc phòng và an ninh, cho nên có thể thấy rõ nhóm quốc phòng, an ninh, đối ngoại là một nhóm cực kỳ quan trọng, vậy nên nếu một người nào đó mà được cử ra làm đối ngoại cho quốc gia mà không phải, ví dụ như là dân ngoại giao, thì nó phải là một người nào đó mà đã liên quan đến đối ngoại, nhưng mà ở khối, hay khu vực quốc phòng và an ninh, đó có thể là một khả năng lớn là như thế, mặc dù cũng đã từng có ngoại lệ trước đây…", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với BBC News tiếng Việt hôm 28/9/2020 từ Hà Nội.

Quốc Phương

Nguồn : BBC, 28/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương
Read 614 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)