Đại hội 13 : Tổng bí thư đuối sức – Rối bời công tác nhân sự
Hoàng Lan, Thoibao.de, 07/10/2020
Hội nghị Trung ương 13 vừa khai màn với các nội dung trọng tâm bao gồm công tác nhân sự và hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội Đảng khóa 13.
Hội nghị Trung ương 13 đã khai mạc sáng 5/10 tại Hà Nội và dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 10/10.
Trong sự kiện lần này, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam sẽ cho ý kiến, xem xét về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 ; tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng ; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 và một số vấn đề quan trọng khác.
Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo gì ?
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người đang gặp vấn đề sức khỏe từ hơn một năm qua, đã phát biểu khai mạc hội nghị.
Theo báo điện tử Chính phủ, trong phát biểu "thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư", ông Trọng đã "nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đại biểu tham dự Hội nghị và phát biểu một số ý kiến có tính chất nêu vấn đề, gợi mở để các đồng chí Trung ương quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định".
Ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ Đại hội 12 sắp kết thúc, các tổ chức đảng đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, đã và đang tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Ông còn cho biết hiện cả nước đang phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, vừa tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát đại dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020.
Ông nhấn mạnh : "Nội dung chương trình hội nghị lần này bao gồm những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp".
Trong hơn một năm qua, sau khi đột ngột lâm bệnh trong chuyến đi tới tỉnh Kiên Giang vào giữa tháng 4/2019, ông Trọng ít xuất hiện trước công chúng.
Tình trạng sức khỏe của ông sau đó ít được biết đến. Mới đây, theo Quyết định được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/8, sức khỏe lãnh đạo nhà nước được xếp vào loại "tối mật" nên người dân càng không thể biết được.
‘Trường hợp đặc biệt’
Một trong những vấn đề quan trọng được công chúng và giới quan sát quan tâm là công tác nhân sự cho khóa 13 sắp tới. Trong đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như : "Ai sẽ thay thế ông Trọng ?", "Ông Trọng có tiếp tục là ‘trường hợp đặc biệt’ ?", "Tứ trụ sẽ gồm những ai ?"
Theo cơ cấu nhân sự dự kiến, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Khóa 13 sẽ có 200 người. Số ủy viên Bộ Chính trị dao động từ 17 đến 19 người và Ban Bí thư có từ 11 đến 13 người.
Độ tuổi của ủy viên Ban chấp hành Trung ương được cơ cấu với tỉ lệ 10-15% dưới 50 tuổi, 75 đến 80% từ 51 đến 60 tuổi và 10% từ 61 tuổi trở lên. Ủy viên dự khuyết không được quá 45 tuổi. Người lần đầu tiên vào Ban chấp hành Trung ương phải còn đủ tuổi để công tác hai nhiệm kỳ. Người tái cử vào Ban chấp hành Trung ương phải dưới 60 tuổi, còn tái cử vào Bộ Chính trị phải dưới 65 tuổi.
Tuy nhiên, Đảng cộng sản Việt Nam có cơ chế “trường hợp đặc biệt” cho những người vượt ngoài khung tuổi này. Ông Nguyễn Phú Trọng chính là một trong những “trường hợp đặc biệt“, dù quá tuổi vẫn được cơ cấu tái cử vào khóa 12.
Từ thực tế này, vấn đề “trường hợp đặc biệt” được giới quan sát và công chúng cực kỳ quan tâm trước Đại hội Đảng sắp tới.
Sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính trị cũng là vấn đề lớn và gây nhiều tranh luận trong thời gian qua.
Lần xuất hiện gần đây nhất cho thấy Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thần khí mệt mỏi, giọng nói run run, đôi mí mắt sụp xuống và bước đi không vững
Ngoài ông Trọng, trong khóa 12 hiện tại, đã có một ủy viên Bộ Chính trị qua đời khi đang làm Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cũng đang lâm trọng bệnh. Từ tháng 7/2017 đến nay, ông Huynh không còn xuất hiện trong các hoạt động chính trị. Vị trí Thường trực Ban Bí thư của ông cũng đã được giao cho ông Trần Quốc Vượng nắm giữ.
Trên BBC và Facebook nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin về dự kiến thay đổi nhân sự lãnh đạo Đảng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Nên (1957, Tây Ninh) Bí thư trung ương Đảng, sẽ về thay ông Nguyễn Thiện Nhân ngay sau khi đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến từ 14 đến 18/10) kết thúc. Như vậy, ông Nhân sắp kết thúc các công việc ở Thành phố Hồ Chí Minh sau mấy năm trở về và bị đánh giá là mờ nhạt, không làm được gì thành công ! Ông Nguyễn Văn Nên xuất thân là Công an hình sự, bằng cấp cử nhân Luật và …hiện chưa vợ.
Tại Hội nghị trung ương 13 khai mạc sáng nay (5.10), Bộ Chính trị đã đưa kết quả giới thiệu 226 nhân sự tham gia trung ương khóa XIII (2021 – 2025). Tuy nhiên, nhiều người hiện chỉ tập trung sự quan tâm đồn đoán việc ông tổng tịch Nguyễn Phú Trọng có tiếp tục là trường hợp đặc biệt và ở lại thêm nhệm kỳ hay ai sẽ thay thế ; và tứ trụ sẽ là những ai..vv. ! ?
Còn nhớ, ở Đại hội XII, có 05 trường hợp đặc biệt về tuổi được giới thiệu [04 vào trung ương và 01 trong Bộ Chính trị] thì đã có 04 trúng cử, và trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị là ông Trọng. Trong tình hình thực tế những năm qua, v/v trường hợp đặc biệt đã tạo ra tiền lệ không ổn ; và có nhiều thành viên trong Bộ Chính trị và ủy viên Ban chấp hành trung ương đang phản đối. Chưa nói đến sức khỏe và việc đi lại bất tiện, thì việc ông Trọng tiếp tục là khả năng rất thấp !" Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đưa ra nhận định.
Về nhân sự thay đổi ở Thành phố Hồ Chí Minh và cho Đại hội trung ương Đảng sắp tới, Blogger Bùi Thanh Hiếu đưa ra bình luận như sau :
Sắc diện cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang suy sụp sau chuyến thăm Trung quốc, rồi đi chữa bệnh tại Nhật về, so sánh hình giữa với hình bên phải là khi mới lên chức Chủ tịch nước
"Sự nghiệp chính trị của anh Nguyễn Thiện Nhân khá êm đềm, anh tà tà leo vào Bộ Chính Trị hai khoá, rồi hạ cánh nhẹ nhàng.
Rất nhiều người như anh Nhân, ví dụ như bà Tòng Thị Phóng, Trương Thị Mai và cả anh Trần Quốc Vượng lẫn Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Bình Minh, Nguyễn Văn Bình, họ cứ lặng lẽ chiếm ghế trong Bộ Chính Trị, cơ quan đầu não lãnh đạo cả đất nước, mà hầu như chẳng làm gì cả, hoặc ngồi cho cái ghế ấy có người.
Đấy là một sự lãng phí khủng khiếp mà Đảng cộng sản Việt Nam chẳng bao giờ nhìn nhận. Cũng không hẳn là họ không làm gì, họ ngồi đó làm nền cho mấy thằng đầu gấu chúng nó thể hiện.
Bộ Chính Trị là tinh hoa của đảng, đảng là tổ chức lãnh đạo toàn diện đất nước. Tất cả các ủy viên Bộ Chính trị lẽ ra phải làm việc hăng hái, phải xông xáo, phải chỉ đạo nơi này, nơi kia quyết liệt và mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm khi quyết định của mình sai lầm. Như thế mới xứng đáng là ủy viên Bộ Chính trị. Còn không làm được thế thì cứ ủy viên trung ương là được rồi, sao phải vào Bộ Chính trị làm gì cho tốn tiền phục dịch.
Kỳ này nếu Đảng cộng sản Việt Nam đổi mới, nên tinh giảm chỉ cần 5 hay 7 suất ủy viên Bộ Chính trị là đủ.
An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Gia Lai dưới sự kích động của phe Tư Sang đã bật lại sắp xếp nhân sự của ban tổ chức trung ương. Người được ban tổ chức trung ương cơ cấu lại không đạt phiếu bầu ở địa phương, người không được ban TCtrung ương cơ cấu lại trúng. Tình trạng dẫn đến khó sắp xếp vị trí cho người không cơ cấu mà lại vào ban chấp hành.
Trước mưu đồ khiêu khích và chọc phá của Tư Sang, Cả Trọng sẽ dùng khối đại biểu quân đội và đảng, đoàn để áp đảo lại". Blogger Bùi Thanh Hiếu cho biết.
‘Đảng đã quá đắt đỏ’
Một trong những vấn đề nổi cộm đang được người dân quan tâm trong thời gian gần đây là tệ "hoang phí" trong việc tổ chức đại hội đảng các cấp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc khóa 13.
Ông Nguyễn Văn Nên (sinh năm 1957, ở Tây Ninh) Bí thư trung ương Đảng, dự kiến về thay ông Nguyễn Thiện Nhân. Ông Nguyễn Văn Nên xuất thân là Công an hình sự, có bằng cử nhân Luật và hiện chưa vợ.
Mới đây nhất, Tỉnh ủy Quảng Trị vào tối 3/10 đã phải hủy gói thầu "bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17".
Trước đó, để phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị gửi thông báo mời thầu "bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu" với dự toán gói thầu hơn 544 triệu đồng. Sau khi người dân phản ánh, đặc biệt là thông qua mạng xã hội Facebook, tỉnh này đã quyết định hủy bỏ khoản mua sắm trên.
Trước đó, hàng loạt tỉnh cũng đã chào các gói thầu trị giá hàng tỉ đồng để sắm cặp da, cặp giả da và quà tặng cho đại biểu, trong đó bao gồm tỉnh Quảng Bình dự chi 2,2 tỉ đồng mua cặp giả da. Tỉnh ủy Tuyên Quang cũng mời thầu 2 gói thầu may 428 bộ trang phục cho các đại biểu với tổng dự toán hơn 2,5 tỉ đồng.
Bình luận về điều này, Hưng Phạm Ngọc, một người có nhiều ảnh hưởng trên Facebook, viết trên trang cá nhân : "Tuyên Quang chi 2 tỉ rưỡi may đồ cho đại biểu dự đại hội đảng bộ tỉnh là một ví dụ nữa cho thấy đảng đang trở nên quá đắt đỏ với dân tộc này".
Doanh nhân Văn Công Mỹ đặt vấn đề về trường hợp của tỉnh Quảng Trị :
"Qua cái tin Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị đã quyết định hủy gói thầu ‘bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu Đại hội Đảng bộ tỉnh…’ chúng ta bỗng giật mình nghĩ người cộng sản đang ở đâu, và đang làm gì trong xã hội này ? Phải chăng họ đang chễm chệ trên cao, khoác bộ cánh sang trọng và…hút, mà trong cái bình ấy, mồ hôi nước mắt của người dân không biết tự khi nào đã bị họ mặc nhiên biến thành ‘tài lộc’ bất tận hưởng !".
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ, chính phủ phải tăng chi ngân sách cho chống dịch và phục hồi kinh tế, việc chi tiêu cho hoạt động của đại hội đảng các địa phương càng gây ra bức xúc cho người dân.
Facebook Nguyễn Kim nhận xét :
"Nước người ta có cả chục đảng mà ngân sách nhà nước chả tốn đồng nào. Việt Nam có 1 đảng mà ngốn tiền ngang cả 1 nhà nước".
Dân mạng so sánh quà tặng của Đảng cho các đại biểu đều có giá trị cao ví dụ bình hút tài lộc cao cấp trị giá 600 ngàn đồng và cặp da giá trên 3 triệu đồng, ngược lại Đảng tặng dân chỉ có chiếc ảnh Bác Hồ không có giá trị gì mấy
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đưa ra bình luận :
"Đảng phí mỗi năm thu được bao nhiêu mà đảng dám tổ chức đại hội với kinh phí lên đến 40 ngàn tỷ ? Tiền ấy lấy ở đâu ra nếu không phải từ túi nhân dân ?
Thế mà ngày trước có con đuông dừa dám đứng uốn éo giữa quốc hội hỏi : Bạn đã làm gì cho tổ quốc chưa ?" – ông Nguyễn Lân Thắng dường như ngụ ý "con đuông dừa" chính là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với câu nói hay được báo chí trích dẫn rằng : Bạn đã làm gì được cho tổ quốc chưa ?
Dự án của Tỉnh ủy chi 11 tỷ đồng làm khẩu hiệu có 11 từ ở tỉnh Hòa Bình đã bị tạm ngưng
Nhà báo Nguyễn Như Phong cựu Tổng biên tập báo Petrotimes cũng đưa ra bình luận khá bức xúc :
"Tôi thực sự không còn hiểu nổi ?
Tôi thực sự không còn hiểu nổi là trong bối cảnh đất nước bộn bề khó khăn vì dịch bệnh, dù kinh tế có tăng trưởng " dương", nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn là " chạy ăn từng bữa tóat mồ hôi" ; vẫn là còn hàng chục triệu người thất nghiệp…
Ấy vậy mà nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan… tổ chức Đại hội Đảng quá xa hoa, lãng phí.
Nào là họ cho máy đo quần áo cho đại biểu ; nào là mua sắm cặp da, bút máy ; là đồ lưu niệm như bình hút tài lộc…
Nào là cơ hoa, biểu ngữ đầy đường, đầy phố…
Khó có thể tính ra mỗi tỉnh thành tổ chức Đại hội hết bao nhiêu tiền ? Và nếu tính chi phí cho đại hội Đảng từ cấp Chi bộ trở lên thì chắc chắn đó sẽ là con số khủng khiếp.
Lẽ ra trong lúc này, Đại hội Đảng các cấp phải biết " thắt lưng buộc bụng" ; phải biết gạt đi những khoản chi chưa thực sự cần thiết…hoặc mang tính " hiếu hỉ"…
Nhưng có cảm giác rằng, không ít cấp ủy Đảng đã " lợi dụng đại hội" để tiêu tiền, để phô trương, thậm chí là có khi " kiếm chác"…
Đảng có làm ra được tiền đâu ?
Cơ bản chi tiêu của Đảng đều là từ ngân sách. Còn khoản thu từ Đảng phí chắc chả là bao ?
Vì không làm ra tiền mà lại được quyền tiêu, cho nên chả ai biết xót, biết tiếc của.
Cho nên thế mới gọi là : "Vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy".
Rất mong lãnh đạo Đảng có ngay chỉ thị : Cấm tuyệt đối mua quà cáp, hạn chế đến mức tối đa việc phô trương, hình thức cho Đại hội Đảng của địa phương, của các Bộ, Ngành". Ông Nguyễn Như Phong đưa ra kiến nghị.
Hoàng Lan (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 07/10/2020
*****************************
Đại hội của đảng sao lại cho là ‘đại hội của toàn dân’ ?
RFA, 07/10/2020
"Đại hội của Đảng cũng là Đại hội của Nhân dân".
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tuyên bố như vừa nêu tại buổi gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí trước Đại hội đại biểu đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, do Thường trực Thành ủy Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tuần đầu tháng 10.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại Đại hội đại biểu đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Courtesy Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 7/10, nói :
"Thật ra ông Nhân nói như thế là nói không đúng, vì đại hội đảng là đại hội của nội bộ đảng, chứ nó không phải là đại hội của dân. Đó là một cái sai, hiểu về đảng như thế là không đúng. Cái thứ hai là người dân nói chung, ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở cả nước, họ ít quan tâm đến mấy cái đại hội của đảng lắm. Vì nếu họ quan tâm thì họ cũng không biết được gì, những thông tin đưa ra không cho họ ý niệm gì về đại hội đảng. Ví dụ như là đại hội này ai ứng cử ? Ai tranh cử ? Thì cái đó đâu có, điều lệ là không cho ứng cử, không cho tranh cử. Ví dụ bầu cho bí thơ thành phố thì chỉ có một người ra, rồi chỉ định rồi bầu thôi... Như vậy nó không giống ở những nước khác, chúng ta thấy bầu cử ở nước khác rất là sôi nổi thì người ta còn để ý, chứ ở Việt Nam thì người ta không để ý. Vì để ý để được cái gì, vì để ý họ cũng chẳng có thông tin gì".
Theo giải thích của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Đại hội đảng là để đảng kiểm điểm trách nhiệm thông qua sự đánh giá của người dân. Đồng thời ông Nhân cho rằng, những mong muốn, nguyện vọng của từng người dân phải được thể hiện trong các văn kiện Đại hội đảng. Ông Nhân nhấn mạnh Đại hội của đảng cũng là Đại hội của nhân dân, vì vậy việc lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến đóng góp và giao nhiệm vụ của nhân dân là rất quan trọng.
Để tìm hiểu thực tế, RFA hôm 7/10 liên lạc Nhạc sĩ Lê Thiệu, một cư dân Sài Gòn, và được ông cho biết ý kiến của mình :
"Câu nói đó rất buồn cười, vì sao ? Vì đại hội đảng là của đảng chứ sao của nhân dân được ? Toàn bộ những người đi tham gia đại hội đó toàn là đảng viên, không có một người dân nào ngồi trong đại hội đó hết. Ông Nhân nói như thế là mang tính cách lấp liếm, để mà mị những người dân... mà dân trí thấp, chứ tất cả người dân đều hiểu đại hội đảng là của đảng, không dính líu gì tới dân. Nói chung người lao động họ không quan tâm đâu, những người lao đầu tắt mặt tối chỉ lo kiếm cơm qua ngày, qua tháng... Họ không biết đại hội đảng tổ chức ngày nào, lần thứ bao nhiêu..".
Ông Thiệu cho rằng, chỉ có một số ít người dân thuộc giới quan tâm chính trị, thì họ mới biết đại hội đảng tổ chức ngày nào, lần thứ bao nhiêu... họ theo dõi tin tức để biết cơ cấu đại hội đảng sẽ như thế nào, ai sẽ lên chức gì... Theo ông Thiện, nói chung tại Sài Gòn, đa số người dân không quan tâm đến đại hội đảng.
Bên trong hội trường Đại hội Đảng XII. AFP
Dưới góc nhìn cá nhân, Nhà hoạt động Trần Bang, hôm 7/10/2020 cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình :
"Câu nói của ông Nhân rõ ràng chỉ hợp lý với đảng cộng sản, chứ không hợp lý với toàn bộ dân Việt Nam. Vì dân Việt Nam không chỉ có chủ nghĩ Mác Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh như ông Nguyễn Thiện Nhân, 97 triệu dân Việt Nam có rất nhiều tư tưởng khác nhau và có thể nói là phần đông họ không chấp nhận chế độ cộng sản như các nước văn minh trên thế giời. Chỉ còn số ít bám lấy chủ nghĩa cộng sản như ông Nhân để tiếm quyền, họ độc tài, độc quyền để tư túi làm lợi cho đảng của họ, cho dòng họ phe cánh của họ. Chứ không phải là người dân Việt Nam, dân Việt Nam bây giờ thích học chữ Anh, thích đi Mỹ đi Anh... Thậm chí đảng viên của ổng bề ngoài có thể theo ổng, nhưng bề trong nó chuẩn bị mua quốc tịch Âu Mỹ.
Theo Nhà hoạt động Trần Bang, rõ ràng là làm sao Đại hội đảng có thể là của toàn dân được. Đại hội đảng chỉ là của một nhóm người, lợi dụng để tiếm quyền.
Cũng tại buổi họp báo, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại khẩu hiệu ‘vì cả nước, cùng cả nước’, Thành phố Hồ Chí Minh phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, đại đoàn kết toàn dân tộc... để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước.
Những điều ông Nhân nói đươc cho là công tác dân vận. Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 7/10/2020 liên lạc Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, và được ông giải thích :
"Về đạo lý, nguyên tắc, hiến pháp thì Đại hội đảng phải là đại hội của toàn dân, và dân phải có ý kiến đóng góp của mình. Bời vì hiến pháp ghi rõ Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và xã hội, thế thì dân phải có ý kiến với đảng. Hiến pháp cũng ghi rõ đảng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp, đạo đức và trước nhân dân mọi hành vi của mình. Vì thế một đại hội của đảng phải làm sao huy động được, cầu xin được, mong ước lạy lục người ta để người ta tham gia. Hiện nay dân chúng rất thờ ơ, họ xem khai mạc đại hội 13 mà hết sức buồn thảm, buồn hơn cả bộ mặt ông Nguyễn Phú Trọng nhợt nhạt không có sinh khí, cúi đầu đọc bài nghìn từ... Rõ ràng hình ảnh Hội nghị 13 là phản cảm, nó làm cho người dân càng chán, càng thờ ơ".
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, đó là cái đảng không làm được. Ông Mai cho rằng ông Nguyễn Thiện Nhân nói phét chứ không làm được. Theo ông, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phải nói điều này từ năm ngoái. Tại Thành phố Hồ Chí Minh thì ông Nhân phải tỏ ra là xây dựng, tạo ra cơ sở để dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh tham gia đóng góp xây dựng... Rồi đảng lắng nghe, sửa sai, đặc biệt là những sai lầm to lớn của đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh để bước vào đại hội. Ông Nguyễn Khắc Mai nói tiếp :
"Cái này Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói nhưng cũng không làm được. Cái này người ta gọi là Chủ nghĩ dân túy cộng sản, nịnh nọt dân như thế, hót lên mấy câu như thế, không đâu vào đâu cả... Cho nên hiện nay, cái sai lầm lớn là đảng đã tách rời nhân dân, họ coi công việc là của họ, còn dân là bên ngoài, là tay sai, họ suy nghĩ được gì rồi bảo ban chỉ thị, ra nghị quyết cái ấy".
Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, như vậy là đảng cộng sản Việt Nam đã tách rời khỏi nhân dân, và đây là một sai lầm của đảng. Nếu đảng cộng sản tách rời khỏi nhân dân, thì đảng không còn chỗ đứng, không còn vị trí trong dân tộc Việt Nam nữa.
Nguồn : RFA, 07/10/2020
*********************
Công chúng Việt Nam bất bình về chi tiêu cho đại hội đảng ở một số tỉnh
VOA, 06/10/2020
Gần một tuần nay, dư luận Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội sự bất bình, bức xúc về việc nhiều tỉnh chi hàng tỉ đồng mua trang phục, quà lưu niệm hoặc phụ kiện để phục vụ các đại biểu dự đại hội đảng cấp địa phương.
Dư luận cho rằng đại hội đảng các cấp là dịp dễ xảy ra các chi tiêu lãng phí, không cần thiết
Tiếng nói của dư luận vang lên khi truyền thông nhà nước bao gồm các báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Dân Trí, Bảo Vệ Pháp Luật, Nghean24h… liên tục đưa tin cho hay một loạt các tỉnh từ bắc chí nam chi hoặc lên kế hoạch chi từ 1 đến hơn 2 tỉ đồng mỗi tỉnh để cung cấp đồ dùng, quà cáp cho đại biểu.
Tin cho hay, Ninh Bình "đã chi 1 tỷ đồng mua cặp đựng tài liệu" cho đại biểu dự đại hội đảng bộ tỉnh Ninh Bình. Tương tự, Hà Tĩnh "đã chi hơn 2 tỉ đồng mua 700 chiếc cặp da đựng tài liệu" để phục vụ công tác tổ chức đại hội đảng bộ tỉnh.
Lâm Đồng và Gia Lai cũng đã chi lần lượt mỗi tỉnh khoảng 1,2 tỉ đồng "để mua cặp và một số vật dụng khác" phục vụ cho đại hội đảng ở hai tỉnh, vẫn các báo trong nước tường thuật.
Bên cạnh đó, theo các báo, Tuyên Quang "dự kiến chi 2,5 tỉ đồng để may trang phục" cho các đại biểu dự đại hội đảng của tỉnh. Cũng để chuẩn bị cho đại hội đảng, Quảng Bình dự định mua "cặp đựng tài liệu trị giá hơn 2,2 tỉ đồng" thông qua đấu thầu. Còn tỉnh lân cận Quảng Trị mở gói thầu để mua quà tặng sử dụng cho đại hội đảng là "bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu" có trị giá gần 550 triệu đồng.
Ngoài ra, Cao Bằng, Đắk Lắk, Bình Dương, Sóc Trăng… cũng có các dự án với tính chất tương tự.
Khi các tin tức về việc mua sắm hoặc các kế hoạch chi tiêu nêu trên được đưa ra bàn luận trong các diễn đàn mạng xã hội có hàng trăm ngàn thành viên như Nhật Ký Yêu Nước, Bàn Luận Về Kinh Tế - Chính Trị, Góc Nhìn Báo Chí - Công Dân…, rất nhiều người chỉ trích, thậm chí lên án đầy giận dữ.
Ở mức độ ôn hòa, có người viết : "Lấy số tiền đó để phát triển đất nước, lo cho dân nghèo thì tốt biết mấy".
Một số người khác đồng tình rằng sẽ có ích hơn nếu số tiền được dùng để "làm đường, xây trường học, xây nhà cho người nghèo", và họ chê trách việc các tỉnh ủy "toàn mang tiền thuế của dân làm những việc đâu đâu".
Gay gắt hơn, có người nhấn mạnh rằng "đất nước nghèo đói vì những lũ sĩ diện ăn hại của dân", và đặt câu hỏi cho các đảng viên cao cấp là "sao các vị sống không suy nghĩ khi có những nơi không có cầu để đi, các trẻ em nghèo đói không có quần áo để mặc đủ ấm, nhân dân còn phải gánh nợ cho các vị".
Thậm chí, không ít người gọi đại hội đảng ở các tỉnh là những "đại hội ký sinh trùng cấp tỉnh" và những người liên quan là "một lũ ký sinh trùng hút máu người dân đen".
Các nhân vật có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội cũng lên tiếng về vấn đề này trong các trang Facebook cá nhân.
Luật sư Lê Luân viết : "Dân vẫn còm cõi từng đồng bạc trong khó khăn … những kẻ có quyền vẫn dựng lên những dự án tróc vào xương thịt của người dân".
Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu đưa ra ước tính tổng chi phí liên quan đến Đại hội đảng các cấp trên toàn quốc lên đến 4.432 tỷ đồng. Ông lưu ý đến thực tế là đã 75 năm kể từ ngày Việt Nam giành được độc lập, nhưng vẫn còn nhiều đồng bào ‘không có cơm ăn áo mặc’.
Vì vậy, ông Chu bình luận rằng các quan chức của đảng không thể tự nhận là họ vì dân khi họ vẫn đang hoang phí mồ hôi nước mắt của dân. "Chống lãng phí phải bắt đầu từ Đại hội đảng", tiến sĩ Chu viết.
Võ sư-nhà văn Đoàn Bảo Châu dùng cụm từ "hết sức trơ trẽn" để mô tả việc các tỉnh mua sắm quà tặng, vật dụng cho đại biểu đại hội đảng. Ông chê trách tình trạng những người nắm quyền từ năm này sang năm khác không ra được một quy định về cấm chi tiêu ngân sách vào những quà tặng vô bổ.
"Một việc sai sờ sờ ngồn ngộn trước mắt mà không sửa được thì làm được cái gì ?", ông Châu đặt câu hỏi.
Theo quan sát của VOA, sau một số ngày người dân và các Facebooker có nhiều ảnh hưởng đưa ra những tiếng nói chỉ trích, những tỉnh chưa thực hiện mua sắm đã đưa ra quyết định hủy bỏ các kế hoạch đó.
Báo chí nhà nước hôm 5/10 cho hay Tỉnh ủy Tuyên Quang "quyết định không ký hợp đồng" may trang phục cho đại biểu dự đại hội đảng. Một ngày trước, hôm 4/10, Tỉnh ủy Quảng Trị thông báo họ quyết định "không thực hiện mua quà tặng trong gói thầu ‘Bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu’".
Trước đó, Tỉnh ủy Quảng Bình đã bị dư luận phản ứng nên hồi cuối tháng 8 đã hủy bỏ các quyết định về gói thầu mua "cặp đựng tài liệu" trị giá hơn 2,2 tỉ đồng.
https://youtu.be/iuTVofj-Uys