Đại hội Đảng : Nghịch lý ‘đảng họp – dân chi tiền’ ?
BBC, 09/10/2020
Hội nghị Trung ương 13, khóa XII của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhóm họp từ ngày 05-10/10/2020 bắt đầu bàn về các nội dung được cho là quan trọng về nhân sự và bắt đầu giới thiệu nhân sự.
Tuy nhiên có ý kiến của người dân từ nước ngoài đặt ra về vấn đề 'kinh phí' họp hành và chuẩn bị Đại hội ra sao và có hợp lý không.
Đảng Cộng sản Việt Nam chi phối các quyết sách
Hôm thứ Năm, 08/10, trang mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin cho hay Trung ương Đảng họp về việc giới thiệu nhân sự khóa XIII :
"Ngày 08/10, Ban Chấp hành trung ương bước sang ngày làm việc thứ tư của Hội nghị lần thứ 13, khóa XII.
"Ban chấp hành trung ương Đảng họp về việc giới thiệu nhân sự Ban chấp hành trung ương khóa XIII, nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và Bộ trưởng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước thay mặt Bộ Chính trị chủ trì, điều hành chương trình Hội nghị.
"Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức trung ương thay mặt Bộ Chính trị đọc các Tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy ý kiến giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế ; về công tác giới thiệu nhân sự Ban chấp hành trung ương khóa XIII ; về việc giới thiệu nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII".
Cũng hôm thứ Năm, báo Thanh Niên online đưa thêm chi tiết về Hội nghị vốn được dự kiến bế mạc vào ngày 10/10 :
"Tính đến ngày 20/8, đã có 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu 119 ủy viên Trung ương khóa XII (cả chính thức và dự khuyết) tái cử Ban chấp hành trung ương khóa XIII, và 107 người lần đầu tham gia Ủy viên chính thức, với tổng cộng 226 người ; và 44 người tham gia Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương khóa XIII.
"Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và ý kiến của Bộ Chính trị về các nhân sự được giới thiệu. Đồng thời, Bộ Chính trị báo cáo Ban chấp hành trung ương về nhân sự tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII (bao gồm danh sách tái cử và danh sách tham gia lần đầu).
"Ông đề nghị các ủy viên Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ danh sách giới thiệu nhân sự Ban chấp hành trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII để thảo luận, cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi ghi phiếu biểu quyết", tờ báo là diễn đàn của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đưa tin.
Nghịch lý 'đảng họp - dân chi tiền' ?
Bình luận về Hội nghị Trung ương 13 và đặc biệt nội dung bàn và giới thiệu nhân sự cấp cao tại kỳ hội nghị này, các khách mời của Bàn tròn thứ Năm hôm 08/10 cho BBC News Tiếng Việt biết góc nhìn của mình.
Từ Đài Bắc, Đài Loan, luật gia Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp Chí cho BBC hay ông rất quan tâm đến Hội nghị Trung ương 13 cũng như Đại hội đảng lần thứ XIII trên mấy khía cạnh, ông nói :
"Một là tất cả những người đang đi dự Hội nghị trung ương đều đang hưởng lương từ tiền thuế của người dân, cái ghế họ ngồi họp, cái vé máy bay họ bay đến, cốc nước họ uống, bữa cơm họ ăn trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị đều từ tiền thuế của người dân, không có từ nơi nào khác cả, khoản đảng phí của họ rất ít.
"Và toàn bộ tất cả những kinh phí tổ chức tất cả các Hội nghị trung ương, rồi tất cả những hội nghị ở địa phương, Đại hội ở địa phương và Đại hội toàn quốc diễn ra vào đầu năm tới, tất cả đều từ tiền thuế của người dân. Người dân là người chi trả cho tất cả những sự kiện đó.
"Thứ hai nữa, cơ chế mà họ gọi là làm nhân sự của đảng nó là một cơ chế hoàn toàn đóng, chỉ có đảng viên mới được tham gia mà thôi.
"Thế thì ở đây có một điều vô cùng trái khoáy, toàn thể người dân đóng tiền cho đảng hoạt động và đi họp, nhưng chỉ có đảng viên mới được quyền tham gia vào quy trình làm nhân sự của họ mà thôi. Đó là điều theo tôi hoàn toàn bất hợp lý, không có một cái gì hợp lý ở đây cả.
"Điểm thứ ba tôi quan tâm là cơ chế làm nhân sự của họ là một cơ chế cực kỳ ngược đời. Làm nhân sự thì làm sao người ta làm cho nguồn tuyển dụng của mình dồi dào và chất lượng cao, số lượng và chất lượng.
"Thế thì về số lượng họ hạn chế chỉ trong phạm vi 4 triệu đảng viên mà thôi, họ bỏ qua hoàn toàn mấy chục triệu người còn lại, đó là điều hoàn toàn bất hợp lý…"
Đại hội của Đảng là đại hội của dân ?
Từ Leeds, Anh quốc, nhà báo tự do, Song Chi nhận xét thêm :
"Người dân chỉ đứng ngoài như đóng tiền thuế và ngó mà thôi, không biết ai như thế nào cả. Thành ra rất buồn cười ví dụ như vừa rồi ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nói một câu rằng 'Đại hội của Đảng cũng là đại hội của nhân dân".
"Không, tôi không nghĩ thế, chẳng hề là Đại hội của nhân dân gì cả, là vì nhân dân hoàn toàn không có tí quyền gì vào đấy cả, dân không có quyền được biết gì hết cả.
"Ví dụ như ai như thế nào, tính cách họ ra sao, năng lực họ như thế nào, đời tư rồi sức khỏe ra sao…, người dân hoàn toàn không biết gì cả, cho nên ở đây...
"… Họ có cảm giác như là ở trọ trên quê hương mình, họ không được tham gia vào chuyện ấy, còn chuyện đi bỏ phiếu cũng là đi bỏ phiếu cho có hình thức mà thôi, còn người Việt Nam hoàn toàn không được tham dự gì vào chuyện ấy cả.
"Cho nên về chuyện nhân sự đảng, nếu họ có quan tâm thì chỉ có bàn tán vỉa hè là ông này lên, ông kia xuống, liệu sẽ vẫn tiếp tục là ba người hay là bốn hay là quay trở lại mô hình 'Tứ trụ' v.v…
"Nhưng tôi thấy cũng có điều họ quan tâm đó là đảng có thay đổi hay không, hay là đường lối vẫn cứ tiếp tục độc đảng như vậy, đảng có một chút xíu nào dân chủ hóa hay không, thì đó mới là điều mà người dân quan tâm".
Vai trò của các tập đoàn thì sao ?
Bình luận về vấn đề kinh phí của các hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có tổ chức các Hội nghị trung ương, Đại hội các cấp v.v…, bà Song Chi nói tiếp :
"Điểm tiếp theo mà tôi quan tâm đó là chuyện tiền, rõ ràng người ta thấy một Đại hội hoành tráng như vậy và tổ chức rất tốn kém, thậm chí tỉnh Gia Lai chi 1,2 tỷ VNĐ để cho chuyện may cặp đại biểu, tặng đồng hồ thông minh, bút kim loại phục vụ cho đại biểu, rồi tỉnh Tuyên Quang chi 2,2 tỷ VNĐ để mua cặp, rồi tỉnh Quảng Bình chi tiền may quần áo, thế thì tôi hỏi những thứ tiền đó ở đâu ra vậy ?
"Mà có cần thiết là phải cặp da, rồi áo quần cứ phải là cúc của Nhật, vải nhập rồi khóa ngoại v.v…, thế thì những thứ tiền đó đến từ đâu, tôi cho là ngoài chuyện tiền thuế của dân, chúng ta biết là còn có những doanh nghiệp, những tập đoàn của nhà nước họ đóng góp vào đấy.
"Vậy thì câu hỏi là một khi những tập đoàn lớn như vậy đóng góp, thì liệu sau đó họ có chi phối, họ có lũng đoạn, họ có ảnh hưởng gì đến đường lối, chính sách của đảng cầm quyền hay không ? Đó cũng là một câu hỏi mà không thấy ai đặt ra.
"Vấn đề do đó theo tôi không phải chỉ là tiền thuế của dân mà còn có các tập đoàn nữa, và chi phí, tiêu pha như thế, trong lúc cả một dân tộc còn nhiều người đang đói kém như vậy, hàng chục triệu người vẫn còn đang phải chạy ăn từng bữa, thì điều ấy là thế nào ?".
Còn từ Hà Nội, ngay trước cuộc Bàn tròn hội luận, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas - Singapore) chia sẻ với BBC quan sát của mình về Hội nghị Trung ương 13 đang diễn ra.
Ông nói : "Kết quả Hội nghị Trung ương 13 thì có hai phần, một phần về văn kiện, một phần về nhân sự Ban chấp hành trung ương khóa 13.
"Phần nhân sự, Hội nghị 13 rà soát danh sách 119 ủy viên Ban chấp hành trung ương khóa 12 có thể tái cử và 108 người có thể là ứng cử viên Ban chấp hành trung ương khóa 13, ứng cử lần đầu.
"Phần văn kiện thì không có thay đổi gì về đường lối, tư tưởng, chính trị.
"Và nghe nói đại hội 13 sẽ lùi lại đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2021 ; tức là còn vài tháng nữa để Đảng CSVN đồng thuận về các nhân sự chủ chốt, ví dụ bao nhiêu người quá 65 tuổi có thể làm tiếp và làm chức vụ gì ?"
Nguồn : BBC, 09/10/2020
*********************
Hội nghị Trung ương 13 ‘thống nhất cao’ về công tác nhân sự cho Đại hội XIII
VOA, 09/10/2020
Hôm 9/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị Trung ương 13 đã bỏ biếu biểu quyết đề cử ứng viên cho Ban chấp hành trung ương khóa XIII với "kết quả tốt đẹp", "thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị".
Trang VietnamNet dẫn lời ông Trọng trong bài phát biểu tại bế mạc : "Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Trung ương khóa XII tái cử và nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia Ban chấp hành trung ương khóa XIII…Kết quả rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị".
Lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh rằng quá trình giới thiệu nhân sự này được thực hiện "khách quan, công tâm". Tuy nhiên, số lượng và chi tiết danh tính của các ứng viên không được ông Trọng hay truyền thông Việt Nam tiết lộ.
Trước đó, Hội nghị 12 vào tháng 5/2020 đã thống nhất số Ủy viên Bộ Chính trị khóa mới gồm 17-19 người, số Ủy viên Trung ương là 200 người, gồm 180 chính thức và 20 dự khuyết (giống khóa XII). Tại Hội nghị 13, số Ủy viên Trung ương tổng cộng dự kiến nâng lên đến 227 người.
Nhân sự cho Đại hội Đảng XIII, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021, luôn là đề tài được người dân và truyền thông trong và ngoài nước quan tâm. Vấn đề nhân sự này được Bộ Chính trị chuẩn bị từ năm 2017 bằng việc ban hành Quy định 90 về khung tiêu chuẩn, và Hội nghị Trung ương lần thứ 8 vào tháng 10/2018 về việc thành lập các Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban văn kiện.
Nhận định về ứng viên tiền năng cho chức Tổng bí thư, ông Cù Huy Hà Vũ viết cho VOA : "Trần Quốc Vượng, một người được dư luận đánh giá là "sạch sẽ" và hơn thế nữa, đã và đang nắm những cương vị "nội chính" chủ chốt cả trong Nhà nước lẫn trong Đảng, không chỉ trở thành người kế vị tất yếu mà còn là lựa chọn tối ưu của Tổng bí thư Trọng.
Theo các nhà quan sát trả lời phỏng vấn VOA, ngoài ông Trần Quốc Vượng, những tên tuổi được xem là sáng giá nhất và được nêu ra gồm các ông Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Lương Cường, Phan Đình Trạc và bà Trương Thị Mai.
Trước khi diễn ra Hội nghị 13, báo Công an Nhân dân đăng bài cảnh báo rằng "các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, tung tin sai trái, bịa đặt. Một trong những thủ đoạn nguy hiểm, thu hút sự chú ý của nhiều người là xuyên tạc công tác nhân sự, cán bộ của Đảng để chống phá".
Trong tuần này, giữa lúc Hội nghị Trung ương 13 đang diễn ra ở Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được bổ nhiệm quay trở lại chức thứ trưởng Bộ Xây dựng mà ông đã nắm giữ vào năm 2011.
Với việc "thuyên chuyển công tác" này, giới quan sát tin rằng dường như khả năng ông Nghị được bầu lại trong Ban chấp hành Trung ương sắp tới cũng không cao.