Đọc những con số choáng váng bên dưới tôi cứ ngỡ như tiền của chúng ta là lá mít, nói là Bộ này ngành kia ông nọ sẽ giải quyết khối nợ khổng lồ này nhưng thật ra đấy là tiền của bà con chứ họ móc đâu ra đồng nào đâu…
Bài báo "12 đại dự án ngành công thương ôm nợ hơn 63.000 tỉ, lỗ hơn 26.300 tỉ" đăng trên tờ Tuổi Trẻ số phát hành ngày 08/10/2020 (*) cho biết, theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương có tổng tài sản là hơn 59.000 tỉ đồng, nhưng âm vốn chủ sở hữu lên tới 7.264,61 tỉ đồng.
Tổng số nợ phải trả của các dự án/doanh nghiệp này là 63.308,82 (sáu mươi ba ngàn ba trăm lẻ tám phẩy tám hai) tỉ đồng và còn lỗ lũy kế là 26.360,88 (hai mươi sáu ngàn ba trăm sáu mươi phẩy tám tám) tỉ đồng !?
Người dân Việt Nam đang phải gánh khối di sản nặng nề như khối u này không biết bao giờ ‘cắt bỏ’ được, còn tiền của chúng ta, thú thật cá nhân người viết chẳng mấy hi vọng nó quay về với nhân dân ! Hay là bắt chước anh bộ trưởng Thể của "trạm thu giá" và mới đây "xe buýt" thành "xe khách đường phố" – để đổi tên "thua lỗ trầm trọng", thành "có lỗ có lời có hiệu quả nhưng hiện nay mới được 1/3 quy trình là có lỗ" ! Cụm từ này loáng thoáng nghe có vẻ đỡ u ám hơn…
Một nhà báo chuyên viết về kinh tế hiện đã nghỉ hưu, bình luận vụ việc "có lỗ có lời có hiệu quả nhưng hiện nay mới được 1/3 quy trình là có lỗ", như sau :
Đừng vội quy lỗi ở đây là các lãnh đạo doanh nghiệp tại 12 dự án đó là bất tài. Nên nhớ lãnh đạo của "12 đại dự án ngành công thương ôm nợ hơn 63.000 tỉ, lỗ hơn 26.300 tỉ" đều là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Mà đảng viên thì trước tiên phải nghiêm chỉnh thực thi các yêu cầu của nghị quyết đảng.
Đảng đã một mực yêu cầu phải tuân thủ "tôn chỉ – mục đích" ở mọi hoạt động làm ăn là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", thì giờ việc 12 đại dự án ngành công thương ôm nợ hơn 63.000 tỉ, lỗ hơn 26.300 tỉ cần xem xét từ hệ lụy của nền kinh tế định hướng này.
Báo chí cũng không nằm ngoài cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" đó.
Tương tự, mới đây Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/12/2020, buộc rằng những nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác, thì cá nhân nhà báo đó sẽ bị xử phạt hành chính. Tổng biên tập tờ báo nào mà dung dưỡng những nhà báo sai phạm khi hành nghề ở các lãnh vực "không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí" cũng sẽ bị phạt hành chính với số tiền có thể lên đến 100 triệu đồng ; và có thể tờ báo đó bị tước giấy phép có thời hạn.
Quy định về "tôn chỉ – mục đích" kiểu trên với báo chí là tương tự của kinh doanh theo yêu cầu "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Nôm na là tờ báo Tuổi Trẻ hiện có chủ quản là Thành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nên xét theo loại giấy phép báo chí ở Việt Nam, Tuổi Trẻ là báo loại ba : nghĩa là vừa là báo ngành (của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) vừa của địa phương (Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh).
Giờ nếu buộc phải răm rắp theo "tôn chỉ – mục đích", chắc chắn sẽ khiến tờ báo Tuổi Trẻ không còn đúng theo các đánh giá và nghiên cứu thị trường của các công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực này trên thị trường Việt Nam như TNS, AcNielsen… Họ đều đánh giá Tuổi Trẻ nhật báo có thứ hạng cao tại Việt Nam bởi tính đa dạng và đa chiều thông tin ; đặc biệt ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và phía Nam ; vốn là thị trường quảng cáo quan trọng nhất.
Lâu nay vì vướng "tôn chỉ – mục đích", nên mâu thuẫn giữa tầm vóc của báo và một cơ quan chủ quản báo chí thuộc loại cấp thấp nhất trong các cấp có thể xuất bản báo chí, chính là một cản ngại thuộc loại lớn nhất trên con đường phát triển của Tuổi Trẻ suốt từ khi nó ra đời…
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 10/10/2020
Chú thích :
(*)https://tuoitre.vn/12-dai-du-an-nganh-cong-thuong-om-no-hon-63-000-ti-lo-hon-26-300-ti-20201008163459513.htm