Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/10/2020

Xuất khẩu sang Châu Âu : phải hiểu luật chơi

RFA tiếng Việt

Doanh nghiệp Việt chưa hiểu hết về EVFTA, làm sao thúc đẩy xuất khẩu sang Châu Âu ?

RFA, 16/10/2020

Nhiều doanh nghiệp Việt chưa biết EVFTA là gì ?

Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) được Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) chính thức ký kết vào ngày 30/6/2019 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

xk1

EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khoảng 21%/năm trong khoảng 10 năm đầu, cao hơn từ 4-6% so với khi chưa có EVFTA.

EVFTA được đánh giá là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo ước tính của Bộ Công thương, EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khoảng 21%/năm trong khoảng 10 năm đầu, cao hơn từ 4-6% so với khi chưa có EVFTA. Và, việc thực thi EVFTA dự kiến sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 85 tỷ USD vào năm 2020 và đạt 220 tỷ USD vào năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, tại Hội nghị trực tuyến vào sáng ngày 6/8 vừa qua, tuyên bố rằng

Tuy nhiên mới đây nhất trong Hội thảo phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai hiệp định EVFTA đối với nông sản, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8/10, ông Vũ Cường - Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, thuộc Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết nhiều doanh nghiệp trong nước không biết, hoặc lần đầu nghe nói tới Hiệp định EVFTA kể cả các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vào tối hôm 15/10 lên tiếng với RFA về ghi nhận của ông đối với thông tin vừa nêu.

"Thật sự thì nhiều doanh nghiệp đã biết đến Hiệp định EVFTA cũng như các quy định trong hiệp định này. Nói rằng nhiều doanh nghiệp chưa biết đến thì không đúng. Nhưng tôi không biết mức độ họ biết được về EVFTA là bao nhiêu. Bởi vì hiệp định này rất là phức tạp. Ngay cả bản thân tôi cũng chưa đọc hết toàn bộ hiệp định mà chỉ đọc qua các điểm chung thôi để biết về những điều khoản cũng như hiệp định quy định về nguyên tắc xuất xứ… Nhưng đọc hết mấy trăm trang nguyên bản Hiệp định EVFTA thì tôi cũng chưa đọc hết. Thành ra tôi không rõ các doanh nghiệp biết về EVFTA đến chừng nào".

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức những hội thảo với các hiệp hội của doanh nghiệp cùng nhiều doanh nghiệp tham gia để thảo luận liên quan Hiệp định EVFTA. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng tham gia ở các hội thảo đó và ông nhận định rằng các thông tin về EVFTA đang dần dần thẩm thấu vào nền kinh tế Việt Nam, nhưng số liệu cụ thể bao nhiêu doanh nghiệp biết và biết sâu như thế nào thì chưa thống kê được.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi tháng 7, dẫn lời của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ghi nhận phản ánh có hơn 70% đến 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ không biết gì về các thông tin cơ bản trong Hiệp định EVFTA.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, tại Hội nghị "Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA : Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19", cũng phát biểu rằng ông lo ngại tình trạng các doanh nghiệp thờ ơ với EVFTA vì đa số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu bị thụ động trong việc chờ khách hàng và chờ hàng về để nhận nên không quan tâm đến thuế bên ngoài.

Ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia về EVFTA

Truyền thông Nhà nước Việt Nam cũng ghi nhận các ý kiến của giới chuyên gia lẫn doanh nghiệp góp ý và đề xuất các phương thức nhằm thực hiện EVFTA một cách hiệu quả nhất.

Một trong những lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ EVFTA là hầu hết các ngành hàng đều sẽ được hưởng lợi từ EVFTA. Trong đó nhóm ngành tiêu dùng như dệt may, da giày, nông thủy sản sẽ có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu do được ưu đãi hơn bằng việc cắt giảm thuế sâu, cơ bản là sau 7 năm thực thi thì tất cả các dòng thuế đều về 0%.

Mặc dù vậy, đó cũng là một thách thức lớn cho Việt Nam qua các điều kiện ràng buộc về sản phẩm phải chứng minh được là sản xuất ở Việt Nam.

xk2

Các điều kiện ràng buộc về sản phẩm phải chứng minh được là sản xuất ở Việt Nam.

Đài RFA được dịp trao đổi với một doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan ngành dệt may xuất khẩu và được nghe chia sẻ :

"Ở trong nước có sản xuất vải, nghĩa là nhập sợi và nguyên vật liệu từ Trung Quốc về để sản xuất ở Việt Nam nhưng giá thành tính ra vẫn cao hơn giá thành nhập vải trực tiếp từ Trung Quốc về. Tôi chưa nói đến khâu sản xuất nguyên vật liệu. Hiện nguyên vật liệu cũng chưa hề có và bây giờ mà đầu tư vào thì sẽ mất rất nhiều thời gian, tại vì trước giờ nhập về từ Trung Quốc rất rẻ và cũng phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều quá. Cho nên, nếu doanh nghiệp ở Việt Nam đầu tư vào thì bao giờ mới cạnh tranh được, trong khi mọi thứ có sẵn ở Trung Quốc".

Trong khi đó, mặt hàng dệt may và gia giày là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Châu Âu.

Báo giới trong nước dẫn lời ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội da giày Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết cho biết trong khoảng 2 năm qua, kim ngạch xuất khẩu giày dép vào EU có xu hướng gia tăng và chiếm khoảng 38% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh việc thực thi EVFTA là cơ hội lớn cho việc đẩy mạnh ngành da giày xuất khẩu, tăng thị phần tại thị trường EU.

Thế nhưng, ông Khánh xác nhận thách thức lớn nhất của ngành da giày hiện nay là thiếu nguyên liệu trong nước và nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia.

Theo ý kiến của Giám đốc Công ty ETEC, ông Nguyễn Viết Toàn, thì EVFTA có ý nghĩa đặc biệt với các doanh nghiệp Việt, bởi do việc thực thi EVFTA cũng như các FTA thế hệ mới khác chính là cơ hội để Việt Nam cải thiện và thay đổi một cách kịp thời đối với những quy định về mặt luật pháp và thể chế. Từ đó thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ đồng quan điểm với ý kiến của Giám đốc Công ty ETEC :

"Đúng là Hiệp định EVFTA bắt buộc Việt Nam phải có sự cải tổ rất nhiều từ mặt luật pháp cho đến các vấn đề thương mại với Liên Hiệp Châu Âu. Đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi. Hiệp định EVFTA đòi hỏi rất nhiều phương thức sản xuất mới, cách bán hàng và tất cả các vấn đề về lao động và công đoàn, rồi rất nhiều những vấn đề không chỉ liên quan đến xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu mà nó đòi hỏi phải có sự cải tổ mạnh mẽ, mà ở Việt Nam gọi là về mặt thể chế kinh tế. Đúng là cơ hội cho Việt Nam thay đổi".

Báo giới quốc nội ghi nhận ý kiến của giới doanh nghiệp trong nước kỳ vọng EVFTA không chỉ hỗ trợ gia tăng xuất khẩu mà còn thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và tạo sức hút đầu tư vào kinh tế nội địa.

Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hỗ trợ

Cộng đồng doanh nghiệp Việt bày tỏ mong muốn Nhà nước Việt Nam có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI vào sản xuất nguyên phụ liệu. Đặc biệt, phải có cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với doanh nghiệp may mặc tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Giới doanh nghiệp cho rằng đây là cách để giải quyết nút thắt về nguồn nguyên liệu và nguồn gốc sản xuất sản phẩm để xuất khẩu sang Châu Âu.

Song song đó, giới doanh nghiệp cũng yêu cầu Chính phủ Hà Nội nhanh chóng thay đổi cơ chế kinh tế để tạo đà cho doanh nghiệp được thuận lợi trong việc tận dụng EVFTA và các FTA thế hệ mới.

Bà Thanh Nguyễn, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA về điều cần thiết mà giới doanh nghiệp cần nhà nước hỗ trợ trong bối cảnh hiện tại bị tác động bởi dịch Covid-19.

"Doanh nghiệp chỉ mong nhà nước cần cân nhắc lại về chính sách thuế để cho những doanh nghiệp gặp khó khăn để họ còn có thể xoay vòng nguồn vốn hoặc những hỗ trợ từ ngân hàng để doanh nghiệp có thể vay và những gói kích cầu như kết nối thương mại với các nước, kích cầu xuất khẩu… để hỗ trợ xúc tiến thương mại tốt hơn nhằm giúp cho doanh nghiệp kết nối với thế giới để buôn bán lại tốt hơn".

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng nêu lên quan điểm của ông :

"Những doanh nghiệp cũng đòi hỏi Chính phủ cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Riêng tôi cũng gián tiếp đòi hỏi Chính phủ đặc biệt cần có gói hỗ trợ trong lúc này là lúc mà nhiều doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh. Chính phủ cần có các gói hỗ trợ về tài chính hữu hiệu hơn. Còn 4 gói Chính phủ đưa ra hiện tại thì mới chỉ giải ngân có một phần thôi và nhiều doanh nghiệp cho biết là họ không tiếp cận được. Cho nên, Chính phủ phải có những gói hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp tồn tại trong lúc này, nhất là những doanh nghiệp làm ăn với Liên Hiệp Châu Âu".

Về phía doanh nghiệp, Chính phủ và giới chuyên gia kêu gọi doanh nghiệp phải chủ động để thích ứng với các yêu cầu của EVFTA. Do đó, mỗi doanh nghiệp phải tự thân vận động, nâng cao trình độ quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới sản xuất minh bạch, đổi mới công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định ; đồng thời, nâng cao trình độ, nhận thức của người lao động trong hợp tác kinh tế quốc tế.

Một chủ một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, không muốn nêu tên từng lên tiếng với RFA rằng :

"Người Việt Nam thông minh lắm và sáng tạo lắm luôn. Nhưng Chính phủ Việt Nam không biết tận dụng. Nói thật là phải đi từ Chính phủ đi xuống, phải nhìn thấy mình yếu ở đâu, phải xử lý chỗ nào, phải đi trước và phải mạnh mẽ lên".

Ông Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ví von rằng Việt Nam tự tin thông xe trên xa lộ EVFTA. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bày tỏ với RFA rằng EVFTA là một phương tiện cho doanh nghiệp Việt Nam "cất cánh" nhưng còn phải chờ Chính phủ mở lộ trình đường băng cho họ.

EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt hơn 56 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 42 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt xấp xỉ 15 tỷ USD.

Nguồn : RFA, 16/10/2020

***********************

Xuất khẩu thủy sản sang EU dự báo đạt hơn 1 tỷ USD năm 2020

RFA, 16/10/2020

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 16/10 cho hay, sau khi ký hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, tình hình xuất khẩu thủy sản (XKTS) Việt Nam sang EU có hồi phục nhưng dự báo cả năm 2020 tình hình này vẫn giảm 20% khi đạt hơn 1 tỷ USD.

xk3

Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Reuters

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin, dẫn lời ông Lê Thanh Hoà, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tại hội thảo "Phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai hiệp định EVFTA đối với ngành hàng thủy sản" diễn ra tại Cần Thơ.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), Việt Nam hiện có khoảng 579 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU, chiếm 72% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đi các thị trường là khoảng 805 doanh nghiệp. Thủy sản Việt Nam xếp thứ 11 về thị phần tại EU (đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Canada, Singapore và Đài Loan).

EU là thị trường có quy định cao về an toàn thực phẩm trong đó có thủy sản nhập khẩu. Các lô hàng thủy sản Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo có giảm nhưng vẫn gặp khó về yêu cầu trong việc khắc phục thẻ vàng IUU.

Đại diện phòng Phát triển thị trường thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, nhập khẩu thủy sản của EU hàng năm hơn 22 tỷ USD, trong khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chỉ khoảng 1,2 – 1,4 tỷ USD mỗi năm, một tỷ lệ được cho là rất khiêm tốn.

Nguồn : RFA, 16/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 425 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)